0923 457 788 (Hà Nội) | 0962 237 788 (Tp.HCM)
Tuyển dụng26/08/2021 04:42:26 (GMT +7)
Giải B Sách Quốc gia: Điều thú vị chưa biết ở 'Bộ lược khảo văn học'
Tác giả mong muốn bạn đọc đón nhận tác phẩm với tinh thần đối thoại dù cuốn sách được trình bày có tính cách giáo khoa.
Bộ Lược khảo văn học của GS Nguyễn Văn Trung, NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành vừa nhận giải B Sách Quốc gia lần thứ 3. Bộ sách gồm 3 cuốn: Những vấn đề tổng quát; Ngôn ngữ Văn chương và Kịch; Nghiên cứu và Phê bình Văn học.
Theo tác giả Nguyễn Văn Trung, bộ sách được biên soạn chủ đích là nhằm gửi tới những sinh viên bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đại học mà ông phụ trách hướng dẫn về Văn học tổng quát ở trường Đại học Văn khoa để đề nghị với họ một vài vấn đề và thử đưa ra một vài hướng phân tách những vấn đề đó. Ông chia sẻ, phần văn chương nói chung rất quan trọng, như là một nhập đề của văn chương Việt Nam.
Tác giả mong muốn bạn đọc đón nhận tác phẩm với tinh thần đối thoại dù cuốn sách được trình bày có tính cách giáo khoa. |
Trong cuốn Lược khảo văn học - Những vấn đề tổng quát, GS Nguyễn Văn Trung viết: "Trong công tác văn học, có hai nhiệm vụ chính: nghiên cứu khoa học và phê bình nghệ thuật. Nghiên cứu khoa học là việc làm của nhà bác học: chú thích lịch sử, hiệu chỉnh, giải thích điển cố, xác định xuất xứ, ảnh hưởng; việc đó rất cần thiết và quan trọng tuy nhiên chưa phải là phê bình nghệ thuật. Nghĩa là tìm hiểu nghệ thuật trong tác phẩm văn chương và xác định giá trị nghệ thuật đó.
Nhưng phê bình nghệ thuật không phải là chỉ khen hoặc chê như ngòi bút điêu luyện, hình ảnh xác thực, dùng chữ tài tình, cân đối hoặc câu văn không chải chuốt, ý kiến hàm súc, bút pháp giả tạo… Phê bình như thế, thật dễ dàng quá. Trái lại nhiệm vụ phê bình nghệ thuật là phải trình bày tại sao hình ảnh này là xác thực hay lời văn kia đẹp đẹp như thế nào, nghĩa phải khảo sát sự cấu tạo một hình ảnh, cách hình thành một ẩn dụ hay nguồn gốc hiện sinh một bút pháp. Muốn làm được như thế phải hiểu Tâm lý học, Triết học về tưởng tượng sáng tạo, phải biết Ngữ pháp, Thẩm mỹ học… Do đó nếu không có một vốn kiến thức hiện đại về những khoa học liên hệ và hơn nữa còn là căn bản của phê bình, không thể phê bình sâu sắc được".
Ở cuốn Lược khảo văn học – Ngôn ngữ văn chương và Kịch - nội dung cuốn này cũng là kết quả những suy nghĩ tìm kiếm đã được trình bày trong một lớp về văn học ở trường Đại học Văn khoa. Chương đầu bàn về ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ của thơ và tiểu thuyết, hay là vấn đề văn vần văn xuôi. Ngôn ngữ văn chương là một sự kiện ngôn ngữ. Do đó, việc tìm hiểu ngôn ngữ văn chương không thể không dựa trên những khoa học về ngôn ngữ như ngữ học tổng quát, cổ ngữ học, ngữ âm học, ngữ pháp học...
Chương 2 bàn về Kịch. Việc định nghĩa kịch trở thành cần thiết để có căn bản nhận định về những loại kịch mới, như kịch vô tuyến truyền hình, kịch vô tuyến truyền thanh hay tiểu thuyết kịch. Tác giả phân biệt nhạc kịch, tuồng chèo, kịch nói; đồng thời mô tả những yếu tố cấu tạo tác phẩm kịch.
Với Lược khảo văn học – Nghiên cứu và phê bình văn học, tác giả tự nhận mình không phải là nhà phê bình văn học, cũng không phải là nhà nghiên cứu văn học "vì không đủ khả năng", nhưng tác giả muốn tìm hiểu nền tảng của văn học, của công trình nghiên cứu và phê bình văn học.
GS Nguyễn Văn Trung chỉ rõ thực trạng nghiên cứu văn học và nêu ra giải pháp. Ông trình bày những nghi án văn chương chưa được giải quyết, những khó khăn về văn liệu khi phê bình văn học. Trong phê bình văn học, tác giả điểm lại những quan niệm phê bình cũ, những quan điểm phê bình mới, mối quan hệ qua lại giữa ngôn ngữ văn chương và phê bình văn học để rồi kết luận: "Phê bình là một sáng tạo".
GS Nguyễn Văn Trung sinh năm 1930 tại Hà Nam. Ông từng du học ngành Triết học tại Pháp và Bỉ từ năm 1950 đến năm 1955 rồi lấy bằng Tiến sĩ Triết học tại ĐH Louvain (Bỉ) năm 1961. GS Nguyễn Văn Trung đã tham gia giảng dạy Triết học tại Viện ĐH Huế (1957 - 1961), dạy Triết học và Văn chương tại ĐH Văn khoa Sài Gòn (1961 - 1975). Trong thời gian giảng dạy Đại học, ông còn tham gia các hoạt động xã hội, viết sách và viết báo: Chủ trương cho ra đời tạp chí Đại học (Huế), Hành trình, Đất nước; viết bài trên tạp chí Sáng tạo, tạp chí Bách khoa; lập tủ sách “Đạo và đời”… Sau năm 1975, khi thống nhất đất nước, ông tiếp tục nghiên cứu văn hóa và văn học tại TP.HCM. Từ năm 1994, GS Nguyễn Văn Trung sang định cư tại Canada và sinh sống tại đó đến nay. |
Tình Lê
=================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét