Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

' Chuyện cô gái ngồi trên xe lăn "/ T. Vấn -- source: https://t-van.net/?author=1

 T.Vấn: Chuyện cô gái ngồi trên xe lăn

clip_image002

1.

Không ai muốn nhớ những bất hạnh của đời mình. Vì chúng chỉ đem lại một thứ hồi ức buồn bã, tiếc nuối hoặc ân hận.

Nhưng điều ấy lại không đúng với cô gái Việt 26 tuổi hiện đang sống chung với tôi ở một thành phố miền Trung nước Mỹ. Những ngày giữa tháng 5 năm nay, cùng với những người bạn của mình sau 4 năm miệt mài trên ghế nhà trường, cô tiến lên bục để nhận mảnh bằng tốt nghiệp đại học.

Chỉ khác một điều. Những người bạn của cô đi từng bước kiêu hãnh lên khán đài. Còn cô, cô không thể đi, mà ngồi trên chiếc xe lăn quen thuộc từ nhiều năm, tự tay mình điều khiến chiếc xe trên lối đi dành riêng cho người tàn tật. Cũng tư thế đó, cô đưa tay nhận mảnh bằng tốt nghiệp.

Chiếc xe lăn, người bạn thân thiết của cô, đã dạy cô nhiều thứ. Trong đó, đáng kể nhất, là sự tin tưởng vào chính mình để ngày hôm nay cô có mặt giữa buổi lễ tốt nghiệp của trường đại học lớn nhất thành phố.

Để cầm được mảnh bằng tốt nghiệp đại học trong tay, không phải ai cũng may mắn đi qua một đọan đường suôn sẻ. Mỗi người, có thể có những khó khăn riêng của mình. Với cô gái đồng hương 26 tuổi của tôi, đọan đường 4 năm qua là một cố gắng phi thường để vượt lên trên chính sự bất hạnh của mình. Nhờ lòng kiên nhẫn, nhờ sự thương yêu của gia đình, nhờ thái độ tận tụy. Tất cả đến từ chiếc xe lăn. Để giây phút trước khi tự lăn bánh xe lên bục nhận bằng tốt nghiệp, cô nói lên điều suy nghĩ cô ấp ủ từ nhiều năm nay. “Một trong những điều tốt đẹp nhất xẩy đến với đời tôi chính là cái tai nạn (xe) “.

Một hôm, trên đường đi tham dự hội chợ hàng năm ở một thành phố cách nơi gia đình cô sinh sống vài chục dặm, một chiếc xe tải lớn đã húc vào chiếc Van chở gia đình cô. Chiếc Van lăn xuống hố. May mắn cho gia đình cô, không ai bị thương tích đáng kể. Chỉ riêng cô, mặc dù đã cột dây ghế an tòan, nhưng vẫn bị lực húc làm văng ra ngòai xe. Cú văng ấy làm chấn thương cột sống của cô. Năm ấy, cô mới 19 tuổi, đang vừa học vừa chơi tại một trường đại học cộng đồng. Gia đình cô là một gia đình Việt Nam điển hình. Ai cũng siêng năng làm việc, học hành. Chỉ riêng cô cứ như con chim, suốt ngày tung tăng nhẩy múa ca hát, không tha thiết dồn sức cho việc học hành.

Sau tai nạn, cô phải nằm trong bệnh viện một tuần lễ rồi kế tiếp là khỏang một tháng ở viện phục hồi. Lúc này, cô không có lựa chọn nào khác ngòai việc phải học cách tự điều khiển chiếc xe lăn, người bạn thiết thân của cô từ đây, cùng với những việc tự chăm sóc bản thân mình từ chiếc xe lăn. Thời gian này, người ta cho cô uống thuốc an thần.

Rồi cô về nhà, sống với cha mẹ. Trong 3 năm đầu tiên, cô tự khép mình trong 4 bức tường căn nhà, xa lánh tất cả bạn bè, người quen kẻ biết. Cô nghĩ đến một tương lai ảm đạm, chiếc xe lăn là vật bất ly thân, dù cô vẫn hy vọng có một ngày cô có thể sử dụng lại đôi chân của mình. Cô sống trong chán chường, buồn bã, cô đơn, tuyệt vọng.

Dần dà, cũng từ chiếc xe lăn, cô suy nghĩ lại tất cả những gì đã xẩy ra trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Cô học được điều đầu tiên: sự kiên nhẫn. Với sự kiên nhẫn, cô tin rằng mình có thể học làm được nhiều thứ, dù phải ngồi xe lăn.

Kế tiếp, cô học được sự cảm thông với nỗi bất hạnh của người khác. Như cha mẹ cô, gia đình cô đã cảm thông với cô và hết lòng thương yêu cô, trước cũng như sau tai nạn. Nếu cô cứ mãi mãi ngồi xe lăn, không thể làm việc để tự nuôi sống mình, hẳn cha mẹ và gia đình cô cũng sẽ rất vui vẻ lo lắng cho cô suốt đời.

Cô còn học được sự chấp nhận. Có thể cô sẽ không bao giờ đi trên đôi chân của mình được nữa. Đó là một thực tại hầu như khó tránh khỏi. Cô phải học cách chấp nhận thực tại ấy, để từ đó họach định cho đời cô ngày mai. Quả thật, đây là bài học khó nhất. Đó là chưa kể cô phải học cách chấp nhận sự nhẫn tâm vô tình của người đời. Mỗi khi có dịp xuất hiện nơi công cộng, những ánh mắt soi mói nhìn vào cô, chỉ vì cô ngồi trên xe lăn. Hiếu kỳ? hay lòng thương hại dành cho một cô gái trẻ đẹp ngồi trên xe lăn? Cô nghĩ rằng đó là sự độc ác của số phận. Và cô không thể làm gì hơn là chấp nhận, thay vì phản kháng.

Cô học lại bài học về sự siêng năng. Bài học về sự ham thích học hỏi.

2.

clip_image003

Khi cô quyết định quay lại trường học, cô là một con người hòan tòan khác hẳn so với trước đây, thuở cô còn đi trên hai chân mạnh khỏe. Cô siêng năng hơn, nhiệt thành hơn trong nỗ lực học tập của mình.

Giờ thì cô hiểu rằng, kết quả học tập xòang xĩnh mà cô có được trước đây, cũng như thời gian cô tự cô lập mình sau tai nạn xe, tất cả đều do cô lựa chọn. Và đó là những sự lựa chọn lầm lẫn.

Trong cuộc sống, người ta luôn có nhiều cơ hội lựa chọn. Có những lựa chọn đúng và, hiển nhiên, cũng có những lựa chọn sai. Mặt khác, những điều bất hạnh đều có thể xẩy ra, với bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Ở trường hợp của cô, trong tai nạn năm xưa, gia đình cô có thể chết, hoặc thương tật của cô có thể trầm trọng hơn việc gẫy cột sống. Từ ý nghĩ ấy, cô học được một điều. Chúng ta nên vui với những gì hiện đang có, hơn là ngồi tiếc nuối cái đã mất đi. Đôi chân của cô có thể đã mất hòan tòan, nhưng cô vẫn còn một trí óc minh mẫn và đôi tay có thể làm được nhiều việc từ chiếc xe lăn. Có nghĩa là cô vẫn còn nhiều lựa chọn. Cô đã lựa chọn việc siêng năng học tập để đạt được mảnh bằng đại học với điểm tốt nghiệp 3.7, không xòang lắm cho một cô gái ngồi xe lăn.

Tất nhiên, cô không quá ngây thơ để nghĩ rằng, với bằng tốt nghiệp đại học, cô có thể lăn xả vào đời như những người bình thường. Nhưng ít nhất, cô đã có một điểm tựa vững chắc làm bệ phóng. Chẳng phải có nhà bác học nào đó từng nói rằng, hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ có thể nậy được cả quả địa cầu.

3.

Sự thành đạt lớn nhất của cô gái 26 tuổi ngồi trên xe lăn là cô đã vượt qua được trở ngại ở chính bản thân mình.

Trong thực tế, mỗi người khi vượt qua được chặng mốc quan trọng trong đời, như chặng tốt nghiệp đại học chẳng hạn, đều phải vượt qua một chướng ngại nào đó. Có kẻ là đôi mắt mù lòa. Có kẻ là bệnh họan triền miên. Có kẻ là sự dốt đặc về một lọai khả năng, như viết, nói, hoặc tóan v..v..

Cô gái 26 tuổi của chúng ta cũng không là một ngọai lệ.

Vì thế, mỗi một mảnh bằng được trao trong ngày lễ tốt nghiệp, không chỉ đơn thuần là một thành quả từ những số điểm đạt được trong mỗi kỳ thi, trong mỗi nỗ lực nát óc giải một đề bài khó. Nó còn là sự chiến thắng của tinh thần vượt khó, bất kể tinh thần ấy lớn hay nhỏ.

Cô gái ngồi trên xe lăn 26 tuổi của chúng ta cho biết cô sẽ cố tiếp tục học lấy bằng Cao học (Master’s degree) trong ngành học mà cô vừa tốt nghiệp cử nhân: Công tác Xã hội (Social Work).

Cô sẽ trải phần đời còn lại trong công việc giúp đỡ người khác. Nhất là người tàn tật.

Cô hy vọng sẽ có thể chứng minh hùng hồn với những người kém may mắn trong xã hội rằng, chiếc xe lăn, sự tàn tật không bao giờ là một vấn đề.

T.Vấn

(Mùa Tốt Nghiệp 2011

Viết lại, sửa chữa 2021)

Trích: CÕI NGƯỜI, sắp xuất bản


================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét