Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

bài đọc thêm :" vài bài viết đáng nhớ Huỳnh Ái Tông [ 1941- ] " - source: < huynhaitong.blogspot.com>

 


Sunday, July 11, 2021

Những người Mỹ bạn tôi

Gia đình tôi đi định cư ở Mỹ theo diện HO năm 1991. Tôi đi Học tập cải tạo chỉ có 2 năm, 2 tháng, 20 ngày, nhưng tôi được đi diện HO nhiều người không tin như vậy, ngay cả những anh đi HO ở cùng thành phố với tôi.

Có rất nhiều yếu tố để tôi được đi HO, tôi xin nói ngay một là năm 1984 chị tôi cùng gia đình đi Mỹ, trước đó tôi xin đi Pháp do anh tôi bảo lãnh, nhưng về sau anh cho biết là Pháp đã nghèo, đi sang Mỹ tốt hơn và anh ấy nhờ chị tôi bảo lãnh cho tôi đi Mỹ.

Năm 1988, cơ quan ODP của Mỹ gửi thư cho chị tôi báo rằng sẽ phỏng vấn tôi một ngày gần đây, nhưng tôi chờ cho đến năm 1990, có người bảo tôi chờ lâu quá làm đơn khiếu nại gửi sang Bangkok, yêu cầu họ cứu xét, nên tôi làm theo gợi ý nầy và tôi cũng biết đi học tập cải tạo chưa đủ 3 năm sẽ không được đi HO, nên trước đó tôi không hề làm đơn xin đi diện HO, nhưng khi yêu cầu họ cứu xét cho tôi đi theo diện Đoàn tụ (ODP), tôi có nêu lý do là tôi có đi học tập cải tạo 2 năm 2 tháng 20 ngày, sau đó tôi bị quản chế trên 2 năm mới được trả quyền công dân. Tổng cộng như là tôi bị 4 năm. Theo như người bình thường chỉ bị quản chế 6 tháng là được trả quyền công dân. Còn tôi thật ra được về sớm là nhờ một bạn tù giúp tôi, vì bố anh ta nguyên là Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn đang trông coi chúng tôi.

Rồi khi tôi được tạm tha về ngày 16-9-1977, đến ngày 14-10-1977 chưa được 1 tháng, chưa có Hợp Đồng trong tay, tôi được gọi đi làm ở Phòng Thanh Tra Sở Lao Động, do ông Kiến Trúc Sư Nguyễn Hữu Thiện, người chủ trì kiến trúc Thư viện Quốc Gia ở đường Gia Long Sàigòn, Phó Giám Đốc Sở Xây Dựng Tp. HCM, giới thiệu cho tôi đi làm.

Vì tôi đi làm 1 tuần rồi mà chưa có Hợp Đồng trong tay để xin nhập Hộ Khẩu, xin mua gạo theo tiêu chuẩn, nên tôi tìm gặp ông Lâm Tấn Lộc Chánh văn phòng Sở Lao Động, hỏi ông ta về hợp đồng, ông ta vui cười bảo tôi:

- Cháu đã đi làm ở Sở Lao Động là nơi phụ trách về chánh sách, các Sở khác còn phải đem hợp ồng đdến đây duyệt mà ! Đừng lo ! Nhưng để tôi bảo anh Thành Phó Văn Phòng làm Hợp Đồng cho cháu.

Do ông Lộc cho biết như thế, nên sau khi về đủ 6 tháng, đủ tiêu chuẩn xin phục hồi Quyền Công Dân, tôi chẳng thèm gửi đơn xin, vì vậy gần 2 năm sau anh Công an khu vực mang Quyết định phục hồi Quyền Công dân đến nhà giao cho tôi.

Sang đến phi trường Bangkok, làm hồ sơ ký giấy nợ tiền vé máy bay, tôi cũng không quan tâm lắm chỉ biết rằng mình đi máy bay mà không mua vé thì có nợ, nay ký giấy nợ để trả sau. Vậy là tốt rồi. Sang tới Mỹ về chỗ định cư, chị tôi thuê sẵn chung cư cho gia đình tôi ở. Vài ngày sau có một anh người Việt làm cho Hội USCC đến chung cư làm hồ sơ cho gia đình tôi. Anh ta báo cho biết tôi được hưởng quy chế của diện HO, được lãnh tiền Welfare … Lúc đó tôi mới biết mình đi theo diện HO, nhưng trên danh sách chuyến bay, gia đình tôi thuộc danh sách B… đi chung với những người HO6, trong đó chỉ có duy nhất một gia đình thuộc danh sách HO7, do một người phụ nữ đứng tên.

Năm 1994, gia đình tôi đi mua nhà có 3 phòng ngủ, 1 phòng tắm, có đủ phòng khách, phòng ăn, nhà bếp và tầng hầm (basement), có thêm phòng ngủ, phòng sinh hoạt gia đình và một quầy rượu, phía sau nhà có cái Deck. Thời giá lúc đó là 64 ngàn.

Cạnh nhà tôi là cập vợ chồng ông Jack Shanoff và bà vợ Diana, bà Diana người gốc ở Pensylvania. Ông Jack có đời vợ trước, có người con trai đã có gia đình và sinh sống ở New Mexico, tôi chưa từng thấy con trai ông Jack đến thăm ông, nhưng người anh của ông là William Schanoff thỉnh thoảng tới thăm, đôi khi Bill cũng qua nhà thăm tôi, tôi cũng có đến nhà thăm Bill đôi lần, ông đã hưu và sống độc thân.

Jack và Diana luôn luôn giúp đỡ chúng tôi, thấy tôi không biết điều chi anh ta hoặc vợ luôn chỉ dẫn cho tôi. Chẳng hạn như có một lần mưa đá, Jack bảo tôi gọi bảo hiễm báo cho họ đến xem sự hư hỏng mái nhà, sau đó bảo hiểm cho biết bị hư hỏng mấy chỗ, họ sẽ đền tiền để sửa mấy chỗ đó. Jack bảo tôi:

- Anh để tôi giải quyết cho! Không thể sửa chữa mấy chỗ như vậy được !

Rồi Jack gọi điện thoại cho hãng bảo hiểm. Cuối cùng họ bằng lòng trả tiền lợp lại cả 2 mái. Jack lại gọi cho người lợp nhà đến lợp lại nhà cho tôi.

Có khi xe Jack hư vào lúc tuyết đổ nhiều, tôi đưa Jack đi chợ mua thức ăn.

Vài năm sau, Jack bán nhà đi ở chung cư, ở được vài năm vợ chồng Jack di chuyển về New Mexico để ở gần con trai, từ đó Jack và tôi không còn liên lạc nữa.

Trước khi bán nhà, Jack kêu tôi bán rẻ chiếc xe của Jack, tôi bảo tôi không có nhu cầu, hôm sau Jack bảo là cho tôi chiếc xe đó, tôi trả lời cám ơn và lập lại mình không có nhu cầu, hơn nữa tôi không thích xe của Jack cồng kềnh, vài hôm sau Jack bán xe cho người lạ.

Lúc làm ở Công ty, khi thì ở Xưởng, lúc ở văn phòng, nhất là khi làm ở Xưởng, tôi không có bạn Mỹ, chỉ có bạn Việt Nam, Thái hoặc Lào hay Campuchea. Nhưng từ khi về hưu, mỗi ngày đi vào trong Mall để đi bộ thể dục, chúng tôi quen với nhiều người bạn Mỹ, vì họ cũng đi bộ thể dục, gặp nhau, đi song hành, hàn huyên nên trở thành bạn.


Trong số bạn đó có Tom với Bill là đôi bạn thường đi chung với nhau, Tom thì mập còn Bill thì ốm và già hơn Tom. Có hôm Tom nói với tôi:

- Tông ! Bill là nhà sản xuất rượu Bourbon. Hôm nào Bill sẽ cho anh uống vài ly Bourbon.

Rượu Bourbon là loại rượu mạnh làm từ bắp. Đất ở vùng Kentucky tôi thường thấy trồng bắp và đậu nành, họ trồng như thế nầy, năm nay trồng bắp sang năm trồng đậu rồi sang năm tới trồng bắp cứ thay phiên trồng như thế.

Tôi chưa được uống rượu của Bill thì một hôm Tom cho tôi biết Bill đã qua đời rồi!

Năm 2012, tôi đi về Việt Nam trong thời gian bầu cử ở Mỹ, Tom hỏi tôi có muốn đi bầu cử sớm không, tôi cho biết muốn. Thế là sau khi đi bộ thể dục xong, hắn đưa nhà tôi và tôi đến một nơi gần Dowtown của thành phố Louisville, để chúng tôi bầu cử sớm. Tôi nhớ lần đó nhà tôi và tôi mỗi người đều phải điền tờ giấy, trong đó có ghi lý do vì sao đi bầu cử sớm.

Lúc bầu cử xong, trên đường về, Tom ghé ngang một nghĩa địa gần đó, đưa tôi đến một ngôi mộ, hắn cho tôi biết đó là mộ của vợ hắn và bên cạnh đó có một sinh phần với tấm mộ bia tên của Tom, hắn cho tôi biết rồi hắn sẽ được chôn cất tại đây. Sau khi đi Việt Nam về, tôi vẫn đi bộ tập thể dục nhưng không gặp lại Tom, cho đến một hôm tôi đến Kroger mua thức ăn, gặp lại Tom, chúng tôi chào hỏi nhau. Tôi có hỏi nhà Tom ở đâu, hắn cho biết ở gần đó. Rồi từ đó tới nay tôi chưa gặp lại Tom.

Trong số những người bạn Mỹ quen biết khi đi bộ thể dục có John, hắn không đi bộ thể dục, nhưng hàng tuần hắn vào trong Jefferson Mall đó để lau chùi mấy cái máy bán thức ăn, nước uống rồi hắn ngồi ở bàn ăn trò chuyện với những người Mỹ khác. John gặp tôi luôn bắt tay, chào hỏi thân thiện, có hôm nhà tôi không cùng đi với tôi, hắn hỏi thăm tôi: “Vợ anh đâu rồi ? Chị có khỏe không ?”

Thấy hắn đi xe có gắn bản Chiến Binh Việt Nam, tôi hỏi:

- John ! Khi tham chiến Việt Nam. Anh đóng quân ở đâu ?

- Tôi đồn trú ở phía Bắc Sàigòn !

Tôi đoán không phải là Tân Sơn Nhất. Có lẽ ở Long Bình.

Có cặp vợ chồng người Mỹ kia, bà vợ tên là Barbara. Lúc trò chuyện với nhà tôi, bà ta cho biết thích ăn món chả giò, hình như người Mỹ nào ăn được thức ăn Tàu hay Việt Nam đều thích ăn chả giò. Một hôm nhà tôi hẹn trước rồi chiên khoảng 15 cái chả giò đem cho bà ta.

Mấy hôm sau gặp lại khi đi bộ thể dục bà Barbara dúi vào tay nhà tôi cái Thẻ coffee Starbucks, từ chối cách mấy cũng không được, bà ta cho địa chỉ mời tới nhà chơi. Sau đó, chúng tôi tới nhà bà Barbara vài lần. Hai vợ chồng tiếp đón chúng tôi ân cần. Dần dần hai vợ chồng không còn đi bộ thể dục nữa, chúng tôi cũng không tiện đi ngang ghé thăm.

Việt Nam ta có câu “Xa mặt cách lòng”, lâu ngày không gặp, dần dần quên đi, từ hơn năm nay dịch bệnh, tôi cũng không có đi bộ thể dục ở Jefferson Mall, nên không biết John và những người bạn khác như thế nào ? Vì còn những người bạn khác người Đại Hàn, người Ấn độ gặp nhau chỉ Hello ! Hay vẫy tay chào. Hy vọng họ vẫn an lành để sau mùa dịch còn gặp lại tay bắt, mặt mừng, héllo và vẫy tay chào nhau như ngày nào chưa có dịch Coronavirus Vũ Hán vậy.

866411072021

Monday, July 5, 2021

Nhàn Cư

Trong những ngày gần đây, có thì giờ, tôi đọc lại vài tác phẩm của mình, vài bài viết đã lâu ngày thấy có vài điều thích thú và cũng gợi nhớ chuyện xa xưa.

Tôi nhớ năm nào đó ngồi uống cà phê sáng ở khu Chuồng Bò, gần nhà thờ Ba Chuông, nhà văn Dương Nghiễm Mậu có cho biết nhà văn Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Văn chương Miền Nam. Thời đó là thời gian khoảng đầu thập niên 1960, gần như chưa có người nghiên cứu, khám phá về Văn Học Miền Nam thời trước, người đương thời đang ca tụng về Tự Lực Văn Đoàn, về các nhà văn đương thời như Doãn Quốc Sỹ, Vũ Khắc Khoan, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam … Còn các nhà văn như Bà Tùng Long, Dương Hà, Lê Xuyên là những nhà văn Feuilleton thứ yếu.

Chính nhờ sự nhận xét của Dương Nghiễm Mậu đã giúp tôi tìm hiểu về những nhà văn miền Nam, tôi bắt đầu tìm hiểu và có cảm hứng để viết quyển Văn Học Miền Nam, khảo cứu về các nhà văn miền Nam thời tiền phong.

Những quyển sách về Văn học miền Nam tôi đã viết:

Văn Học Miền Nam (1 quyển)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (7 quyển)
Văn học Quốc Ngữ Thời Sơ Khởi (1 quyển)

Tất cả nhừng sách tôi viết đều có đưa lên Mạng cho mọi người đọc, ai muốn có thể in ra do Lulu.com ấn hành.

Thỉnh thoảng có thì giờ, tôi đọc lại những sách, những bài viết của mình, bài nầy bỗng dưng làm tôi tưởng nhớ đến nhà văn Dương Nghiễm Mậu, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu với những ly cà phê đen ở khu Chuồng Bò cũng có là Lò Heo tại xóm đó.

Mời quý bạn đọc Chương Kết của quyển Báo Chí Nhà Văn Quốc Ngữ Thời Sơ Khởi:

Trước 1975, phải công nhận văn học miền Nam bị coi thường, bởi vì so với lịch sử dân tộc thì lịch sử miền Nam chỉ mới vài trăm năm, trong khi lịch sử Việt Nam có đến hàng ngàn năm, trong đó mảng văn học Việt Nam có đến cả ngàn năm, nào những Lĩnh Nam Chích Quái, Truyền Kỳ Mạn Lục, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung Oán ngâm khúc…., trong khi miền Nam chỉ có Lục Vân Tiên.

Văn chương là gì ? Hiểu theo ngữ nguyên Văn là vẻ đẹp. Chương là vẻ sáng. Văn chương có nghĩa là vẻ đẹp đẽ sáng sủa của một sáng tác, nhưng những nhà văn sơ khởi ở miền Nam, họ không chủ trương sáng tác những bản văn với lời lẽ bóng bẩy, giọng văn êm dịu. Họ cho biết nghĩ ra làm sao, nói như thế nào thì viết như thế ấy.

Trong nhựt trình Nam kỳ số 1, ngày 11-10-1897, trong bài Lời cùng các người coi nhựt trình ta viết như sau:

V việc chữ nghĩa thì dùng những tiếng tầm thường, không dùng những tiếng cao kỳ, dân sự ít hiểu. Chúng ta có ý nói v đu này, là vì nhựt trình Nam Kỳ thì là để mà rao báo những chuyện có ích cho mọi người đu hiểu, không phải là chuyện cao xa đễ cho một ít người thông minh hiểu biết mà thôi. Những người Annam hay chữ nghĩa đã thông hiểu ý tứ chúng ta, thì biết việc rõ ràng, chẳng câu chấp sự chúng ta dùng những tiếng tầm thường, vì các người ấy đã biết là việc làm ích chung cho mỗi một người ...

Cho nên những nhà văn miền Nam khởi từ Nguyễn Trọng Quản cho đến Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh … văn của họ không đẽo gọt, không quá mượt mà.

Trong hồi ký của nhà văn Bình Nguyên Lộc viết về bà Bút Trà, ông thực lòng khen ngợi khi bà lập tờ báo, chỉ nhằm mục đích chưởi lại những tờ báo đã chưởi bà cho vay nặng lãi, nhưng khi bà ra được tờ Sàigòn Họa Báo, sau đổi tên là Sàigòn Mới , bà không hề chưởi lại họ một chữ nào. Ông đề nghị sẽ cộng tác viết tiểu thuyết cho tờ Sàigòn Mới nhưng bà Bút Trà thẳng thừng từ chối đề nghị của nhà văn Bình Nguyên Lộc với lý do: Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu.  Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu.”.

Có một nhà văn cho biết vào năm 1954, ông ta di cư vào Nam, thấy một người phu xích lô, buổi trưa ghế xe nơi vệ đường có bóng mát, ngồi vào xe, lật tờ báo ra đọc, ông ta hết sức lấy làm lạ, nhưng chắc ông ta còn quên kể thêm, chị bán xôi ở góc ngã tư đường, khi vắng khách kéo tờ báo ở dưới gánh xôi ra đọc.

Đó chỉ là khía cạnh của văn hóa miền Nam, nhờ đó tiểu thuyết feuilleton phát triễn mạnh vào những năm 1930-1970, nhưng chính vì tiểu thuyết feuilleton đã làm cho các nhà phê bình văn học trước kia không để ý đến, có thể họ đã đánh giá chúng không phải là tác phẩm văn chương, mà văn chương vị nghệ thuật hay vị nhân sinh ?

Cho đến nghìn sau dù cho người ta quên hết tất cả những tờ báo ở miền Nam, ở Việt Nam, nhưng không thể nào quên được Gia Định Báo, người ta có thể quên hết các nhà văn Việt Nam nhưng không thể nào quên được Trương Vĩnh Ký nhà văn Miền Nam, nhà văn quốc ngữ tiền phong, và con rể ông cũng là học trò của ông, nhà văn Nguyễn Trọng Quản người viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam.

Mặc dù nhóm Trí Đức Học Xá của Đông Hồ có luyện văn, tuần báo Sống của họ như một thử nghiệm, gặp lúc kinh tế khó khăn hay không được nhiều người ủng hộ, nên chưa đầy năm thì Sống đã chết.

Cho đến nay, văn học miền Nam vẫn còn là mảnh đất trù phú cho những nhà nghiên cứu, những người viết luận án tốt nghiệp sau Đại học, nó cần được khai phá nhiều hơn, để người ta thấy được cái tinh hoa của văn học miền Nam, từ xây dựng nền văn học mới, cho tới kiên cường đấu tranh chống thực dân, hầu mang lại độc lập cho đất nước, ấm no hạnh phúc cho mọi người.


Dương Nghiễm Mậu (1936-1916)


866405072021

Saturday, May 29, 2021

Con Coronavirus đáng ghét.

 Năm ngoái tôi về Việt Nam ăn Tết, bị con Coronavirus nên chảng có đi chơi ở đâu xa, con virus nầy phát xuất từ Vũ Hán, lúc đó tôi lên mạng thấy có những người chết ở bệnh viện, đang đứng ngoài đường chờ xe bus tự dung ngã xuống đường chết. Bác sĩ Vũ Văn Lượng thong báo cho bạn bè của ông, bị nhà cầm quyền cảnh cáo, rồi bác sĩ Lượng bị nhiễm phải nhập viện cuối cùng tử vong.

Hình Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wei Liang)

Dịch bệnh nầy lan truyền qua Nam Hàn, Nhật Bản…Giám Đốc cơ quan WHO không chịu tuyên bố tình trạng nguy hiểm khẩn cấp. Tổng Thống Trump đặt cho nó cái tên là Covid Vũ Hán, còn các nhà khoa học đặt cho nó tên là Covid-19, vì nó phát sinh từ cuối năm 2019.

Trong thời gian sau Tết, tôi vẫn đến nơi đã hẹn để họp mặt với các bạn đồng môn. Tôi thật sự không nhớ lần đầu tôi đến đây khi nào nhưng biết đó là đểm hẹn mỗi sáng Thứ Năm cứ đến quán Sinh tố 88 là gặp các bạn đồng môn Kỹ Thuật Cao Thắng có, Sư Phạm Kỹ Thuật có, Bách Khoa Trung Cấp có, Điện Lực có Xi Măng Hà Tiên có.

Năm 2018, anh Nguyễn Hữn Nhân trước rồi Hồ Ngọc Điển tiếp theo đã rời bỏ cuộc chơi với bạn bè. May mắn là đám tang của 2 anh bạn nầy tôi đều có mặt ở Sàigòn để viếng tang. Tôi không đưa tang anh Nhân vì hôm đó tôi phải về quê, còn Hồ Ngọc Điển tôi đã đưa tận lò thiêu Bình Hưng Hòa. Tôi có cảm xúc ghi lại bài thơ sau đây:

Tưởng nhớ đồng môn

Hồ Ngọc Điển (1942-2018)

 Mất ngày 11-12-2018

Bạn với ta mấy năm cùng lớp
Nơi học đường Cao Thắng thân thương
Rồi cùng vào một mái trường
Cao Đẳng Sư Phạm chuyên môn trau dồi.

 

Mới gặp đó, gần nơi Cầu Trắng
Vui cùng nhau gặp lại bạn chung
Nào là Dưỡng, Lộc, Lợi, Thí, Vinh, Hùng
Thới, Cần, Sĩ, Thạch, Triêm đều đồng môn.

 

Nay bạn bỏ cuộc chơi chưa trọn
Theo bạn Nhân vừa mới ra đi
Rồi đây họp mặt định kỳ
Vắng thêm đôi bạn còn gì cuộc vui.

 

Chúng ta đã già thêm mỗi tuổi
Bạn bè thân lần lượt ra đi
Cuộc đời như giấc chiêm bao
Có ai tránh được, tránh nào được đâu !

 

Thôi thì Tiên cảnh viễn du
Đến từ cát bụi, trở về hư không.

 

Vài hôm nay, tôi xem thấy trên Tin Nhắn  Facebook anh Lương Văn Sĩ gửi ra một đoạn phim một lần họp mặt tại quán Sinh Tố 88.

 

Từ trái sang phải: AA. Đặng Ngọc Lợi, Huỳnh Ái Tông, Vinh, Thạch, Lê Đình Cần, Hồ Ngọc Điển, Nguyễn Xuân Thới, Nguyễn Hùng, Thái Thí, Nguyễn Văn Dưỡng, Nguyễn Đức Lộc, Lê Đức Triêm còn người quay phim Lương Văn Sĩ

Từ nhiều tháng qua có thể là đã 1 năm trôi qua, việc đi lại giữa Mỹ và các nước Á Châu do dịch bệnh không được thông thường, Việt Nam chỉ dành cho những người Việt Nam hồi hương chớ không thể đi du lịch, về Việt Nam bị cách ly có lúc thì 14 ngày, có lúc thì 7 ngày, có lúc 21 ngày có người ở khách sạn, có người ở cơ sở quân đội. Hình như toàn là tin đồn mà sự thật thì ít có nên khó kiểm chứng cũng như vé máy bay một chiều nào là giá vé 3 ngàn, 5 ngàn, 10 ngàn…

Bạn bè, thân nhân đều trông mong cho dịch bệnh qua mau, giao thông bình thường để đi lại thăm viếng nhau, du lịch. Do không được đi lại làm cho người ta bị tù túng, sinh ra nhiều thứ tệ hại, mà tệ hại nhất là sức khỏe của những người cao niên sẽ giảm sút nhanh chóng.

Covid-19 trên Thế giới

Tính đến 10h16, 29/5/2021 (Tổng cộng có 170.249.228 ca nhiễm)

Nhiễm170.249.228

+125.372

Tử vong3.540.255

+3.086

Khỏi152.287.792

+184.303

https://www.youtube.com/watch?v=tAkdbdrXTgc&t=10s


8664290521




Sunday, May 16, 2021

Sinh nhật của tôi

Hôm qua là ngày Sinh nhật của tôi, sáng sớm cậu con trai tặng quà sinh nhật cho tôi cái Iphone, tôi không biết nó là đời nào, nhìn phía sau cái hộp có ghi Iphơne XR, năm ngoái cậu ta cho tôi cái Samsung, năm trước nữa thì cho tôi cái Computer Dell 24. Bởi vì con tôi biết tôi thích Computer dòng Dell, tôi có cái Dell 10, 15, 17 nên tặng tôi cái Dell 24.

Samsung  Apple

Ngoài những bạn bè, cựu học sinh được Facebook thông báo đã gửi lời chúc mừng sinh nhật đến tôi. Thật là ấm lòng, lại còn có từ Ngân Hàng gửi tới chúc mừng sinh nhật. Vài chục năm trước, khi tôi đi làm  hãng Fabricated Metal, hãng nầy chuyên làm những sản phẩm cung cấp cho hỏa xa, hỏa xa có tổ chức thành hiệp hội hay liên đoàn, họ có Ngân hàng riêng, khuyến khích nhân viên mở tài khoảng chỉ có 5 dollars mà thôi, cuối tuần Công ty trả lương chỉ là tờ giấy báo, khỏi phải đem chi phiếu ra Ngân hàng lãnh tiền.

Có em Lê Tâm cựu học sinh từ Texas gọi điện thoại tới chúc mừng sinh nhật và trò chuyện với tôi về bài viết của tôi được đài phát thanh ở Dallas phát, em ấy tưởng là tôi có cộng tác với đài, tôi phải nói rõ bài viết của tôi ai muốn sử dụng thì cứ sử dụng, cho nên họ lấy làm tài liệu chớ tôi ở xa cách Dallas và hình như tô không có duyên với Dallas, năm 2000 tôi đã mua vé khứ hồi cho 2 vợ chồng đi Dallas dự họp mặt với bạn bè, nhưng giờ chót chúng tôi không đi. Còn phi trường Dallas Fort Worth thỉnh thoảng đi Việt Nam hay Cali, chúng tôi phải chuyển cảnh tại phi trường nầy, nó là phi trường quốc tế, có 4 phi đạo dài song song với nhau, cho nên không ngại chuyện ùn tắc ở phi trường. Nhưng năm 2019, tôi đã bị hủy chuyến bay và phải ngủ qua đêm tại phi trường, do phi cơ đã ra phi đạo rồi, nhưng trời mưa tầm tả lại có thông báo có bão, nên chuyến bay bị hủy.



Phi trường Dalas Fort Worth (DFW) ở Texas

Đặc biệt có ông bạn già Nghi Yên sinh hoạt trong GĐPT, chị Vũ Ngọc Lan vợ của anh bạn HO đã mất, cũng gửi lời chúc sinh nhật cho tôi:

Cô Thanh Mai, bạn làm chung Công Ty Trang Bị Kỹ Thuật, lần nào về Việt Nam, hai vợ chồng cũng mời chúng tôi đi ăn 2, 3 lần, mỗi lần đều giới thiệu một quán Chay mới, đã gửi qua Zalo:

Tại gia đình nhà tôi nấu cho tôi một nồi Phở chay, một Chỏ xôi có đủ muối mè đậu phộng và dừa nạo. Con gái lớn  Việt Nam gọi FaceTime qua chúc mừng, yêu cầu giũ gìn sức khỏe để về thăm con, cháu. Nói với nước mắt không cầm được vì “Nhớ cha, mẹ quá !”

Nhà tôi với con gái mỗi người một thiệp chúc mừng có kèm tấm hình ông Franklin, con dâu cùng gọi điện chúc mừng và 2 đứa cháu nội ngủ dậy trễ, nên chiều mới gọi điện chúc mừng Sinh nhật.

Còn con gái thứ ba vì đi làm, nên hôm nay hẹn sẽ về đưa chúng tôi đi ăn, mừng sinh nhật, sẽ có 2 đứa cháu ngoại đi theo để mừng thọ ông ngoại.

Hôm nay là ngày sinh nhật cháu nội gái, ngày mai sinh nhật con dâu. Tháng nầy đúng là Tháng Sinh Nhật của gia đình tôi. Đầu tháng sinh nhật con gái thứ ba, hôm sau con gái út. Hôm qua tôi, hôm nay cháu nội và ngày mai mẹ nó.

 8664160521






Friday, April 16, 2021

Tô Thùy Yên

 

Đinh Thành Tiên (1938-2019)

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1938 tại Gò Vấp. Cha là chuyên viên phòng thí nghiệm Viện Pasteur, Sài Gòn, sau về công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thuở nhỏ học trung học Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, có ghi danh theo học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở.

Ông bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) trước khi xuất hiện và nổi tiếng trên tạp chí Sáng Tạo. Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng là những người nòng cốt của nhóm Sáng tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960. Ông là người miền Nam duy nhất trong nhóm Sáng tạo.

Cuối năm 1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị. Chức vụ cuối cùng là thiếu tá, trưởng phòng Tâm lý chiến.

Tô Thùy Yên lập gia đình với vợ chánh là bà Huỳnh Diệu Bích, nhưng ông còn có thời gian chung sống và có mấy con với nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị nhà cầm quyền cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo dạng tù nhân chính trị ở Saint Paul, Minnesota rồi sau đó chuyển về sinh sống tại thành phố Houston, tiểu bang Texas cho tới khi ông qua đời.

Ông mất ngày 21 tháng 5 năm 2019 tại Texas. Thọ 81 tuổi.

Tác phẩm

Thơ tuyển (xuất bản ở Đức năm 1994; Minnesota, Hoa Kỳ, 1995)
Thắp Tạ (An Tiêm, Houston, Hoa Kỳ, 2004).

Dịch

Gã nhân tình, bút danh Đình Kinh Hiệt, NXB Trẻ, 1989

Trích thơ:

Cánh đồng con ngựa chuyến tầu

Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.

4-1956

Qua sông

Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu, trời mốc, buồn hôi xưa
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
Vang lên những địa danh huyền hoặc
Mỗi địa danh nồng một xót xa
Giặc đánh lớn - mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên

Tiếp tế khó - đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh...
Sông cái nước men bờ sóng sánh
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng
Áo quan phong quốc kỳ anh liệt
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang
Quê xa không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài, đám lạnh tanh
Thêm một chút gì như hối hả
Người thân chưa khóc ráo thâm tình...

... Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới, u minh tiếng rền
Xuống đò, đời đã bỏ quên...
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời


Nguồn: Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Minesota, 1995

 

Đặng Tiến viết về Tô Thuỳ Yên như sau:

 

Tô Thùy Yên lại là người cầu toàn, trau chuốt câu thơ “Tôi giựt giành đổ máu với tôi/từng chữ một”, do đó câu thơ có lúc hồn nhiên, có lúc cầu kỳ. Thơ cần cảm hứng, nhưng Tô Thùy Yên khổ luyện thi hứng của mình, thành những bài thơ dài; (nhờ ngẫu hứng mà làm được vài ba câu thơ hay thì không khó, nhiều người làm được). Thơ, cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, đòi hỏi những công trình dài hơi, khả năng lao động trí tuệ bền bỉ, rung cảm sâu lắng. Tô Thùy Yên muốn làm thi sĩ thực sự, chứ không chỉ là một tao nhân mặc khách, “ngứa cổ hát chơi”. Và cuối cùng, ông đã là một nhà thơ đích thực, ở tầm cỡ thế giới.

 

866416042021








Thanh Tâm Tuyền

 

Thanh Tâm Tuyền (1936-2006)

Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm. sinh ngày 13 Tháng Ba, 1936, tại Vinh.

Năm 1952 (16 tuổi,) ông đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội.)

Năm 1954, ông hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội. Ông cùng với Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, chủ trương nguyệt san Lửa Việt.

Năm 1955, ông vào Sài Gòn, cùng các bạn làm tờ Dân Chủ. Năm 1956 (20 tuổi), Thanh Tâm Tuyền cho in cuốn sách đầu tay “Tôi Không Còn Cô Độc,” và năm sau “Bếp Lửa” (Văn 1957), hai tác phẩm đánh dấu sự thay đổi diện mạo văn học miền Nam, đến thời đó vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lãng mạn tiền chiến.

Năm 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, 1966 giải ngũ, 1969 tái ngũ, ở trong quân đội đến 1975; cấp bậc cuối cùng là Đại Úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Sau 1975, bị đi tù 7 năm, qua nhiều trại giam khắc nghiệt ngoài Việt Bắc. Thanh Tâm Tuyền ra tù 1982. Sang định cư tại Hoa Kỳ từ Tháng Tư, 1990, theo diện HO, sống ở tiểu bang Minnesota. Ông giữ thái độ gần như ẩn dật.

Thanh Tâm Tuyền mất lúc 11 giờ 30 phút ngày 22 Tháng Ba, 2006, khi mới bước vào tuổi 70.

Các tác phẩm:

Tiểu thuyết:

- Bếp Lửa (NXB Nguyễn Đình Vượng, 1957) 
   - Cát Lầy (Giao Điểm, 1967) 
   - Mù Khơi (1970)
   - Tiếng Động (1970)
   - Một Chủ Nhật Khác (Văn, 1975) 
   - Ung Thư (đăng nhiêu kỳ trên báo Văn, chưa xuất bản)

Truyện Ngắn:

- Khuôn Mặt (Sáng Tạo, 1964) 
   - Dọc Đường (Tân Văn, 1966)

Thơ

- Tôi Không Còn Cô Độc (Người Việt, 1956)
   - Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (Sáng Tạo, 1964)
   - Thơ Ở Đâu Xa (Trầm Khắc Phục xuất bản, California, 1990)

Kịch:

Ba Chị Em (1967)

Phiếm Luận:

Tạp Ghi (1970).

Đặng Tiến viết về Thanh Tâm Tuyền 

Thơ Thanh Tâm Tuyền, tự nó, là một thế giới, và đồng thời một không gian nhìn ra thế giới. Đây là đặc tính của thơ Thanh Tâm Tuyền, ở những nhà thơ khác dù rất hiện đại, cũng không có, hoặc không rõ nét. Ví dụ trong thơ Tô Thuỳ Yên, chủ yếu ta thấy thảm kịch Việt Nam; thơ Lê Đạt chủ yếu phản ánh tâm cảnh người dân châu thổ Sông Hồng; thơ Dương Tường đưa vào nhiều tiếng nước ngoài, thảnh thót giọt mưa dương cầm tím mộng scheherazade, vẫn là cái liếc nhìn ra thế giới, không phải là tầm nhìn sâu thẳm, xâu xé, xoáy vào thân phận làm người, chủ yếu là người nhược tiểu. Nói như vậy, không có ngụ ý rằng thơ Thanh Tâm Tuyền nhẹ tính cách dân tộc. Phân biệt dân tộc với nhân loại là phiến diện: trong thế giới có Việt Nam và trong Việt Nam có thế giới. Trong «Guernica» của Picasso có Bến Tre, trong tranh khắc gỗ đình làng Việt Nam có Picasso. Tôi nói thơ Thanh Tâm Tuyền trong hình thức và nội dung là một bước ngoặt trong nghệ thuật và tâm thức Việt Nam là vậy.

866416042021







Bùi Giáng

Bùi Giáng (1926-1998)

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con đầu của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.

Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu.

Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.

Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.

Tháng 3 năm 1945Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.

Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.

Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê.

Năm 1950, Bùi Giáng cưới vợ, vợ ông là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp ở trường Viên Minh Hội An. Hai vợ chồng được cha mẹ cho mảnh đất ở Trung Phước, Bùi Giáng đã nuôi một bầy dê, ngày tháng rong chơi với đồng cỏ với đàn dê với người vợ trẻ đẹp, nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Nhiều người cho rằng đây là 1 trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ.


Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.

Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.

Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh", trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc.

Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, thọ 72 tuổi, sau một tai nạn té bị chấn thương sọ não, tại bệnh viện Chợ Rẫy phẩu thuật để cứu sống ông, nhưng không thể cứu ông, sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang", Tang lễ của Bùi Giáng được tổ chức tại chùa Vình Nghiêm và sau đó an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức.

Ông đã để lại cho văn học Việt Nam nhiều tác phẩm thơ và dịch thuật giá trị. Sinh thời người ta cho ông là 1 trong 3 dị nhân Miền Nam: Phạm Công Thiện, Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn. Người ta cũng ca tụng Tứ Trụ Thi Ca miền Nam vào thập niên 1970 là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên và Nguyễn Đức Sơn.

Hư Vô Và Vĩnh Viễn

Cũng vô lý như lằn kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh

Buổi trưa đi vào lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành

Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Trời còn đó như tháng ngày lỡ dở
Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình

Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo
Cồn sương đi vào sương lạnh miên man
Bờ bến cũ ngậm ngùi sông nước dạo
Đêm tàn canh khắc ngợi nguyệt gương ngàn

Một lần đứng lên mấy lần ngồi xuống
Ngón trên tay và tóc xõa trên đầu
Tình đếm lại muôn vàn thôi đã uổng
Để bây giờ em có biết nơi đâu

Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng
Hồn hoa cỏ phượng thành Hy Lạp úa
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không

Chiều hôm phố thị

Chiều hôm phố thị
Em ngồi đếm lá bay chơi
Đèn khuya phố thị
Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung

Những lời cũ kỹ
Một trời thu để nhớ nhung
Chuyện đời giản dị
Chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay

Chuyện đời có thế
Nỗi đời em có nhớ không
Em về đây để
Hồng nhan em hẹn hái bông cho đời

Một lần em lại bên người
Giữa ngày tháng bỏ năm trôi bên giòng
Mở hai hàng cỏ long đong
Mở hai môi mở tấm lòng xa xôi

Chiều hôm đếm lá cây rơi
Bên đèn phố thị thương đồi núi xa.

Trần Hoài Nam viết về Bùi Giáng

Văn nghiệp của ông dù trải qua những biến thiên của cuộc sống nhưng nó vẫn vượt qua mọi giới hạn, mọi rào cản của đời sống chính trị xã hội để tồn sinh với cuộc đời. Bởi lẽ, cái làm nên giá trị văn chương của Bùi Giáng không chỉ có ở tài năng của ông mà còn ở tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước. Và theo Trần Hữu Cư cảm hứng “tư cố hương” là một niềm khắc khoải không nguôi trong thơ Bùi Giáng. Vì vậy “Tất cả những gì ông làm trong thơ, viết lách, dịch thuật…v…v… tất cả đều làm một cuộc lên đường tìm lại một “màu hoa trên ngàn”, một “tình yêu quê hương” cho thời hiện tại, thời mà chúng ta đang sống trong nỗi mất quê hương” 

866416042021








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét