Văn Học Nguồn Cội
Thăm Gặp Hoài Khanh – lần đầu, lần cuối
(Gởi Hoàng Kim Oanh và Triều Giang, như một lời xin lỗi)
TRẦN YÊN HÒA
Thuở đó, khoảng thập niên 60, tôi mê thơ Hoài Khanh lắm. Tuổi còn trung học và chập chững bước vào đại học rồi bước vào đời, có lẽ ai cũng có một thời lãng mạn, yêu thơ, yêu nhạc, yêu văn chương…nhất là những bài thơ hay được đăng trên các tạp chí giá trị ở Sài Gòn, như Bách Khoa, Văn, Văn Học, Giữ Thơm Quê Mẹ chẳng hạn. Không biết từ đâu và lúc nào, tôi mê bài thơ Ngồi Lại Bên Cầu của Hoài Khanh quá đổi, có những đoạn có thể nói là thuộc nằm lòng:
Tôi xin trích ra đây toàn bài:
ngồi lại bên cầu
người em gái trở về đây một bận
con đường câm bỗng ánh sáng diệu kỳ
tôi lẫn trốn vì thấy mình không thể
mây của trời rồi gió sẽ mang đi
em – thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
màu cô đơn trên suối tóc la đà
còn gì nữa với mây trời đang trắng
đã vô tình trôi mãi bến sông xa
thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
và cô đơn đã ghi dấu trên tay
chân đã bước trên lối về hoang vắng
còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy
quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ
rồi em lại ra đi như đã đến
dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
Nhất là 2 câu cuối:
ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
Mỗi lần nhắc đến Hoài Khanh là tôi nhớ ngay bài Ngồi lại bên cầu và 2 câu thơ trên (nhớ nhất).
Sau đó tôi biết Hoài Khanh làm nhiều thơ, xuất bản đâu được 5, 6 tập chi đó (kể cả văn xuôi và sách dịch), có những tập, tựa đề đọc lên cũng đã là thơ rồi như: Gió Bấc, Trẻ Nhỏ Đóa Hồng và Dế, Trí Nhớ Hoang Vu Và Khói…
Tôi yêu thơ ông, mê thơ ông dài lâu trong cuộc đời tôi, trải qua từ thời thanh niên, trung niên và nay có thể nói là cao niên, tôi vẫn còn mê thơ ông, nhất là những bài lục bát…thế mà tôi chưa hân hạnh được gặp ông lần nào.
*
Khi qua Mỹ, kết làm bạn văn với nhà thơ Thành Tôn, tôi mới biết thêm về Hoài Khanh, vì Thành Tôn và Hoài Khanh thân nhau trong nhiều năm trước đó. Trong 3, 4 năm trở lại đây, Thành Tôn có kể cho biết, Hoài Khanh bị stroke và hiện nằm dưỡng bịnh tại nhà riêng tại Biên Hòa, Đồng Nai. Biết là biết vậy thôi chứ trong tâm tưởng tôi vẫn nghĩ khó có dịp hạnh ngộ cùng ông, vì ông bị bịnh nằm một chỗ, còn tôi ở nước Mỹ xa xôi, (dù trong tâm tưởng tôi, rất mong gặp được Hoài Khanh một lần, không những Hoài Khanh mà rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác mà tôi khâm phục, mến mộ, họ nay tuổi cũng đã cao rồi mà tôi chưa được gặp).
Rất may cho tôi trong dịp Tết Bính Thân vừa qua, tôi về thăm VN. Trước khi tôi đi, anh Thành Tôn có ngỏ ý, anh biết Hoài Khanh hiện tình trạng sức khỏe rất yếu, hoàn cảnh cũng neo đơn, nên muốn gởi biếu Hoài Khanh ít tiền, nhờ tôi đem về “làm sao trao tận tay cho Hoài Khanh, trước là thăm ông, sau là biết tình hình sức khỏe của ông, thì tốt nhất.”
Tôi nhận tiền của Thành Tôn trao nhưng trong lòng cũng có chút e dè, ngập ngừng, vì chuyến về tôi ngắn ngày quá, mà lại trong dịp Tết. Tôi đã có chương trình sẳn để gặp gỡ gia đình tại 3 nơi, Mỹ Tho, Quán Rường (Tam Kỳ), sau chót mới Sài Gòn. Sài Gòn tôi dành khoảng 5 ngày mà biết bao nhiêu cuộc hẹn hò, thăm viếng, không biết có dịp để đi Biên Hòa thăm Hoài Khanh không đây?
Sài Gòn sau Tết lại trở nên tấp nập quá đổi vì những người về quê ăn Tết đã trở lại làm việc, kèm theo cái nóng, cái bụi bặm…làm tôi nản lòng trong việc di chuyển. Nghĩ đến con đường dài đầy người xe qua lại, Sài Gòn – Biên Hòa làm tôi chán ngán. Tuy nhiên có một ý thức nhỏ trong đầu tôi vẫn luôn luôn thúc giục, phải đi, phải đi…
Hôm gặp anh em bạn văn của tạp chí Quán Văn tại nhà nhà văn Nguyên Minh, (26-2-2016), tôi cố rủ rê để tìm người đồng hành cùng đi thăm Hoài Khanh cho vui, thì ai cũng bảo, ngày mai các bạn phải đi dự đám giỗ nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh ở bên Nhà Bè, nên không đi được. Sau cùng cũng rủ được 2 người là Triều Giang Trần Thanh Ngọc và nhà văn Hoàng Kim Oanh. Hoàng Kim Oanh nói có việc cần gặp Hoài Khanh. Ngày dự định đi sáng 28-2-16. Buổi chiều sẽ về nhà Nguyên Minh “nhậu rượu cần”.
Nhưng khi về nhà người anh, gặp đứa cháu, nó hỏi, chú có định đi chơi đâu không, con chở đi. Tôi nói, sáng chủ nhật sẽ đi Biên Hòa, nó nói, sáng chủ nhật con đi Long Khánh, chú có đi con chở đi luôn, tiện thăm mấy người bà con, họ nghe nói chú về, họ hỏi thăm luôn đấy. Tôi suy nghĩ lung lắm. Nhân dịp này mình có thể đi gặp một số bà con đã lâu không gặp, cũng tiện. Quyết định vậy nên tôi liền gọi điện thoại cho Triều Giang và text cho Hoàng Kim Oanh, xin lỗi là phải đổi chương trình.
Buổi sáng chủ nhật, 6 giờ sáng chúng tôi khởi hành từ Gò Vấp đi Biên Hòa trên chiếc xe gắn máy hiệu Nouvo của người cháu. Tôi được đứa cháu trang bị cho nón bảo hiểm, khẩu trang, đeo kiếng râm đen như một phi hành gia sắp bay vào không gian. Chuyến đi thăm người bạn thơ mà phải trang bị giống như một Kinh Kha mang “con trũy thủ vào đất Tần đầy bất trắc”.
Sau khi ghé quán bún bò ở một con hẽm bên Phú Nhuận, chúng tôi bắt đầu lên đường. “Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn, đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang.” Ở đây không có ngựa phi dập dồn mà có biết cơ man nào là xe. Xe hai bánh, bốn bánh, 8 bánh, 12 bánh chen chúc nhau xuôi ngược, khói bụi bốc lên nghịt trời. May mà có cái khẩu trang che miệng lại chớ không thì đã hít đầy buồng phổi bụi và khói. Còn đoàn hùng binh, chắc là đám người chen chúc lúc nhúc chạy trên đường như đàn kiến, đủ loại người, đủ kích cở, sĩ, nông, công, thương, binh…
Xe chạy ra ngoài Sài Gòn thì đám đông xe cộ có giảm đi chút đỉnh, nhưng vẫn còn nhiều lắm. Nhờ tài lái xe hai bánh đã quen chạy trong thành phố, nên ra đây người cháu chạy thong thả hơn. Tôi cũng nghe có làn gió mát thổi qua mặt. Dĩ nhiên gió mát gì thì mát nhưng vẫn không xua đi nổi cái nóng của khí hậu nhiệt đới, và cái bụi bặm của thành phố quá đông dân cư và xe cộ.
Khoảng 2 giờ sau, chúng tôi đã có mặt trước nhà Hoài Khanh.
Chúng tôi gõ cửa, một người đàn bà ra mở. Hỏi thì đúng là nhà của Hoài Khanh, và chị là con dâu và sau đó là có anh con trai. Cả hai vui vẻ tiếp đón chúng tôi và kể chuyện sơ qua về người thi sĩ này.
Thì ra, cách đây 3 năm, ông ra Đà Nẵng thăm một người bạn, không biết có phải vì vui quá (có uống rượu không?) mà ông bị stroke, phải đưa đi cấp cứu tại bịnh viện Đà Nẵng, sau đó thì đưa về Biên Hòa. Và ông năm suốt hơn 3 năm ở đây, có lúc khỏe thì bà đây xe lăn cho ông đi dạo chơi bên ngoài, rồi lại về lại với chiếc giường.
Tôi ngỏ ý muốn vào thăm phòng Hoài Khanh đang nằm dưỡng bịnh. Người con trai liền dẫn tôi vào phòng trong. Căn phòng rộng nhưng hơi tối mờ mờ. Tôi nhìn vào thấy một chiếc giường rộng, có một người đang nằm trên chiếc nệm mỏng. Người bịnh đắp phủ cái mền lên trùm cả mặt nên tôi chỉ thấy trên giường như có một vật gì đang cọ quậy. Tôi đứng lại gần đầu giường. Người con trai nói: “Ba tôi đó.” rồi anh kêu: “Ba, ba, có người tới thăm.”
Chiếc mền phủ trên người của Hoài Khanh được mở ra với bàn tay run run. Một cái đầu tóc dài và bạc, gương mặt choắt, đôi mắt thì nhắm khít như mở không ra nổi. Một lúc lâu mới có tiếng nói, rất nhỏ: “Ai đó?”. Tôi tự giới thiệu mình: Tôi là…, từ Mỹ về, đến thăm anh.” Tôi định xưng con và gọi ông bằng bác vì nhìn mái tóc bạc phơ của ông. Nhưng lại nghĩ, tình văn nghệ không biên giới, nên tôi gọi là anh. Hoài Khanh thều thào: Tôi có đọc, tôi có biết. Tôi tiếp: Thưa anh, trước khi tôi về, anh Thành Tôn có nhắc đến anh và gởi cho anh một món quà, nên hôm nay tôi đem đến, trước là thăm anh và sau là gởi món quà. Ông lại thì thào: Thành Tôn hả? Trước đây Thành Tôn cùng vợ có ghé thăm. Có Thân Trọng Minh nữa.” Giọng ông yếu lắm nhưng vẫn còn sáng suốt. Giọng nói như bị nghẹt trong cổ họng. Tôi trao tiền cho người con trai và đưa tờ giấy của Thành Tôn có viết mấy dòng: Năm mới gởi thăm Hoài Khanh, chúc anh sức khỏe.” Người con đọc cho ông nghe. Tôi thấy mắt ông chớp chớp như khóc. Có giọt nước mắt lăn xuống gò má đã hóp, nhăn nheo.
Tôi cúi xuống nói thêm với Hoài Khanh, bây giờ cái mền đã trùm kính khuôn mặt ông, nhìn như một đống bùi nhùi, biết cựa quậy.
Tôi nói thực lòng:
– Trước đây tôi có đọc thơ anh nhiều lắm, mê và thích lắm, nhất là những bài trong tập Thân Phận của anh….
Tôi định nói thêm nhiều nữa cho anh vui, nhưng thấy cái mền đắp anh không cựa quậy nữa, tôi lại thôi.
Nhìn anh nằm đây trong căn phòng này, suốt hơn 3 năm như vậy, trông cũng thật não lòng, nhất là với một nhà thơ, với bao suy nghĩ về cuộc đời, về thân phận con người. Chắc anh buồn lắm. Người nhà, vợ con anh đã lo cho anh cũng quá mức rồi, nào vệ sinh thân thể, ăn uống, thay áo quần, tất cả gia đình phải làm, cũng rất tôi nghiệp. Còn anh, thân xác chỉ còn biết cựa quậy trong tấm chăn như thế này đây thôi. Thật là thảm thương cho một kiếp người.
Lúc đó thì bà Hoài Khanh đi chợ về. Tôi chào bà, bà mời tôi lên phòng khách nói chuyện. Tôi dạ, rồi cúi xuống lồng tay vào trong mền, cầm tay anh, cái bàn tay khẳng khiu và rất lạnh. Tôi nói thêm với anh:
– Thôi tôi đến thăm anh chút vậy nhé. Mong anh sớm bình phục, để làm thơ hay cho tôi đọc với chứ.
Chỉ có tiếng ư, ử trong mền. Tôi thả tay anh ra, và chợt thấy mình nói hơi quá, anh yếu lắm rồi, còn sức đâu để làm thơ, còn sức đâu mà viết nữa.
Tôi ra phòng khách nói chuyện với bà Hoài Khanh, bà kể nhiều đến bệnh tình của ông, về những công việc phải chăm sóc ông suốt hơn 3 năm…Những điều mà người vợ phải chịu đựng khi người chồng lâm trọng bịnh. Thật đáng kính phục.
Chúng tôi ra về sau đó. Trên đường đi, tôi nghĩ rất nhiều về thân phận con người, về quy luật của nhà Phật, đời là bể khổ, sinh, lão, bệnh, tử.
Và buồn.
*
Đêm 23.3.16 tại Mỹ, ngồi vào bàn viết. Có một Fb của Hoàng Kim Oanh gởi, báo tin, “Anh TYH ơi! Nguyễn Như Mây vừa báo tin, anh Hoài Khanh đã mất. Anh cho em xin lại số đt gia đình anh ấy với. Cảm ơn anh.”
Đọc tin báo tôi nghe mình như hụt hẫng đi. Mới đó, ngày 28-2.16 tôi còn ghé thăm anh, dù anh đã yếu lắm nhưng tôi nghĩ anh cũng chưa “đi” sớm thế. Nay 23.3.16 anh đã qua đời.
Không biết sau tôi, có người bạn văn nào ghé thăm anh nữa không? Nếu không có, thì chắc tôi là người cuối cùng đến thăm anh và được nói chuyện với anh vài câu. Thế thì tôi cũng hả lòng.
Với tôi, đó là lần đầu tiên và lần cuối cùng tôi được gặp nhà thơ Hoài Khanh mà tôi hằng yêu thích.
*
Lâm Hảo Dũng vừa gởi email cho tôi, kèm theo 2 câu thơ của Hoài Khanh:
Bây giờ tôi hát cho tôi
Và em sẽ hát cho người ta nghe
Nay, tôi xin ghi lại toàn bài, một bài thơ hay:
Giọng Sầu
Tôi về đây nhớ chiều xanh
Con chim nào hót trên cành khô kia
Dòng sông mấy nhánh chia lìa
Đêm thành phố lại trầm mê giọng đồng
Hát đi em mấy mùa đông
Con chim cũng hót trong lồng nhân gian
Con chim nhớ mặt trời tàn
Nhớ sương đầu lá đêm vàng trăng rơi
Bây giờ tôi hát cho tôi
Và em sẽ hát cho người ta nghe
Để đêm nào bước chân về
Cô đơn đường phố lòng nghe rã rời
Giọng kia đã mất trong lời
Hồn kia đã lạc cõi đời điêu linh
Thôi em cứ hát cho mình
Đời quay trái đất vô tình tháng năm
Hoài Khanh
(trong tập thơ “Thân Phận, 1962”
Trần Yên Hòa
(Cali, 6:45 PM, 24.3.16)
===================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét