Nhà báo, nhà hoạt động xã hội
Phó giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Như Phương là người gầy dựng ngành Báo chí, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (KHXH&NV TP.HCM) - một trong ba trung tâm đào tạo cử nhân báo chí lớn nhất trên cả nước. Ngoài vai trò này, ông còn là một cây bút lý luận - phê bình văn học, tác giả của nhiều bài báo về những vấn đề văn hóa và giáo dục.
Cuộc đời người đàn ông trung niên quê gốc Quảng Ngãi này có nhiều ngã rẽ. Thời thanh niên, Huỳnh Như Phương say mê triết học. Tuy nhiên, cột mốc lịch sử 1975 khiến chàng sinh viên năm thứ hai ban Triết, Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, không thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Lý do là tất cả sinh viên ban Triết đều chuyển qua học Ngữ văn theo chủ trương sắp xếp lại một số ngành học trong hệ thống giáo dục sau ngày giải phóng.
tranh: Hoàng Tường |
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại phòng làm việc của ông vào một ngày trung tuần tháng 6. Ông kể:
Cuối năm 1990, tôi trở về nhận lại công tác tại Trường đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Đại học KHXH&NV TP.HCM) sau bốn năm làm nghiên cứu sinh ở Nga. Một năm sau, tôi được bổ nhiệm làm Phó Trưởng khoa Ngữ văn và được giao xây dựng đề án thành lập ngành Báo chí cùng với bốn đồng nghiệp nữa. Qua năm 1992, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường mở lớp báo chí đầu tiên, hệ mở rộng. Đến năm 1994, khoa Ngữ văn đổi tên thành khoa Ngữ văn và Báo chí, còn tôi được bầu làm trưởng khoa.
* Gầy dựng từ con số 0, lại không phải chuyên môn của mình, hẳn rằng ông đã gặp không ít khó khăn?
- Nguyên việc giải quyết những mối quan hệ đã khiến mình mất nhiều thời gian và tâm sức. Với các cấp quản lý, ngoài cơ quan chủ quản là nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ngành Báo chí còn chịu sự chi phối từ các cơ quan tư tưởng, văn hóa.
Quan hệ bề ngang là với các cộng tác viên. Những giáo viên thỉnh giảng chủ yếu đứng lớp các môn nghiệp vụ quan trọng. Do khoa không đủ lực lượng giảng viên, tôi gõ cửa các tòa báo, mời các nhà báo kỳ cựu tham gia giảng dạy. May mắn là tất cả những người mình mời đều rất sẵn lòng. Tuy nhiên, quyết định mời ai lại là một vấn đề đau đầu. Với tôi, họ là những người xả thân. Họ dạy không vì danh, cũng không vì lợi.
Quan hệ thứ ba là với sinh viên. Khác với ngành Ngữ văn, sinh viên báo chí, nhất là những người học hệ mở rộng và tại chức trong những năm đầu tuyển sinh, phần lớn đều là những người có kinh nghiệm, vốn sống và nhất là khả năng phản biện. Có người đã thành danh, có người là trưởng ban, phó tổng biên tập của những tờ báo. Họ đi học để hệ thống hóa lại kiến thức, hoặc cần một cái bằng đúng với chuyên môn của mình. Vậy nên, lúc nào thầy cô nói không thuyết phục là họ phản bác liền.
Sau này, sinh viên tuyển vào hệ chính quy hầu hết cũng đều là những người giỏi. Ngành Báo chí luôn nằm trong tốp những ngành lấy điểm đầu vào rất cao. Suốt hai nhiệm kỳ làm trưởng khoa, tôi chỉ tập trung vào công tác quản lý, nếu có đứng lớp thì chỉ dạy những môn đại cương, chẳng hạn như Mỹ học. Đấy là cách để mình dọn đường, chuẩn bị cho việc lùi về với công việc mà mình yêu thích là lý luận và phê bình văn học.
* Có khi nào ông cảm thấy hối tiếc vì gần mười năm gắn bó với ngành Báo chí?
- Thành thực mà nói, đã có lúc tôi nghĩ giá mà lường hết trước những khó khăn phải vượt qua thì có lẽ tôi đã từ chối. Nhưng công việc góp phần đào tạo ra những nhà báo mang tính tích cực xã hội đem lại cho mình niềm vui. Tôi nghĩ rằng nhà báo, dù ở thời nào cũng vậy, chính là nhà hoạt động xã hội. Nhà báo phải đi trước xã hội một bước. Chính vì lẽ đó mà họ rất dễ bị tổn thương. Thế nhưng, nếu như nhà báo suy đồi về đạo đức thì lại trở thành một mối đe dọa đối với xã hội.
Ở nước ta, các tờ báo đều là cơ quan ngôn luận của một tổ chức, đoàn thể nào đó, vì vậy, mức độ tác động của báo chí đến cộng đồng là rất lớn. Đạo đức nghề nghiệp quan trọng nhất của nhà báo là tôn trọng sự thật. Tức là không nói cái gì mà mình không tin là sự thật. Điều chúng tôi lo ngại nhất là một ít sinh viên của mình, sau khi ra trường, sử dụng ngòi bút để theo đuổi những tham vọng và lợi ích cá nhân, thay vì phục vụ cộng đồng.
Một vấn đề nữa cũng khiến tôi băn khoăn nhiều là sự thiếu khiêm tốn của nhà báo. Thời nào cũng vậy, những người có quyền ăn nói thì thường có điều kiện để đạt tới những quyền lợi khác một cách không chính đáng. Chính điều đó khiến một số sinh viên báo chí ảo tưởng về quyền lực của báo chí, ảo tưởng về ngòi bút của mình. Báo chí chỉ có sức mạnh khi nói lên sự thật. Nhà văn Võ Hồng, một người thầy của tôi, đã nói với tôi như thế này: “Em hãy giữ tất cả những bài báo của mình lại, để mười năm sau đọc lại xem có bài nào khiến mình đỏ mặt không”.
* Ông đã chứng nghiệm được lời thầy của mình dạy?
- Có. Đúng là có những điều khiến mình mắc cỡ vì sự non nớt, ấu trĩ. Người viết báo phải biết sợ. Nghề này có một đặc điểm là không thể che giấu được con người mình. Chữ nghĩa hay dở thế nào là phơi ra hết. Raymond Domenech, người có công với đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp, từng nói đại ý thế này: Từ ngữ có một trọng lượng mà trước đây tôi không ngờ tới.
Tôi vẫn hằng nghĩ từ ngữ phụ thuộc hoàn toàn vào ý tưởng và không quan trọng bằng ý tưởng, hóa ra không phải. Từ ngữ cũng chính là ý tưởng. Trong một bài báo, khi anh ấp úng, tránh né, thì không hẳn là vì anh vụng về. Điều đó nói lên sự rối mù trong quan niệm của anh, hoặc là anh muốn che giấu quan niệm của mình.
* Từ góc độ của một người từng phụ trách đào tạo cử nhân báo chí, đến nay, còn điều gì khiến ông trăn trở?
- Khoa Báo chí và Truyền thông hiện nay “thoát thai” từ khoa Ngữ văn. Dù càng ngày càng được cải tiến nhưng chương trình đào tạo vẫn còn những điểm gần với đào tạo ngữ văn. Văn học và báo chí là hai ngành khác nhau. Chúng ta còn thiếu một đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, nhất là mảng báo hình và báo nói.
Thực tế, một phần tư giảng viên Báo chí hiện nay không được đào tạo đúng chuyên ngành. Giáo trình lạc hậu, phương tiện thực hành thiếu thốn, cơ sở thực tập khó khăn… cũng là những vấn đề cần sớm khắc phục. Cuối cùng, tôi nghĩ những thầy cô dạy nghiệp vụ báo chí nhất thiết phải là những người có kinh nghiệm làm báo. Họ có một lợi thế mà các thầy cô trong khoa không có được, đó là thực tiễn. Điều tôi lo ngại là những người này giờ đã lớn tuổi, khi họ không còn đứng lớp nữa thì sinh viên sẽ bị thiệt thòi.
* Đối với nhiều độc giả, cái tên Huỳnh Như Phương cũng thường gắn với những bài báo thời sự về những vấn đề văn hóa và giáo dục?
- Viết báo là một cách giao tiếp với đời sống. Tôi không câu nệ, sẵn sàng viết bất kỳ điều gì mình cảm thấy thích và có ích, kể cả một ý kiến ngắn về sự tàn phá môi trường hay một mẩu tin về lễ trao học bổng. Đóng cửa ngồi yên trong bốn bức tường cũng khó làm văn học đúng nghĩa, có khi lại trở thành gàn dở.
* Tăng học phí là một vấn đề đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Hiện có hai luồng ý kiến đối lập, một bên cho rằng không nên tăng học phí, một bên thì cho rằng không tăng học phí thì không thể cải thiện được chất lượng đào tạo. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi không đồng ý tăng học phí ở bậc phổ thông, nếu tăng thì chỉ ở bậc trung học phổ thông, và phải tính toán rất kỹ. Giáo dục phổ thông phải được xem là một lĩnh vực phúc lợi xã hội và kinh phí Nhà nước phải gánh vác. Nếu tăng học phí ở bậc phổ thông, chắc chắn số lượng học sinh bỏ học sẽ tăng lên. Ở vùng sâu vùng xa, không chỉ đời sống người giáo viên thiếu thốn, mà người dân cũng rất khổ. Nhưng ở bậc đại học, sớm hay muộn thì cũng phải tăng học phí.
Chưa bao giờ thù lao cho giảng viên thấp như hiện nay. Một giảng viên thỉnh giảng nói với tôi: “Ông Phương ơi, tôi không hiểu tại làm sao, hơn 15 năm qua thù lao dạy học của tôi vẫn y như cũ”. Dạy 30 tiết cho sinh viên chính quy thù lao vẫn chỉ được 1 triệu hai trăm ngàn, trong khi viết một bài báo có nơi cũng trả nhuận bút gần triệu bạc rồi. Ấy là chưa kể yếu tố lạm phát. Mà để soạn ra bài giảng cho 30 tiết đó, phải đầu tư cả năm trời.
Hồi còn làm trưởng khoa, tôi cố gắng cân đối để sinh viên chính quy cũng như sinh viên tại chức đều được học với các thầy cô có uy tín và kinh nghiệm. Thù lao giảng dạy cho đại học và cả sau đại học đều thấp so với thời giá. Chẳng hạn như có những môn học phải mời những giáo sư cao niên. Các thầy đã lớn tuổi, không thể đi xe máy như mình, phải đi taxi, nhưng tiền thù lao thì có khi lại không đủ trả tiền taxi. Vì vậy các thầy sẽ không thể đến lớp. Hậu quả là học trò chịu thiệt thòi.
Chung quanh chuyện tăng học phí, một vấn đề nhiều người vẫn đặt dấu hỏi là ai sẽ được lợi ích lớn nhất từ việc tăng học phí? Có một điều người ta né tránh, không muốn nói thẳng ra, là việc quản lý tài chính. Một vấn đề nữa là tình trạng lãng phí trong giáo dục đại học. Rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được cấp kinh phí rất lớn nhưng nghiệm thu xong thì xếp vào hộc tủ. Những đề tài như vậy không tốn công sức nghiên cứu là mấy, chỉ cần tổng hợp lại những báo cáo kinh tế - xã hội là xong và không tác động gì đến việc nâng cao chất lượng đào tạo.
* Vậy còn vai trò của người quyết định xét duyệt đề tài?
- Đúng. Vấn đề là tính minh bạch.
* Hàng ngày, lật những tờ nhật báo thì thấy rằng nhiều ngành nghề có chuyện về tài chính. Thiếu minh bạch dường như không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục?
- Tôi nghĩ để minh bạch hóa thì cần phải có một cơ chế. Trong giáo dục đại học, phải có một bộ máy độc lập kiểm định và kiểm tra. Ở nhiều nước, Hội đồng nhà trường có vai trò rất quan trọng. Hội đồng đó sẽ có tiếng nói quyết định về việc sử dụng các nguồn thu của trường. Tôi không nghĩ con bệnh giáo dục đã hết thuốc chữa. Vấn đề là có đủ quyết tâm để chữa hay không mà thôi.
* Ngoài công việc đứng trên bục giảng, ông còn được nhiều người nhắc đến với tư cách là một nhà lý luận - phê bình văn học. Ông nghĩ thế nào về tác động của phê bình đối với đời sống xã hội?
- Thập niên 1930, phê bình văn học là một lĩnh vực sôi động, thu hút sự chú ý của dư luận. Người ta tranh cãi về vấn đề này, tác giả nọ, tác phẩm kia. Trong vòng có 15 năm mà phê bình văn học làm bộ mặt văn học và văn hóa biến đổi. Hồi đó những người viết phê bình đều rất trẻ, có thể kể đến một số tên tuổi như Thiếu Sơn, Trương Chính, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế… tuổi mới ngoài đôi mươi nhưng quan niệm của họ rất mới mẻ.
Họ phê bình và tranh luận thẳng thắn, dứt khoát, triệt để. Cách viết ấy bây giờ có thể bị xem là kiêu ngạo, nhưng trong một chừng mực nhất định thì họ rất ý thức về trách nhiệm của mình. Nói cách khác là họ đặt cược tên tuổi của mình vào những điều mình viết.
Báo chí không cởi mở thì phê bình văn học không thể phát triển được. Giống như báo chí, phê bình văn học cũng là một hoạt động xã hội. Vì vậy nên rất dễ đụng chạm. Mặt khác, tính kịp thời cũng là một yếu tố khiến phê bình gần gũi với báo chí. Chẳng hạn, một cuốn sách gây tranh luận, xuất bản từ năm ngoái mà đến bây giờ mới phê bình, sau khi mọi chuyện đã lắng xuống rồi, thì không còn ý nghĩa nữa.
Một bài phê bình đúng mực, công tâm có thể cứu vớt một tài năng. Chính vì vậy nên người làm phê bình phải chấp nhận trả giá. Hiện nay, nhiều người làm phê bình đang lùi dần về tuyến sau, chuyển sang viết những vấn đề muôn thuở của văn học, ít đụng chạm. Theo tôi, chưa bao giờ phê bình văn học ở nước ta nhạt như bây giờ. Người ta làm điểm sách nhiều hơn là phê bình.
* Còn ông thì sao?
- Tôi cũng vậy thôi. Cuốn mới nhất của tôi là Những nguồn cảm hứng trong văn học cũng không đụng chạm mấy đến những hiện tượng và vấn đề nóng bỏng của văn học nên ít được dư luận chú ý. Bây giờ tôi thấy mình có vẻ hợp hơn với loại sách khảo cứu như Trường phái văn học Nga. Những loại sách như vậy may ra có đời sống dài hơn, có thể dùng được nhiều năm cho sinh viên.
Một yếu tố nữa khiến tôi bớt viết phê bình là khuôn khổ hạn hẹp của tờ báo. Tôi viết một bài khoảng hơn ngàn chữ, có ba ý chính thì bị cắt mất ý thứ ba, khoảng vài trăm chữ. Mất ý thứ ba thì ý thứ nhất và thứ hai không còn giá trị nữa…
* Xin phép được cắt ngang. Những tờ báo bày ra sạp đều chịu áp lực phải cân đối thu chi. Người ta sẵn sàng cắt bớt một bài phê bình rất hay để dành chỗ cho một cái tin ảnh về việc một cô ca sĩ bị giật túi xách hay việc một diễn viên nổi tiếng sắp ly dị. Những thông tin đại loại như vậy cũng cần thiết cho một bộ phận độc giả của họ.
- Có lẽ thế. Trước năm 1975, ở miền Nam có những tờ báo chuyên về phê bình, nên tuy bị hạn chế và kiểm soát, những nhà phê bình vẫn có thể tìm cách nói lên ý kiến của họ. Bây giờ, một thành phố hơn tám triệu dân như TP.HCM mà không có lấy một tờ tạp chí chuyên về văn học, thì thật là lạ. Báo văn nghệ cũng khó tìm mua được ở đây.
Việc nhiều nhà phê bình rút lui đã tạo cơ hội cho một kiểu phê bình gọi là “thù tạc” xuất hiện. Nói nôm na là cuốn sách đáng điểm 6, điểm 7 thì dễ dàng nâng lên điểm 8, điểm 9. Ai cũng thích khen cả. Khen không đủ “đô” người ta cũng không thích. Thậm chí có những tình huống mình không làm gì cũng khiến người ta mếch lòng.
Thí dụ, hai ông A và B cùng lúc xuất bản hai cuốn sách. Mình chỉ viết bài về sách của ông A thì có thể bị ông B “lạnh nhạt”, theo kiểu “anh không nhắc đến tôi tức là anh chê sách của tôi”. Mà ông A, ông B thì cùng là bạn bè của mình và thật sự mình đều trân trọng tài năng của cả hai. Chẳng qua chỉ vì vấn đề mà ông B đặt ra chưa đủ gây cảm hứng cho mình bình luận.
* Có thể hiểu là phê bình văn học của chúng ta hiện nay không triệt để. Mà xem ra, yếu tố “không triệt để” đâu chỉ tồn tại trong lĩnh vực phê bình văn học?
- Đúng. Chúng ta không đi đến cùng cái gì hết. Một phần vì lịch sử đất nước ta thường xuyên không yên ổn. Một số người muốn “triệt để” như Phan Khôi thì số phận kết cục đều bi kịch. Năm nay tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo về Phan Khôi. Ông là người hay gây hấn, làm nhiều người khó chịu. Từ trường hợp của Phan Khôi, dẫn đến chuyện phê bình, tôi thấy hiện nay có một số người cũng viết theo kiểu gây hấn, nhưng có khi bản thân họ cũng không tin vào điều mình viết. Bây giờ, dám nói như Phan Khôi cũng không phải dễ.
* Vậy thì ông định làm gì?
- Năm nay tôi 54 tuổi. Cái gì làm được thì đã làm rồi. Cái gì chưa làm thì khó mà làm được. Những năm công tác trước khi về hưu, tôi muốn dồn hết tâm sức cho bộ môn lý luận và phê bình mà mình phụ trách. Bộ môn của tôi còn yếu lắm, hiện nay mới có năm người, trong đó có ba phó giáo sư. Tôi muốn xây dựng được một đội ngũ giỏi, am hiểu về ngoại ngữ. Làm lý luận - phê bình mà không biết ngoại ngữ thì không đi xa được. Giỏi ngoại ngữ để biết mình đang đứng ở đâu, thế giới đã đi tới đâu, để mình không đi lại nữa.
Sau bốn năm học ở Nga, tôi mang về rất nhiều sách. Gần mười năm sau, tôi có dịp qua Pháp tám tháng. Tôi nghĩ rằng nếu mình có cơ hội qua Pháp ngay khi từ Nga trở về thì suy nghĩ, định hướng con đường đi của mình sẽ khác. Có những tài liệu, chỉ nói về khía cạnh này thôi, tôi tìm thấy ở Pháp rất dễ dàng nhưng lại không tìm thấy ở Nga. Đó cũng chính là nguồn tài liệu chủ yếu tôi sử dụng cho cuốn sách lý luận mới xuất bản.
Trong một cuộc gặp với các giáo sư Lê Đình Kỵ, Nguyễn Văn Hạnh, Lê Ngọc Trà,… tôi nói rằng thực sự tôi thấy mình có lỗi. Tôi được đào tạo ở Nga về gần 20 năm rồi, nhưng giáo trình lý luận văn học sử dụng ở trường vẫn chưa hoàn chỉnh, vẫn phải dùng lại những giáo trình cũ do thầy Lê Đình Kỵ biên soạn.
* Việc những nhà lý luận - phê bình lùi về tuyến sau liệu rằng có khiến những thế hệ đi sau chùn bước?
- Không. Tôi đã nhìn thấy được một số người. Ngành này cũng không cần phải quá nhiều người.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
NỔI BẬT
Trực tiếp: Toàn cảnh đường phố TP.HCM trước và sau 0h ngày 23-8
MediaBộ tư lệnh TP.HCM làm lễ xuất quân lúc 23h ngày 22-8
Thời sựTP.HCM, Đồng Nai xuất hiện mưa đá bất thường ở nhiều nơi
Khoa họcĐánh giá thử nghiệm giai đoạn 3a vắc xin Nano Covax: Kết luận 'đang bảo mật'
Sức khỏeUBND TP.HCM chỉ thị khẩn: Yêu cầu giãn cách triệt để tại 312 xã phường
Thời sự
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét