talawas blog
Chuyên mục:
TRẦN HOÀI THƯ – THÁM BÁO
25/10/2010 | 2:58 sáng | 1 phản hồi
Category: Chiến tranh Việt Nam, Sáng tác
Những ngày cuối tháng 12, mưa tầm tã cả núi rừng, lẫn cùng những cơn gió miền núi hú loạn cuồng trên những thân cổ thụ trong rừng già. Sương mù che khuất cả tầm mắt, mãi đến trưa chúng tôi mới nhận ra chút cảnh tượng xung quanh. Những hàng dây leo thả xuống đất, hay quấn chằng chịt trên bãi hoang, mà theo mùa mưa, tranh, cỏ thi nhau mọc cao đến quá đầu người. Ban đêm, chúng tôi phải dựa vào gốc cây để ngủ hay ngả lưng một tí. Thường thường tôi không bao giờ chợp một giấc mà không bị thức dậy bởi những tiếng động khả nghi. Cuối cùng tôi cũng khám phá ra rằng, sinh vật vẫn còn hiện diện trong khu rừng này. Có thể là một con nai, hay một con gấu cũng nên. Tôi đã đọc cuốn Cho cây rừng còn xanh lá của một vị linh mục, tôi không hiểu nếu tác giả là tôi, hay ở vị trí tôi, thì ông sẽ nghĩ thế nào. Với tôi, tôi muốn rừng trụi trốc, tôi muốn một trận núi lửa tự dưng phun lên và từng suối phún thạch chảy lai láng khắp rừng, khắp khe, khắp hang, khắp suối. Có nghĩa là tôi sẽ không còn phải mang con tim đập thình thịch trong bóng tối đen đặc và lạnh buốt của rừng. Đám lính ngủ ngon lành xung quanh. Họ coi chiến tranh như một trò chơi cũng nên. Họ chẳng cần bận tâm gì đến hiện tại. Hay họ nghĩ là tôi, tay toán trưởng toán thám báo đã thay họ và có trách nhiệm bảo vệ họ. Thường những đêm mưa như thế, trong poncho, dựa lưng vào gốc cổ thụ, tôi vẫn thường bị hành hạ bởi lũ sinh vật còn sót lại của rừng. Chiến tranh dù tàn bạo bao nhiêu, B52 dù thả bao nhiêu triệu tấn bom đi nữa, trăm ngàn chuyến bay có đổ xuống thuốc khai quang hơn nữa, cuối cùng những con kiến từ đâu vẫn còn có mặt, vẫn tiếp tục hành hạ tôi cả đêm. Có khi vài con lọt vào trong quần lót, và tha hồ cắn, chích, châm, chọc. Có khi một con vắt nào đó bình yên hút máu để rồi sau đó tôi nghe da tôi hơi rát, vô tình gãi, và tóm ngay thủ phạm. Tôi đã nghiến răng, dùng tay bóp mạnh con vắt, như cố trả thù, như trút hết cơn phẫn nộ. Có khi một cái gì đó khó chịu sau mông để tôi biết rằng có một chú chuột nào đó đã bất kể loài người hung bạo để gặm chơi của lạ. Tôi không thể hiểu tại sao những sinh vật lại có mặt tại một nơi như thế này. Không biết chúng trốn ở đâu sau những trận bom này tiếp đến những trận bom khác. Hình như nơi nào còn lại khí trời là nơi ấy còn sự sống. Sinh vật vẫn tiếp tục được sinh sôi và nảy nở. Trên bãi bom hoang tàn, đá vẫn còn in những dấu vết đen mòn, hay trong những hố bom, cây cối vẫn mọc lên, tươi tốt.
Những sinh vật của rừng, kỳ lạ. Chúng chẳng cần học bài học mưu sinh thoát hiểm. Chúng cũng chẳng cần bận tâm đến tuyệt nòi, tuyệt giống vì B.52 hay thuốc khai quang. Chúng vẫn tìm cách chui rúc ở đâu đấy, hay nhởn nhơ cùng bom đạn của con người. Từng đàn kiến vẫn tiếp tục nối đuôi bò lên thân cây tàn rụi. Từng đàn muỗi vẫn tiếp tục hành hạ chúng tôi. Những con bướm đủ màu sặc sỡ tự dưng lượn vờn trong màu nắng rất dịu của rừng. Tiếng kêu của một con chim lạc loài gọi bạn, hay tiếng hú của loài cầm thú nào đó, trong cõi âm u không thấy cả ánh sáng của mặt trời. Nếu không có những tin tức khốn kiếp từ bên trong rừng sâu hơn, như phòng hai đã báo cáo, thì những chuyến nhảy này chắc là những chuyến phiêu lưu thật kỳ thú.
Trong những lần nhảy xâm nhập, thường thường mỗi chiều tôi đã chọn điểm đứng sẵn, yêu cầu bộ chỉ huy đại đội sửa lại tần số, và giả vờ rút sâu hơn vào rừng hơn, để trời vào tối chúng tôi lại kéo nhau ra. Chỉ có cách đó mới tránh những cặp mắt của địch. Chúng tôi còn giả cả tiếng kêu của loài thú như mật hiệu. Hạ sĩ nhất Nay Lat có biệt tài giả giọng chim cú mèo. Một tiếng kêu báo hiệu toán tiền sát hãy đi chậm. Hai tiếng kêu báo cho cả toán hãy dừng lại. Ba tiếng kêu giục toán phải đi nhanh hơn. Với những thằng nhảy toán như bọn tôi, sự sinh tử kề cận như lưỡi dao kê trên cổ. Chúng tôi phải tùy thuộc vào quyết định của trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng. Nói là lấy tin, báo cáo, dọ thám, thì không đúng. Họ dùng chúng tôi như những con vật thiêu thân cũng nên. Họ ném chúng tôi vào rừng để bảo đảm an ninh cho vòng đai của đơn vị họ. Họ để chúng tôi tự đối phó lấy. Trên nguyên tắc chiến thuật, nếu đụng trận thì lập tức sẽ có quân tiếp cứu, trực thăng yểm trợ bốc chúng tôi, hay phản lực dội bom. Nhưng cái chiến thuật ấy chỉ áp dụng ở đâu đó trên sách vở, hay lý thuyết. Ví dụ như cái chiến thuật nhảy diều hâu mà chúng tôi vừa được huấn luyện tại Sư đoàn một kỵ binh không vận Hoa Kỳ tại An Khê. Không có con mồi nào ngu ngơ giữa rừng già để con diều hâu chụp vồ. Trái lại mồi ở đây đông nghẹt, cuồng tín, xảo quyệt. Đã có bao nhiêu toán phải lâm nạn trước khi trực thăng nhào xuống.
Những ngày cuối tháng 12, người ta lại muốn chúng tôi săn cái tin về một đơn vị miền Bắc mới xâm nhập. Chưa kịp uống hết cốc cà phê trong hội quán, tôi được lệnh lên máy liên lạc với đại đội trưởng. Sau đó, là gặp vị sĩ quan tham mưu. Cũng vẫn là những tin tức. Cũng vẫn là chấm điểm mục tiêu. Phương giác toạ độ. Các đơn vị có mặt trong vùng. Cũng vẫn những lời hứa hẹn. Rồi chiếc xe dodge chở cả toán ra phi trường trực thăng. Người lính truyền tin kiểm soát lại các đặc lệnh, mật mã một lần cuối. Rồi hoàng hôn, con tàu bốc chúng tôi lên đường. Gió lộng vào khoang. Nghĩ gì. Không. Chỉ có bâng khuâng. Chỉ có nỗi buồn đến ứa nước mắt. Cũng vẫn là những chuyến đi. Cô đơn. Người yêu thì không. Cơ nghiệp thì không. Một số không to tướng.
Tim ngực tôi đánh thình thịch. Gai đã làm quần tôi bị rách toẹt và cào đau tôi đến tê điếng. (Loại gai màu đen tuyền, nhỏ như lưỡi câu). Chúng tôi phải tìm đến những bụi gai chó đẻ này mà vạch lối, thay vì đường mòn để tránh những con mắt của địch. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy những tờ giấy truyền đơn chiêu hồi của Tâm Lý chiến nằm vương vãi. Trên trán ngăm đen của Hạ sĩ nhất Y Đao, người tiền sát của toán, thấy li ti những giọt mồ hôi. Hắn vừa bước, vừa dùng dao rừng phạt lối. Thỉnh thoảng hắn quay lại như thầm nói với tôi về nỗi nguy hiểm đang rình rập trước mặt. Tôi nhận ra ánh mắt đầy sợ hãi như con thú bị dồn vào đường cùng. Rồi bỗng nhiên hắn dừng lại, không chịu bước nữa. Cả toán dồn cục, đợi chờ. Phương giác trên địa bàn là 2300, có nghĩa là người ta bắt chúng tôi phải vượt cả một ngọn đồi thấp để qua phía bên kia rừng già. Những người lính đang nhìn tôi. Vâng, tôi biết rõ từ những ánh mắt ấy. Chắc chắn họ sẽ nói: “Đừng ngu dại thiếu úy. Cứ tìm một chỗ nào an toàn. Làm sao người ta biết mình ở đâu.” Tôi cảm thấy tội nghiệp cho chúng và cho ngay cả bản thân tôi. “Khôn thì sống và dại thì chết”. Tôi có thể đem cả toán ra khỏi rừng, tìm một chỗ an toàn, rồi báo cáo láo. Hay tôi có thể dừng lại ở đây, không tiến xa hơn nữa. Tôi không muốn tôi chết giữa lúc mọi người được sống. Dù trong cõi này, chúng tôi đã trở thành những kẻ đi tìm cái chết rồi. Có thể, ngày mai, nơi này sẽ trở thành bình địa, vì người ta tin tưởng không có mặt chúng tôi ở đây. Tôi thương những người lính của tôi. Họ cũng thương tôi. Họ không bao giờ bỏ tôi. Tôi biết. Họ cũng không bao giờ cãi lệnh tôi. Thế mà hôm nay, họ cãi. Họ dừng lại, khựng lại, bất chấp. Hình như họ nghe. Họ linh cảm được một điều bất trắc trong rừng. Mắt họ hoảng sợ. Họ thì thào: “Thiếu úy, thiếu úy có nghe gì không?” Tôi nói tao không nghe gì. Họ nói: “Có tiếng hát.” Tôi cố gắng hết sức. Rõ ràng họ nói đúng. Tiếng hát. Theo gió. Khi dìu dặt. Khi mất. Khi còn. Tiếng hát của người con gái. Vẳng lên ở bên kia bờ suối. Càng lúc, tiếng hát càng cuốn lốc, âm thanh càng bay bổng, để người nghe càng phải lặng cả hồn, để tâm não như tê thiếp. Chúng tôi cùng hướng về tiếng hát, chui rúc lách mình trong những buị cây hay gai rậm lá. Tiếng hát càng lúc càng rõ. Và nhờ ống nhòm tôi có thể nhận ra một cặp trai gái đang ngồi bên nhau trên bờ suối. Người thanh niên trong bộ đồng phục ka ki Nam Định. Và người con gái cũng trong bộ đồ đồng phục lính nữ. Thằng Nga, tên lực lượng nhất, nhìn tôi. Đôi mắt hắn như lờ đục. Hắn muốn thanh toán. Dễ quá mà. Nếu muốn, hai đứa sẽ bò qua bờ suối, ngậm theo dao găm. Rồi hai đứa bất ngờ nhào ra, bịt miệng… Không. Tôi không thể chơi cái trò dã man như vậy. Tôi muốn người thanh niên kia, ít ra, có một giờ phút vĩnh cửu. Hãy cho anh ta được giữ gìn một tiếng hát. Tiếng hát cất lên từ chốn u minh, hoà nhập cùng núi rừng, cùng cây cỏ, cùng gió Hạ Lào, cùng chiến tranh, cùng tuổi trẻ. Tiếng hát như nói lên những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ Việt Nam… Tiếng hát như bạt cả gió, khiến rừng như thể im phăng phắc, lá như thể thôi lay động trên cành. Và ít ra, tôi vẫn còn hiểu rằng, mỗi người đều có trái tim. Và trái tim thì lúc nào cũng sống vĩnh cửu. ./.
TRẦN HOÀI THƯ
Nguồn: Trích Ban Mê Thuột Ngày đầu ngày cuối, tập truyện Trần Hoài Thư, Thư Ấn Quán Hoa Kỳ tái bản 2000.
(viết lại tháng 10-2010)
source : talawas blog
============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét