‘Việt Nam, bi thảm Đông Dương’ phơi bày mặt thật của thực dân Pháp
Chỉ là một vài dữ kiện được Việt Nam, bi thảm Đông Dương trình bày thực tế, mà qua đó bộ mặt thật của thực dân Pháp ở Việt Nam bị lột trần.
Thiên phóng sự điều tra hiện tình Việt Nam thời điểm 1930 của Việt Nam, bi thảm Đông Dương trở thành một tài liệu, chứng cứ lịch sử đáng kể, lại của chính người Pháp thực hiện, góp phần đưa ra những đánh giá, nhận định khách quan từ chính người Pháp đối với nền kinh tế, chính trị, văn hóa và chính sách của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Phơi bày thực chất bộ mặt thực dân Pháp
Rất nhiều những dữ kiện được trình bày trong Việt Nam, bi thảm Đông Dương, ở một mức độ nhất định, đã phơi bày thực chất bản chất bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam thời điểm 1930.
Trong phần “Dân quyền… đời sống cộng đồng”, là bộ mặt thật tàn ác, bóc lột của những tay tư bản Pháp ở Đông Dương đối với thợ thuyền, cu li hay người ở qua những con người cụ thể như Thị Va, bé Hai, tay cai Thérésaux… Chỉ vì một vụ mất cắp nhỏ nhặt, mà bé Hai mới 15 tuổi, đã nhận hình phạt khắc nghiệt, người bị trói vào cột nhà kho, còn Thị Va 17 tuổi, bi kịch hơn: “một người khỏe mạnh to lớn, đá cô bằng đôi giày nặng, rồi đánh vào bụng cô. Cô gái nằm vật ra đất, mắt mở chừng rồi bất động”. Thị Va sau đó trở thành người tàn phế.
Lại ở một nơi khác, tại nhà của tay chủ bến Georger, tên cu li ăn cắp vặt bị trừng phạt, và thực tế thật kinh hoàng: “Hắn bị trói ghì, nằm dài, úp mặt xuống đất. Ông Georges đánh hắn bằng chiếc roi mây lớn. Thổ huyết nội tạng... tên cu li chết sau vài tiếng đồng hồ”. Nạn nhân thì chết, còn thủ phạm chịu hình phạt thích đáng ra sao? Hắn chỉ bị tòa phạt hai năm tù treo vì tội giết người.
Tiếp đến phần “Đoan, thuế, muối, rượu, thuốc phiện…”, chính sách cai trị, bóc lột và vơ vét tận cùng của thực dân Pháp được tác giả gửi đến độc giả, sống động và đầy tính thực tế.
Về rượu, thức uống được nấu vốn đã là truyền thống lâu đời của người Việt, thì thời thực dân Pháp cai trị, thuế rượu được áp đặt để tận thu. Nếu trước đây, việc nấu rượu là lẽ thường, thì nay, nấu rượu tại nhà bị xem là nấu rượu lậu, và khi việc nấu rượu lậu bị chính quyền phát giác, hình phạt dĩ nhiên là tiền. Tiêu thụ rượu của chính quyền, đó mới là hợp pháp, “thuế gián tiếp đánh vào rượu bản xứ, nhìn qua con mắt ngân khố hoàn toàn là lợi tức tốt và chắc chắn”, báo cáo của Thống sứ Bắc Kỳ Simoni đã ghi những lời ấy.
Hay cái thứ gây nghiện độc hại mà người đời tránh xa là thuốc phiện, thì thực dân Pháp lại cho phép lưu hành và thu thuế, trong khi ở chính quốc, cấm tiệt. Nguồn lợi từ "nàng tiên nâu" thật lớn khi chiếm tới 1/4 tổng thu ngân sách Đông Dương, nhưng hậu quả nó gây ra thì thật tai hại, những kẻ nghiện với tinh thần bạc nhược, thiếu sức chiến đấu và luôn lụy vào thứ nhựa cây anh túc này. Không ngạc nhiên khi trong rất nhiều hồi ký, sáng tác văn chương ở Việt Nam dạo ấy, chủ đề về bàn đèn không hề hiếm, và ngay cả văn nhân thi sĩ, nhiều người trong số ấy đã lấy cái thú cô đầu, nằm bàn đèn làm thú tiêu khiển mà không sợ bị người đời chê trách.
Đó chỉ là một vài dữ kiện được Việt Nam, bi thảm Đông Dương trình bày thực tế mà qua đó, bộ mặt thật của thực dân Pháp ở Việt Nam bị lột trần phần nhiều. Không chỉ thế, gương anh hùng của những Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và nhiều nghĩa sĩ Yên Bái, được tác giả thể hiện với sự trân trọng nhất định. Hoạt động của những tổ chức yêu nước như Việt Nam cách mạng thanh niên, Việt Nam quốc dân đảng… cũng xuất hiện trong tác phẩm này.
Cuốn sách người Pháp viết bị thực dân Pháp cấm lưu hành, tàng trữ
Tác phẩm Việt Nam, bi thảm Đông Dương (tựa gốc: Viet-Nam, la tragédie indochinoise) của nhà báo viết phóng sự điều tra Louis Roubaud của báo Le Petit Parisien được in lần đầu bản Pháp ngữ năm 1931 tại Pháp sau cuộc điều tra trực tiếp tại Việt Nam của ông.
Khi sách được in ấn, phát hành, báo chí Việt Nam đã nhiệt thành giới thiệu, như báo Trung lập số 6378, ra ngày 27.2.1931 có bài “Giới thiệu sách mới “Việt Nam” của Louis Roubaud” ngay trên trang nhất. Tuy nhiên sau đó, theo lời dịch giả Đường Bá Bổn, sách này bị thực dân Pháp ở Đông Dương cấm lưu hành, tàng trữ. Điều đó cho thấy những dữ liệu của sách, gây bất lợi cho chính quyền thuộc địa khi ấy.
Năm 1963, bản Việt ngữ lần đầu tiên được ra mắt với tên Việt Nam, bi thảm Đông Dương, do Đường Bá Bổn (tức Đỗ Mạnh Tường, người sáng lập NXB Đại Nam Văn Hiến, hoạt động thời gian 1959-1975, quen thuộc với văn giới qua bút danh Thế Phong) thực hiện. Và mới đây, tác phẩm này trở lại với độc giả do NXB Tổng hợp TP.HCM in ấn, phát hành.
Khi giới thiệu tác phẩm này, bài viết trên của báo Trung lập có đoạn: “Từ đầu chí cuối, không có chổ [chỗ] nào mà tác giả tán dương cái công đức của người Pháp ở xứ nầy và mạt sát dân tộc Việt Nam theo những thói thường của những nhà phóng sự khác”. Vậy, thực chất của tác phẩm này như thế nào mà được nhận xét trân trọng như vậy, cũng như sau đó, bị nhà thực dân Pháp cấm lưu hành, tàng trữ?
Xem Việt Nam, bi thảm Đông Dương, dù không phải là một thiên lịch sử của thời gian 1930, nhưng tác phẩm này, đã bao quát hầu hết những nhân vật, sự kiện quan trọng diễn ra trong mốc thời gian mang tính dấu ấn này của lịch sử nước Việt. Đó là cuộc khởi nghĩa Yên Bái, là cuộc ném bom triệt hạ làng Cổ Am; rộng hơn, là những chính sách của thực dân Pháp thực hiện ở Việt Nam như thuế muối, thuế rượu, thuế thuốc phiện; và, cả những con người ngay ở thời điểm đó, đã là một phần của lịch sử như Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính… Những người, những việc khi ấy, được nhìn nhận dưới con mắt tương đối khách quan, tiến bộ của Louis Roubaud. ./.
KHÁN THƯ
báo Thanh Niên (Tp. HCM)
====================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét