Ngọc Tự: Vài cảm nhận khi đọc “Nguyễn Đình Toàn _ Chữ & Người” của Lưu Na
Có một ông nhà văn Nguyễn Đình Toàn như thế.
tạp văn. ngọctự
(Vài cảm nhận khi đọc “Nguyễn Đình Toàn _ Chữ & Người” của Lưu Na)
(nhà xuất bản Viễn Xứ ấn hành tháng 7/2021)
Khi đọc xong trang cuối “Nguyễn Đình Toàn_ Chữ & Người” của Lưu Na và gấp quyển sách lại, đặt ngay ngắn trước mặt mình trên bàn, tôi ngồi lặng thinh hồi lâu. Tôi đã phân vân tự hỏi không biết nên gọi đây là quyển sách thuộc loại nào. Chừng như không hẳn thuộc loại sách nóivề tác giả và tác phẩm, cũng chừng như không phải đơn thuần phân tích, nhận định hay phê bình văn học nghệ thuật. Càng không phải là một quyển sách luận đề hoặc gì đó. Mà có thể như một bao gồm, tổng hợp tất cả những điều ấy cũng nên.
Nhưng việc phân loại tác phẩm này chắc không cần thiết cho lắm, vì rằng dễ nhận ra ngay điều nổi bật nhất, là qua những trang chữ trongtác phẩm của mình, có lẽ tác giả Lưu Na đã cho thấy sự cảm thụ gần như trọn vẹn về nhà văn Nguyễn Đình Toàn, người mà Lưu Na yêu mến và có được sự gần gũi, qua hai góc cạnh: CHỮ của ông trong Văn Thơ Nhạc; và NGƯỜI, cái cốt cách trong tâm hồn ông, đã đi vào cuộc sống và những sáng tác các thể loại của ông như thế nào.
Cái nhan đề tác phẩm đã đặt thật là đắt biết mấy.
Và mỗi phần trong nội dung của quyển sách, không để phân chia chương mục, xếp đặt theo thứ tự cần thiết, mà chỉ bao gồm những đoạn văn rời đầy ngẫu hứng, dài ngắn khác nhau. Dẫu từng đoạn văn ấy có tên gọi riêng, như muốn giới thiệu điều sắp nói, sẽ đề cập đến về văn thơ nhạc, câu chữ, cung bậc, chất liệu, diễn giải những nhân vật và tâm lý, hoàn cảnh… nhưng chỉ như vài que diêm bật lên, vì không có thứ ánh sáng nào khác; và cũng giống mấy cái chìa khóa, để Lưu Na lần mò, mở cánh cửa từng căn phòng vu vơ không rõ nét, quá đỗi bộn bề, lục tìm xem cho biết hình dạng những con Chữ, ngõ hầu từ đó tìm hiểu được về Người;hoặc nhận diện khuôn dáng Người ẩn hiện đâu đó, chung quanh sự xuất hiện của con Chữ. Không biết Chữ đã vận vào Người hay Người đã bị ám vì Chữ, hay có một tương tác luôn thường xuyên nơi ông Nguyễn Đình Toàn, theo Lưu Na.
Người xưa nói Văn tức là người. Văn hào Maxim Gorky cũng quan niệm Văn học là nhân học.
Một nhà văn đúng nghĩa, phải có cách dùng chữ riêng biệt để xác định văn phong của mình. Nhà văn gửi gấm vào sáng tác những tâm tưởng và cách nhìn của mình về từng vấn đề của cuộc sống chung quanh. Văn chương khởi đi từ tâm hồn và soi rọi, phản chiếu tâm hồn nhà văn. Tâm tưởng và nhân cách của một nhà văn sẽ được người đọc nhìn thấy nơi các trang viết của chính nhà văn đó. Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm. Và để có thể hiểu rõ hơn mọi khía cạnh của tác phẩm, đòi hỏi phải hiểu trọn vẹn về con người tác giả.
“Mình chạy hoài theo con chữ để tìm một bóng người”(Lưu Na_trang mở đầu)
Hình như Lưu Na đã đi theo chiều hướng đó khi viết quyển sách này, về một nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ; cái bóng dáng sừng sững, nhân chứng của một thời kỳ văn học nghệ thuật; nay hiếm hoi còn sót lại, cô lẻ giữa những mới mẻ đổi thay liên tục, và mọi thứ cũ xưa ấy cứ nối tiếp nhau đi dần vào quên lãng.
Công việc này, ngoài sự bầy tỏ tâm tình cảm mến của riêng Lưu Na với nhà văn Nguyễn Đình Toàn; còn là sự nhắc nhớ, giới thiệu lại cho nhiều người, ít ra là cần thiết cho thế hệ văn chương hôm nay, và sau này nữa, về một trong những khuôn mặt nhân chứng tiêu biểu cho một giai đoạn văn học có thật nhiều những đẹp đẽ.
Cũng nên biết rằng trước đây (giới hạn trong thời khoảng 1954-4/1975, tại miền Nam Việt Nam) thì mọi thứ trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, cách riêng văn chương chữ nghĩa, đều diễn tiến bình thường. Nhà văn với tác phẩm ấn hành hay viết tiểu thuyết phơi ơ tông, được độc giả yêu mến tìm đọc, vậy thôi. Không có sự ồn ào nào về chính mình. Thỉnh thoảng mới có sự chú ý của người đọc, khi một tác phẩm mới của một tác giả, được giới thiệu cùng với một bài viết trên văn đàn, về tác phẩm và tác giả đó. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn là một trường hợp như thế
Sách viết riêng về một hay vài tác giả đương thời khi ấy cũng thật ít ỏi. Hình như bây giờ ở hải ngoại cũng vậy thì phải. Đấy là điều sẽ rất khó khăn cho thế hệ văn học lớp sau khi muốn tìm hiểu về lớp người cầm bút trước mình.
Khi viết “Nguyễn Đình Toàn_Chữ & Người”, hẳn nhiên Lưu Na đã không có điều kiện đọc được hết các sáng tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, mà chỉ vài thứ còn tìm thấy, cùng với mấy tác phẩm mới và các chương trình văn học nghệ thuật của ông sau này,cũng như tài liệu các loại trong lưu trữ.
Bù lại, cô có được nhiều thuận lợi, như thể đã len lỏi qua được nhiều ngõ ngách kín khuất ở đâu đấy ít người biết, và nhìn thấy, tìm ra nhiều thứ liên quan xa gần đến ông Nguyễn Đình Toàn. Hoặc như rằng nhờ tay nghề và mắt nhìn của một người săn ảnh, nên mới bắt gặp và kịp ghi lại từng khoảnh khắc đáng nhớ nơi này nơi kia.
Trước hết, nói theo cách nào đó, Lưu Na cũng đã ngồi vào vuông chiếu chữ nghĩa. Từ đó cô dễ cảm nhận được mọi vấn đề liên quan đến chữ nghĩa, khi một câu văn được viết, với hoàn cảnh sáng tác của tác giả, nơi từng câu văn, từng tác phẩm.
Rồi do duyên may, Lưu Na lại còn cósự gần gũi, thân tình như người trong nhà từ rất lâu với gia đình nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Nhờ vậy, luôn có nhiều dịp, nhiều thời gian, cơ hội; để quan sát tỉ mỉ mà nhận diện lắm thứ về ông vô cùng tinh tế, đem ra sử dụng cho những liên tưởng, đối chiếu khi cần. Rồi thường xuyên được nghe ông nói và kể, cùng những chia sẻ đủ thứ điều chuyện, trở thành những ghi nhận đặc thù.
Thêm vào đó là sự cất công chú tâm tìm hiểu cặn kẽ mọi thứ có liên quan đếnchân dung thần tượng của mình, từ nhiều nguồn tài liệu, từ những bài viết của nhiều người khác, qua các thời điểm.
Chính từ đấy mà người đọc dễ hiểu và nhìn thấy được sự ân cần thiết tha thật trân trọng, qua từng trang viết chân tình của Lưu Na, có đầy đủ sự đĩnh đạc tự tin vô cùng chững chạc, đàng hoàng. Và đây không phải là một thứ công việc vô bổ, như chỉ nhằm đính kèm tên tuổi mình, ăn theo tên tuổi một người thời danh trong làng văn xóm chữ.
Đây là một công việc đòi hỏi công phu, bền bỉ và khổ nhọc, đã được thực hiện chu tất thật hoàn hảo bằng bút pháp rất riêng, khởi đi từ biết bao mộ mến trong tâm khảm.
Đã từng có nhiều người cùng thời viết về tác phẩm và nhà văn Nguyễn Đình Toàn, bắt đầu từ năm 1962 ở Sài gòn, như bài của ông Tràng Thiên, khi quyển Chị em Hải ra đời. Và rồi trải dài thưa thớt nơi những tháng năm tiếp theo, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn viết về Con đường năm 1965; bài của nhà phê bình văn học Huỳnh Phan Anh về Ngày tháng (1969) vàÁo mơ phai (1974, sau khi tác phẩm đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc 1973). Về thơ Nguyễn Đình Toàn, ngoài nhà văn Mai Thảo trong Chân dung mười lăm nhà thơ Việt Nam sau này; nhà khảo cứu văn học Nguyễn Đình Tuyến đã dành một chương trong quyển Những Nhà Thơ Hôm Nay (1964) để giới thiệu, nhận định về thơ của ông.
Rồi nhiều bài viết về văn chương và hoạt động văn nghệ của ông, trên các trang mạng văn học hải ngoại sau năm 1975 của nhiều tác giả …
Hôm nay có thêm Lưu Na nữa, một tác giả cứ hẵng gọi là trẻ, với hẳn một tác phẩm, đưa ra cách nhìn những góc cạnh một chân dung ngày cũ, bằng những cảm nhận của một người thuộc thế hệ đi sau, bên cạnh từng cảm nhận của những người cùng thời với nhà văn Nguyễn Đình Toàn, và những người khác.
Các góc nhìn cũ mới ấy được Lưu Na chắt lọc, đan xen đưa vào nhiều trang đoạn, không hẳn chỉ là sự đối chiếu, so sánh; nhưng để soi rọi cho rõ ràng thêm về từng điều chuyện muốn nói quanh Chữ & Người của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, qua các sáng tác phẩm văn thơ nhạc, nơi từng thời đoạn.
Điểm xuyết suốt chiều dài quyển sách là những nhận định, liên tưởng, đối sánh, nối kết, những tâm tình, phân bua, tự tra vấn, giải bầy; có lúc ma mãnh vặn vẹo chua ngoa dí dỏm thật thú vị…chen lẫn với một chút triết lý, luận bàn thế sự, thói đời gì đó…; cho mỗi câu chuyện, mỗi vấn đề được nói tới.
Qua từng trang của tác phẩm, sẽ dễ bắt gặp những điều vừa nêu trên, như những chiếu rọi thêm vào, để cùng chia sẻ và đồng cảm với tác giả, cũng như với nhà văn Nguyễn Đình Toàn.
Đã có lúc phải đọc chậm lại hay tạm dừng nghỉ để không bị hụt hơi vì muốn ngợp, bởi có quá nhiều thứ tràn ngập trong đó.
Chỉ có những trang chữ của Lưu Na mới giới thiệu đầy đủ về tác phẩm của cô. Dĩ nhiên, việc đón nhận quyển sách này như thế nào, tùy thuộc nơi mỗi người.
Nhưng dù gì chăng nữa, đây cũng là một dung lượng thêm vào những điều đã có, đã biết về nhà văn Nguyễn Đình Toàn.
*
Sau những trang chữ của nội dung chính, có lẽ cũng không thể bỏ qua, và xin được nói đến các phụ lục của sách, không kém ý nghĩa và cần thiết, chiếm một phần ba tổng số trang in.
Trước hết là những ảnh mầu chụp nhà văn Nguyễn Đình Toàn thật đẹp qua nhiều tư thế, góc cạnh và dáng điệu. Có mấy tấm chụp với bối cảnh nền, làm nổi bật chất lãng mạn nghệ sĩ nơi con người ông.
Nhìn dáng ông ngồi ở các tấm ảnh này, lại nhớ đến dáng ông ngồi lặng lẽ nơi góc quán nhỏ số 44 đường Phan Đình Phùng, nhìn xéo sang bên kia đài phát thanh Sài gòn, giữa buổi trưa nào những năm 1966,1967; hay cái dáng ngồi thật cô đơn im lặng bên trong sạp báo lề đường của gia đình, quãng đầu xa lộ đi Biên Hòa, thời gian sau này khi ông đi tù Cộng sản về.
Thấy mừng cho ông vì dù đã mang trọng bệnh từ rất lâu hồi còn trẻ, và trải qua những sóng gió đời, đến hôm nay ông vẫn còn hiện diện, khi quyển sách này trình làng. Có những văn hữu thân thiết của ông cùng lứa tuổi “tôi xa Hà nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu” (Nỗi lòng người đi_nhạc sĩ Anh Bằng) đã lần lượt giã từ làng văn xóm chữ, như thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, nhà văn Dương Nghiễm Mậu, và gần đây là nhà văn Bùi Nhật Tiến…
Tháng năm của thời gian xa thẳm quá và những cuộc dâu bể vì đâu nên nỗi, sao mà cảm khái đến thế.
Nơi những trang đăng Một vài bài thơ cũ mới của ông, chỉ cần đọc xong đầu đề bài Khúc ca Phạm Thái, hẳn rằng sẽ có rất nhiều người vô cùng bồi hồi xao xuyến, vì nhớ ngay đến giọng diễn ngâm mênh mang chơi vơi đầy ma lực thật quen thuộc của chàng nghệ sĩ tài tử Thanh Hùng, luôn được yêu cầu bài thơ hào sảng này trong những buổi sinh hoạt; cùng với biết bao thứ điều chuyện để nhớ khác nữa, chung quanh một thời tuổi trẻ Sài gòn ngày ấy.
Và tuy không có trang nào nói nhiều về nhạc của nhà văn nhạc sĩ, nhưng ai cũng phải nhớ Tình khúc thứ nhất và Em đến thăm anh đêm ba mươi; cùng giọng nói thật trầm, từ tốn chậm rãi đến nhẹ tênh của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, khi ông đọc từng lời giới thiệu trong chương trình Nhạc chủ đề, trên làn sóng Đài Phát thanh Sài gòn hàng tuần ngày xưa. Chương trình này đã góp phần điểm trang thêm cho sắc diện tân nhạc Việt Nam. Nơi các chủ đề thường xuyên, luôn ẩn hiện những âm điệu cung bậc của Tình ca, đã như một diễn đàn của tình yêu, và ông là phát ngôn nhân duy nhất.
Quên sao được những bài hát lãng mạn thật đằm thắm về tình yêu và cả những bài tình ca không có hạnh phúc (chữ của nhà văn NĐT), của một thời chiến chinh lửa đạn, được các giọng hát đương thời trình bầy, sau khi nghe đoạn chapeau mà ông đã dùng văn phong riêng với thứ chữ độc quyền, đã được thính giả cầu chứng, đưa người nghe bập bềnh, chìm lặng đi vào trong ngẩn ngơ lãng đãng từ lúc nào mất rồi.
Rồi như những nguồn sáng giúp soi chiếu hành trình chữ nghĩa của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, phần phụ lục nơi những trang cuối, đăng lại toàn văn các bài viết trước đây về vài tác phẩm đã ấn hành của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, giới thiệu sự phân tích, nhận định của các nhà phê bình văn học, các nhà văn cùng thời với ông (đã nói nơi trên). Cũng có bài ông trả lời phỏng vấn giới truyền thông sau khi Áo mơ phai đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc năm 1973. Và sau cùng, là một chương trong quyển biên khào Những Nhà Thơ Hôm Nay (Nguyễn Đình Tuyến 1964), nói về thơ Nguyễn Đình Toàn, trong đó có trích dẫn vài bài thơ tiêu biểu.
Phần phụ lục này cũng giúp hồi tưởng lại một thời kỳ văn học rực rỡ nơi những năm tháng xa xưa, giữa buồn vui nơi cuộc sống xã hội của mỗi người.
Liệt kê các tài liệu mà tác giả tham khảo, được chua trong ngoặc đơn là Ngậm Ngải Tìm Trầm, đã nói lên sự trân trọng đối với các nguồn tài liệu này. Cùng với những sách báo, tài liệu khác, đã nêu dẫn đây đó theo chiều dài của tác phẩm, chứng tỏ tác giả là người luôn tìm tòi và chịu đọc. Nó cũng cho thấy tính thẳng thắn và thái độ trung thực của tác giả; rất rạch ròi giữa những gì do mình, của mình và những gì của người khác, không hề nhập nhằng lập lờ, của người phúc ta. Tìm và đọc để có thể biết và hiểu rộng thêm. Điều này làm cho các trang viết cũng rộng thêm, phong phú thêm, với các liên tưởng, trích dẫn kèm theo. Đây chính là những đấu bột thơm ngon mà Lưu Na có thêm được để gột nên hồ là tác phẩm của mình.
*
Hẳn rằng khi thai nghén và viết “Nguyễn Đình Toàn _Chữ & Người”, Lưu Na đã rất yêu mến nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Cô đã bầy tỏ lòng yêu mến của mình bằng tất cả những gì có thể bầy tỏ, như trước đây cho tới bây giờ. Dựa theo bản nhạc Nếu Có Yêu Tôi (Trần Duy Đức phổ từ thơ Ngô Tịnh Yên) để cũng nói, Lưu Na đã thực hiện việc nếu có viết về tôi thì viết ngay bây giờ khi tôi còn, đừng đợi ngày mai đến lúc tôi…
Đọc xong quyển sách mà Lưu Na viết về mình, đoan chắc ông nhà văn Nguyễn Đình Toàn sẽ cười vang, và gật gù nói theo cách của ông rằng, đây mới là những điều nói về ông thú vị nhất, giữa những điều nói thật bình thường về ông, từ trước đến nay. ./.
ngọc tự.
(22.7/2021)
============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét