Phan Tấn Hải: Trịnh Y Thư Ra Mắt Tác Phẩm: Tập sách Cái cười & Sự lãng quên
Dịch giả Trịnh Y Thư trước giờ vẫn nổi tiếng về kiểu anh ưa thích sự lặng lẽ. Không phải để lãng quên hay để bị lãng quên như trong nhan đề dịch phẩm “Tập sách Cái cười & Sự lãng quên” họ Trịnh vừa ấn hành, nhưng bởi vì cá tính anh như thế. Nhiều người có thể gặp Trịnh Y Thư trong một buổi hòa nhạc, anh thường ngồi một góc phòng, lặng lẽ cười, chẳng nói năng gì, thế rồi tới một lúc bạn nghe người MC nói rằng trong buổi hòa nhạc có 2 ca khúc của Trịnh Y Thư; bấy giờ nhiều người mới khám phá ra Trịnh Y Thư cũng là một nhạc sĩ sáng tác. Trịnh Y Thư lặng lẽ, khiêm tốn, ưa ẩn mình, nhưng những gì anh viết đều có sức mạnh. Từ những năm giữ chức Chủ Bút Tạp Chí Văn Học, cho tới bây giờ phụ trách nhà xuất bản Văn Học Press, Trịnh Y Thư đã là một người sáng tác đa diện, là nhà văn, nhà thơ, dịch giả.
**
Buổi gặp gỡ tại quán Café & Té ở thị trấn Fountain Valley sáng Thứ Bảy 10/7/2021 cũng là cơ duyên để giới văn nghệ gặp nhau lại sau hơn một năm đại dịch. Trịnh Y Thư gửi email tới nhiều bạn văn từ hai tuần trước: “Các bạn thân mến: Đã lâu bạn bè không gặp nhau. Nay tôi có cuốn sách mới in và muốn có dịp ký tặng các bạn để làm quà. Nếu duoc, chúng ta có thể gặp nhau bên tách cà phê và nói chuyện vãn. Ngày thứ Bẩy 10 tháng Bẩy DL tại Café & Té, góc đường Bushard và Warner, lúc 9 – 10 giờ sáng.”
**
Buổi gặp gỡ sáng Thứ Bảy có mặt một số bạn văn từ xa tới: nhà thơ Nguyễn Đức Tùng và phu nhân từ Canada tới, họa sĩ Đào Nguyên Dạ Thảo (người thiết kế bìa “Tập sách Cái cười & Sự lãng quên”) từ Texas sang, luật gia Cù Huy Hà Vũ và phu nhân từ Miền Đông Hoa Kỳ tới. Và tại Quận Cam là các bạn văn: Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Khánh Minh, ca sĩ Thu Vàng, Đinh Quang Anh Thái, Lê Lạc Giao, Tô Đăng Khoa, Vũ Hoàng Thư (và phu nhân), Cung Tích Biền (và phu nhân), Nguyễn Đức Tường (và phu nhân), Phan Tấn Hải… Dĩ nhiên, cũng có mặt Trịnh Y Thư.
Trịnh Y Thư ưa lặng lẽ tới mức chẳng buồn báo trước là sách gì, thơ hay truyện, dịch hay sáng tác. Kiểu chàng là như thế. Thậm chí, cả buổi sáng Thứ Bảy 10/7/2021, Trịnh Y Thư cũng chỉ ngồi ký tên tặng sách, cười lặng lẽ, và rồi khi được tôi thúc giục rằng bạn phải nói gì đi chứ thì nói rất nhỏ: “Chắc chỉ nói là rất vui được gặp lại anh chị em văn nghệ sau hơn năm trời bị cấm túc vì Covid-19.”
Tác phẩm mới anh dịch của Milan Kundera không bình thường tí nào. Đây là một tác phẩm lớn, tác phẩm nổi tiếng của Milan Kundera. Nguyên tác là “The Book of Laughter and Forgetting” và bản dịch của Trịnh Y Thư là “Tập sách cái cười & sự lãng quên.”
Từ trái: Ca sĩ Thu Vàng, Lê Lạc Giao, Nguyễn Thị Khánh Minh, Tô Đăng Khoa; Từ phải sang: Vũ Hoàng Thư, Trịnh Y Thư.
Từ trái: Nguyễn Đức Tùng, Trịnh Y Thư (ngồi), Vũ Hoàng Thư; từ phải: Đinh Quang Anh Thái.
Cầm sách mới trong tay. Từ trái: Trịnh Y Thư, Nguyễn Thị Khánh Minh, Tô Đăng Khoa, Lê Lạc Giao, ca sĩ Thu Vàng.
Trong phần “Dẫn Nhập: Lời Người Dịch” Trịnh Y Thư giải thích về tác phẩm của Kundera, về lý do tại sao anh chọn dịch, kể những cảm xúc khi đọc Kundera, viết dẫn nhập tới 17 trang. Thế đấy, những người ngoài đời ưa ngồi lặng lẽ như Trịnh Y Thư, khi ngồi gõ chữ thì như dường bất tận, nhất là khi nói về những cảm xúc khi đọc sách.
**
Nơi đây, chúng ta trích một phần nơi trang 16 của tác phẩm, lời Trịnh Y Thư nói về sách này của Milan Kundera, trích:
“Cuốn tiểu thuyết đã đưa Kundera lên đài danh vọng quốc tế vào cuối thập kỷ 70. Nó là cuốn sách chẳng những phong phú ở mặt xây dựng nhân vật và câu chuyện, mà còn lạ lùng, sâu sắc ở phần tưởng tượng. Nơi đây thực tại và huyễn tưởng đan xen nhau dễ dàng và tự nhiên đến nỗi người đọc khó phân biệt đâu là đời sống thật, đâu là giấc mơ. Kỳ thực, điều đó không cần thiết khi đọc tiểu thuyết Kundera. Tuyệt đối không cần thiết, bởi chính ông cũng hay nhắc nhở người đọc rằng đừng xem những gì ông viết là sự thật ngoài đời, mặc dù trong đó có rất nhiều phần thuộc dạng hồi ức tự truyện, âm nhạc, triết học hay lịch sử. Ông thường cố ý cho người đọc nhận ra các nhân vật tiểu thuyết của ông chẳng qua chỉ là những hình ảnh ông lấy ra từ trí tưởng tượng của mình. Ông cho chủ thể ở ngôi thứ nhất trong lúc miêu thuật một câu chuyện ở ngôi thứ ba. Trong lúc viết, ông quan tâm đến các từ định đoạt tính cách và số phận của nhân vật hơn là ngoại hình. Chẳng bao giờ nghe ông miêu tả nhân dáng các nhân vật của ông ra sao, như thể trí tưởng tượng của người đọc tự động tiếp nối và hoàn tất cái nhìn của người viết. Làm như thế, người viết sẽ chú trọng nhiều hơn ở phần cốt lõi của tác phẩm. Thậm chí, thế giới nội tâm (hoặc tâm lý) của nhân vật đối với ông cũng chẳng quan thiết. Tuy nhiên, đôi lúc, tính cách đặc trưng nào đó được nhấn mạnh hầu làm sáng tỏ thêm bản chất của nhân vật.”
**
Bạn có thể mua sách này tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ. Dịch phẩm “Tập sách Cái cười & Sự lãng quên” đang bán ở các nhà sách Barnes & Noble (barnesandnoble.com), có thể đặt mua trực tuyến.
**
Được phóng viên hỏi ý kiến, nhà văn Lê Lạc Giao sau buổi gặp gỡ bạn văn đã nhận định: “Trịnh Y Thư một lần nữa dịch hay nói nôm na đem những xúc cảm Kundera đến với độc giả VN sau “Đời Nhẹ Khôn Kham”. Anh đã làm điều cần thiết đáng trân trọng là phổ biến cho độc giả người Việt trong và ngoài nước biết đến ý nghĩa góc cạnh của một thời “nụ cười” liên hệ đến “sự lãng quên” như thế nào!
**
Nhà phê bình văn học Tô Đăng Khoa cũng nhận định:
“Đã lâu lắm rồi Nam Cali mới có một buổi họp mặt các văn thi sĩ đầy đủ và thân tình và ấm áp đến vậy. Cám ơn anh Trịnh Y Thư đã tạo cơ hội cho Anh Em gặp gỡ và được giới thiệu tác phẩm dịch thuật mới nhất của Trịnh Y Thư “Tập sách Cái Cười và Sự Lãng Quên”, một tác phẩm mà họ Trịnh tâm đắc nhất khi dịch các tác phẩm của Milan Kundera, hơn cả “Đời Nhẹ Khôn Kham” được đọc giả quý chuộng trước đây. Tôi chắc chắn sẽ đọc thật chậm và rất cảm ơn nhà văn TYT đã giới thiệu Milan Kundera với đọc giả VN trong và ngoài nước.”
Đứng, từ trái: Nguyễn Đức Tùng, Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Y Thư; Ngồi: Cù Huy Hà Vũ và phu nhân.
Từ trái: Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Đức Tùng, Đào Nguyên Dạ Thảo, Đinh Quang Anh Thái.
Từ trái: Bùi Vĩnh Phúc, Phan Tấn Hải, Nguyễn Đức Tùng, Cung Tích Biền.
**
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh ghi lại cảm xúc rất nồng nhiệt, như sau:
“Vậy là chúng ta lại được gặp nhau. Vào tháng 4.2020, tôi có viết mấy câu trong bài thơ Thời Quỷ Mộng như vầy:
.
… Nơi quán xá công viên
Lại tay bắt mặt mừng
Lại hôn nhau đắm đuối
.
Lại thấy môi son đỏ
Lại nghe nhịp giày cao
Reo vui trên hè phố
…
Sáng nay, điều đó không phải là niềm mơ ước mà là một hạnh phúc thực sự mà chúng tôi được hưởng cùng nhau, chúng tôi lại được nhìn thấy môi son đỏ, lại nghe nhịp giày cao dễ thương và quyến rũ, lại được nhìn trọn mặt nhau với tất cả nét biểu cảm chứ không chỉ là một đôi mắt, lại được bắt tay nhau để cảm thấy sự nồng ấm của tình bạn sau một năm rưỡi kể từ ngày CA có lệnh stay home, khoảng 16,17 tháng ba năm ngoái. Đó là buổi ký tặng tập sách mới xuất bản của nhà văn nhà thơ dich giả Trịnh Y Thư, dịch phẩm Tập Sách Cái Cười & Sự Lãng Quên của Milan Kundera, có khoảng ba bốn chục thân hữu tới chung vui và được tặng sách. Phải nói là một niềm vui vỡ òa sau bấy nhiêu tháng câm nín hội họp sẻ chia trong một bầu không khí ấm tình văn chương như vậy, tôi nhìn các bạn các anh chị mà thấy lòng rộn ràng, cái hạnh phúc sau một thời điêu linh đại dịch -hẳn là một trang giấy đang được lật qua-, cái hạnh phúc của sống sót đang ngậm ngùi thương những kẻ đã ra đi… Buổi Ra Mắt Sách không huy hoàng nghi lễ mà được gói trong vòng tay ấm áp của tình bạn để nhận ra giá trị thực sự quí giá của từng giây phút này, còn được thấy nhau. Xin cảm ơn nhà văn Trịnh Y Thư đã mang đến cơ hội của niềm vui này.
Mặt trời bừng chân phố
Dấu chấm hết thật to
Sau đêm dài ác mộng
…
Viết vội sau khi dự buổi ký tặng sách của Trịnh Y Thư tại quán Café &Té lúc 9 giờ sáng ngày 7/10/2021
Nguyễn Thị Khánh Minh”
**
Tác phẩm “Tập sách Cái cười & Sự lãng quên” dày 336 trang. Đang bán ở các nhà sách Barnes & Noble (barnesandnoble.com), có thể đặt mua trực tuyến. Độc giả quan tâm có thể liên lạc trực tiếp Trịnh Y Thư:
trinhythu@gmail.com
source : t-vấn & bạn hữu ( Hoa Kỳ)
==================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét