Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

' Tâm sự của một người yêu Sài Gòn đến bất chấp " / bài viết: Minh Châu -- nguồn: https;//zingnews.vn>

 

Tâm sự của một người yêu Sài Gòn đến bất chấp

- Vọng Sài Gòn là một tâm sự ngút lòng của một người yêu Sài Gòn đến bất chấp. Nhưng Trác Thúy Miêu đâu chỉ yêu, mà muốn kêu gọi tình yêu ấy từ những người trẻ.

Trác Thúy Miêu (tên thật Vũ Hoài Phương) vốn được biết đến như một người có tính cách độc đáo. Cô không chỉ là nhà báo với ngòi bút sắc sảo, một MC có phong cách đặc trưng không lẫn vào đâu, mà còn là một thị dân yêu nồng nhiệt, yêu dữ dội đến bất chấp thành phố mình đang sinh sống. Tình yêu cuồng nhiệt ấy đã được cô gửi gắm vào trong tập tản văn vừa mới xuất bản Vọng Sài Gòn, như là một cách giữ gìn ký ức cho bản thân và những người đồng điệu.

Nhà báo, MC Trác Thúy Miêu. Nguồn: Facebook nhân vật.
Vong Sai Gon anh 1

nhà báo, MC Trác Thúy Miêu. nguồn: Facebook nhân vật.

Vọng Sài Gòn (sách do NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành) là đứa con đầu lòng của Trác Thúy Miêu. Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết trong nhiều năm về miền đất mà cô đã gắn bó suốt hơn 40 năm.

Với Vọng Sài Gòn, Trác Thúy Miêu muốn cho thấy đằng sau sự hào nhoáng của giải trí truyền hình là một Trác Thúy Miêu với sứ mệnh của người cầm bút. Và ở trong địa hạt này, cô tiếp tục sự bền bỉ của mình trong việc gìn giữ Sài Gòn (cô đã làm việc này trong nhiều hoạt động khác nhau) theo cách rất riêng, như cách cô định tính cho Sài Gòn từ chính nhân xưng của nó. Mỗi miền đất hay mỗi con người, nếu mà thuộc tính đặc thù quá đặc biệt thì danh từ gọi miền đất hay con người ấy một ngày nào đó sẽ trở thành tính từ. Sài Gòn có những thuộc tính đủ để gọi một ai đó, một hành xử nào đó, một văn hóa sống “rất Sài Gòn”.

Cái riêng của Trác Thúy Miêu trong Vọng Sài Gòn còn là sự đột phá trong phong cách thể hiện, sự táo bạo trong các ý tưởng, sự ngồn ngộn của chữ nghĩa... Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong chia sẻ về tập tản văn này (in cuối cuốn sách), MC, diễn viên Liêu Hà Trinh đưa ra nhận xét: “Nếu bạn đang tìm một nàng thơ áo trắng, đạp xe tới Dinh Độc lập trên con đường Trưng Vương đầy lá me, hay những hợp xướng ngợi ca cho sức sống trai trẻ tráng kiến của 300 năm thành phố, rất tiếc phải nói bạn tìm nhầm chỗ.

Bìa cuốn sách Vọng Sài Gòn
Vong Sai Gon anh 2

Bìa cuốn sách Vọng Sài Gòn

Miêu ví Sài Gòn như một ả đàn bà vừa hồn nhiên vừa giảo hoạt. Phép so sánh đó có phần phiến diện đó hy vọng không làm người đọc khó chịu. Bản thân tác giả cũng đóng vai xuất sắc vào thân phận đào hoa của một ả mỹ nhân “dễ bỏ khó quên” với những dẫn chứng hùng hồn chắc nịch khiến người ta khó nghĩ khác”.

Là một người có óc quan sát, trí nhớ đặc biệt tốt, Trác Thúy Miêu đã dùng ký ức của mình để chụp lại những hình ảnh đắt giá về Sài Gòn. Ở đó, cô đưa người đọc về những kỷ niệm và tâm thức Sài Gòn kiểu cũ, Sài Gòn tập làm quen với một giai kỳ mới trong thập niên 1980 với cái sức sống vừa trẻ trung, vừa hoài cổ, Sài Gòn trong vô số những cuộc đại phẫu, tiểu phẫu dọc ngang trong một vài thập niên trở lại đây, hay Sài Gòn hiện tại, một thành phố năng động đang chuyển mình, phát triển từng ngày...

Có rất nhiều thứ được Trác Thúy Miêu mô tả trong Vọng Sài Gòn, bằng một thứ ngôn ngữ trau chuốt, đôi khi cường điệu nhưng rất hợp lý. Đó là những đường nét bút vẽ tranh truyện của 02 họa sĩ Văn Minh và Đức Lâm trên báo Khăn Quàng Đỏ trong những năm 1980; sự kết thúc thói quen đọc truyện diễm tình của chị em phụ nữ bình dân có từ thập niên 1960 khi video phim bộ và truyền hình nội hóa xuất hiện; mùi hương mang đặc tính của Sài Gòn và loại nước hoa Oriental mang phong vị phương Đông từ thập niên 1920, ảnh hưởng đối với Sài Gòn đến mãi về sau này.

Chợ Hoa Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao, 1990. Ảnh: Doi Kuro
Vong Sai Gon anh 3

Chợ Hoa Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao, 1990. Ảnh: Doi Kuro


Đó là một thành phố khi không còn mang tên Sài Gòn; những cư dân xuất hiện ở thành phố qua quan sát của Trác Thúy Miêu ở tuổi mới lớn, đầu thập niên 1990 mà cô gọi nôm na “Kỷ phục sinh - đánh dấu thời kỳ Việt Nam bắt đầu hé vào cuộc mở cửa khá tưng bừng, sau hơn một thập niên khóa kín”; cuộc hồi hương của những cựu thị dân đã nghiễm nhiên trở thành những kiều bào yêu nước, là màn khai sinh ổ ạt của những huyền thoại thời vụ như taxi vàng, điện thoại công cộng; sự tàn lụi của sân khấu cải lương; món nghêu phô mai đốt lò; tính hay chuyện của dân Sài Gòn…

Đó là câu chuyện nền văn minh mì Tàu Chợ Lớn, nghiệp vận của Thiên Hương, huyền thoại Miliket, Vị Hương giấy kraft; những gánh nhạc rong góp phần lưu truyền dòng nhạc đặc thù của Sài Gòn - dòng nhạc vàng, hay bolero; giọng đàn tình tứ vô ngôn của ghi ta vô thường; chiếc áo dài Sài Gòn đúng kiểu, mang nét bản địa đặc thù của Sài Gòn, đôi tà áo đặc biệt một thời đã làm nên cốt cách xứ ngọc Viễn Đông…

Đó là từ kịch nói đến phim trường, phòng trà đến vũ trường, kỷ niệm 30/4 cho đến lễ Giáng sinh; thương xá Tax bị phá bỏ đến hàng cây đường Tôn Đức Thắng bị đốn gục… Cứ thế, theo dòng cảm xúc với những ký ức vọng về, Trác Thúy Miêu kể tỉ mỉ về những điều mình quan sát thấy, những cảm nhận hết sức tinh tế về Sài Gòn như một kẻ si tình.

Có thể nói, Vọng Sài Gòn là một tâm sự ngút lòng của một người yêu Sài Gòn đến bất chấp. Nhưng Trác Thúy Miêu đâu chỉ yêu, mà muốn kêu gọi tình yêu ấy từ những người trẻ, như người đi truyền giáo, đạo của người yêu Sài Gòn. Cô nhắn họ hãy “Yêu thương mê đắm và hồn nhiên. Yêu không cầu hơn thua cao thấp, yêu bất luận xuất xứ nhân thân. Yêu khỏi ai hô hào thi đua phấn đấu”.  ./.

MINH CHÂU   

===========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét