Ông chủ báo đặc biệt ưa thích truyện ngắn của anh ta. Ông nói truyện ngắn của anh ta lãng đãng, chiếc lá từ thinh không lơ lửng rơi, làn khói thuốc vương trên mặt bàn, bước chân lững thững của người đi dạo…
Tôi không biết ông nhớ lại một dòng văn, hay ông nói cảm tưởng khi đọc truyện ngắn của anh ta. Truyện như được viết trong cơn ngà ngà say, lạ lắm. Tiếc rằng trí nhớ của tôi kém quá, không nhớ được truyện nào hết, cả tên tác giả nữa tôi cũng không nhớ… Một phần cũng vì tôi đọc truyện của tác giả này từ lâu lắm rồi. Mà hình như truyện ngắn của tác giả này đăng báo không nhiều, tôi nhớ chỉ được đọc ở vài số báo văn nghệ cũ, xuất bản từ trước ba mươi tháng tư.
Ông chủ báo nói mơ hồ như thế, tôi làm sao biết được tác giả ấy là nhà văn nào. Ông nhờ tôi dò hỏi, tìm kiếm tác giả, liên hệ để đặt viết một truyện ngắn, đăng vào số báo đặc biệt về truyện ngắn mà ông quyết định sẽ là kỳ tới. Ông chủ báo cho rằng một người làm thơ như tôi thì hẳn là rảnh rỗi. Sự thật cũng đúng như ông nói, tôi rảnh rỗi, quá rảnh rỗi là đằng khác. Vả lại tôi quý mến ông, một ông chủ báo không giống những ông chủ báo tôi đã gặp. Người chủ báo, dù là báo văn nghệ, tôi chỉ nghĩ đấy là một người có khả năng về tài chính, để làm báo hay làm bất cứ gì khác. Một tay kinh doanh, vậy thôi. Ấy thế mà ông yêu thích truyện ngắn, lại là loại truyện lãng đãng, người-viết-trong-cơn-ngà-ngà-say, thì thật hiếm có. Tôi nhận lời đề nghị của ông. Tôi sẽ cố dò hỏi cho ra tác giả bí ẩn đó.
Vào lúc không còn biết cách nào để gặp được tác giả truyện ngắn như vậy, tôi chợt nhớ tới một người, một lữ khách trên đường phố. Tôi vẫn thấy người này, hầu như mỗi ngày. Anh ta trạc tuổi tôi, có dáng vẻ một anh chàng văn nghệ, cái túi xách bằng vải bố khoác bên vai, đẹp kiểu thô tháp, không cũ không mới. Thế là tôi lại ra bến xe buýt ở đối diện chợ Bến Thành, lên bất kỳ chuyến xe buýt nào, miễn là chuyến xe buýt sắp chạy trên các nẻo đường nội ô thành phố, như tôi thường hay đi như vậy.
Ngồi yên vị trên xe buýt, bên hông xe phía tay mặt, tôi chờ xe mau chạy để tới một trạm dừng, không trạm này thì trạm khác, gặp nhân vật của tôi, và lần này tôi sẽ xuống trạm dừng ấy, làm quen anh ta. Thấy anh ta ở dọc đường tôi cũng xuống xe để gặp, tôi biết cách nhảy xuống mà không ngã khi xe đang chạy, nếu người tài xế không chịu dừng xe, chấp nhận ngoại lệ theo lời yêu cầu khẩn thiết của hành khách. Tôi đã thấy anh ta nhiều lần, có lẽ hai mươi lần đi xe buýt, thì mười chín lần tôi thấy anh ta. Lúc thì thấy anh ta đi lững thững trên hè đường, đường này đường khác, phố vắng phố đông người. Lúc thì thấy anh ta ngồi trên băng ghế ở trạm dừng, hút thuốc lá, hoặc mở đọc một cuốn sách, một tờ báo, một tập giấy vở. Tôi đoán anh ta là nhà văn. Có lẽ anh ta đúng là một nhà văn. Tôi chờ xe buýt tới trạm dừng. Tự dưng tôi tin chắc mẩm anh ta là nhà văn, tác giả những truyện ngắn mà ông chủ báo ưa thích. Đấy là linh tính của tôi. Linh tính cho tôi biết như vậy.
Khi thấy anh ta ở trạm dừng thứ hai, tôi vội bước xuống xe. Tay tôi tự động lấy điện thoại trong túi, gọi ông chủ báo:
- Tôi sắp gặp tác giả những truyện ngắn mà ông ưa thích…
Ông chủ báo, giọng nói hớn hở, mừng rỡ như thể tôi đã gặp tác giả ấy rồi:
- Anh nhớ thay tôi, đặt tác giả viết một truyện ngắn cho số báo đặc biệt vào kỳ tới đấy nhé. Đúng nửa tháng nữa là ra số báo ấy. Trong vòng mười ngày mà có truyện ngắn của nhà văn ấy thì rất tốt. Đã biết tên nhà văn ấy rồi chứ? Ừ mà thôi, cứ gặp gỡ chuyện trò vui vẻ nhé!...
Băng ghế không rộng, anh ta lại ngồi ở giữa băng ghế. Anh ta ngước lên nhìn tôi, chậm rãi dịch chuyển một khoảng cách bên ghế khi tôi nói muốn ngồi xuống đây. Tôi nhìn sang anh ta, tất nhiên tôi đã chuẩn bị sẽ nói câu gì, nghĩa là tôi cứ nói thẳng vào chuyện:
- Tôi rất muốn gặp anh. Không biết tại sao tôi tin anh là tác giả một vài truyện ngắn tôi đã được đọc. Nếu tôi lầm thì anh thứ lỗi, còn đúng như vậy thì tôi muốn đặt anh viết cho một truyện ngắn để đăng vào số báo đặc biệt về truyện ngắn của tạp chí Chính Văn. Ông chủ báo cũng từng đọc và rất thích truyện ngắn của anh. Chính ông chủ báo nhờ tôi liên hệ đặt bài đấy.
Anh ta quay sang nhìn tôi, điếu thuốc lá cầm trên tay chưa mồi lửa, nói giọng miền Bắc như tôi:
- Bé cái lầm rồi, ông bạn.
Anh ta nhỏ người, đẹp trai, râu mọc dài để rối bù, không sửa soạn cắt tỉa, mái tóc ngả bạc vuốt ra phía sau. Phục sức trễ nải, anh ta mang vẻ biếng nhác, mệt mỏi, tôi liên tưởng một người lính Pháp trong hàng ngũ quân đội bại trận Điện Biên Phủ. Hẳn anh ta có học thức, anh ta lấy nhan đề bản dịch tác phẩm hài kịch của Oliver Golsmith, nhà văn Anh thế kỷ XVIII, Bé-cái-lầm, để nói tôi đã lầm tưởng anh ta là nhà văn.
- Vậy anh bỏ qua chuyện ấy, nhưng quả là trông anh rất có vẻ nhà văn. Tôi vẫn hình dung tác giả những truyện ngắn tôi đã đọc giống như anh.
Anh ta châm điếu thuốc lá, vừa nhả xong cụm khói, anh ta nói:
- Nhà văn thường chỉ có mỗi một nghề viết văn, tôi có tới bảy nghề!
Tôi mừng rỡ là có thể ngồi chuyện trò với anh ta, có thể anh ta ít nói nhưng hẳn vui tính.
- Anh đã được nghỉ hưu rồi chứ?
- Bảy nghề là thất nghiệp. Thất nghiệp không phải là nghỉ hưu.
Câu trả lời giống như anh ta khó chịu, nhưng ngữ điệu, âm giọng câu nói, và vẻ mặt bình thản, có lẽ anh ta không khó chịu chút nào. Tôi hỏi tại sao anh ta cứ đi bộ hoài, giống nhân vật trong một cuốn phim Mỹ, Forrest Gump, hết đi tới chạy, hết chạy tới đi , nói chung là đi bộ miết, đi từ đất liền ra tới biển, đi từ biển vòng quanh nước Mỹ bao la bất tận.
- Tôi chả biết cuốn phim Mỹ ấy. Nếu có giống một ông Mỹ nào, thì chắc là ông Johnnie-Đi-Bộ.
Anh ta không trả lời tại sao anh ta cứ đi bộ hoài. Anh ta rời băng ghế ở trạm dừng xe buýt, thản nhiên như lúc anh ta ngồi xuống. Cái túi xách khoác bên vai như chưa hề được đặt trên băng ghế, anh ta chỉ gật đầu thay lời chào từ giã, tiếp tục đi bộ xuôi trên hè đường. Tôi nhìn theo anh ta, vẫn là cái vẻ lững thững của người đi dạo, như cảm nhận của ông chủ báo về những truyện ngắn của tác giả ông không nhớ tên.
Ngay buổi sáng hôm sau, ông chủ báo điện thoại, giọng hào hứng tuôn trào:
- Anh đặt cái truyện ngắn ấy rồi phải không? Thế thì hay lắm, hay lắm! Tôi đã đưa đăng quảng cáo số đặc biệt về truyện ngắn của tờ báo, ghi đậm dòng này, anh nghe có được không: Đặc biệt một truyện ngắn như “túy bút,” chữ “túy bút” ông Vũ Khắc Khoan đặt ra đấy, của một nhà văn chuyên viết trong cơn ngà ngà say.
Tôi không kịp nói với ông chủ báo lời nào, ngoài tiếng “dạ.” Thêm một lần nữa sau rất nhiều lần, sự cả nể đã đẩy tôi vào tình trạng bối rối. Không còn cách nào khác, tôi lại thêm một lần đi vào chốn mịt mù cát bụi. Nghĩa là tôi lại viết truyện ngắn, thể loại ngoài sự lựa chọn khi tôi khởi sự cầm cây bút văn nghệ. Tôi đã viết vài truyện ngắn mà đa số bạn bè, trong cũng như ngoài giới văn nghệ, cho rằng tôi bỏ sở trường để lấy sở đoản. Họ thích thơ tôi bao nhiêu, thì họ không thích truyện ngắn của tôi bấy nhiêu. Đến nỗi có bạn còn cho rằng tôi không biết viết truyện ngắn là đằng khác.
Tôi nói với ông chủ báo về chuyện bé-cái-lầm của tôi. Nhưng bù lại, tôi nói với ông, tôi vừa gặp lại một nhà văn, là người bạn cũ của tôi, từng viết nhiều truyện ngắn khá lạ, có lẽ cũng lạ như truyện của người viết-trong-cơn-ngà-ngà-say. Nhà văn này đã nhận lời viết một truyện ngắn cho số báo đặc biệt của ông, sẽ gửi qua đường bưu điện.
Dĩ nhiên tôi đóng vai nhà văn không có thật này, viết một truyện ngắn chẳng có câu chuyện cốt truyện. Một truyện ngắn viết khơi khơi. Anh ta, nhân vật duy nhất của truyện ngắn này, ngồi uống rượu một mình bên cây cầu, trong chạng vạng chiều hôm, như chính tôi thỉnh thoảng ngồi uống rượu một mình ở một quán bình dân bên chân cầu Chà Và, trong khu vực gọi là Xóm Củi của Chợ Lớn thuở trước. Chỉ có cây cầu để anh ta nhìn, trên cây cầu đủ thứ xe cộ chạy vùn vụt, và những đám khói xe thì chậm rãi, lâu tan. Trên thành cầu, người qua kẻ lại, mặt ai cũng ít nhiều vương bụi. Anh ta ngồi mãi như thế, ngật ngừ nửa tỉnh nửa say. Khi anh ta giật mình thức tỉnh thì đêm đã khuya, xe cộ và người qua lại trên cầu đã bặt vắng. Còn mỗi anh ta, một mình với cây cầu. Tôi lại cho nhân vật của tôi làm thơ nữa, dĩ nhiên làm thơ về cây cầu: Nơi đây có một cây cầu / Có xe qua vội, khói lâu trên đường / Có mặt người có bụi vương / Có hồn neo giữa tiếc thương nuối hoài / Nơi đây có một tương lai / Có cơn mộng lỡ nối dài ngày sau // Em ơi nào có gì đâu / Nơi đây chỉ một cây cầu đứng không.
Với bài thơ lục bát, ông chủ báo không thể nhận ra là thơ của tôi. Ông biết tôi chuyên làm thứ thơ gọi là thơ tự do. Ông từng đọc và gọi đó là những bài thơ ‘hiện đại’. Tức là thơ ‘hại điện’ ấy mà. Chong đèn nê-ông đọc mãi, chả hiểu tác giả muốn nói cái quái gì! Ông vừa cười vừa nói vậy.
Ông chủ báo nhận được truyện ngắn ấy qua bưu điện, lúc tôi đang uống trà với ông tại tòa soạn. Ông lên tiếng đọc cái truyện, đọc tới đâu ông gật đầu tới đó, vẻ hết sức thú vị. Đọc khoảng nửa cái truyện ngắn, ông nói:
- Rất độc đáo. Có thể nói tác giả này uống-chung-một-ly-nước với tác giả tôi ưa thích.
Ông lấy cục đá cuội đặt trên chỗ vừa đọc xong, đi vào phía trong, có lẽ ông vào toa-lét. Trở ra, ông cầm mấy trang đọc tiếp. Ông bỗng im sững, rồi buột tiếng nói như tiếng kêu:
- Đích thị là nhà văn tôi tìm kiếm đây. Hóa ra là nhà văn Nhã Đăng, cái tên dễ nhớ như thế mà tôi không nhớ. Những gì trong truyện ngắn của Nhã Đăng thì tôi không nhớ thật đấy, nhưng cách viết, mở đầu câu văn thường dùng ba chữ Ấy-tuy-nhiên, thì chỉ có nhà văn Nhã Đăng này mà thôi, làm sao mà tôi không nhớ.
Tôi nói với ông chủ báo say mê cuồng nhiệt truyện ngắn Nhã Đăng:
- Theo tôi biết, từ Ấy-tuy-nhiên mở đầu dòng, nhà văn Nhã Đăng mượn của nhà biên khảo Đỗ Long Vân. Hai người này là bạn thân thiết với nhau đấy mà. Theo cách nói của ông, thì hai người này cùng uống-chung-một-ly-nước mang tên Ấy-tuy-nhiên!
Tôi đã ngưng viết truyện ngắn sau khi nghe hầu hết bạn bè nói đấy là sở đoản của tôi. Nhưng thây kệ, tôi lại tiếp tục viết truyện ngắn , dù chỉ có một độc giả là ông chủ báo Chính Văn. Có thể ông là một người kỳ quặc, và cảm tưởng của ông về những truyện ngắn Nhã Đăng, nghĩa là những truyện ngắn của tôi, như thể tác giả viết-trong-cơn-ngà-ngà-say, có phần khó hiểu. Bởi khi ngà ngà say, tôi chán đời kinh khủng, chỉ muốn ngủ một giấc không bao giờ thức dậy.
./.
NGUYỄN ĐẠT
[ 1945- ]
=========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét