Nhà văn Trần Thanh Hà: “Viết trước hết là vì mình, từ sự câu thúc của chính mình”
Là biên tập viên của Nxb CAND, chị có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu thực tế cuộc sống và chiến đấu đầy gian khổ và hy sinh thầm lặng của đồng đội; những cảm xúc và cuộc sống riêng của họ… Đó chính là chất liệu để chị cho ra đời nhiều tác phẩm mang đề tài về người chiến sĩ Công an - đều là mẫu người lý tưởng và hiện đại, biểu trưng cho sự cao đẹp. Cho đến nay, nhà văn Trần Thanh Hà vẫn là một cây bút được bạn đọc trong và ngoài lực lượng yêu mến. Chuyên mục “Tác phẩm đầu tay” lần này có cuộc trò chuyện cùng chị:
- Chị có thể chia sẻ với bạn đọc về hoàn cảnh ra đời tác phẩm đầu tay của chị được chứ ạ?
Nhà văn Trần Thanh Hà: Nếu nói tác phẩm đầu tay thì có lẽ phải kể đến truyện ngắn đăng trong tuyển tập văn thơ của lớp thời trung học. Tôi nhớ hồi đó các bạn (và cả các thầy cô giáo) có bàn tán về truyện ngắn này, nhưng thú thực sau đó tôi cũng không còn nhớ cái truyện đó tên gì và nội dung của nó như thế nào nữa. Chừng năm thứ hai hay thứ ba gì đó ở đại học, tôi có gửi 1 truyện ngắn đến Báo Thừa Thiên - Huế, nó được in lập tức và hai biên tập viên của báo đến trường tìm tôi với những lời khen ngợi và khuyến khích. Tôi giữ cuốn báo được một thời gian thì thất lạc, và buồn cười là tôi cũng chẳng nhớ gì về cái truyện ngắn đầu tiên được in này. Quãng năm 1993-1995, tôi đi dạy học và viết khá nhiều, sau đó tập hợp in thành tập “Gió của mùa sau”– Nxb Thanh Niên 1996. Tập truyện này được trao giải A cuộc vận động sáng tác văn học cho tuổi trẻ (1994-1996) của Nhà xuất bản Thanh Niên và Báo Văn Nghệ. Cuốn sách đầu tay nhận được sự đánh giá cao của giới phê bình và báo chí lúc đó. Anh Nguyễn Quang Thiều có một bài viết mà tôi rất thích là “Bên ngoài cuộc đời và đằng sau cánh cửa” trên Báo Văn Nghệ Trẻ: ý anh nói truyện của tôi là tiếng cuộc đời bên ngoài xôn xao, dữ dội.
- Trong suốt chặng đường sáng tác của mình, tác phẩm đầu tay có ảnh hưởng gì không - về đề tài hay cách thể hiện- với những tác phẩm sau này của chị?
Nhà văn Trần Thanh Hà: Nhìn lại, tôi thấy truyện ngắn của tôi khá ổn định về phong cách. Những truyện ngắn đầu tiên đã pha trộn các yếu tố phi thực, với các tính cách nhân vật dữ dội. Hai tập truyện sau cuốn “Gió của mùa sau” (1997, 1999) cũng có cùng phong cách. Có lẽ dù ban đầu, tôi không có ý định làm một nhà văn, nhưng vì là người học văn nên tôi có ý thức rõ rệt về cá tính văn chương. Không phải là mình trung thành với mình, mà là hình như mình có một lối ngôn ngữ mà ngay cả đến một bài báo, bạn đọc cũng gọi đến nói: Bài này chắc chắn của Hà rồi! Sau này tôi cố gắng viết khác, lý trí, đa nghĩa, và kỹ thuật, nhưng thành thật ít có tác phẩm nào làm mình hài lòng.
Nhà văn Trần Thanh Hà. |
- Từ tác phẩm đầu tay, chị có rút ra được những kinh nghiệm gì cho mình trong việc sáng tác?
Nhà văn Trần Thanh Hà: Nếu coi là công việc thì lúc nào cũng viết được. Nhưng viết hay là nhờ sự thăng hoa: Tư tưởng, câu chuyện, cảm xúc của mình đã chín, nó thôi thúc mình phải viết ra, không viết không được, nói vui đó là lúc văn nó hành mình. Ca sĩ hát trên sân khấu cũng thế, hát mà thấu tận tâm can người ta là bởi bị âm nhạc nó hành đấy chứ!
- Trong cuộc đời sáng tác của mình, ký ức nào đã đọng lại nhiều nhất với chị?
Nhà văn Trần Thanh Hà: Tôi nhớ những tấm lòng bạn đọc. Hồi trước chưa có Internet, dùng điện thoại còn khó khăn, có ngày tôi nhận chừng hai chục lá thư của độc giả. Có người đi cả ngàn kilomet tới nơi tôi dạy học để gặp tôi. Nhiều người trở thành bạn thân, bây giờ vẫn là bạn thân. Tôi chỉ tiếc là có chị bạn đọc ở Phan Rí Cửa (Bình Thuận), làm nước mắm, chị viết thư tình cảm, chân thành lắm. Tôi chuyển nơi ở, đi từ Trung ra Bắc, làm thất lạc mất địa chỉ của chị ấy (lúc đấy chỉ cho nhau địa chỉ, không có số điện thoại). Về sau trong truyện ngắn “Biển Hồ lai láng” tôi có tả nhân vật làm nước mắm ở Phan Rí Cửa là mong chị đọc được, nhưng không có hồi âm.
- Đến với văn chương, mỗi nhà văn có một quan điểm riêng và chính điều đó làm phong phú cho văn đàn. Còn chị, chị có quan điểm thế nào trong sáng tác?
Nhà văn Trần Thanh Hà: Tôi theo đuổi văn chương hư cấu, mặc dù tôi cũng viết văn chương tư liệu. Tôi quan niệm viết trước hết là vì mình, từ sự câu thúc của mình. Còn những gì mình viết ra có được bạn đọc quan tâm hay không thì tùy vào tài năng.
- Đó là một quan điểm sáng tác rất thú vị, đặc biệt là với mảng đề tài vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, vì sẽ làm “mềm hóa” những tư liệu thực tế vốn thô ráp, để tạo nên sự sinh động, hấp dẫn. Nếu chia sẻ với những người viết trẻ hôm nay, điều mà Hà sẽ gửi gắm là gì?
Nhà văn Trần Thanh Hà: Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ học nhiều, đọc nhiều, nền tảng văn hóa rất tốt. Nhiều người cũng thành công nhanh chóng. Nhưng thực sự để viết cả đời không hề là điều dễ dàng. Tôi chỉ mong các bạn có đủ đam mê để viết được suốt đời.
- Đầu năm 2014, lại được đọc các truyện ngắn “Chuyện nhỏ trong chiến tranh”, “Miền cỏ hoang” của chị và thật mừng khi thấy, không chỉ chất văn chương mềm mại, đầy nữ tính vẫn đầy ắp trong sáng tác của chị, mà sức viết nhà văn Trần Thanh Hà vẫn bền bỉ. Chị có thể “bật mí” về tác phẩm dự định ra mắt tới đây của mình được không?
Nhà văn Trần Thanh Hà: Lâu lắm tôi không viết truyện ngắn. Một cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ mấy năm nay, nhưng chưa biết lúc nào mới hoàn thành nên tôi không dám nói gì hơn.
- Cảm ơn chị đã trò chuyện! ./.
Nhà văn Trần Thanh Hà sinh năm 1971 tại Quảng Trị. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế. Hiện công tác tại NXB Công an nhân dân. Sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Cho đến nay, sự nghiệp sáng tác của Trần Thanh Hà đã mang cho chị 4 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết, 1 sách chân dung nhân vật (tư liệu) và đang chuẩn bị ra mắt tập tản văn “Gái một con”. Nhà văn Trần Thanh Hà từng giành được các giải thưởng: Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 1996; giải A cuộc vận động Văn học cho tuổi trẻ của NXB Thanh Niên và Báo Văn nghệ (1994-1996); giải C Văn học 10 năm 1995-2005 của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam; Nhiều giải thưởng của các báo, tạp chí khác. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét