CÁNH HOA DẦU CHONG CHÓNG
CỦA NGÀY XƯA
S ài Gòn có nhiều con đường với một loài cây đặc trưng đã đi vào lời ca tiếng hát, như “Trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, hay “con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về”, và “cánh hoa dầu xoay tít bay bay, nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày...”. Những thập niên cuối thế kỷ trước ai mà không biết những bài hát nổi tiếng này, bởi vì lời ca đã nhắc nhớ một nét đẹp rất riêng và rất lãng mạn của Sài Gòn...
Văn phòng tôi làm việc nhìn ra con đường có hai hàng cây dầu cao vút. Đầu mùa mưa vòm lá xanh ngăn ngắt, thi thỏang vút lên một bóng chim nhỏ nhoi. Ngày nắng gắt mà gió vẫn lộng… mùa nắng Sài Gòn đấy: có cái nắng, có cái gió nhưng không có cái ngột ngạt hầm hập như chảo rang của ngày hè Hà Nội. Cả buổi sáng lu bu công việc trong phòng, đến trưa tôi mới bước chân ra hành lang. Sững sờ, một thềm hoa dầu nâu vàng hai cánh xoay xoay trong gió trước khi đậu im trên mặt đất, giữa thảm cỏ xanh, trên mặt hồ bên những cánh bèo nhỏ nhoi xinh xắn. Một làn gió đến, hàng trăm cánh hoa lại nhẹ nhàng điệu luân vũ giữa không trung…
Cây dầu là cây thân gỗ lớn, thân tròn, thẳng. Tán lá hình nón khá dầy, ưa sáng mạnh nên cây vươn cao đến 40 – 50m. Cụm hoa dài 12cm, hoa gần như không cuống. Ống đài 5 cánh nhưng có hai cánh to hơn các cánh khác nên thường thấy hoa chỉ có hai cánh. Trồng cây dầu hai bên đường vừa có không gian xanh và đẹp cho con đường vừa có giá trị kinh tế sau này. Cây dầu lại không cần nhiều công chăm sóc, cây ưa đất ẩm sâu và thoát nước nên những vỉa hè trồng cây dầu thương không lát kin gạch hay phủ hết bê tông mà để một thảm cỏ quanh gốc cây, lấy nước mưa nuôi cây.
Trên những con đường như Nguyễn Bỉnh Khiêm, công viên đường Lê Duẩn, Pasteur, Trương Định (đoạn qua công viên Tao Đàn), Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn gần vòng xoay Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ), Bùi Thị Xuân, đường Trần Hưng Đạo, An Dương Vương, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Chí Thanh, Ngô Gia Tự... vào mùa này, đi dưới cái nắng gay gắt hay cơn mưa giông ta đều được che chở bởi hàng cây dầu cao vút, thân lớn mang đậm màu thời gian, thân quen với người Sài Gòn và thân thiện với những ai từng đến Sài Gòn. Những hàng cây được trồng từ khoảng trăm năm trước và đã trở thành một phần di sản của thành phố. Cùng với hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (mà nay đã không còn nữa!), đường Ngô Gia Tự có những hàng cây dầu thẳng tắp, tán lá giao nhau như chiếc dù lớn màu xanh có thể được coi là con đường tiêu biểu cho loại hình “di sản cây xanh đô thị”.
Cảnh quan con đường Ngô Gia Tự giống như một bức tranh phong cảnh cổ điển, thấp thoáng dưới hàng cây phía cuối đường là ngôi nhà thờ Thánh Jeanne d'Arc - người dân thường gọi là "nhà thờ Ngã Sáu", xây từ năm 1922 mang phong cách kiến trúc Gothic, nằm giữa một công viên nhỏ nhìn ra giao lộ của nhiều con đường. Hình ảnh này gợi nhớ một Sài Gòn chưa xưa lắm đâu, khi mà thiên nhiên và công trình của con người còn hòa quyện vào nhau, cùng làm đẹp cho thành phố, và cùng trở thành ký ức nỗi nhớ của người Sài Gòn.
Đầu mùa mưa ở Sài Gòn là mùa hoa dầu. Thường vào buổi chiều giờ tan tầm người xe vội vã tất bật, nhưng chỉ cần một làn gió nhẹ lướt qua, tiếng lao xao của những cánh hoa dầu bung mình nhẹ nhàng bay trong gió... là dường như dòng người và xe đều đi chậm lại để tận hưởng khoảng lặng hiếm hoi của Sài Gòn năng động. Sống ở Sài Gòn bạn đã lần nào sống chậm để có thể nhận biết những khoảng lặng trong lòng mình và trong lòng thành phố? Nếu chưa thì dù chỉ một lần nhìn những cánh dầu bay bay, bạn sẽ được buông mình vào một cảm giác nhẹ nhàng thư thái, và chắc rằng bạn sẽ yêu Sài Gòn hơn, thật đấy!
Sài Gòn lại bước vào một mùa hoa bay bay. Không như những năm trước, năm nay trên đường phố vẫn những cánh hoa xoay xoay trong gió, vẫn những thảm hoa vàng nâu trên vỉa hè, gió cuốn vào hai bên vệ đường... nhưng thành phố đang trong những ngày dịch Covid bùng phát, vì vậy đường phố vắng vẻ hơn, giãn cách xã hội làm cho thành phố mất đi một phần sức sống sôi động vốn là đặc trưng của Sài Gòn. Trên những con đường “cây xanh di sản” thảm hoa dầu nâu vàng óng ánh đã vắng bóng nhiều tà áo dài dừng chân chụp hình, những cánh hoa bay liệng như cô đơn khi không có đôi mắt thiếu nữ mơ mộng nhìn theo... Nhưng hàng cây vẫn vươn cao trong nắng gió, hoa dầu vẫn vô tư trong điệu múa giữa không trung, để cho ai đó trên đường vẫn phải ngẩn ngơ và nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, sự trong lành mà những hàng cây xanh đang hiến tặng cho con người. Cây xanh luôn lặng thầm bên ta mỗi ngày mà do vất vả mưu sinh, vội vã “sống gấp” ta đã quên mất người bạn thủy chung từng chứng kiến mọi vui buồn của con người, mọi biến cố của thành phố.
Giờ đây Sài Gòn có thêm nhiều loài cây thân thuộc gần gũi khác, như cây bông giấy nhiều sắc tím hồng trắng đỏ bên hàng rào, hoàng anh vàng rực rỡ bên cổng nhà, những cây kèn hồng mang lại vẻ dịu dàng cho cả con đường, bò cạp vàng đung đưa từng chùm vàng tươi hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè... TP. Hồ Chí Minh không còn nhiều các loài cây cao tán rộng trên đường phố. Vài năm gần đây hàng cây xà cừ ở một số đường phố đã bị chặt đi để mở rộng đường hay làm các công trình hạ tầng. Nhiều cây khác bị mé nhánh tỉa cành trơ trụi, cây xanh thân gỗ lâu năm của thành phố giờ có lẽ chỉ còn nhiều cây dầu tạo bóng mát, đồng thời tạo nên tính chất và đặc trưng riêng cho thành phố. Mong sao những hàng dầu này được giữ gìn chăm sóc tốt hơn, để mãi là một loại cây “biểu tượng” cho cảnh quan đô thị, để những con đường “di sản cây xanh” mãi còn với người thành phố. Bởi vì nếu thiếu đi những tán lá xanh cao vút, thiếu đi những tia lá me như mưa rơi hay cánh hoa dầu bay bay... thì đô thị trở nên khô cứng xấu xí trong bê tông kính thép, cảm xúc con người sẽ ngày một khô cằn, nhạt nhẽo.
Mỗi ngày từ tầng cao văn phòng nhìn ra con đường có hai hàng cây quen thuộc, thấy ngoài kia những cánh hoa dầu vẫn cuống quýt bay theo những bông giấy tím đỏ chạy chơi trên vỉa hè. Nhớ một người bạn nơi xa vừa mail về “Sài Gòn ơi, thèm quá được một lần đi trên phố, đưa tay nhặt cánh hoa dầu trên mái tóc ai...”.
Mùa này nơi đó đâu có hoa dầu hai cánh, chong chóng của ngày xưa…
tháng 6/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét