Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

bài đọc thêm: " Gửi tình yêu Tổ quốc vào thơ / bài viết : Đức Khôi -- nguồn : http://baodansinh.vn>

        Gửi tình yêu Tổ quốc vào thơ

      ĐỨC KHÔI


        Lên mạng, đọc được bài thơ "Mài gươm" của nhà thơ Thái Thăng Long. Bài thơ có những câu thơ như lời hiệu triệu: "Gươm đã mài/ Lưỡi sắc ngút trời xanh/Giặc đã tới/ Mặt người mang máu quỷ/ Lưỡi uốn cong những giả dối đời.../ Gươm đã mài/ Hào kiệt khắp nơi/ Xẻ tàu giặc/ Như Bạch Đằng hùng khí/ Hỡi những ai còn u mê như thế/ Nào, tuốt gươm ra/ Rửa hận với nước non...". Những vần thơ đó đã dẫn lối để tôi tìm đến nhà thơ.

- nhà thơ Thái Thăng Long (bên trái)

* Thơ Thái Thăng Long mang cá tính và dấu ấn không lẫn với ai, từ ngôn từ và nhịp điệu thơ, giàu hình ảnh... Ông đã đi tìm bút pháp đó cho mình như thế nào?

- Tôi bắt đầu làm thơ khi còn là một người lính ở Trường Sơn, sau đó thì ra quân, đi học ngành Ngữ văn khóa đầu tiên của trường Văn khoa Sài Gòn (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội + & Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp, tôi về làm Trưởng ban Văn nghệ (Báo Khăn quàng đỏ) rồi làm ở Nxb Trẻ, Giám đốc chi nhánh phía Nam của Nxb Thanh Niên.

Tôi không phải đi tìm bút pháp cho thơ. Những bài thơ tôi viết ra rất tự nhiên, như từ trong người tôi thoát ra vậy. Tôi suy nghĩ nhiều về đất nước, về tình yêu, về khát vọng tự do... rồi tự nó có, tự nó sinh ra chứ không phải tôi cố tình đi tìm. Với tôi, thơ phải có nhạc tính, có vần điệu, có cảm xúc, triết lý và trí tuệ. Càng về sau, tôi càng tích tụ cho mình vốn liếng để làm thơ. Quan trọng hơn, tôi nuôi dưỡng được tâm hồn mình luôn tươi trẻ và giàu cảm xúc. Làm thơ cần có cảm xúc, ngôn từ chỉ là phương tiện để anh diễn đạt cảm xúc và suy tư, sự liên tưởng của anh trong thơ thôi. Không có cảm xúc, bài thơ sẽ thất bại.

* Trong thơ của mình, ông viết nhiều về Hà Nội, có bài được phổ nhạc như “Chiều phủ Tây Hồ”, hẳn ông đã dành tình yêu rất lớn cho mảnh đất này?

- Tôi là người Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở đó. Tôi yêu Hà Nội với bao vẻ đẹp và sự thăng trầm dâu bể cùng lịch sử của Thủ đô. Nhiều bài thơ tôi viết về Hà Nội hay lấy cảm xúc từ Hà Nội được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc đã được mọi người yêu thích, nhưng cũng như nhạc sĩ Phú Quang viết nhạc về Hà Nội rất nhiều, rất hay, nhưng không có giải thưởng. Điều đó không quan trọng, quan trọng là tác phẩm đó ở lại trong lòng công chúng.

*Gần đây, ông công bố nhiều bài thơ viết về biển đảo với những cảm xúc tha thiết, ẩn chứa tâm trạng trăn trở với đất nước được nhiều người chú ý. Ông có thể chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của những bài thơ đó?

Khi những sự kiện nóng bỏng ở Biển Đông xảy ra, cũng như bao người Việt Nam yêu nước, tôi cảm thấy căm phẫn, uất nghẹn trước hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong vùng thềm lục địa của nước ta tại Biển Đông. Tôi trăn trở và suy nghĩ nhiều rồi nó thấm dần vào tôi và bật ra thơ. Bài nào cũng là tâm trạng, cảm xúc chân thật của tôi. Đặc biệt, nhiều người thích bài “Mài gươm”, trong đó, tôi viết: “...Hào kiệt trùng trùng vô tận/Hào khí thành bão giông gió giật/Gươm người xưa/Lớp lớp máu kẻ thù/Tỉnh đi, hỡi ai còn say ngủ/Thức đi theo gió gọi mà về... Yêu đi/Những con sóng bể/Thương đi bao đảo nhỏ hiền lành.../Gươm đã mài/Lưỡi sắc ngút trời xanh/Giặc đã tới/ Mặt người mang máu qủy/ Lưỡi uốn cong những giả dối đời đời.../ Gươm đã mài/Hào kiệt khắp nơi nơi/ Xẻ tàu giặc/Như Bạch Đằng hùng khí/Hỡi những ai còn u mê như thế/Nào, tuốt gươm ra/Rửa hận với nước non...” Đó là những lời chân thật từ trái tim, máu thịt tôi, là tình yêu Tổ quốc của tôi.

* Đọc xong “Mài gươm”, chúng tôi nghĩ: Phải chăng đã đến lúc cần phải chấn hưng lại dân khí của dân tộc Việt Nam, như cái ý ông nhắn nhủ là phải “mài gươm”?

-Việc chấn hưng dân khí dân tộc nhiều người đã nói từ lâu, chứ không phải đến bây giờ mới nói. Thực ra, duy trì dân khí, dân trí cần phải làm liên tục và mãi mãi, chứ không phải đợi “nước đến chân mới nhảy”. Nhưng quan trọng là chấn hưng cách nào? Theo tôi, muốn chấn hưng dân tộc Việt Nam, chúng ta phải đổi mới toàn diện và làm quyết liệt chứ đừng làm nửa vời. . ./


ĐỨC KHÔI 


=============.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét