Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

bài đọc thêm (4) ' nhân ngày sinh nhật Thế Phong 90 tuổi ' [ 10/7/ 1932 - ] " TÁC GIẢ & TÁC PHẨM - THẾ PHONG / bài viết: Ngộ Không -- source: t-van & bạn hữu ( Hoa Kỳ)

 

09/04/2011
Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm – Thế Phong

 

(Trang T.Vấn & Bạn Hữu có nhận được một số tác phẩm của nhà văn Thế Phong do chính ông gởi đến . Trong danh mục giới thiệu các tác giả tác phẩm, chúng tôi cũng đã có mục dành riêng cho nhà văn Thế Phong theo thứ tự mẫu tự ABC dựa vào tên tác giả. Trước nhã ý của nhà văn Thế Phong, chúng tôi xin phép phá lệ một lần nữa, giới thiệu nhà văn Thế Phong trong mục Tác Giả Tác Phẩm kỳ này. Trong tương lai, khi có dịp, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu thêm những tác phẩm khác của ông . Quý độc gỉa muốn biết thêm về danh mục tác phẩm khá đồ sộ và đa dạng của Thế Phong, xin mời vào NewVietart. Chúng tôi cũng nhân cơ hội này kính chúc nhà văn Thế Phong nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp văn học của ông từ hơn 60 năm nay. Trân Trọng .T.Vấn & Bạn Hữu) .

 

Tiểu sử :

Tên thật Đỗ Mạnh Tường. Bút hiệu khác : Đường Bá Bổn

Sinh ngày 10-7-1932 tại Yên Bái trong giấy tờ tuỳ thân 1936.

Khởi sự viết văn cuối 1952.

Truyện ngắn đầu tiên Đời học sinh ký Tương Huyền đăng trên nhật báo Tia sáng ở Hà Nội (17-11-1952), Ngô Vân, Chủ nhiệm).

Truyện dài đầu tiên in ở Sài Gòn: Tình Sơn Nữ (1954).

Tổng số trên 50 tác phẩm đủ thể loại: thơ, truyện, phê bình, khảo luận, dịch thuật.

Từ 1952, ở Hà Nội cộng tác với các nhật báo Tia sáng, Giang Sơn, tạp chí Quê hương, phóng viên các báo Thân Dân (Nguyễn Thế Truyền), Dân chủ (Vũ Ngọc Các) (Hà Nội: 1952-1954). Chủ nhiệm tuần báo Mạch Sống, Dương Hà chủ bút – báo chỉ xuất bản được một số rồi tự đình bản vào 1955 ở Sài Gòn.

Cộng tác viên, tạp chí ở Sài Gòn: Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Văn Nghệ Tập San, Văn Hoá Á Châu, Tân Dân, Tạp chí Sống (Ngô Trọng Hiếu), Sinh Lực, Đời, Nhật Báo Sống, Tuần báo Đời (Chu Tử), Trình Bầy, Tiền Tuyến, Sóng Thần (Uyên Thao), Lý Tưởng,v.v… –

Đăng truyện ngắn Les Immondices dans la banlieue trên báo Le Monde Diplomatique (Paris 12-1970)

Đăng thơ trên tạp chí Tenggara, Kuala Lumpur – Malaysia) từ 1968-1972- sau in lại thành tập: Asian Morning, Western Music (Sài Gòn 1971, tựa Gs Lloyd Fernando).

Mục Lục :

Viết về Thế Phong : Tạ Tỵ – Thế Phong và cơn mê dục vọng;

Thế Phong viết về mình : Đường Bá Bổn

Tác Phẩm Thế Phong : truyện vừa Hỡi Linh Hồn Tôi

 

Thế Phong và cơn mê dục vọng

Tạ Tỵ

Le Moi est haissable
(Cái Tôi đáng ghét)
B. Pascal (1632-1662)

… Thuở nhỏ, Thế Phong rất oán giận bố vì hai chuyện, và cho rằng bố không thương mình bằng mẹ. Một lần bố sai đi mua thuốc phiện, đường xa, phải cưỡi ngựa băng qua dòng suối lớn đang mùa nước lũ, bị nước cuốn mất ngựa suýt chết. Khi về, bố chỉ hỏi thuốc phiện mà không hỏi đến sự nguy hiểm của mình. Một lần, muốn cho con học, ông đã nhốt con trên sàn gác, sai người cất thang, dưới chất đầy cành gai, khi nào học thuộc bài mới được xuống…

Trong khuôn khổ sinh hoạt văn nghệ miền Nam, Thế Phong nghênh ngang bước vào, mang theo giông gió làm đổ vỡ bao nhiêu thần tượng cùng với những hằn học, bất mãn trước xã hội.
Không giống các văn nhân khác, dùng trí năng soi tỏ con người đối chiếu với sự vật, từ đó, phóng hồn vào khung trời sáng tạo với đầy đủ quyền hành do nghệ thuật trao phó để hình thành tác phẩm. Thế Phong tìm riêng cho mình một tư thế sáng tạo bằng cách mang bản thân ra làm vật thí nghiệm và dùng người thân, bạn hữu, người tình, cuộc sống như những chất liệu để xây dựng Sơn Nam văn chương. Điều này làm buồn lòng nhiều người. Thế Phong đã bị dư luận anh em oán giận, người tình than trách và sự hiện diện của tác phẩm Thế Phong như những bản cáo trạng kết án tử hình thế hệ mình. Nhà văn biết rõ điều đó, nhưng mọi thứ trên đời, dù ân nghĩa, dù tình yêu, dù phản bội đối với Thế Phong cũng chỉ như những phương tiện thôi, cứu cánh là nghệ thuật. Vì tin tưởng thế, muốn như thế, nên những sự kiện được viết thành văn, nó nằm ở ngoài dự tưởng của lương tâm mỗi con người bình thường.

Trước bước đường tiến tới vinh quang, mỗi nghệ sĩ phải tuỳ tài, tuỳ trí để lựa chọn ngả nào thích hợp với khả năng, với ý hướng và cũng ít nguy hiểm nhất để tiến tới ước vọng, vì không một ai có thể đạt được danh vọng trong vài ngày, vài tháng. Nghệ thuật là một công trình, ở đấy, mỗi tài năng đều phải lần lượt kinh qua những cay đắng và gian khổ, để rồi cùng với thời gian mà trưởng thành hoặc tàn lụi đi như một tuyệt vọng vô danh.
Sự thực, cuộc đời Thế Phong đã trải qua quá nhiều cay đắng và hệ luỵ do hoàn cảnh đẩy tới với oán hận triền miên. Nhưng đáng lẽ những cay đắng đó chỉ được dùng cho riêng mình trong sáng tác, Thế Phong lại lôi kéo theo những số phận khác cùng gánh chịu để gây nên ngộ nhận. Nhà văn biết, nhưng bất cần, vì nghĩ rằng, bản chất đích danh của sự sống không nằm trong xã hội mà ở mỗi con người nghĩ về sự sống đó với những yếu tố cấu tạo nên nó. Thế Phong, một nhà văn đã dám nói thực, viết thực những gì mình nghĩ, dù cho sự nghĩ đó chỉ nhằm vào mục tiêu đã lựa chọn. Chính vì đã chọn lựa, nên Thế Phong chấp nhận cả tốt lẫn xấu để sử dụng nó với chiều hướng có lợi cho mình, cho văn nghiệp của mình là đủ. Trong nền văn chương thế giới, thiếu gì những tác giả viết về mình, về xã hội và thế hệ mình với những sự việc hiển nhiên vây chặt lấy mỗi số phận như Collette, Marcel Proust, v.v. nhưng các vị đó chỉ dùng những nhân vật chung quanh họ như bằng chứng điển hình cho một tầng lớp xã hội nào đó, chứ không chỉ đích danh, hơn nữa, các vai trò đã được văn-chương-hoá nên không làm phiền lòng người được nói đến. Độc giả cũng chỉ coi như xem cuốn tiểu thuyết với những tình tiết khúc mắc thuộc kỹ thuật dựng truyện mà không có mặc cảm đọc bản án kết tội.
Thế Phong không viết như vậy, nhà văn đi vào từng sự việc và thuật lại y nguyên từng sự việc, tuy ở đôi chỗ có thay tên đổi họ, hoặc nguỵ tạo bằng danh từ riêng, nhưng những người cùng sinh hoạt chung môi trường, đoán biết ngay nhân vật đó là ai. Bởi vậy, những người được nhắc đến trong tác phẩm của Thế Phong, phần lớn là vật hy sinh, hoặc biến thành những viên gạch lót đường cho người viết đi tới sự nghiệp. Chính vì nhìn rõ cương vị của mình trong cuộc sống, một cuộc sống khốn nạn, tù hãm, bị vây lút bởi hoàn cảnh bất lợi cho riêng mình, nên đi đâu, ở đâu, Thế Phong cũng tự gây nên những sự việc, dù thuộc đời sống hay tình cảm, không nằm trong kích thước cuộc sống thông thường.

Thế Phong, nhà văn bất mãn thường trực, bất mãn với mình, với người, với xã hội. Sinh ra đời trong bối cảnh thanh bình của miền Thượng du, suốt khoảng ấu thơ được nuông chiều trong tay mẹ hiền, cho đến khi vừa đỗ xong Tiểu học thì đất nước cũng bắt đầu rối loạn vì tình hình chính trị và quân sự. Nghĩa Lộ, quê mẹ của nhà văn, là căn cứ địa, là chiến khu của Việt Minh, như chiến khu Bắc Sơn thuở tiền khởi nghĩa. Mồng 9 tháng 3-1945 quân Pháp mất Đông Dương vào tay quân Nhật sau một đêm giao chiến, các toán quân Pháp đóng ở cao nguyên, một phần đã rút theo ngả Nghĩa Lộ qua biên giới Trung Hoa để chống Nhật. Việt Minh cũng chống Nhật nên các toán quân du kích hoạt động tích cực ở khu vực này cho đến ngày Pháp trở lại Việt Nam, và Nghĩa Lộ lại bị cai trị dưới sức mạnh của quân đội Pháp, mới ngày nào lếch thếch, quần áo tả tơi, ăn xin, chạy trốn đoàn quân của Thiên Hoàng. Người dân Nghĩa Lộ qua mấy lần thay đổi chế độ, tan nát cả sự nghiệp cũng như lòng tin tưởng và hy vọng!…
Tất cả những diễn tiến trên, được Thế Phong nói rõ trong phần đầu của tác phẩm tự thuật: Nửa đường đi xuống (ấn bản đầu in Ronéo, 1960, sách in năm 1968).

Nhân vật xưng Nguyên trong tác phẩm là tác giả. Thế Phong dùng danh từ đặc hữu này để thay ngôi thứ nhất. Nguyên, cậu bé có tình rất sớm, mới hơn 10 tuổi hễ trông thấy gái là mê, cái tật này làm khổ nhà văn suốt cuộc sống, còn làm luỵ bao nhiêu đàn bà, con gái nhẹ dạ! Hình ảnh, nào Hương, Trinh, Tiên, Nga, Hải ở lứa tuổi 12, 13, v.v. đều làm cậu bé mơ mộng, muốn chiếm đoạt. Thời gian qua mau, chinh chiến đã phá vỡ tất cả mơ mộng của tuổi thơ. Tây đi, Nhật đến, Việt Minh đánh, rồi Cách mạng tháng Tám bùng nổ trên mọi nẻo đường đất nước. Sự có mặt của đoàn quân Cách mạng tại Nghĩa Lộ với Hồng, Quân, Vũ và Trung đoàn trưởng Sắc.

Trung đoàn trưởng Sắc đóng đô ở nhà một goá phụ, sau này, khi rút lui để lại cho bà một đứa con. Anh Trung đoàn trưởng tuy đã có tuổi, sắc mặt lầm lì, nghiêm khắc nhưng vẫn không lột bỏ hết quá khứ tình dục bỏng cháy, vì Cộng sản cũng chỉ là người với tất cả thú tính của nó. Quân đội Cách mạng không giữ được Nghĩa Lộ lâu, đám tàn quân Pháp chạy qua Tàu bữa nọ, quay về với trận chiến ác liệt, buộc quân Cách mạng phải triệt thoái. Nguyên làm bí thư cho Sắc nhưng không rút cùng quân Cách mạng, lại theo gia đình tản cư sâu trong rừng núi. Rồi ông Giáo, bố Nguyên, bị nghi ngờ theo Tây, bị bắt mang đi đâu không biết. Mẹ Nguyên nhất định trở về Nghĩa Lộ, về lại căn nhà thân yêu của mình với đồn điền và của cải chôn giấu. Nguyên cũng về theo mẹ. Căn nhà xưa, nay quân Pháp đóng, nhờ Nguyên biết tiếng Pháp nên công việc thu xếp cũng xong. Viên Thiếu tá Pháp Chỉ huy trưởng, thấy Nguyên thông minh nên muốn xin cho Nguyên sang Pháp học, Nguyên là con một, nên bà cụ không chịu.
Louis, tên Pháp lai Thái, khi Pháp mất quyền, chạy theo quân Cách mạng, lúc nghe tin Pháp về, trốn theo quân Pháp, bây giờ được phục hồi cấp Thiếu uý, giữ chức vụ Trưởng đồn. Louis mời Nguyên giúp việc. Thoạt đầu Louis còn tử tế, sau cũng làm bậy, cho lệnh giết trâu bò của dân làng. Một buổi Louis đem quân ra đồng bắn trâu bò thì đồn bị tấn công. Nguyên chạy vào lô-cốt, một thương binh Pháp bảo Nguyên: “Anh bắn đi, tôi sợ!… Việt Minh nhiều lắm!…” Nguyên bắn thật. Nhờ khẩu trung liên đó mà đẩy lui quân địch. Nguyên được tuyên dương.
Đời Nguyên còn qua nhiều giai đoạn vui buồn ở Nghĩa Lộ. Trung uý Guilleminot về chỉ huy căn cứ, yêu quý Nguyên vô cùng. Ông ta giúp đỡ Nguyên chẳng những ở Nghĩa Lộ, còn ở Hà Nội sau này. Một hôm Nguyên nhận được lá thư của Sắc, người Trung đoàn trưởng Việt Minh – gửi với lời báo tin ông Giáo vẫn khoẻ mạnh và Sắc đã thu xếp cho Nguyên đi Mạc Tư Khoa học. Chính vì bức thư này mà “petit Adjudant” Nguyên suýt bị tù do sự tố cáo bởi thù oán của đội Hồ. Sở dĩ Hồ có được lá thư vì lấy trộm của Nguyên trong lần đi tắm suối. Hồ giữ thư đó để làm áp lực với gia đình Nguyên trong vấn đề hắn định hỏi Bích, chị Nguyên làm vợ, không được. Sau cũng vì một tối đánh phé với Nguyên, Hồ thua cay nên ức, trình lá thư cho Trưởng đồn. Chuyện đó được giải quyết bằng cách quân đội Pháp chỉ cho Nguyên nghỉ phép dài hạn.
Cuộc đời Nguyên từ đó rong chơi bạc bài, lấy tiền mua hàng của mẹ đánh thua hết, rồi vay nợ, ăn cắp tiền bỏ ống của đứa em họ, đánh đập tàn nhẫn em gái mỗi lần nó không vay được tiền.
Tất cả những kỷ niệm, dù vui tươi hay cay đắng, Thế Phong đều viết ra, viết rất chân tình không úp mở:

… Nguyên đợi Ny về, hăm hở hỏi:
“Có tiền không?”
“Không ạ, bác bảo…”
“Tại sao?”
“Bác bảo anh đến mà lấy”.
“Sao?…”
“Bác bảo…”
Ny muốn kéo dài để tránh anh thúc trả lời và những cái tát đổ hào quang con ngươi. Không bao giờ Ny về không có tiền mà không bị anh đánh. Nguyên đánh em rất vũ phu. Tiếng khóc lịm đi cho đến bao giờ chị Cửu can thiệp, Nguyên mới thôi.
Trong quãng đời bỉ ổi và đau khổ đối với em gái, Nguyên không thể quên được! …
(Nửa đường đi xuống, trang 157)

Chắc Nguyên không bao giờ quên được, chẳng những đối với Ny qua từng trận đòn tàn bạo mà còn bao nhiêu chuyện khác, trong đó có nỗi đau khổ của người mẹ thương xót đứa con duy nhất với nhiều hy vọng về tương lai, nay nó như vậy! Những ngày dài nối tiếp đi qua khung trời Nghĩa Lộ. Nguyên vì thương mẹ, không đánh bạc nữa, bắt đầu làm lại cuộc đời trai trẻ của mình, bằng cách đốt rẫy làm ruộng. Nhưng có lẽ, định mệnh đã sắp đặt sẵn cho Nguyên những điều kiện để đi vào từng sự việc, dù may mắn hay rủi ro. Vì chuyện làm ruộng Nguyên gặp Quán, cô gái quê thuộc thôn Đỗng cách xa nhà Nguyên độ mươi cây số. Quán, con nhà thường dân, nghèo hèn nhưng trời phú cho sắc đẹp mặn mà với dáng điệu quý phái (?). Quán đã có chồng chưa cưới tên Hời (lính Partisan), một hôm đi hành quân lục soát bắt gặp Quán trong cót thóc rồi mê nàng, bắt buộc gia đình Quán phải gả cho hắn. Hời già và nghèo, nên hắn dự định giết chết những ai nhiều tiền của, để có phương tiện cưới vợ. Quán không yêu Hời, lẽ đương nhiên. Chuyện Nguyên gặp Quán là kết thúc một ước mơ và cũng để giải toả trong lòng niềm oán hận đời!…
Cuộc tình rất thơ mộng của đôi trẻ cứ men theo những lối mòn, trên bờ nương, bên rừng cỏ cháy, trong từng đêm dài.

… Những đêm tàn dần theo nhau, bao giờ đôi trẻ ấy cũng mong thế. Khi yên giấc, là lúc cơ hội yêu đương sống động…
(Nửa đường đi xuống, trang 176)
Câu chuyện này làm gia đình Nguyên rất đau khổ. Quán, con nhà nghèo lại có chồng dù chưa cưới. Nhưng tuổi trẻ Nguyên đâu cần biết cái đó, cứ nhắm mắt theo tình yêu dẫn lối. Nhưng cuối cùng, Nguyên vẫn phải xa Quán, vì sợ bị tù theo đơn thưa, cũng do thù oán. Nguyên buộc lòng phải rời Nghĩa Lộ. Thế Phong đã viết những dòng thực sống và cảm động khi bị giam ở lô-cốt một đêm.

… Bước xuống hầm mùi tanh hôi xông lên, khi thấy anh vào, một tù binh nhếch mép cười gượng rồi im lặng. Nguyên không để ý đến sự có mặt của người bạn xấu số kia. Nguyên còn lợi dụng những giây phút còn ánh sáng, nhìn qua lỗ hổng lô-cốt, tìm hình bóng Quán, Nguyên cắn răng như muốn phá tan tù ngục và sự có mặt của thép gai xích sắt, tường vôi. Vô hiệu, chẳng tìm thấy Quán mà bóng đêm ập xuống. Xuống quá nhanh và phũ phàng!
Muỗi bắt đầu dạo nhạc. Người bạn tù bảo Nguyên:
“Tôi là Hoàng Văn Định. Tối nay tôi bị chúng xử bắn. Tôi yêu nước và đã mang bom ba càng ném vào chúng. Nhưng anh ơi! Bao giờ tôi mới thấy lại mẹ già, vợ và con thơ tôi. Tôi quê ở Hà Đông, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 97.
… Anh làm sao mà gặp gia đình tôi, để nói rằng trong cuộc kháng chiến, tôi đã chết bên anh, trong một miền hẻo lánh, để sau này kháng chiến thành công, gia đình tôi khỏi phải mong đợi…”
(Nửa đường đi xuống, trang 182)

Sự thực, trong cuộc kháng chiến chống Pháp chẳng phải chỉ có một mình Hoàng Văn Định chịu cảnh tù tội, bị đem xử bắn mà còn rất nhiều tấm gương anh hùng vì hai chữ Việt Nam dám hy sinh hết không tiếc nuối. Trường hợp Định với lời than van, chỉ chứng tỏ được cái tình người chứ chưa biểu lộ được cái quyết tâm của mỗi con người quốc gia yêu nước vào những năm 1946 đến 1954.
Vì may mắn và cũng do bà mẹ, Nguyên đi Hà Nội học để tránh cái không khí nghẹt thở của Nghĩa Lộ. Nguyên đâu có ngờ, chuyến đi này là mãi mãi, không một lần trở lại thăm thôn cũ quê xưa. Ngồi trên máy bay Nguyên nhìn xuống phi trường để tìm hình ảnh Quán, người yêu, người đã cho mình những ân ái mặn nồng của tuổi thơ, người đã khắc sâu vào tâm khảm mình những kỷ niệm đến chết chẳng hề phai lạt. Trong khi đó, Quán đến muộn, nàng không kịp nắm chặt lấy hình hài Nguyên để tỏ bày đôi câu giã từ. Nàng đứng ngớ ngẩn ở sân bay như con chim nhỏ lạc đàn. Khi máy bay sắp cất cánh, Nguyên mới chợt nhận ra vóc dáng thân yêu:

… Cánh quạt bắt đầu quay. Cánh cửa đóng lại. Bây giờ Nguyên mới hoàn hồn nhìn lại. Nghĩa Lộ từ giã mình bằng một sự yên lặng cô đơn. Bỗng Nguyên giật mình. Người đàn bà kia là nàng. Phải, đúng là Quán. Nguyên dùng bàn tay đập vào cửa kính. Và càng mạnh, khiến người chiêu đãi viên đi lại hỏi. Nhưng anh không kịp trả lời. “Tại sao ông đập cửa kính?” Vẫn đập nữa, mãi sau họ bảo:
“Ông có quên gì, thì chúng tôi sẽ gửi về sau cho ông”. Nguyên thờ thẫn. Quán bây giờ chỉ còn là một dấu đen nhỏ. Anh gục đầu xuống đôi cánh tay…
(Nửa đường đi xuống, trang 185)

Trên đây, những dòng cuối của phần đầu cuốn sách. Khung trời Nghĩa Lộ trở về sau, được Thế Phong nhắc đến như một kỷ niệm đan xen những vui buồn và giọt máu Nguyên để lại trong thân thể Quán cũng làm nhà văn băn khoăn không ít ở những trang nối tiếp.

Thế Phong vì còn trẻ và quá tự tin nên luôn luôn đề cao mình về trí thông minh và lòng can đảm ngay từ thuở nhỏ. Điều này có thể đúng, nhưng có lẽ, khi viết nhà văn quá chủ quan, hơn nữa, Thế Phong thực hiện cuốn sách vào năm gần 30 tuổi, nên chỉ viết theo sự chỉ dẫn của tiềm thức, do đó, thể văn hồi tưởng nếu có tác động đến tâm thức tác giả, cũng do sự tán tụng mình ở trong khuôn thức nào đấy để tự thoả mãn!
Nhưng phải xác nhận, qua những sự việc thuộc phần đầu cuốn Nửa đường đi xuống, Thế Phong phải dùng hết khả năng và sự lanh lẹ của mình để đối phó với nhiều trường hợp dù thuận, dù không. Từ một đứa bé được nuông chiều, bước sang cuộc đời đầy khốn khó, tác giả đã dùng trí năng để kinh qua được rất nhiều trở ngại, chỉ riêng vấn đề tình ái, tuy tuổi còn nhỏ mà đã biết đam mê như gã thanh niên trưởng thành, nhất là giai đoạn 1945, khi nếp sống xã hội Việt Nam nói chung, vẫn chưa có gì đáng khích lệ trong vấn đề luyến ái. Ngay cả đoạn nói về vai trò của Sắc – người Trung đoàn trưởng Việt Minh – qua sự phân tích tâm lý, với nhận xét về mặt tình cảm của nhân vật, làm những trang sách trở nên nghi vấn. Vì ở cái tuổi 13, 14 dù thông minh cách nào đi nữa, cũng chẳng thể đoán biết một cách minh bạch về hành động của người Cộng sản đã chiến đấu cho Đảng, vì Đảng, đã hy sinh tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa gối chăn cho Cách mạng. Người đọc tin chắc phần này được viết ra với suy luận, sau hơn 10 năm ngẫm nghĩ, đã sống, đã từng trải qua nhiều vui buồn thế cuộc!

Phần II của cuốn Nửa đường đi xuống (hay quyển truyện thứ hai) mở đầu bằng lá thư gửi một nữ y tá, người yêu. Mỗi phần sách, một phần đời của tác giả. Vì là tự thuật, nên tất cả mọi sự việc đều được viết ra có lớp lang, tuần tự theo thời gian. Nội dung lá thư chứa chấp nhiều cay đắng, hờn hận. Nó là lời chào vĩnh biệt. Nó là cơn đau vò xé nội tâm người trong cuộc. Tình yêu, ôi tình yêu, đứng trước nó, con người trở nên hèn mọn và sẵn sàng chấp nhận khổ đau một cách tự hào!…

… Cách đây hai năm, anh đã viết cho em nhiều thư lắm. Nhưng chưa bao giờ gửi, mặc dù em cùng sống với anh trong một thành phố đang quen, cùng một bầu không khí lành lạnh buổi sáng, nóng bỏng càng tăng lúc non và già trưa. Hẳn là em ngạc nhiên, lẽ tất nhiên rồi, vì anh muốn đoạn tuyệt với quá vãng. Song anh làm sao có thể là một con người như bao xưa nữa tuyên bố trước mặt mọi người: Tôi lột xác và bỏ ngày qua, để nhìn rõ hiện tại, như thế là xây dựng cho ngày mai. Gần mười năm phục vụ, gần sáu năm thực tập cái lề lối, cái nếp sống bề ngoài thơn thớt nói cười để mà nham hiểm giết người không dao. Rồi anh chợt nhớ, nhớ quá lắm! Có những đêm, anh chắp tay vào má, trước ngọn đèn dầu ở xóm Chùa, bên bờ sông Tân Định, suy nghĩ mông lung, sau khi đã tự tử dần bằng những ly cà phê sánh đượm…
(Nửa đường đi xuống, trang 189-190)

Qua những dòng thư, người đọc đoán biết tâm trạng của tác giả. Cuộc đời đã quất những chiếc roi da ngang mặt, làm nổi hằn từng đau đớn qua chứng tích văn chương. Tác giả đã nói thực cho người yêu biết đừng tin tưởng vào bề ngoài mà xét đoán cái phong lưu bên trong, vì bề ngoài chỉ là chiếc mề-đay giả đấy thôi. Cả hai mặt đều khác sẵn từng nét xấu xa! Cuộc đời đã dạy cho Thế Phong nhiều bài học, nhưng không bao giờ nhà văn oán trách sự xấu nếu có đến với mình và cả sự tốt của người đời, cũng chỉ để giúp cho tác giả biết đứng trên hai thứ đó mà nhận diện cuộc sống đích danh.
Tác giả cũng chẳng cần che đậy, giấu giếm sự nghèo túng. Bạn mời đi ăn cưới, ăn mặc thật “luých”, cúc manchette hình tareau đẹp bậc nhất của Paris mà thiếu 5 đồng tiền taxi phải nhờ chú rể hỏi vay một, trong những cô gái có mặt ở tiệc cưới. Đi từ lá thư vào truyện không cần qua đoạn chuyển tiếp thông thường của kỹ thuật hành văn, Thế Phong đưa được người đọc trở lui quá khứ, trở về khung trời Hà Nội, khi Nguyên vừa góp mặt, sau một chuyến bay. Từ đó, Nguyên ôm Hà Nội vào lòng với đam mê và tội lỗi.

Đến đâu, ở đâu, bóng dáng tình yêu cũng như bầy ma quái quấn riết lấy thân phận Nguyên để làm khuất chìm mọi ước vọng khác. Nguyên không ở đâu yên chỗ vì tính tình bừa bãi, phóng túng không chịu ép mình dưới khuôn thức nào của nếp sốn, nên sự đi, ở, đói, khát là những gần gũi nhất, trong một đời sống đã được điểm danh. Nhà ông Đội, một gia đình phong kiến rởm với kẻ hầu người hạ, với sự khinh bạc trong cách xưng hô làm Nguyên hờn giận, nên chỉ là những ngày tạm bợ. Rồi đến quán Mai Hương, vừa ở trọ vừa làm bồi bàn nhưng lòng vẫn nhớ Kiều, người bạn gái Tàu lai quen từ khi còn ở Nghĩa Lộ. Mấy tháng sau lại vào ở ký túc xá Phan Đình Phùng, phố hàng Đẫy, rồi lại tìm Kiều với mối tình dang dở, nhưng nàng đã lấy chồng Pháp để cứu gia đình lâm nạn. U hoài bắt đầu đến và Nguyên xin gió lạnh ở đâu, hãy về gác trọ thật nhiều để làm bạn với cô đơn!

Nguyên đi học, nổi tiếng là hy sinh quấy nghịch đã mấy lần suýt bị đuổi, tuy có khiếu về sinh ngữ. Tuổi học sinh vốn vô tư, hồn nhiên, nhưng vì vào đời quá sớm nên Nguyên đã có những nhận định và phong cách của một tráng niên. Trong mấy năm học, thi không bao giờ đậu vì ngoài môn sinh ngữ, môn nào cũng bết. Hình ảnh Thương, người nữ sinh cùng trường đã làm đẹp tuổi niên thiếu bằng những ước mơ hoa bướm. Một niên khoá qua đi rất nhanh.

Một buổi, người cô ruột của Nguyên đến ký túc xá bảo Nguyên về nhà ở. Nguyên mừng quá vì đang lo Nghĩa Lộ mất về quân kháng chiến sẽ không có tiền theo học, may gặp người cô giàu, thì dù cho Nghĩa Lộ có tan nát vì chiến trận, Nguyên cũng chẳng cần. Nhưng bài học đầu tiên đến với Nguyên là hành động của bà cô ruột, thải một lô quần áo cũ của chồng cho cháu. Nguyên bị chạm tự ái cho mình là con nhà giàu, mặc hàng Dormeuil đi học, đâu thèm mặc thừa. Giữa lúc cần tiền, một phong thư và chiếc “măng-đa” từ Nghĩa Lộ báo tin Quán, cô gái quê xứ Thái, đã sinh con gái. Trong khi đó mối tình cô nữ sinh tên Thương và Nguyên vẫn đi đều nhịp. Cách đó ít lâu, nhận được tin mẹ ốm nặng, Nguyên cũng không trở lên Nghĩa Lộ được vì mặt trận Thu Đông đang dìm cả vùng rừng núi vào biển lửa. Người mẹ rất mực thương chiều con, không một lần nhìn lại mặt Nguyên, từ buổi tiễn đưa đến lúc nhắm mắt lìa đời. Cả người cha bị bắt đi mất tích, sống chết ngày nào cũng chẳng ai hay biết!…
Nguyên bắt đầu viết văn. Từ đây, những đêm dài… Một nhận xét, Thế Phong quá tham lam trong vấn đề chọn lựa sự kiện đưa vào tác phẩm. Có nhiều việc thừa, hoặc không mấy cần thiết cho kỹ thuật dựng truyện, vẫn được viết tới, làm tâm trí người đọc bị phân tán, không gây nên tác động mãnh liệt vào một chủ điểm nào đó, được coi như chính yếu. Nửa đường đi xuống giống cái cây quá nhiều lá, đứng nhìn, người ta chỉ thấy một màu xanh nặng nề bao phủ mà không nom rõ cái “thế” vững chãi của thân cây với những nhánh, cành đang vươn cao sức sống. Có lẽ, vì nói tới mình, nên tất cả những gì “thuộc về mình” khó lòng gỡ bỏ, dù cho vì nó, tác phẩm có mất đi một phần hiệu năng truyền cảm. Chủ quan bao giờ cũng nguy hiểm, nhất là đối với văn chương, chúng ta không thể bắt chước G. Duhamel với ý nghĩ thầm kín: ôm ấp những cái gì thuộc giai cấp mình, chung quanh mình mà thôi.
Tội lỗi và tội lỗi, ở đâu, Nguyên cũng tạo ra cho mình chiếc “vực thẳm của Pascal”. Mỗi lần phạm tội, Nguyên đều tìm nguyên cớ để khoả lấp, như trường hợp với Bảy, cô cháu họ của ông chú rể:

… Ở Hà Nội, những chiếc xe bọ hung màu xám chạy qua phố. Trên xe là những bộ mặt sát khí của các chú lính Pháp. Nguyên cảm thấy rằng sinh mạng con người chỉ là sợi tơ nhện chăng vào đêm giông tố. Nguyên thèm khát những bộ ngực nở nang…


Cái gì đến phải đến, Nguyên đã bị dục tình quật ngã, rồi Bảy mang thai sau hơn một trăm lần “ghi sổ”. Chuyện này lúc đầu mọi người đều nghi cho chồng cô Thảo vô luân, đã ăn nằm với cháu gái. Nguyên càng tỏ ra mình vô can trước dư luận, nhưng sau mọi người đều biết là Nguyên. Bảy phải bỏ nhà ra đi với cái thai hơn 7 tháng. Nguyên đưa Bảy số tiền nhỏ còn lại, để nàng chi dụng, từ đó là hết. Đau thay thân phận đàn bà!…
Nguyên vừa đi học vừa tập viết văn, gửi đăng ở các nhật báo. Cái sự nghiệp văn học, Nguyên thường nhìn qua vóc dáng Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Tô Hoài, v.v. còn xa lắm! Nguyên ở nhà bà cô cũng chẳng yên ấm gì. Vì không chịu được nếp sống của Nguyên, nên hai cô cháu gây gổ. Bà cô mắng rủa và đánh Nguyên. Tuổi trẻ không dằn được, Nguyên đấm lại bà cô sưng vù mắt. Sau đó, Nguyên bắt đầu lang thang với câu thề: Không bao giờ mình trở lại cái nhà này nữa.
Nguyên đến ở nhờ nhà bạn miệt chùa Vua. Buổi tối đang đánh phé với 3 bạn khác, có vụ Cảnh sát xét nhà. Lẽ dĩ nhiên, Nguyên không có tên trong sổ gia đình, phải về nằm bót. Khung cảnh cuộc thẩm vấn, được Thế Phong viết lại vô cùng xác thực, đã nói lên cái không khí nghẹn thở của Hà Nội, trong thời gian Pháp tạm chiến thành phố:

… Trưởng ban Điều tra chững chạc hỏi:
“Tên cậu là gì?”
“Thưa ông, Tạ Mạnh Nguyên”.
“Làm báo?”
“Vâng”.
Một lát sau, hình như hiểu ra điều gì, Trưởng ban “rờ-sẹt” gọi một thanh niên trẻ lại:
“Xem sổ có tên này không?”
Nguyên mừng thầm. Đến khi ông Trưởng ban quay phắt lại gọi:
“Hoàng ơi, affaire đây rồi. Nhà báo, c’est lui.” Nguyên bắt đầu hơi lo, nhưng chưa biết chuyện gì. Nhớ lại lúc gần tảng sáng, anh nhìn sang khe cửa bên kia. Nhân viên điều tra thay phiên nhau đánh đập, đàn bà có, đàn ông có, choai choai có… Những tiếng khóc thét lên, im bặt tiếng van lạy như tế sao: Con đau quá!… văng vẳng trong tiềm thức anh.
“Tên mày là gì?”
“…”
“Mày buôn lậu Aspirine, Quinine, Streptomycine đem đâu? Tiếp tế cho Việt Minh, khai đi, đúng rồi, lại Quinines jaunes…”
“Con lạy quan, con trót dại buôn lấy tiền nuôi gia đình…”
“Lớn có thể đẻ con hàng mấy đứa, còn trót dại… Thằng gì… đâu, đánh cho nó khai. Allez…”
“Dạ…”
“Này gia đình này, không khai này, này không khai này, đ.m. chúng mày. Ông đánh cho bằng chết, có chửa này, thì… thời ra con này… Kh…ai…k…h…a…i hay không?”
Tiếng người đàn bà ban nãy, bây giờ chỉ còn giãy giụa vang từ trong căn phòng điều tra ra. Nguyên nhìn Hiển, cùng thấy cảnh loài người hành hạ lẫn nhau. Họ không nói, nhưng cả hai biết rằng, người đàn bà có đôi mắt đẹp lúc nãy, chỉ còn là một thân xác lõa thể bị dày vò. Hiến chương Liên Hiệp Quốc! Hiến chương Liên Hiệp Quốc bảo vệ nhân quyền…
“Đánh cho bỏ mẹ nó đi”, một người ra lệnh, “dí điện vào “số ta” nó!”
“Trời ơi! Con lạy quan, con chết, chết mất…”
“Chết đâu dễ thế, khai đi, nhanh lên quan tha, Marie hay Jacqueline, Ngọc, Tuyết, Nhung ai là Trưởng ban địch vận của các con. Khai đi… quan tha, ngoan lên nào. Má đỏ thế kia, da trắng thế kia, hoài của… khai để mà sống chứ? Khai đi…”
“Con chết mất, xin quan chớ… hại đời con là con gái… con khai, con khai, quan tha con… trời ơi… trời ơi!”
(Nửa đường đi xuống, trang 267-268)

Đoạn văn đã vẽ lại trước mắt người đọc một pha tra tấn thường xảy ra ở bất cứ quận Cảnh sát nào dưới thời Pháp chiếm lại Hà Nội, sau khi đã đẩy lui Trung đoàn Thủ Đô qua bên kia bờ Hồng Hà và đi xa nữa!…
Nguyên đã thấy chán nghề viết báo, có ý định vô Sài Gòn làm cuộc phiêu lưu. Nguyên xuống Hải Phòng, lên tàu Ville de Sài Gòn vào Nam với số tiền do mưu mẹo của Hiển người bạn tốt. Vào Nam, Nguyên không quen ai, ngoài hành lý tuỳ thân và đôi lời gửi gấm của bạn bè, với lá thiếp của Minh (nhà văn Nguyễn Minh Lang) giới thiệu người bạn làm báo ở Sài Gòn.
Trong suốt phần II của Nửa đường đi xuống, sự thật cũng chẳng có dữ kiện nào đặc biệt để mà nói, ngoài chuyện quấy phá, nghịch ngợm của tuổi trẻ, với vài lỗi lầm nặng nhẹ về dục vọng. Nhưng vì tác giả muốn trình bày sự diễn tiến của một đời người dấn thân vào trong văn chương, với những mốc vui buồn của nó, một cách trung thực, nên sự việc được nói tới, viết ra, đều ở ngoài văn chương. Phải qua đến phần III (quyển truyện thứ ba), Thế Phong mới thực sự đi vào môi trường dự định. Từng khuôn mặt anh em, bạn bè, người tình đã mất đi vĩnh viễn hay còn sống cùng kích thước không gian Sài Gòn, đều được vẽ lại với những hận thù và tiếc thương đằm thắm. Sóng gió bắt đầu thổi từng cơn giận dữ.
Những ngày đầu ở miền Nam trôi đi trong khốn khó. Đêm khách sạn cô đơn và lo ngại ngày mai, đến nỗi từ chối cả đàn bà mời vui. Nơi đây Nguyên gặp Hồ Hán Sơn, người chuyên viết lý thuyết Cách mạng, sau cũng vì Cách mạng, chết tối tăm!… Rồi cuộc đời đẩy đưa, vì có viết mấy cuốn sách về chính trị, Nguyên được giới thiệu để giữ chức vụ Ủy viên Báo chí kiêm Bí thư của Tổng trưởng Thông tin Phạm Xuân Thái. Nhưng miếng đỉnh chung này cũng chẳng hưởng được bao lâu. Sau câu chuyện xích mích, Nguyên xin thôi, để sau này phải thốt lên lời oán trách gay gắt, khi bị Phạm Tổng Trưởng từ chối không cho mượn tiền:

… Thuê nhà được hơn một tháng, Nguyên bắt đầu thất nghiệp. Chính anh tự bỏ việc làm. Nguyên biết ngày mai mình chẳng còn gì để bấu víu, nhưng anh đành bỏ. Ban đầu anh còn tiền ăn, dần dần không xoay sở vào đâu được, anh đến nhà một hoạ sĩ ăn nhờ. Tân ngạc nhiên khi thấy bạn không còn bút Parker treo ở túi áo như mọi bận:
“Sao bút đâu? Bán rồi sao?”
“Tất nhiên. Nếu tao không cầm quần áo toàn diện, bút máy, đồng hồ, không có tiền thuê nhà. Tao vay Phạm Tổng Trưởng, nhưng lão ta kêu không có. Chúng nó làm chính trị chỉ cần mình khi chúng cần. Nên kinh nghiệm dạy cho biết, khi chúng vời mình đến, phải cắt cổ chúng mà lấy tiền. Nếu không nắm cơ hội ấy, đừng có hòng moi tiền được của chúng…”
(Nửa đường đi xuống, trang 305-306)

Câu chuyện túng thiếu, chuyện thường xuyên đối với hầu hết những người làm văn nghệ, nhưng sự túng thiếu đối với Nguyên, một phần do tính hào phóng, lúc có tiền ăn chơi cho đã, ngày mai xét sau, lúc xét được, đã muộn! Biết bao nhiêu lần lỡ đà, quá trớn về tiền bạc cũng như tình ái, chẳng lần nào giúp cho Nguyên được mảy may kinh nghiệm để vượt thoát. Trên thực tế, Nguyên có thể kiếm ra tiền bằng nhiều cách, khi làm Ủy viên Báo chí, nhưng tuổi trẻ, còn nhìn đời qua lăng kính lý tưởng, Nguyên đã để lỡ, chắc không bao giờ tìm thấy lại cơ hội đó nữa!
Cái nghề viết văn, có gì đâu mà nhiều người ham mê vì nó, chịu khổ cực cả một đời. Có lẽ, nó là cái nghiệp! Sách viết xong mang bán, đi rạc cẳng, không chắc đã bán nổi, dù bán với giá tiền chết đói:

… Bằng hẹn với anh đã nhiều lần lắm. Không còn xe đạp anh đi bộ vào Chợ Quán. Nhưng phải đi làm sao cho đỡ mệt, đầu tiên anh đi bộ đến nhà Tấn, hy vọng có tiền uống nước mía. Tấn đi vắng, anh nhìn con đường dài rồi trẩy bộ. Đến nơi Bằng lại lỡ hẹn với anh, mặc dầu cuốn sách in được mấy chục trang. Mỏi mắt đợi, ông quản lý của nhà xuất bản thương hại bảo:
“Tôi chưa thấy ai chịu khó hơn anh!”
Mười lần đến nhà xuất bản là mười lần không gặp. Đừng buồn, cố rán thì sau này sẽ nổi tiếng, đỡ cực hơn!
Ông ta đưa cho Nguyên mười đồng, biết rằng Nguyên hết nhẵn tiền. Trở lại nhà bạn, mong đúng bữa, với bát cơm nóng ấm bụng vào buổi chiều. Nguyên nghĩ đến mùi thơm phức của cơm bốc lên, quả là khoan khoái, thèm muốn. Nguyên nhịn đói là thường. Nhiều buổi hết tiền, anh nằm ngủ hay cựa mình để nhớ đến mùi thơm xưa kia, ở tửu quán xa hoa. Ngày ở xóm Chùa, Nguyên đã không chỉ nhờ những bà hàng xôi cho chịu mỗi sáng, mà còn nhờ bà bánh chưng buổi chiều. Lỡ hôm nào, họ đau ốm hay không qua đây, Nguyên chờ đói…
(Nửa đường đi xuống, trang 308)
Cứ như thế, nhà văn kéo dài cuộc sống trong khốn quẫn triền miên hỏi làm sao không căm giận cuộc đời? Tác phẩm bán đắt, bán rẻ quanh quẩn tiêu cũng hết, trong khi đó, vẫn phải ăn, phải thuê nhà, phải tiêu một vạn thứ linh tinh, làm gì còn tinh thần mà ca tụng cuộc sống.
Trích Nhật ký của Nguyên, tháng 1 đến 12-1957:

… Lại hết tiền rồi. Bắt đầu chịu tiền cơm. Chưa biết ngày mai phiêu diêu rồi định đoạt cuộc sống ra sao?
Chị chủ nhà giục tiền quá. Ba tháng rồi. Xuống nhà bạn xoay tiền không ra. Anh ta đưa mình lên quán Văn Sửu, định giao cho mình trông nom một loại sách văn nghệ, in nửa tháng một kỳ. Cuốn đầu tiên là của mình. Rồi công việc không đi đến đâu, lại ngưng. Trong khi ấy nợ chủ quán hai nghìn.

Thằng Vân đưa về nhà nó, nuôi mình gần một tháng viết tiếp cuốn sách. Và sửa soạn ra thăm bà cô để vay tiền trả nợ. Văn xem bói bài Tây cho mình, bảo chuyến đi xa có tiền. Mình chẳng tin bao giờ, sao lần này mình lại hy vọng có tiền như quẻ dặn là ở bà cô chăng? Nhân tiện ra thăm anh bạn văn nghệ gửi thư cho mình, ngày phát hành một cuốn sách nhỏ. Anh ta mời nhà văn ra chơi ăn bí-tết, vì trong thư anh viết theo giọng châm biếm: ngày xưa Vũ Trọng Phụng khi chết, than không có bí-tết. Tôi rất kính trọng và xin nói thật vậy. Lời của anh ở cuối thư.


Người bạn văn nghệ quý tài Nguyên mời ra ăn bí-tết, ai ngờ lại bị Nguyên lấy mất số tiền mười ngàn đồng do nhà triệu phú Trần Hoài dành dụm. Sau, trong cuốn Thế Phong, tác phẩm và cuộc đời, tác giả có viết lại lần nữa việc này.
Ăn cắp, hai chữ đó xấu lắm, một người biết tự trọng và có chút lương tâm, dù đói khổ cách mấy cũng không làm. Thế Phong đã làm vì quá túng thiếu, nợ nần, nào tiền nhà, tiền cơm, tiền cà phê, thuốc lá quá nhiều, đến nỗi người chồng nghi vợ có tình với Nguyên nên không đòi. Nguyên cần phải sống để viết, để hoàn thành dự ước: trở thành nhà văn nổi tiếng. Việc làm bất chính nay đã giải thoát cho Nguyên một thời gian ngắn trong vấn đề sống, nhưng những dằn vặt, lo sợ tù tội vẫn hằng đêm lởn vởn trong tâm trí và làm khổ Nguyên không ít.
Những người xung quanh đối với Nguyên không hoàn toàn xấu cả, còn có chị Năm Hưởng vẫn thỉnh thoảng phần cho Nguyên những thức ăn như xôi chè hoặc quả chuối. Chị Năm Hưởng, số phần lận đận qua mấy cầu chồng con. Những ý nghĩ đen tối về xác thịt bắt đầu nhen nhúm để đốt cháy lương tri Nguyên trong thèm khát dục tình. Nguyên thức khuya viết, những dòng chữ nào xuống mặt giấy vì đuôi con mắt và nụ cười của chị Năm như mời mọc ân ái. Chính vì muốn xâm chiếm chị Năm, Nguyên đã để ý cách thức mở cửa sao cho êm và chui vào mùng chị bằng cách nào? Đêm khuya, chờ cho anh chị chủ nhà ngũ kỹ, Nguyên thi hành dự định.
Mọi việc được giải quyết một cách suông sẻ. Sáng hôm sau, hàng xóm nghe tiếng chị Năm Hưởng nói như phân bua với chị Hai Nụ, chủ nhà Nguyên: Con mẹ ngủ nhờ đêm qua lười như hủi, ai lại giận chồng con mà nằm lì ở nhà mình. Nguyên cười trong chăn. Nhưng rồi, khốn khổ thay người đàn bà ấy, một mầm sống đã hình thành trong bụng, để rồi sau này, khi sinh nở, chỉ nhận được một hộp Hépatrol, thuốc bổ máu, giá hơn trăm bạc!
Thế Phong đã gieo vào cuộc đời vài mầm sống với dăm người đàn bà gặp gỡ trong các hoàn cảnh đặc biệt. Những đứa trẻ không may này, nếu trời để làm người lớn lên, không biết chúng có đọc lời nhắn trong cuốn sách để tìm thấy bố? Chúng sẽ nghĩ gì về trường hợp khốn nạn, ở đó, chúng góp mặt! Nguyên không hoàn toàn bất nhẫn đối với đàn bà cả đâu, Nguyên đã dám từ chối tình yêu cô Năm, người đàn bà cùng xóm gửi tặng. Cô Năm cũng lỡ dở đường chồng con, chỉ vì nghĩ đến chị Năm Hưởng với cái bào thai, đã mấy lần dùng thuốc phá không được, hối hận và hối hận!…
Đời sống cứ thắt dần từng nút, từng nút như sợi dây oan nghiệt đang xiết từ từ vào cuống họng kẻ chán đời. Nguyên đã cố gắng đến cùng, vẫn không giải quyết được vấn đề cơm áo. Cuốn sổ ghi nợ cứ chồng chất những con số nặng nề làm Nguyên muốn gục xuống. Một chiều, chị Hai Nụ nói:

“Cậu Nguyên, chiều hôm nay, không thể nào nấu cơm cho cậu ăn nữa. Chị đưa tay lên lau mắt. Anh Hai tôi nói thế này, có khổ tôi không? Bảo tôi với cậu có tình ý với nhau, tôi sợ không đòi cậu!…”
(Nửa đường đi xuống, trang 349)
Qua phần IV của Nửa đường đi xuống (quyển truyện thứ tư), Nguyên đành rời bỏ Sài Gòn đi Rạch Giá để kiếm sống bằng nghề dạy học. Cũng chẳng được bao lâu, lại trở cánh quay về thành phố, như con thiêu thân không xa rời được ánh sáng. Những kỷ niệm đau đớn hay oán hận đều được nhắc nhở minh bạch, kể cả chuyện bị bệnh phong tình do cô gái làng chơi gửi tặng. Nhiều người cho rằng Thế Phong “cynique”, nhưng đó là bản chất của Thế Phong, nhà văn không nguỵ tạo, nếu khác thế, chẳng còn Thế Phong hôm nay.
Những ngày vô định tiếp nối kéo lê trong phiêu bạt, tối nằm ngủ sợ ngày mai chóng sáng, phải nhìn thấy thực chất cuộc đời với những khuôn mặt chủ nợ.
Nguyên bứt đi khỏi xóm Chùa bằng cách bỏ trốn, để lại tất cả sách vở và đồ nhật dụng. Các tập bản thảo đã được lén lút mang dần ra khỏi nhà từ mấy bữa trước. Một cuộc sống tay ba: Tô, Thảo, Nguyên: những người trai bị đời hất hủi, được tổ chức trong một khuôn khổ không mấy khích lệ, vì luôn luôn họ bị ám ảnh, bị mặc cảm qua ý kiến của Tô:

“Mày bảo tao không chán chường sao được. Khi tuổi thanh niên của bọn mình đã chết một cách bất đắc dĩ. Chỉ còn sa ngã vào tình yêu, dù truỵ lạc, dù chà đạp lên luân lý!…”
(Nửa đường đi xuống, trang 373)
Vì vững tin như vậy, nên họ tạo một lối sống riêng và Nguyên có leo qua vách để làm tình với mụ me Tây về già trong đêm nào đó, cũng là chuyện thường. Khổ thay, người đàn bà đã lọc lõi ở đời về đường tình ái, vẫn bị thằng con trai đáng tuổi em út mình lừa dối!
Trong hoàn cảnh khốn khó như thế, những người ở xa Nguyên, không nhìn thấy sự thực, nên vẫn mơ mộng trong từng cánh thư gửi từ Hương Cảng. Nói rằng yêu, chưa đúng vì chẳng có lời yêu đương nào được ghi nhận, nói không yêu cũng sai, vì nội dung lá thư có hàm chứa những ý tình. Thế Phong đã viết rõ chuyện này trong cuốn tự truyện: Thế Phong, tác phẩm và cuộc đời (Đại Ngã tái bản, 1970) với những ray rứt, đứt nuối ở mỗi dòng, mỗi chữ.

Trong suốt phần IV của tác phẩm, dành để nói về mối tình trên với vài hình bóng con gái khác cùng những dang dở.
Phần V, cũng là phần chót của Nửa đường đi xuống, được viết với tâm trạng vô cùng bi đát. Tình yêu cũng chỉ là hư ảnh. Nghệ thuật còn xa vòi vọi, chân trời vẫn nặng trĩu mây mù. Cuộc sống nối tiếp trong thiếu thốn trường kỳ. Với tình yêu, không phải bao giờ Nguyên cũng là kẻ chiến thắng, dù rằng, có người con gái đã viết cho nhà văn, những dòng chữ đằm thắm, chân tình:

“Ông Nguyên ơi! Ông phải nhớ rằng, giả thử xã hội này tất cả đều ruồng bỏ ông, ông hãy tự hào sung sướng có một người bao giờ cũng tìm ông…”
(Nửa đường đi xuống, trang 490)
Nhưng đau thay, cũng có giọng khinh bạc đến với Nguyên, qua câu chuyện được thuật lại cùng trong thư đó:

“…
“Thưa cô, tôi trông cô quen lắm”.
“Thưa cô, có phải cô là cô Lam không ạ?”
“Thưa cô, cô có nhận được báo của tôi gửi tặng chưa ạ?”
“Thưa cô, cô còn nhớ tôi không?”
“Thưa ông, tôi không còn nhớ ông là ai, tôi có quen một anh quét đường cùng ở xóm Chùa với tôi, mỗi lần tôi đi học về anh ta hay đón. Nhưng lâu nay, tôi không gặp nữa, vì xóm Chùa không còn rác nên anh ta thất nghiệp…”
(Nửa đường đi xuống, trang 491)
Hình ảnh những cái rủi luôn luôn chờ đợi, rình rập xung quanh Nguyên, đợi dịp thuận tiện xông ra đẩy Nguyên xuống bùn đen. Đã không tiền, không nơi ở, lại còn gặp nhiều điều không như ý, nên có lời nào viết về bạn hữu – trừ một vài người vì quá tốt hay may mắn – đều bị tác giả ném vào mặt những lời sỗ sàng, tàn bạo. Mỗi khuôn mặt trong trang sách đều mang theo vì vết chém của Nguyên. Nào thi sĩ Đạm, nào T.T. Hoàng, v.v. trong đoạn kết của cuốn sách với những cái tát cuối cùng và những lời sỉ nhục quá đáng! Thế Phong đã dùng hết sức mình để công phá lần chót, trả thù đời! Khi viết lại thân phận qua những gian truân, oán hận, Thế Phong không dằn được cái “váng nổi của ý thức” khi còn trẻ nên đã nói hết, viết hết những gì chứa chấp trong tâm tư, mặc kệ hậu quả. Câu mà thi sĩ Đạm nói ra: “Tất cả đều sợ anh” trong buổi tối Nguyên đánh Hoàng vì đã nói xấu mình khi vắng mặt, là như thế đó!

Cuốn sách tạm ngưng với vài lời cám ơn bạn bề, dù tốt dù phản phúc, nhưng họ đã cho nhà văn cái vốn sống để hoàn thành sự nghiệp.
Thế Phong luôn luôn khát vọng và mơ ước mình sẽ trở thành một Maxime Gorki Việt Nam [Maxime Gorki (1968-1936), sinh tại Nijni-Novgorod, một thành phố nằm ở ngã ba sông Volga và Oka. Thành phố có bến tàu lớn, cũng là trung tâm kỹ nghệ thép, xe hơi và cơ xưởng lọc dầu. Những tác phẩm nổi tiếng hoàn cầu như Tuổi thơ ấu của tôi (Ma vie d’enfant), Những kẻ lang thang (Les vagabonds), Người mẹ (La mère), v.v. đều được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng và nhà nước miền Bắc cũng đã dịch ra Việt ngữ]Thân thế và cuộc đời của Gorki cũng đã gánh chịu vô vàn tủi nhục, hận thù giai cấp tư bản, phong kiến, nên ông dấn thân vào Cách mạng Vô sản, dùng văn chương để trình bày cái xấu xa của xã hội thoái hoá, bóc lột, đề cao những tấm lòng vàng trong manh áo rách. Gorki đã khích động căm thù và dương danh vai trò vô sản trong mọi tác phẩm. Ông cũng đóng góp rất nhiều cho cuộc Cách mạng Nga tháng 10-1917. Do đó, ông được Nhà nước Liên Xô tôn xưng là đại anh hùng văn nghệ vô sản. Hoàn cảnh Việt Nam khác, dĩ nhiên, ước mơ lại càng khác nữa!
Thế Phong, tác phẩm và cuộc đời là sự nối tiếp những trang đời của tác giả. Ở Nửa đường đi xuống, Thế Phong còn nguỵ tạo danh tính các nhân vật được đề cập tới, nhưng ở cuốn Thế Phong, tác phẩm và cuộc đời, nhà văn đã cho người đọc biết tên thật của mỗi vai trò. Có nhiều chuyện được nhắc lại trong Nửa đường đi xuống với nhiều chi tiết hơn, những chi tiết nhức nhối làm chết sững lòng người.
Người con gái làm thơ: Cao Mỵ Nhân, đã cho Thế Phong nguồn đam mê tình ái và làm khổ nhà văn không ít trong suy nghĩ. Cuộc tình đằng đẵng, có lẽ sâu đậm nhất, sau mối tình vô vọng với nữ sĩ Linh Bảo. Tất cả nguồn cảm hứng sáng tạo trong thời gian này dành cho Cao Mỵ Nhân. Cuộc sống của Thế Phong vẫn chưa tìm thấy chân trời. Nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến in ronéo, lấy số kiểm duyệt mà vẫn ra đời với nợ nần và thiếu thốn. Trong khi đó sách bán rất chạy dù in lèm nhèm vì kỹ thuật ấn loát kém.
Vừa lo sống, vừa lo công việc nghệ thuật, vừa lo yêu, lúc nào ngần ấy thứ cũng đeo đẳng vào số phận nhà văn để hành hạ. Anh em, người này đi, người khác đến, cả những khuôn mặt đàn bà cũng vậy, như nàng Oanh – người tình cũ, gặp lại ở một trường hợp đặc biệt. Oanh đã tự tử không chết, bỏ chồng. Oanh đòi làm lại cuộc đời với Thế Phong, trong khi đó tình yêu với Cao Mỵ Nhân đang nồng nàn. Nhưng Thế Phong vẫn cùng Oanh đi Vũng Tàu, rồi những trận tình làm Oanh mang bầu. Nhà văn trốn tránh trách nhiệm bằng cách đổi chỗ ở. Đến Tết gặp nhau, Thế Phong đã chán, xô nàng xuống đường!…
Thế Phong viết lại rất lạnh lùng, tàn nhẫn. Mỗi dữ kiện được nhắc tới bao giờ cũng gói ghém trọn vẹn hai chữ: thù hận, không phải với cá nhân mà với cuộc đời. Thế Phong mê mải làm việc, có thể ngồi cả tháng trước máy chữ, đánh bản thảo trên giấy sáp để in ronéo. Sự thực, trong dòng sống, Thế Phong cũng có một chuyện tình chua xót với một người đàn bà goá gặp gỡ giữa đường. Người con gái này đã có con gái lớn, và hết lòng chung thuỷ với người chết, nhưng đốm lửa nên duyên, để rồi ân hận đến khi nhắm mắt! Trong đêm vắng, Thế Phong muốn thử xem người đàn bà bốn mươi, đáng tuổi chị mình đó, thờ chồng đến mức nào? Nhưng hỡi ơi! Con người đâu phải thần thánh, làm sao chống nổi được với đam mê thân xác, bên cạnh một chàng trai khoẻ mạnh. Thế rồi sau đêm hoan lạc đó, bà ta ở luôn. Biết cần phải có chồng mới sống chung được, bà bảo tác giả đưa tiền mua cỗ bài tây, để bà hành nghề bói bài kiếm ăn. Thế Phong đi vay tiền cho bà. Từ đó ngày ngày bà kiếm tiền nuôi hai miệng ăn bằng cỗ bài. Nhưng một buổi, bà không quay về nữa, tác giả biết bà bị cảnh sát bắt vì một tội gì đó, nên đã xúc động sáng tác bài thơ Cửa mở đón em về:

… Nửa đêm anh ôm suốt vòng lưng tưởng tượng,
Đêm không đèn mở cửa đón em về…
(Sai biệt)
Rồi một tối, bà trở lại cho biết, bị giam ở khám Chí Hoà, báo tin mình đã mang thai, mang thai sau bao năm thờ chồng! Nhà văn sợ quá, chợt nghĩ đến chị Năm Hưởng với hộp Hépatrol, bèn tìm cách tháo chạy. Chạy bà goá chửa xong, nàng Oanh lại sinh nở. Tác giả muốn giúp Oanh có chút tiền nằm ổ, biết vay không được, lại ăn cắp của bạn cùng nhà đem cho Oanh ở bệnh viện Hùng Vương. Chuyện vỡ lỡ, Thế Phong lên đường tìm chỗ khác trú ngụ. Chuyện ăn cắp còn đến với người bạn tốt, thấy nhà văn không có chỗ ngủ, mời đến nhà mình. Nửa đêm, nhà văn móc túi quần, mở ví lấy hết tiền rồi chuồn sớm, cũng chỉ vì quá túng quẫn.
Tất cả tác phẩm in Ronéo trong những năm 60, 61, 62 và 63 đều có ý hướng chống chính quyền, nhất là tập Mây Hà Nội của Nhị Nhu, hay tập Vô cùng của Đào Minh Lượng. Rồi đến chuyện gây gổ với Nguyên Sa, Hoàng Trọng Miên, Mặc Đỗ, Đỗ Tấn, Nguyễn Văn Trung, Vũ Khắc Khoan, v.v. Thế Phong đã nói hết trong tác phẩm này (Thế Phong, tác phẩm và cuộc đời). Nhưng chưa hết, còn nhiều khuôn mặt nữa, toàn những khuôn mặt anh em và đôi ba người tuy không làm văn nghệ nhưng dùng văn nghệ để phục vụ cho mình như Phạm Xuân Thái, Lý Trung Dung – Chủ tịch Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hoá. Ngay cả khuôn mặt Nguyễn Đức Quỳnh thuộc nhóm Hàn Thuyên, Hà Nội, người chủ trương Đàm Trường Viễn Kiến mà Thế Phong đã nhiều lần tham dự cũng bị kết tội làm mật thám cho Pháp, trong cuốn Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh. Còn nhiều, nhiều nữa, cả đàn bà lẫn đàn ông, mỗi người được Thế Phong đeo cho chiếc thẻ bài với dòng chữ số!…Mối tình Cao Mỵ Nhân tuy cuối cùng cũng tan vỡ, nhưng có lẽ, mối tình đẹp nhất đời, nên Thế Phong đã làm nhiều thơ vì nàng.
Để tỏ bày lập trường văn nghệ và cũng để kiên trì thái độ, Thế Phong viết:

… Những ngày có dấu chân của chàng kỵ mã văn nghệ là tôi đây, quang cảnh miền Nam đã thay đổi. Tôi như là mũi tên không tha thứ một tên nào, dù có quyền hành móc sau đời sống văn nghệ, tôi cũng lao những mũi tên tẩm thuốc độc cảnh cáo hoặc khử trừ. Những tên làm xấu văn nghệ, đạo văn, mật vụ, chúng phải nghĩ tới đối tượng tôi, trước khi bắt tay vào việc. Có thể ghét bỏ tôi, nhưng chung quy phải nể và kính trọng tôi. Tôi đòi phải thừa nhận lỗi lầm, nhơ nhớp của họ, mới có căn để tránh và sửa chữa tội lỗi…
(Thế Phong, tác phẩm và cuộc đời, trang 199)
Những dòng trên, có chủ quan lắm không? Với tuổi trẻ cái gì cũng có thể đúng, ngay cả mặt trời kia, nếu nổ vỡ và nhiệt độ rớt xuống có làm cháy tan trái đất này, họ cũng coi như chuyện thường, vì họ không có gì để mất, ngoài tự ái! Nhưng rồi thời gian và tuổi đời chín dần, họ mới thấy, mới nhận biết, văn nghệ hay gì gì nữa cũng là thừa cả trước vũ trụ. Lão Tử đã nhìn rõ, nên mới cất lên hai chữ: Vô Vi.
Phải nhận rằng, Thế Phong rất yêu nghề, nguyện sống chết với nghiệp. Dù gặp bao nhiêu khốn khó, dù đói cơm rách áo, dù tình yêu tội lỗi quây chặt tâm hồn, dù đời có phụ rẫy, dù bạn bè tốt xấu, dù mình có hư đốn, nhưng không bao giờ Thế Phong xao lãng văn nghệ, thứ “văn nghệ đắng” không nuôi sống mình. Thế Phong viết ra những cái xấu của bản thân, của xã hội để ghi dấu khoảng đời, chuỗi thời gian góp mặt. Công việc nghĩ rằng dễ, nhưng thực khó.
Đã có lúc, nhà văn muốn tự huỷ đời sống của mình trong những ngày ở Tân Sa Châu vì quá tuyệt vọng! Nhưng với tuổi trẻ và được trời phú cho sức chịu đựng, Thế Phong đã vượt thoát, dù vượt thoát với ngàn vạn cay đắng, nhục nhằn!…
Ngoài hai tác phẩm tự-sự-kể: Nửa đường đi xuống, Thế Phong, tác phẩm và cuộc đời, được ghi nhận như những bài học đắt giá của đời sống văn nghệ, Thế Phong còn dùng văn chương để nói về đời sống tình cảm của một nữ văn sĩ nổi tiếng từ thời tiền chiến. Để tránh những khó khăn về kỹ thuật dựng nhân-vật-truyện, Thế Phong phải dùng lời nói đầu trong cuốn: Truyện của người tình phụ (1963) như sau:

Đây chỉ là một thể hiện cuộc đời qua tiểu thuyết mà xã hội cỏn con ấy không liên hệ gì, hoặc xa, gần với đời sống một cá nhân nào trong xã hội thực. Nói như thế, tác giả không trách nhiệm, biện giải, khi có ai muốn thể hiện tiểu thuyết này là có sự liên hệ đến họ.
Câu trên, thực tình, viết ra để có viết mà chẳng viết gì cả. Câu chuyện tình của người đàn bà có chút học vấn, vì gia đình hay duyên nợ (?) phải lấy anh chồng nhà quê không ưng ý, gặp người đàn ông hơn thế, mê liền, bỏ chồng đi theo, để rồi lại mê nữa, người thứ ba, thứ tư… Sự mê đắm một phần do nhục thể, một phần vì những hào quang sự nghiệp văn hoá và chính trị do người đàn ông toả ra. Cái tâm trạng đứng núi này trông núi nọ, rốt cuộc, ngọn núi nào lúc đến gần cũng ngần ấy thứ xấu xa, ghê tởm làm cả cuộc đời tan nát trong đam mê, ước vọng! Toàn bộ cuốn truyện không mấy xuất sắc, vì tình tiết cũng như cốt truyện không nằm ở môi trường chung của mọi thành phần xã hội, nó là ngoại lệ, nên chỉ có thể gây xúc động ở một vài tâm sự đồng cảnh ngộ nào đó. Hơn nữa, các sự kiện nói tới, được tiểu-thuyết-hoá quá độ trở thành giả tạo. Nghệ thuật một khi giả tạo, khó gây ảnh hưởng sâu đậm trong lòng người đọc.
Thế Phong, nhà văn có khuynh hướng xã hội. Những cảnh sống khốn cùng của một lớp người chỉ trông vào “đồ thừa” của quân đội Mỹ thải ra, cũng đủ nuôi sống một cách phong lưu cả gia đình. Những thân phận con người ngoại ô. Những thảm trạng xã hội, ở đấy, chỉ vì chút lợi lộc, con người có thể căm thù nhau mãn kiếp, có thể hy sinh luôn danh dự cũng như thể xác để đánh đổi lấy quyền lợi, dù quyền lợi nằm trong đống rác nhơ bẩn, thối tha. Truyện Khu rác ngoại thành được viết bằng nước mắt, bằng nỗi nghẹn ngào, trong mỗi trạng huống được đề cập tới. Phải xác nhận, từ ngày có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Việt Nam, sinh hoạt của thành phố đã thay đổi theo mức độ đáng ngại. Các “bar” mọc lên tua tủa và ổ mãi dâm lan tràn trong mọi ngõ ngách, ngay cả trung tâm thành phố. Giá sinh hoạt tăng vùn vụt, do đó, muốn sống còn, bắt buộc mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải kiếm thêm bằng mọi cách. Truyện Khu rác ngoại thành với đống rác cao như núi, với những ti tiện, bỉ ổi trong vấn đề giành mối lợi, cái mối lợi do quân đội Mỹ vứt đi được viết ra với những tình tiết vô cùng cảm động. Hình ảnh người lính không quân tên Tiết với những anh “di-ai” Mỹ và vợ Tiết, gái điếm hoàn lương cùng nhiều vóc dáng khác quay tròn xung quanh đồng tiền làm người đọc chóng mặt:

… Tôi nhớ lại, những buổi tối mấy người Mỹ đến nhà Tiết chơi. Mỗi lần nhìn thấy taxi đậu trước cửa, vợ Tiết sai thằng con đem tiền ra trả, cho rằng cử chỉ đó là một thái độ chiều chuộng. Sau đó chị thường đem chuyện người Mỹ đến nhà chị chơi ra sao kể lại với hàng xóm, coi như đó là một vinh dự và lên mặt với mọi người. Năm gian nhà khu chúng tôi không rào giậu gì, bếp nước chung nhau một gian phụ nằm dài sau dãy nhà chính. Giấy má, rác rưởi vứt lung tung. Một buổi tối đun nước, vơ giấy nhóm bếp, thấy có bản nháp một lá thư viết bằng tiếng Anh. Tò mò tôi đọc. Nội dung lá thư đại khái như thế này:
Bạn không phải mua quà tặng vợ tôi làm gì. Tôi chỉ muốn phiền bạn mua giúp tôi 50 tút Pall Mall, Lucky, Salem và 20 hộp thuốc píp 79. Noel năm nay tôi sẽ dẫn bạn tới một chỗ tuyệt thú. Con gái Việt Nam đẹp lắm!
Tối nay chở bạn ở nhà tôi.
Thân kính
Tiết
(Khu rác ngoại thành, trang 20)
Tiết tuy làm lính nhưng ăn mặc “luých” như một thứ công tử miền Nam giàu gốc. Trong nhà có đủ thứ sang trọng của một gia đình sung túc, nào nho, cam, đào hộp, thịt bò, bánh, kem, kẹo, cà phê, chocolate, xà bông bột, v.v. Nhưng vì miếng ăn, cái “đống rác” ấy lục đục với nhau:

… Xe ngoại kiều càng ngày càng đổ nhiều vỏ đạn rốc-kết, những thùng đạn đôi khi còn nguyên. Bọn Tàu đi mua đạn để lấy đồng với giá rẻ mạt. Bác Chánh bắt đầu làm đơn khiếu nại nhưng không cho tôi biết, khác hẳn với mọi lần, mỗi khi làm việc gì bác cũng thăm dò ý kiến tôi trước. Chủ căn nhà A (tức bác Chánh) khiếu nại rằng, đổ rác làm mất vệ sinh. Tôi chắc Trần có đóng góp vào việc thảo lá đơn này. Trong khi đó, ở một mặt khác, tôi được biết Trần cũng làm đơn tố cáo với Toà Đại Sứ, cơ quan quân sự Mỹ về việc xe ngoại kiều đi đổ rác được Tiết ve vãn, cho tiền, dẫn gái, nên đem đi đổ toàn những đồ nhà binh còn dùng được.
Tôi thấy không cần phải đóng góp thêm một ý kiến nào.
(Khu rác ngoại thành, trang 26)
Rồi cũng quanh đống rác, người ta chửi nhau, đánh nhau, thưa kiện để giết chết nguồn sống của nhau. Tiết đã bị quân cảnh bắt giữ vì dính líu vào vụ rác Mỹ. Trong khi Tiết bị hoạn nạn, ở nhà vợ Tiết lao đầu vào tội lỗi:

… Bây giờ không phải là mùa xuân nữa, mặc dầu chưa hết tháng Hai âm lịch. Thằng bé càng hát lớn, con bé càng khóc to hơn. Rồi thằng bé lại hát bài quốc ca để ru cháu nữa. Nhịp đi hùng mạnh của đoàn quân hình như đã không thể làm cho đứa bé hài lòng. Gần sáng mẹ nó mới trở về. Xóm lao động ở bìa rừng cao su, anh Bẩy loan tin về chuyện thực xảy ra đêm qua trong rừng “ái ân”:
“Vợ thằng Tiết đêm qua cặp kè với ngoại kiều suốt sáng ở chiếc mả cũ trong rừng. Đ.m. thằng chồng mới bị bắt có ít bữa mà làm vậy rồi. Đồ chó điếm mà, bọn bay! Con đó trước làm điếm ở xóm Lăng, gái chơi bời mà!”
(Khu rác ngoại thành, trang 36)
Vợ Tiết, người đàn bà lai Tàu đã dày dạn tình đời, bướng bỉnh thừa nhận:

“… Đ.m. tụi bay. Tao không có tiền, tao nghèo, tao “đi” cho Mỹ. Bọn bay thối miệng học làm chi đây. Đ.m. tụi bay, chồng tao bị bắt tụi bay sướng ghê!”
Đời sống cứ tiếp tục chiều quay của nó. Những vui buồn cũng trở thành tầm thường như mưa nắng. Tác giả vẫn phải nhìn ngần ấy sự việc trong khuôn khổ đống rác và sự tàn nhẫn của chính mình khi không thích con chó khôn ngoan, yêu quý, đi lang thang kiếm ăn, tìm đực. Con vật bé mọn, bị quất một cây gậy lớn đến truỵ thai. Từ đó, nó ốm đau lê lết. Tác giả muốn mua thuốc cho nó mà không tiền vì thân mình còn phải ăn nhờ bác Chánh nên đã bi phẫn than rằng: Đời sống khốn nạn này không cho phép tôi làm để tự kiếm đủ miếng sống cho chính bản thân và một con chó! …
Trong tầng trời hoàn cảnh và trường hợp nào, hễ Thế Phong dấn thân vào đều bị bao phủ bởi những oán thù, bất mãn. Oán thù những luật lệ xã hội và bất mãn với thân phận làm người.
Tập truyện Khu rác ngoại thành gồm 3 truyện ngắn, mỗi truyện đều khuấy động tự đáy tâm tư những dằn vặt, đau đớn chẳng phải cho bản thân tác giả mà còn cho xã hội. Từ khuôn mặt Thu, người đàn bà xứ Huế, vợ bạn, đã nhiều đêm nhà văn muốn mở cửa ngang lẻn sang buồng nàng để tỏ tình, trong lúc người chồng đi làm xa, đến người đàn bà xứ Quảng lặn lội vào Sài Gòn tìm việc làm tôi tớ, việc không tìm được, lại tìm đúng anh thanh niên lãng tử, để Một đêm dài tình ái xảy ra. Người đàn bà xứ Quảng cũng thuộc nòi tình, nên “điều ấy” được nói ra một cách bình thản: “Có thiệt chi đâu anh, tôi và anh đều buồn về cuộc đời cả mà. Ngủ với nhau nói chuyện cho vui. Nhất là đêm nay trời lại mưa lâm râm…” Câu nói như đưa Thế Phong vào khung trời ước muốn, như kẻ đang đi giữa sa mạc gặp hố nước, gục đầu uống no nê. Tuy cái hố nước ấy đã có người uống trước, nhưng đấy không phải điều hệ trọng, cái hệ trọng là người đàn bà đã biết rõ cuộc tình này chỉ là chuyện tạm bợ, nên vui vẻ chia tay, chỉ xin được địa chỉ thật, để có mang thai, sinh con trai sẽ báo tin chung sống lâu dài, nếu hoàn cảnh cho phép.
Trong những câu chuyện nhà văn kể ra, viết ra, đều ẩn nấp trong dó những ý nghĩ chống đối, những chua chát não nề dù đã được nguỵ trang bằng đam mê nhục dục. Những chữ, những câu dùng để tự sỉ vả, buồn thay, nó lại là những lời nguyền rủa một xã hội, một chế độ, một thế hệ vì những thứ ấy đã tạo cho tác giả trở nên như thế, trở thành như thế!
Thế Phong viết rất nhiều truyện ngắn. Mỗi truyện trình bày một nhức mỏi về cuộc đời, dù ân tình hay thất vọng. Từng vết roi do cuộc đời quất vào mặt, Thế Phong nghiến răng chịu đựng rồi trả thù bằng ngôn ngữ. Nhà văn không tạo ra cuộc sống hoặc dùng cuộc sống như điểm tựa, nhưng đích thực, Thế Phong đã ném vào cuộc sống những vốc bùn vì cuộc sống, đối với nhà văn như một địa ngục. Đi suốt cả một đời thanh niên, tìm không thấy lý tưởng, Thế Phong uất hận viết thành thơ:

… Chợt nhớ rằng tổ quốc tôi đang lầm than nên trời Sài Gòn quanh năm không cần áo ấm, kiếm miếng sống đợi chờ trong đống rác ngoại nhân. Tôi đứng bên tiềm thức Ngã Tư Bảy Hiền, thấy trẻ con lớn lên bằng những miếng bánh mì còn sót và quà đứa anh tặng em, miếng sô-cô-la lượm…
(Thế Phong, tác phẩm và cuộc đời, trang 360)
Bị ám ảnh, vây hãm quá lâu trong túng thiếu, căm phẫn nên mỗi dòng, dù thơ hay văn cũng gói ghém trọn vẹn những đối kháng tự thâm tâm của một con người đã có quá khứ.
Tác phẩm của Thế Phong còn được dịch sang Anh ngữ, phổ biến ở ngoại quốc và đăng tải trong tờ Tenggara (Mã Lai) như: Viet Nam Under Fire and Flames (Việt Nam trong khói lửa, thơ); South Viet Nam, The Baby in the Arms of the Américan Nurse (Miền Nam, đứa nhỏ trong tay cô y tá Mỹ, thơ); Thế Phong by Thế Phong (tự sự kể), Asian Morning Western Music (Sáng, Á Đông, Nhạc Tây phương, thơ), với lời tựa của Giáo sư Llyood Fernando.
Phải chăng, Thế Phong đã mang hình ảnh một Don Quichotte, chàng hiệp sĩ lang thang có gương mặt trầm buồn, đánh nhau điên cuồng với những chiếc cối xay gió trên khắp nẻo đường phiêu bạt, nhân vật điển hình trong Don Quichotte de la Manche, cuốn tiểu thuyết triết lý và châm biếm bất hủ của đại văn hào Tây Ban Nha, Miguel de Cervantès (1547-1614). Nhưng tiếc thay, không có Sancho Panca tượng trưng cho ý thức, hiện diện ở đằng sau hay bên cạnh.

 

Đường Bá Bổn

Thế Phong

Hình như mỗi cuốn sách đều có một số phận, cả đến bút danh tác giả cũng không khác hơn. Với tôi, bút danh Đường Bá Bổn xuất hiện lần đầu ở Saigon từ 1957, ký dưới bài viết lên án Hoàng Trọng Miên, (Saigon) soạn giả Việt nam văn học toàn thư (tập I), sao chép, đạo văn Nguyễn Đổng Chi (Hà Nội, qua Lược khảo về thần thoại Việtnam (Hà Nội 1956).

Bài báo ra mắt độc giả, người viết điểm sách bị mất việc, thư ký tòa soạn, tạp chí Văn hóa Á châu giáo sư Lê Xuân Khoa bị thay thế, còn Nguyễn Mạnh Côn mất chức chủ bút tạp chí Văn hữu, vì bênh vực Hoàng Trọng Miên. Sau Nguyễn Mạnh Côn phải nhờ văn Đỗ Tốn (trong Tự lực văn đoàn, tác giả Hoa vông vang đến gặp Đường Bá Bổn ở Nhà hàng Thiên Thai xin lỗi bằng lời trước ; tiếp bằng chữ viết trong một bài phỏng vấn tạp chí Bách Khoa ( Cuộc trả lời phỏng vấn- Nguiễn Ngu Í số 122, ngày 1/2/1962, Saigon).( ..Tôi , Nguyễn Mạnh Côn )nghĩ mình đã có lỗi, mình xin lỗi xong thì nhẹ hẳn tâm hồn đi, chứ sao lại hổ thẹn? Tôi cho rằng chỉ đáng hổ thẹn nếu mình có lỗi cứ cãi bừa đi, nhưng rút cuộc vẫn bị người đời biết rằng lỗi ở mình…” Ông Côn tự khoe giỏi tiếng tây vàtừng chỉ trích bài viết của tôi có nhiều câu sai văn phạm , đưa ra thí dụ : một thái độ không thể tha thứ! Đáp lễ , tôi trả lời Cette attitude est impardonnable!, còn chua thêm : Nguyễn Mạnh Côn hệt tên lính lệ thích khoe giỏi tiếng tây hơn quan huyện,” bài đăng trên tạp chí Sinh Lực (Võ Văn Trưng chủ nhiệm) , Uyên Thao, tổng thư ký tòa soạn) , báo phát hành được ít ngày, Bộ Thông tin (Việt Nam Cộng Hòa) yêu cầu chủ nhiệm sa thải thư ký tòa soạn.

Bút danh này còn ký trong sách dịch Việt Nam bi thảm Đông dương ( Saigon, 1963, in rô nê ô ) từng gây cuộc tranh luận sôi nổi, ồn ào. Võ Phiến kiểm duyệt viên cấm xuất bản 1963, đến 1964, sách được phép in ra – Võ Phiến (giấu mặt) , Trần Phong Giao , thư ký tòa soạn tạp chí Văn ( Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm ) viết bài đả kích thậm tệ (thù oán riêng, hạ địch thủ với câu cú viết đầy sự hậm hực, trút thù hận với giọng văn ba que, sỏ lá, rất đểu cáng) – thí dụ; trích một câu dịch giả dích sai, rồi bù lu bù loa kết thúc : ..dịch giả từng làm thông ngôn lính Viễn chinh Pháp dốt tiếng Phú lãng sa là đúng rồi !

Bốn mươi năm sau , Nxb Công an nhân dân tái bản (2004) , không xin phép, có bài giới thiệu của hai ông Chương Thâu và Phan Trọng Báu hiệu đính và giới thiệu, cuối bài nhập nhằng ký NGƯỜI DỊCH , và hai ông khẳng định bản dịch Đ.B.B. thiếu trong sáng, nên phải hiệu đính (dịch giả Đ. B. Bổn là tôi có yêu cầu, hoặc là đầu nậu in cuốn này thuê hai ông làm),như ngoài việc bị bỏ sót một số đoạn (đã so với bản chính Vietnam, la tragédie indochinoise của Louis. Roubaud) .
(*) Trong bài báo chê hai ông này nhập nhằng tự biên tự diễn, hiệu đính, giới thiệu, tự ký tên NGƯỜI DỊCH; điều quan trọng nhất đã so với nguyên bản, vậy mà có một câu sai mà không biết sửa, vẫn giữ nguyên “Chiếc “Tout Saigon” của Pháp đậu ở bến sông.” ( năm 1965 , trong một bài báo , dịch giả đã nhận có sai- đúng ra câu này có nghĩa “các khách thượng lưu Saigon đều có mặt “). Biên tập viên Nxb Công an nhân dân ( thư đề ngày 08/06/04, Hà Nội) viết cho tôi:

“.. Cháu đã tìm được nguyên bản tiếng Pháp tác phẩm của Louis Roubaud. Vì không biết tiếng Pháp, và cũng vỉ bản dịch Việt Nam bi thảm Đông dương đã được thực hiện khá lâu rồi 1963) , nên cháu đã mời học giả Chương Thâu và ông Phan Trọng Báu hiệu đính bản dịch và giới thiệu tác phẩm. Hai ông đã đối chiếu với bản tiếng Pháp của L. R. và thấy bản dịch của dịch giả Đường Bá Bổn bị bỏ sót một số đoạn mà các ông hiểu rằng: do công bố vào một hoàn cảnh lịch sử bất lợi, nên nhưng đoạn nói về hoạt động của những tổ chức có xu hướng cộng sản và đặc biệt là của Nguyễn Ái Quốc, bị bỏ từng đoạn, thậm chí từng trang, mà trên bản in ra , ta chỉ thấy những dấu chấm lửng (…) Do không có trong tay bản việt ngữ của dịch giả Đướng Bá Bổn in năm 1963 (bác gọi là bản A– bản in lần đầu rô nê ô năm 1963 không xin kiểm duyệt , in đầy đủ – ĐB.Bổn chú thích) nên cháu cũng như những người hiệu đính đã không thể biết rằng những đạon đó thực sự đã được dịch giả Đường Bá Bổn dịch rồi. Chính vì lẽ đó hai ông Chương Thâu và Phan Trọng Báu đã dịch bổ sung những đọan còn thiếu và sửa chữa một số câu chữ trong bản in năm 1965 của Đường Bá Bổn. Hai ông cũng đổi tựa đề Việt Nam bi thảm Đông Dương thành Việt Nam thảm kịch Đông Dương (cháu gửi kèm đây bản sửa chữa có bút tích của hai ông Chương Thâu và Phan Trọng Báu).

Do uy tín của học giả Chương Thâu nên cháu cũng như NXB đã tin tưởng vào chất liệu hiệu đính, vì vậy không biết bản hiệu đính này có những điểm sai sót quan trọng như dịch già Đường Bá Bổn đã vạch ra..(…) Riêng chi tiết cuối Lời giới thiệu, hai ông Chương Thâu và Phan Trọng Báu ( đã đứng tên hiệu đính, sửa chữa, bổ sung và giới thiệu ở phần đầu sách, lại đề NGƯỜi DỊCH ( Hà Nội, ngày đầu xuân Quý Mùi 2003/ Người dịch) , cháu xin giải thích như sau: Thực tế không phải hai ông Chương Thâu và Phan Trọng Báu có ý nhập nhằng từ vai trò” hiệu đính, sửa chửa , bổ sung, giới thiệu sang vai trò “người dịch”.( bài báo viết vậy- Đ. B. Bổn chú thích) Đây là lỗi thuần túy về kỹ thuật mà cháu, bới vai trò một Biên tập viên đã sơ suất không kiểm soát và không sửa chữa trong bản in thử. Cháu xin lỗi dịch giả Đường Bá Bổn! (…) . Vì không có thông tin về dịch giả nên cháu không biết rằng bản việt ngữ Việt Nam bi thảm Đông dương cũng như bản sách khác của bác đã được ký hợp đồng xuất bản với một công ty văn hóa .”. (Năm sau , Việt Nam bi thảm Đông dương , Nxb Thanh Niên, 1965 tái bản & Doanh nghiệp Sách Thành Nghĩa phát hành– in theo bản đã in của Nxb Đại Nam văn hiến 1965, 1965)- Đ.B.B. chú thích) .

Thế rồi, báo Pháp luật số ra ngày 11/04/2004 (cơ quan ngôn luận Bộ Tư pháp) in bài viết của nhà báo Hoàng Hoài Sơn , có tựa đề:

” Một nhà văn khiếu nại hai nhà xuất bản: trong tuần tháng 3 vừa qua, nhà văn Đỗ Mạnh Tường , hiện cư ngụ tại đường Trần Khắc Chân, quận 1, TP. Hồ Chí Minh đã cùng khiếu nại NXB Văn hóa Thông Tin và NXB Giáo dục. “(có in kèm bìa sách hai cuốn: Hàn Mặc Tử, nhà thơ siêu thoát ( NXB Đồng Nai) và Hàn mặc tử về tác gia và tác phẩm”( Nxb Giáo dục) …
“Ông Mạnh Tường cho rằng cả 2 NXB này đã vi phạm Luật xuất bản. Vậy thực hư câu chuyện ra sao?..

Trong đơn khiếu nại gửi ông Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, ông Ngô Trần Ái -Giám đốc NXB Giáo dục, ông Mạnh Tường nêu rõ:” Trong tác phẩm Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm do Phan Cự Đệ- Nguyễn Toàn Thắng tuyển chọn và giới thiệu ( NXb Giáo dục in xong và nộp lưu chiểu tháng 7/2002. Số XB: 1749/123/01, số in: 4197). có trích nguyên chương 4 Nữ sĩ Mai Đình ( từ trang 19- trong tác phẩm Hàn mặc Tử, nhà thơ siêu thoát của Thế Phong ( NXB Đồng Nai- 2002) Tuy vẫn để tên Thế Phong trong tuyển chọn, nhưng ông Đệ và ông Thắng cũng như NXB Giáo dục không xin phép trước khi in trọn chương 4 nêu trên. Ông Mạnh Tường nói:
” Hành vi này vi phạm Luật Xuất bản, tiếm đoạt trắng trợn tác phẩm người bị hại.”

Đáng chú ý là ngay sau khi biết được chuyện này, lúc ấy ông Mạnh Tường đã làm đơn khiếu nại yêu cầu NXB Giáo dục thanh toán nhuận bút và sách tặng. Sau một thời gian chờ đợi, ông Tường không nhận được hồi âm của NXB Giáo dục mà chỉ nhận được một cuốn Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm do ông Toàn Thắng gửi qua đường bưu điện ( Không một lời phúc đáp và không trả nhuận bút bản quyền) , ông Tường cũng tặc lưỡi cho qua luôn. Thế nhưng mới đây ông Mạnh Tường lại phát hiện cuốn Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm lại được NXB Giáo dục tái bản lần thứ nhất ( QĐXB 949/QLXB. Số XB 189/240-03, in xong và nộp lưu chiểu quý III/2003.)

Trong lần in này, NXB Giáo dục tái phạm lỗi sơ đẳng nhất không xin phép tác giả Mạnh Tường. Và đây là” giọt nước tràn ly” khiến ông Tường lại làm đơn khiếu nại lần 2 như trên. Như vậy NXB Giáo dục đã hai lần vi phạm LXB đối với một tác phẩm. Được biết sau khi nhận đơn khiếu nại lần 2, NXB Giáo dục đề nghị trả 167.OOO đồng tiền nhuận bút cho ông Tường, nhưng ông đã không chấp nhận giải pháp này. Luật sư của ông Tường là ông Nguyễn Đình Phùng cho biết:
” Sở dĩ có tình trạng như vậy, là do ông Tường đã chuẩn bị cho tái bản cuốn Hàn Mặc Tử, nhà thơ siêu thoát, thế nhưng NXB Giáo dục cho tái bản cuốn sách trên đã trực tiếp gây phương hại đến công tác in, ấn và phát hành của ông Tường. Nghĩa là nếu ông Tường in sách ra, thì sẽ tất khó bán. Điều này sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn thời kinh tế. Đấy chưa kể đến tổn hại về mặt tinh thần”.
Không loại trừ khả năng ông Tường sẽ khởi kiện vụ việc này. Ông Mạnh Tường có lẽ là cá nhân duy nhất khiếu nại NXB Giáo dục còn trường hợp như ông là khá nhiều….(..)

Mới đây một hai năm , cuốn sách kia lại tái bản lần thứ ba, in tại một nhà in ở Đà Nẵng. Có gọi điện thoại cho NXb Giáo dục ở Hà Nội, cô trưởng phóng trả lời :1) một trong hai soạn giả , thì giáo sư Phan Cự Đệ đã qua đời 2) ông Nguyễn Toàn Thắng hiện làm việc tại Học viện Nguyễn Ái Quốc. Tiến bản quyền vá sách thì ông Thắng đã nhận đủ, yêu cấu liên hệ thẳng với ông Thắng.

Vậy là áp dụng kiểu đánh bùn sang ao, bây giờ nhiều nhà xuất bản được coi như cái ao lớn, có rất nhiều bùn, Nxb Giáo dục tha hồ đánh bùn sang ao chẳng bao giờ cạn.!
Tôi bèn đọc lại Điều 17, Luật Xuất bản- 7/7/1993: ” Việc xuất bản, tái bản nhân bản những văn kiện, tài liệu, sách giáo khoa, giáo trình, đĩa âm thanh, bằng hình của tác giả, tổ chức nào phải được tác giả, tổ chức đó đồng ý”.

Thật tình tôi không biết LXB này còn hiệu lực , hoặc được Quốc Hội thay thế bằng luật XB mới ? Thôi thì “xí bùm bum” – từ Lý Văn Sâm dùng, ám chỉ bỏ đi) , cứ coi như không hay, không biết, không thấy , không nói chuyện với ông Toàn Thắng (như đại diện Nxb Giáo dục đề nghị) về cuốn này đã tái bản lần 3 của NXb Giáo dục (in ở Đà Nẵng) , có phạm điều 17/ LXB hay không? Tuần trước tôi còn nhìn thấy cuốn Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm của Phan Cự Đệ và Nguyễn Toàn Thắng sưu soạn, tái bản lần thứ 3, giá bìa 150.000 VNĐ /cuốn ở Nhà sách Thăng Long. (tp. Hồ Chí Minh.)

Ngẫm lại bút danh Đường Bá Bổn của hai cuốn sách có số phận thật- nói lái theo miền Nam thì Đường bốn bả (theo số tử vi , tôi phải lấy vợ sau 30 tuổi trở lên mới chắc cứu là có một bả (- tôi rất ghét bói toán,và không tin). Có một lần , nói chuyện văn chương với nhà văn học Nguyễn Hiến Lê , lúc này ông ở 12/3C Kỳ Đồng, Saigon 3, ông hỏi tôi: ” … tại sao anh lấy bút hiệu Đường Bá Bổn? (ấy là thời kỳ báo chí ồn ào chuyện Đường Bá Bổn viết điểm sách lên án Hoàng Trọng Miên đạo văn, Nguyễn Mạnh Côn lúc đầu bênh vực, sau mất chức chủ bút , rồi xin lỗi. vv..). Đáp, anh cùng ông Nguyễn Hữu Văn (Giản Chi) là đồng tác giả một cuốn sách khảo luận, triết, văn Trung hoa được giải Tổng thống Việtnam Cộng Hòa – vậy anh không nhớ Đường Bá Hổ tự Dần (một bàn tay 6 ngón) hệt Đường Bá Bổn tự Bốn Bả ,có bàn tay phải 6 ngón như Tạ Tỵ viết trong sách anh ấy sao? ( Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Lá Bối , Saigon 1972) Ông Lê gật đầu , cười cười; tiếp theo hỏi về Nguyễn Đức Quỳnh, ý anh muốn tôi đưa lại thăm lãnh tụ nhóm Hàn Thuyên thời tiền chiến. Ông Lê hỏi tiếp, đại để tôi viết Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh cũng tạo một dư luận ồn ào- vậy đã có bao giờ tôi được nghe ông Quỳnh kể chuyện gặp gở chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa chưa? Đáp, chưa. Vậy là ông Lê đã đọc trên tạp chí Tri Tân (số 205/tháng 9/1945).Theo ý tôi, không nên gặp, bởi lẽ ông Lê là nhà văn học (đúng nghĩa), thì không nên gặp một nhà văn hóa nhiều chính trị tính như ông Quỳnh; nếu ông vẫn muốn gặp, thì tôi sẽ hen, giờ, ngày sau.

Cách đây hơn một tháng, Đài Truyền thanh & Truyền hình Đồng Nai mới giáo sư Trần Hữu Tá lên Biên Hòa ( có cả Bùi Quang Huy, Giám đốc Nxb Đồng Nai tham dự) trả lời phát sóng trực tiếp về nhà văn Bình Nguyên Lộc. Lúc ở dọc đường, giáo sư Tá hỏi tôi, tại sao lấy bút danh Thế Phong? Bèn trả lời thêm, Đường Bá Bổn nói lái là Đường Bốn Bả; nhưng Thế Phong hay Đường Bá Bổn chỉ một bả mà thôi . ( .. thưa giáo sư Trần Hữu Tá, đó là ý Chúa được nên, bởi tôi là tín hữu Tin lành “.

(*)
Trước khi in thành sách, những bài viết về Hàn Mặc Tử đăng trên tạp chí Văn hóa Á châu ( 1957) ký ĐƯỜNG BÁ BỔN.

Đường Bá Bổn

 

 

Thế Phong : Hỡi linh hồn tôi

truyện vừa

Cầm cuốn kinh thánh Tân ước của chồng lấy ở phòng điều hành xe buýt về, Khuê chợt nhớ ra từ lâu không đến Hội thánh Báp tít thờ phượng. Và nói với chồng:

– Mai chủ nhật, gia đình nhà mình đi thờ phượng đi anh?

– Ừ, chiều nay anh nhìn thấy cuốn Tân ước Gi-đê-ôn bỏ lỏng chỏng đầy bụi bặm, anh nhớ tới em nên cầm về. Vậy thì mai nghỉ một buổi bán nón, cả nhà đi thờ phượng Chúa em ạ.

Đỗ nhớ ngay đến ngày này của mười năm trước, hôn lễ của hai người tổ chức ở Đà Lạt – khi ấy Khuê đã là thuộc viên của Hội thánh Báp tít Trung Tín, và làm ở Phòng đọc sách Báp tít Đa Lạt. Từ ngày gặp lại cho dến ngày cưới chỉ trong vòng hai tháng. Từ Vũng Tầu, theo máy bay C130 chở khóa sinh mãn khoá về Đà Lạt, anh đang lang thang trên đường đến cà phê Tùng, gặp ngay Duật, sinh viên Đại học Sư phạm ở Sài Gòn lên học, đem theo cả vợ, cô Tâm và con gái nhỏ theo. Duật là sinh viên “cụ”, khác hẳn sinh viên cùng tuổi. Gặp Đỗ, bạn quen, bởi Duật là nhà văn trẻ viết báo chung với Đỗ trong một tạp chí văn nghệ, mà chủ nhiệm là bạn chung cả hai người. Duật vồn vã cho Đỗ biết vợ anh mới gặp cô sinh viên học Dược xưa ở Sài Gòn hiện đang ở Đà Lạt, khi nhắc tới Đỗ, cô Khuê ấy nói có biết từ trước khi còn ở Nghĩa Lộ. Đỗ là con ông giáo còn là đồng nghiệp với bố Khuê, từng là hiệu trưởng trường Tiểu học Đa Nghĩa – Đà Lạt trước năm năm tư. Duật cho Đỗ biết địa chỉ nhà riêng ở Phan Đình Phùng, và Đỗ nhớ ngay rằng sau 1954 vào Nam, anh đăng báo tìm người nha trên báo Ngôn Luận, là tìm ông bà giáo Nguyễn Quốc Bảo vào Nam năm năm hai và dạy học ở Đà Lạt. Đỗ rời quán cà phê Tùng, đi thẳng xuống đường Minh Mạng tìm Khuê. Anh nhìn thấy Khuê với chiếc băng đô đỏ trên mái tóc dài mượt mà, khuôn mặt chữ điền, với tà áo dài tha thướt, ngồi trước bàn làm việc thật duyên dáng, Đỗ chưa vào ngay, anh còn ngắm cô bé trên mười năm ở Nghĩa Lộ ở tuổi mười ba, lúc anh ở tạm nhà cô một thời gian chờ bác Bảo xin phép cho Đỗ về Hà Nội học. Khuê có nét duyên dáng của một cô gái học thức, đoan trang, và dưới mắt Đỗ khi ấy đây là “cú sét tình yêu” mất rồi. Mãi sau, Đỗ mới mạnh dạn bước vào, hỏi:

– Thưa cô, cô co phải là con bác giáo Bảo xưa kia ở Nghĩa Lộ?

– Vâng, anh có phải là anh Đỗ?

Trao đổi vài câu chuyện xã giao, Đỗ trở về khách sạn, lòng lâng lâng vui mừng mong chiều tối đến sớm đến thăm hai bác. Đỗ nhớ lại ngày trước khi về Hà Nội học, bác Bảo trai cho ở nhà bác, qua thư mẹ Đỗ gửi gấm. Và Khuê khi ấy mới là cô bé mười ba tuổi, ngoài giờ học, ra chợ phụ giúp bác Bảo gái bán hàng. Hình ảnh Khuê mờ xa trong trí nhớ Đỗ mười tám tuổi, với mái tóc đuôi gà đỏm dáng, thì nay khác hẳn một thiếu nữ chững chạc, duyên dáng. Và cô gái này khi lập gia đình sẽ vượng phu ích tử, và ước mong giá được cô gái này để ý tới tất sự sung sướng tăng gấp bội phần.

Có tiếng điện thoại từ tiếp tân khách sạn báo có khách, Đỗ gặp Duật cùng Tâm đến. Tâm nói ngay:

– Phải khao bà mối mới được. Gặp cô sinh viên Trường Dược xưa mê tít rồi phải không? Khi tôi làm thư ký Đại học Dược Khoa, anh có nhớ thời kỳ này ở đường Norodom Shianouk sau đổi tên Thống Nhất. Tôi báo cho ông biết là có nhiều khách dòm ngó người đẹp thư viện Báp tít lắm đấy nhé.

Đỗ nhìn đồng hồ, cũng sắp tới cơm chiều, bèn mời hai vơ chồng Duật đến Bắc Hương ăn cơm. Tâm nảy ra ý cùng đến nhà Khuê, rồi mời nàng đến Cà phê Tùng. Bản nhạc Green Field từ bữa ấy có Khuê nâng ly cà phê đen cùng ngắm tranh Nghệ sĩ với cây đàn của Vị Ý. Đỗ nhớ rõ là chính anh đem từ Sài gòn lên bằng xe đò vào tháng 11 năm 62. Đoạn đời gắn bó với Đà Lạt như khúc phim hiện dần trong trí nhớ. Trước năm sáu ba, thời đệ nhất cộng hoà, thời tổng thống Ngô Đình Diệm, Đỗ bị coi như là phần tử chống đối, nhà văn bất kham, được in trên báo Tiếng Dân hai cột trang nhất, chung với nghệ sĩ cải lương Năm Châu:

“Kịch sĩ Năm Châu và nhà văn Thế Phong được đưa đi tẩy não …” theo bản tin của Đài phát thanh Sài gòn loan đi vào lúc 7 giờ l5 sáng 21-3-63, cả bản Vietnam Press Pháp ngữ số 4019 ngày 23-3-63:

“… D’après le journal (Tiếng Dân) lancé la nouvelle que l’essayiste saigonnaise Thế Phong est actuellement détenu par les autorités Vietnamiennes pour lavage de cerveau … Les mensonges des communistes ont fait long feu. Tiêng Dân souligne que le monde peut voir Thê Phong dans ses promenades journalières rues Lê Lợi et Tự Do…”

Khoảng bốn giờ chiều, Đỗ ngủ dậy, lúc này thuê nhà ở Tân sa châu xóm đạo linh mục Khuê cha xứ, nghe giọng một em bán báo rao lanh lảnh “… mua báo mới đi, nhà văn Thế Phong và nghệ sĩ Năm Châu bị đưa đi tẩy não ở Vĩnh Long ơ ơ…”.

Cầm hai đồng bạc mua tờ báo do trung tá Châu chủ nhiệm, và Nha Chiến tranh tâm lý ấn hành, báo đăng tin để cải chính tin từ Hội nghị ở Le Caire do đoàn văn công Giải phóng miền Nam phóng ra, thế là từ nay phải lo cắt đuôi bọn theo dõi, để bảo đảm sinh mạng cho một già Năm Châu đóng tuồng và một trẻ viết văn Thế Phong.

Ngày này, Đỗ mới thôi làm cho tạp chí Văn hoá Á châu, giáo sư Thục chủ nhiệm, chẳng biết lấy đâu ba trăm đồng thuê căn nhà cho chủ. Nỗi lo ấy lớn hơn cả việc báo loan tin được đưa đi tẩy não. Đỗ nhớ lại ngay ngày hôm tin ấy loan ra, mà anh chưa hay, khi đến Bộ Canh nông tìm giám đốc Thức, người bạn vong niên cưu mang tiền chi tiêu, tiền ăn sáng; khi anh không chịu nổi cơn đói dày vò. Giám đốc Thức chưa tới, chỉ có anh tùy phái, mà hôm nay sao anh này lại lễ phép với anh cách bất thường. Đành gặp kỹ sư thi sĩ Huy Lực phụ tá giám đốc Thức đưa đi ăn sáng, uống cà phê đỡ lòng vậy. Kỹ sư Lực đưa anh xuống căn tin, và cho biết anh tùy phái sáng nay đọc báo, hỏi anh “có phải ông thường đến tìm gặp giám đốc, là ông được báo và đài phát thanh loan tin không?” Thì ra sự lễ phép khác thường này có lý do từ nơi bác tùy phai, thường ra không mấy coi trọng người bạn trẻ của giám đốc này.

Còn kỹ sư Lực, tác giả tập thơ đầu tay, từ nay trở thành bạn của Đỗ không mấy khó khăn, vì trong giới trường văn trận bút, muốn làm quen với anh chẳng dễ dàng gì. Và anh được trong giới coi như kẻ khó tính, cao ngạo. Thời kỳ này, tác giả trẻ tuổi Du Tử ra tập thơ đầu tay muốn có lời vào đề của Đỗ, đã phải cậy nhờ Tuấn Kiệt đưa bản thảo cho Đỗ với lời rào đón thật kỹ càng, để sau này tập thơ đầu tay Du Tử ra mắt có hai câu thơ vào đề của Đỗ; khiến cho tác giả trẻ tuổi này trong một cuốn sách kỷ niệm văn nghệ sĩ đã nhắc lại nhiều đêm Du Tử mất ngủ, chỉ sợ Đỗ không viết tựa rồi lai rêu rao
“… thơ cậu ta được hồi lại với cái lắc đầu viết tựa”. Và trong lúc bị bao vây kinh tế, không còn tờ báo nào cho viết bài đăng, thì lấy đâu tiền ăn, tiền trả thuê nhà, nên Đỗ mua gạo nấu ăn ở nhà trọ. Vào ngày chủ nhật, chỉ đôi khi thôi, người tình Mai A đến thăm, cả hai nấu ăn, suốt một ngày dài chờ anh tỏ tình, như xin cưới chẳng hạn, vì cô sắp tốt nghiệp cán sự xã hội. Cô cũng biết trước rằng nếu Đỗ cho nguời dạm hoi, chưa chắc gì ông cụ đã gả con gái cho “thằng vô nghề nghiệp, viết văn, viết báo lăng nhăng, lại kiêu ngạo. Nó là cái gì, chẳng lẽ tao lại phải rước nó về cơm bưng nước rót như với mẹ mày ngồi trên bàn thờ ấy à?”

Đỗ nhìn Mai A nằm trên giường, mắt nhắm như ngủ, một ý tưởng nẩy trong óc, bây giờ anh cứ ôm lấy nàng hôn lên mắt lên môi; rồi sau đó đóng cửa lại, kéo màn gió, thì căn nhà thuê chỉ còn có anh và Mai A quấn quít bên nhau. Và có thể trên chín chục phần trăm Mai A không phản đối. Cả một thứ bẩy hôm qua, trên giường này, anh đã cùng một cô gái được rủ đến làm tình, để mai này người tình đến, anh sẽ không làm hại đời cô. Đó là biện pháp anh thường áp dụng đối với nhu cầu sinh lý đòi hỏi ở tuổi thanh niên. Có lần đi chơi với người khác phái nhiều tiếng đồng hồ, khi về nhà cơn đau phần dưới bụng như lên cơn hành hạ; anh phải tới tìm cô gái quen trong xóm hoa hóa giải. Và anh từng được chứng kiến vợ người bạn ghen tuông tình ái trăng hoa của chồng, thì thường bắt chồng vào phòng the âu yếm xong mới thả cổ cho đi. Còn giờ này đây Mai A đang vít cổ anh xuống, hẳn rằng kho tránh nụ hôn. Anh tự nhích mông ra phía ngoài, và anh ngã xuống đất. Mai A ngoái cổ nhìn theo hỏi:

– Anh có sao không

– Không.

Và anh nhìn đồng hồ gần sáu giờ chiều, anh nói tiếp:

– Tối nay đến quán Thăng Long ăn chả cá nhé.

Quán ăn này ở Đakao, chủ là vợ nhà văn Hoàng Đạo. Đỗ thường đến đây một mình, hoặc đi với một ai đó là nữ thì chỉ có Mai A. Và anh luôn gặp Lý Thắng, nhà báo có viết truyện dài đăng báo từng kỳ, quấn quít bên người tình bậc chị, như săn sóc thay người anh nghĩa tử qua đời đã lâu. Khi anh và Mai A đến quán, ở quầy thu tiền bà chủ ngồi, bên cạnh cô con gái gật đầu chào Mai A (bạn học cũ trung học) và chàng nhà báo nói giỏi hơn viết đang lăng xăng bên bà chị. Chọn một bàn có hai chỗ ở cuối phòng, bữa nay anh phải tâm sự hết thắc mắc cho cô hiểu, vì tuần tới cô về thăm bố và dì ghẻ ở Ban Mê Thuột, rồi sau đó nhận công tác ra trường. Đỗ nói chuyện rất cởi mở, lần này không bộc lộ hết, tất sẽ không bao giờ còn có cơ hội nữa. Từ chuyện anh viết thư cho ba của Mai A:

“… Từ nay tôi sẽ hoàn trả con gái yêu của ông hoàn toàn trinh nguyên, kể cả không một nụ hôn; hẳn là ông hài lòng với điều ước muốn. Tôi chưa là người cha như ông có cô con gái (không thuộc loại đẹp, nhưng với tôi cô thật duyên dáng với tâm hồn đẹp) lớn đến tuổi gả chồng, nhất định không gả cho tôi, một nhà văn trẻ không thể nuôi sống bản thân bằng ngòi bút, sống bằng cách viết báo tài tử. Chỉ mới đây thôi, tôi viết cho tạp chí “Văn Hoá Á Châu”, một trang in được trả hai trăm đồng, phụ trách thêm vai thầy cò, mỗi tháng được trả thêm nghìn năm trăm nữa. Một tháng tôi viết hai bài trên dưới ba chục trang, như vậy hàng tháng kiếm được gần mười ngàn đồng. Tôi ăn cơm xã hội, mỗi bữa ba trăm đồng, tiền thuê nhà ba trăm đồng. Nhưng đó là của ngày này tháng trước chưa thôi việc, bởi tạp chí này được “Asia Foundation” của Mỹ tài trợ cho nhóm giáo sư đại học, trí thức miền Nam làm văn hoá chịu sự điều động của văn hóa Mỹ. Như nhà thơ W. Whitman, tác giả tập thơ “Lá Cỏ”, có vài câu như thế này:

“…Anh cầm dương vật của anh

cứng như chiếc đinh sắt

rót vào em

ngàn năm tương lai…”

thì chủ nhiệm tạp chí, giáo sư Nguyễn Đăng Thục cho rằng đây là vần thơ tuyệt tác của nhà thơ Huê Kỳ. Còn thi ca của chúng ta, theo ông ấy, chưa có tầm vóc cao và lớn, hay và đậm đà, vậy thì từ giờ đây (quay sang Lê Xuân Khoa, thư ký toà soạn) tạp chí chỉ nên dịch thơ, chưa vội đăng thơ của nhà thơ trong nước làm gì cho tốn giấy mực, mà phải dịch thơ Mỹ, tầm cỡ W. Whitman ấy nhé! Đỗ nghe đến đây nóng mặt, trả lời ngay rằng, nếu dịch và đăng thơ “porno” kiểu Mỹ trên tạp chí Việt Nam, theo tôi, cũng phải trả tiền như đăng quảng cáo vậy. Giáo sư chủ nhiệm hếch mũi lên, trả lời bốp chát, như cơ quan thính giác ngửi thấy mùi đồng đô la, cứ một đô Mỹ đổi được ba nghìn năm trăm đồng đấy. Và thưa ông Cao Văn Phương, thân sinh bạn gái mà tôi hết lòng yêu dau, nếu tôi là ông, thì cũng chẳng gả con gái cho “nghệ sĩ chẳng có nghề ngỗng gì ra hồn”. Và nay thì tôi đã được cho nghỉ việc, và thư ký toà soạn, giáo sư Lê Xuân Khoa đã bị thay thế. Giáo sư Lê Thành Trị mới tốt nghiệp xã hội học ở Bỉ về, có chân trong đảng “Cần Lao” sẽ làm chủ bút; cùng với giáo sư Thục vẫn là chủ nhiệm. Tờ tạp chí này phải thay đổi từ hình thức đến nội dung, nặng về phần chính trị để giải quyết thân phận con người Việt Nam hướng tới hòa đồng với thế giới tự do văn minh; chứ không nặng về văn nghệ văn gừng nữa. Và thưa với ông “bố vợ hờ”, tôi có thể nhịn ăn đôi ba ngày, nhưng con tôi (có giữa con gái ông), không thể nhịn sữa vai giờ. Vì thế, nên tôi đã phải tự giải giới “vật cứng như đinh sắt” nói theo thơ đại thi hào Mỹ, trước khi hẹn hò với con gái ông, để dầu tôi muốn làm liều trước sự đã rồi, còn có “thắng” hãm lại. Tôi không dám đáp lại cả nụ hôn dâng hiến tự nguyện, cũng là vì thế. Có một điều, tôi phải cảm ơn ông, như đã cho tôi mượn hồn thơ ngây cao thượng con gái ông để có nguồn rung cảm sáng tác. Chủ nhật này, con gái ông sẽ dành cho tôi trọn ngày. Cô sẽ nấu cơm trưa tại nhà tôi thuê, cô sẽ nằm nghỉ trưa trên giường tôi thường nằm, cô sẽ vít cổ tôi xuống đòi hôn, tôi đành quay đi… Có thể người con gái này cũng không thể khác hơn bất cứ ai, yêu nhau đã năm sáu năm, lại không hề đòi ôm người vào lòng, hoặc trao nụ hôn, dù nhiều lần sẵn cơ hội. Trong bóng tối gần kề của rất nhiều lần ở rạp chiếu bóng, cảnh gợi cảm nhất khi cô ngước chờ người tình, để môi ngậm lưỡi như trong phim “Orfeu Negro” chẳng hạn. Hay là anh chàng người tình của con gái tuy là đàn ông thật, liệu có thể nào lãnh cảm giống như phụ nữ. Hay là cái để người ta phân biệt được, nó khác với phụ nữ là không còn cong năng sử dụng? Và người được gọi là người tình của con gái ông, khi còn ở trên Tây bắc, khoảng đâu trên mười tuổi thường nghịch ngợm xuống suối nước trong vắt, chung tắm với các cô gái Thái tắm truồng, váy áo để trên đầu. Khi thấy bạn trai của con gái ông đòi tắm chung, nói: “… ai cho mày tắm chung với tụi tao? / Sao lại không cho tắm chung? / Bởi mày là con trai …” Bạn trai của con gái ông không vừa gì, cầm “vật chưa cứng như cái đinh” thơ W. Whitman nước Mỹ kéo ra phía sau, trông giống hệt như “Cái của …” cô gái Thái. Tiếng cười nhất loạt của các cô gái Thái tắm suối cười vang, im lặng như đồng tình cho bạn trai con gái ông tắm chung. Tất nhiên phải nói đó là “tiền thời kỳ”, trước khi quen cô gái con ông trên mươi năm. Có một điều hơi lạ về cách đặt tên cho con cái gia đình gia tộc nhà ông. Các con được đặt tên ở giữa như “middle name” nước Huê Kỳ. Một trong số các con của ông là đứa bé trai Văn Nhân lại không sống được, thì giờ này đây con gái ông có bạn trai với nghề “văn nhân”, nên ông ghét cay đắng; nhất định không gả con gái cho, nếu nó xin cưới. Và nghề thì không có rồi, ngỗng cũng rụt cổ; nó không dám ôm con gái ông vào lòng, để hôm nay là thời hạn cuối, không thể kéo dài hơn nữa, nó gửi thư bảo đảm hoàn trả con gái còn “nguyên trăm phần trăm đấy bố!”, giống như bọn lính tráng bây giờ mỗi khi nốc rượu thì nâng ly hò hét: “một trăm phần trăm em ơi”! Nhưng hai cái này có hơi khác nhau, trả con gái cho ông “còn một trăm phần trăm” là còn nguyên; nhưng ly bia hay rượu “một trăm phần trăm” kia thì không con nguyên vẹn nữa. Trước khi đi gửi thư bảo đảm cho ông, cách đây vài ngày, tôi đã vào trong sân bay Tân Sơn Nhất, đến khu nhà Cư xá Hàng không dân sự, nơi ông và gia đình ở khi xưa, để nhớ lại một đêm vào năm l956, trung úy Hoàng Liên đưa tôi đến thăm con gái ông lần đầu. Nó chở tôi trên chiếc xe gắn máy Suzuki vào sân bay, đến cổng Nhà kiếng bị ách lại, bởi ngay hôm sau Tổng thống Ngô Đình Diệm sang New Dehli thăm nước bạn, an ninh được đặt lên hàng đầu kiểm soát. Nó phải trình thẻ nhà báo quân đội mới đủ bảo đảm được lọt vào sân bay cõng theo tôi. Và thư này đến ông, với địa chỉ Nha hàng không dân sự Ban Mê Thuột, khi nhận được, xin ông tha thứ cho có dòng nào, câu nào, ý nào bất kính thân người viết rất không có ý này. Trong đời tôi không bao giờ quên đuợc, có một lần gần vào dịp tết âm lịch, tôi tiễn con gái ông về Ban Mê Thuột ở bến xe Ngã Bẩy. Cô ấy đưa cho tôi một phong bì chúc tết, mà tôi biết chắc chắn rằng có tiền lì xì ở trong. Một người con trai không muốn để cho bạn gái của mình coi nhẹ, thì nhất nhất không được cầm “ngân ảnh” (nhà thơ con gái ông dùng thay cho tiền) của người nữ. Vậy tôi biết trong đó có tiền sao lại cắm đầu nhận? Bởi năm ấy tôi khốn khó cùng đường, ngày cận tết, nợ đòi tám hướng, từ tiền nhà trọ, tiền mua chịu gạo, nước mắm, củi…Và trước đó tôi cũng phịa ra chuyện nay mai đi du học, vài năm sau về mới nói đến chuyện vợ con. Nhưng chỉ là nói xạo, nào là thân phận tứ cố vô thân, chẳng còn ai gửi hình lưu ảnh đem gửi hết con gái ông. Thưa ông: “bố vợ hụt, tôi cảm ơn ông bà (mặc dầu bà lớn qua đời) sinh ra được cô gái có phương danh Mai A, một trong số con gái của ông bà …”

Ký tên : ĐỖ.

Đỗ nói hết cho Mai A nghe, nàng gục đầu vào vai anh từ bao giờ. Mai A không muốn về trại Caritas, cô muốn trở lại căn nhà buổi trưa nấu nướng cho hai người. Nhưng Đỗ nhất định gọi tắc xi, đẩy cô lên xe, cầm tiền đưa cho bác tài, ra lệnh:

– Còn thừa, anh giữ lấy và đưa cô ấy về 38 Tú Xương.

*

Bỗng Tâm lên tiếng cắt dòng tư tưởng quá vãng của Đỗ:

– Đến nhà ông bà giáo rồi, ông còn nghĩ ngợi gì mà bần thần vậy?

Duật phụ hoạ với vợ:

– Cô Khuê nghe thấy tôi, bà Tâm và Giang nhắc đến ông, cô ấy hỏi ngay có phải ông này trước ở Nghĩa Lộ không?

Rồi Duật kéo giây chuông nhà, trong nhà bật đèn và chính Khuê ra mở cửa. Bốn người vào phòng khách. Cuộc hội ngộ này, riêng với Đỗ vô cùng quí giá, anh hy vọng sẽ là khúc ngoặt mới cho cuộc sống của anh.

*

Máy bay vận tải C130 đáp xuống sân bay quân sự Vũng Tầu, Đỗ quay sang Văn, em ruột của Khuê, anh nói:

– Tôi rủ cậu về, và sáng mai này sẽ giới thiệu cậu làm hướng dẫn viên. Lương bổng của guide chỉ kém huấn luyện viên một bậc thang lương.

Văn là bạn thân nhóm nhạc du ca Đức Quang được Phạm Duy hướng dẫn ban đầu. Văn đồng ý xuống trung tâm này với Đỗ, vì biết nhạc sĩ Phạm Duy thường có mặt ở trung tâm, sáng tác ca khúc cho khóa sinh hát. Nhạc phong trào này được đặt hàng và chàng nhạc sĩ phù thủy không mấy khó khăn sản xuất nhiều ca khúc phù hợp với đường lối, lại rất thành công, dễ hát và nung chí khí hùng binh cho khoá sinh. Đỗ còn gặp Nguyễn Thanh, chang hồi chánh vượt tuyến, có giọng ngâm thơ lớn tiếng, ấm và có một thời nổi tiếng trong ban Tiếng thơ của Đài phát thanh Hà Nội. Thanh rủ Đỗ và nhạc sĩ Duy ra bờ biển Vũng Tầu nghe sóng vỗ, cùng với lời ngâm thơ âm vang tỉ thí, nghe nhạc sĩ Duy thổ lộ tâm tình:

– Hai ông có từng nghe ca khúc: Tiếng đàn tôi của tôi không nhỉ?

– Tất nhiên là có, Đỗ trả lời. Rồi sao?

– Sáng tác ca khúc này động cơ chính là cho chị dâu tôi.

– Phu nhân của tác giả Tà áo Văn Quân.

– Không sai.

Nguyễn Thanh lắng nghe, vì anh này không biết thật. Thời kháng chiến chống Pháp, anh mới chỉ là thiếu niên, và quan trọng nhất là khi ấy năng khiếu văn nghệ chưa phát tiết ra ngoài. Đỗ không nói thêm về hậu trường của ca khúc kia; bởi trước khi là vợ của anh mình, người ấy không ít lần làm trái tim bạ ai yêu đấy của nhạc sĩ.

Đỗ rủ Văn ra quán Aux Délices, nơi Đỗ thường lui tới uống cà phê, đôi khi ăn trưa luôn không chừng. Bởi có Tỵ, con gái chủ quán ngay lần đầu anh nhìn gặp; hình như “thuyền em bơi lội trong dòng mắt anh”. Anh càng soải đôi cánh tay ra bắt em, thì như anh càng đuối sức, vật vờ. Cô được soi vào nhiều đôi mắt đàn ông, đôi ba kẻ mà anh biết, như Lượt trưởng đồn quân cảnh, thêm chuẩn sói tên Trịnh Cùng mới ra trường Thủ Đức, mỗi lần đến khoe nghề lính “đáng chán, em biết không, anh đây là hoạ sĩ nổi danh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế”. Thêm một đại úy Lục quân mặt đen sì gặp Đỗ là “nguýt như cái nhìn của cô hàng cá muốn nuốt sống ăn tươi địch thủ”. Văn thấy Đỗ xán lại trả tiền nơi cô chủ, cười nói thân thiết; cô chủ đưa cho một tấm giấy nhỏ lọt thỏm bàn tay. Văn hỏi ngay khi Đỗ trở về chỗ ngồi:

– Cô ấy nhìn anh rất khác, cô đưa thư tình cho anh phải không?

– Không, đây là bức họa chân dung cô chủ qua nét nhìn của hoạ sĩ Trịnh Cùng.

– Em biết ông này, hình như ông ấy hay lên Đà Lạt chơi, ăn mặc lập dị, mặc áo manteau đi dạo xung quanh khu Hòa Bình. Mặt mũi non choẹt làm ra vẻ ông cụ non, bị mấy sinh viên sĩ quan Đà Lạt nạt “… không biến đi để nhìn thấy mặt là có chuyện đó em”. Sau có lần em gặp ông ở nhà cô giáo dạy vẽ, anh có biết cô Tôn Nữ Cẩm Quỳ không?

– Biết, cô ấy bạn học cùng khoá với họa sĩ trẻ Trịnh Cùng ở Đại học Mỹ thuật Huế. Và thường đùa rằng cụ thân sinh đặt tên công nương là Cấm Quỳ, chứ không là Cẩm Quỳ. Cô ấy nghe thấy anh đùa vậy tỏ ra không mấy vui. Và sau cô lập gia đình với một nhà văn trẻ ở Đà Lạt đấy. Và nhà văn Thái Lãng có lần tâm sự thường ra phu nhân anh hay bat cấm quì.

Văn lại vặn hỏi:

– Nhưng sao cô ấy lại cho anh tấm chân dung?

– Cô ấy âu yếm nói nhỏ “nếu thích thì chiều…”

Nhìn lại chân dung phác hoạ bất cứ người nữ nào đều có sống mũi cô đầm xoè. Và Đỗ thấy có hàng chữ viết la fille Aux Délices rất nắn nót của chàng hoạ sĩ lùn thước mốt, râu quai nón, ăn nói lắp bắp, nhưng rất nam tính là Trịnh Cùng.

*

Trung tâm huấn luyện thuê Hộp thư số l Vũng Tầu, nên vào những ngày cuối tháng mười hai 1965, mỗi lần nhân viên của Trại ra Vũng Tầu đi lấy thư, Đỗ săn đón hỏi thăm xem có thư tư gì của anh không? Bởi anh đang mong tin từ Đà Lạt, sau khi Văn không làm ở Trung tâm nữa, về Đà Lạt, đem theo một sứ mạng của Đỗ nhờ. Và lần này, anh nhận được thư của bố vợ tương lai gửi từ Đà Lạt, anh vô cùng hồi hộp. Bởi trước đó anh gửi thiệp hồng cho gia đình vợ tương lai mà không hề thông báo trước, chỉ nhờ Văn đem về và nói giúp. Thiệp hồng nhưng in toàn chữ mầu đen, chữ Véronèze corps 12, giữa in ảnh nhỏ hai người chụp chung ở sân bay quân sự Cam Ly; khi Khuê tiễn anh lên máy bay Cessna của hãng Air America đi Vũng Tầu. Họ gia đình nhà trai in bên phải, nhà gái bên trái. Thiệp in hai loại, một số in tên thật, một số in bút danh nhà văn. Tư Cao, chủ nhà in Nguyễn Trọng bên Gia Định; nhà in nhỏ như một hộp quẹt có hai chiếc máy in duy nhất: một máy pédal dùng tay đặt giay in từng tờ một, một máy khác in được tám bát chữ in ruột sách. Sau 1964, chế độ Ngô Đình Diệm đổ, đọc báo Chính Luận, anh mới biết Tư Cao với tên thật là Nguyễn Văn Cao hiện bị giam ở khám Chí Hoà. Theo báo đăng, Tư Cao làm kinh tài Việt Cộng. Sau 1975, anh ta được bổ nhiệm giám đốc nhà in Sài Gòn Giải Phóng. Anh chủ nhà in Nguyễn Trọng này in thiệp hồng ở máy pédal cực lực phản đối in thiệp hồng mầu đen, lại in ảnh cô dâu chú rể, anh chưa thấy ai làm như vậy. Nó không thể được gọi là thiệp hồng. Tư Cao đoán là hậu vận không tốt. Tôi trả lời anh cứ in mầu đen, vì đã nghĩ kỹ, và chính đây mới là thiệp cưới trang trọng, có nghi thức nhất.

*

Thư của ông giáo Bảo, bố vợ tương lai, cho biết tốt nhất nên hoãn lại, bởi ngày cưới trong thiệp tự định đoạt kia bất ngờ quá không thể nào chuẩn bị kịp. Đỗ cầm thư rồi lấy xe gắn máy phóng ra Vũng Tầu tìm đến Aux Délices, ngồi đây ngắm cô chủ quán để viết thư trả lời gia đình bên vợ tương lai. Đại để, anh bầy tỏ rằng: “trước sau gì cũng cưới thôi, hơn nữa thiệp cưới đã gửi cho bạn bè, trong số ấy đa số là nhà văn, nhà báo, giáo sư… chẳng mấy ngày nữa báo liên tục đăng tin mừng”. Điều quan trọng nhất là Khuê, rồi đến hai bác; thì tiệc cưới sẽ diễn ra sau Tết âm lịch và cũng chỉ trong vòng năm ngày sẽ lo đủ đám cưới, đám hỏi cùng một lần. Anh giở tờ báo Chính Luận ngày hôm nay, nơi trang tám đã có hai tin chia vui với nhà văn chú rể. Chỉ vài ngày tới báo chí Sài Gòn nhất loạt đăng tin mừng. Anh gửi thư bảo đảm phát nhanh và anh chắc rằng chẳng bao lâu sẽ nhận được tin Đà Lạt trả lời. Và ba ngày sau, người đi lấy thư về đã trao cho anh điện tín: gia đình bên vợ tương lai đồng ý như anh hứa, đám hỏi, đám cưới cùng một lần theo đúng nghi thức thủ tục.

Vấn đề được đặt ra trong việc tổ chức đám cưới của Đỗ thì về phía nhà trai chỉ có hai người: cô ruột Đỗ Thị Thảo đứng tên trong thiệp, thay mặt bố mẹ không còn. Phía nhà trai, người anh nghĩa tử nuôi cơm áo anh từ vài năm nay. Như lời người anh nghĩa tử nói, để anh khoi phải lo cơm ăn, áo mặc, chỗ ngủ từ lúc còn ở xóm đạo Tân chí Linh dọn đến Ngã tư Bẩy hiền này. Biết được anh Huyến nhờ Thế Dung giới thiệu, vì anh ta thấy Đỗ lo lắng khi chủ nhà xóm đạo Tân sa châu xiết nợ tủ quần áo; không tiền trả nhà thuê hơn ba tháng. Còn tiền cưới chắc chắn phải đi vay.

Nhưng ai là người có thể cho nhà văn đít nhẵn như đít ếch vay, bởi lấy gì đảm bảo có thể trả được! Cũng may, hiện thời anh đang là giảng viên có lương tháng gần mươi ngàn đồng, chắc là có đôi chút bảo đảm. Như dự tính cho đám cưới này, Đỗ phải có trong tay một trăm ngàn đồng, mà bây giờ chưa biết vay ai? Bỗng anh Huyến bàn với Đỗ:

– Tôi bàn với ông là đến vay ông Phú là được ngay thôi.

– Bác Chánh có ý kiến hay, thế mà sao tôi lại không nghĩ ra?

Phú từng là lính của bài quân nhạc có nhịp điệu “..ta chiến binh Sư đoàn nhảy dù…”, từng là chiến hữu đi đào vàng với anh ở Phi Nôm năm sáu tư. Người bỏ tiền Đinh Xuân Cầu và trong số ấy có Đỗ, Phú … nổi tiếng đến nỗi nhật báo Sống Chu Tử trong mục Ao Thả Vịt; Kha Trấn Ác loan tin hai cột trang nhất và phong cho “nhà văn Đỗ từng được mệnh danh “vua chửi” cùng đi đào vàng ở Đà Lạt với Đinh Xuân Cầu”. Đỗ cũng không muốn nhờ tiền bà cô, kể cả bạn bè khá giả, nên vay tiền làm đám cưới là việc hay nhất. Chỉ cần dành dụm vài ba tháng là trả hết nợ thôi. Và số tiền mua vé máy bay cũng là số tiền kha khá, năm trăm một lượt, khứ hồi chín trăm tám. Mua vé cho ba người: chú rể, bà cô, và anh Huyến. Vào thời kỳ này không thể đi đường bộ, chỉ nói riêng tới quốc lộ 20 đi Đà Lạt, ở cây số 135 thường bị phục kích. Số bạn bè là văn nghệ sĩ được mời, sở dĩ đăng báo mừng nhiều hơn là có thể đi Đà Lạt tham dự, cũng vì đường bộ đi lại khó khăn. Và Đỗ ra hãng máy bay Air Vietnam mua ba vé.

*

Mùng năm tết âm lịch đến Đà Lạt với hành lý quần áo, chẳng đồ sính lễ, áo cưới cô dâu chưa may mà mùng 10 là ngày cưới. Coi như chỉ còn bốn, năm ngày nữa làm sao sửa soạn cho kịp? Đà Lạt vẫn còn đắm trong sương của không khí mùa xuân, hoa anh đào năm nay nở hai lần đỏ hồng đẹp mắt. Và phố xá Đà Lạt đông người nhưng đa số cửa hiệu im lìm đóng. Cũng rất may cho Đỗ, trong số các khoá sinh ở Trung tâm huấn luyện Vũng Tầu thì có rất đông các co cậu là học trò Đỗ. Như Giăng ở 33 Hoàng Diệu (chắc gia đình này ngày xưa quốc tịch Pháp có tên Tây) nhận làm phù rể cho thầy. Giăng lại giới thiệu một cựu khoá sinh khác có người cậu ruột mở tiệm thợ may Túy ở đường Phan Đình Phùng, chuyên may áo dài các cô, các bà. Còn bác Bảo lại quen một gia đình làm bánh ngọt trên đường Hàm Nghi, thế là hai tiệm này có thể bị gõ mở cửa hiệu sớm đầu năm. Tiệc cưới đặt ở khách sạn Nam Đô, phong cưới rước dâu về khách sạn sang trọng nhất Đà Lạt là Palace, tại phòng A – một trong bốn phòng đắt tiền nhất – trông ra hồ Xuân Hương. Cô dâu theo đạo Báp tít Ân điển làm ở phòng đọc sách trên đường Minh Mạng. Đỗ von là con cầu tự chùa Quán Thánh ở Yên Bái chưa tin Chúa, nên được dặn dò trước ngày cử hành hôn lễ, chú rể tới tư thất giáo sĩ học giáo lễ. Đỗ biết đây là một đặc ân, bởi lẽ phải là tín hữu đã làm báp têm, thuộc viên hội thánh, là một Cơ đốc nhân mới được phép cử hành hôn lễ. Khi Đỗ và Khuê đến nhà ông bà giáo sĩ người Mỹ Roberston thì gặp một bà giáo sĩ Betty Merrel, và chính bà này là người đệm dương cầm ở nhà thờ cho đám cưới hai người. Bà Merell nói ngay:

– Một là Chúa có thêm một tín đồ; hai là Chúa mất thêm một tín đồ.

*

Đỗ không thể quên ngày 30 tháng 1 năm 1966 khi hôn lễ được cử hành xong, rước dâu về khách sạn Palace, một giáo sĩ khác nhìn thấy căn phòng rộng, có bốn giường, hai lò sưởi, hai phòng toa lét rộng thênh thang, sa lông tiếp khách thật đẹp, điện thoại đầu giường, đã quay lại hỏi nữ giáo sĩ Betty Merell:

– Này, ông ấy làm nghề gì?

– Toi không rõ lắm, nhưng mục sư Roberston cho biết ông này là một trí thức Việt nam làm việc ở Vũng Tàu. Đây là đám cưới mà chúng ta quay phim 16mm để đem về Mỹ làm quảng cáo.

*

Sau ngày cưới, vợ chồng Đỗ đã phải đem chiec nhẫn cưới bán cho tiệm vàng, để có tiền chi dụng hàng ngày. Ba ngày sau, hai vợ chồng Đỗ lên phi trường quân sự Cam Ly đợi chiếc Cessna bốn chỗ đưa về Vũng Tầu. Khuê nhắc đến chuyện bà cô bỏ về nửa chừng không làm chủ hôn, chỉ vì một lý do chẳng đáng gì? Tối hôm ngủ ở nhà ông bà giáo Bảo, bà nhìn thấy cuốn sách trên kệ đầu giường rồi vớ lấy đọc chờ giấc ngủ. Bà rướn đôi mắt nhìn cho kỹ, cuốn sách này viết về năm nhà văn, trong đó có chú rể là cháu ruột bà. Tác giả cuốn sách, Du Tử Lê viết về Thế Phong, cho rằng anh này từ Hà Nội vào Sài Gòn trước di cư 1954, như kẻ tứ cố vô thân. Bà cô ruột giận nhất khi đọc đoạn này:

“…Ông ngồi vừa nói chuyện với tôi vừa đánh máy “Nhà văn, tác phẩm, cuộc đời”. Nghĩ đến đâu ông đánh máy tới đó, không viết trước. Bên cạnh chiếc máy đánh chữ là một ly cà phê to (loại ly sành) cùng hai bao Bastos xanh, “gu” đặc biệt của ông. Ông uống cà phê như uống nước trà, và hút thuốc liên miên, ngay cả lúc đánh máy. Ngồi một lát, ông rủ tôi ra quán cà phê. Sau một thời gian giao tiếp, tôi cũng không biết ông lấy tiền đâu để sống! Ngoài việc viết sách, ông không hề làm việc gì khác, cũng không hề viết báo. Chỉ biết về sống tại đây nhờ một người anh họ. Điều lạ hơn nữa là không bao giờ thấy ông than phiền về các vấn đề tiền nong, hay kêu ca về những đau khổ mà cuộc đời đã dành cho ông. Không phải đời sống ông đầy đủ, không phải cuộc đời hậu đãi ông. Dĩ nhiên là thế! Hay ông là con người vô tư, đang sống trong hạnh phúc, trong tình yêu tràn đầy? Tôi biết chắc cũng không phải. Thơ văn và thái độ của ông chứng tỏ hùng hồn điều đó. Tất cả những chuyện ông nói với tôi, tuy có chua chát, đắng cay, nhưng ông kể lại với một giọng hài hước, dí dỏm, không một chút hậm hực, không một chut oán hờn , than trách. Bất cứ ở đâu chỗ nào, ông cũng chỉ có một vẻ mặt : tươi cười, vui vẻ, một giọng nói vang động, vỡ nát. Nhưng tôi không tin tiếng cười, giọng nói đó phản ảnh mặt thực của tâm hồn ông.

Ở quán về, đêm đã khuya lắm, ông còn cố giữ tôi lại. Chúng tôi ra ngồi một chiếc bàn gỗ ngoài sân dưới dàn hoa bông giấy. Chiếc “transistor” để bên cạnh, phát ra những âm thanh kích động của một bản nhạc ngoại quốc. Chúng tôi im lặng hút thuốc. Mỗi khi đốm lửa xoè lên, lại một lần soi sáng khuôn mặt nhăn nheo, dữ tợn, lì lợm của ông. Nhưng không như mọi lần, ở đây mỗi khi liếc nhìn, tôi thấy ẩn sau những nét nhăn, có vẻ hung hãn kia, có mot cái gì rất mỏng manh, rất khó nhận, nhưng cảm được. Một nỗi buồn, một vẻ ưu tư trầm kín, cái cảm gíac mơ hồ về một đớn đau, một khắc khoải quằn quại, một chán chường, một khốn nhục… Tôi không biết trong thâm tâm lúc đó ông nghĩ gì? Hay không nghĩ gì cả? Tôi bỗng thấy buồn. Bỗng thấy một niềm thương tiếc không đâu dâng lên rào rạt trong tâm hồn tôi.

Xa xa tiếng súng đại bác từ miệt Phú Lâm vọng tới. Ông thở dài như nói một mình:

… tôi không còn thân thích nào ở đây cả? Trong đời tôi, tôi chỉ quý mến và nghe lời một người đó là mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi không còn nữa, bố tôi cũng vậy. Tôi không anh em ruột thịt, một thân một mình, chả có nhu cầu gì nhiều. Sống theo những gì mà mình muốn, làm những gì mà mình thích làm. Vợ con chưa có, lỡ có chết, có tai tiếng hay điều gì cũng chỉ một mình gánh chịu…”

Dừng một lát, ông tiếp, giọng thật nhẹ, xa xôi, khác hẳn bình thường; khiến tôi có cảm tưởng như tiếng nói đó không phải của ông mà của một ai xa lạ. Tôi nhớ mãi câu nói của ông: “…Tôi không muốn để ai biết tôi buồn, nỗi buồn của tôi chỉ có tôi biết mà thôi. Và tôi cũng không muốn nhận hay mang ơn ai cả…”

 

*

Sáng hôm sau, bà Thảo nói với ông bà giáo Bảo rằng không thể làm chủ hôn cho cháu ruột, trưa nay phải về Sài Gòn gấp. Ông bà giáo Bảo báo tin cho Đỗ biết giữ bà ở lại, dầu bà cô giận cháu ruột thế nào đi nữa cũng không thể có thái độ, hành động như đem con bỏ chợ vậy. Nhưng dầu ai nói sao, kể cả cháu đích tôn còn là trưởng tộc Đỗ; bà cũng xách va li ra bến xe trước ngày cưới. Anh Huyến thấy vậy, thưa với ông bà giáo:

– Xin ông bà thương chú em nghĩa tử của tôi mà không chấp thái độ cố chấp của bà Thảo, ngày mai đây ông bà nhạc vui lòng cho tôi được phép thay thế đứng chủ hôn.

Ông giáo Bảo là đồng nghiệp vơi bố Đỗ, có tình bạn thâm giao, mặc dầu ông giáo Đỗ Văn Đức hơn trên một giáp tuổi. Ông hỏi Đỗ:

– Con có thể cho hai bác biết lý do nào cô của con nhất định bỏ về?

Cầm cuốn Năm sắc diện năm định mệnh[1], Đỗ trả lời:

– Thưa hai bác, chỉ vì cuốn sách chết tiệt này có câu nhà văn nói rằng mình tứ cố vô thân. Chỉ cần hai bác đồng ý thì anh Huyến thay mặt nhà trai chủ hôn là được.

– Khuê là thứ nữ, còn chị lớn hơn bốn tuổi chưa ai hỏi han tới, cô em đã ra ở riêng trước; thì đây cũng là một tiến bộ vượt bực của gia đình Việt Nam.

Một ông chấp sự trong hội thánh trả lời giáo sĩ Betty Merrel vậy.

Nữ giáo sĩ chưa hết thắc mắc:

– Cô chị lớn không đẹp, lại không có duyên bằng cô Khuê, quả ông Đỗ có mắt tinh đời thật! Và còn cô em nữa cùng bốn đứa em trai, xem ra thì chỉ một cô Khuê và ông bố đã tin Chúa. À quên, cô chị lớn tin Chúa mới đây, khi tin nhận mặc cả thế này thế kia với Chúa. Không gì khốn nạn cho bằng tin Chúa chỉ mong kiếm “ma na” Chúa ban cho như không.

Ông chấp sự, người chuyên dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ, như có đôi chút động lòng:

– Và từ khi đạo Thiên chúa được rao giang ở Việt Nam, thì có câu “…theo đạo lấy gạo mà ăn” mà bà giáo sĩ!

– Thế ông có biết nhiều về ông Đỗ không?

Ông ấy là tác giả tập thơ Asian Morning Western Music tôi đã đưa cho giáo sĩ Roberston đọc. Có những câu thơ, như lời ông Roberston đọc xong lại không mấy vui!

Nữ giáo sĩ Merell càng thắc mắc:

– Ông có thể cho tôi mượn đọc được không?

Đưa tay với lấy từ trên kệ, ông chấp sự giở sẵn trang có những câu:

“…This land of ours counts on you

Men who have convictions

Men who are not servants

Men who have dignity

Men who do not allow wives to work for Americans

Men who have hopes

Men who bring salvation

I know you will hate me

I tell you

You must learn American

(If you want to know

what the hell is going on…)

Bà Merrell chau mày khó chịu, khi giở ngược lên mấy trang trên, mắt dán vào bài tựa viết cho cuốn thơ:

… “He is against those who would “use literature in the same way as bar hostesses do”. In “Truoc mat nhin thi si” (Under the Poet’s Eyes), he declares:

“The million lines of poetry which can become/ directives for this nation in the future/Should be preceded by the million lines of poetry/cataloguing the hardship of to-day…”

His poetry, like his prose, is deeply committed, passionate, and supremely just…”

Bà đọc tên người viết tựa: Llyod Fernando, Pr. of English, University of Malaya, rồi quay sang ông chấp sự, vừa cười vừa nói:

“Chắc ông không cần phải dịch sang tiếng Việt, phải không ông chấp sự?”

– Vâng đúng, thưa giáo sĩ. Và thật mà nói không phải ai cũng như tôi, rất thân thiện với người Mỹ đồng đạo. Ông Đỗ thì không thế bà giáo sĩ ạ!

– Nhưng ông này hiện đang làm ở Vũng Tầu cho người Mỹ mà.

– Đúng vậy, nhưng đây là một trung tâm huấn luyện do Toà đại sứ Mỹ đài thọ, các giảng viên này làm việc ở đây đa số được hoãn nhập ngũ.

*

Về gần tới Cát Lở đã nghe đồn ầm lên là trung tá Châu được người Mỹ ủng hộ để thay thế đại úy Lê Xuân Mai chỉ huy trưởng. Phe cánh của ông này: Cường, Duyệt, San, Sáng… đang tổ chức rầm rộ làm áp lực không cho phe của người mới nhậm chức. Gặp Đỗ và Khuê, Cường vẫy lại báo tin, và như ra lệnh cho phe ta phải tham dự đảo chính trung tá Châu. Đỗ giữ thái độ im lặng, không phản đối phe mới, cũng không tham dự với phe thân đại úy Mai. Anh giải thích cho vợ, dầu có làm gì chăng nữa cũng không thể thay đổi tình thế. Người Mỹ đã muốn thay ngựa giữa dòng, thì dầu có làm gì chăng nữa cũng vô ích. Anh không quên người giới thiệu anh vào làm ở đây, ăn lương giảng viên để làm tờ tập san, tiếng nói của trung tâm. Anh làm ma két tờ tập san, ngoài phần bài vở của trung tâm đưa là phải in; còn phần văn nghệ anh đăng thơ, truyện của bạn bè và của chính anh.

Hai vợ chồng thuê được một căn nhà ở xã Thắng Tam, Rạch Dừa và vợ anh cũng được tuyển làm giảng viên y tế, nhờ ở có một hai năm từng học Dược khoa. Ăn cơm chiều xong, Khuê bảo chồng:

– Tối nay ra thăm vợ chồng ông quân cảnh Lượt đi. Em mới gặp Bích ở Đà Lạt ra Vũng Tầu thăm chồng đấy.

Đỗ gật đầu, nhớ lại ngay cô Bích, con gái nhà in lớn nhất ở Đà Lạt, và là bạn thân của Khuê. Đại úy trưởng đồn quân cảnh Vũng Tầu lên Đà Lạt chơi, đi qua nhà in Công Đồng gặp cô con chủ, quen, yêu, làm lễ cưới và cô phù dâu cho Bích, là vợ Đỗ bây giờ. Đỗ cũng không quên Lượt và Đỗ từng đến quán Aux Délices uống cà phê, cả hai đều phải lòng cô Tỵ, con chủ quán. Lần ấy, Đỗ có việc phải sang Bà Rịa công tác, anh đến rủ cô nàng cùng đi. Chiếc xe Dodge 4 chỉ có tài xế, Tỵ và anh. Đỗ nói với Tỵ:

– Cảm ơn một buổi chiều tuyệt đẹp được ngồi bên cô. Trong đời tôi sẽ không bao giờ dễ quên được, cho dầu điều tôi bầy tỏ với cô là tin vui hay ngược lại.

Quay sang nhìn Tỵ, sự cảm động dâng lên đôi mắt đen láy bồ câu “càng nhìn lâu càng đắm đuối”.

Đỗ nắm lấy tay nàng trong bàn tay anh, Tỵ không nói năng gì, thế là anh bầy tỏ điều giấu tận đáy lòng, là anh muốn xin cưới Tỵ càng sớm càng tốt. Tỵ nhắm mắt lại rồi thở dài. Từ lúc đó trở đi, Đỗ không nói gì nữa tự cảm thấy anh đã bị tước khí giới, nếu Tỵ thuận mà không nói năng gì, ít nhất cũng bầy tỏ một cử chỉ trả đáp nhẹ nhàng để anh có thể cảm, hiểu được. Lúc Tỵ bước vào cửa hiệu nhà nàng, anh ngồi trên xe vẫy tay nhè nhẹ, lòng buồn không sao tả được! Trên đường về trại Seminary camp, anh nhớ lại nhiều khuôn mặt người nam theo đuổi Tỵ. Lượt ra ngoài danh sách tiếp đến một chàng thiếu tá bộ binh có gia đình rồi, mà hằng đêm vẫn ngồi đồng dán mắt vào quầy thâu tiền có cô chủ quán. Anh nhớ đến một sáng chủ nhật, nhớ thật chính xác chín giờ năm buổi sáng hôm ấy, đang ngồi uống cà phê một mình. Anh để mũ, giây đeo súng lục, dao găm ở dưới ngăn bàn, tay cầm điếu thuốc lá, mắt nhìn ra ngoài đường Phan Thanh Giản đông người qua lại. Bỗng có tay một người từ phía sau vỗ vào vai, tưởng chừng bạn quen. Khi quay lại nhìn thì không phải bạn quen, mà là một thiếu tá lục quân lạ hoắc, mặt đằng đằng sát khí, hạnh hoẹ:

– Mai tao tới quán này thì không muốn nhìn thấy bản mặt mày. Nghe rõ năm trên năm?

Thiếu tá lục quân nói chuyện với anh như thường ra lệnh cho lính tráng thuộc quyền. Đỗ coi như không nghe thấy và chẳng quan tâm. Có ý gây cho đối tượng vô danh tức hơn để dò thái độ phản ứng tiếp theo. Thở ra hơi rượu nồng nặc, thiếu tá hét lớn:

– Tao nói vơi mày đó! Mày bị điếc và câm hả?

Tỵ thấy to tiếng giữa hai khách đều quen cả, nàng đi ra rồi lôi thiếu tá ra ngoài:

– Anh về đi say quá rồi đấy!

– Ai bảo tôi say? Cô em để tôi thanh toán thằng này.

Lực lượng cơ hữu bán quân sự trung tâm đều mặc bà ba đen, và chỉ huy trưởng đã trả tiền cho nhạc sĩ sáng tác ca khúc, có câu: … “kẻ thù ta đâu có phải là người/ giết người đi ta ở với ai?”… như để trả lời đối phương.

Lúc này Đỗ mới ra oai, bằng cách đứng dậy cầm mũ lưỡi trai đội lên đầu, thắt giây lưng có khẩu Browning, trả tiền xong đi ra cửa. Tỵ nói với anh:

– Ông ấy say, anh đừng chấp, tối nhớ ra đây em nhờ việc này.

Đối tượng kia nghe được la toáng lên, với lời chửi rủa càng tỏ ra tính khí hung hãn:

– Em lại còn hẹn hò với nó à? Bắn bỏ mẹ mày, khôn thì đừng để tao nhìn thấy mặt.

Đúng lúc ấy chiếc xe díp sơn ngụy trang biệt kích trờ tới trước cửa hiệu đón anh về trung tâm. Bước lên ghế trước, Đỗ hất giây lưng có khẩu Browning sáng loáng ra một bên, làm ra vẻ hách dịch không thèm chấp thằng say rượu vẫn đang la toáng chửi bới khách vô danh, hy vọng được lòng cô chủ quán.

Tiếp đến là Cùng, chàng hoạ sĩ này không có kí lô nào đối với nàng; nếu không, Tỵ đã chẳng cho anh bức chân dung vẽ nàng có hàng chữ ghi tặng la fille Aux Délices. Vậy thì tại sao Tỵ không bầy tỏ dấu hiệu ưng ý để anh tiến tới? Có thể nào nàng nghĩ rằng Đỗ muốn cưới vì nàng là con nhà giầu? Chỉ điều này thôi là dễ bị chạm tự ái nhất, nhược điểm lớn nhất nếu đối thủ biết được chỉ cần đánh nhẹ vào, anh sẽ tự động bỏ cuộc ngay. Giá như thiếu tá luc quân kia hiểu được vậy. Đỗ buồn bực với chính anh, tự trách chưa tỏ lời đúng lúc khi tình trạng chưa chín mùi. Một quyết định tình thế cho chính anh là sẽ không ra quán nàng trong một thời gian xem sao? Nhưng ý nghĩ này bị đanh đổ ngay, như vậy là sợ chàng thiếu tá lục quân đe dọa vu vơ sao? Lên giường nằm không sao ngủ được, anh đành vặn nút chiếc radio để nghe nhạc thính phòng dỗ dành. Lại là thói quen mỗi khi khó ngủ anh thường làm vậy. Va bản nhạc “Que sera sera…” đánh đúng tâm lý Đỗ, chuyện gì xảy đến sẽ đến, có lo nghĩ chỉ bằng thừa. Anh với tay tắt radio và ánh sáng của đèn ngủ đầu giường.Và sáng hôm sau nhân có chuyến máy bay C130 đưa khoá sinh mãn khoá về Đà Lạt, anh theo đi. Và lần ấy gặp vợ chồng Duật biết tin Khuê, con ông bà giáo Bảo ở Nghĩa Lộ trước, nay cô đang làm thủ thư viện Hội thánh Báp Tít Trung Tín Đà Lạt. Rồi ít tháng sau tổ chức đám cưới, nhưng chú rể vẫn không quên buổi chiều hôm nào ngỏ lời xin kết hôn với Tỵ, nàng cho cầm tay giữ thật lâu, nhắm mắt mà không trả lời cũng như chỉ cần gật đầu nhè nhẹ đủ để Đỗ ấm lòng. Nhưng không có hai điều nho nhỏ ấy khiến Đỗ như bị chạm tự ái, cho đến khi làm đám cưới xong, anh vẫn chưa dễ quên nàng.

*

Hai cặp vợ chồng giắt nhau vào hiệu Aux Délices, riêng Đỗ ước thầm trong lòng tối nay Tỵ không có mặt thì hay biết bao! Lượt nhìn thấy Tỵ có nét mặt không vui, quay lại nói cho Bích, vợ Lượt – và cho cả Khuê, cả Đỗ cùng nghe:

– Ở Vũng Tầu này, chúng tôi thường chỉ đến quán này uống nước. Và cô chủ là bạn thân của anh Đỗ đấy chị Khuê ạ!

Tiếng cười của Lượt khiến Khuê phải quay sang nhìn cô chủ quán, đúng có nét không vui tỏ lộ. Đỗ thú thật ngay với vợ rằng, nhà văn thì phải giỏi tâm lý nhân vật; riêng với nhân vật Tỵ này tác giả lại mù tịt. Anh kể cho vợ, kể cả vợ chồng Lượt nghe buổi chiều đi chơi với Tỵ ở Bà Rịa và cả điều nói với Tỵ mà chưa được trả lời; rồi đến khi gặp Khuê như gặp định mệnh, thì không thể đợi cái gật đầu nho nhỏ muộn mằn ấy nữa! Khuê chê chồng không mấy tâm lý, và anh nhận ra chính nhà văn ở trường hợp này thật tồi tệ, chẳng hiểu tâm lý phụ nữ là bao! Chẳng lẽ khi bầy tỏ xin cưới nàng làm vợ, bắt buộc phải trả lời ngay tức khắc, như hỏi đáp sao? Nếu nàng không có cảm tình, hẳn đã không nhận đi chơi tay đôi với anh đôi lần và lần này lại đi xa, từ Vũng Tầu đến Bà Rịa. Ấy là chưa kể đến chân dung nàng do hoạ sĩ Cùng vẽ, Tỵ đem tặng lại cho Đỗ, như vậy chưa đủ là bằng chứng bầy tỏ tình yêu thật chân tình và tế nhị biết chừng nào! Quả thật tâm lý Đỗ quá yếu!

– Thế mà anh cũng viết được tiểu thuyết, với em quả thực là lạ!

Đỗ nhận thấy vợ mình nhận xét rất chính xác, và nếu Khuê viết truyện có khi lai hay hơn chồng không chừng?

*

Cuộc đảo chính ở trung tâm huấn luyện thất bại. Đại úy Mai bị trở về Phòng quản trị Tổng Tham Mưu, và trung tá Châu lên nhiệm chức chỉ huy trưởng. Cả ba trại huấn luyện nay trở về một mối duy nhất. Tất cả các giảng viên, huấn luyện viên cũ, như San, Cường, Duyệt, Minh Ma Ní, Tôn, Khoa… cả người đứng ngoài không tham dự đảo chính cũng lần lượt không được ký hợp đồng tiếp, và đương nhiên là bước hàng hai vào Trường Võ bị Thủ Đức hoặc Trung tâm huấn luyện Quang Trung.

*

Đỗ trở về Đà Lạt với vợ đang mang bầu bước lên bậc thang máy bay C130, anh nhìn lại sân bay lần chót. Hai bên vệ đường bay, cỏ lau có hoa đang bay theo chiều gió thổi thật mạnh. Nơi này xưa kia, mỗi sáng anh từng đếm được trên dưới năm chục chiếc trực thăng HUIB cất cánh khỏi bãi đậu như đàn chuồn chuồn kim khổng lồ lên đường hành quân. Lần về Đà Lạt này mang nhiều sự lo lắng, anh không biết sẽ làm nghề ngỗng gì ở nơi này. Với anh thì Đà Lạt là nơi tiêu tiền, không phải nơi kiếm được tiền. Hơn nữa cái gươm vô hình vẫn còn ở tuổi động viên treo lủng lẳng trên đầu, đưa đầu vào công sở nào, hồ sơ có hợp lệ quân dịch không, vẫn là ưu tiên được xét đến trước. Thắng về nội, bại về ngoại sao câu kinh thi xử thế này ở đâu đưa đến giúp anh có cách giải quyết tình huống nan giải bủa vây. Nhưng Đỗ cũng không quên là rể ở nhà vợ như chó chui dưới gậm chạn, và lại càng hơn khi thất nghiệp cùng trốn lính trốn nhui trốn nhủi. Vợ anh vẫn là người bạn an ủi chồng nhiều nhất.

*

Bố vợ là nhà giáo về hưu có lương hưu, mẹ vợ lo chuyen bếp núc gia đình. Hai em trai bên vợ còn nhỏ đang theo trung học, em gái kế Khuê vẫn cắp sách đến Trường Nữ Bùi Thị Xuân. Còn Văn đã vào Trường Võ bị Thủ Đức khoá 24. Hàng ngày Đỗ đi bộ loanh quanh khu Hòa Bình, vòng ra bờ hồ Xuân Hương, đi bộ gần hết nửa vòng, ra công viên Bích Câu, chân mỏi tìm băng ghế ngồi nhìn mặt nước gợn sóng lăn tăn. Đưa hai tay vào túi quần lục lọi, mà chính bản thân biết chắc chắn một đồng bạc lẻ cũng không có. Cà phê ở quán cóc, khói bốc nghi ngút giá chỉ một đồng rưỡi, nhấp lên môi ngọt đắng vừa khẩu vị, thèm ơi là thèm! Ý nghĩ trong đầu nảy ra, hãy lội bộ đến quán cóc bến xe, ki-ốt đầu tiên là Domino, chủ quán cô Sau họ hàng với Cà phê Tùng, có chịu một ly đen nhỏ trả tiền sau, chắc không đến nỗi bị chối từ. Bỗng dưng lính tráng, cảnh sát ùn ùn tới trên xe Dodge 4, sắc phục nghi lễ, thổi còi đuổi khéo khách bộ hành la cà đi chỗ khác. Chẳng cần phải hỏi ai cũng biết rằng quan chức cỡ lớn sắp đi qua. Nếu là phái đoàn Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, thì phía sau có đoàn nhà báo tháp tùng, và trong số ấy không thể không có bạn bè anh là phóng viên đi theo viết bài. Anh muốn tìm con đường nào vắng nhất lẻn đi, không muốn gặp khi anh đang trong tình trạng thất cơ lỡ vận này. Cữ thèm cà phê uống chịu không còn thúc giục nữa, anh đổ dốc lên sân Cù, hướng thẳng lên đồi chờ cho đến khi nào phái đoàn đi qua rồi xuống phố về nhà lúc nào cũng được.

Không công ăn việc làm đối với một người viết văn là chuyện thường xuyên trong đời. Tất nhiên đói khổ, lo âu cơm áo hàng ngày không phải là chuyện đùa với khách thơ. Các văn nghệ sĩ tiền bối, như Tản Đà chẳng hạn, than van đem văn lên bán chợ trời, đăng báo quảng cáo xem bói, hình như mỗi quẻ ba tiền, nhưng kiếm được tiền thì lý sự: chỗ ăn, thức ăn, bạn ăn phải hợp nhãn, đại để vậy. Rồi còn đào gạch nền nhà trồng rau húng để tự thưởng thức cho phỉ chí. Nhưng có cậu em họ làm bí thư cho Hoàng hậu Nam Phương, thấy vậy xin trợ cấp cho người anh họ thì ngoai ngoải lắc đau; nói theo kiểu bây giờ là chê đồng tiền dơ bẩn kia, kể cả có cách rửa tiền làm sạch đi nữa! Với hoàn cảnh của Đỗ bây giờ, vợ lại sắp sinh con đầu lòng, không nhà, ở nhờ bố mẹ vợ. Chuyện như rể chui dưới gầm chạn nhà bố mẹ vợ, với ai thì không biết; chứ với Đỗ, đã nhìn thấy cám cảnh của mẹ vợ đã như có thái độ đối xử khác thường rồi. Đỗ chẳng dám oán trách gì, tất cả việc xảy ra là do thiếu thốn bạc tiền. Lãnh trọn tháng lương lần cuối vào tháng 12 năm 1966 thì vừa đủ chi cho vợ đi nằm nhà thương phụ sản tư. Mẹ vợ săn sóc con gái, còn chồng thì chỉ chạy qua chạy lại thăm hỏi, và được cái từ hẻm 279 Phan Đình Phùng đến nhà hộ sinh tư chỉ cách hai chục căn nhà là tới nơi.

*

Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy con trai cân nặng hơn ba ký lô đỏ hoẻn, khá bụ bẫm; tự dưng lòng người bố xúc động và hiểu được trách nhiệm làm cha là như thế nào? Khi lên đây ngay vài ngày đầu tiên, anh đã liên lạc với thiếu tá phó Nội an tỉnh Tuyên Đức để trông coi đoàn Xây dựng nông thôn Đà Lạt, mà đa số là khoá sinh của anh mới tốt nghiệp ở Vũng Tầu. Thiếu tá phó Nội an đồng ý để anh làm Thị đoàn trưởng, theo hệ thống chỉ huy của Tỉnh đoàn trưởng XDNT Tuyên Đức và việc này chỉ cần thông qua đại úy Vũ Đức Nghiêm là xong. Cầm giấy giới thiệu của phó Nội an đến nhiệm sở tìm đôi ba lần đều được báo là đi vắng, mặc dầu xe díp xếp đậu bên ngoài. Anh tùy phái nói với anh là ông ấy có mặt đấy. Đỗ đành đến bưu điện thoại gọi, Nghiêm không thể không trò chuyện ở công sở, hãy đến nhà ở Trần Hưng Đạo. Buổi tối đi bộ trên con đường heo hút vắng lặng này, giúp anh suy nghĩ được nhiều chuyện triết lý sống thật bổ ích. Nghiêm xuất thân khoá sĩ quan đầu tiên của Quân đội Quốc gia, khoá I Nam Định – bạn cùng khoá trong quân ngũ có kẻ đã bước lên thang danh vọng tột đỉnh. Như tướng Kỳ, tướng Thắng đặc trách bộ Xây dựng Nông thôn chẳng hạn. Còn Nghiêm thì mới chỉ là Tỉnh đoàn trưởng một tỉnh, nhưng Nghiêm tự hào kể lại với bạn bè “nó là tướng thì cũng thua tao, tao là nhạc sĩ tài danh không chỉ nổi tiếng trong nước mà hy vọng còn vang dội ra bốn bể năm châu”. Nghiêm đã bác bỏ việc thiếu tá phó Nội an đề bạt Đỗ làm Thị đoàn trưởng, và trong thâm tâm nghĩ rằng rất có thể sau này Đỗ có thể thay thế. Tối hôm ấy, Nghiêm tiếp nhận sách The writer, the word, the life chuyển ngữ qua tiếng Anh của Đàm Xuân Cận. Khi Nghiêm đưa ra lý do: …“tôi thật tiếc là xếp Phó Nội an thay đổi ý, vì không có ngân sách đài thọ, nên chúng ta không có cơ hội làm việc với nhau…”; thì Đỗ đã thấy rằng anh không làm được công việc như Virgil Gheorghiu đã làm như tác giả kể lại trong cuốn tự sự của ông trong L’homme qui voyagea seul (Lữ hành đơn đoc). Bởi lẽ khi ông đến gặp ông tướng này thì cầm cuốn sách đã ký tặng để cảm ơn trước về một việc đã hứa với ông, nhưng không thực hiện. Việc đổi ý là từ phía ông tướng. Nên Gheorghiu không tặng cuốn sách mang theo kia nữa; sau khi rời khỏi nơi này, trên đường về xé một trang ký tặng. Còn Đỗ lại không làm được vậy đối với Nghiêm, vừa bầy tỏ lá mặt lá trái, nên anh chỉ xé giấy giới thiệu của phó Nội an gửi cho Nghiêm- còn cuốn sach đã ký tặng thì chót đưa mất rồi.

Buổi sáng hôm ấy, ông Phó Nội an chủ tọa lễ ra quân cho đoàn XDNT Tuyên Đức trên Đồi Eo Gió, anh được mời tham dự để làm quen với công việc sau này. Như vậy quả Nghiêm đã không muốn Đỗ nhận việc, chứ không phải từ cấp trên anh ta. Đi bộ từ đồi Eo Gió về đường Phan Đình Phùng Đà Lạt không dưới mười cây số, chân bước lê bước cao bước thấp với tâm trạng rối bời. Lại một lần nữa, ý nghĩ này lại lẩn quẩn trong tâm trí anh “Đà Lạt với anh không phải là nơi có thể kiếm được tiền mà chỉ để tiêu tiền mà thôi”. Hai bên đường hoa quỳ dại nở vàng, với anh thật tuyệt vời khi ngắm chúng vào thời xa xưa; bây giờ lại thật trở nên vô vị. Trong đầu óc Đỗ bây giờ chỉ nghĩ làm sao có việc, hàng tháng được lĩnh lương cố định nuôi vợ con. Trên đường về, khát nước, chân mỏi rã rời; thì có người ới gọi tên anh. Quay lại, nhìn là nhận ra ngay Bùi Thức, một sĩ quan giảng dạy tại Trường Võ Bị Đà Lạt. Anh bạn này có viết văn, truyện ngắn thường đăng trên tạp chí Thẩm Mỹ ở Sài Gòn, trong tập đoàn báo chí của bà Bút Trà Sài Gòn Mới rất nổi tiếng ở miền Nam thập niên năm mươi. Bùi Thức cho anh địa chỉ ở khu cư xá quân đội Chi Lăng và nhắc đi nhắc lại thế nào cũng tới chơi. Anh ta còn nói thêm, vợ anh biết Đỗ ở Đà Lạt mà không tới thăm họ, hẳn là một sự bất nhã không thể tha thứ được! Bùi Thức còn nói đùa đi bộ ở đây thật tốt, và anh ta còn chỉ cho Đỗ biết từ Chi Lăng về chợ Đà Lạt có xe ca đấy. Đỗ gật đầu, chân vẫn lê bước, và khát nước kinh khủng, túi không còn lấy một đồng bạc. Và Đo vẫn nhớ vào năm 1957 ở Sài Gòn, khi đi dự đám cưới thằng bạn thân, túi cũng như bây giờ không có một đồng; phải xin Thức hai mươi đồng.

Ít ngày sau nhằm ngày chủ nhật, Đỗ lại lội bộ lên khu Chi Lăng đến nhà vợ chồng Bùi Thức ăn cơm rồi đánh chắn, được thì mang về, còn thua thì không cần phải trả nợ vay của họ. Thâm tâm Đỗ chỉ mong được bạc, như là đánh chắn kiếm gạo; nhưng may mắn chưa lần nào được đáp ứng.

*

Một buổi trưa khác, Đỗ đang giặt quần áo cho vợ, tã cho con chất đầy trong chậu lớn thì nghe thấy có tiếng khách ngoài cửa gọi. Đỗ đi ra, nhìn thấy Hùng kiến trúc sư, con bà cô ruột lên Đà Lạt tới thăm. Hùng nói ngay, mục đích đến thăm xem mặt bà chị mày ngang, mũi dọc ra sao dám nhận làm vợ người anh họ hoang đàng như Đỗ. Hùng thăm cháu nằm bên cạnh chị, bụ bẫm, hiện cháu đang bị tiêu chảy. Rất nhiều tiền mua thuốc chữa trị, chẳng kết quả bao nhiêu. Đỗ tien Hùng ra cửa thì nhận được thư của Thế Nguyên ở Sài Gòn báo tin cuốn truyện Khu rác ngoại thành sắp in xong. Thế Nguyên cũng báo cho biết bản quyền đươc đầu nậu Thành, bỏ tiền in ấn phát hành, sẽ trả tác giả ba ngàn đồng. Đỗ tính nhẩm với số tiền này anh có thể mua được ba vé máy bay khứ hồi Đà Lạt – Sàigòn. Tự nhiên trong trí anh nảy ra ý , ở Đà Lạt này không có cách gì kiếm ra tiền, và anh đang cần tiền mua thuốc cho con; cách hay nhất về Sài Gòn lấy tiền nhuận bút và sách biếu tác giả. Bây giờ không thể đi đường bộ, vì bị đắp mô liên tục, nhất là đọan đường cây số 135, tính từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Như thế sẽ mất chín trăm đồng vé máy bay khư hồi, tiêu vặt dọc đường dè sẻn mất vài trăm, còn lại khoảng ngàn tám để mua thuốc cho con. Đỗ bàn với Khuê về việc này, nàng đồng ý ngay, vét được còn năm trăm đưa cho chồng. Về đến Sài Gòn, anh đến gặp bạn với tat cả hý hửng có tiền, có sách, sẽ được nhìn thấy diện mạo đứa con tinh thần, đẹp đẽ hay xấu xí?

Cầm hai mươi cuốn sách biếu, nhưng không tiền bản quyền, Đỗ nhắc lại lời nói của bạn:

– Biết anh cần tiền mua thuốc cho chau, nên đã gửi ngay bưu phiếu cho anh từ mấy bữa rồi.

Đỗ ra về không mấy vui, mặc dầu có đứa con tinh thần bên cạnh, anh cũng không buồn mở ra xem. Anh vội vã trở lại đường Phạm Ngũ Lão, văn phòng đi đến của hãng Hàng Không Việt Nam mua vé sớm nhất về Đà Lạt.

Chiếc máy bay DC3 đang bay trên vùng trời Biên Hoà, thì bỗng có tiếng xì xào của khách bàn tán rằng máy bay hỏng hóc động cơ thì phải? Đỗ rất bình thản, có thể bu-gi đóng chấu; anh có ý nghĩ khôi hài ở trên không làm sao cạo được bu-gi như đối với xe gắn máy, xe hơi ở dưới đất. Anh chẳng mảy may sợ sệt cho là máy bay có rơi rồi chết đi chăng nữa, thì ít nhất vợ con cũng nhận được tiền bồi thường. Và lại là một số tiền khá lớn làm vốn để nuôi con có tiền ăn học sau này. Và thật sự tin máy bay trục trặc chỉ là dự đoán từ một hành khách; bởi lẽ cô chiêu đãi viên hàng không đang trấn an, qua tiếng nói dịu dàng từ loa phát ra.

Về đến Đà Lạt, vợ cho biết con trai đã bớt tiêu chảy, và vội vã ra bưu điện lĩnh tiền. Trên đường về Phan Đình Phùng, có tiếng ơi ới gọi của một giọng nói quen quen; quay lại gặp một số bạn cũ từ Sài Gòn lên Đà Lạt theo phái đoàn chính phủ làm phóng sự, tường trình. Cảm tưởng đầu tiên khi gặp lại bạn bè cũ, chúng nó như là giầu có rủ rê đi ăn uống, thì bản thân Đỗ không vui vì việc này, bởi lẽ túi anh rỗng. Đỗ tư chối thẳng thừng, mặc dầu anh rất thèm bữa ăn ngon miệng ở hiệu đã từ lâu không được bén mảng tới. Cứ mỗi lần anh nghe radio loan tin phái đoàn này nọ sắp đến Đà Lạt là một lần tránh mặt đi ra phía bờ hồ hay khu Hòa Bình, mà đành chọn đường vắng, cốt tránh gặp họ.

Thường ngày, vợ chồng anh có rất ít bạn bè đến thăm; nếu có thì đôi lần Bùi Thức đến. Bởi anh giấu địa chỉ không muốn cho ai biết. Buổi tối ở đại gia đình này, cha mẹ vợ, con cái, cứ sau bữa ăn tối ngồi lại với nhau đánh chắn, tuy không sát phạt, nhưng có nhiều cảm giác thích thú. Về khuya thường ra đói bụng, đánh chắn xong ai thắng thì tiền ấy dùng mua bánh nóng về ăn. Trời Đà Lạt về đêm lạnh, ăn bánh mì nóng cũng đủ ngon. Nhưng bữa nay mẹ vợ Đỗ không vui như mọi lần, bà có giọng ăn nói kỳ kỳ khác hẳn trước; chỉ cần mở cánh cửa tủ mạnh tay, vang lên âm thanh kèn kẹt là chau mày khó chịu. Đỗ đoán ngay ra được đây chỉ là cái cớ để bà thể hiện sự túng bấn trong gia đình khi có thêm hai vợ chồng anh và cháu bé Mạnh. Vợ chồng anh đã về ở nhờ bên ngoại đã trên ba tháng. Và ngày tết ta cận kề, thì đồng tiền lại càng cần thiết để chi tiêu vào dịp này. Con cái lớn trong gia đình có việc làm, nhưng chẳng đóng góp được là bao! Có ngày bà đi chợ mà trong túi không còn đồng xu, cắc bạc, bà đi thu xếp từng tờ báo cũ thật ngay ngắn, vuốt thẳng, cột lại cho vào giỏ đi chợ bán lấy tiền chợ. Đỗ nhìn thấy và biết thế lại ngó lơ như không hay gì; song vẫn đập vào mắt.

Trưa hôm ấy Đỗ lấy cớ bụng đau không ăn trưa, lòng no nê sự chán chường. Đỗ rủ Khuê:

– Em mặc áo vào chúng ta đi dạo một vòng được không?

– Anh chờ em một tí, em cũng định rủ anh đi dạo có chuyện muốn bàn với anh.

Trời gần tết ta Đà Lạt lạnh buốt, hai vợ chồng đi bộ dọc theo lối tắt đường Phan Đình Phùng sang Hai Bà Trưng. Đỗ nói với vợ:

– Em thấy thái độ của mợ hôm nay thế nào?

– Mợ buồn vì đồng tiền eo hẹp, tết gần đến, lại phải nuôi hai vợ chồng chúng mình và cháu bé. Sáng nay mợ đem báo cũ đi bán chẳng được bao nhiêu tiền, đi chợ về mắt kèm nhèm vấp ngã ở đầu hẻm chân sưng vù. Em thương mợ lắm và chưa có cách gì để có tiền đưa cho mợ. Anh có cách nào không?

– Sáng qua anh nhận được thư một thằng bạn học cũ từ Hà Nội, nay nó là chỉ huy trưởng Lữ đoàn phòng vệ phủ tổng thống. Trong thư trả lời, anh cứ về Sài Gòn nó sẽ kiếm cho chân binh nhì làm lính kiểng hợp lệ tình trạng quân dịch, rồi viết báo kiếm sống, nuôi vợ con. Anh nghĩ chẳng đi đâu thoát được Sài Gòn, cóc chết ba năm lại quay đầu về núi. Thằng Quang  còn tử tế; chứ thằng Sảnh, cũng trung tá  chỉ huy trưởng Cảnh sát dã chiến không thèm trả lời thư anh lấy một lời khi bạn bè cũ cậy nhờ. Anh chẳng trách gì Sảnh, chỉ nghĩ tình đời xử với nhau lúc này mới rất dễ biết.

Khuê gật đầu đồng tình ngay, một điều mà anh chưa dám nghĩ là có sự đồng tình. Vợ anh cũng rất tỉnh táo nhận xét về mẹ vợ khó chịu với con rể nghèo túng bị khinh khi, chứ không bênh mẹ.

Buổi chiều hôm ấy thật đáng nhớ đời. Một chiều đông xám năm sáu bẩy, không gian chùa Linh Sơn, hai vợ chồng đứng đây nhìn xuống phố núi. Chồng nói với vợ:

– Khuê ơi, tình cảnh này chúng ta không thể tiếp tục ở lại Đà Lạt được rồi. Với anh thì Đà Lạt chỉ là nơi để tiêu tiền, chứ không thể là nơi kiếm ra tiền được. Chẳng thể trách ai, chỉ tại sự túng bấn đưa đến điều ra tiếng vào nặng nhẹ của mẹ vợ. Anh chắc chắn một khi có tiền đưa thường xuyên, chắc hẳn những buổi đánh chắn trong gia đình còn vui hơn nhiều, không còn con đường nào khác là trực chỉ về Sài Gòn.

Khuê gật đầu, trong óc nàng có phương án chi tiết hơn chồng dự tính, Khuê đáp:

– Tiền xe, ăn đường em đến Bích mượn. Anh còn nhớ Bích chứ, năm 65 anh lên Đà Lạt đến tìm em rồi phải chờ, vì em đi dự đám cưới Bích lập gia đình với ông Lượt bạn anh , quân cảnh ở Vũng Tầu ấy. Bích là con gái của nhà in Công Đồng ở đường Minh Mạng là bạn thân của em. Em chắc chắn thế nào Bích cũng cho mượn anh ạ.

– Đỗ không thể quên chú rể ấy là trưởng đồn quân cảnh Vũng Tầu, cũng là một trong những người si mê co Tỵ. Lượt từng nói đùa rằng lương Lượt bẩy ngàn, còn lương Đỗ tám ngàn. Nuôi cơm ba bữa, quần áo có người giặt, ngủ trại sang như tiêu chuẩn Mỹ với giường, nệm trắng; nếu so sánh thì cô mết Đỗ hơn Lượt là chắc rồi! Bởi vậy, Lượt đành lập gia đình ở Đà Lạt với con chủ nhà in thôi. Đỗ nhớ buổi vợ Lượt đến nhà tìm gặp Khuê, Bích gặp Đỗ ôm con gà trống nhỏ bằng nắm tay, dí mỏ nó vào cửa kính bắt ruồi. Chẳng hiểu sao con gà biết Bích la người lạ, nó muốn vượt khỏi tầm tay anh để mổ Bích. Con gà sống này là bạn thiết của Đỗ nó, làm anh khuây khoả trong những ngày phiêu linh, sống chẳng ra sống ở Đà Lạt thời kỳ này. Chỉ mới nuôi nó được ít ngày, săn sóc, chăm bẵm và nó rất thích được bồng bế trong tay đưa lên cửa kính bắt ruồi. Thức ăn của nó bằng ruồi nhiều hơn cơm, gạo – nên chất tươi thực phẩm ruồi khiến tâm tính nó rất dữ dằn. Nó mổ “choác” một cái, chú ruồi biến mất, không còn loay hoay bò chậm chạp trên mặt cửa kính nữa.

– Đỗ nói với vợ:

-Về lại Sài Gòn anh sẽ nhớ nhất là con gà, chẳng biết còn ai nuôi nấng, cho nó ăn ruồi trên cửa kính nữa không?

Hai vợ chồng về đến nhà, anh đi tìm con gà, nó đang tìm ăn đâu đó; khi nhìn thấy Đỗ, nó chạy miết lại phía anh thật mừng rỡ. Buổi chiều áp tết năm ấy, không hiểu sao thời tiết còn lạnh như kỳ Giáng sinh. Một chiều trong đời thật khó quên của vợ chồng anh thấm hiểu nghĩa lý cuộc đời thật sâu đậm!

Từ trên cao nhìn xuống phố, một Đà Lạt thật buồn, với nhiều dẫy nhà tầng thang; xa xa ngọn thông nhấp nhô trên đồi xa đứng thẳng trước nhiều cơn phong ba của mưa đồi, gió núi. Và mai này đây phải xa Đà Lạt đối với vợ chồng Đỗ mà thôi – còn Đà Lạt vẫn có từ muôn đời từ thời hồng hoang cho đến khi được bác sĩ Yersin khám phá ra, với thác Pongour, Prenn, Gougah

Vợ chồng Đỗ từ giã Đà Lạt trời vừa xẩm tối; riêng anh quay lại nhìn đoạn đường xe chạy; bật nhớ đến con gà đang chúi đầu đâu đó không biết diều có căng ngoẹo đầu ngủ sớm.

Cùng về Sài Gòn với vợ chồng con anh, còn bà chị vợ. Chán việc làm nha công cho nha sĩ có phòng khám ở Duy Tân chỉ là cái cớ nhỏ bề ngoài; chị muốn bỏ phố núi, nơi một chuyện tình với một sinh viên sĩ quan Đà Lạt, gọi là yêu để có nơi hò hẹn vào ngày nghỉ – sau này mới biết Thành lợi dụng để bù thêm vào cơm no bò cưỡi. Tốt nghiệp thiếu úy Trường Võ bị Liên quân, Thành bỏ đi ngay không một lời giã từ. Chị vợ anh thở dài, an ủi với chính bản thân may đã không cấn thai với gã sở khanh này.

Về đến Sài Gòn, vợ chồng anh thuê được căn gác chuồng chim của người bà con xa, qua bà cô ruột giới thiệu. Cái ngõ hẻm gần rạp chớp bóng Thanh Vân trên đường Lê Văn Duyệt, chạy ngang qua nhà ca sĩ nổi danh Thanh Thúy, là đến nơi tạm cư của vợ con anh cùng bà chị vợ. Ngày ngày, anh đi gửi bài vở cho nhật báo Sống chủ nhiệm Chu Tử; truyện ngắn được đăng ngay vào cuối tuần. Rồi anh thu gom bản thảo, truyện dài, sách biên khảo đem đến các nhà xuất bản gạ bán hy vọng bán được để có tiền độ nhật. Một hai nhà xuất bản nhận và thật lòng muốn xuất bản chỉ có một nhà nhận in ba cuốn, với điều kiện tác giả xin cấp được giấy phép. Đỗ thật vui khi cầm ba giấy phép: truyện dài Nửa đường đi xuống, Friedrich Nietzsche, và truyện dịch Chiếc Roi Ngựa của V.C.Gheorghiu. Nhà xuất bản Đời Mới đang in một sê-ri truyện dài của Duyên Anh, sách bán rất chạy, nào Dzũng Dakao, Châu Kool… tác giả bán đứt một triệu đồng mỗi tựa. Còn anh chỉ bán một lần in ba ngàn cuốn, khoảng bốn trăm ngàn cho một tựa truyện dầy năm trăm trang, như Nửa đường đi xuống chẳng hạn.

Hàng ngày, anh đến nhà in chữa bông, bìa cuốn này là ảnh Nguyễn Cao Đàm, chụp một thanh niên đội nón đi trong vòng dây kẽm gai không lối ra và bốn chữ Nửa đường đi xuống không viết hoa qua nét chữ bay bướm nghệ sĩ nhiếp ảnh tài danh; nên Đỗ dùng luôn làm tựa sách. Lúc này Đỗ đã đồng hoá vào quân chủng Không quân làm biên tập viên báo Lý Tưởng, mang lon trung sĩ đồng hoá. Phải tự đi mua lon lá, đeo trên vai quân hàm mầu trắng hai chữ V ngược, về đến trại mọi người cười ồ:

– Thế ra cậu khong chịu mang lon trung sĩ sao? Thượng sĩ Cường hỏi vậy.

Đỗ biết rằng đã nhận lầm cặp lon hạ sĩ mầu trắng, thay vì trung sĩ mầu vàng, nhưng Đỗ vụng chèo cả vụng chống luôn:

– Bữa nay đeo quân hàm hạ sĩ, mai hạ sĩ nhất và ngày mốt là trung sĩ đích thực.

– Thôi cha, dốt thì nhận đi, hay cha nghe câu Tư lệnh Không quân trao Sự vụ văn thư, nói rằng “anh phải mang lon trung tá mới đúng”; rồi làm mình làm mẩy mua lon hạ sĩ đeo cho bõ ghét chứ gì?

Thượng Sĩ Cường còn viết báo bên ngoài, tác giả cuốn truyện dài Buồn vui phi trường mới xuất bản, viết về chuyện vui buồn đời lính không quân. Ngay khi nhận được sách tặng, Đỗ cảm ơn tác giả, đọc mấy vần thơ tếu:

“Hào hoa là lính Không quân/Anh có cái quần anh cũng bán đi/Ngày mai anh mặc bằng gì?/Anh mặc cái áo anh đi khòm khòm”.

– Kể ra mới vào lính Không quân mà tếu như vậy là khá rồi! Cường vỗ vai bạn khen cách trịch thượng từ môi mép đàn anh lính tràng nhiều năm quân ngũ.

*

Vừa mặc áo lính chưa được hai tháng, là bắt đầu cấm trại, cấm quân. Cũng chỉ vì sắp có cuộc bầu cử Tổng, Phó tổng thống, và tướng Kỳ đứng chung liên danh ở ghế phó. Đỗ khó chịu khi bị ghép vào trung đội ứng chiến, bị điểm danh liên miên. Đứng trên ban công, anh dõi mắt nhìn về phía xa xa, thế là tối nay không thể xuất trại. Bỗng có ai vỗ vai, an ủi:

– Buồn vì cấm trại phải không? Tối nay hãy theo tôi, nếu muốn  khỏi trại.

Trung sĩ Thiều, chàng trung sĩ KQ còn là nhà báo này thâm niên quân ngũ, tác giả dăm ba cuốn truyện diễm tình bầy trên kệ các nhà sách bán khá chạy. Tướng tá khá bảnh trai, chỉ tội môi thâm; cứ như sách nhận dạng vóc dáng nghiện ngập là điều chắc chắn. Đỗ lóe lên hy vọng tối nay có thể về nhà, buổi sáng đi làm anh chưa biết lệnh cấm trại. Nếu tối không về được, vợ anh không thấy chồng về hẳn lo lắng. Cũng may ở nhà còn bà chị vợ, chiều đi làm về nhà cũng đỡ trống trải. Lượt, quân cảnh Vũng Tầu đã đổi về Quân vụ thị trấn, và Bích vợ Lượt mua nhà buôn bán ở gần chợ Ông Tạ – hai vợ chồng này đã xin việc cho chị vợ Đỗ làm y tá Nha Thương cảng. Nhờ vậy chị vợ anh cũng khuây khoả được tình buồn với chàng thiếu úy Võ bị, và cũng tự kiếm sống bằng nghề làm y tá. Bỗng thấy trung sĩ Thiều quay trở lại, đưa mắt nháy, anh theo xuống căng tin. Thiều bảo Đỗ:

– Ông theo tôi nhé, xe hơi tôi để ở khu gia binh. Xe Hillman loại cà tàng ấy mà, giá trị xe này chỉ bằng tiền một xe gắn máy tốt thôi. Nhưng dầu sao thì nó vẫn là xế bốn bánh dễ  ra khỏi trại. Bữa nay tôi đưa ông qua lối nhà ma rồi vòng qua sang khu Hàng không dân sự chuồn dễ lắm!

Đỗ liếc nhìn Thiều mặc quần áo treilli mới tinh như anh mặc; nhưng không hiểu sao bề ngoài nhìn vào dễ phân biệt đâu là lính mới, lính cũ. Vừa chui qua lỗ chó chui hàng rào concertina Thiều qua lọt, còn anh bị quân cảnh ém trong bụi rậm lừng lững bước ra giơ tay chặn anh lại.

– Cho coi giấy

– Thưa tôi là trung sĩ mới đồng hoá làm biên tập viên báo Lý Tưởng, Đỗ đap.

Anh quân cảnh này chỉ anh đi tới phía chuẩn úy quân cảnh trình diện.

– Bộ Tư lệnh Không quân hay là Không đoàn 33?

-Thưa báo Lý Tưởng.

– Lính mới đồng hoá phải không? Đi theo nhà báo trung sĩ Thiều hả. Thôi đi đi, cho qua lần này thôi nhé.

– Xin cảm ơn chuẩn úy.

– Phải cảm ơn thiếu úy chứ trung sĩ Đỗ, Thiều quay trở lại đón bạn, dạy bài học phải biết nịnh cấp trên, chuẩn gọi là thiếu, cứ tăng lên một cấp.

Đỗ ngồi nhờ xe của Thiều qua cổng Nhà Kiếng Hàng Không dân sự, cảm thấy thoát được rồi, niềm sung sướng  khỏi trại thật mãn nguyện. Tự nhủ là sắp gặp được vợ con thật mừng! Buổi tối lại trở vào trại, hai mươi giờ, rồi hai mươi hai giờ, Đỗ được cắt làm tiểu đội trưởng thuộc trung đội I ứng chiến. Tiểu đội văn phòng gồm những ca sĩ nổi danh như Anh Khoa, Duy Quang…, diễn viên cải lương đoàn Kim Chung như: Phúc Lai, Tư Vũng, Ba Hội…, kỹ sư Biên ở Pháp về đồng hoá hạ sĩ kiểng, ban ngày dạy tiếng Pháp cho con gái Tham mưu trưởng, hoặc Lâu làm cho hãng Reuters chuyên dạy tiếng Anh cho con tướng, chỉ ban đêm vào điểm danh ứng chiến. Có một đêm điểm danh lúc hai mươi giờ xong, ca sĩ Anh Khoa đi lại phía Đỗ, nói lí nhí:

– Thưa bố, em xin một việc, rất biết ơn, nếu bố đồng ý.

– Thì nói ra mới biết được mà đồng hay không đồng chứ?

– Tối nay em có hai  hát, xếp thương cho em được miễn điểm danh lúc hai mươi hai giờ. Không những em chịu ơn xếp, còn nhân danh vợ con cảm ơn xếp nữa.

– Thôi được, lần này thôi nhé!

Nói thì nói vậy, thâm tâm Đỗ biết chẳng cứ một mình ca sĩ lính kiểng Anh Khoa hay Duy Quang, đến hề Ba Hội, Tư Vững… chỉ điểm danh lấy lệ thôi. Quân cảnh Không đoàn 33 gác cổng Phi Long, Phi Hùng… quen mặt nghệ sĩ, nhà báo mặc áo lính vẫn thông cảm cho qua cổng bình thường; trừ cấm quân, cấm trại, có xếp lớn ra đứng kèm thì mới hỏi giấy xuất trại, hoặc đuổi vào mà thôi. Khi Anh Khoa vừa biến mất, thì có một anh lính mặc quần áo mới toanh, dáng điệu rất ngố đi lại phía Đỗ rụt rè chụm chân chào, nói giọng hùng hổ:

– Xếp cho tôi khỏi điểm danh lúc hai mươi hai giờ như ca sĩ Anh Khoa nhé. Tôi dạy tiếng Pháp cho con gái Tham mưu trưởng.

Biên nói xong đi ngay, không cần Đỗ đồng ý hay không? Xốn mắt, gai tai, Đỗ gọi Biên lại ra lệnh:

– Báo cáo tên, cấp bậc, số quân.

– Thưa em tên Biên, số quân…

– Trong quân ngũ, không xưng em, con, cháu. Báo cáo nhanh, gọn, ăn nói chững chạc.

– Tôi là hạ sĩ Lê Biên, số quân 58/600594.

– Rồi sao nữa?

– Xin cho tôi được xuất trại như ca sĩ Anh Khoa vậy.

– Hít đất hai mươi cái rồi đứng nghiêm báo cáo. Thi hành trước khiếu nại sau.

Hạ sĩ chống hai tay xuống đường nhựa, đẩy hai tay lên, mà chưa nhấc tay lên được đã nằm quỵ xuống. Đỗ bực với lối nói cậy thế, ỷ quyền của Biên; nên đá vào ống quyển Biên một cái nên thân, ra lệnh tiếp:

– Không hít được hả?

– Dạ xin trung sĩ tha cho.

Đỗ đưa mắt về phía tiểu đội phó Nho:

– Đưa xuống Tổng hành dinh cho garde à vue cậu ta, sáng mai giải quyết tiếp.

*

Phụ tá Tham mưu phó kiêm đại đội trưởng đại đội ứng chiến gọi Đỗ vào văn phòng.

– Trung sĩ nhất Đỗ…., số quân 56/600595 trình diện đại tá.

– Mời anh ngồi. Có việc này tôi mời anh vào, về chuyện hạ sĩ Lê Biên bị anh đá vào ống quyển bằng bốt đờ xô, rồi bị giữ ở Tổng hành dinh. Sáng nay tôi đã cho anh ta về để sáng còn dạy học cho con chuẩn tướng. Anh thông cảm, vì anh là kỹ sư ở Pháp về, bạn với Tư lệnh, cũng như anh ấy mà – đồng hoá nên chưa hiểu mấy tác phong quân ngũ, ăn nói hàm hồ, cứ tưởng anh cho phép hạ sĩ Trần Công Khai miễn điểm danh lúc mười giờ tối, thì anh ấy cũng được như vậy. Tôi đề nghị anh du di cho, nghĩa là chỉ điểm danh lúc hai mươi giờ mà thôi, trừ trường hợp cấm quân, cấm trại trăm phần trăm, cho trường hợp của hạ sĩ Biên.

– Thưa đại tá, nếu ở vào địa vị tiểu đội trưởng thì thật khó làm việc đối với trường hợp hạ sĩ Biên ỷ thế, cậy quyền, ăn nói chông chênh, cư như ngữ cậu ta xách mé như vậy; thì thưa đại tá, rất khó chỉ huy anh em khác. Họ sẽ lấy gương hạ sĩ Biên không ở lại trại điểm danh lúc mười giờ tối, và một khi thiếu tá đại đội phó điểm danh bất thường tiểu đội một, tôi sẽ phải trả lời ra sao, thưa đại tá đại đội trưởng?

– Theo anh, tôi phải làm sao?

– Đại tá cho ra khỏi tiểu đội ứng chiến, khỏi điểm danh, điểm lợi gì cả?

– Như vậy đâu có được? Như anh, hoặc anh gì làm ở hãng Reuters còn phải vào trung đội ứng chiến cơ mà. Tư lệnh biết được chỉ có nước độn thổ. Nhất là lúc này Việt Cộng pháo vào Tân sơn nhất ngày ba lần, theo đúng giờ giấc, sáu giờ sáng, mười hai giờ trưa, và sáu giờ chiều.

– Thưa đại tá, hạ sĩ Biên còn ở tiểu đội một thì tôi vẫn phải điểm danh thường lệ, vắng mặt phải kỷ luật, không làm khác được.

– Theo anh còn cách nào khác không?

Suy ngẫm, dõng dạc, chậm rãi báo cáo:

– Không đưa tên cậu ta khỏi danh sách ứng chiến, thì tốt nhất chuyển qua tiểu đội khác.

– Good idea! cảm ơn anh.

*

Sau buổi điểm danh sáng, Đỗ được thông báo tám giờ trình diện đại tá Dinh, Tham muu phó CTCT. Đầu óc anh rối tung, đặt câu hỏi- có thể ra lệnh cho Biên hít đất nên thầy dạy Pháp văn cho con gái đại tá mách bu chăng? Hay là đã mấy lần được thông báo trước hàng quân, từ binh nhất đến thượng sĩ nhất có hai năm thâm niên cấp bậc phải khai với thượng sĩ thường vụ văn phòng đại tá, mà anh lại không chịu lên khai báo, bô bô nói chỏng, nào là đi lính như anh, được đeo lon trung sĩ, thì không phải lập bàn thờ tổ tiên nữa, vì như vậy đã làm rạng rỡ gia đình lắm rồi! Trước khi lên văn phòng, anh xốc quần áo chỉnh tề đứng trước gương soi, rồi gõ cửa phòng đại tá. Bước vào, giơ tay lên trán chào kính, xưng hô cấp bậc, tên thật, số quân. Thì anh đã liếc thấy đại úy trưởng phòng xã hội ngồi ghế khách. Nhìn thấy trung sĩ Đỗ, đại úy không vui, bởi nhớ tới tối hôm nào điểm danh, gọi một hạ sĩ đến ra lệnh:

– Mày buông mùng cho tao ngủ nghe mậy? và chỉ tay ba lô của xếp ở cuối phòng.

Hạ sĩ gằn tiếng hỏi lại:

– Đại úy nói lại một lần nữa, được không?

– Có gì không được mày? Thằng này láo, tao nói mày đi buông mùng, tao buồn ngủ quá trời!

– Ông ở bộ binh chuyển về không biết đó thôi. Không quân, từ lính đến quan, thằng nào cũng giống thằng nào, tự buông màn lấy cha nội.

Quả thật đại úy không biết lối sống không quân, ông tên là Trường, cách đây ít lâu từng là quận trưởng Nhà Bè. Bị thay thế, chạy chọt về làm phòng xã hội không quân, mà thường ra chức vụ này do nữ quân nhân đảm trách. Ông không thể quên sau khi hạ sĩ nói vậy, kẻ cười lớn tiếng nhất là trung sĩ Đỗ đầu têu làm tất cả lính có mặt cười họa theo. Và ông không thể quên bản mặt thằng này.

– Báo cáo nhanh, gọn – đại tá ra lệnh.

– Bố tôi đi cày, mẹ đi cuốc, khuyên con nếu sau này đi lính được thăng chức trung sĩ thì không phải lập bàn thờ tổ tiên nữa, thưa đại tá.

Đại tá ra lệnh cho đai úy Trường:

– Đại úy áp tải xuống Tổng hành dinh nhốt chờ lệnh.

Mặt ông nóng bừng, giọng sừng sộ, thân hình cao lênh khênh, nói giọng Huế, tiếng chửi thề theo tiếng Nam đù mả nghe thật tức cười! Đang trong tình trạng bối rối, anh không thể bật cười nhớ tới hình ảnh bà cố vấn Trần Lệ Xuân thời Tổng thống Diệm; bà ngồi trên ghế bành đỏ chót, hiên ngang đứng dậy lắc đầu làm duyên, hô khẩu hiệu: “Phụ nữ Việt Nam muôn năm” nói giọng Huế như “Phụ nữ Việt Nam muốn nằm

Đại úy hỏi anh câu đầu tiên:

– Trung sĩ không được giải ngũ kỳ này nên bất mãn hả?

Việt Cộng tổng tấn công xuân Mậu thân, đúng ba mươi rạng ngày mùng một tết âm lịch. Ngay sau đó Bộ Tổng tham mưu ra lệnh đình chỉ lệnh cho giải ngũ, sĩ quan hạ sĩ quan và binh sĩ đều ở lại quân ngũ. Đại úy tưởng Đỗ bất mãn bị lưu ngũ, và không biết rằng mới được đồng hoá. Song đại úy vẫn không thể quên bản mặt đáng ghét đêm nào. Đỗ trả lời:

– Không.

– Tôi chưa gặp trường hợp nào như thế này. Thâm niên cấp bậc hai năm thì khai để lên lon, thêm tiền lại sớm thăng chức quan quản, lên lương cho vợ con nhờ. Anh có đông con không?

Đỗ trả lời bằng cái gật đầu.

Đại úy thương xót trung sĩ, tỏ ra mình thân cận với cấp trên:

– Anh không biết đó thôi, đại tá thuộc gia đình vọng tộc, thân sinh Tổng đốc; ông nghiêm khắc, nhưng tâm phật, thương lính tráng như con, cháu; chẳng nỡ hại ai bao giờ? Anh không biết câu trả lời vừa rồi làm hại anh đó!

Không nói ra, anh biết đại tá không phải con trai Tổng đốc Võ Chuẩn, chỉ gọi tổng đốc là bác ruột thôi. Nữ văn sĩ Linh Bảo mới đúng con gái Võ Chuẩn. Vị đại úy nói tiếp:

– Anh không biết rằng, câu nói chạm nọc ổng. Tuy công tử thật, không bằng bối, đi lính Tây đóng vai thầy đội như anh, rồi được quan Tây thương, đề bạt theo học khóa 4 Trường Võ bị Đà Lạt. Ổng là xếp cũ Tư lệnh không quân đấy.

– Có phải ổng là chỉ huy trưởng Phi đoàn quan sát 110, còn tư lệnh lúc ấy là phó?

– Thế sao anh nói mới vào lính?

Khi Tổng hành dinh, đại úy trao đổi với chuẩn úy Trâm, giao anh lại cho họ, vẫy tay thân thiện bai bai.

Đỗ ngồi đây để nhận lệnh mới, có thể bị nhốt giam tại trại giam khu vực Tân sơn nhất thuộc Không đoàn 33; hoặc xa hơn được gửi sang trại giam Tổng tham mưu, có lần thượng sĩ Cường bị nằm ở đây mười lăm ngày. Cường viết báo chuyên trách mục châm biếm trên tuần báo Con Ong chủ nhiệm Minh Vồ. Một buổi sáng ở Câu lạc bộ Bộ Tư lệnh, có hai vị mang sao, một đại tá ngồi trong bàn ăn dãy dành cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Tư lệnh nói lớn với hai vị bên cạnh:

– Ê mầy Bôn Lành có sước danh mới, sao chưa nấu nồi chè khao mầy?

Tư lệnh phó thưa lại:

– Thưa Tư lệnh tui có tên mới hồi nào cà?

– Làm bộ giả nai mầy? Mầy không đọc báo Con Ong sáng nay sao?

– Dạ chưa, thưa Tư lệnh.

– Thiệt sao mầy?

– Thiệt đó Tư lệnh.

-Mầy tên Võ Xuân Lành, phải dzậy không? Nhà báo Dê Húc Càn đoi tên cho mầy có sước danh Bôn Lành, cấm nói lái ạ! Như em ơi, tên em mỹ miều quá ha, Thu Đạm, cũng không được nói lái ạ nghe.

Tư lệnh phó chậm hiểu, Tư lệnh lại bồi thêm:

– Thu Đạm nói lái là tham đụ, còn Bôn Lành thì mầy tự hiểu lấy.

Rồi bật cười khà khà, cười lớn đến nỗi rung mép, hàm ria rậm tua tủa như bàn chông rung theo. Tham mưu trưởng hiểu nhanh hơn, mặt tái đi; vì biết thượng sĩ Cường thuộc khối CTCT viết báo châm chọc Tư lệnh phó như thế này, thì xếp trực tiếp chỉ còn cách độn thổ. Nháy mắt gọi nhà hàng như ghi tiền vào sổ bụi đời, rồi xin phép hai xếp lớn về văn phòng trước. Ông tới nơi làm việc hùng hục, ngồi vào bàn bấm chuông gọi đại úy Khải, xếp trực tiếp thượng sĩ Cường lên nhận lệnh.

Ít tiếng đồng hồ sau, bị đưa sang Trại giam Tổng tham mưu, cùng giấy phạt mười lăm ngày trọng cấm. Đỗ nghĩ tới câu trả lời vừa rồi khiến đại tá bực bội, mặt nóng bừng, hẳn mười lăm ngày cũng không là chuyện lạ. Bỗng có người vỗ vai, quay lại gặp trung tá Ẩn:

– Ê, sao mày bị giam hả?

Đỗ gật đầu thay lời. Vì thường ra, cặp trung tá trung sĩ này, đi với nhau mặc quân phục hẳn hoi, xưng hô tao mày bình đẳng, kể cả trung sĩ xưng hô tao mầy với trung tá. Trung tá tiếp:

– Tao mới được báo mày bị giữ ở đây. Tao trình Tư lệnh, ổng bảo xuống lãnh mày về hồi sau phân giải. Ra lệnh cho chuẩn úy Trâm, với lời ngắn, gọn: “tao lãnh nó nghe mầy”. Hai tên lại xuống Câu lạc bộ, ngồi vào bàn gọi cà phê, Ẩn hỏi:

– Mày nói gì để ổng lên cơn?

Đỗ kể lại đầu đuôi xong, Ẩn bình:

– Mày chọc vào ổ rắn lửa chết chắc rồi. Hổng biết ai báo với Tư lệnh rồi ổng gọi tao lên biểu: “… Ê bạn mày lâm nạn rồi, xuống Tổng hành dinh lãnh rồi báo cáo tao nghe mầy”. Mầy có nhớ khi tập truyện ngắn Chết non của ổng chưa xuất bản, thì Dê Húc Càn nhận lệnh xếp Khải cầm bản thảo về đọc, viết phê bình văn chương kiểu nâng bi tướng đái, khen không kịp thở trên báo nhà Lý Tưởng. Tác giả đọc xong, đỏ mặt như gái sắp lên giường chung gối với tân lang, lắc đầu quầy quậy; thế là xếp Khải lẫn lính lác mất điểm. Tao thấy ổng còn tư cách, chứ xếp lớn làm văn chương thì dở khen hay, khá hay thì được bốc tuyệt vời, chẳng hạn vậy.

Đỗ kể đầu đuôi câu chuyện cho Ẩn nghe, về Khối làm việc; xếp Khải gọi lên buộc trình bầy nguyên cớ nào xếp lớn ra lệnh nhốt?

– Ông nhớ giải trình với Sao nhé, còn phía đại tá tôi sẽ lo xong, mà xong ngay thôi. Nhưng tôi hỏi thật, ông không biết xưa ổng là trung sĩ như ông bây giờ, sau được đề bạt đi học sĩ quan, và ông không cố ý nói móc xếp, có phải vậy không?

Đỗ gật đầu cầm nón kết ra khỏi phòng thì xếp Khải gọi giật lại:

– À này ông Đỗ, với mấy cậu lính văn nghệ thì điểm danh phiên phiến thôi, đại tá cũng chỉ thị vậy rồi.

Đỗ gật đầu tuân lệnh, giơ tay chào kính, về nhà trong khu gia binh. Vừa ra khỏi cổng Bộ Tư lệnh thì như có tiếng ai gọi phía sau. Ẩn hỏi:

– Nhà mầy còn gạo không?

– Còn.

– Cho tao vài lon, nhà tao hết gạo rồi mậy.

Trung tá phi công từng rớt máy bay khu trục nhiều lần, từng giữ chức Chỉ huy trưởng Căn cứ 92, một vơ sáu con lóc nhóc, đang tuổi lớn, ăn như tằm ăn rỗi; nhà ở khu gia binh sĩ quan, vợ trông nhà nuôi con. Và phu quân tuy giữ chức trưởng phòng hành quân chiến cuộc có tiếng không miếng, viết báo Lý Tưởng chẳng được đồng xu, bạc cắc. Nó thường than với Đỗ có cách gì kiếm tiền lương thiện, chứ không thể buôn thuốc phiện, buôn vàng từ Lào về như bạn bè có đứa đã giầu sụ. Nó coi Đỗ cố vấn văn chương, đọc thơ, và truyện của nó; liệu có thể đưa ra báo ngoài đăng kiếm tiền đong gạo không? Và cả việc đem bán tác phẩm cho nhà xuất bản bên ngoài in, như Đỗ từng giới thiệu Chết non với NXB Vàng Son in lại, được trả bản quyền một trăm ngàn in một ngàn cuốn. Ẩn nhắc lại giai thoại tác giả được trả bằng chi phiếu, đai tá chánh văn phòng xin ý kiến ra ngân hàng lãnh; thì ổng lắc đầu, bắt lộng dưới kiếng bàn cho biết túng tiền mấy cứ để đó ngắm chơi. Đỗ ngồi bên trái xe díp, Ẩn lái sang toà báo quân đội Tiền Tuyến đưa bài in. Chủ bút Phan Lạc Phúc nghe thấy họ xưng hô trò chuyện mày, tao thật ngạc nhiên; bởi cả hai mặc quân phục, đeo lon lá đàng hoàng. Sĩ quan xưng hô với hạ sĩ quan mầy, tao đâu có gì lạ – nhưng hạ sĩ quan gọi trung tá mầy, tao thì chẳng lẽ chúng nó đều cá mè một lứa cả. Cò lần Phúc hỏi Ẩn “thế ra hai ông xưa kia bạn học với nhau, phải không?”/-Không, Ẩn đáp/ – Vậy thì cách xưng hô của hai vị làm tôi bỡ ngỡ lạ thường!

Từ đó Ẩn có thêm tiền bài, sau còn in được tập truyện ngắn Bay trong hoàng hôn tiếp Đào ngũ… Có lần Đỗ nói đùa:

– “Ê mày, viết cho trúng hỏi ngã, mày là dân Sóc Trăng thường lẫn lộn hỏi ngã- nên tác phẩm “Đào ngũ” của mày trở thành: “đào ngũ rồi kiếm đào ngủ đấy”. Đỗ kể cho bạn nghe thêm vài chuyện nữa, một nữ đồng nghiệp thấy bạn mình xuống ca, vẫn cứ nán lại nói chuyện chưa chịu về nhà. Cô ta nhắc bạn: “Về đi còn đi chợ nấu cơm cho chồng con ăn chứ”. Người khách nói chuyện với cô bạn tiếp lời: “-Cô nói “nấu cơm cho chồng con ăn”, thì đúng là chồng của cô mà con cũng là con của cô. Chứ nói ”…nấu cơm cho “con chồng” thì nhất định đứa con này không phải là con của cô và chồng cô – mà là con riêng của chồng đấy.” Cả ba cùng cười thoải mái.

Xúc gạo cho bạn rồi, Đỗ thấy hoàn cảnh sống của vợ chồng anh ít lâu nay có khá hơn. Xưa có lần, nhà hết tiền mua sữa cho con bú, anh lặn lội chạy đôn đáo đến nhà bè bạn xoay sở. Lúc cầm được năm trăm đồng từ tay Tuấn Kiệt, anh mừng tủi rồi nhớ thấm thía nỗi cay đắng chạy gạo của Nguyễn Hoàng Quân. Anh còn nhớ bài thơ đăng trên báo Tia Sáng Đặc San trước năm tư ở Hà Nội. Anh nhẩm đọc một mình:

 

Chân đã mỏi rời lê mấy phố

Bạn bè tình nghĩa có bao nhiêu?

Em tôi mắt nhỏ bên song cửa

Trông đợi tiền đong bữa gạo chiều

 

Bụng lép ra đi từ sáng sớm

Mấy thằng bạn kiết rủ chơi rong

Chè tầu thuốc lá “la cà sĩ”

Bấm bụng cho qua phút đói lòng

 

Thiên hạ có đi thì có lại

Kiếp nghèo tình nghĩa cũng bằng không

Bao giờ bẻ bút xoay nghề khác

Em khỏi bên thềm đứng ngóng trông

 

Trở về cát bụi đầy hai túi

Em bảo: : “Chiều nay hết gạo rồi”

Chớp chớp hàng mi tôi nói nhỏ

Kinh thành đen bạc lắm em ơi!

 

Thăm thẳm trời xanh như mắt em

Thơ tôi vàng úa mộng im lìm

Thơ vàng mắt thắm không ra gạo

Gạo hết em ơi vũ trụ chìm.

N.H.Q.

Đỗ nhủ thầm, phải trải qua cơn đói rồi đọc thơ Bữa cơm chiều mới thấm thía. Nhà Ẩn hết gạo, sáu cái tàu há mồm cùng kêu la đói quá thì “Ẩn ơi thơ mày có hay mấy, thì vũ trụ cũng chìm” như lời thơ Nguyễn Hoàng Quân thôi, chẳng khác hơn được đâu? Còn tao, con khát sữa còn khổ gấp bội, phải chạy rạc cẳng kiếm ra tiền mua sữa; không có không thể về nhà được. Nên sau này gặp thằng Kiet ở đâu, tao vẫn không thể quên tờ giấy bạc năm trăm đồng bữa nào. Và khi thấy nó đói rách không cần nói thành lời, tao cũng chia xẻ ngay đồng tiền với nó. Cũng không thể quên lần nó giới thiệu Du Tử Lê với tao, cung tập thơ đầu tay cần được viết tựa; thì tao không thể không cầm, cầm về rồi không thể không đọc, và thơ bạn trẻ ấy hợp với khẩu vị thưởng thức của tao, tất nhiên tao không thể chối từ. Vì lý do đó mày thấy trên đầu tập thơ ấy có hai câu thơ của tao thừa nhận tài năng thi ca chàng Du Tử.

Về đến nhà, Khuê nhắc chồng về nước uống không còn một giọt chảy. Nhìn mấy robinets khô ran, Đỗ cầm hai xô không chạy sang nhà Ẩn, rồi nói như đùa:

– Nhà mày có nước không? Có, thì cho tao hai xô tràn đầy lòng yêu nước. Mày nhớ rằng không cần phải kích động lòng yêu nước của lính tráng thuộc quyền như tướng huấn dụ sĩ quan, binh sĩ, nữ quân nhân ở sân cờ. Mày có biết tại sao lại như vậy không? Bởi Sài Gòn mùa hè hừng hực nóng, ít ra đòi hỏi mỗi chúng ta, từ tướng đến binh nhì có “ít nhất hai lần cần yêu nước trong ngày. Có phải vậy không?”

Đỗ nhìn qua bên kia hàng rào, dãy barrack dành riêng cho cố vấn Mỹ, nay vắng như chùa Bà Đanh. Họ đã cuốn cờ sao sọc ở sân bay Tân sơn nhất về nước từ 1973. Nhìn nhà cửa không người ở mới cảm được sự lạnh tanh, không còn sinh khí sự sống. Cho đến khi anh nhìn thấy sự sống khác đang từ những robinets khoá ri rỉ dòng nước, sức sống nơi đây vẫn tồn tại. Trong óc nảy ra ý thử sang bên đó xem và có thể chỉ cần mở khoá dẫn nước về là có lòng yêu nước tràn trề. Quả đúng như ý nghĩ của anh, mở con tán ra nước ào chảy, rồi khoá lại về nhà tìm ống nhựa “chiến lợi phẩm” của Mỹ bỏ lại dùng vào việc dẫn nước về dùng. Anh không có kinh nghiệm của thợ ống nước, nối đầu mỗi ống với nhau thì nước chảy tràn lan. Anh đào hai hố lớn thật sâu đủ chôn hai thùng phi nối nhau chứa nước dẫn đến vườn nhà khi nào đầy thì khoá lại ở phía dãy barrack của Mỹ. Một lần khi vừa khoá xong leo rào về đến vườn nhà, thì bên dãy barrack có tiếng gọi anh. Quay lại nhìn thấy một đại úy cùng một quân cảnh đeo Colt 45 xệ ngang hông vẫy gọi, hỏi tên một cách xách mé:

– Có phải là trung sĩ Tường thì trả lời?

– Đúng, có việc gì, nói?

Giọng anh sấc không kém viên đại úy. Bây giờ đã đến gần nhau, anh nhìn rõ bảng tên P. THAI và quân cảnh tên HỔ. Thượng sĩ quân cảnh mang tên Hổ, đã nổi danh trong Không quân hắc ám, sĩ quan ra cổng không giấy xuất trại còn ngán ngẩm, huống hồ hạ sĩ quan, binh sĩ. Đại uý Thái còn trẻ, tốt nghiệp Võ bị Thủ Đức được chuyển về làm Phòng kiến tạo Sư đoàn 5 KQ. Thấy viên hạ sĩ quan cởi trần, tướng tá đô con, ăn nói ngang ngửa, đại úy hỏi như hỏi khẩu cung:

– Ê, từ lâu dãy barrack này mất rất nhiều đồ, nay mới bắt gặp lính tráng trèo rào sang bẻ khoá lấy nước; thì sao lại không thể không dính líu vào vụ trộm cắp đồ trong barrack sĩ quan Mỹ nhỉ?

– Không thể vu cáo láo lếu như vậy được, một khi chưa có preuve palpable.

– À thằng này lại nói tiếng Tây, lý sự cùn, ông cho ra Toà án mặt trận cho biết mặt.

Biết không thể đấu lý, anh trả lời gióng một:

– Cứ làm theo ý thích!

Rồi lừng lững vào nhà, đóng chốt cửa sau lại, ra phía phòng trước, Vợ đi làm chưa về, các con đi học cũng chưa về – nhà chỉ một mình cảm thấy rờn rợn, sợ hãi. Nhìn khẩu Carbin mới lãnh được treo trên tường, lấy xuống đặt bên cạnh sa lông. Rút điếu thuốc lá trong bao Chesterfield, bật quẹt châm lửa, gác chân lên thành ghế nhìn khói thuốc bay lên trần. Cần suy nghĩ thì đó là thói quen khó bỏ, lại nghe thấy ai léo nhéo giọng quen quen, hóa ra biết số nhà rồi, ghi lại, mai đầu giờ mời lên làm việc – tiếng đại úy Thái chỉ thị cho thượng sĩ quân cảnh. Anh vẫn ngồi, án binh bất động, và nghĩ rằng việc chưa đến nỗi nào, dầu hung hăng mấy cũng không dám phá cửa vào. Nhưng anh vẫn đề phòng, với lấy khẩu Carbin lên đạn, đặt vào chỗ cũ, nghe thấy tiếng léo nhéo càng lúc càng xa.

– Thế là tìm được thủ phạm rồi, trình lên trung tá Sơn Yểm cứ cho nó đi tù là vừa!

*

Nhớ lại buổi sáng uống cà phê, Ẩn kể chuyện trung tá Sơn, chỉ huy trưởng Liên đoàn Yểm cứ báo cáo Tư lệnh sư đoàn 5 KQ, đã bắt được thủ phạm ăn cắp trang bị nội thất, giường sắt, nệm, bàn sắt, ghế quay.. ở những barrack của Mỹ bên hông sân trực thăng là trung sĩ Tường, báo Lý Tưởng, nhà số 5 dãy 3989 khu gia binh Phi Long. Chánh văn phòng, thiếu tá Chấn cười ồ bảo Sơn tin này hoàn toàn phịa, tướng Tiên đọc báo cáo xong, phê:

“… Dẹp, ông ấy trèo tường sang mở “robinet” lấy nước mà thôi, còn đồ dùng thất thoát trong khu “barrack” Mỹ thì các ông lấy rồi đổ tội cho nhà báo sao? Dẹp”. Lại còn hý hửng kể thêm chuyện mới vừa biết đươc:

– Này mày có biết lái xe không?

Lái xe gì mới được chứ?

– Lái xe díp chứ xe gì mậy?

– Rất tiếc tao cóc biết lái; ngoại trừ xe gắn máy.

– Biết, tại sao không? Bởi lẽ tướng muốn can thiệp đưa nữ đại úy bạn cũ của mày ở Quân khu I về BTL làm trưởng phòng xã hội thay đại úy Tâm.

Phải rồi, Đỗ nhớ ra cô Tâm là bạn của Mỵ từ ngày còn học nữ trợ tá xã hội ở Tú Xương. Khi ấy cô Tâm có một anh bồ (nay là chồng), chẳng có công ăn việc làm chắc chắn, nay đóng vai ông nội trợ cho nữ đại úy coi sóc nhà cửa, con cái cho cô chủ đi làm. Nữ đại úy Tâm ở cùng khu gia binh không quân, đôi khi Đỗ gặp anh ta lái xe díp cho phu nhân dạo chơi. Mỗi lần Tâm gặp Đỗ, chỉ mỉm cười, để nhớ lại một thời xa xưa. Chẳng hạn Tâm đã lập gia đình với người mình yêu; còn Mỵ thì ngược lại. Nên Tâm đùa cợt khi gặp trung sĩ Tường thùng thình trong bộ quân phục treilli bốn túi không sửa, lon lá chỉnh tề “…
chúng em mời anh sang nhà chơi vào thứ bẩy này, Mỵ nó sắp từ Đà Nẵng vào đó”.
 Đỗ không hỏi lý do nào nữ đại úy Tâm xin thuyên chuyển đến đơn vị khác, trưởng phòng xã hội có nhà quân đội cấp, công việc làm thoải mái trong đơn vị nổi tiếng hào hoa, bay bướm.

– Mày có cảm thấy vui không? Ẩn hỏi. Đỗ điểm nụ cười hài hước.

– Vui quá đi chứ!

Vì khi nữ thiếu tá Mỵ Nhân về đây thì hồn thơ và người thơ thường gặp nhau hàng ngày- Ẩn tiếp theo nụ cười hài hước lần hai, rồi kể tiếp với giọng nói oang oang:

– Sáng nay ổng ới tao đi ăn sáng, Tư lệnh hỏi tao có phải Mỵ Nhân là người được nhà văn chúng ta viết trong tự sự kể không?

Đỗ không hiểu là Ẩn có rành sáu câu về Mỵ Nhân không, nhưng theo anh kể lại cho Tướng nghe tuy hai là một đó. Và tướng bảo một khi tân trưởng phòng về đây, sẽ đưa Đỗ về lái xe díp cho Mỵ Nhân, hy vọng có xếp mới này, thì Đỗ sẽ bớt ngang bướng hơn chăng? Khi Đỗ nghe xong, hiểu ngay rằng xếp lớn Không quân đã nhieu lần bình phẩm về một lính kiểng, giữ đúng tác phong: quân phong, quân kỷ; lại không giống binh lính khác. Ngay tư lệnh không quân cũng chẳng giống tướng nào khác. Rất nhiều văn nghệ tính; ngay chính với Đỗ đôi khi cũng bị hẫng trước việc xử sự hàng ngày. Có một lần Ẩn xuống chỗ làm việc của Đỗ rất sớm, chuyển lời tướng gọi Đỗ lên văn phòng tư lệnh. Quân cảnh gác trước phòng chẳng hỏi han khi anh vào phòng, họ biết Đỗ đến đây là được tướng mời, chỉ vào báo trước không sợ la rầy. Buổi ấy tướng mời Đỗ sang Câu lạc bộ Mây Bốn Phương Trời ăn sáng. Câu lạc bộ nằm trong khuôn viên Không đoàn 33, trước đây Lưu Kim Cương tư lệnh không đoàn mới tử trận qua chiến dịch Mậu Thân đợt hai, vào giữa năm 1968 ở Nghĩa trang Pháp. Khi tử trận, Cương mang cấp bậc đại tá, lúc chôn cất ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi vinh thăng chuẩn tướng. Buổi tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng rất đông văn nghệ sĩ từng giao du yêu mến luyến tiếc, như nhạc sĩ sáng tác bài Anh nằm xuống, tác giả Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Nhưng điều lạ nhất, tác giả ca khúc ấy hôm nay không có mặt. Buổi sinh thời, Trịnh Công Sơn giao du thân mật với Cương, được yêu mến giúp đỡ, nên có lần đã đề nghị với tư lệnh đưa Sơn vào lính Không quân tránh đi quân dịch, ẩn náu cơn phong ba binh đao. Nhưng tư lệnh trả lời Trịnh Công Sơn không thích hợp với quân chủng này. Và nếu nhận Sơn làm lính KQ giống nhiều ca nhạc sĩ khác như Duy Quang, Nguyễn Trung Cang, Trí khùng… thì chưa chắc Sơn làm được hoàn hảo. Buổi ấy có một nhà văn đùa cợt kể lại với bạn bè về cuộc đời hàn vi tướng Cương thuở thiếu thời. Ngày xưa, còn là học sinh ở Hà Nội trước năm 1954, chàng phi công đã từng làm lơ xe. Có một buổi, lái xe chính đậu xe chở hàng ở Bần Yên Nhân ăn cơm trưa, sau đó lái tiếp về Hải Phòng. Lái xe châm điếu thuốc lá phì phèo trên môi hút rồi chợp mắt ngủ lúc nào không hay, chỉ chờ cơ hội này, anh phụ lái Cương mới có cơ hội leo lên buồng lái cầm vô lăng luyện nghề; chẳng may xe đụng phải một người đi đường. Rồi bước vào vòng từ tội, diện bích trong bốn bức tường lao lý. Và Cương đã học chữ ở đấy cho đến khi ra tù, anh chạy được cấp một chứng chỉ trung học đệ nhất cấp đủ nộp vào hồ sơ tuyển phi công Việt Nam sang Marrakeck của Quân đội viễn chinh Pháp. Sau khi tốt nghiệp trở về nước mang lon phi công trung sĩ, dần dần leo lên chức chỉ huy trưởng Liên đoàn Thần Phong, bên cạnh bạn thân có sước danh Khoa Đen, trưởng phòng hành quân đem máy bay AD5 ra Vĩnh Linh dội bom. Cánh diều danh vọng của Cương càng ngày càng lên cao. Cương bay bổng rất nghề, nên có một lần tư lệnh Không đoàn 33 gặp một nhà văn mới được đồng hoá vào Không quân, thì Cương hỏi ngay bạn kia đã có lần nào nghe đến tên phi công tài danh số một Cương chưa nhỉ?” Nhà văn này, bạn học Khoa Đen và buổi ấy Khoa Đen được chứng kiến bạn cũ thưa lại như thế này. Đại để: “… Thưa tư lệnh Không đoàn, tôi cũng là dân học sinh Hà Nội, thật mà nói, quen với Ngài thì chưa, nghe đồn về danh Ngài từ thuở xa xưa thì có chút ít”. Tư lệnh không đoàn chưng mắt nhìn, hỏi tiếp: “Rồi sao nữa, hỡi nhà văn trung sĩ không quân, xin cứ cho được nghe tiếp”, Đỗ thủng thỉnh đáp: “…Chẳng hạn Ngài lái máy bay giỏi trên không trung, cũng như xưa kia lái xe ô tô trên đường số 5 Hà Nội – Hải Phòng và ngược lại. Ngài thuộc “virages” như nắm trong bàn tay, kể cả ổ gà, ổ trâu, cả khúc gập ghềnh, đoạn nào lồi, đoạn nào lõm; Ngài đều sử dụng tuyệt chiêu như hiệp sĩ thượng thừa. Về sau này Ngài lại nổi tiếng là tay “lady-killer” hoặc trả “cachet” hậu hĩnh đối với nghệ sĩ đàn ca được mời. Ngài mời ca sĩ thượng tầng như Thái Thanh, Lệ Thu… vào câu lạc bộ “Mây Bốn Phương Trời” đàn ca, thù lao được gửi lại trong phong thư. Chỉ một bài thôi, còn nhiều hơn lương lính không quân một vợ bốn con như tôi đây chẳng hạn. Ngài rất say đắm âm nhạc, dùng cả mot phi cơ “Cargo 123” bay sang Tokyo chỉ để mua ván ép chở về để đóng trần câu lạc bộ cho âm thanh vang dội ép phê hơn. Ngài rất kỷ luật trong việc cấm trại, cấm quân. Kể cả lính đến quan phi công, ai mắc phạm quân kỷ, Ngài đều xử công bằng…”

Khoa Đen cười vang nắc nẻ, khích thêm “vậy đâu là bằng cớ cơ chứ nhà văn?” Nhà văn trung sĩ tiếp tục: “… Như người ta kể lại cứ mỗi lần cấm trại, Ngài cùng bộ sậu tham mưu ra ngay cổng Phi Long chặn quân nhân xuất trại; đến nỗi ngay cả đại tá Lành, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Không quân lái chiếc Lambrettis “trâu già” cà tàng ra gần đến cổng Phi Long và nhìn thấy cảnh Ngài xua đuổi quân nhân vô lại trại, đại tá đành lái xe hai bánh về lại và lái xe díp ra – mà lòng vẫn chột dạ chưa chắc ăn, nhưng chắc là xuất trại được chứ mặt mũi nào đuổi ổng vào! Người kể lại câu chuyện này chính là trung tá bạn thân của ổng, trung tá Tiệp co bộ râu quai nón, thời đệ nhất cộng hoà từng đặc trách an ninh KQ. Có lần Ngài đem xe díp ra phố Lê Lợi, Tự Do… chặn bắt bất cứ quân nhân nào ở ngoài phố và hình như Ngài đã buộc một phi công cấp tá ở Biên Hoà lên ngồi sau xe Dodge 4 cùng với chiếc xe gắn máy Suzuki 12 về Tân sơn nhất chỉ vì không giấy xuất trại …”.

Khoa Đen tiếp tục khích, cười vang lấy làm thích thú rồi kể lại rằng:

– “… Thằng này từng là bạn thân của tôi, cả anh ruột tôi, khi tôi ở Hà Nội đang theo học Albert Sarraut. Chính ông trung sĩ này đi xe “cuốc” hiệu Follis nhìn thấy đoạn đường đào ngang mắc ống nước lại không thèm giắt qua, mà lấy trớn từ xa nhẩy qua cùng xe và qua ngon lanh. Tôi bảo nó rồi ra trên đường đời mày sẽ còn giữ được chất gan lì ấy …”.

Cương cũng cười vang theo Khoa Đen rồi quay sang nhà văn trung sĩ:

– “… thế ra ông biết về tôi cũng đáng nể lắm!” Sau này Cương qua đời, như lời nhạc tha thiết của Sơn là “bỏ bạn bè ở lại bỏ cuộc rong chơi đường đời nửa gánh”. Cương còn hỏi nhà văn trung sĩ có biết nhà báo Phan Nghị, và có đọc cuốn sách viết về Cương khi làm tư lệnh ở Vương quốc Cần Thơ không? Nhà báo Phan Nghị đề cao tài năng phi công tài danh Cương còn là một người yêu văn nghệ đầy mình, và chỉ có thể so sánh với một ông tướng quân khu tư hồi nào. Nhà văn này cười rồi đáp “… thì nhà báo kia đã được đền đap bằng những ngàn cuốn sách được Ngài đặt mua; ấy là chưa kể đến hậu đãi đền bù tiền tài như một Mạnh Thường Quân coi đồng tiền không lớn hơn Trung Hoa lục địa”.

Bỗng tư lệnh Không quân quay sang bảo trung sĩ Tường:

– Chung ta đi ăn sáng chứ ông!

Đỗ bận bộ quân phục treillis bốn túi, lon lá đàng hoàng, cái mũ calot xanh giắt ở lưng quần đi theo sau Tướng xuống bậc tam cấp Bộ tư lệnh. Chiếc xe díp của tư lệnh mang số … 13 cuối cùng, bên canh có cái xẻng, phía hàng ghế dàn hàng ngang; là đại tá phi công Chung, Tham mưu phó CTCT, xếp của Đỗ đang chờ. Đỗ giơ tay chào ông, và ông giơ tay chào lại, cả ba đi lại phía xe díp, Tư lệnh lên ngồi ghế lái chỉ tay sang ghe bên cạnh :

– Ông ngồi đó đi.

Trước cảnh khó xử này, xếp của anh ngồi băng ngang phía sau, với tư thế ngồi quay lưng lại; đây là cách bố trí ghế đặc biệt dành cho cận vệ hoặc quân cảnh ngồi cầm súng hộ tống tướng mỗi khi di chuyển, để canh chừng từ phía sau. Đỗ thưa với tướng:

– Thưa tướng, lẽ đời như là quan trên trông xuống và người ta trông vào, tôi xin phép được ngồi băng ngang phía sau.

Tướng cười đến nỗi đôi ria mép rung lên, giọng nói ồ ồ ra lệnh:

– Ông cứ ngồi, mặc nó.

Và chiếc xe díp bon bon chạy hướng về Câu lạc bộ vừa kể trên kia có trần đóng bằng ván ép ngoại nhập do đưa máy bay sang tận Nhật chở về buổi nào. Đỗ còn như nhớ rõ là khi tướng nói vậy, đại tá Chung nói với anh “xin ông cứ ngồi băng trên như tư lệnh chỉ thị”. Qua năm phút đến Câu lạc bộ, không ai nói với ai lời nào thêm, và Đỗ nghĩ đến chuyện, trung sĩ Đỗ không biết lái xe cho xếp mới, nếu là nữ thiếu tá Mỵ Nhân được chuyển về Bộ tư lệnh KQ. Giờ này đây người lái xe díp, tướng ba sao đang chở một trung sĩ nhất ngồi cạnh, và một đại tá phi công ngồi băng sau xe díp nhìn đường chạy lui.

*

Cuốn hồi ký chiến tranh của Phan Nhật giới thiệu trong bài viết: “… nhà văn đại úy pháo binh Dù Nguyên Vũ là “cố vấn văn chương”; rồi nêu tên Đỗ, nhà văn trung sĩ hiện đang phục vụ trong quân chủng Không quân chỉ để kiếm sống độ nhật- mà trước đó nhắc đến đời sống khổ cực kiếp làm văn như: Lê Văn Trương, nhà thơ Quách Thoại… Thời gian ấy, Đỗ thường gặp Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, hoạ sĩ Phan Ngọc Diên, và Điền Bích sửa bài morasse ở nhà in 55 Cao Thắng Sai Gòn 3. Bởi lẽ Nguyên Vũ chủ trương NXB Đại Ngã và in sách tại đây, cũng còn là nơi hò hẹn anh em văn chương nhậu nhẹt, tán dóc. Có khi Nguyên Vũ mời đi ăn uống ở quán đặc sản Quê Hương, sát nách nhà in mấy căn xúc tiến tái bản Nhà văn, Tác phẩm, Cuộc đời của Đỗ, và in thơ xuôi Những bài thơ xuôi Mai Trung Tĩnh. Không hiểu giữa đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc có chuyện gì xích mích với Văn Quang, nhà văn trung tá mới về thay Phạm Hậu, quản đốc đài Tiếng nói Quân đội. Văn Quang còn có nhiều tiểu thuyết được đưa lên phim như Chân trời tím chẳng hạn. Trong nhạc phim có một ca khúc rất hay của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được nhiều người biết tới. Và Nguyên Vũ thì đứng về phía Hoàng Vĩnh Lộc tấn công Văn Quang ngay cả trong một quảng cáo đăng trên tạp chí Thời Nay về cuốn Nhà văn, Tác phẩm, Cuộc đời sắp ra mắt bạn đọc. Có câu hạ thủ Văn Quang với lời châm chọc độc địa như “… Hay đọc “Nhà văn, Tác phẩm, Cuộc đời, để biết “người dạy Văn Quang viết văn” ra sao?” Tất nhiên trong cuốn sách ấy, Đỗ có viết về buổi mới vào nghề của nhà văn tập sự này. Khi cho đăng quảng cáo nhiều kỳ, chiếm cả nửa trang tạp chí, Nguyên Vũ không hề hỏi ý kiến Đỗ trước. Lẽ đương nhiên Văn Quang phải hiểu rằng đây là trò chơi châm chọc có Đỗ đóng góp ý kiến. Chẳng biết Văn Quang giận hờn Đỗ đến mức Đỗ không lui tới Đài Tiếng noi Quân đội, mặc dầu Đỗ còn một chương trình văn nghệ Tác giả, Tác phẩm mà trước kia Phạm Hậu dành cho Đỗ, Mai Trung Tĩnh và Mai Hồng Khương phụ trách. Và nay chỉ còn Mai Trung Tĩnh đứng mũi chịu sào. Đỗ đọc quảng cáo xong, đại để bảo Nguyên Vũ rằng không nên đăng như vậy. Bởi lẽ, Đỗ chưa từng tự nhận rằng ai riêng là một thầy văn chương của anh, và nếu có thì không chỉ một người nào đó và chẳng hề tự xưng làm thầy văn chương để dạy dỗ ai. Nên đôi lần gặp lại Văn Quang ở Đài Tiếng nói Quân đội, Đỗ chỉ nháy mắt chào và Đỗ cũng chẳng giải thích, bởi lẽ có cũng bằng thừa. Nhưng Đỗ vẫn nhớ tới thằng bạn lúc còn đeo lon trung úy, cà tịch cà tang trên xe Vespa cũ thuộc loại xe thổ tả; thì khi ấy nó nuôi cơm anh một thời gian dài. Đỗ thì viết bộ sách phê bình văn học Lược sử văn nghệ Việt Nam, nó thì xúc tiến cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Thùy Dương Trang”. Thời ấy nay đã lùi vào dĩ vãng. Bây giờ nổi tiếng rồi, thằng tác giả thật xấu trai kia có dáng người nhỏ thó, mắt lươn; lại có rất nhiều đào, lắm vợ. Nó đã từng cuỗm được em gái của Khánh Ly, rồi chung sống với Ngọc Anh già nhân ngãi non vợ chồng. Thằng này thiên phú bẩm sinh có tài cai trị phụ nữ đẹp, giá nó viết một cuốn sách chỉ nói về cách xử sự với đàn bà như thế nào, chắc là thành công hơn, sách bán chạy hơn so với tác phẩm văn chương. Nó có dáng vẻ oai nghi lẫm liệt, càng có giá hơn khi mặc quân phục, nào là lon lá xum xuê, tên tuổi hàng chữ lớn trên nắp túi trái, lại phì phèo thuốc lá ra cái vẻ, càng hơn khi ngậm ống píp phì phà mùi thơm thuốc 79 phả ra. Như Mai Trung Tĩnh nhận xét về nó: “Văn Quang quản đốc xử sự với thuộc cấp rất biết điều hay hơn Phạm Hậu” .

Đỗ nhớ có lần đang lội bộ trên đường Lê Thánh Tôn, đi tìm thằng bạn ở Hải quân, nghĩ rằng gặp nó chắc sẽ được đãi bữa cơm trưa ngon lành. Từ tối qua chưa có hạt cơm bỏ bụng, đi bộ rạc cẳng mệt đừ. Bỗng có tiếng nói nghe từ phía sau ra lệnh:

– Lên xe.

Hú vía, bởi thời kỳ đệ nhất Cộng hòa, anh đang bị lên án là nhà van in sách rô nê ô không xin cấp phép, và Hội nghị nhà văn Á Phi năm 1960; Cù Huy Cận, Thứ trưởng Văn hóa VNDCCH đọc bài diễn văn nhắc kịch sĩ Năm Châu và nhà văn Thế Phong bị đưa đi tẩy não ở Trung tâm cải huấn Vĩnh Long. Báo chí, đài phát thanh của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà phải cải chính rùm beng, bây giờ nghe lên xe, thì chỉ có mật vụ ra lệnh kiểu này. Thì hoá ra có một thằng to con, mắt đeo kính râm, đi Vespa; nhìn kỹ ra là Phạm Hậu.

– Mày không nhận ra tao sao? Ừ mà lâu quá rồi, từ khi tao là thiếu úy đến nay đã đại úy rồi. Đi ăn cơm trưa với tao nhé!

Đỗ gật đầu leo lên xe scooter, Phạm Hậu chở đến một quán ăn gần khu Hải quân. Phạm Hậu thết bữa cơm thật ngon lành, một phần vì Đỗ đói nữa. Nó thả anh xuống quán cà phê Kim Sơn đường Lê Lợi, rồi giúi ít tiền vào túi quần Đỗ. Đoán mẩm thế nào quận trưởng chẳng cho món tiền kha khá, bởi nó là bạn với Đỗ từ Hà Nội, thời kỳ tập viết văn, làm thơ đăng trên tuần báo Quê Hương, 53 Hàng Bông Thợ Ruộm xa xưa.

*

Đỗ lại không quên một buổi sáng khác đang ngồi trong Câu lạc bộ Không quân tán chuyện gẫu, dùng cả buổi sáng để ăn sáng– thì một phi công vận bộ combinaison đen, súng ngang hông lừng lững bước vào. Đó là hoa tiêu rủ nếu rảnh rang thì cùng bay lên Đà Lạt. Máy bay Cessna ở ngoài bãi đậu, sáng ăn sáng ở Tân Sơn Nhất, trưa ăn ở Đà Lạt và cơm tối Nha Trang. Và nếu cần ngày mai lại có mặt ở Sài Gòn. Nhẩm tính bỏ một buổi sáng thứ bẩy nghe Lab ở Staff Development Center (học Anh ngữ) Đỗ lên xin phép xếp Khải; hẳn cuộc rong chơi mang lại nhiều thi vị chứ không chơi. Đỗ nhớ từng có lần, anh và Voi bay trên chiếc Cessna từ Nha Trang lên Pleiku, về Đà Lạt và trở về Nha Trang vào chiều tối. Thấy Đỗ còn do dự, Voi bồi thêm:

– Đi đi ông, đi với tôi để có rung cảm mới làm thơ. À mà quan trọng hơn hết đến Nha Trang thăm Tần Vy luôn thể.

Cất cánh từ phi trường Nha Trang, Voi lái; còn Đỗ ngồi bên phải. Lượn một vòng lấy độ cao, bay trên tượng đá Mẹ Bồng Con, trực chỉ hướng bắc Pleiku, nơi Đỗ tưởng chừng phải đến như ở trên đã nói, chót dại ngông nghênh khai rằng chỉ muốn đeo lon trung sĩ muôn đời; nên bị đại tá Võ Dinh phát sự vụ văn thư lưu đày tới miền chướng khí. Voi vừa lái vừa kể chuyện:

– Hễ ông nhìn thấy núi Hàm Rồng là chúng ta đến phi trường Holloway. Và trưa nay ra phố tìm chàng làm thơ kiêm chủ hiệu bán thuốc Tây, còn là vị Hoàng đế có thể nối ngôi triều Nguyễn. Ông biết là ai không? Là Vĩnh Khuê, rất gần Vĩnh Thụy, tục danh Hoàng đế Bảo Đại ấy mà!

Đỗ cũng chỉ ầm ừ cho qua chuyện, rồi Voi lại nhắc đến một kỷ niệm khác trong chuyến bay chung Nha Trang – Đà Lạt – Nha Trang. Tối hôm ấy chàng phi công tán gẫu:

– Sáng mai tôi mời ông lên Đà Lạt ăn sáng ở Nhà hàng Mékong?

– Có nghĩa là sáng mai ông bay lên đó một mình rồi rủ tôi đi cùng chăng?

– Rất chính xác.

– Đồng ý thôi.

-Nhưng với một điều kiện là ông mặc quần áo vào rồi cùng tôi lên tư thất xếp Vĩnh.

Cũng la Vĩnh, cùng nhánh Vĩnh Thụy, vua Bảo Đại sau này – cũng có thể là vua chờ ngôi không chừng, đang là xếp của ba phi đoàn hành quân. Voi cho rằng, có nhà báo quân đội Bộ Tư lệnh hẳn xếp sẽ dễ dàng cho việc bay lên Đà Lạt; vì ở trên xứ hoa đào anh còn một người vợ nữa nuôi con chờ chồng. Voi vào trước, Đỗ đứng ngoài nghe xếp nói với thuộc cấp:

– Đ.M, tao cho chú mày đi, đừng nhân danh có nhà báo đi cùng làm đếch gì? Nhà báo Bộ Tư lệnh la cái con xê gì, với tao đếch có gì quan trọng!

Đỗ nghe đến đây cũng nực, Đỗ đi thẳng vào tự giới thiệu, rồi thưa với xếp:

– Thưa xếp, con c… của xếp đem ví với nhà báo của Bộ Tư lệnh là tôi đây, thực ra là đại úy đã rất ưu ái. Thế này nhé, trong cuộc chơi của đàn ông, nghề chơi cũng lắm công phu, Nguyễn Du từng chỉ ra cho con cháu biết, lâm trận mạc thì thằng cu con dễ bệnh lắm. Thế là đại úy phải lo ưu tiên chạy thuốc, có khi còn ưu tiên hơn cả bố thằng cu con đau ốm, có phải vậy không thưa xếp?

Nghe đến đây, xếp đang giương giương tự đắc về quyền uy của mình cũng phải bật cười, rồi nói với thuộc cấp:

– Chỉ một mình mày lái cho ông nhà báo này bay cùng thôi nhé. Không thêm một ai khác, nghe rõ?

– Năm trên năm.

Ông gí vào tay thuộc cấp tờ giấy bạc hai trăm đồng, vẽ hình vua Quang Trung có giá trị mua được một cái chổi lúa quét nhà; nhưng dặn mua đủ thứ, nào là poireau, xà lách, cải cresson, xu hào, khoai tây… toàn thứ rau đặc sản. Nhìn sang người bạn cầm tiền, cúi đầu vâng lệnh xếp ngoan ngoãn, lại rất vui khi được xếp cho phép như là ban ưu ái. Còn Đỗ, ngoài mặt không tỏ lộ; trong lòng đang chuẩn bị cho một ván xì phé, như chờ lật tẩy vị đại úy trong một bút ký viết về đại úy chỉ huy trưởng Liên đoàn tác chiến 62. Nhưng bề ngoài vẫn thơn thớt nói cười, quả lòng Đỗ khi ấy xấu xa hơn muôn vật, lời Kinh thánh chỉ ra ý nghĩ đối với xếp Vĩnh khi ấy.

Khi máy bay Cessna đáp xuống phi trường quân sự Cam Ly, xe díp của Trạm đưa họ về nhà hàng Mékong ăn sáng. Sau đó, chàng phi công về thăm vợ. Vào cà phê Tùng nghe nhạc, cuối cùng ra phi trường bay trực chỉ Nha Trang. Nhớ lại hai lính Không quân vào Chợ Mới Đà Lạt mua rau, hoa quả xong; thì Voi đưa ngón tay đếm những thứ rau mà xếp chỉ thị mua cho đủ. Voi bèn lè lưỡi, than: “…Chết cha rồi còn thiếu “poireau.” Đỗ biết giá cả loại rau này khá đắt và chàng phi công hỏi anh sao tiếng Việt lại không có tên để chỉ ra mà phải mượn tiếng Tây? Đỗ trả lời bạn, chẳng hạn cà phê là tiếng Pháp, vì Pháp đến đây đem cà phê sang theo, hoặc xà bông mình không có, họ mang theo savon, và ta gọi là xà bông hay xà phòng, còn rau poireau ta cũng không có nên mượn luôn. Đỗ bảo bạn:

– Này ông Voi ơi, một mình ông đi mua poireau thôi và đừng để tôi ở đây faire la poireau đấy nhé!

– Ông nói lảm nhảm cái gì tôi không hiểu?

– À không, tôi đùa kiểu chơi chữ một tí cho vui thôi, ông đi mua poireau còn tôi phải đợi, vì nghĩa bóng faire la poireau là đợi ấy mà!

– Sao ông sính chơi chữ thế, điều quan trọng là còn tiền không, cho đây mượn đỡ hai trăm nữa để mua cái thứ rau quỉ quái poireau quá mắc! Đại úy sai mà không làm tròn, không những bị nạo đã đành; mà lần sau xin đi bay cũng khó khăn lắm!

Đỗ đưa tiền cho bạn, và nói đùa là khỏi phải trả; bởi lẽ số tiền này sẽ được nhà báo báo Tiền Tuyến đăng bài trả nhuận bút gấp mười lần hơn là ít. Bạn anh cũng chưa thể đoán biết tậm địa xấu xa hơn muôn vật của anh định lam gì nữa. Về đến Sài Gòn chỉ hai hôm sau, trên nhật báo quân đội Tiền Tuyến có bài bút ký kéo dài tám cột trang hai: Nha Trang dưới mắt tôi… ký tên Đường Bá Bổn, có một đoạn nói về hoa tiêu xếp Vĩnh sai phái một phi công lái Cessna bay lên Đà Lạt chỉ để mua rau mà chi tiền ít hơn các thứ rau phải mua cho xếp. Chỉ là một đoạn nhỏ trong bài bút ký, nhưng tâm địa đểu cáng xỏ lá của phóng viên, ở chỗ không nói ra việc Voi xin bay; mà nhấn mạnh về lệnh xếp buộc một phi công với một Cessna bay lên Đà Lạt chỉ để mua rau tươi cho phu nhân đại úy xếp. Thêm vào đó, trung tá chủ bút báo quân đội không những không gạch một chữ, lại làm “tít” tám cột đập vào mắt độc giả. Hạ sĩ quan báo chí Thanh Chương dùng trọn buổi sáng đọc các báo, gạch xanh, gạch đỏ, cắt dán cho vào hồ sơ trình Tư lệnh Không quân. Bài báo troang tập được trả về, có bút phê:

– Cái gì đây? Tham mưu trưởng trình.

Như vậy có nghĩa là đại tá Lành phải tái trình sự việc này cho rõ.

Sau này Đào Vũ Anh Hùng cho biết, đáng lý hoa tiêu xếp Vĩnh sửa soạn lên đường du học Mỹ lại bị hoãn; rồi Liên đoàn trưởng tác chiến bị thuyên chuyển lên Pleiku nhận chức chỉ huy trưởng một phi đoàn trực thăng – cũng chỉ vì trước đó coi thằng nhà báo kia như thằng cu con của ổng. Tâm địa đểu giả ngòi bút Đỗ giết người thượng sách bằng chữ viết, như Tử Lộ đệ tử chất vấn Khổng Tử khi xưa. Với Đỗ thì đó là cách trả thù dung tục, vô tình làm hại sự nghiệp võ biền xếp Liên đoàn trưởng tác chiến. Về sau này, Đỗ ân hận mãi khi gặp lại nhau, lúc này hoa tiêu xếp Vĩnh đã là chỉ huy trưởng Không đoàn tác chiến Pleiku. Và chính xếp Vĩnh lại lái trực thăng đưa Đỗ từ Nha Trang về Sài Gòn. Và Đỗ vơ vẩn nghĩ, khi máy bay bay qua khu rừng rậm rạp, thì: “… hãy đẩy thằng nhà báo tồi tệ kia xuống đất, thì cũng là đáng đời nó…”

Hoa tiêu Voi quay sang nói với Đỗ:

– Ông lại nghĩ đến chuyện xưa phải không? Chuyện về xếp Vĩnh ấy mà!

– Sao ông đoán như thần vậy!

Trời bắt đầu mưa, đang bay trên vùng trời thấp trần đầy mây, máy bay không đèn đóm. Voi bảo Đỗ giở bản đồ ra xem liệu có bay chệch hướng lạc sang ranh giới Campuchia chưa? Chỉ cần bay chệch sang địa phận nước bạn, máy bay sẽ bị bắn hạ. Đó là thời vua Shianouk trị vì, Ngài rất ghét Việt Nam. Hoa tiêu chỉ cho Đỗ biết hàng dọc mầu đỏ ngoằn ngoèo là ranh giới hai nước, phải bay sát về bên trái ranh giới là đất nhà. Hai lính không quân đáp xuống phi trường Cam Ly an toàn, Voi về thăm ca sĩ vợ; còn Đỗ về thăm gia đình bên ngoại. Họ hẹn nhau đúng 15 giờ gặp nhau tại nhà hàng Mékong và sau đó bay về lại Nha Trang.

Ở Nha Trang hồi ấy thì tối tối hẹn gặp nhau ở quán Cà phê Trang. Nơi đây cô chủ tươi tắn, ăn nói có duyên như mật ngọt. Và nơi đây cũng có nhiều sĩ quan đủ loại quân binh chủng đến uống cà phê là phụ và chính là tán tỉnh cô chủ. Bước vào cửa gặp ngay chàng phi công Thần Hổ còn sót lại trong số 13 chàng cùng khoá đã gãy cánh đại bàng. Người phi công hiển hách đầu tiên của 13 chàng Thần Hổ là phi công Huỳnh Hữu Bạc gập cánh sắt đầu tiên, nên Câu lạc bộ sĩ quan Không quân được mang tên CLB Huỳnh Hữu Bạc ngay ở cổng Phi Hùng. Kẻ sống sót cuối cùng của khóa, nay chỉ còn độc nhất Trương Đăng Lượng khiêm nhường đeo lon hoa tiêu đại úy. Còn đàn em của hoa tiêu Lượng có đứa nay mang lon đại tá lại là tư lệnh Không đoàn. Tính ngang ngược của Lượng thuộc vào loại thượng thừa. Gặp Đo, Lượng oang oang kể:

– Mày biết sao không? Chiều nay tao đang ngồi trên terrasse cư xá sĩ quan, ngay lối vào cổng phi trường Nha Trang, mày có nhớ là lòng đường thấp hơn dãy cư xá. Xe díp thằng Tư lệnh không đoàn do chính thằng lùn lái lấy, nghếch mắt nhìn lên terrasse thấy tao, nó nói vọng lên nhắn tối nay có mặt tại nhà ổng xoa mạt chược vì tướng Râu Kẽm mới ra. Tao đang nằm trên ghế xích đu đọc báo, hai tay ôm tờ báo không thể rời bỏ. Mày biết sao không? Tao lấy chân ngoắc ngoắc có ý trả lời ổng rằng tao và thằng Cử sẽ đến đúng hẹn. Khi tao thấy xếp lái xe đi rồi, dáng dấp như không hài lòng, thì tao chợt nhớ ra “thôi chết rồi, ổng giận thì bỏ mẹ…” Tao hối hận là sao không bỏ tờ báo ra mà lại lấy chân ngoắc ngoắc thay cho tay vẫy ra hiệu đồng ý. Quay sang Đỗ, Lượng hỏi:

– Theo mày, có sao không?

Đỗ bèn hù:

– Thế là mày đi vào cửa tử, bởi vì mày khinh xếp thì xếp nào có để cho mày yên? Trên đời này tao chưa thấy ai lấy chân “dua” xếp bao giờ. Theo tao, mày cứ lên xin lỗi ổng trước đi là hay nhất. Khi xin lỗi thì không được tỏ ra có thái độ xấc sược, ngạo mạn – như hồi mày kể cho tao nghe, rằng xếp gọi lên thăm dò thâm niên quân vụ ra sao? Thì mày chả thưa với tư lệnh Khong quân rằng, đại để thưa tướng không bao giờ xoá nổi trong trí nhớ hình ảnh thằng đại úy, bây giờ là đại tá xếp lớn; còn người nho thó, lùn, bị mụ vợ cầm chổi chà rượt đuổi xung quanh nhà vui đáo để!. Cái nhà mà Cương ở đó. Ổng nghe tới đây bèn xài xể như sao dám gọi xếp Không đoàn là thằng? Thì mày lại bô bô nó có là đại tướng, thì nó vẫn la đàn em khoá sau tôi và chỉ giỏi nước chạy đua thoát khỏi vợ cầm chổi chà đuổi mà thôi. Mày còn nhớ không Lượng?

– Nhớ, Lượng gật đầu trả lời. Lần này thì tao không dám làm vậy nữa đâu? Tao chắc xếp hận tao dữ lắm!

Đỗ bèn bồi thêm:

– Có câu ngạn ngữ này mày cần nhớ: thương nhau như thể tay chân. Mày phải nhấn mạnh rằng tay cũng như chân như tình anh em ruột thịt. Thiên hạ chào nhau bằng tay là thói quen thường thấy, nhưng chân thì cũng như tay mà thôi, song chưa thường gặp mà thôi. Khi hai tay bận cầm tờ báo, lại ở trong tư thế ngồi trên terrasse nên đành phải dùng chân thay tay mà thôi. Tuyệt nhiên không có một ẩn ý gì ngoài sự biểu hiện tình quý mến thượng cấp có hơi chút khác thường mà thôi.

Thật tình Đỗ chỉ nghĩ nói đùa cho vui, không ngờ khi Lượng lên gặp xếp tư lệnh Không đoàn 62 lại nói đúng như vậy thật. Lượng kể lại sau lần gặp lại Đỗ là sau lần ấy Trương Đang Lượng và Nguyễn Văn Cử đều bị thuyên chuyển lên Căn cứ 92 tận chân trời xa lắc Pleiku. Có lần Toà đại sứ Pháp ở đây điều đình với Không quân cho Trương Đăng Lượng sang Do Thái làm huấn luyện viên máy bay Mirage; nhưng anh không đi. Ở lại với quê hương, vợ con, bầu bạn, chiến hữu không đoàn. Nhưng thật là trớ trêu sau anh lại bị thuyên chuyển ra Không đoàn 41 ở Đà Nẵng và lại càng không được yên thân, phải nhậm đơn vị mới trên đỉnh núi Sơn Trà. Anh đem theo cả gia đình vợ con ra ngoài ấy. Rồi trong một chuyến bay của hãng Air Vietnam từ Đà Nẵng về Sài Gòn, vợ con anh đã giã từ chồng lần cuối, máy bay lâm nạn rớt dọc đường. Lần Đỗ gặp bạn đạp xe đạp trên đường Hai Bà Trưng, người đờ đẫn, mắt lờ đờ, nhìn vào xa xăm- khiến Đỗ nhớ lại hình ảnh đêm nào ở quán cà phê Trang sống động trong trí nhớ, với cả câu nói đùa của cô chủ quán hỏi Lượng: “… Nào anh quà tặng của em đâu ?” Thì câu trả lời thay Lượng của Đỗ: “… Quà tặng ấy à? Của anh, em giấu mất rồi..” Thế mà giờ này đây phi công tài hoa lại bạc mệnh kia nay lại đầy bất hạnh biết yêu đời mình, gia đình, không gian huy hiệu quân chủng từng được diễn nôm Tổ-Quốc-Không-Gì-Ăn đang chao đảo giữa giòng đời nhộn nhạo. Đỗ lên tiếng gọi, anh cứ đạp xe đi không muốn quay lại nhìn xem ai gọi mình.

*

Đỗ lại quay lại với khúc phim quá khứ ở Đà Lạt của bản thân, câu chuyện thầm kín mà anh giấu hết mọi người, kể cả vợ con anh, bạn bè thân như Trương Đăng Lượng hay bay chung lên Đà Lạt là Voi chẳng hạn. Cũng hề hay biết. Cứ mỗi lần bay chung nhau lên Đà Lạt thì một mình Đỗ lại tìm mọi cách đến đó ngủ qua đêm ở một kiosque M.P.; nằm trên triền đồi con đường đầy hoa anh đào vào mùa xuân, đường đi lên, đi xuống dốc chợ, nơi đó mở đầu cho anh một đêm dài chăn gối đầy nhục cảm. Đỗ bước vào quan như khách bộ hành phiêu lãng, mặc dầu ngoài trời lạnh đậm, anh chỉ mặc một áo jacket không quân vừa ấm lòng, vừa đỡ bị cảnh sát hỏi giấy tờ phiền hà. Chỉ nhìn qua bộ vó mặc dân sự khoác jacket không quân là biết lính thời chiến. Đỗ để ý thấy một cô gái tuổi chừng mười lăm bưng ly cà phê ra cùng với gói thuốc lá Lucky. Ngay hàng chữ Lucky strike thì anh cũng đang đi tìm may mắn đó sao – bởi lẽ đời nhiều bất hạnh và giờ này của ngày này vẫn đi tìm một lucky strike. Mẹ cô bé chủ quán là thiếu phụ tuổi chừng trên dưới bốn mươi, không thể gọi là đẹp; nhưng qua lời ăn tiếng nói mặn mà, dễ bắt mắt khách đa tình. Bà rất tự nhiên ra ngồi cạnh đó ở một bàn bên trao đổi độ ba câu chuyện, nhân lúc chỉ có một mình Đỗ là khách. Nhìn biết quán không thuộc vào loại đông khách. Cứ như tình trạng buôn bán như thế này thì chưa chắc đủ sở hụi, tiền thuê quán, ăn uống sinh hoạt, tiền điện, nước, sinh hoạt buộc phải có tiền chi trả. Ngay câu chuyện bắt đầu đã rất tâm đầu ý hợp. Đỗ cũng không tự khai nhà văn, vì anh biết với người bình thường như bà hẳn không quan tâm. Đỗ bèn phịa ra là chủ một nhà in, Đỗ lấy ngay địa chỉ Nhà in Bùi Trọng Thúc toạ lạc tại 150 đường Võ Tánh, Phú Nhuận. Là nhà in quen, chủ Bùi Trọng Hựu rất có lòng với anh em làm văn chương. Ông từng cho Đỗ in chịu sách, phát hành sách xong mới trả tiền, mà lại trả tiền nhỏ giọt thì ông vẫn chẳng kêu ca gì. Nơi này cũng là nơi Thế Nguyên giới thiệu và chính anh từng in tạp chí: Văn Mới, ban biên tập có thi sĩ Diễm Châu, hoạ sĩ Phạm Kim Khải, đăng thơ Cao Mỵ Nhân… báo thuộc loại giai phẩm không giấy phép, đưa từng số nộp xin số xuất bản ở Nha Thông Tin. Thì ông Hựu chủ nhà in Bùi Trọng Thúc cũng cho in trước, phát hành xong trả tiền sau. Bà chủ quán M.P nghe chuyện Đỗ có nhà in ơ Sài Gòn hiện bị vợ bỏ, không ai chăm nom cơm nước săn sóc, và anh lại còn bận việc quân ngũ; thì bà thương hại ra mặt, muốn đưa bàn tay nội trợ đảm đang của bà vào cuộc sống của Đỗ ngay từ phút này. Bà cũng than van về tình trạng gia đình, bà là vợ nhỏ một ông tướng, nay ông cũng chẳng đoái hoài đến bông hoa đang nở đến cánh cuối cùng rồi. Người ta (Đỗ phải hiểu đó là ông tướng) vợ cái, con cột; chỉ thích thưởng thức đóa hoa mới nở mà thôi. Bây giờ bà lại thấy thương người chồng trước qua đời (chỉ cho khách nhìn thấy trên kia là bàn thờ nho nhỏ, trên bát hương, là tấm ảnh người chồng được lồng trong một khung kính treo trên tường). Bây giờ, bà đã chuyển vị trí chỗ ngồi, đi sang bàn Đỗ ngồi đối ẩm tâm sự. Qua câu chuyện kể, bà cũng thuộc vào loại sừng sỏ trường đời cũng như trường tình ái. Và bà coi Đỗ như người bạn mới rất đáng tin cậy, có thể là cái phao mới đi vào cuộc đời bà, là nơi nương tựa lẫn nhau trong sóng gió trước mắt. Cảnh buôn bán ế ẩm như thế này thì bà sẽ phải bán miếng đất, theo như bà kể ở Du Sinh, rồi tìm cơ ngơi khác, như về sống ở Sài Gòn chẳng hạn. Nghe đến đây, Đỗ nhìn thấy mồi câu của anh đã được con cá đàn bà chủ quán bắt mồi, nên anh hỏi xưa bà từng là vợ tướng liệu nay có người lính bình thường yêu bà, liệu bà có bị mặc cảm tự ty không? Bà cười rất tình tứ, hở chiếc răng vàng lấp lánh, rồi lắc đầu quầy quậy:

– Chỉ cần một anh lính không quân trong bộ đồ bay chẳng cần mai vàng, mai bạc; thì em cũng thương hết lòng rồi!

Vừa lúc này, một khách mặc áo bay combinaison mầu ô liu, không lon lá bước vào quán. Chàng phi công này có huy hiệu phi đoàn trực thăng lại quen Đỗ, tay bắt mặt mừng thăm hỏi.

– Xin lỗi ông uống chi?

– Cà phê đen giống như chiến hữu tôi đây.

Ngồi xuống ghế, kéo thắt lưng có khẩu P38 lệch sang một bên và trò chuyện với Đỗ. Qua câu chuyện nói với nhau, bà chủ nghe được rằng hoa tiêu hỏi Đỗ có về Nha Trang không? khoảng mười phút nữa, anh lên Cam Ly bay về phi đoàn. Bà chủ nhìn sang phía Đỗ như tỏ lòng khâm phục Đỗ trả lời chiến hữu, hãy hỏi bà chủ quán có cho phép anh cùng bay về Nha Trang không đã. Và chiến hữu hoa tiêu hiểu ngay câu hỏi của bạn tán bà chủ thật tế nhị. Và cũng là nghề tay trái của không quân thường lịch lãm với phái đẹp, sẵn lòng làm đẹp lòng đàn bà. Hoa tiêu quay sang bà chủ quán hỏi:

– Thế chị có cho phép anh không? Chị gật đầu thì tôi mới dám rủ anh cùng bay về Nha Trang.

Bà chủ quán nở nụ cười rất tươi và Đỗ cũng không ngờ rằng bà cũng xử sự thật tế nhị. Bà đáp:

– Mời chàng phi công hào hoa ở lại ăn tối với chúng tôi, sáng mai bay về Nha Trang cũng chưa muộn mà! Chúng tôi đã cho mổ gà thết khách quí, vì anh là bạn của bạn thân tôi mong không chối từ.

Chàng phi công trực thăng chối từ ngay, với lời biện bạch rất bí mật quân sự thời chiến:

– Thưa chị, máy bay không thể để qua đêm ở phi trường Cam Ly, nhất là tình trạng chiến đấu hiện dau sôi lửa bỏng như hiện tại. Xin được gặp lại anh chị vào dịp khác.

Bóng chàng hoa tiêu xa dần quán, bà nhìn theo, nói với Đỗ:

– Không quân các anh như cà cuống chết đến đít còn cay. Anh có nhớ chuyện một phi công F5 ở Biên Hoà có người yêu ở Ấp Ánh Sáng, chỉ cách đây vài trăm thước. Một buổi vào khoảng tám chín giờ sáng, dân chúng Đà Lạt nghe thấy tiếng máy bay phản lực rú rầm trời. Chiếc máy bay phản lực F5 từ hướng Cam Ly bay thấp sát mặt đất, sẹt qua khu Ấp Ánh Sáng ném phong thư xuống. Thư chưa kịp rơi xuống đất, đã nghe một tiếng ầm. Thì ra phi cơ phản lực F5 đã cắt ngang ngọn cây ở bờ hồ Xuân Hương và lao xuống phía gần nhà Thủy Tạ. Dân chúng úa chạy tới túm đông, túm đỏ bàn tán xôn sao; sau được biết rằng chàng phi công tử nạn có người yêu ở khu Ấp Ánh Sáng đã hẹn nàng giờ đưa thư thả xuống tận nhà, Máy bay bay ở cao độ thấp quá thấp, không đủ thời gian và lực đẩy để kéo lên, nên phi công đành lao thẳng xuống hồ. Chắc anh không quên chuyện này chứ ?

Rồi bà gọi con gái đem khăn lông giục Đỗ đi tắm sửa soạn ăn cơm tối. Bà chỉ tay lên gác xép.

– Em ngủ trên này, cháu gái ngủ dưới nhà. Chúng ta có một đêm hàn huyên tâm sự. Vậy thì em cũng có ngưới chồng phi công hành quân lâu ngày, trở về nhà thăm vợ con, làm sao kể xiết bao nhớ nhung thân thiết!

Đỗ thật sự sung sướng, cảm động, tự nhủ lòng trước khi lên gác xép ngủ, anh sẽ xin phép được đốt nén nhang tưởng nhớ chồng cũ của bà. Và để tâm sự với ổng rằng “…Chúng ta là đàn ông dễ thông cảm, hiểu nhau, phải không ông bạn đã rửa chân sạch sẽ lên ngồi trên bàn thờ?”

*

Chương trình đi Huê Kỳ diễn thuyết văn chương vẫn trục trặc. Qua thư từ trao đổi với Paul Engle, giám đốc chương trình International Writing Program ở Iowa. Bác sĩ kiêm thi sĩ cho biết vé máy bay, tiền đài thọ ăn uống ở Mỹ đều do chương trình hội thảo văn chương quốc tế Iowa đài thọ; và chỉ cần có visa của toà đại sứ Huê Kỳ ở Sài Gòn cấp chiếu khán nhập cảnh là xong. Nhưng Đỗ nhận được thư của cố vấn văn hoá Toà đại sứ, ông Lincoln, đại diện đại sứ Bunker, trả lời cho biết họ không thể cấp chiếu khán nhập cảnh vào Mỹ cho Đỗ, cũng không đưa ra lý do nào cả. Và họ cho biết thêm, nếu Đỗ thấy cần thiết thì xin gặp họ tại sứ quán. Nhưng Đỗ cũng lờ mờ biết là họ vịn vào cớ hội thảo có nhiều nước Cộng sản tham dự, và nhất là trong tập tuyển thơ “We Promise One Another” in ở Mỹ vào năm 1971 do Don Luce, John Schafer, Jacqueline Chagnon sưu soạn gồm đủ ba thành phần chính trị có mặt: Hà Nội, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Quốc Gia; thì thơ của Đỗ được in trong đó hẳn rằng Huê Kỳ liệt vào “loại văn chương đen” chống chiến tranh. Đỗ cũng biết qua loa về Don Luce, người Mỹ rất giỏi tiếng Việt, từng ký bút hiệu Đoàn Lân đăng bài trên tạp chí Trình Bày của Thế Nguyên. Anh chàng nhà báo tài tử này đã hướng dẫn các thượng nghị sĩ Huê Kỳ sang Sài Gòn thăm tù nhân chính trị bị giam ở chuồng cọp Côn Đảo vào năm 1970, gây dư luận báo chí thật ồn ào về việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Trong tuyển tập thơ ấy giới thiệu thơ Nguyễn Du, họ gọi là bậc thầy văn chương cổ điển, nguyên văn lời dẫn “an ancient master”: thơ Phan Chu Trinh, Nguyễn Đình Chiểu, rồi thơ Hà Nội: Xuân Thủy, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu, Thu Bồn… thơ và lời nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, thơ Thích Nhất Hạnh, Nhất Chi Mai, đến thơ của Đỗ dài dằng dặc chiếm trên 18 trang tưa đề : 550 ngàn G.I. ở Việt Nam… Cuối hết là thơ Vùng Giải phóng: Giang Nam, Nhuệ Hà, Hồ Bắc… đề cập chiến tranh nội chiến, và thơ sinh viên học sinh tranh đấu ở thành thị miền Nam chống sự chém giết, nồi da nấu thịt cua Hoàng Minh Nhân, Thy Can…. Có cả thơ trong tù của Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Thép Xanh, Lê Giang, Thảo Giang, Cửu Long.. chỉ cần có một ít phương danh ấy trong tuyển tập thơ, thì bác sĩ thi nhân nổi danh Huê Kỳ là giám đốc chương trình hội thảo văn chương quốc tế kia viết thư riêng cho Đỗ; trong đó có một câu cuối show it to them… cũng chẳng ích gì? Bài thơ “550 GI ở Việt Nam” của Đỗ trước đã đăng trên tạp chí “Tenggara” của Viện Đại học Malaya được nhóm của Don Luce tự chọn đưa vào chẳng hề xin phép tác giả một lời, lại còn sửa chữ nghĩa. Chữ nghĩa đây, những từ được sửa đổi chính xác hơn, propre hơn, bảo đảm cho nội dung chống chiến tranh sâu sắc hơn. Cái khôi hài là không xin phép Đỗ một trong những tác giả, mà sách thì họ giữ bản quyền lại ghi rõ: “…We Promise One Another (poems from an Asia war), published by “The Indochina Mobile Education Project, Washington D.C. Copyright 1971”.

Đỗ nhơ lại bữa trước đi uống cà phê với Thế Nguyên, cuốn sách được gói kín trao cho Đỗ, với lời nhắn nhủ:

– Sách có in thơ anh, về nhà hãy đọc …”

Anh cũng rất cảm phục, và cảm thấy thấm thía về thi sĩ Paul Engle có sự kiên trì của người phương Đông, ở chỗ ròng rã mời anh sang Mỹ trong vòng bốn năm mà cho đến nay chưa có kết quả gì. Hàng ngày Đỗ học Anh ngữ ở Staff Development Center trên dưới ba năm, qua lớp sáu cuối cùng; nhưng vẫn chưa đi, anh cứ fail on purpose được học lại, còn hơn phải đi làm hai buổi trong Bộ Tư lệnh Không quân. Bây giờ, anh không còn viết cho báo quân chủng Lý Tưởng nữa, và được chuyển sang làm báo học tập là tờ “Chính Huấn”, được gọi là cơ quan cổ võ sĩ khí chiến sĩ Không quân. Xếp Khải, một người chỉ huy rất khôn ngoan, chỉ nhìn vào một sự chịu đựng nổi nhà văn, nhà báo được đồng hoá vào quân chủng làm dưới lâu bền thế, thì ông đáng được tôn xưng rồi. Rất hách với thuộc cấp, bọn Đỗ thường gọi đùa là đốc phủ sứ, nhưng ông có trách nhiệm với anh em mỗi khi bị cấp trên khiền hoặc vi phạm kỷ luật quân đội, ông đưa vai gồng nhận lãnh. Gặp ông là nhìn thấy hàm răng trắng, đều tăm tắp cười rất tươi, và mỗi lần Đỗ xin phép đi thăm thú các không, sư đoàn không quân, cả lần Đỗ trình thư của bà Baker ở Trung tâm Văn hoá Mỹ giới thiệu đi học Anh văn, ông chấp thuận ngay. Ngoài việc đứng mũi chịu sào, Trưởng phòng còn là chủ nhà xuất bản, cho in cuốn truyện đầu tay Chết Non của tác giả Trần Văn Minh, in tập thơ “Đắc Khanh và Mầu sắc Quê hương” của Phan Lạc Giang Đông. Và xếp Khải lại còn là Tổng thư ký Hội Túc Cầu VN, chức vụ này giúp ông hướng dẫn cầu thủ bóng tròn đi đá giao hữu toàn các nước Đông Nam Á. Có đôi lần ông cử Đỗ ra giao dịch với hội này.

Bạn bè cũ xưa, nay ở trong KQ thường lại tìm Đỗ vào buổi sáng ở sở. Lần này là một đại úy, trưởng đoàn truyền tin gặp Đỗ thường ngoác miệng nói lớn:

– Ê mày Chính “lùn”, giả thử nếu mày qua đời thì con đường mang tên Nguyễn Mai Lâm gần Trường tiểu học Tân Sơn phải được nối dài để mang tên cậu em là Nguyễn Mai Chính.

Anh trai Chính, thiếu úy phi công Nguyễn Mai Lâm cùng khoá lái máy bay với tướng Kỳ, tử nạn trong một phi vụ, sau được đặt tên cho một con đường trong cư xá không quân, dẫy tư thất xếp Bùi Hoàng Khải. Chính là bạn học cũ từ Hà Nội, nên thường xưng hô vơi nhau mày, tao, bất chấp ở đâu; mặc dầu trong quân ngũ Đỗ hạ sĩ quan và Chính đại úy. Chính gọi điện thoại tới sở, nói oang oang:

– Chiều nay 16 giờ, may xin phép được thì đi Đà Nẵng với tao. Có chiếc Caribou bay ra ngoài ấy dự lễ kỷ
niệm phi đoàn Phi Hổ 516. Mày có nhớ thằng này cùng học 6A2 ngồi bàn B ấy; Lê Bảo Hùng, anh ruột nữ danh ca Lệ Thanh ngồi đầu bàn. Riêng tao ngồi chót, mày nhớ ra chưa?

Nhớ, mà tao chỉ biết nó ở ngoài ấy thôi chưa gặp lần nào. Và hình như lớp 6A2 của tụi mình, ngồi cuối lớp, kể cả học thì độn sổ, đó là thằng Vượng cũng là KQ cùng Không đoàn giới tuyến, phải không Chính?

– Phải, Vượng là Liên đoàn trưởng Tiếp liệu. Và Nguyễn Tấn Định thì ở Yểm Cứ, và nhất là mày có muốn đi thăm bạn gái xa xưa của mày hiện là Trưởng phòng Xã hội Quân đoàn I. À nhân tiện đến thăm chánh văn phòng Tư lệnh quân đoàn. Mày tha hồ nói chuyện văn chương với cháu ông Nhất Linh, rôm rả vui đáo để. Cứ mạnh bạo xin phép xếp Khải rồi phôn cho tao nhé!

Nguyễn Mai Chính không phải dân làm văn nghệ, nhưng thằng bạn học cũ này rất văn nghệ tính, thích giao du với văn nghệ sĩ, lại biết sở thích riêng bè bạn, đánh trúng tâm lý mỗi khi muốn nói điều gì. Chính lại gọi phôn tiếp, giải thích:

– Sở dĩ thằng An mời tụi mình, bởi nó đã gọi cho xếp phi đoàn Caribou giữ mấy ghế cho tao và mày. Nhưng nó chu đáo quá đấy thôi, chứ lính không quân như tụi mình xin “pắc” đâu có khó khăn gì? Bay theo phi vụ bạn bè, kể cả cần giấy tờ thì đã có thằng Phát. (Chính muốn nhắc tới đại úy Phát, nguyên Trưởng trạm hàng Không quân sự Đà Lạt, nay về làm ở khối Không vận bên Tổng tham mưu); chỉ cần báo cho Phát trước một ngày có lệnh di chuyển ngay thôi. Mày đã xin phép xếp Khải chưa?

Về nhà báo cho vợ biết, đem theo handbag gọn gàng, Đỗ sang bên Đoàn truyền tin 295 cạnh ngay bãi. Từ Tân Sơn Nhất bay được gần một tiếng, trời bắt đầu mưa trên phi cơ, nhìn thao tác của xếp lái điều khiển có đôi chút khó khăn; nhưng khách ở trên bầu trời nhìn cảnh mưa bên ngoài không trung thì lòng cũng nao nao Trưởng phi cơ quay lại nói chuyện vói Chính:

– Thằng bạn thân của tôi, hoa tiêu Hùng cũng bay một chiếc Caribou chở tướng tư lệnh cảnh sát Quốc gia đi thị sát, máy bay bị rớt ở ngoài khu vực Nha Trang khi máy bay bay ở cao độ thấp. Tối qua, nó cùng tụi tôi binh xập xám trong phòng hành quân phi đoàn, nó thua sạch láng. Sáng ra thằng bạn mời nó cùng ăn sáng, nó lắc đầu không đói chẳng muốn ăn. Thằng bạn được bạc bảo nó rằng không ăn sáng thì làm sao sáng nay có thể bay được, vertigo đi đứt đó em cưng! Hùng nhoẻn miệng cười đâu nào dể thế em cưng! Khi được lệnh bay cho tướng Phong thị sát miền Trung, bay từ sáng sớm, bụng trống rỗng, nó vẫn “cày” cho đến trưa. Vốn tính khách khí, không được mời thì không ăn trưa, và nếu mời nó ăn lại phải mời nhiều lần năn nỉ nó mới ăn. Chiều lại tiếp tục bay, có thể vì đói lả, yếu sức rồi bị vertigo nên lao máy bay vào núi chăng?

Nghe đến đây, Chính mủi lòng thương cảm chiến hữu ra đi một cách “lảng xẹt”. Còn Đỗ nhớ lại một câu chuyện của một phi công lái chiếc DC3 khác thuộc Không đoàn 33 lái một VIP đi Vũng Tầu. Buổi trưa sĩ quan cận vệ theo VIP quên mời anh lái máy bay ăn trưa, anh cũng khách khí như trung úy hoa tiêu Hùng bị lả đi, nên khi gạt cần để bốc lên phi đạo kềm không nổi, mất thang bằng lao xuống bãi cỏ nằm ngoài phi trường. Cũng may là vậy, nếu máy bay lao vào vòng đai phi trường đầy dẫy mìn claymore; hẳn toi đời chàng lái kể cả VIP rồi. Sau đó chàng hoa tiêu nói đùa tại quên ăn trưa nên mới sinh ra cảnh tức cười này. Sĩ quan cận vệ hốt hoảng thở phào, nói với phi công đây thật là một kinh nghiệm đầy quí báu trong đời làm cận vệ, Từ nay người được mời cơm đầu tiên trước cả VIP phải là phi công lái máy bay. VIP sau khi thoát khỏi tai nạn, nhìn thấy trên vai áo combinaison chỉ thấy có hai hoa mai vàng; thì ông nhắc cận vệ rằng lần này về đến nhà phải nhắc ông báo cho Tư lệnh Không quân và Khối Quân vận Tổng Tham Mưu; từ nay hoa tieu lái máy bay cho VIP phải từ cấp đại úy trở lên mới có đủ kinh nghiệm, lại bớt sốc nổi vặt như hoa tiêu trung úy này khách khí không ăn cơm trưa, suýt gây tai nạn tử vong cho VIP.

Dầu thời tiết xấu, tối hôm ấy Mai Chính và Đỗ đến Đà Nẵng an toàn. Bình An, Đức Tự đưa xe díp đón hai người ngay ở parking. Vẫn chưa ngớt cơn mưa ban chiều, gặp nhau, phi công Tự nói ngay:

– Tụi này đọc bài của ông Đỗ viết về cái chết của phi công Duy Mỹ, mà sao ông không nói rõ hơn Mỹ chết về bệnh tật gì? Hay là không muốn nói đến lý do cái chết thật lảng xẹt phải vậy không? Hoa tiêu không chết vì phi vụ, song kẻ gây sự chết chóc lại là bệnh do phụ nữ gây ra, như vậy chẳng khôi hài lắm sao? Cũng giống chuyện khôi hài kể về phi cơ và phi công ấy mà! Ông nhà báo có nghe chuyện này chưa nhỉ?

-Chưa, xin ông kể cho nghe tiếp.

– Trong vòng mười năm nữa, Không quân chúng ta sẽ đào tạo nữ phi công. Có nghĩa là gặp người nữ đẹp, sẽ phải đặt câu hỏi: Em ơi em có thích “lái phi cơ” không cô em? Nếu cô em trả lời: “… Em chả thèm lái phi cơ.

-Vậy cô em thích lái cái gì bây giờ?

– Em chỉ thích lái phi công thôi.

– Vậy thì được lắm, nhưng em có biết sự khác biệt giữa phi cơ và phi công không?

– Anh lại đía nghề rồi.

– Cái đó nghề của chàng mà!

– Thế thì anh giảng cho em hiểu kỹ hơn đi. Em nói thì nói thế thôi, chứ em chẳng biết phi cơ và phi công khác nhau như thế nào đâu?

Giọng hoa tiêu nam hùng hồn giảng:

– Dễ thế mà không chịu hiểu. Có sự khác biệt dễ thấy thôi. Lắng tai nghe này: “Phi công càng lên cao, nó lại càng lớn; trái lại phi cơ càng lên cao lại càng nhỏ xíu đi…”

– Xin lỗi anh cho chửi thề một câu: “… Tổ cha cái nghề của chàng phi công xạo sự”.

Đỗ trả lời Tự:

– Biết rồi! Tôi trả lời câu hỏi đầu tiên mà phi công Tự hỏi về cái chết của Duy Mỹ đã nhé. Hoa tiêu Mỹ chết được vinh thăng thiếu tá vì bệnh của người nữ xin “được học lái phi cơ qua trưởng phi cơ Duy Mỹ chứ gì?” Có đúng hay là sai hở ông Tự?

– Đúng một trăm phần trăm.

– Vậy thì nhà báo kể nốt phần sau đi.

– Lúc đau hoa tiêu Mỹ lâm bệnh. Bác sĩ thiếu tá Du chữa mãi bệnh không thuyên giảm, sau tìm ra bệnh thì quá muộn nên “phi công Mỹ ra đi trước phi cơ chứ gì?” Tôi có biết đủ sự kiện, sở dĩ chưa viết hết ra sự thật về cái chết này; bởi lẽ cái chết của Duy Mỹ làm run tay cho người thắp nén hương cho “những người chết trẻ”.

– Vì thế nên nhà báo mới viết một bài khác về nhà văn phi công đăng ở báo dân sự, phải vậy không?

*

Cuối tháng sáu vừa qua, Đỗ và trung sĩ Bảng ra Đà Nẵng công tác. Đầu tiên đi tìm gặp đại tá xếp để phỏng vấn sinh hoạt sư đoàn Không quân mới thành lập. Lại không được gặp vì quan bận đi dự một đại hội, nôm na hơn chưa có mặt ở nhiệm sở. Cả hai đi tìm Trần Viễn Phương khoảng bốn giờ chiều, gặp anh đang ngồi ở bàn viết, cởi trần, trừ một quần đùi. Có lẽ truyện ngắn cuối cùng trong đời nhà văn phi công là Cồn Cát Láng . Gặp Đỗ, đưa ngay xe gắn máy, dặn vơi theo ra phố chơi thì nhớ về ăn cơm khoảng sáu giờ chiều. Phương và Tự ở chung một phòng, trên bàn viết còn tập bản thảo đang viết, ngoài bìa có hàng chữ Phượng Hoàng Bộng.

Đỗ và Bảng trở lại sư đoàn không là sáu giơ chiều mà là 11 giờ đêm. Hai tên bạn trách tại sao không về ăn cơm chiều để họ chờ. Thoái thác đi rong chơi cho đã cái thú giang hồ vặt. Cả hai phi công lại rủ hai người đến quán nhỏ mang tên quán cháo gà cô Châu nhậu chơi. Sau Đỗ mới hay, khi thấy Đỗ và Bảng ra, Phương đi vay được hai ngàn đồng để thết bạn. Nhưng không thấy Đỗ và Bảng về như đã hẹn; thì giờ đây dùng hai xấp để thết cháo gà vậy. Quán nhỏ cô Châu ở trong Khu gia binh noi tiếng ngon và anh em phi công thường rủ nhau đến đây vừa ăn, uống vừa tán chuyện gẫu với cô chủ xinh xắn có duyên. Trong bàn nhậu, biết bao là chuyện kể, đấu láo về chuyện trên trời, dưới đất, chuyện hippies, đến chích choác, đến thân phận hèn mọn của lính nhược tiểu thường ngày giao thiệp với cố vấn Huê Kỳ. Và xôm trò nhất kể lại chuyện bọn lính được gọi đích danh Xuân Tóc Đỏ đương thời nhiều như châu chấu, chỗ nào cũng có bọn “bưng bô tướng đái, rước gái tướng chơi”.

*

Khoảng nửa đêm, một phi công trẻ khác, Lý Hợp trở về phòng ngủ thấy Đỗ và Bảng có mặt, chàng nhường phòng. Sáng hôm sau dậy, đã nghe thấy tiếng Trần Viễn Phương gọi ơi ới sang bên này lấy xe Honda ra phố rong chơi. Hết ngồi trong quán Quỳnh Châu lại sang cà phê Dũng, rong chơi khắp nơi, quên cả lời hứa về ăn cơm như đã hẹn với bộ ba: An, Tự và Phương. Chỉ huy trưởng là bạn học chung với Đỗ ở Hà Nội, vẫn còn độc thân vui tính. Sáng hôm sau, Đỗ và Bảng ra Air terminal trở về Tân Sơn Nhất gặp lại phi công Trác Vũ, trưởng phi cơ máy bay Cargo 119. Có cả Tự ra đưa tiễn, trong khi sửa soạn lên máy bay, bỗng nhìn thấy một trung tá Khối chiến tranh chính trị Sư đoàn dẫn một thiếu niên ra bãi xin “pắc”. Đỗ nhận ra ngay là xếp Nhân Hậu. Ông gặp ai cũng nở nụ cười xã giao, lấy lòng mọi người, khi gặp Đỗ bèn nói lớn cho cùng nghe:

– Tôi với anh Đỗ đây là bạn quen cũ. Khi học xong khoá ở Pháp về tôi in tập thơ vào thập niên 50 là quen anh Đỗ vào thời ấy. Khi anh đồng hoá vào Không quân đến nay chúng tôi chưa gặp nhau. Sao lần ngoài này không báo cho anh em biết, mà tệ thật chẳng ghé qua chỗ tôi?

Phi công Tự có bộ râu quai nón trông rất hùng, lại mặc bộ combinaison đen; nhìn sang cậu bé hỏi với giọng hết sức trịch thượng:

– Cậu bé này là con đại tá Ba Bộ Tư lệnh ?

Trung tá Hậu đỡ lời thay:

– Là con trai đại tá Ba, Bộ Tư lệnh. Ra đây chơi rồi bố cháu gọi điện thoại nhờ tôi xin “pắc’ cho cháu về Sài Gòn kịp đi học.

Quay sang cậu học sinh, Tự hỏi:

– Này em, cậu học sinh ngây thơ vô tội này, có đúng em là con trai của đại tá không?

Cậu bé lí nhí đáp:

– Thưa chú đúng ạ.

– Trong quân đội không chú, cháu mày con nhà lính, như bố mày thì phải tập dần cho quen. Nhìn thấy tao đeo lon đại úy là thưa đại úy, lon cũ xì trên vai này là đại úy cụ thâm niên, hiểu chưa? Tao khuyên chú mày chẳng cần phải về Sài Gòn sớm làm gì nói là kịp đi học như trung tá đây vừa cho hay vậy ấy mà. Mày biết tại sao không? Bởi lẽ thằng bố mày bây giờ là đại tá, thì xưa kia có cần học hành gì đâu mà bây giờ cũng đầy uy quyền. Tao khuyên thực chú mày đấy cứ bắt chước bố mày đi.

Đỗ liếc nhìn sang cậu bé, nét mặt cậu sa xầm lại và Xếp Nhân Hậu thấy tình hình thật gay cấn ben quay sang phía trưởng phi cơ Trác Vũ nói như là phân bua:

– Đại tá Ba điện thoại cho nhờ xin pắc cho cháu này đây, như tôi đã nói với trung úy trưởng phi cơ trước rồi và xin quí vị giúp cho.

– Trác Vũ này. Lúc nãy tao thấy mày trả lời với mấy người đến xin pắc rằng máy bay trục trặc, hỏng hóc chi đó không thể chở nhiều. Thế bây giờ mày có dám nhận thêm con của đại tá Ba xếp xòng ở bộ Tư lệnh Không quân. Thôi nhận đi, cậu bé này cũng nhẹ ký thôi mà.

Trác Vũ biết Tự nói móc, ở đây Tự được coi như có quyền uy tối hậu như vua con, bèn quay sang xếp Hậu lễ độ thưa lại:

– Trình trung tá, chỗ thì chẳng thiếu và cậu bé này cũng chẳng nặng là bao; tôi nhận thấy hoa tiêu Tự nói có phần đúng. Là thế này trung tá, việc học hành tuy quan trọng thật nhưng trễ một ngày có sao đâu. Thưa trung tá, tôi đã từ chối hành khách đến xin pắc, chẳng lẽ lại nhận lệnh của trung tá để nhận cho em này một pắc sao? Mong được cảm phiền.

– Mày mới đúng là phi công Cargo đấy Trác Vũ ạ! Tự vừa nói vừa cười,nhìn trung tá dắt cậu bé rời khỏi phi đạo.

Rồi cách hai tuần sau. Trung sĩ Bảng báo tin cho Đỗ biết Trần Viễn Phương đã qua đời; Khiến Đỗ sửng sốt, thêm một bạn khác nghe vậy thêm lời bình:

– Có ai biết sau khi phi công chết được chôn cất ra sao không? Người ăn thịt người là ngợm; chó ăn thịt chó là ; gà ăn thịt gà là qué… Và còn tình bằng hữu đối xử với nhau đến lúc chết, như trung tá Hậu đối với phi công kia còn chó hơn cả chó, má hơn cả má… Thế làm sao còn bô bô cái miệng là tình huynh đệ chi binh hỡi Xếp Hậu, sao không cho nhau mượn được một chiếc xe Dodge để chở xác Trần Duy Mỹ phi công ra khỏi phi trường? Chẳng lẽ tình huynh đệ chi binh chỉ có trên môi mép tâm lý chiến? Một anh lính khác thêm vào:

– Một thằng chết đi có nghĩ lý gì? Nhưng thằng còn sống ở lại mà nhìn thấy cảnh đối xử bất công của tình huynh đệ chi binh như vậy thì quả là chó má hết chỗ nói!. Lại một lính Không quân khác bình theo kiểu lời bình Mao Tôn Cương:

– Đúng, mang tiếng kiêm trưởng khối tống táng lại không tống táng đàng hoàng đúng nghĩa huynh đệ chi binh thì nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ, tiền nhân dạy thế!. Thằng nào chết đi mà chẳng chui vào sáu tấm; hỡi những tên sáu tấm còn sống đành lòng bất nhẫn với các bạn hữu qua đời sao? Chẳng lẽ các ngươi đều thuộc vào bọn bất cố vô liêm sỉ trên cõi đời ô trọc này sao?

*

Mười tháng ba 75, Ban Mê Thuột đã vuột khỏi tay Việt Nam Cộng Hoà. Tin này làm rúng động dư luận trong và ngoài nước, mọi người đều ngẩn ngơ, xôn sao. Đỗ đi đón vợ, hàng ngày vợ anh đi làm ở Đài Phát Thanh Sài Gòn bằng chiếc xe máy Honda cà tàng mà Nguyên Vũ giới thiệu mua hộ. Cái khoá dùng để khoá cửa máy bay nay được dùng cho chiếc xe gắn máy được vòng qua sợi giây lòi tói, mà như con mắt nhìn bình phẩm Lý Đại Nguyên, thì:

“…cái khoá này giá trị hơn chiếc xe đó, em ơi…”

Có khi mấy ngày liền, Đỗ rong chơi với bè bạn, dùng cái khoá ấy khóa chiếc xe dựng cạnh lề đường quán La Pagode đường Tự Do. Hàng ngày, có khi Đỗ đến đón vợ sớm hơn giờ tan sở, anh đậu xe lại, ghếch chân lên ghế xe ngồi nhìn mọi người qua lại, ai nấy vào ngày này có nét mat lo âu. Ngay cả Đỗ cũng không khác hơn, lo âu về chiến cuộc cùng vụ việc mới xảy ra, chiến trận biên giới Tây Nam không còn yên tĩnh. Đỗ nhớ đến một người bạn Mỹ mua sách tiếng Anh của Đỗ, mời vợ chồng anh đến ăn cơm chiều. Độc giả này là luật sư Husband, người Hoa Kỳ. Tên thật luật sư Husband rất nôm na, dân giã như tên dân quê Việt Nam. Như con trai đặt tên là Đực, con gái là Gái, thì độc giả người nam này có tên Husband, tất nhiên khi lấy vợ thì đúng là husband rồi còn gì? Nhà riêng luật sư Husband ở 39C Duy Tân một biệt thự trệt thuê lại của một bác sĩ chuyên khoa mắt nổi tiếng. Bữa cơm chỉ có hai vợ chồng Đỗ. Khi đầu bếp nữ còn là quản gia bưng thức ăn dọn lên bàn, Husband giới thiệu:

– Đây là vợ một cảnh sát dã chiến đã chết vì công vụ. Bà ấy không những là Bắc di cư, còn là thành phần Công giáo Phát Diệm. Husband không giải thích thêm tại sao lại chọn quản gia với ba yếu tố ấy; nhưng Đỗ cũng dễ nhận ra ngay rằng người Mỹ này sợ khỏi bị nội công nguy hiểm hơn ngoại kích. Đỗ nhớ lại sở dĩ quen Husband, qua sự giới thiệu của một linh mục Dòng Tên gốc người Canada ở Trung tâm Đắc Lộ mua tác phẩm dịch sang Anh ngữ, và sau này Husband cũng là độc giả mua rất nhiều sách của Đỗ. Husband còn cho biết lần này trở về Mỹ, ông sẽ lại hành nghề luật sư ở bang Minnesota, mà Đỗ thường gọi đùa bang Mỹ nó sợ ta. Luật sư Husband hỏi liệu tình thế như bây giờ, thì gia đình Đỗ có ý hướng nào mới giải quyết không? Ông ta còn trẻ, lịch lãm, Đỗ đoán chừng trạc tuổi trên dưới ba mươi, chẳng cần phải hỏi ông ta làm nghề gì, ở đâu, cũng đoán biết được. Qua câu chuyện kể, ông thường theo phái đoàn bốn bên ra Hà Nội, mua được nhiều sách bên kia đủ chủng loại: văn học, lịch sử, địa lý v.v… Husband lại giải thích cho vợ Đỗ rằng bạn bè trong sở có người thích mua tranh sưu tập, còn ông sưu tập sách, nhờ đó mở mang chân trời du lịch cũng như giàu có tâm hồn. Quay sang phía vợ Đỗ, ông ta lại hỏi đại để có phải Khuê giao sách cho linh mục nọ, và Khuê nói đây là lần đầu tiên nhận 50 USD, và tại sao không trả bằng tiền Việt Nam? Trả lời mua sách ngoại ngữ tiếng Anh tất phải trả bằng đô mới hợp lý. Ông lại kể chuyện cho vợ chồng Đỗ, có rất nhiều thiếu nữ Việt Nam hỏi tại sao không lap gia đình; để khi về Mỹ có bên cạnh một bạn gái Việt Nam dễ mến, và nếu bằng lòng, họ sẽ giới thiệu cho. Luật sư kể chuyện rất dí dỏm, chắc cô vừa kể chuyện định giới thiệu người đáng giới thiệu là chính cô ta đó. Đây cũng là cách để cô cùng gia đình ra khỏi nước hợp pháp. Còn rất nhiều thương gia Hoa Kiều ra giá trả bằng đô mua visa xuất ngoại, Husband không nhận lời, còn giải thích thêm một khi tình thế hiện nay xoay chuyển, nếu có; thì sau này ai xuất ngoại được sẽ trở thành công nhân viên chức với đồng lương tương xứng với sức lao động bỏ ra. Quay sang phía Đỗ, Husband nhấn mạnh, như nhà văn đây chẳng hạn ở lại nước thì sẽ không còn cơ hội nào in tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ, cũng như dịch ra Anh, Pháp nữa. Husband hỏi Đỗ hiện nay đang viết tác phẩm gì, và cuốn bút ký “Tôi đi dân vệ Mỹ” là tài liệu sống thực, cảm nghĩ của một người có một vai trò cốt cán xác định cho sự thay đổi chương trình. Và tác phẩm Đỗ chứng tỏ bất khuất trước áp lực mua chuộc, và tất nhiên giới chức có thẩm quyền phải lưu tâm. Husband đi lại tủ gần đó lấy ra một tờ báo tiếng Anh, tờ “Saigon Daily News”, rồi đưa cho Đỗ, lấy tay chỉ vào trang nhất , hai cột có bài của phóng viên Nguyễn Ngọc Lương viết về cuốn ấy, qua bản dịch “The Ordeal of The American Militiaman”:

“…The Phong considers himself an American simply because he was employed by the Americans. For two years he was a lecturer in politics at the Vung Tau Training Center which produced cadres for the Government s pacification program. He was in a vantage position assesses the chance of the program, and his book is a tough but constructives warning to the authorities concerned…”

– Riêng tôi, Husband nhấn mạnh, tôi có thể nói nhỏ với nhà văn, cuốn sách này làm cho giới chức có thẩm quyền liên hệ về vấn đề này điên đầu.

Sau bữa cơm, luật sư Husband tiễn vợ chồng Đỗ ra cửa, còn khéo léo nhắc nhở tình hình chính trị sôi động hiện nay. Không nói thẳng thừng ra như vậy, nghe xong vợ chồng Đỗ hình dung trong đầu; rồi ra Sài gòn cùng lắm cũng như một HongKong thứ hai. Tuy nhận định này chưa hẳn sáng suốt, của người am hiểu diễn biến thời cuộc thế giới. Trên đường về nhà ở Cư xá không quân Tân Sơn Nhất, Đỗ nảy ra ý nghĩ, ngay bây giờ phải tận dụng cái bể chứa nước mưa làm hầm trú ẩn có chiều sâu hai thước dưới lòng đất. Thì như vậy mói có thể tránh được những cơn pháo như mưa bấc vào sân bay. Khuê cũng cho là phải và họ chuẩn bị cấp tốc cái hầm trú ẩn khá an toàn này. Trên nắp hầm phải có những bao cát cao chừng một thước mới chống nổi sức công phá của hỏa tiễn 108 ly Trung hoa lục địa và 122 ly Liên Xô, Đỗ nhớ lại cái hào nhỏ ở phía trước sân cột cờ Bộ Tư Lệnh Không quân, do những trận pháo vào đây, và đại úy Phát đong sự nói đùa rằng ở đây có thể nuôi cá được. Đại úy Phát xưa là trưởng trạm Hàng Không Quân sự Đà Lạt thuyên chuyển về đây là bạn cũ, thường xuyên vào chơi với gia đình Đỗ giúp nhiều công việc vặt trong gia đình như là tình anh em ruột thịt. Có lần Phát chở anh đi mua hai miếng tôn kiếng tạo ánh sáng trời cho gian nhà dùng làm bếp núc, rồi Phát chở Đỗ trên chiếc scooter ở ghế phía sau ôm hai tấm tôn cuộn tròn lại. Bởi lẽ nếu chuyên chở bằng xe thuê vào Căn cứ Không quân rất phiền phức, thủ tục ra vào cổng cũng rất phiền hà. Phát lại có sự chung thủy với bè bạn ít nói; nhưng chân tình không thiếu. Chẳng hạn hầm trú ẩn thường bị nước thấm rò rỉ vào, Phát đưa ra ý kiến tát cho cạn nước, để cho khô, mua xi măng trộn với nước quét lên nhiều lần, tự nhiên hầm sẽ khô ráo không còn bị thấm nữa. Mà quả đúng như vậy, kinh nghiệm thực nghiệm kia giúp cho đời sống hàng ngày hiệu nghiệm. Có lần Đỗ bảo với Phát, giá anh chàng này viết truyện chẳng hạn, thì nhân vật chính trong truyện của Phát sẽ chẳng kém gì nhân vật truyện của nhà văn Lê Văn Trương, và lại còn mới và hay là khác! Đỗ khuyên Phát nên đọc cuốn sách biên khảo bàn về văn học Việt Nam “Introduction à la littérature vietnamienne của Maurice M. Durand và Nguyen – Tran Huan mới in ở Paris. Nếu Phát thích thì nên dịch sang Việt ngữ. Vì vốn chữ Hán của Phát, có thể chuyển âm từ tiếng Pháp, qua tên riêng các triết gia. Văn thi sĩ Trung Quốc có ảnh hưởng đến văn chương Việt Nam. Đỗ lấy thí dụ “Han Kao Tsou”, Phát đọc rồi chú thích bằng bút chì Hán Cao Tổ, “Han Kouang Wou” là Hán Quang Vũ chẳng hạn; “Kang You Wei” rất xa lạ với độc giả Việt thì lại là Khang Hữu Vi quen thuộc hay “Li Po” là Lý Bạch“Kiang Tseu Ya” thì đó là chàng câu cá đợi thời Khương Tử Nha. Rồi đến “Pai You Ki” là gì nhỉ, giản dị chỉ là Bạch Cư Dị mà thôi. Lại còn tên được phiên âm sang La tinh ngữ như “Seu-Ma Tiang-jou” thì đành chịu, với tôi thôi, giản dị chỉ là Tư Mã Tương Như. Còn một số danh từ khác quen thuộc, thì chẳng cần nói làm gì, như “Sun Yat Sen” thì ai ai cũng biết là Tôn Dật Tiên. Về sau này mỗi khi giở cuốn sách ấy ra, ở trong “Bản Liệt Kê Tên Riêng” ở sau cuốn sách thì Phát đã chú thích gần đủ hết, chưa kịp dịch ra tiếng việt vì hoàn cảnh thời cuộc bây giờ chẳng ai còn bình tâm tiếp tục làm.

*

Về đến nhà, Đỗ cởi quần áo ra treo trên mắc, anh bắt đầu tát hết nước trong bể ra chuẩn bị tái tạo thành một hầm trú ẩn gia đình. Anh làm quên mệt, quên cả ăn cơm, càng lo hơn nữa khi tin chiến sự thông báo trên radio về tình hình chiến sự nóng bỏng, áp lực quân sự vùng Một, vùng Hai, vùng Ba … nhất là Sàigòn trung tâm nhận loạt pháo kích, càng nhiều hơn nữa vẫn trọng điểm sân bay Tân Sơn Nhất. Một khi máy bay ở hậu cứ còn an toàn, muốn tránh những khẩu pháo từ xa nã vào và tất nhiên hầm trú ẩn của gia đình Đỗ càng phải kiên cố nhiều hơn. Gia đình hàng xóm thường ra chỉ làm hầm trú ẩn dã chiến, bao cát được chất lên giường mỗi khi nghe tiếng ùng oàng chuyển xuống đất nằm. Còn gia đình Đỗ năm đứa con còn nhỏ cả, lúc nhúc từ ba đến chín tuổi không dễ dàng nhẩy ra khỏi giường chui xuống hầm, vợ chồng Đỗ đã thỏa thuận với nhau, mỗi tối xuống hầm ngủ trước cho an toàn.

Bỗng dưng Đỗ lại nghĩ đến Trại David, tên người Mỹ đặt cho một trại lực lượng bốn bên trú tại Tân Sơn Nhất, chỉ cách nhà ở của Đỗ vài con đường. Nơi này có thành phần hai phái đoàn ở cạnh nhau: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ăn ngủ tại đó để làm việc với Việt Nam Cộng Hòa và Huê Kỳ. Xếp Tiên Không quân cho đào hầm xung quanh sâu hơn một thước, ngang hai thước, bơm nước vào đấy. Cuộc sống của hai phái đoàn rất êm ả, chiều chiều mặc áo may ô, quần đùi, dượt banh ở sân bóng rổ, hoặc chăm sóc liếp trồng bắp. Ở ngoài nhìn vào, Đỗ có ý nghĩ rất khôi hài, có khi nào hoả tiễn lại pháo trúng nơi này không? Cho đến khi Tân Sơn Nhất bị pháo tơi bời thì nơi này vẫn được an toàn. Một lần Đỗ được chứng kiến tận mắt sân bay bị pháo; họ nhảy xuống đúng hào làm chỗ nấp. Về nhà Đỗ kể lại tình hình ở ngoài phố, thiên hạ nhao nhao đèo nhau trên xe máy, xe hơi với đồ đạc đầy nóc như tìm cách di tản; nên vợ chồng anh cũng bị hoang mang. Và khi Phát vào chơi, giục Đỗ lấy cái túi lớn hỏng giây kéo đem ra chợ Tân Định sưa lại và cả hai tạt vào Brodard như muốn ngồi lâu hơn. Có linh tính như không dễ biết được, Đỗ bảo Phát vậy, rồi ra liệu có còn được ngồi ở đây tọa hưởng nữa không? Nhớ lại lần đi xem phim cao bồi Viễn Tây, phim Bố Già ở rạp Rex vào buổi chiếu dành riêng cho báo chí, truyền thanh, truyền hình do Mai Trung Tĩnh rủ rê. Anh ta nói với Đỗ:

– Xem đi, chứ sau này chắc gì còn được xem, tôi có sẵn hai thiệp mời đây.

*

Đỗ không nói ra nhưng trong thâm tâm mỗi người như đã biết trước cả. Còn Phát lại chủ quan cho biết đến giờ chót hãy hay, phi vụ có sẵn, bởi anh là chuyên viên không vận. Có một lần Phạm Bình An trở lại nhà Đỗ lấy cái ti vi gửi, bây giờ phi công không còn là xếp Phi đoàn 516 ở Đà Nẵng, nay được chuyển về đặc trách khu trục. Chàng hoa tiêu, độc thân vui tính, bạn học trung học thời xa xưa ở Hà Nội gặp nhau, chẳng hề bàn chuyện đi đứng, ngẫm dạm ý có gì anh lo lieu. Còn cô Hòa, người hàng xóm, vợ chuẩn úy Tiên làm ở Sở Mỹ nói với Khuê “… em đã có sẵn vé máy bay rồi, có gì ta cùng đi chị ạ…”

*

Một buổi chiều vợ anh đi làm về kể lại chuyện anh Nhàn nhà xuất bản Vàng Son đến Đài phát thanh kiếm nhắn cần gặp Đỗ. Nàng lại quên không nhắn lại, sau Đỗ gặp lại Nhàn mới vỡ lẽ. Có một người Việt gốc Hoa nhờ Nhàn xem có ai quen có thể chở họ qua cổng Phi Long vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tất nhiên hộp bích quy chứa vàng, hột xoàn mang theo lọt qua cổng thì Đỗ sẽ được chia đôi. Chờ mãi không thấy Đỗ ra nhà in gặp, người Hoa kia bồn chồn tìm con đường khác, Nhàn kể lại câu chuyện này, còn tiếc mãi; riêng Đỗ chỉ cười trả lời chở người Hoa kia qua cổng không khó; vì Đỗ không có cơ duyên vì vậy vợ anh được quên đi không báo lại. Và việc này hình như cũng có một Đấng nào định trước, Đấng ấy không cho việc được thành tựu, nên Đỗ không duyên gặp đó thôi. Đỗ chìa lá thư của báo Asia News gửi từ Hong Kong báo tin dự định in một tập thơ của Đỗ, qua bản chuyển ngữ sang Anh dịch giả Đàm Xuân Cận. Trong thư ấy, tòa báo khuyên y như lời khuyên của Husband, ở lại chỉ có thể trở thành công nhân, công việc viết lách chấm dứt.

Nhàn bảo Đỗ dịch thư cho nghe, không tiếc về chuyện tự do tư tưởng hoặc làm công nhân thuần túy này nọ, mà anh tiếc hộp bích quy thoát tay thật quá uổng! Đưa người đi qua cổng là việc Đỗ làm thật dễ, như có lần Đỗ đưa Nhàn vào Câu lạc bộ Mây Bốn Phương Trời, thì có ai ngăn lại hỏi giấy tờ đâu? Nhàn biết rất rõ gia đình Đỗ hàng ngày chỉ đủ hai bữa cơm rau, có sữa cho con là may rồi, làm gì có tiền dư; nên thấy công việc dễ làm này Nhàn giới thiệu cho Đỗ. Nói đúng hơn thì ngay từ đầu tháng ba này, đời sống gia đình Đỗ khá hơn lên một phần; hàng tháng có thêm một trăm ngàn đồng, tiền trả lời của nhật báo Sóng Thần vay tiền làm báo từ giám đốc một công ty tư có tên Việt Nam Kỹ Thuật. Công ty này của Ngơi thầu việc xây cất, thiết kế điện nhà. Có một buổi gặp nhau, bây giờ anh có thêm vợ mới ở cùng gia đình nhà vợ trên dẫy lầu tầng ba đường Trần Quang Khải, đối diện Đình Nam Chơn. Vốn đầy văn nghệ tính mà Đỗ biết về Ngơi, là từ khi anh thuê nhà mẹ anh ta ở Lý Thái Tổ vào năm trước 60. Nay gặp lại Đỗ, Ngơi hỏi về tình trạng tài chính của nhật báo Sóng Thần, gợi ý nếu Đỗ gặp Uyên Thao hỏi xem cần vay vốn thì Ngơi sẽ cho mượn một triệu đồng với lời hai mươi phần trăm. Và trong số nửa phần trăm ấy, Ngơi tặng Đỗ để bù vào ngân quỹ gia đình eo hẹp. Khi ấy Uyên Thao làm tổng thư ký tòa soạn, thay mặt chủ nhiệm Nguyễn Thị Thái nhận tiền; hàng tháng Đỗ thay mặt chủ nợ Ngơi đến thâu lãi. Và lần này đột nhiên khi cầm trong tay hai trăm đồng từ nơi ban trị sự, Đỗ có cảm giác như đây là lần cuối.

*

Tin chiến sự bắt đầu đè nặng đến tỉnh Tuyên Đức, vợ Đỗ bồn chồn nghĩ đến ông bà ngoại, các em còn mắc kẹt ở ĐàLạt. Khuê đưa ra ý kiến, nếu di tản, thì đi phải có cả gia đình bên ngoại; để sang nơi đất khách quê người luôn có người thân thích bên cạnh nhau. Đỗ chưa biết tìm cách nào để biết ngày nào có chiếc máy bay C 130 bay lên Cam Ly; Đỗ sẽ theo đi để đón gia đình bên ngoại; vừa đúng lúc Phát đến chơi báo:

– Này ông ơi, 6 giờ 30 sáng mai 31 tháng ba; một chiếc C 130 do trưởng phi cơ Phương bay chuyến SGN-DLT-NTR-SGN, thế nào ông có tháp tùng không? Và đây là chuyến chót bay lên trên đó, thiếu tá Chu Bình Phương lên đón vợ con ông ta luôn thể.

Đỗ gọi Khuê lên báo tin này thì Phát nói ngay với vợ Đỗ:

– Hình như anh phi công Cargo này là dân Đà Lạt cùng học lớp đệ nhất với chị ở Trần Hưng Đạo, phải không chị?

Khuê gật đầu và biết tin này vui ra mặt, thì vừa lúc đó có một khách gọi cửa, Khuê nhìn ra ngoài bắt gặp Dũng, phi công A37 từ Đà Nẵng vào chơi. Thời gian quen biết viên phi công trẻ tuổi chưa lâu, thân người gầy gầy, nhưng lái máy bay oanh tạc lại thật cừ khôi. Mỗi khi Dũng về Saigon thường ghé ăn, ngủ tại nhà Đỗ. Dũng báo tin cho biết lý do bay gấp từ Đà Nẵng vào, vì vợ anh hiện là y tá làm ở Trung tâm Đa khoa Đà Lạt cùng đứa con nhỏ kẹt trên ấy. Vợ Đỗ báo tin cho Dũng biết mai có chuyến bay C 130 lên Đà Lạt, Dũng mừng quá “… để em đi với anh, em đón vợ con em; còn anh đón gia đình ngoại luôn thể. Thật là may! Vì chuyến này em về cũng chưa biết ccó cách nào đón vợ con em. Chị biết không, vì em lái máy bay chỉ chở người yêu là bom thôi chị ạ…” Vợ Đỗ giục hai anh em đi ngủ sớm, để sáng mai không thể để trễ chuyến máy bay cuối cùng thật quí giá này!

*

Sáng hôm sau ra phi đạo, phi công Dũng mặc bộ đồ bay mầu olive, đầy đủ huy hiệu Tổ quốc không gian phía tay trái; huy hiệu Phi Hổ 516, dao, súng, áo lưới chùm ngoài-đây là loại áo đựng thuốc men, có cả lưỡi câu, mồi nhử cá, kiểu survival jungle, cho dầu ngoài biển cả hay trong rừng sâu vẫn có thể tự cứu mình sống sót. Đỗ mặc quần áo trận, trên nắp túi trái là tên, bên phải có hàng chữ Báo chí-Press để được hưởng ưu tiên di chuyển, phi công Dũng nói đùa, chúng ta ăn uống ở dưới đất, làm việc ở trên trời, em mặc đủ đồ nghề để xin “pắc” cho dễ”. Trưởng phi cơ xưa nay vốn là vua con mà anh”. Hai người tìm được chiếc máy bay C130, rồi gặp ngay trưởng phi cơ Phương thì mừng hết lớn. Đỗ cho Phương biết lý do hai người xin “pắc” đi Đà Lạt và Phương đáp: “Thôi mời chư vị lên là vừa rồi. Thử tua xong là bay liền”.

*

Ngồi trên phi cơ khổng lồ, Đỗ nghĩ đến phi công người Việt Nam nhỏ thó, nhìn họ de vào ụ như là lái chiếc xe gắn máy quẹo trái, phải hoặc như lái xe hơi bốn chỗ tiến, lùi, thật nhịp nhàng. Đỗ và Dũng không ai nói với ai; im lặng dành để suy nghĩ việc đi đón người nhà cách nào cho thật trôi chảy. Cái khó là phải bỏ nhà cửa, đem cái gì theo, bỏ lại cái gì, còn nữa, chó, mèo là vật thân thương trong gia đình bỏ nó lại thật khổ tâm, không dễ gì mà xa nó cho được. Đỗ sẽ nói, với ông bà cụ là bỏ của chạy lấy người; đó là ưu tiên số một rồi lại phải ra sân bay đúng giờ, tốt hơn là trước giờ trưởng phi cơ đến. Một khi đến chậm bị bỏ lại thật khốn đốn; hơn nữa đây là chuyến bay đặc biệt cuối cùng lên Đà Lạt, Đỗ chắc mẩm rằng đưa điểm này ra thuyết phục ông bà ngoại chắc thành công.

*

Bỗng dưng có tiếng ồn ào ở phía dưới máy bay, cơ phi chạy lại báo trưởng phi cơ An ninh sư đoàn đến kiểm tra phi cơ rời phi đạo. Là cuộc kiểm tra đột ngột, thường thường ít khi xảy ra, nếu không có tin báo đặc biệt. Có thể vì tình hình nghiêm trọng nên mới có sự vụ này, trưởng phi cơ mời chúng tôi rời băng ghế, nét mặt buồn thiu nói :

-Tôi rất tiếc phải thông báo với quí vị là ai đi pắc thì không the cùng đi. Còn ai có lệnh di chuyển thì mở hành lý cho khám xét, nếu An ninh yêu cầu. Anh Đỗ ạ (quay sang phía Dũng và Đỗ) đến nước này tôi cũng đành chịu, mong các anh thông cảm.

Đỗ và Dũng rời phi đạo xách hành lý về nhà, báo nàng buồn xo về việc bất khả kháng này. Đỗ giải thích xin đi pắc gây rắc rối cho trưởng phi cơ, một khi An ninh có mặt; Đỗ an ủi vợ như vậy, vì nàng rất có hiếu với bố mẹ.

*

Có tin từ những người ở Đà Lạt thoat về Sài Gòn kể lại, đa số dân thành phố này chạy xuống Nha Trang theo đường Đà Lạt-Phan Rang. Kể từ mùng 3 tháng tư, người người nườm nượp bồng bế nhau thoát thân, nơi tạm trú đông nhất là Phan Rang.

Đỗ tìm gặp Phát vào ngày 15 tháng tư để hỏi xem có cách nào theo máy bay ra Phan Rang để dò tìm tin tức bên ngoại có di tản đến đó không? Thì buổi tối, tiếng kèn xe Vespa Phát đến. Vào đến nhà, tay cầm lệnh di chuyển đi Phan rang vào ngày 16 tháng tư. Đỗ nói với vợ, đây là cơ hội tốy nhất đi tìm gia đình bên ngoại. Đỗ ra ngay Trạm Hàng Không Quân Sự Saigon, đó là Air Terminal cũ của Huê Kỳ giao lại cho Không quân Việt Nam, sau ngày ký hiệp định ở Paris 1973. Và Mỹ rút quân về nước, cuộc chiến thay màu da thực sự đi vào thực tế. Khi thấy Đỗ, một quân nhân của Trạm quen biết Đỗ nhận lệnh di chuyển, bèn dằn giọng hỏi:

– Này nhà báo Lý Tưởng có điên không đó?

Đỗ lắc đầu, thì anh tiếp:

– Người ta chạy về Sài Gòn thì không được, nhà báo có nhìn thấy cảnh nhộn nhịp ở đây không; người ta đưa thân nhân theo chuyến bay Galaxy đi Phi, Thái, Honolulu, Hawai.. còn ông lại chui đầu vào máy bay đi Phan Rang, nơi này chỉ ngày một, ngày hai sẽ bị thất thủ. Phan Rang đặt dưới quyền chỉ huy tướng tiền phương Nguyễn Vĩnh Nghi, chuyến mai này nhà báo đi sẽ đi cùng với lính Dù ra ngoài ấy thay cho Biệt động quân về hậu cứ. Quân nhân Trạm Hàng kể cho Đỗ nghe cảnh có một không hai, một anh lính Kỹ thuật Không quân ở Đà Nẵng chưa hề học lái trực thăng H34 một ngày nào lái thay cho một phi công đại úy bỏ máy bay chạy lấy người ở Phi trường Phù Cát. Đó la thảm cảnh binh lính đu cả trên hai càng máy bay đông quá, thường ra chỉ chở được dưới một tiểu đội lính Huê Kỳ với quân trang, vũ khí thì nay chở lính Việt Nam ít kí lô hơn lại chở ba chục là quá mạng; còn đằng này họ bu theo, tính sơ sơ trên không dưới ba mươi tên còn đếm được ở bãi đậu Sài Gòn. Ấy là không kể người bị rơi rờt dọc đường, vì du theo càng máy bay quá mệt không chịu nổi với gió bạt ngàn lùa thổi mạnh như cơn phong ba.

Đỗ tra lời quân nhân cầm lệnh di chuyển của anh:

– Cứ ghi tên vào danh sách để tôi đi.

Anh ta chép miệng cầm lấy bút, ghi, qua nét mặt buồn rượi cảm thông cho số phận thật mỏng manh của Đỗ hơn Đỗ cảm nhận được!

*

Sáng hôm sau Đỗ bước lên phi cơ C130 bay Phan Rang, trạm đầu tiên đáp xuống Biên Hoà để nhận lính Du. Nhìn cách ăn mặc quần áo xộc xệch, tinh thần sa sút hiện rõ lên khuôn mặt. Đỗ nghĩ tới thân phận anh, một khi cùng họ bay đến đó không biết có còn cơ hội trở về nữa không? Tuy nhiên đã quyết định, như giờ này đây đã leo lên lưng cọp, chẳng còn cơ hội leo xuống; Đỗ cứ bước mạnh dạn lên ngồi theo hàng chen chúc ở sàn máy bay. Chẳng còn thảnh thơi như xưa, ngồi vào ghế vải dọc theo hai thân máy bay, bởi khoảng giữa bụng thường để chở xe tăng hoặc khí tài quân sự. Quả thực C130 được gọi là Hercule cũng đúng, chiếc xe tăng M48 nặng nề mà hai động cơ bán phản lực của C130 cất cánh ngon lành. Từ phi trường Biên Hòa nhìn xuống dưới đất, cảnh thanh bình như chẳng có gì là chiến tranh khốc liệt. Kìa giải đồi vẫn xanh, này vườn cây ăn quả vẫn trĩu trái, còn cánh đồng lúa đang vào thì con gái xanh mơn mởn ngọn lướt theo nhau qua chiều gió thổi.

*

Máy bay đáp xuống phi trường Phan Rang an toàn, bạn bên cạnh cho biết nếu muốn ra phố tìm người nhà, không thể không mặc quân phục treilli, bằng không chẳng tài nao xuất trại được. Chỉ còn một cách thuê xe ôm ra phố là gọn, nhất. Bây giờ lúc dầu sôi lửa bỏng, Đỗ nhớ lại vẫn mặc đồ dân sự; chứ không như có lần trung tá họa sĩ Tạ Tỵ đưa anh vào thăm đại tá làm thơ Cao Tiêu, cục trưởng Tâm lý chiến, bị ông ta hạnh họe. Nào là giờ hành chánh, hạ sĩ quan, binh sĩ thì nhất định trăm phần trăm không được phép mặc dân sự. Thì bây giờ đây, chẳng cần đại tá kia khuyên thế này thế no, vẫn phải mặc bộ quân phục dày mo bên mình, bằng không không thể xuất trại. Có đôi ba chiếc trực thăng HUIB lượn quanh khu quân sự quanh quanh phi trường. Còn lính tráng, từ tướng tới lính bây giờ đây mỗi người như đội một khối đá lớn trên đầu. Bây giờ lính KQ không còn cảnh vui, tếu nhộn như xưa, nét mặt lầm lì, chỉ nói năng khi thật cần thiết. Đỗ ăn bữa trưa dã chiến, bánh mì chả anh mua từ phi trường Biên Hoà, sẵn bi đông cà phê, cả gói Lucky strike bên mình, ôi thôi một bữa cơm trưa đầy thú vị ở nơi gió cát đầy không khí ngột thở chiến tranh sắp tới hồi kết thúc, qua bom nổ bốc khói mịt mù ở chân trời. Đến xế trưa, một trực thăng HUIB đáp xuống, một VIP như là tướng Lục quân nào có vẻ tầm cỡ Tham mưu trưởng Liên quân thị sát phi trường Phan Rang. Đỗ thấy có tướng Không quân đi cùng tướng ba sao, nói với nhau bằng tiếng Pháp: “…il faut abandonner champ de bataille..”. Ngay sau đó tướng Lành KQ nhìn thấy Đỗ, vẫy lại hỏi đi đâu hẹn giờ cùng về Sài Gòn luôn thể. Tướng Không quân này rất thích thơ Hàn Mặc Tử, đọc luôn: “… Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà..”, nói tiếp: “… Ở đây không có ý thơ lãng mạn đâu, chỉ có khói nhân ảnh chiến tranh mờ mịt. Ông nhớ về Sài Gòn cùng tôi chiều nay nhé”.

*

Đỗ cảm ơn, gật đầu và lại thuê xe ôm ra phố tìm gia đình ông bà ngoại. Đi tìm người nhà chẳng thấy, đanh trở lại phi trường Phan Rang tìm chiếc C130 sáng nay vẫn còn nằm trên đường băng. Trưởng phi cơ thấy Đỗ quen mặt buổi sáng, vẫy Đỗ lại cho hay máy bay sắp cất cánh trở về Biên Hòa, lấy tay chỉ ra xa xa phía chân trời, từng cụm khói đen từ hỏa tiễn đối phương bắn vào rớt ở vòng đai phi trường, cũng có ít trái rớt xuống biển.

Máy bay cất cánh lượn một vòng cao rồi hướng thẳng bay về Biên Hòa. Buổi tối hôm ấy, không còn chiếc nào bay về Tân Sơn Nhất, Đỗ đành ngủ lại đây một đêm.

Chợt nhớ ra ở đây, bạn anh là Cận có ngưới bạn gái, cô Ngọc y tá làm ở bệnh viện, đã từ lâu không gặp. Tuy Đỗ vẫn nói Ngọc là bạn gái của bạn mình; nhưng thật ra Đỗ giấu hẳn có nhiều đêm phóng đãng chung chăn gối với nàng. Khúc phim dĩ vãng lan tỏa mờ mịt tâm trí , từ từ quay lại từng khúc si mê. Một buổi đi uống cà phê ở Nhà hàng Việt Mỹ có cả Ngọc, Cận, Phát, và Đỗ. Nàng là y tá một bệnh viện mạn Lục tỉnh, mỗi lần về Sài Gòn, thường ngủ lại nhà bà con ở Vườn Chuối, rủ Cận đi chơi. Phát, Đỗ và Cận thân nhau, Cận rủ luôn cả Ngọc cùng đi chung. Ngọc là một cô gái duyên dáng mặn mà, đa tình, biết gợi ý cho đàn ông biết điều nàng cần. Uống cà phê xong, nàng nói với Cận sao đó, rồi Cận nói với Đỗ:

– Anh chở Ngọc về nhà bà con cô ấy, và tôi ngồi sau xe Phát. Để hôm nào Phát làm xong Lệnh di chuyển đi Cần Thơ thì anh đến đón giùm.

Quay sang Phát, Cận hỏi:

– Anh lấy chuyến máy bay buổi chiều cho cô ấy dễ đi hơn, chứ buổi sáng sớm vào phi trường lập cập lắm.

– Máy bay đi miền Tây sớm lắm, hay là anh Đỗ biết nhà thì ra đón cô ấy vào là tiện nhất.

– Được rồi, bây giờ đi Cần Thơ gần hai trăm cây số cũng phải đi máy bay cho an toàn; thực ra đi xe hơi là sướng nhất, à mà cho đi chuyến mấy giờ sáng? Đỗ hỏi.

– Năm giờ sáng, ông ơi. Mà phải đến từ bốn rưỡi sáng làm thủ tục ở Trạm Hàng Không Quân SựPhát trả lời, hay là vào trong nhà anh Đỗ ngủ rồi đỡ lập cập.

Cận quay sang Ngọc:

– Cô có chịu không, để tôi vào nói với chị Đỗ cho ngủ nhờ.

Ngọc gật đầu. Và Phat bảo Cận:

– Anh vào gặp chị Khuê xin cho cô Ngọc ngủ nhờ để tránh cho anh Đỗ khó xử.

Ngọc ngồi phía sau xe gắn máy rất tự nhiên, ngồi sát Đỗ; bộ ngực tròn, nẩy nở chà sát lưng gây cho anh cảm giác nhột nhạt. Anh phóng nhanh và thắng gấp, thì bộ ngực lại chà sát mạnh hơn, và Ngọc vỗ vai; đưa mặt ra phía trước nói với Đỗ:

-Có khi nào anh lái xe chở chị ấy cũng thắng gấp như vậy “hôn” ? Chạm vào da thịt anh, người muốn bủn rủn hết đây ne!

Đỗ không trả lời thẳng ngay câu hỏi của Ngọc; nhưng lòng cũng bủn rủn. Đỗ không biết rằng tình bạn của Ngọc đối với Cận ra sao, Đỗ nghĩ bụng, giá bị nàng cám dỗ thì bây giờ khó tránh khỏi. Ngọc lại nỉ non:

-Nghe nói Không quân các anh có một quán cà phê đẹp, thơ mộng tuyệt vời “Mây Bốn Phương Trời”, tối nay đưa đến đó cho biết nghe.

Đỗ gật đầu , thì đúng lúc đó Ngọc ra hiệu vẫy tay dừng xe trước cửa nhà bà con rồi hẹn Đỗ đến đón vào tám giờ tối.

*

Phòng khách nhà Đỗ, ngoài bộ sa lông, bàn ăn, giường ngủ của Đỗ cạnh tủ sách lớn, bìa đóng gáy da mạ chữ vàng, là tác phẩm của nhà văn và bạn bè tặng. Phòng trong kê hai giường lớn, một giường cho bà chị vợ ngủ, nay bà đã dọn đi chỗ khác; còn giường phía trong cùng là của vợ con anh. Khuê bảo chồng:

– Anh để cô Ngọc ngủ ngoài phòng khách có tiện không?

Đỗ sắp đặt trước việc này khi Ngọc và anh ngồi trong quán “Mây Bốn Phương Trời”; khi hai người ngồi đối diện nhau, chân họ phía dưới bàn đã chồng lên nhau, như thoả thuận “tình trong như đã..”. Và trên bàn, đầu Ngọc đã ngả vào vai Đỗ rồi, cả hai chỉ chờ cơ hội thuận tiện mà thôi. Đỗ trả lời vợ:

– Anh ngủ ngoài tiện hơn, đêm trực chiến xong về nhà không làm ai mất ngủ cả. Cô Ngọc ngủ ở giường bác Thư là tiện nhất Khuê ạ.

– Em chỉ sợ ban đêm con khóc cô ấy mất ngủ thôi!

– Tốt nhất là em hỏi ý kiến cô ấy.

Và Ngọc đã chọn ngủ ở giường trong nhà, và cho biết rất dễ ngủ, đặt mình xuống ngủ ngay. “Em là y tá mà chị, em ngủ trực bệnh viện thường xuyên quen rồi”.

Chợt tỉnh, Đỗ được cô y tá trực bệnh viện Biên Hoà cho biết:

– Chàng phi công ơi, bữa nay cô Ngọc không có ở đây. Hình như cô ấy và con trai cô về Sài Gòn rồi.

Đỗ nhớ lại ngay là đêm xưa, khi thức giấc, có người đánh thức và bịt miệng anh lại. Nụ hôn tới tấp và vong ôm da diết để lại hậu quả, sau đó Ngọc sinh được một bé trai rất kháu khỉnh. Rồi có lần Cận đưa cho anh xem tấm ảnh nhỏ khổ 3×4 nói là con Ngọc. Cô ấy không liên lạc thường xuyên với Cận nữa; nhưng bản tính ít nói, thâm trầm, nên Đỗ cũng không biết là Cận có biết rõ chuyện tình tay ba này đến mức nào?

*

Khi đài BBC loan tin buổi chiều tối là Phan Rang đã thất thủ, phi trường này đã lọt vào tay đối phương. Đỗ bàng hoàng, cho đây la dịp may lớn nhất đối với anh; giờ này ở Sài Gòn vợ không thấy chồng về, rồi lại nghe được tin này hẳn lo âu không ít! Đỗ bước vào quán, gọi món ăn hợp khẩu vị, như gọi một ly cà phê đen đậm đặc, hút điếu thuốc để tự thưởng cho bản thân thoát hiểm. Rồi đến phi đoàn trực thăng H34 tìm Đào Vũ Anh Hùng tá túc một đêm. Nhìn thấy cánh mai bạc đã lẻ loi rơi vào mũ ca lô của chàng này hồi nào không biết nữa. Khuôn mặt Hùng đen xạm, nỗi lo âu hằn lên nét mặt, gò má xương xương, gầy guộc. Chẳng nói với nhau được lời nào, chỉ nhìn nhau, thở dài; rồi mỗi người tự tìm quên trong giấc ngủ vùi.

*

Buổi chiều tà 28 tháng tư không dễ quên; bởi từ xa vọng lại còi hụ báo động liên hồi, Đỗ bỏ tờ báo “Chính Luận” đọc dang dở chạy ra; thì biết phi trường Tân Sơn Nhất bị ba chiếc A37 ném bom. Anh phụ trách trông coi súng phòng không lại không về kịp, và trở về chỉ chậm một hai phut gì đó nên phi trường Tân Sơn Nhất bị mưa bom. Đỗ và vợ đồng ý với nhau, ngay từ đêm nay, mỗi khi ăn cơm chiều xong là phải đưa các con xuống hầm ngủ. Ngoài đường, xe cộ nườm nượp chở va li ra Air Terminal để thoát thân ra nước ngoài. Xe hơi, gắn máy, Vespa bị ném bỏ ở ngoài đường, gần phi đạo, nhiều hằng hà sa số! Những chiếc xe này đã hoàn thành xong công việc cho chủ cất cánh bay xa, còn nó thì bị bỏ lại. Cô Hòa, hàng xóm, sang báo tin cho Khuê biết chuẩn bị đi là vừa; “thế nào khuya này cũng phải ra đi thôi”. Những cơn mưa pháo kích đã dội vào sân bay không ngớt. Không còn là đôi ba tiếng oành oành như trước; còn bây giờ thì phi trường mù mịt khói và tai hầu như bị điếc, vì hoả tiễn giội từ ngoài vào. Những đám cháy lớn, máy bay bị trúng hoả tiễn, tạo thành những cột khói đen tỏa ngút bầu trời. Những tiếng kêu “mau mau lên bỏ của thôi” từ xa vang vọng lại. Hai vợ chồng Đỗ bàn với nhau, giờ này đi ra cũng chết, thà nằm lại đây để chờ thì may ra còn sống sót. Khuya đêm, có tiếng cô Hòa gọi báo tin:

– Chị Khuê ơi, máy bay Galaxy không thể đáp xuống được nữa rồi. Nếu ai tìm được phương tiện riêng nào thích hợp thì cứ đi.

Chưa bao giờ hỏa tiễn pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất lại nhiều và liên tục như đêm hôm đó. “Nữ quân nhân trở thành heo quay hết rồi…!” tiếng than khóc như ri. Một trái hỏa tiễn 122 ly rơi vào gần chỗ dẫy nhà trên làm bị thương con trai thượng sĩ Minh Triệu, nhà văn quân đội cùng Khối với Đỗ ở Bộ Tư lệnh xưa. Mỗi lần hoả tiễn nổ, Đỗ như mất hết bình tĩnh, còn vợ anh thì bình tĩnh như không. Nàng đi ra cửa hầm tắt quạt, vì giây điện bị chập, cường độ tăng khiến cho chiếc quạt xưa kia chạy chậm rì, nay kêu vo vo như tiếng máy bay. Qua một đêm, sáng hôm sau hầm trú ẩn của nhà Đỗ vẫn nguyên vẹn. Đỗ lấy chiếc xe Honda chạy ra Air Terminal để xem có chiếc máy bay nào còn cất cánh được nữa không?

Thì một chiếc C119 đang nằm ngoài phi đạo. Nhìn thấy Đỗ, trưởng phi cơ vẫy Đỗ lại và bảo : “.. hãy nhanh nhanh chở vợ con ra đây…”. Đỗ quay về nhà giục vợ con đem theo hành lý gọn, nhẹ; rồi chất tất cả hai vợ chồng và năm đứa con lên đó chạy ra phi đạo trực chỉ tới bãi, nơi có chiếc máy bay đang chờ bốc cất cánh. Nhưng khi tới Air Terminal, từ cổng nhìn vào, thì chiếc C119 kia đang bốc khói vì trúng hỏa tiễn.

Đỗ quay lại bàn với vợ:

– Chúng ta không có cơ duyên ra đi rồi đó em. Hay là chúng ta bỏ ý định này, thay vào đó chúng ta ra Tân Định tạm trú ở nhà chị Hòa vậy.

*

Khuê gật đầu, Đỗ lái xe chở vợ con ra khỏi cổng Phi Hùng. Quân cảnh gác cổng không kiểm soát người đi ra; chỉ khống chế người đi vào sân bay. Nhiều người đi vào nhìn thấy họ đi ra, ngạc nhiên, Vợ chồng anh biết vậy, vẫn trực chỉ ra ngoài phố.. nơi nhà bà chị họ ở 13 Trần Khát Chân, Tân Định. Khi đến cầu Kiệu, một cảnh sát viên giang tay cản lại, Đỗ tưởng chừng sao còn chuyện lạ vậy. Nhưng anh ta cười thân thiện, muốn dò hỏi tin tức:

– Sao xếp lại chở gia đình ra ngoài mà không ở lại để đi? Tôi xin lỗi xếp, sao xếp dại thế; người ta muốn vào Tân Sơn Nhất để đi không được, còn xếp cùng gia đình lại đi ra? Xếp cứ ở trong đó thì sớm muộn gì cũng đi được thôi mà!

Khi gõ cửa nhà số 13, chủ nhân đi ra bắt gặp gia đình Khuê chạy loạn, bà chị họ của Khuê ngạc nhiên không ít; nhưng chị vẫn mở cửa, an ủi:

– Cô chú và các cháu vào nhà đi, hãy dọn vào phòng trong, trải chiếu ra ngủ, nấu ăn và hãy coi như là ở nhà vậy nhé.

*

Buổi chiều 29 tháng tư, một buổi chiều đáng nhớ, cũng khó quên như chiều tối 28 có ba chiếc máy bay A37 thả bom xuống Tân Sơn Nhất vậy. Nhà hàng xóm bà chị họ, số nhà 11 lại đang sửa soạn ra đi bằng tàu thủy ở bến Bạch Đằng. Khuê nhìn chồng, nhìn họ, nói bâng quơ:

– Hai vợ chồng mình chỉ còn vài ngàn bạc tiền Việt Nam trong túi, chỉ một đô la cũng không. Vậy thì có đi, ở giữa đàng, năm con kêu đói, thì lấy đâu ra tien mua bánh mì cho chúng ăn đỡ lòng.

– Đúng thế, thôi thì đành vậy!

*

Buổi trưa ngày 30 tháng tư, một buổi thời tiết đẹp, nắng hanh vàng chan hòa ngoài phố xá. Và từ chiếc radio phát ra vào lúc 11 giờ trưa, Đài phát thanh Sài Gòn loan tin binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà hãy buông súng. Tiếp theo, Đại tướng Dương Văn Minh đọc lời hiệu triệu, giọng thật chậm rãi, lời lẽ ôn tồn; khiến Đỗ là người nghe có cảm tưởng như là ông ngập ngừng đọc lời của chính ông chăng?

Tiếp đến, tiếng động cơ máy bay phản lực F5 rít trên bầu trời Sài Gòn. Đỗ nhìn lên, có dăm ba chiếc bay về hướng tây, nam sang Thái Lan; như gửi lời chào vĩnh biệt.

Đỗ quay vào nhà, Khuê đưa tiền bảo chồng đi mua mấy ổ bánh mì cho con đang khóc kêu la đói bụng./.

 

Sài Gòn, 30 tháng tư năm 2003

THẾ PHONG

 

 


 

 


[1] Du Tử Lê (Sài Gòn 1965)

 

 

©T.Vấn 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét