Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

bài đọc thêm (2) : " nhà văn Trầ n Nhã Thụy : tự bán sách để ... gần hơn với độc giả " / phỏng vấn : Văn Bảy -- nguồn : Thể Thao & Văn Hóa ( 25/ 02/ 2020)

 

Nhà văn Trần Nhã Thụy: Tự bán sách để... gần hơn với độc giả


VĂN BẢY
thực hiện phỏng vấn

Thứ Ba, 25/02/2020 08:17 GMT+7

    (Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Trần Nhã Thụy vừa làm một thử nghiệm thành công: Tự phát hành tác phẩm Ba tao bay ra ngoài cửa sổ & 9 truyện ngắn khác (NXB Hội Nhà văn). Với một cây bút có tiếng tăm, truyện ngắn thường sẽ dễ thu hút các đơn vị làm sách. Vậy, vì sao Thụy chọn hướng này?

    Nhà văn Trần Nhã Thụy “kết model” thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh

    Nhà văn Trần Nhã Thụy “kết model” thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh


    Ngoài viết báo, tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết… ít người biết Trần Nhã Thụy còn là một cây bút trào phúng “ngoại hạng” với các bút danh: Hai Đầu Méo, Ký Giả Lang Thang, Tang Văn Tình.
    “À tôi muốn thử bạn đọc của mình như thế nào, nếu tôi tự in, tự bán thì sẽ bán được bao nhiêu cuốn” - Thụy trả lời.

    * Hẳn trên đây không phải là lý do duy nhất?

    - Đó là lý do gần, ngoài ra còn có lý do hơi sâu xa. Vài năm nay, như anh biết, tôi tham gia vào làng xuất bản, cho nên cũng hiểu nhiều chuyện mà trước đây mặc dù làm phóng viên chuyên viết mảng sách, tôi cũng chỉ hiểu một cách đại khái.

    Thực ra, sách văn chương rất khó bán. Trong khi đó để đầu tư cho một đầu sách với số lượng chừng 1.000 - 2.000 bản, thì đơn vị làm sách phải bỏ ra từ 50 tới 100 triệu đồng, gồm cả tiền xin giấy phép, biên tập, thiết kế, in ấn, tiền tác quyền. Nếu muốn thu hồi vốn và kiếm lời chút đỉnh thì phải bán hết chừng ấy sách. Và cũng cần nói thêm, chiết khấu phát hành hiện nay là 50% giá bìa, do vậy mà không “dễ ăn” như nhiều người tưởng.


    Cho nên, mặc dù bản thảo của mình cũng không đến nổi khó “gả”, tôi vẫn không muốn làm gánh nặng cho ai đó. Hơn nữa tôi cũng không muốn ràng buộc hợp đồng - thông thường là 5 năm, một thời gian khá dài. Tự mình làm thì tôi có quyền chủ động theo ý của mình. Cũng may là cuốn sách đầu tiên tự làm này, tôi nhận được nhiều lời khen từ độc giả, để có thêm chút tự tin rằng sau này có thể tiếp tục tự làm sách của mình rồi đi bán.

    Chú thích ảnh
    Nhà văn Trần Nhã Thụy

    * Đến nay anh đã bán được bao nhiêu bản?

    - Do tôi xin giấp phép 500 bản, nên đã cho in đủ 500 bản, hiện bán cũng gần hết rồi. Thực ra thì sau Tết, do tình hình dịch cúm ảnh hưởng nặng nề tới đời sống sinh hoạt nên tôi cũng gần như ngưng việc bán sách.
    Như đã nói, mục đích tôi bán không phải là để kiếm tiền hay làm giàu gì cả. Tôi trực tiếp bán sách là để có thể chạm gần tới độc giả của mình. Thực tế thì có người chuyển khoản trả cao hơn giá bìa, nhưng cũng có nhiều người nhận sách rồi mà… quên trả tiền (cười). Nhưng tôi sẽ không đòi đâu. Có nhiều độc giả dễ thương lắm, nhận sách rồi, họ nhắn tin hỏi tôi số tài khoản, nhưng tôi chậm nhắn lại, hoặc quên nhắn, họ bảo tôi sao bán sách mà có vẻ không cần tiền. Thực ra, cái mình cần là người đọc, chứ không phải là tiền. Anh không biết chứ người giàu thì luôn cần tiền, còn người nghèo như tôi thì thỉnh thoảng mới cần tiền (cười).

    * Từ việc bán này, anh nghiệm ra điều gì về mối quan hệ giữa tác phẩm văn chương và đời sống hiện nay?

    - Như đã nói từ ban đầu, việc bán sách của tôi còn xuất phát từ một suy nghĩ nghiêm túc: Tôi muốn mọi người hãy bỏ tiền ra mua sách về đọc thay vì bắt tác giả phải tặng. Thói quen đọc sách không thể có nếu như không có thói quen mua sách. Nhiều năm qua, tôi thấy rất nhiều tổ chức làm công việc tặng sách, nhưng tôi có cảm giác việc làm này không thành công ở khía cạnh nâng cao văn hóa đọc. Nếu người ta không cần sách thì dù có để sách trước mặt họ cũng thờ ơ. Còn nếu cần thì họ ắt phải tìm mua. Suy nghĩ ấy có thể đúng hoặc sai, nhưng thực tế nhiều năm nay, nếu thấy bạn văn ra sách thì tôi tự động đặt mua mà không chờ đợi tặng nữa. Khi mình chủ động bán sách thì mình thấy vấn đề không phải là tiền. Độc giả nếu thích thì giá cả không thành vấn đề. Bởi thực ra sách luôn rẻ.
    Chú thích ảnh
    Tập “Ba tao bay ra ngoài cửa sổ & 9 truyện ngắn khác” của Trần Nhã Thụy

    * Vậy thì, nếu chỉ còn có 50 độc giả thực sự muốn đọc anh, anh có tiếp tục viết không? Tại sao?

    - Nhà văn Heinrich Boll có viết một cái truyện khá hài hước có tựa là Đi tìm độc giả. Truyện kể về một nhà xuất bản lập một chiến dịch truyền thông cho một nhà văn tài năng. Nhưng tiếc là sách của nhà văn này chỉ in ra vài chục bản. Do vậy mà nhà xuất bản nọ mở một cuộc thi Đi tìm độc giả. Khi sách phát hành, nếu độc giả nào gửi thư về nhà xuất bản thì sẽ nhận được “combo quà tặng” là một vé tàu lửa về thành phố, được ở một đêm ở khách sạn và thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn với nhà văn.
    Thế rồi, sau nhiều ngày, cuối cùng họ cũng tìm ra được một độc giả. Theo đúng kịch bản, tác giả và độc giả gặp nhau. Thế nhưng, có một sự éo le không nhỏ là độc giả này cũng chính là một tác giả, hay nói đúng hơn là một người đang tập viết văn. Ông ta mang bản thảo tới nhờ nhà văn nổi tiếng kia đọc để góp ý giùm.
    Nhà văn nổi tiếng khuyên độc giả là đừng làm mất đi “tính độc đáo” của mình, tức bấy giờ, làm độc giả mới là độc đáo, chứ làm tác giả thì quá bình thường, hơn nữa khi để “lộ diện” mình là tác giả thì sẽ bị mất giải thưởng. Nhưng ông người đọc kia vẫn khăng khăng, vì cái ông muốn thành là tác giả chứ không phải là độc giả.

    Truyện này hình như được viết từ những năm 1940, nhưng tới nay tôi thấy tinh thần và tính hiện thực của nó vẫn còn nguyên. Như xung quanh tôi đây cũng đầy những tác giả, có lẽ ai cũng muốn người nào đó là độc giả chứ không phải là mình.
    Nhà văn viết trước hết là vì mình cho mình rồi mới nghĩ tới độc giả. Nếu chỉ có 50 độc giả, tôi còn viết không? Tôi nghĩ là vẫn còn. Nhưng sẽ hạnh phúc hơn nếu 50 người này thuần túy là người đọc, còn khi tất cả họ đều có “âm mưu” trở thành tác giả thì đâu còn gì độc đáo nữa (cười).
    Chú thích ảnh
    * Nói sứ mệnh thì sợ sáo rỗng, nhưng theo anh thì vì sao nhà văn phải viết?

    - Mỗi nhà văn, có lẽ đều có một quan niệm về nghề. Có người bảo khi sống họ cảm thấy mắc nợ. Nợ dân nghèo, nợ quê hương…, họ viết để đấu tranh hay truyền tải những thông điệp nhân văn nào đó. Còn tôi thì sao? Thành thật mà nói thì tôi không có những quan niệm to tát như vậy.
    Anh hỏi vì sao nhà văn phải viết? Đơn giản, nếu không viết thì đâu phải nhà văn. Nhà văn, bằng khả năng ngôn ngữ của mình, là người kể chuyện, mang đến cho người đọc những câu chuyện khiến họ thích thú, làm họ xáo trộn, dẫn họ vào những vùng cảm xúc rất con người… Nói như Sándor Márai thì nhà văn là những người thợ kim hoàn, là những người lao động chữ một cách công phu nhất. Tôi nghĩ nhà văn không phải là nhà đạo đức, mà là người phàm trần.

    * Có tác phẩm nào mà anh đang ấp ủ hoặc viết rồi mà chưa in?

    - Tôi đang có vài ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết mới. Những ý tưởng này cứ thay đổi liên tục nên chưa thể nói trước được gì. Nhưng, có lẽ tôi sẽ viết một cuốn với chủ đề thiện và ác. Tôi là người rất thích cuốn Của chuột và người của John Steinbeck. Có lẽ tôi sẽ “bắt chước” viết một cuốn như vậy. Tiểu thuyết mỏng nhưng chuyện có vẻ dông dài và kỳ khôi.  ./.

    * Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
    Văn Bảy (thực hiện)

    ===================

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét