Là nữ nhà báo chiến trường, gắn bó với những năm tháng ác liệt mà hào hùng, Lệ Thu trở về đời thường vẫn một lòng sắc son với Đảng và Nhân dân. Ở tuổi 78, bà vẫn miệt mài viết lách và dõi theo từng bước chuyển mình của quê hương, đất nước trong thời đại mới.
-là nữ nhà báo chiến trường, gắn bó với những năm tháng ác liệt mà hào hùng, Lệ Thu trở về đời thường vẫn một lòng sắc son với Đảng và Nhân dân. Ở tuổi 78, bà vẫn miệt mài viết lách và dõi theo từng bước chuyển mình của quê hương, đất nước trong thời đại mới.
Từ trang nhật ký hào hùng…
Tình cờ đọc cuốn Nhật ký nữ nhà báo chiến trường (Lệ Thu), trong tôi dâng lên một niềm xúc động, tự hào về một thế hệ nhà báo anh dũng trong những năm tháng kháng chiến ác liệt. Họ đã hy sinh tuổi thanh xuân, tình cảm riêng tư để thực hiện sứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, nắm bắt từng khoảnh khắc, tình hình chiến sự để kịp chuyển tải thông tin, cổ vũ tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà của quần chúng nhân dân Việt Nam.
Như những thước phim sống động, cuốn Nhật ký nữ nhà báo chiến trường (tác giả Lệ Thu - Nxb Quân đội Nhân dân, năm 2015) ra đời đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015) đã tái hiện đầy chân thực về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Nhật ký có độ dày 300 trang, gồm 7 phần chính: Đường về, Sống ở Trường Sơn, Xuống đồng bằng, Với quê hương Bình Định, Chiến dịch mùa Xuân 1975, Má về từ nhà lao, Hạ cánh xuống sân bay.
"Cuốn nhật ký này tôi đã cất giữ 40 năm nay, nghĩ nó chỉ là những kỷ niệm buồn vui của riêng mình. Nhưng giờ đây, bỗng nhiên tôi muốn nó được đến với mọi người, để những sự tích anh hùng của những trái tim đau thương, những tâm hồn cao cả ấy được lấp lánh giữa cuộc đời, được sống mãi với thời gian, không bị ai lãng quên, không bị ai làm hoen ố!", nhà báo Lệ Thu tâm sự.
Nữ phóng viên chiến trường chia sẻ: "Bản thân tôi cũng là một nữ nhà báo, trực tiếp kháng chiến và sống trong ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nên tôi hiểu rõ lý tưởng, phẩm chất tốt đẹp và cả những hy sinh, mất mát mà những người chiến sĩ cách mạng đã trải qua".
Cuốn Nhật ký được ghi lại trung thực một phần rất nhỏ về đời sống gian truân, cơ cực nhưng dũng cảm, phi thường của đồng bào và chiến sĩ ta trên mảnh đất miền Trung (đặc biệt là Bình Định) vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tất nhiên, đây cũng là một "lát cắt" của chính cuộc đời tôi và một số bạn bè, đồng đội từng có mặt nơi chiến trường trong những năm tháng khốc liệt ấy.
- nhà báo Lệ Thu ở chiến trường
Bà bồi hồi xúc động:
"Chiến tranh chẳng có gì vui, nhưng Tổ quốc thoát khỏi nạn xâm lăng, đồng bào thoát khỏi sự xa cách chia lìa, đất nước hòa bình thống nhất... là hạnh phúc vô biên, là niềm vui bất tận của cả dân tộc và của mỗi cuộc đời, trong đó có cuộc đời tôi và cha mẹ, gia đình tôi".
Cuốn Nhật ký không chỉ đóng vai trò là những "thước phim" ghi lại một thời kháng chiến gian khổ, ác liệt, hào hùng. Không chỉ dừng lại ở việc ngợi ca và đồng cảm với những trang đời, số phận. Mà vượt ra khỏi vòng quá khứ ấy là mong muốn thiết tha, kêu gọi mọi người hãy cùng đọc, cùng suy ngẫm và biết tôn trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử, tôn trọng nền hòa bình, độc lập hôm nay. Từ đó, sống tốt, sống ý nghĩa hơn, góp phần vào sự đổi thay của quê hương.
… đến chân dung bình dị đời thường
Lệ Thu tên thật là Trần Lệ Thu (sinh năm 1940, tại xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, Bình Định); hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 1964-1972, làm phóng viên, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1973-1975, làm phóng viên, biên tập viên Đài phát thanh Giải phóng. Năm 1992-1997, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, là Đại biểu Quốc hội khóa IX. Lệ Thu 2 lần đoạt giải A Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu.
- nhà báo Lệ Thu vẫn miệt mài sáng tác và gặt hái nhiều thành công ở tuổi xế chiều.Nhà báo Lệ Thu vẫn miệt mài sáng tác và gặt hái nhiều thành công ở tuổi xế chiều.
Tác phẩm đã xuất bản của Lệ Thu: Thơ Xứ sở loài chim yến (Nxb Văn học Nghệ thuật Nghĩa Bình), Niềm vui cửa biển (Nxb Tác phẩm mới - 1983), Hương gửi lại (Nxb Tác phẩm mới- 1990), Nguyện cầu (Nxb Văn học - 1996), Tri kỷ (Nxb Hội Nhà văn - 2000), Khoảng trời thương nhớ (Hội VHNT Bình Định), Đến với thơ Lệ Thu (Thơ tuyển và lời bình - Nxb Thanh niên - 2000), Mây trắng (Nxb Văn nghệ Tp.. Hồ Chí Minh - 2006), Tri âm của đất (Nxb Hội Nhà văn- 2009), Điềm đạm Việt Nam (Nxb Văn học - 2014), Nhật ký nữ nhà báo chiến trường (NXB Quân đội Nhân dân - 2015).
Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, nhận xét: "Lệ Thu là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ tài hoa và giàu tâm huyết. Chị xứng đáng là tấm gương sáng để thế hệ trẻ cầm bút hôm nay noi theo và học tập".
Ở vào cái tuổi ngoại thất thập cổ lai hy, nhà báo, nhà thơ, nhà văn Lệ Thu vẫn miệt mài trên từng trang viết. Cái tên Lệ Thu đã được in sâu trong trái tim mọi người không phải chỉ dừng lại bởi tài năng, tâm huyết của một cây bút tài hoa mà còn bởi lối sống thanh bạch, bình dị, gần gũi của mình.
Giữa những ngày cuối tháng 5 lịch sử, dưới tiết trời oi ả, chúng tôi tìm gặp nữ nhà báo chiến trường Lệ Thu bằng niềm ngưỡng mộ, mến yêu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở đường Trần Văn Ơn (Tp. Quy Nhơn), nhà báo Lệ Thu vui vẻ kể về những kỷ niệm oanh liệt của một thời khói lửa đạn bom. Mỗi nhà báo như một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Dẫu thời chiến hay thời bình thì nhà báo cũng phải trau dồi ngòi bút của mình với tất cả ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Làm báo đã khó, để làm nhà báo chân chính càng khó hơn. Nhân dân cần sự trung thực, dũng cảm của nhà báo trước những vấn đề thời sự. Đồng thời, nhà báo cần vốn tri thức và thực tế để có những bài viết sinh động, đứng vững trong lòng bạn đọc.
Nhấp ngụm trà, bà nói tiếp:
"Thế hệ nhà báo chiến trường chúng tôi đầy ắp những khó khăn nhưng chứa chan nghĩa tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân. Vợ chồng tôi đều là phóng viên thời chiến, công tác cùng đơn vị nhưng vì điều kiện công việc nên ít khi gặp nhau. Thời ấy không có điện thoại di động như bây giờ nên mỗi khi đi công tác mà vợ hoặc chồng chưa về là chúng tôi viết thư để lại. Nhiều khi phải đi xe đạp hàng trăm cây số nhưng vẫn không quản ngại vất vả, gian nan và cả những hiểm nguy rình rập. Thời gian mỗi chuyến công tác thường kéo dài một tuần để cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đồng bào, chiến sĩ thì mới có thể khai thác thông tin sâu sát được".
Là nữ nhà báo, đôi khi cũng gặp những khó khăn nhất định. Nhưng bằng tình yêu nghề, ý thức trách nhiệm của người cầm bút nói riêng và con dân của Việt Nam vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc nói chung; Lệ Thu đã gác lại tình riêng, mang theo nỗi nhớ con da diết, toàn tâm toàn ý vào từng trang viết, phản ánh kịp thời những sự kiện, tin tức chiến sự và phát hiện, nêu gương những gương điển hình, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân và dân ta.
Ở Lệ Thu hội tụ "4 nhà" (nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị) mẫu mực nên hầu hết những ai có dịp tiếp xúc, gặp gỡ bà đều đọng lại trong tim một hình ảnh Lệ Thu điềm đạm, sâu sắc, tinh tế. Dẫu ngoài tuổi 70 nhưng bà vẫn minh mẫn, dẻo dai, dành trọn tình yêu của mình vào công việc viết lách.
Lệ Thu luôn tâm niệm rằng, trước khi làm chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, phải học cách làm người. Bà luôn trân trọng, nhắc nhở cháu con giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. "Hòa nhập nhưng không hòa tan". Người cầm bút phải biết đấu tranh với cái xấu, bảo vệ nhân dân, bảo vệ những điều hay lẽ phải, hướng đến một xã hội tốt đẹp, vì một Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh, giàu mạnh.
Những vần thơ bất hủ của bà vẫn đau đáu một niềm thương:
"Anh cứ viết cho mình
cho tuổi bảy mươi
dẫu là rượu
dẫu là thơ
dẫu vệt máu Trường Sơn
hay dòng sông phủ tuyết
anh cứ viết cho mình
cho một thuở ta yêu.
Thời của ta không lý sự nhiều
chỉ biết hy sinh cho những gì ta coi là lẽ sống
chỉ biết yêu thương
thật thà
khiêm tốn
nhường nhịn nhau
không vơ vét, lọc lừa…
Anh cứ viết cho mình
đừng chối bỏ nhân dân
đừng chối bỏ tình yêu
đừng chối bỏ những gì ta có
đừng chối bỏ - xin hãy đừng chối bỏ
tư cách con người, tư cách nhà thơ!
Ngọn bút tài hoa không cười khóc giả vờ
lưỡi kiếm anh hùng luôn biết đâu là đích đến!".
Đó cũng chính là lời nhắn nhủ chân tình của Lệ Thu - một thế hệ nhà báo chiến trường, một bậc tiền bối đáng kính - gửi đến thế hệ nhà báo kế cận nói riêng và những người cầm bút hôm nay nói chung. ./
Đào An
=============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét