Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

bài đọc thêm (2) : " NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG "/ Nguyễn Phú Yên ( Tp. HCM) -- nguồn : Văn Việt

 

NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG

Nguyễn Phú Yên

clip_image002Thập niên 1950 có hai nhà thơ trẻ tuổi xuất hiện trên văn đàn miền Nam, đó là Huyền Chi và Hoàng Hương Trang. Chị Huyền Chi ra mắt tập thơ Cởi mở vào năm 1952 khi chị mới 18 tuổi; trong tập thơ này có bài Thuyền viễn xứ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Chị Hoàng Hương Trang xuất bản tập thơ Khép đôi mi nhỏ vào năm 1956 cũng năm chị 18 tuổi. Thật ra chị làm thơ từ năm 12 tuổi; có lần nhà thơ Hồ Đình Phương đem thơ của chị đăng báo Đời Mới, Thẩm Mỹ ở Sài Gòn khiến nhiều người tưởng chị là cô gái tuổi đôi mươi.


Chị Hoàng Hương Trang, cựu nữ sinh Đồng Khánh, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế (khóa 1) năm 1960, Sư phạm Mỹ thuật Sài Gòn năm 1961, có học bổng du học Nhật, cựu giáo sư các trường trung học Ngô Quyền (Biên Hòa), Nguyễn Huệ (Phú Yên), Kiểu Mẫu Thủ Đức… và trường Đại học Mỹ thuật Gia Định, Sài Gòn. Chị là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, ngâm thơ hay. Hội viên Trung tâm Văn bút Việt Nam. Tác phẩm: 
Khép đôi mi nhỏ (1956), Linh hồn cỏ biếc (1965), Bến tâm hồn (1966), Thơ – Đông Phương (1967), Hợp tấu (1967), Mười hướng sao (1970), Túy ca (1972). Chị đăng thơ trên nhiều tờ báo như Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Hoa Tình Thương, Tiểu Thuyết Tuần San, Phụ Nữ Mới, Bút Hoa, Gió Nam, Quật Khởi… Chị có nhiều bạn bè và học trò, từng gặp gỡ cụ Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, NS Lê Thương, NS Tuấn Khanh và Phạm Duy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi… có tên trong Thi nhân Việt Nam thế hệ 1954-1973 (hai tập của Nguyễn Tấn Long, Phan Canh, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1974).

Năm 1972, khi chị in tập thơ Túy ca, nhà thơ Vũ Hoàng Chương – tác giả tập Thơ say – với tấm lòng liên tài đã làm bài thơ Cảm đề Túy ca tặng chị:

“Bài ca Tận túy” đi hoang

Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay

Vẽ nên độc dược mà say

Hóa công chưa dễ khéo bày đặt hơn

Gió trăm cơn bụi ngàn cơn

Một cơn say đủ sạch trơn thế tình

Nguyện trường túy bất nguyện tinh

Say ai? Mình chỉ say mình đó thôi

Túy-ca bè đã thả rồi

Túy-hương xưa hãy cùng trôi ngược về.

clip_image004

Sau 1975, chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, in chung trên 30 tuyển tập thơ văn trong và ngoài nước. Chị sinh hoạt ở Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ Gia Định, nơi qui tụ nhiều tên tuổi của Sài Gòn như các nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ Tường Linh, Tô Kiều Ngân, Song Nguyên, Vũ Hối, Sông Trà, Châu Kỳ, Trầm Tử Thiêng, Trúc Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Thanh Sơn, Hàn Châu, Mặc Thế Nhân, Túy Hoa, Túy Phượng, Ngọc Huệ, Mai Khanh, Mai Trâm, Đoàn Yên Linh, Mai Hiên, Trần Thiết Hùng (em trai của Vân Sơn – một trong ba thành viên ban AVT, đã nhảy sông tự tử tại cầu Thị Nghè sau 1975)…


Năm 1976, chị được gia đình nhà thơ Vũ Hoàng Chương tin cậy gửi gắm để lưu giữ 12 bài thơ cuối cùng của nhà thơ, sau này đã được in ở hải ngoại. Năm 2006, nhân ngày giỗ lần thứ 30 của nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Hoàng Hương Trang làm bài thơ Chiều say nhớ Hoàng thương tiếc nhà thơ tài danh này:

“Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay”

Mới vừa dăm chén đã say

Trong men chếnh choáng nhớ ngày năm xưa

Bút gươm chém lệch đường thơ

Mực đau giấy ảo, kịch hờ thương Mây

Trả gươm cho gió nghiêng vai

Trả thơ cho mộng, trả ngày cho đêm

Kiều Thu, hề! Đẫm gót sen

Mười hai tháng sáu trả men cho tình

Trời một phương, đất một mình

Cảm thông nhân thế cái tình phù du

Tài hoa hệ lụy sa mù

Chén vui, hề! Chén buồn xưa hiện về

Ơi Hoàng, nửa chén si mê

Ơi Hoàng, nửa chén vụng về trao tay

Rượu đây, hề! Ta cứ say

“Biết đâu Hoàng lại chiều nay gặp Hoàng”.

(Sài Gòn, 10-10-2006)

Chị là con nuôi của kịch tác gia Vi Huyền Đắc (1899-1976). Cụ là Phó chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam, người từng được giải thưởng của Viện Hàn lâm Nice, Pháp năm 1936 với vở Eternels Regrets (Trường hận) và giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn năm 1938 với vở Kim Tiền. Sau năm 1975 cụ trở về Hà Nội được một thời gian thì cụ buồn chán, lặng lẽ tuyệt thực và qua đời vào tháng 8-1976. Đám tang do nhà văn Nguyễn Tuân đứng ra tổ chức và nhà thơ Thế Lữ đọc điếu văn. Trước khi về Bắc, cụ để lại căn nhà cho chị Hoàng Hương Trang. Thời bao cấp khó khăn, chị bán hai phần ba căn nhà, phần còn lại chị ở có một mình. Chị thường bảo “chơi văn, ăn vẽ”, bởi nguồn sống của chị là từ các tranh vẽ bán được trong mấy chục năm ở Sài Gòn. Trong bài thơ Tám mươi dư gửi cho La Thụy, chị nhìn lại đời mình:

Thơ hơn chục cuốn, vạn bài

     Văn ngoài dăm quyển, ngàn trang

     Họa sáu mươi niên, dư vài trăm bức

     Nhạc điểm xuyết mấy khúc ca

     Ngâm nga gần bảy chục năm, Tao Đàn nổi tiếng

     Hát hò chưa ca sĩ, bạn bè vẫn vỗ tay khen…

Bạn bè khắp năm châu bốn biển, tính đến vạn kẻ thân quen

Học trò trong nước ngoài nước, đếm quá ngàn, tình thân chí thiết

Giao du cuối đất cùng trời, từ Âu sang Á…

(Sài Gòn, 2017)

Có lẽ chị là người khá hiếm hoi tự lập mộ cho mình khi còn sống; mộ nằm trên một ngọn đồi ở Huế, bên cạnh mộ thân mẫu. Trên tấm bia chị ghi sẵn: “Bia mộ nữ sĩ Hoàng Hương Trang, nhũ danh Hoàng Thị Diệm Phương – nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Năm sinh 1938, năm mất 20… Quê quán Vân Thê, Hương Thủy, Thừa Thiên. Bia tự lập 2011”.

Nhà văn Thế Phong nhận xét về chị: “Nhờ ‘phê bình, phê biếc loạn cào cào’ qua các bài điểm sách gây ‘sốc’, bút danh Hoàng Hương Trang bừng lên trong ‘nắng rực lửa miền Nam’, đa số văn sĩ yếu bóng vía sợ ‘cô nàng’ khiếp đảm. Nhưng, ‘đàn bà dễ có mấy tay’ như Hoàng Hương Trang, nhất là ở bình diện văn chương miền Nam thập niên 60, sự hiện diện ‘nàng ba búa’ thật cần thiết!”.


Mấy năm trở lại đây chị đã rời Sài Gòn về Long Xuyên, An Giang sống cùng cô em gái và các cháu.


N.P.Y.



thơ Hoàng Hương Trang:


Huế tình đầu

Ai xa Huế mà không nhớ Huế
Nhớ chuông chùa Diệu Đế, nhớ Văn Lâu
Nhớ Trường Tiền da diết sáu nhịp cầu
Nhớ Kim Long, nhớ bến đò Thừa Phủ.
Nhớ dốc Nam Giao, nhớ bờ sông Bến Ngự
Nhớ Hàng Bè, Thượng Tứ, nhớ Bao Vinh
Nhớ sông Hương chan chứa thiết tha tình
Nhớ thông reo đỉnh Ngự Bình gió mát.
Nhớ Tịnh Tâm, hồ sen bát ngát
Nhớ đò Cồn, An Cựu, Chợ Dinh
Nhớ con đường Vỹ Dạ bóng cây xanh
Nhớ Gia Hội, Đông Ba, Hàng Me, Đập Đá.
Nhớ Ngự Viên, nhớ Nội Thành, Mang Cá…
Huế của ta ơi, biết nhớ mấy cho vừa!


Ai xa Huế mà không thương Huế
Thương mẹ già lặn lội mùa Đông
Thương em thơ đi học mưa dầm
Thương chị, thương anh mùa hè cháy nắng
Thương bữa cơm nghèo, nồi canh mướp đắng
Thương dĩa mắm cà, con cá thệ kho khô…
Huế của ta ơi, thương biết chừng mô!
Ai xa Huế mà không mơ về Huế
Dạo bước trên cầu áo trắng tung bay
Vành nón nghiêng nghiêng che mái tóc mây
Ánh mắt trong veo dòng Hương gợn sóng
Đêm trăng hè trời cao lồng lộng
Chiều thu êm tím ngát cả không gian
Tiếng hò trên sông ngơ ngẩn bàng hoàng
Hò ơ hò… chiều chiều trước bến…
Mơ sớm mai chèo đò qua cồn Hến
Trái bắp tươi non, nấu chén chè thơm
Dĩa bánh bèo tôm chấy hồng ươm
Đợi cơm hến, bánh canh, bánh ướt…
Nhớ biết mấy, những món quà quê hương
không gì thay thế được
Dải đất quê nghèo mà mặn nồng yêu thương
Ai đã từng uống nước sông Hương
Ai đã từng hưởng ngọn gió chiều đỉnh Ngự
Ai đã từng bước đi trên những con đường tình tứ
Ai đã thả hồn trên những chiếc võng âm thanh
Ai đã đắm say tình Huế quê mình
Dẫu xa xôi mà không mơ về Huế
Huế tình đầu thơm ngát, Huế yêu ơi!

Độc dược
(Túy ca 10)

Mang nhiều mộng ước vào đời
Anh đem độc dược cho tôi ươm sầu
Đời tình như trận mưa mau
Trái tình đã hái nhưng mầu còn xanh
Những ngày vừa mới yêu anh
Ngỡ mình tạc tượng, khung tranh đời đời
Bây giờ vườn lá thu rơi
Khung tranh ẩm mục, nụ cười mòn rêu
Bây giờ mây xám vây chiều
Lá bay xào xạc tin yêu mỏi mòn
Trái sầu lập thể chon von
Bước chân thần thoại héo hon một đời
Tình yêu làm chết con người
Nâng ly độc dược tôi mời tôi say
Tuổi tình đáy cốc cuồng quay
Tôi giết tôi để tháng ngày nguôi quên
Mai này nằm xuống ngủ yên
Mồ xanh độc dược, ưu phiền đuổi xa! 

(Sài Gòn, 1971)

Uống rượu trong mưa

Tay nâng hứng giọt trời cao
Chén đầy thương nhớ, xin trao tới người
Uống say chén lệ đầy vơi
Rượu hay mưa ướt tình người tình ta
Mưa từ năm cũ mưa sa
Rượu từ ngày cũ chưa là cố nhân
Mưa cho ướt chiếu chăn nằm
Say cho quên hết đừng căm hận gì
Trong mưa lầm lũi bước đi
Trong men chếnh choáng ta vì nhau say
Mong cho mưa ngập lối này
Cho ta ngã xuống liệm đầy nước mưa
Rượu pha nước mắt tình xưa
Ta say đã mỏi, người chưa thấy về
Uống cho mắt lạnh môi tê
Uống cho thân xác ê chề đớn đau
Cơn mưa dã rượu vơi sầu
Lại đong chén nữa say nhầu trong mưa.

Vùng trời quê hương

Cánh chim anh những ngày say gió bão
Bay trên vùng đất nước thân yêu
Ôm quê hương miền Nam ruộng thắm
Dừa xanh tươi bến nước chợ chiều.
Bãi cát phẳng miền Trung biến động
Bóng thùy dương xõa tóc đìu hiu
Tháp vươn tay Chiêm nương trầm mặc
Những hoàng hôn máu nhuộm bãi chiều.
Và những trai anh hùng, gái lịch vui reo
Bước tiến bước, muôn lòng như một.
Lời ca vui mắt người chim hót
Có anh trai áo xanh tình mật ngọt
Súng trận trên tay giữ xóm giữ làng
Có anh trai áo đen sờn bạc
Trên chòi canh hướng mắt nhìn xa
Những mẹ già gánh củi về nhà
Những em gái em trai sớm chiều đi học.
Và những lúa ngô quí hơn vàng ngọc
Nuôi con thơ Hồng Lạc bốn ngàn năm.

*

Dưới cánh mỏng anh nghe tình biển mặn
Muối Sa Huỳnh, Hòn Khói trắng phau
Thôn xóm bình yên thẳng tắp hàng cau
Dừa rợp Tam Quan, xoài thơm Bình Định.
Dưới cánh mỏng anh nghe miền Lục tỉnh
Bưởi Biên Hòa vàng rực tháng giêng
Lúa Cà Mau, thạch động Hà Tiên
Bến nước Ninh Kiều tình thơm mùa hạ.
Xứ Tây đô đón lòng trai xa lạ
Viễn khách nghe buồn vọng cổ Trà Ôn
Chiều Tha La xứ trảng nhẹ vương hồn
Những Châu Đốc, Hà Tiên, Sóc Trăng, Rạch Giá.
Nắng tháng ba thuyền đơm đầy cá
Ngọt vô cùng thốt nốt, sầu riêng
Đôi cánh anh xuôi ngược trăm miền
Ôm ấp những giọng hò, câu hát.
Sông Hương sương thu bàng bạc
Áo trắng học trò xứ Huế nên thơ
Chiều Quảng Nam, Quảng Ngãi đợi chờ
Gió biển mặn Tuy Hòa mát rượi.
Đà Lạt chiều mơ, Kontum sương muối
Những Dakto, Daksut xa xôi
Những rừng thiêng núi thẳm muôn đời
Mùi gỗ quí thơm hương xứ mẹ.
Những cao nguyên bốn mùa gió nhẹ
Những đồng bằng ruộng lúa xanh non
Những ngô khoai, bắp đỗ vẫn còn
Tình mật ngọt quê hương ôm ấp nhé!

*

Anh còn vượt rừng, băng sông, lướt bể
Để tình ôm trọn vẹn sông Hồng
Dưới cánh anh sông núi vẫn tình chung
Ai chia cắt? Anh cố tình hàn gắn.
Đôi cánh mỏng dù súng gào đạn bắn
Nhưng tình yêu đất mẹ vững vô cùng
Trên mây cao nhìn xuống núi sông chung
Đây Vĩnh Bình, Nhật Lệ
Đây sông Nhị, núi Nùng
Mỗi tấc đất anh thu về thắng lợi.
Mỗi chuyến bay người yêu anh chờ đợi
Ngày tiếp ngày
Anh ôm bóng quê hương
Núi Bắc sông Nam nguyên vẹn tình thương
Anh còn đi, đi hoài
Giữ gìn trời bể.
Cho phù sa đất mẹ thắm muôn nơi
Cho gái sông Hương trai Hà Nội mỉm cười
Cho gió Sài Gòn thổi về Thanh Hóa.
Cho bát nước chè xanh thơm ngon khói tỏa
Cho cam Xã Đoài ngọt lịm bưởi Đồng Nai
Cho gạo thơm hai xứ Trong, Ngoài
Cho mắt em thơ Quỳnh Lưu hiền dịu
Cho những vì sao bầu trời không thiếu
Em hiểu không
Anh còn phải đi nhiều
Còn bay hoài che trời nắng lửa
Để chuyến tàu Nam Bắc đi về mỗi bữa
Để cốm thơm mùa cưới thu về
Để chiều hè diều giấy rợp bờ đê
Để đình đám hội hè tháng giêng tháng tám.
Để mẹ già đừng nhăn vầng trán
Để trai làng trẩy hội gái Lim xinh
Để trầu cau mai mối trao tình
Gió Tam Đảo, Ba Vì
Gió Hà Tiên, Phú Quốc
Trăng Bắc bộ sương mù
Trăng Nam phần sáng rực
Dệt thành trăng xứ Huế mơ màng
Dệt thành trăng Phan Thiết mênh mang
Như nắng Sài Gòn ngùn ngụt
Như mưa Thái Nguyên
Mưa Tuyên Quang buồn heo hút
Phơi ngô khoai, tưới ruộng lúa an lành
Nắng Sài Gòn phơi bắp đỗ ngoài Thanh
Mưa Hà Nội tưới ruộng vườn Đồng Tháp.

*

Anh còn xa
Còn đi
Còn bay hoài
Dù gió cuồng bão táp
Nhất định chưa về
Khi đất nước chưa bình yên
Cánh dù mỏng
Nhưng tim anh nung nấu lời nguyền
Quyết ôm ấp giữ gìn
Vùng trời xứ mẹ.
Vùng trời rộng bao la
Quê hương mình đẹp đẽ
Như những giòng thư em viết cho anh
Giòng thư em mang trọn màu xanh
Anh ôm ấp để thấy vùng trời cao cả
Để thấy rừng sâu sông dài
Sóng cồn trắng xóa
Là của anh, của em
Của người Việt chúng ta
Anh yêu mến giữ gìn
Không cho lũ giặc ngông cuồng phí phạm
Dù gian nguy bay vào lửa đạn
Anh vẫn cười ngạo nghễ trên cao
Dưới chân anh xương máu tuôn trào
Lũ bán nước quyết phải đền tội lỗi.
Đất nước mình một mai
Hết u buồn tăm tối
Anh sẽ về phố thị thăm em
Vùng trời đất nước bình yên
Bắc Nam chung một lời nguyền sắt son.

(trích tuyển tập Việt Nam Quê Hương Ta, Hội Văn nghệ sĩ Quân đội xb, SG,1969)

clip_image006

clip_image008

clip_image010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét