ĐÁM MÂY VÀNG
Buổi sáng ở Denver Colorado, tôi theo gia đình chị Nhàn,
nguyên chị là một nữ tiếp viên hàng không, của hãng
Hàng Không Việt Nam ( Air Vietnam ) thời đệ nhị Cộng Hoà
( Việt Nam Cộng Hoà ) lên ngọn núi danh tiếng sát ngay thành phố đá đó .
Trên đỉnh ngọn núi này, có một ” đại hí trường ” có thể chứa hàng chục ngàn tân khách.
Chung quanh đại sảnh trường đó, toàn là vách đá dựng cao ngất, nhưng lòng động lại mái trống, lộ thiên .
Gia đình chị Nhàn đông đủ dâu rể cháu nội ngoại, tất cả đều tỏ ra thân quen với lâu đài hí trường khổng lồ đó .
Nghe tiếng gió từ bốn phương đổ về, chị Nhàn nói với tôi một cách trân trọng lắm : ” Mỵ ạ, nơi đây người ta còn gọi là
Chiếc đàn ” Phong cầm gió ” vĩ đại nữa đấy .
Tôi chỉ biết ngưỡng mộ và thán phục thiên nhiên, Đấng Tạo Hoá đã cho nhân thế này bao nhiêu là công trình tuyệt tác.
Đang lúc mọi người trầm trồ khen ngợi vũ đình trường gió
mưa sương gió thiên nhiên, tự đến, tự đi tới cái động to lớn mịt mù đó, thì nóc động hửng lên một khung nắng rỡ ràng…
Một đám mây mầu vàng mỡ gà lững thững bay qua, tưởng như tà áo của thiếu nữ nào rơi trên mái động …
Chị Nhàn và tôi đều sững sờ thốt :
” Mây vàng Hà Nội ” .
Tại sao mây Hà Nội mầu vàng ?
Ôi phải rất nhiều lời , hay rất nhiều thì giờ mới giải thích được điều thơ mộng đó, chỉ biết rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh ngày xưa, đã mang mây vàng từ trung nguyên về Hà Nội.
Và gần nhất với tôi thủa là thiếu nữ ở Saigon, đã có một nhà thơ tài tử, Nhị Thu viết cuốn thơ ” Mây Hà Nội ” , năm 1961, cùng lượt với cuốn ” Thơ Mỵ 1961 ” của tôi.
Tất nhiên tôi chỉ nêu ra hình ảnh mây vàng Hà Nội dĩ vãng , nghĩa là trước 20 – 7 – 1954, hay trước khi chúng tôi di cư vào Nam thời sông Bến Hải chia đôi đất nước .
Đám mây vàng lặng lẽ rời khỏi nóc vũ đình trường đá đó, nắng còn ở lại cửa động lộ thiên một thoáng, cả chị Nhàn và tôi đều như có chút buồn phảng phất .
Tôi hỏi chị một cách nhớ nhung rằng :
” Chị ơi, ngày di cư, em ở tuổi vài năm ” teen ” đầu, chị gần gấp đôi tuổi em, thủa đó, chị có may áo dài lụa mầu vàng mơ, và nhất là, chị có may áo ” vest ” mầu mơ chín ở phố Nhà Thờ Hà Nội không ? ”
Chị Nhàn cười xa vắng :
” Thế Mỵ. cũng biết tiệm chuyên may áo vest ở phố Hàm Long đó à ? ”
Bỗng lòng tôi chùng xuống chi lạ, ba tôi có lần đã cho mấy chị em tôi từ Hải Phòng về Hà Nội để may cho mỗi đứa một áo vest mầu vàng mơ tuỳ theo sở thích, hoặc mơ non, mơ chín, mơ sậm, mơ lạt vv…
Và chính buổi đi may áo dài, áo vest ở hiệu may danh tiếng phố Hàm Long xa xưa ấy, mà tôi nhớ mãi mầu mây thu Hà Nội . Ôi, có thể nói, ngoài mây thu vàng ở cái nơi tôi chỉ thấy đẹp thủa ấu thơ và thiếu niên ra, tôi không còn thấy thêm cái chất Hà Thành thanh lịch trong văn chương tiền chiến nữa .
Thế nhưng hôm nay, tôi muốn nhắc tới một mầu mây Hà Nội rất kinh điển, chính mầu mây vàng lợt thôi, nhẹ nhàng , thơ mộng mà những người đã một thời say đắm nó, mây Hà Nội, như nhà thơ Nhị Thu, hay sau này , khi tôi lớn lên, trưởng thành rồi già đi như bây giờ, sắc mây vàng mỡ gà, vừa rực rỡ, vừa hoang mê, vừa thần thoại, chỉ còn trong cổ tích mất mát thôi.
Ngay tức khắc tôi nhớ tới quý vị sĩ quan Quân Lực VNCH
danh tiếng thơ ca lẫy lừng trong Cục Tâm Lý Chiến, mà không thể nào không nhắc tới mây vàng cố đô Thăng Long, là các vị người Bắc di cư năm 1954.
Để rồi tôi ngồi một mình xót xa, bây giờ ” điểm danh lại ” thì số quý vị đó đã không còn trên trái đất : Thi sĩ đại tá Cao Tiêu, Thi sĩ, Hoạ sĩ Tạ Tỵ , Nhà văn Trung tá Hà Thượng Nhân, Nhà văn Trung tá Phan Lạc Phúc, Nhà văn Thiếu tá Đặng Trần Huân, Nhà văn Thiếu tá Phạm Huấn , Thi sĩ Đại uý Du Tử Lê, Thi sĩ Trung uý Thanh Tâm Tuyền .
Thưa , rất nhiều văn nghệ sĩ quân đội nhưng ở các đơn vị khác, chẳng hạn Nhà văn Trung tá Duy Lam ở QĐI/ QKI.
Hay, Thi sĩ Thiếu tá Tô Thuỳ Yên Trưởng phòng Văn Nghệ Cục Tâm Lý Chiến VNCH, nhưng ,không gốc Hà Nội .
Tôi chỉ đan cử hôm nay về quý vị Sĩ quan QLVNCH gốc Bắc di cư đã mãn phần , và ít nhiều một thời gắn bó tới mầu mây vàng Hà Nội thôi.
Bởi vì quý vị nêu trên đã mang theo sắc mây vàng quá khứ ra đi. Và , thực sự tôi muốn hoài niệm hình ảnh Thi Sĩ đại tá Cao Tiêu cùng phu nhân đã thưởng lãm mầu mây vàng Hà Nội ở Hồ Gươm, trước khi Thi Sĩ Cao Tiêu tức cựu Đại tá Hoàng Ngọc Tiếu nhập ngũ .
Một bức ảnh đen trắng xưa thôi, trên một ghế đá ở bờ hồ Gươm Hà Nội, Thi sĩ và phu nhân ngồi ngắm mây thu lượn quanh thành phố được tiếng là thanh lịch từ các thế kỷ trước .
Buổi tôi hướng dẫn các động tác tập thể dục Dưỡng Sinh cho quý cụ cao niên, bịnh hoạn ở Câu Lạc Bộ Dưỡng Sinh Saigon , sau khi tôi ra tù cải tạo.
Tôi tiếp chuyện một vị rất trưởng thượng quen quen .
Cụ cho tôi coi một bao hình nhỏ, cụ đưa tôi bức hình vừa nêu, cụ hỏi :
” Cô có biết Đại tá Hoàng Ngọc Tiếu không, Thi sĩ đấy …”
Tôi thưa với cụ là Thi sĩ Đại tá Cao Tiêu .
Cụ gật đầu : ” Ông ấy là em ruột tôi ” .
Tôi a lên mừng rỡ , cụ tiếp ” Tôi là Hoàng Mai Đạt ” .
Cụ Hoàng Mai Đạt nghệ sĩ hơn Đại tá Cao Tiêu, cụ vẫn vui vẻ thơ ca ở Câu lạc bộ Dưỡng Sinh trước khi qua Hoa Kỳ sau đó ít lâu .
Lại một câu chuyện về mây thu Hà Nội, cụ Hoàng Mai Đạt kể : ” Tôi biết cô không có ở Hà Nội nhiều như chúng tôi, cái thế hệ mà thanh niên của thành phố có nhiều hồ, nhiều hơi thu lành lạnh, những đám mây vàng nhẹ như mối tơ vương sắc vàng rơi lững lờ trên thành phố thơ mộng từ ngõ hẻm ra đại lộ .
Tôi lắc đầu, ” cháu không phải người Hà Nội của các cụ nhìn đâu cũng thấy chút gì vừa thân mật vừa kín đáo . Cháu lớn lên ở Saigon. Khung trời rộng quá, hầu hết mây trắng 4 mùa, nếu mây xám là sắp mưa…đơn giản, mau chóng như những cơn mưa rào, thật nhanh và chưa kịp lạnh cụ ạ .
Thế rồi thì mỗi người mỗi chạy theo cái dòng chảy không riêng lẻ, nên chẳng thấy cô đơn lắm.
Tôi qua Hoa Kỳ giống như quý vị tị nạn, lại càng chẳng bao giờ nhớ cái mùa thu mây vàng như trong văn chương thơ nhạc tiền chiến, hay trước ngày đất nước qua phân .
Tôi cũng không về Bắc sau khi mọi người bảo là ” thống nhất ” . Tôi không nhớ nhung gì hết phần đất bên kia sông Bến Hải, dù tôi rất nhiều lần đứng bên cầu Hiền Lương do công tác xã hội tôi phục vụ trong Quân Lực VNCH, suốt cả chiều dài lãnh thổ từ Bến Hải tới Sa Huỳnh, cận nam Quảng Ngãi .
Cũng có lúc tôi buồn nhìn mây bay, nghe gió thổi ở miền địa đầu giới tuyến, nhưng quả thực, không thấy lại mây mầu vàng mỡ gà mà thuở thiếu niên ba tôi cho về Hà Nội, để may áo vest phố Hàm Long chỉ còn trong ký ức.
Và hôm theo gia đình chị Nhàn lên núi nghe gió hú trong đại hí trường, có một làn mây vàng ấm áp nhưng mong manh bay ngang đỉnh động đá khối khổng lồ, lộ thiên năm 1996.
Mầu mây vàng bất ngờ, khiến tôi nhắc đến hằng loạt tên tuổi những nhà thơ văn xuất thân ở Hà Thành thanh lịch, đã một thời hội tụ ở khuôn viên Cục Tâm Lý Chiến VNCH, rồi lưu vong, thả mây thu Hà Nội đi bát ngát, mênh mông…
Quý vị ấy không ai gặp ai nữa, kể cả những đám mây vàng tan loãng, hay đổi mầu trong không gian vô cùng mịt mù ngoài vũ trụ càn khôn… ./.
Hawthorne 10 – 6 – 2021
CAO MỴ NHÂN
nguồn: Blog Cao Mỵ Nhân ( Hoa Kỳ)
=====================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét