Nhà văn Nguyễn Nguyệt Tú - 96 tuổi vẫn không ngừng viết
QĐND Online - Khi gia đình nhà báo, nhà văn Nguyễn Nguyệt Tú (tức Nguyễn Nguyệt Tuệ), nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ sống ở số 28 phố Điện Biên Phủ, rồi sau đó chuyển về phố Đội Cấn (Hà Nội) chúng tôi vẫn thường xuyên được đến trò chuyện với bà.
Lần nào gặp cũng thấy bà đang chăm chú đọc báo hoặc ngồi bên cạnh máy vi tính đọc cho cô cháu kiêm thư ký riêng đánh máy bản thảo bà vừa viết xong để gửi cho các cơ quan báo chí mà bà là cộng tác viên thường xuyên.
Nhà văn Nguyệt Tú sinh năm 1925, là con gái đầu của danh họa Nguyễn Phan Chánh - người khởi xướng cho nghệ thuật tranh lụa Việt Nam, và là phu nhân của cố Chủ tịch Quốc hội - Trung tướng Lê Quang Đạo. Do cơ duyên nghề nghiệp, nên chúng tôi có hơn mười năm quen biết và làm việc với người phụ nữ đặc biệt này.
Từ thời thanh niên, Nguyệt Tú đã rất hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Nếu không được nhiều lần gặp gỡ, bị thu hút bởi tài năng và trí tuệ của bà thì thật khó có thể hình dung cô nữ sinh Đồng Khánh thấp bé Nguyễn Nguyệt Tú đã từng đứng đầu đoàn người, giương cao ngọn cờ giành chính quyền ở Hà Tĩnh trong cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau này theo chồng là đồng chí Lê Quang Đạo (lúc bấy giờ phụ trách công tác tuyên huấn trong quân đội) lên Chiến khu Việt Bắc, dù trong hoàn cảnh kháng chiến kham khổ nhưng bà đã vững vàng vượt qua, thay chồng nuôi con và vẫn tích cực hoạt động.
Nhà văn Nguyệt Tú (bên phải) đã cùng nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton xuất bản cuốn sách song ngữ "Bác Hồ với thiếu nhi và phụ nữ". ảnh: Tuấn Tú. |
Có lẽ chính bởi vậy, mà mới đây tập bút ký - phóng sự “Đi và nhớ” của bà tái bản đến lần thứ 3 (có chỉnh sửa, bổ sung) vừa phát hành đã bán hết. Đọc những bài viết, những thông tin còn mang đậm hơi thở cuộc sống trong đó ít ai biết giữa năm 2017, nhà văn Nguyệt Tú bất ngờ lâm trọng bệnh, phải nằm viện một thời gian dài tưởng không thể qua khỏi. “Vậy mà khi tỉnh lại, tôi thấy mình minh mẫn hơn. Mọi chuyện trong quá khứ như thước phim cuồn cuộn trở về trong trí nhớ khiến nhiều đêm tôi phải trở dậy để viết cho kỳ được” - Nhà văn Nguyệt Tú chia sẻ. Và từ đó cho đến nay, khi đã bước qua tuổi 96, bà vẫn miệt mài viết. Trong ba năm trở lại đây, bà đã xuất bản, tái bản nhiều đầu sách do bà viết và đồng chủ biên. Chỉ riêng trong dịp Tết Tân Sửu 2021 này, hơn 5 tờ báo đã đăng tải các bài viết của bà.
Nhà văn Nguyệt Tú và cháu nội dịp Tết Canh Tý 2020. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Công tác tại các cơ quan báo chí, xuất bản dành cho phụ nữ nhiều năm, nhà văn Nguyệt Tú đã có nhiều đóng góp vào sự tiến bộ của phụ nữ, luôn nêu tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo. Cuốn hồi ký "Đường sáng trăng sao" nổi tiếng bà viết về cuộc đời mình trong đó có câu chuyện tình yêu lãng mạn với nhà cách mạng Lê Quang Đạo khiến nhiều người ngưỡng mộ. Giờ đây, đã hơn 20 năm ngày chồng đi xa, nhưng những kỷ niệm về ông thì vẫn còn sống mãi trong tâm trí bà. Chẳng thế mà hầu hết các bài viết của bà gửi cho chúng tôi, khi đọc lên đều thấy bóng dáng ông trong đó. Những câu chuyện chồng kể, những lá thư từ chiến trường gửi về hậu phương cho vợ... đều được bà lưu giữ, sắp xếp cẩn thận. Rồi với tài năng của mình, những bài viết từ đó dần tuôn chảy thành những bài báo truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay dưới ngòi bút của nhà văn Nguyệt Tú. Bà tâm sự: “Trước đây mình đi nhiều, trải nghiệm để có những chất liệu thực tế sống động. Giờ đây, tuổi đã cao không thể đi được nữa thì mình nhớ để viết. Viết cho khỏi nhớ người, nhớ nghề”.
Ngoại trừ thính lực bị yếu đi do di chứng của trận ốm thập tử nhất sinh năm ấy, với trí nhớ mẫn tiệp lạ thường. Ngồi nghe bà kể chuyện cả buổi, chúng tôi thấy dường như chưa có một chi tiết nào của cuộc đời có thể mờ phai trong tâm trí bà. Giáp Tết, do lo ngại tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi chưa đến thăm bà được thì bà đã gọi điện thoại và nhắn: Hết dịch đến với bà cũng được, nhưng nhớ đừng quên gửi báo cho bà đọc nhé. Số báo khai xuân, bà sẽ có bài cộng tác! ./.
HƯỚNG NAM
========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét