Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

" Hành trình Sống & Viết của học giả Nguyễn Hiến Lê / bài viết: Huyền Viêm ( Sàigòn/ Tp. HCM) -- source: Việt Văn Mới ( ngày 30/05/2021)

 Việt Văn Mới

        




Nguyễn Hiến Lê (1912-1984)

HÀNH TRÌNH SỐNG VÀ VIẾT CỦA
HỌC GIẢ NGUYỄN HIẾN LÊ

  


THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

Ông Nguyễn Hiến Lê tự là Lộc Đình, sinh ngày 8-1-1912 tại Hà Nội, nguyên quán làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây, xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước. Bác ruột ông tham gia phong trào Duy Tân ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp cưỡng bức lưu trú ở miền Nam.     

  Ông mồ côi cha từ năm 10 tuổi, nhờ mẹ và bà ngoại nuôi cho ăn học. Ông học trường Yên Phụ rồi trường Bưởi (Hà Nội), sau thi đỗ vào trường Cao đẳng Công chánh, tốt nghiệp năm 1934 rồi vào Nam làm việc tại sở Thủy lợi miền Tây từ năm 1935 đến năm 1945. Năm 1937 có lần ông được đổi lên Sài Gòn và năm 1944 ông ra Hà Nội thi kỹ sư. Sau ngày cướp chính quyền (1945),ông tản cư về làng Tân Thạnh (Đồng Tháp Mười) ở nhà người bác. Tại đây ông tiếp tục học thêm chữ Hán, tính chuyện hành nghề Đông y.           

 Năm 1947 ông qua Long Xuyên dạy tư. Năm 1953 ông lên Sài Gòn viết sách. Người bạn thân thiết của ông là nhà thơ Đông Hồ bảo:          

  - Anh nên mua vé xe về Long Xuyên đi, nghề viết sách ở Sài Gòn không sống nổi đâu!           

 Tuy vậy ông không nản, vẫn cứ viết sách và năm sau (1954) mở nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê ở số 50 đường Huỳnh Tịnh Của (sau dời về số 12/3c đường Kỳ Đồng, quận 3). Ngoài việc viết sách, thỉnh thoảng ông có viết giúp các báo Bách Khoa, Tin Văn, Mai, Bông Lúa tập san, Giáo dục phổ thông v.v… Năm 1980 ông về ẩn cư ở Long Xuyên (An Giang) nhưng vẫn tiếp tục trước tác cho đến cuối đời và từ trần tại Sài Gòn ngày 22-12-1984.           

 Ông Nguyễn Hiến Lê có thể nói là một học giả làm việc không mệt mỏi mặc dù sức khỏe kém (ông bị bệnh đau bao tử kinh niên và cả bệnh phổi nữa). Từ 1953 đến 1984, trong vòng 31 năm, ông đã viết và dịch trên 120 cuốn sách mà phần lớn đều rất có giá trị, chưa kể hơn 200 bài có tính cách chuyên môn đăng rải rác trên các báo. Thật là một gương làm việc đáng nể. Đến ngày 25-4-1975 ông đã in xong cuốn sách thứ 100.  Trong chín năm sau đó, từ 1975 đến 1984 là năm ông mất, ông đã viết thêm được vài chục cuốn, trong đó có mười tác phẩm dài hơi. Cuốn cuối cùng trong đời ông là cuốn “Sử Trung Quốc” từ cổ đại đến hiện đại (1982), chưa xuất bản trước khi ông mất. “Sử Trung Quốc” là một “tập đại thành” của tác giả, là một tác phẩm lớn và tương đối đầy đủ nhất trong nghiên cứu của ông về Trung Hoa. Năm 1997 nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội đã in tác phẩm này (hình bên).        

    Đã nói đến cuốn sách cuối cùng, tưởng cũng nên nói đến tác phẩm đầu tay của ông là cuốn du ký khoa học “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, một cuốn du ký gây nhiều tò mò, hứng thú cho bạn đọc. Bản thảo cuốn sách này bị thất lạc ở Đồng Tháp Mười, năm 1953 ông phải viết lại, xuất bản năm 1954 và được tái bản nhiều lần.     

 Sách của ông bao gồm nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ học, triết học, sử học, gương danh nhân, giáo dục, du ký,tự luyện trí đức, cảo luận, dịch thuật… Ông viết từ khoa học kỹ thuật, quản trị kinh doanh cho đến sách học làm người, văn học Trung Quốc, Triết học Trung Quốc, Lịch sử triết học thế giới v.v… Theo ông thì cuốn Kinh Dịch là kỳ thư của nhân loại, nhưng ông biết loại bỏ phần bói toán. Viết cuốn này, ông phải mất đến 15 năm tìm tòi tài liệu và suy nghĩ (Nhà xuất bản Văn Học đã tái bản nhiều lần). Bộ “Đại cương Văn học sử TrungQuốc” (3 cuốn) viết rất công phu nặng nhọc và bộ “Văn họcTrung Quốc hiện đại” (2 cuốn) chỉ có gần 600 trang mà ông phải mất đến mười năm nghiên cứu tìm tòi. Cuốn “Đắc nhân tâm” đã tái bản đến cả chục lần mà vẫn không đủ bán.          

  Sách của ông không mất thời gian tính, ba bốn mươi năm sau đọc lại vẫn thấy còn hay. Ông không viết những vấn đề mà bản thân ông không thích. Ông viết hơn trăm cuốn sách, nhưng nhất quyết không viết về Thành Cát Tư Hãn. Một lần tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở đường Kỳ Đồng, hỏi về việc ấy thì ông đáp rằng:     

 - Tôi có tài liệu đủ để viết một cuốn sách năm sáu trăm trang về Thành Cát Tư Hãn nhưng tôi không viết. Trong cuộc trường chinh từ Á sang Âu, hàng vạn người đã chết dưới tay ông ta, lẽ nào tôi lại viết sách để tuyên dương cái ác ấy.          

  Về danh nhân, ông chỉ viết gương danh nhân đời thường để bạn đọc có thể học hỏi được, còn những gương cao siêu quá thì ông không viết. Điều tâm niệm suốt đời của ông là văn hóa và giáo dục. Ông đưa những kinh nghiệm thực tế vào sách nên rất sống động, tỷ như việc ông đã mười năm đo nước miền Tây và nhiều bữa phải đứng dưới mưa mà đo mực nước trong thời gian làm việc ở ngành thủy lợi. Ông cũng thường viết nhiều về sinh hoạt của đồng bào ta ở Nam bộ, nhất là miền tây Nam bộ.     

 Trả lời nhà thơ Bàng Bá Lân hỏi ông thích nhất những cuốn nào trong số tác phẩm của mình, ông viết “…Rút cục còn ba cuốn:     

 Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đông Kinh nghĩa thục và Đại cương văn học sử Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng ba cuốn đó còn lâu mới có người viết hơn tôi. Văn viết không “ẩu”, cũng không luyện, nhưng được cái bố cục rất kỹ, tài liệu chắc chắn, cảm xúc luôn luôn thành thực” (1).     

 PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC     

 Ông làm việc ở nhà riêng mà như một công chức, chỉ khác công chức là không có chủ nhật, không có cả ngày lễ, ngày Tết. Thời khóa biểu rõ ràng: có giờ đọc sách, giờ viết sách, giờ ăn uống, giờ nghỉ ngơi… cứ như một cái máy. Vì thế mà bạn ông – cụ Vương Hồng Sển – có lần đã phải kêu lên:     

 - Chao ôi! Đi chơi mà cũng có giờ!     

 Ông quan niệm rằng không phải đợi có cảm hứng mới viết vì đợi thì biết bao giờ nó mới tới. Cứ ngồi vào bàn, cầm bút, tập trung tư tưởng, viết năm bảy dòng rồi cảm hứng sẽ tới. Theo ông thì thiên tài chỉ có năm phần trăm, chín mươi lăm phần trăm còn lại là do cố gắng và kiên nhẫn.  Ông viết đều đều mỗi ngày ba trang, cả đời viết được khoảng 30.000 trang, đã in được 20.000 trang,còn lại 10.000 trang mong rằng sau khi ông mất sẽ có người in nốt. Cuốn sách mỏng nhất của ông 180 trang, cuốn dày nhất khoảng 1.000 trang. Một bạn đọc nghi ngờ gửi thư tới hỏi :“Sao ông viết được nhiều thế? Có phải ông thuê người khác viết giúp không?” Và ông đã trả lời :“Nhất định là không. Cứ xem mạch văn, giọng văn của tôi thì biết, rất khó lẫn với người khác”.     

 Mà quả đúng như thế. Văn ông bình dị, tự nhiên, dễ hiểu, không trau chuốt, không làm dáng, đôi khi hóm hỉnh, đôi khi cảm động và có chút duyên. Ông cặm cụi làm việc như con ong xây tổ, viết rất cẩn thận, dùng tài liệu thật chính xác nên được đông đảo bạn đọc tin cậy và có sức cảm hóa mạnh.     

 PHONG ĐỘ VÀ NHÂN CÁCH     

 Tuy là một học giả lỗi lạc và nổi tiếng nhưng ông không bao giờ kiêu căng phách lối. Đối với bạn văn thơ, ông luôn luôn tử tế, thân mật, ân cần, hòa nhã. Thư bạn đọc gửi tới, ông đều phúc đáp đầy đủ, rõ ràng và lễ độ.     

 Năm 1967 ông được chính phủ Sài Gòn trao tặng “Giải thưởng văn chương toàn quốc” (cùng cụ Giản Chi) với một ngân phiếu tương đương 27 lượng vàng nhưng ông từ chối với lý do “bản thân tác giả không dự giải” và đề nghị dùng số tiền ấy để cứu trợ nạn nhân chiến tranh.     

 Năm 1973 ông được chính quyền trao “Giải tuyên dương công trạng” với danh hiệu cao quí đương thời.


* * *
    

 Tóm lại, ông Nguyễn Hiến Lê đã có công đóng góp rất nhiều tác phẩm giá trị cho nền học thuật nước nhà.  Ông mất đi, để lại cho chúng ta một gia tài văn học đồ sộ và sự thương tiếc khôn nguôi trong lòng những người làm văn hóa và hàng triệu bạn đọc thân yêu. Ở nước ta – mà ngay cả trên thế giới nữa – không dễ gì có một học giả lưu lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị như vậy. Là những kẻ hậu sinh, thừa hưởng cái gia tài vô giá ấy, lẽ nào chúng ta không biết ơn và không trân trọng một tấm lòng cao quí, một con người cần cù nhẫn nại, suốt đời dành hết thì giờ, công sức và tâm huyết cho nền học thuật nước nhà.     

 Trong ngày tang lễ, đứng trước linh cữu ông, cụ Vương Hồng Sển đã nói:     

 - Trong đời tôi, ngoài cha tôi ra, tôi không lạy ai cả. Bây giờ lạy anh là người thứ hai.     

 Năm ấy cụ Vương đã 82 tuổi (2).     

 Mộ ông Nguyễn Hiến Lê hiện nằm cạnh chùa Phước Ân, gần ngã tư Cai Bường, thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. “Bên trái chùa (Phước Ân) có một khoảng đất rộng dành cho những người đã qua đời an nghỉ. Ngôi mộ ông Nguyễn Hiến Lê nằm lọt thỏm trong số khoảng 20 ngôi mộ khác. Không có gì đặc biệt cho thấy đó là ngôi mộ của một con người lỗi lạc. Nó nhỏ nhắn và giản dị như chính cuộc đời ông. Cạnh mộ, hoa đổ , nhang tàn.     

 Tôi cắm vào lư hương nén nhang thành kính. Hương trầm tỏa bay. Cay cay khóe mắt (3).

(1) Theo cuốn “Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại” của Bàng Bá Lân.
(2) Cụ Vương sinh năm 1902 nhưng khai sụt tuổi (1904) để đi học. Cụ mất năm 1996, thọ 94 tuổi.
(3) Trần Thị Trung Thu (Đi tìm mộ ông Nguyễn Hiến Lê).






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét