Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

bài đọc thêm (3) : " Trò chuyện với Lê Thị Ý [1939 - ] : ' Tác giả' ngày mai đi nhận xác chồng' / Đinh Quang Anh Thái thực hiện phỏng vấn -- source : báo Người Việt (Hoa Kỳ)

 

Trò chuyện với Lê Thị Ý: 'Tác giả ‘ngày mai đi nhận xác chồng’ 

(thực hiện: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)

 

Nhà thơ Lê Thị Ý. (Hình: trích từ tác phẩm Tuyển tập thơ-văn “Quê Hương và Kỷ Niệm”)

 

 

 

 

Cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Lê Thị Ý gây xúc động lớn lao cho người nghe.

Nhà thơ Lê thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị.

Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954.

Nhân dịp từ Virginia đến California ra mắt tác phẩm mới tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của nhật báo Người Việt, bà đã dành cho biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái cuộc nói chuyện thân mật sau đây.

-ÐQAThái: Tình khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu”, thơ của bà, Phạm Duy phổ nhạc; tựa đề khởi thủy của bài thơ là gì ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc bấy giờ vào năm 1970, tôi viết 10 bài thơ trong tập thơ “Mười Bài Thương Ca”; bài mà Phạm Duy phổ thành ca khúc là “Thương Ca 1”.

-ÐQAThái: Phải chăng chính bà là người góa phụ đi nhận xác chồng trong bài thơ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: (cười thoải mái) Không. Cho tới bây giờ tôi vẫn độc thân.

-ÐQAThái: Vậy, bà lấy cảm xúc từ đâu để viết nên bài thơ bất hủ này?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.

-ÐQAThái: Bài “Thương Ca 1”, Phạm Duy phổ nhạc, ngay khi được phổ biến, đã chiếm tâm hồn người nghe. Nhưng cũng có người lên án bài này “phản chiến”; bà nghĩ sao ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi tôi làm thơ, tôi xúc cảm thế nào thì tôi viết ra như thế. Thế thôi. Tôi không nghĩ gì khác cả. Bài thơ được phổ biến cũng là một sự ngẫu nhiên.

Một người bạn của anh Vương Ðức Lệ tôi đến nhà chơi, thấy bài thơ bèn đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh – người trụ trì sinh hoạt “Ðàm Trường Viễn Kiến” ở nhà cụ tại Sài Gòn quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo – Cụ Quỳnh đọc, thấy hay bèn đưa cho ông Phạm Duy phổ nhạc. Cho nên, bài thơ của tôi được mọi người thương hoặc cho là phản chiến thì cũng là việc tình cờ thôi, may mắn thôi, chứ tôi không chủ ý trước việc phổ biến bài thơ.

-ÐQAThái: Khi phổ thành ca khúc, hình như Phạm Duy có sửa vài lời trong bài thơ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Ðúng vậy. Có lẽ ông Phạm Duy sửa vài chữ cho nó hòa hợp với âm điệu bài nhạc hơn. Có câu ông Phạm Duy cắt bớt. Thí dụ câu tôi viết, “Chiếc quan tài phủ cờ màu, hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng” thì Phạm Duy sửa thành “Bây giờ anh phủ mầu cờ” và cắt đi câu thơ kế tiếp.

-ÐQAThái: “Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng”, tại sao lại phũ phàng ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi đau đớn thì cái gì cũng phũ phàng cả. Phũ phàng là hình ảnh đau đớn, quằn quại.

-ÐQAThái: Khi nhạc sĩ Phạm Duy đổi chữ và cắt bớt câu thơ như vậy, là tác giả, bà có thấy mất đi nguyên ý khi cảm xúc sáng tác không?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi không nghĩ gì và cũng không thắc mắc, không để ý chuyện đó, vì khi tôi làm thơ, tôi theo vần điệu của thơ, còn ông Phạm Duy làm nhạc thì ông cảm hứng theo nốt nhạc.

-ÐQAThái: Hỏi câu này bà thứ lỗi cho, bà có người yêu là lính không?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: (ngập ngừng…, cười) Chắc cũng phải có chứ ạ!

-ÐQAThái: Bài thơ “Thương Ca 1” do bà sáng tác và Phạm Duy phổ nhạc, đã từ lâu trở thành của quần chúng. Nghĩa là, người ta hát say sưa mà không còn nhớ tới tên tác giả. Nếu tình cờ, ở một nơi chốn nào đó, bỗng nhiên nghe có người hát, có người nói tới bài thơ này, tâm trạng của bà sẽ ra sao?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi vui chứ ạ. Vì tôi thấy tôi may mắn có người biết đến thơ của mình; mà thực sự khi làm thơ, tôi làm vì tôi thấy cần làm thôi, chứ không mang ước vọng có con mắt nào đó để ý đến thơ mình (cười).

-ÐQAThái: Bà có thể đọc cho nghe nguyên văn bài “Thương Ca 1”.

-Nhà thơ Lê Thị Ý:

“Ngày mai đi nhận xác chồng

Say đi để thấy mình không là mình

Say đi cho rõ người tình

Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ

Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ

Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son

Tình ta không thể vuông tròn

Say đi mà tưởng như còn người yêu

Phi cơ đáp xuống một chiều

Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa

Dài hơi hát khúc thương ca

Thân côi khép kín trong tà áo đen

Chao ơi thèm nụ hôn quen

Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau

Chiếc quan tài phủ cờ màu

Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng

Em không thấy được xác chàng

Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?

Mùi hương cứ tưởng hơi chồng

Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”

-ÐQAThái: Nếu dùng thơ để kết thúc cuộc phỏng vấn này, bà sẽ chọn những câu thơ nào?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi muốn dùng hai câu thơ cuối của bài “Thương Ca 1” là “Mùi hương cứ tưởng hơi chồng, nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai”, để nói lên tâm trạng người góa phụ trong chiến tranh, trong nỗi đau tận cùng, cảm xúc như mình vẫn còn người mình yêu.

-ÐQAThái: Cám ơn bà đã nhắc nhớ lại một bài thơ bất hủ nói lên nỗi đau của con người và đất nước Việt Nam thời còn chinh chiến.  ./.


ĐINH QUANG ANH THÁI

thực hiện



 source: https://www.nguoi-viet.com>


==================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét