NGUYỄN MỘNG GIÁC
- Nguyễn Mộng Giác
- Lượt xem: 4536
Trong hơn mười năm xuất bản của tạp chíỉ Văn Học, việc xếp đặt thứ tự bài vở trên mỗi số báo đã trở thành thông lệ: trước hết là những bài biên khảo phê bình văn học, tiếp theo là thơ truyện và phần thời sự văn chương.
Thông lệ đó bị tòa soạn cố ý làm ngơ trong một số trường hợp đặc biệt: Mỗi lần có một cây bút mới gửi tới Văn Học một truyện ngắn vô cùng đặc sắc hứa hẹn một văn nghiệp vững vàng, Văn Học đảo lộn thứ tự trình bày, cho đăng ngay trang đầu tác phẩm ấy để lưu ý bạn đọc. Mỗi lần quyết định như thế, thú thực Ban Chủ biên Văn Học cũng có đôi chút lo âu. Liệu nhà văn chúng tôi mừng rỡ giới thiệu một cách đặc biệt với bạn đọc sành văn chương có thật sự đáp ứng lòng mong mỏi của mọi người hay không? Một trận bão lớn hay chỉ là cơn gió thoảng? Một phút huy hoàng ... rồi chợt tối? Câu thơ ấy của Xuân Diệu ứng nghiệm với nhiều trường hợp đáng tiếc. May mắn cho Văn Học là những biệt lệ như thế không dẫn tới thất vọng.
Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu của Trần Vũ đánh dấu một bước mới trong văn nghiệp của anh, tên truyện gắn liền với anh đến nỗi hễ nói tới Trần Vũ là người đọc nhớ ngay tới Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu. Sau truyện ngắn này, Trần Vũ tìm ra sở trường của mình, và anh mạnh dạn vượt lên trên truyện ngắn ấy.Vết Xước Đầu Đời của Trần Doãn Nho cũng ở trong trường hợp tương tự.
Từ khi có đợt di dân Việt Nam ra đi theo chương trình H.O., những người quan tâm đến văn học hải ngoại hy vọng những người mới này sẽ mang một sinh khí cần thiết cho một sinh hoạt đã nhẩn nha trì trệ từ vài năm trước đó. Hy vọng là phải. Đã có một tiền lệ. Những thuyền nhân vượt biên đầu thập niên 80 rõ ràng đã mang một luồng gió mới cho văn chương những người di tản năm 1975. Những thuyền nhân thuở trước nay đã an cư lạc nghiệp, tâm trí bị cuốn hút vào guồng máy khủng khiếp của đời sống trước mắt, trong khi những kỷ niệm cũ cũng dần dần mờ phai. Nhiều người cầm bút lẳng lặng gác bút, sau "một phút huy hoàng". Địa chỉ đổi, số điện thoại cũ hết hiệu lực, thế là mất dấu. Lớp sóng cũ chìm đi thì lớp sóng mới ùa tới: lớp H.O.
Còn có đợt sóng di dân nào thuần nhất và dày dạn kinh nghiệm lịch sử cho bằng đợt này: kinh nghiệm lao tù cải tạo, kinh nghiệm sống còn sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ để lại vào một nhà tù rộng hơn, những đổi thay của xã hội Việt Nam trong khoảng mười năm gần đây. Chưa hết! Cùng ra đi với những sĩ quan cải tạo là những con cái trong gia đình, từ hai mươi mốt tuổi trở xuống. Cộng đồng người Việt hải ngoại tổ chức kỷ nhiệm hai mươi năm lưu vong. Những người con trong gia đình H.O. sinh ra, lớn lên trong hai mươi năm ấy. Trong tập ảnh mang theo khi bước chân lên máy bay sang Mỹ, chắc có tấm hình chụp những em bé quàng khăn đỏ, lễ gia nhập Đoàn, ngày đi thi hành nghĩa vụ quân sự...Nếu văn chương là tấm gương phản ảnh đời sống, thì thế nào những cây bút mới qua trong chương trình H.O. cũng mang theo một luồng gió mới cho văn chương hải ngoại.
Những người cầm bút ra đi trong diện H.O. có mang luồng gió mới ấy không?
Bây giờ còn quá sớm để xác quyết là có hay không. Nhưng trường hợp Trần Doãn Nho khiến tôi lạc quan. Giống như những nhà văn ấp ủ lâu năm những hoài bão, những tâm sự không thể nói ra trong một chế độ chuyên chính độc quyền tư tưởng, vừa đặt chân đến Mỹ, anh đã viết truyện gửi cho Văn Học. Anh muốn làm nhân chứng cho thời đại của anh, thế hệ của anh. Anh không phải là người ra đi đầu tiên trong đợt di dân H.O., cho nên trước khi anh qua, đã có rất nhiều sĩ quan cải tạo hăng hái làm người chứng. Có người kể chuyện khổn khổ hoạn nạn của gia đình. Có người kể tỉ mỉ những gian nan trong khi làm thủ tục ra đi. Có người kể chuyện tù cải tạo...Nói chung là những đề tài đã được khai thác nhiều trong sách vở báo chí hải ngoại, không phải là cái gì mới mẻ. Ngay đề tài tù cải tạo cũng chưa có những tác phẩm tầm cỡ như Một Ngày Trong Đời lvan Denisovich của Alexander Solzhenitsyn hay Một Nửa Đàn Ông Là Đàn Bà của Trương Hiền Lượng.
Trần Doãn Nho thực sự mang đến một luồng gió mới, theo ý tôi, nhờ tầm nhìn của anh khác với những bạn tù cải tạo H.O. sang trước anh. Anh bỏ qua cái khung chật là những trại giam với cán bộ quản giáo, vệ binh, cai tù, giám thị, tiếng kẻng qui định thời khóa biểu hằng ngày, những cơn đói cồn cào, những sỉ nhục, những cái chết, những tiếng khóc...Anh viết về những gì xảy ra trong cái nhà tù lớn bên ngoài vòng kẽm gai, nhất là những biến động xã hội, những đổ vỡ gia đình sau hai biến cố lớn của lịch sử: Việt Nam Cộng hòa sụp đổ và sự thay đổi của xã hội Việt Nam mười năm gần đây. Trong cái nhà tù lớn ấy, anh lại chú ý tới những nạn nhân đau khổ nhất, can đảm nhất, những con người yếu đuối mà kiên cường một mình đột ngột gánh hết trách nhiệm gia đình: những người vợ, những trẻ thơ trong gia đình sĩ quan cải tạo.
Nhân vật truyện ngắn của Trần Doãn Nho không chỉ ở một phe, phe ta. Trong tập truyện này, anh còn viết rất kỹ về số phận, tâm trạng những người "bên kia", những kẻ tưởng- là-chiến-thắng: một ông chú làm quản đốc nhà lao vô vọng không cứu được đứa cháu lãnh án tử hình (Người chú), một cán bộ hồi hưu cam chịu tất cả nỗi khổ nhục trong khi các bạn chiến đấu cũ ăn xài thừa mứa (Bạn cũ), những sinh viên tranh đấu vô bưng bây giờ gặp lại nhau chua chát thấy mình chỉ là con ngoại hôn của chế độ (Kỷ niệm).
Chưa hết! Mới định cư ở Mỹ chưa đầy hai năm, Trẫn Doãn Nho đã ghi nhận được một số mẫu đời rất tiêu biểu, phần nhiều là số phận những người trẻ tuổi đang ngẩn ngơ, băn khoăn không biết mình thuộc về đâu (Một Chút Việt Nam, Nắng Trên Đồi, Good Stuff).
Tôi vừa nói tới Trần Doãn Nho, người chứng. Và tự nhiên cảm thấy mình lố bịch. Tôi say mê và trân trọng chữ nghĩa nên trao cho chữ nghĩa một vai trò quan trọng quá đáng! Người chứng! Ai giao cho các ông các bà cầm bút vai trò đó? Các ông các bà biết gì về những vận động hậu trường đằng sau lịch sử mà đòi làm chứng? Các ông các bà pha trộn lung tung cái giả với cái thật, nhân vật của các ông các bà căn cước lý lịch mù mờ, sự kiện các ông các bà viết ra lãng đãng không xác thực mà các ông các bà đòi làm chứng?
Vâng, trước tòa án, những lời chứng do nhà văn viết ra đều không có giá trị pháp lý. Những người viết sử cũng không có ai dại dột lấy một bài thơ, một chương tiểu thuyết làm sử liệu. Trong khi khoa học đòi hỏi những dữ kiện chính xác, thì nhà văn chỉ cung cấp những điều "dường như có thật".
Nhưng xin bạn đọc cho tôi được trình bày biện minh trạng. Nhà văn không đủ tư cách làm người chứng của bất cứ phiên tòa thông thường nào, trong bất cứ vụ án lớn nhỏ nào, nhưng họ là người chứng đáng tin cậy sau khi phiên tòa đã xong. Tổ chức xã hội nào cũng cần những ước lệ, phân loại và định vị để cai trị. Mỗi người mang một con số, như số an sinh xã hội ở Mỹ. Từ con số ấy, guồng máy xã hội có thể định vị được mọi thành viên và có một lối đối phó thích đáng. Phiên tòa đã xong. Bản án đã được phán quyết. Kể cả những phiên tòa lịch sử. Nhưng đối với những nhà văn như Trần Doãn Nho, phiên toà chưa xong. Anh không bằng lòng với cách xếp loại, định vị, lượng giá của xã hội. Anh muốn xét lại toàn bộ vấn đề, muốn nhìn con người như một toàn thể trong đó những tiêu chuẩn xã hội có sẵn chỉ là bề mặt. Anh quan tâm đến con người thật ở bên trong, con người phức tạp, đa dạng, huyền nhiệm.
Lời chứng của Trần Doãn Nho qua tập truyện này có vẻ đơn giản, mạch lạc, lôi cuốn, mỗi truyện đã đọc thì đọc một mạch từ đầu đến cuối, truyện dứt lúc nào không hay. Nhưng con người trong lời chứng của anh thì không đơn giản chút nào. Anh thích đặt nhân vật vào những cảnh ngộ thử thách, và cách nhân vật ứng xử với những thử thách ấy rất "người", nghĩa là chênh vênh giữa tốt và xấu, yếu đuối mâu thuẫn nhưng vẫn có đủ nghị lực để chấp nhận bất hạnh và thích nghi với đời sống.
Trần Doãn Nho không hề muốn tạo ra những mẫu người hùng. Nhu cầu tuyên truyền chính trị đã tạo ra quá nhiều người hùng rồi, và những người hùng ấy đưa đất nước về đâu thì ai cũng biết. Trần Doãn Nho chỉ muốn nhắc nhở bạn đọc rằng trên đời còn có những mẫu đời tầm thường hơn, nhỏ nhoi hơn, phức tạp hơn, đáng thương đáng yêu hơn, và những điều trọng đại do chính những con người nhỏ nhoi tầm thường ấy tạo ra, không phải công lao của những anh hùng giả mạo.
Eudora Welty một nhà văn nữ nổi tiếng của Mỹ bảo rằng bà thích kể về đời sống bên trong của người ta, và kể với tất cả lòng yêu thương. Văn nghiệp của bà dựng trên những trang sách kể chuyện đời với tất cả tấm lòng thân ái. Trần Doãn Nho cũng đang làm một công việc tương tự.
Nguyễn Mộng Giác
(Bài Tựa tập truyện ngắn Vết Xước Đầu Đời của Trần Doãn Nho, Thanh Văn xuất bản năm 1995)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét