Nhà văn Bà Tùng Long và biệt tài viết tiểu thuyết feuilleton
Với những ai yêu thích đọc sách, hẳn chú ý đến sự kiện vào đầu tháng 8.2019: NXB Trẻ đã kỷ niệm sinh nhật nhà văn Bà Tùng Long lần thứ 104 và tròn 13 năm ngày mất của bà bằng cách in lại 10 đầu sách.
Trong đó có 7 tác phẩm tái bản: Bóng người xưa, Người xưa đã về, Một lần lầm lỡ, Duyên tình lạc bến, Đời con gái, Đường tơ đứt nối, Con đường một chiều; và 3 tác phẩm in sách lần đầu: Bên hồ thanh thủy, Một vụ án tình, Những ai gieo gió.
Có một điều thú vị, ít ai biết là Bà Tùng Long đã sinh tại Quảng Nam-Đà Nẵng. Vùng đất này đã trở thành nguồn cảm hứng trong tác phẩm của nhà văn nữ nổi tiếng văn đàn từ thập niên 1960 tại miền Nam. Bà không chỉ là nhà báo tiên phong “nhỏ to tâm sự”, “gỡ rối tơ lòng” cho nữ giới trên các tờ báo, tạp chí, chuyên san về phụ nữ ấn hành tại miền Nam mà còn là một nhà văn đeo đuổi đề tài về hôn nhân gia đình một cách bền bỉ và có nhiều tác phẩm xuất bản, được bạn đọc nữ rất ái mộ.
Nếu trong thập niên 1970 của thế kỷ XX tại thị trường sách miền Nam nổi lên hiện tượng sách dịch về tiểu thuyết tình cảm của nữ nhà văn Quỳnh Dao (Đài Loan), thì thật ra loại tiểu thuyết về đề tài này, ở Sài Gòn Bà Tùng Long đã đi trước hơn một thập kỷ.
Bà tên thật là Lê Thị Bạch Vân sinh ngày 1.8.1915 tại Đà Nẵng, quê nội Hội An. Thuở nhỏ, bà học tiểu học tại Đà Nẵng, sau đó ra Huế học Trường trung học Đồng Khánh. Năm 1932, thân phụ đổi vào làm việc tại Sài Gòn thì bà cũng đi theo cha, học tại trường Áo Tím, tức trường Gia Long (nay trường Nguyễn Thị Minh Khai) và trong thời gian này bà bắt đầu viết văn, ký tên thật.
Ý thức dùng ngòi bút để trình bày quan niệm sống của bà đã hình thành từ thuở nhỏ, vì lúc ấy cha của bà cộng tác với các báo Hữu Thanh, Nam Phong… thì bà cũng đã được đọc và dần dần hình thành tấm lòng yêu văn chương. Một điều may mắn là năm 1935 bà kết hôn với nhà báo Nguyễn Đức Huy. Với bút danh Hồng Tiêu, ông Huy bấy giờ đã nổi tiếng trong trường văn trận bút đang cùng với ông Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận làm tờ nhật báo Sài Gòn, là người đầu tiên đã nhận ra văn tài của bà. Sau nhật báo này đổi thành Sài Gòn mới, bà tiếp tục viết và chính thức ký tên Bà Tùng Long.
Tại sao ký bút danh này, bà cho biết: “Các vị nho học của chúng ta có câu “Vân tùng long, phong tùng hổ” (mây theo rồng, gió theo cọp) nên thuở xưa, nếu có ai lấy bút danh Tùng Hổ thì ta biết người ấy tên Phong, còn tôi tên Vân thì lấy bút danh Tùng Long là vậy”. Thật ra, khi có chữ “Bà” đặt trước bút danh cũng là một “mốt” khá đặc trưng của làng báo Sài Gòn thuở ấy, chẳng hạn như các Bà Ngọc Lệ, Lan Chi Phương… hoặc các Cô Tuyết Lan, Thúy Liễu, Kiều Oanh, Vân Giang… (Điều này khiến ta nhớ tới những bút danh quen thuộc trên báo chí hiện nay như Anh Bồ Câu, Anh Cỏ Cú, Chị Huyền Sương, Chị Thanh Tâm v.v.).
Trước khi chính thức bước chân vào làng báo, Bà Tùng Long còn là một nhà giáo có uy tín trong nghề. Năm 1944, do chuyển biến của thời cuộc, bà theo chồng về Quảng Ngãi, mở Trường Tiểu học Tân Dân thực hiện chủ trương xóa nạn mù chữ của Việt Minh. Rồi năm 1951 vào lại Sài Gòn, bà tiếp tục dạy học tại các trường Tân Thịnh, Đạt Đức… và cộng tác với các báo như Đồng Nai, Tiếng Vang, Tiếng Chuông, Phụ nữ diễn đàn, Đông phương… Thời gian này, ngoài việc phụ trách chuyên mục giải đáp, tâm tình với nữ giới thì bà viết khá nhiều feuilleton.
Thiết tưởng cũng nên biết qua thể loại này để thấy biệt tài của Bà Tùng Long. Khi nói đến “feuilleton” lập tức người ta nghĩ đến “tiểu thuyết đăng dần từng kỳ nơi trang trong các nhật báo” – cho dù còn có thể kể đến loại tiểu thuyết in từng kỳ ở tuần báo, tạp chí.
Nhưng không phải nhà văn viết xong quyển tiểu thuyết đem giao cho toà soạn báo để họ trích in từng kỳ mà nhà văn viết từng ngày, mỗi ngày viết đầy khung báo đã quy định trước. Mục đích viết “feuilleton” là nhằm câu khách nên đến đoạn gay cấn nhất thì ta thấy xuất hiện hai chữ … “Còn nữa”! Cứ thế, nhà văn buộc độc giả phải chờ đợi số báo sau để biết rõ tình tiết sắp xảy ra như thế nào…
Nghệ thuật viết “feuilleton” là phải lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Bà Tùng Long cho biết: “Tôi thường ghé tòa soạn mỗi sáng, vào thẳng nhà in lấy tờ ruột đã in trang 2 và 3, để coi lại feuilleton của mình đã đến đâu. Nếu hôm nào người ấn loát trưởng (chef typo) cho biết bài của tôi đã hết, phải đưa thêm, tôi liền vào ngồi vào bàn tại phòng xếp chữ, để viết nối theo đoạn tiểu thuyết hôm trước, đưa liền để kịp thợ sắp chữ, lên khuôn”.
Xem thêm: Bà Tùng Long và gia tài sau những ngày viết lách nuôi con
Những nhà văn được độc giả yêu thích có thể được nhiều chủ báo cùng mời viết “feuilleton”. Bà Tùng Long cũng vậy, có thời kỳ mà mỗi ngày, bà phải viết khoảng 5, 6 feuilleton. Thế mới biết sức tưởng tượng của bà phong phú biết chừng nào.
Thông thường, do một lúc viết nhiều “feuilleton” nên có lúc nhà văn đã “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hoặc lẫn lộn nhân vật từ báo này sang báo nọ hoặc số báo ngày hôm qua cho nhân vật đi xe hơi vào quán ăn nhưng ở số báo sáng nay, nhà văn lại cho nhân vật ấy lúc ra về lại đi tắc-xi chẳng hạn! Để khắc phục tình trạng này, Bà Tùng Long có bí quyết: “Tôi lập sẵn dàn bài, tóm lược cốt truyện đã ghi từng nhân vật và các chi tiết cho mỗi truyện. Trước khi viết tiếp cho báo nào, tôi cũng xem kỹ lại dàn bài, như vậy không bao giờ lẫn lộn nhân vật truyện này qua truyện nọ”.
Nhân đây cũng xin tiết lộ, nhà văn Nguyễn Đông Thức (tên thật Nguyễn Đức Thông) – tác giả Ngọc trong đá, Vĩnh biệt mùa hè… là con trai của Bà Tùng Long. ./
LÊ MINH QUỐC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét