Vương Trí Nhàn, tạp văn và chuyện bất toàn
TTO - Nhà nghiên cứu phê bình văn học Vương Trí Nhàn có buổi giao lưu với bạn đọc TP.HCM tại đường sách sáng 28-8 nhân dịp tái bản lần ba quyển sách Nhân nào quả ấy - đề cập vấn đề văn hóa giáo dục đương đại của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn và nhà văn Võ Diệu Thanh giao lưu với bạn đọc đường sách TP.HCM. Ảnh: L.Điền |
Nhan đề sách cũng chính là chủ đề buổi giao lưu: Nhân nào quả ấy, cùng với nhà văn Võ Diệu Thanh trong vai trò dẫn chuyện. Lý giải những vấn nạn trong đời sống văn hóa xã hội theo quan hệ nhân quả là một ý tưởng từng được đông đảo công chúng chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn vẫn duy trì cách viết này qua trang blog cá nhân của ông. “Tôi vẫn viết về các vấn đề xã hội đăng lên trang Facebook cá nhân, rồi lâu lâu đăng lại vẫn có người xem” - ông nói vui.
Và bằng chứng sống động nhất là quyển sách Nhân nào quả ấy xuất bản lần đầu năm 2004 đến nay vẫn được Nhã Nam mạnh dạn tái bản 2.000 cuốn.
Nghề văn, ta cũng bất toàn
Nhà văn Võ Diệu Thanh khéo léo hướng câu chuyện của ông Vương Trí Nhàn vào với chủ đề quyển sách, rằng các bài tạp văn trong sách nêu những vấn đề gai góc trong xã hội, nó được đón nhận dài dài như vậy, phải chăng thể loại tạp văn là món khoái khẩu của bạn đọc Việt Nam?
Lý giải điều này, ông Nhàn lại quay lại với một cố tật của người Việt trong nghề văn, đó là ít đầu tư về mặt nghề nghiệp trong viết văn. Cụ thể là ít đầu tư nghiên cứu thể loại, chưa thật sự am tường thấu đáo về các hình thức tác phẩm, cấu trúc, tư tưởng, kỹ thuật tiểu thuyết tự sự của ta đều còn kém...
“Ta viết văn cũng nên tính đến việc làm sao để chất lượng tác phẩm ngang tầm với thế giới, để không chỉ mình dịch văn học nước ngoài mà nước ngoài cũng phải dịch và đọc của mình nữa chứ” - ông Nhàn nhấn mạnh.
Ở tuổi 74, với 50 năm trong nghề viết và biên tập, ông Nhàn vẫn theo dõi các diễn đàn trên mạng và cho rằng gần đây có cuộc tranh luận về tính lười biếng của người Việt rất đáng chú ý.
Ông kể năm 1975 chính người em của ông khi sang Đức làm việc mới “thực mục sở thị” rằng người Việt ta không siêng năng cần cù như lâu nay ta vẫn bảo nhau. Người ta thì học cho tới chết mới mong được sống để làm việc, còn người mình thì chuộng đa năng, cái gì cũng biết một ít, nhưng chuyên môn thì chẳng bằng ai. Nghề văn ở mình cũng vậy.
|
Gần gũi với tạp văn
Trong bối cảnh đó, tạp văn là thể loại gần gũi với đời sống nên được công chúng đón nhận. Đây cũng chính là thể loại của quyển Chấn thương tâm lý hiện đại cũng của Vương Trí Nhàn từng ra mắt công chúng hồi đầu năm nay.
Tại buổi giao lưu, ông Nhàn cho rằng trong làng văn Việt Nam từ thời cụ Tản Đà đã phát triển thể loại tạp văn với các bài viết về thú uống rượu, về tịch cốc... Sau đó có Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Khải ở miền Bắc đều có viết tạp văn và có những bài tạp văn hay. Như Nguyễn Khải viết về thói nịnh bợ cấp trên và khen lớp trẻ theo kiểu “khen cho chết” là những tạp văn đóng đinh trong làng viết.
Nhiều bạn trẻ bày tỏ muốn bắt đầu với thể loại tạp văn như thế nào, ông Vương Trí Nhàn cho rằng: “Việc gì cũng có thể viết thành tạp văn”. “Tôi vừa đi Quy Nhơn, vào quán ăn thấy có cái giấy chứng nhận “có kiến thức an toàn thực phẩm”. Chứng nhận “có kiến thức an toàn” chứ không phải chứng nhận “có an toàn”, tôi phục bà chủ quán và cái cơ quan cấp giấy ấy quá” - ông Nhàn kể.
Viết tạp văn là khéo nhìn ra tính quan trọng trong những vấn đề thoạt có vẻ lặt vặt. Theo ông Nhàn, người mình thường có ý xem thường chuyện lặt vặt và người viết tạp văn thì không nên như vậy.
Ông nhớ từng đọc câu chuyện về giày dép ở bên Nhật, rằng vào thời nước Nhật mới Âu hóa, khi chuyến tàu hỏa đầu tiên khởi hành, người ta mời một công nương Nhật đi theo dạng khách mời danh dự. Khi tàu chạy, công nương sực nhớ ra là bà đã bỏ đôi giày ở dưới sân ga mất rồi. Điều này cho thấy thói quen của người Nhật luôn luôn bỏ giày dép bên ngoài khi vào phòng.
Chuyện giày dép viết như vậy thì đâu có nhỏ, đúng không? Ông Nhàn đặt câu hỏi và được nhiều người đồng tình.
Nhân nào quả ấy là tập tạp văn đề cập hàng loạt vấn đề thuộc đời sống văn hóa xã hội của Việt Nam đương đại. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn mạnh dạn lật xới hàng loạt những chuyện bất toàn trong xã hội Việt Nam, từ những vấn đề quan yếu trong văn hóa giáo dục như: Thừa thầy thiếu thợ, Mạnh ai nấy sống, Kiếm sống bằng bất cứ giá nào, Bảy bước tới tha hóa... đến những câu chuyện về Câu chuyện nhân tài trong lịch sử, Làm sao vượt lên tình trạng tự phát và manh mún... Các chủ đề “nông thôn không còn đô thị chưa tới”, “di sản và lễ hội” là những nội dung vẫn đang thời sự và chắc hẳn sẽ còn được quan tâm trong nhiều năm sau nữa. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét