Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

" Ý thứ c mới trong văn nghệ & triết học" / Phạm Công Thiện [ 1941- 2011 ] -- source: http://talawas.org>

hạm Công Thiện

Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Tặng Phạm Trung Cang, Phạm Thế Hùng, Phạm Hoàng Dũng, Phạm Quốc Khanh, Phạm Ngọc Hoa, Phạm Ngọc Thanh, Phạm Ngọc Bích

GỬI MỘT NGƯỜI ĐỌC KHÔNG QUEN
CÙNG CHÁY MỘT THỨ LỬA THIÊNG NHƯ TÔI
CÙNG ĐƯỢC NUÔI BẰNG MỘT THỨ NƯỚC ĐIÊN NÀO ĐÓ CHẢY TRÔI NHƯ TÔI
CÙNG SỐNG NHƯ TÔI ĐANG SỐNG
CHÁY
VÀ CHẢY
CHÁY VÀ CHẢY KHÔNG NGỪNG…


1.

Sài Gòn ngày 25 tháng 4 năm 1970

Bức thư này được viết ra để đóng lại mười năm và mở ra mười năm khác. Nhân dịp quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học được tái bản lần thứ tư; ông Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm có ý muốn tôi viết đôi lời gọi là “sau mười năm lang bạt nhìn lại ý thức mới…

Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy!

Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đoạ đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đoạ đầy làm thiên tài.

Bây giờ gần 30 tuổi thì tôi lại xuống núi (chứ không phải lên núi như Zarathustra) để làm nước chảy ồn ào trong những lỗ cống của cuộc đời.

Thực ra còn đến hai tháng nữa, tôi mới đúng 29 tuổi. Tôi cho phép tôi làm nước chảy trong cống rãnh trong thời gian một năm nữa thôi, từ 29 tuổi đến 30 tuổi.

Từ 30 tuổi trở đi cho đến 40 tuổi thì tôi sẽ không là tôi nữa. Đó là điều bí mật chỉ có tôi mới biết rõ vì sao tôi sẽ không là tôi nữa.

Từ 40 tuổi cho đến 50 tuổi, hư vô sẽ thổi trên mặt đất.

Từ 50 tuổi cho đến 60 tuổi thì kỷ nguyên Tây lịch đã tới năm 2000.

Từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi thì trái đất sẽ rất nhiều chim, những con chim biết nói tiếng Phạn.

Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.

Từ 80 tuổi cho đến 90 thì Thái Bình Dương sẽ trở thành nấm mồ chôn hết lục địa.

Từ 90 tuổi cho đến 100 thì mặt trời trở thành mặt trăng và mặt trăng trở thành địa cầu mới.


2.

Tôi không là một tên tiên tri nào cả, ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu làm sao thì hiểu.

Ngôn ngữ của người điên không khác ngôn ngữ của thi sĩ lắm, chỉ có khác một điều: xã hội loài người có dựng lên bao nhiêu nhà thương điên mà không chịu dựng lên nhà thương thi sĩ.

Khi muốn phản đối người nào thì người ta nhốt hắn vào nhà thương điên; từ ngày bệnh điên trở thành một cái thời trang làm dáng cho bọn tự nhận là thiên tài thì phân tâm học ra đời tự nhận là phi thiên tài. Cái hạng người gọi là “bình thường” đầy dẫy ở mặt đất: trước khi nói một lời thì họ uốn lưỡi bảy lần, và vì uốn lưỡi nhiều quá cho nên lưỡi họ trở thành cong cong như lưỡi câu cá. Tội nghiệp cho những con cá mắc câu!

Nhưng nếu trường hợp chính tôi lại bị mắc câu thì cứ cho mắc câu! Vì mắc câu cũng thơ mộng! Tôi sống không cần đề phòng gì cả, tất cả cửa đều mở sẵn: ai muốn len vào để “thích khách” thì cứ len vào; tôi không phòng thủ, không tự vệ, không giữ gìn. Tôi không chịu đựng nổi những hạng người hay nói đến những “phương cách đối trị”… Chỉ có một phương cách đối trị duy nhất là buông bỏ.

Cơn bịnh trầm trọng của thời đại là tiếng ồn ào, tiếng ồn nầy kéo tới tiếng ồn khác, tiếng ồn của cơ khí, của súng đạn, của động cơ, tiếng bom nổ là tượng trưng phát biểu cho tiếng nổ vỡ của ý thức con người. Sứ mạng của chúng ta, những thi sĩ của trái đất, là phải giúp cho ý thức con người bùng vỡ lên như một cái nấm đỏ khổng lồ, cho ý thức nổ lên như một trái bom một triệu tấn. Chúng ta có chịu đựng nổi tiếng nổ kinh thiên động địa ấy không?

Nếu ý thức của con người không thể bùng nổ được như trái bom khinh khí thì trái bom khinh khí sẽ bùng nổ thay thế ý thức con người. Hoặc là tôi hoặc là cái khác thay thế tôi. Con người chỉ chạy đuổi theo những cái thay thế cho con người. Ý thức luôn luôn chạy tìm cái thay thế cho ý thức: không bao giờ là thế mà luôn luôn thay thế.

LÀ THẾ, chữ Phạn gọi là yathàbhùtam.

Chỉ có một chỗ ở độc nhất là ở chỗ là thế yathàbhùtasvalakshanàvasthànàyasthitam.

Kinh Lankàvatàra Sutra dạy tôi rằng phải có “âm hưởng nhẫn” (Ghoshànugakshànti) mới nhận ra được tiếng nổ động trời của “chuyên thức” (Paràvritti) trong cái - là - thế, trong cái- nhìn -thấy- như- là- thế: yathàtathyadarsana.

Tôi vẫn thích viết chữ Phạn, thích nói chữ Phạn, mặc dù tôi vẫn chưa thuộc hết bảng mẫu tự chữ Phạn!

Hãy giải thoát ra khỏi bảng mẫu tự chữ Phạn!

Giải thoát không có nghĩa là chạy.

Giải thoát là CHÁY
VÀ CHẢY
Cháy như thế, chảy như thế.

Chảy như thế thì từ tu du này đến tu du khác, từ giây phút này đến giây phút khác, từ mười năm này đến mười năm khác, từ cuộc đời này đến cuộc đời khác, từ vĩnh cửu này đến vĩnh cửu khác, từ thiên thai này đến thiên thai khác, từ tên tuổi này đến tên tuổi khác, “từ lâu đài này đến lâu đài khác” (Céline), từ “giác ngộ” đến “một mùa ở hoả ngục” (Rimbaud), từ Tropic of Cancer cho đến Tropic of Capricorn (Henry Miller), từ chiếc taxi cho đến tiếng cười và cuộc đời vô hạn (William Saroyan)

Xin trích dẫn Saroyan: “Một chàng trai trẻ kêu gọi một chiếc taxi và đi đến bờ đại dương, cởi áo ra, cởi cà vạt ra và bước xuống biển rộng bao la và la rống lên như ngừoi mới được cứu sống dậy: Ô, trời ơi, tôi đã chết. Ô trời, tôi đã chết, rồi anh chàng nhìn ra đằng xa mặt biển bao la và cười ầm lên như đứa con nít lên ba và chửi thề và khóc và nhảy và nhìn và bỗng nhiên nhìn thấy và bỗng nhiên nhìn thấy và Ồ Ồ BỖNG NHIÊN NHÌN THẤY và vội bước đi nhanh huýt gió một điệu nhạc của cuộc sống thiên thu và bắt đầu la hét vào mặt ông trời ồ ồ tôi đã chết và tôi biết rằng mi điên vì phải điên để cho cái chết là cuộc đời và để cho người sống phải chết và tôi biết rằng ngài chết và bây giờ ngài sống và bước đi trên mặt nước và nó la hét lên như một đứa trẻ nít một đứa trẻ đáng thương lạc lõng trong sự vô biên của thời gian ồ hỡi Trời đời sống của tôi ở đâu rồi và té ngã xuống cát ướt và ôm chặt sự ướt át ôm chặt cuộc đời mất mát của nó như ôm cát vô hạn cuộc đời của nó chôn mất trong lòng biển và la hét rằng nó sẽ không chết như con người sống mà sẽ chết như cuộc đời chết nó yêu cái chết nó cười ầm lên như một đứa bé chết như một con người chết và lúc những đợt sống đến và đi không ngừng nghỉ nó cười ầm không dứt khi mà thời gian chảy trôi không ngừng và chết không ngừng và sẽ là thế không ngừng và CHẢY KHÔNG NGỪNG...

Và Henry Miller chú giải: “BỖNG NHIÊN NHÌN THẤY... Cái đó là thế, là thế. Khi một người nhìn thấy như thế thì thế giới bắt đầu rung động lay chuyển và những cơn đại hồng thủy đổ ào vang dội náo động mọi sự”.


3.

Trong ngôn ngữ nhân loại, không có dân tộc nào có được tiếng nói có âm hưởng kỳ lạ như mấy tiếng Việt sau đây:
  1. CHAY (có nghĩa: trong sạch. Theo Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức)

  2. CHÁY (có nghĩa: bén hay bốc lửa lên. Theo VNTĐHKTTĐ)

  3. CHÀY (có nghĩa bóng: liều lĩnh không có lý sự. Theo VNTĐHKTTĐ)

  4. CHẢY (có nghĩa: trôi đi, tuôn ra. Theo VNTĐHKTTĐ)

  5. CHẠY (có nghĩa: đi nhanh, gót chân không bén xuống đất… nói về cái gì thoát, không vấp, không tắc. Theo VNTĐHKTTĐ)
Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ trên. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước nhất phải trong sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần túy, sạch sẽ, không pha trộn với ngoại chất (CHAY), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hoả hoạn thiêng liêng thiêu đốt cho tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (CHÁY) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đâù đội trời chân đạp đất, liều lĩnh, không sợ hãi (CHÀY) vì sống như thế, nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (CHẢY) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (CHẠY).

Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHÁY, CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.


4.

Bios: tên của cái cung (bios) là đời sống (bios), tác nghiệp của nó là cái chết.

Ý nghĩa của những tiếng CHÁY, CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY cũng giống như ý nghĩa của hai tiếng BIÓS - BÍOS của Héraclite: chỉ một thoáng đổi nhẹ âm thanh thì cái sống biến thành cái chết và cái chết biến thành cái sống.

Đọc nhấn mạnh chữ Hy lạp bios ở nơi vần trước cuối (paroxyton) thì bíos có nghĩa sống mà có đọc nhấn mạnh ở vần cuối (oxyton) thì biós có nghĩa là cây cung và tác động của cây cung là cái chết.

Cây cung (biós) mang tên là đời sống (bíos) mà lại gây ra cái chết. Tất cả mọi sự mâu thuẫn đối nghịch giao hợp trên một đầu âm thanh run rẩy.

Cây cung là trò chơi của cái chết và sự chơi chữ giữa hai âm thanh run rẩy biós và bíos cũng là trò chơi của cái chết.

Sự hôn phối giữa đời sống và cái chết chính là sự giao hợp của lửa và nước: lửa và nước đã giao nhau trong một âm thanh Việt Nam duy nhất CHAY và sự ba động của âm thanh này toả ra tác động của lửa trong ý nghĩa tích cực (CHÁY) và ý nghĩa tiêu cực (CHÀY), đồng thời toả ra tác động của nước trong ý nghĩa tích cực (CHẢY) và ý nghĩa tiêu cực (CHẠY).

Định phận của Việt Nam bốc lên như lửa cháy (chiến tranh) và nuôi sống những đồng ruộng xanh như nước chảy (sông Cái và sông Cửu Long).

Triết lý của Nước Việt Nam phải là Triết lý Việt Nam về Nước. Hai ý nghĩa nằm gọn trong một âm thanh: Nước.


5.

Và đây là lời cuối cùng của một nhân vật Dostoievski:

“TÔI SỢ PHẢI TỎ RA CÓ TÂM HỒN CAO THƯỢNG.”

Và lời nói chuyện giữa Kirilov và Stavroguine mà Henry Miller trích lại trong một bức thư gửi cho Fraenkel ngày 7 tháng 9 năm 1937. -

“Một chiếc lá, một chiếc lá thôi. Chiếc lá đẹp, tất cả đều tốt đẹp’’.
“Tất cả à?"
“Tất cả. Con người không hạnh phúc vì hắn không biết rằng hắn hạnh phúc. Chỉ vì lý do ấy mà thôi’’.
“Tất cả mọi sự nằm ở đó! Tất cả mọi sự LÀ THẾ! Kẻ nào biết được như thế sẽ được hạnh phúc ngay lập tức. Nàng sẽ chết, đứa con sẽ còn lại. Tất cả đều tốt đẹp. Tôi vừa khám phá ra đột ngột như thế.’’
“Và nếu có một người nào chết đói, nếu có người nào làm bậy đối với một đứa con gái bé nhỏ, lăng nhục vấy bẩn nó, thế thì điều ấy có tốt không?’’
“Vâng, cũng tốt. Và nếu người ta chẻ sọ kẻ ấy vì hắn đã làm bậy đứa bé thì điều này cũng tốt nữa. Và nếu không có ai làm như thế thì cũng tốt nữa, tốt, tốt. Tất cả đều tốt hết, tất cả. Chỉ có những kẻ biết rằng tất cả đều tốt đẹp thì mới là những kẻ hạnh phúc. Nếu họ biết rằng họ hạnh phúc thì họ sẽ thấy hạnh phúc ngay. Nhưng khi vừa lúc họ không biết rằng họ hạnh phúc thì họ sẽ không hạnh phúc ngay. Đó, ý tưởng đó, tất cả trọn vẹn ý tưởng ở đó. Ngoài ý tưởng này, chẳng có ý tưởng nào khác nữa’’.
(Les Posssédé, bản dịch của Jean Chuzeville, trang 220 - 221)

Tôi đang hạnh phúc, vì tôi biết rằng tôi đang hạnh phúc. Tôi xin chúc cho mọi người đều biết rằng họ đang hạnh phúc.

Tôi không còn muốn tự tử như mười năm trước, vì tôi không muốn tỏ ra mình có tâm hồn cao thượng! Càng lớn lên tôi càng hạnh phúc rõ rệt thêm lên. Cái tôi nhỏ bé, ích kỷ, hạn hẹp cũng đã chảy phăng ra biển cả. Thần đồng và thiên tài chỉ còn là trò chơi của trẻ thơ.

Không còn tôi hạnh phúc mà chỉ là cơn hạnh phúc đang chảy liên miên bất tận, bằng một ý thức lan rộng ra mãi mãi, bằng cách CHÁY sáng ngời hơn mãi, cho mãi đến ngay cả trí nhớ cũng phải tự chìm mất đi, không còn nữa.

“... by an ever-expanding consciousness, by BURNING more and more brightly, until even memory itself vanishes”

HENRY MILLER PHẠM CÔNG THIỆN

(The Wisdom of the Heart)

Heartville ngày 25 tháng 4 năm, 1970

Mười năm sau khi bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học.
Chú ý:

Trong những chương kế tiếp đây, phần in chữ đứng là phần nội dung của Ý thức mới trong văn nghệ và triết học giống như lần xuất bản thứ nhất, thứ hai và thứ ba.

Riêng lần tái bản thứ tư này, tác giả có viết thêm những ghi chú của mình, những cái nhìn hiện tại chiếu ngược lại quá khứ. Tất cả những ghi chú này được in bằng chữ nghiêng. Con người ba mươi tuổi đối mặt với con người hai mươi tuổi: hai bên giao tranh nhau trong một cuộc tương tranh thân ái mà sự thất bại hiển nhiên là nằm ở những giòng chữ nghiêng.

Nhưng phải chăng chỉ biết được rằng mình hạnh phúc là sau khi đã thất bại vì không chịu chảy ngược lại đằng sau?

P.C.T.

Một số chương trong quyển nầy đã đăng rải rác trong những tạp chí ở Saigon vào những năm 1960–1962; mỗi bài đều phản ảnh tâm trạng người viết vào những năm ấy. Tâm trạng ấy là tâm trạng của một người bị giam hãm trong đời sống.

Quyển sách này gợi lại một ý thức nào đó trong đời người viết, ghi lại một chặng đường gió loạn đã đi qua, một quãng đời đã trôi ra biển.

Tháng 7 năm 1964


*


Nha Trang, tháng 6 năm 1963 [1]

Huy,

Suốt đời tôi chắc chắn không bao giờ tôi quên được đôi mắt ước lệ của một nàng ca sĩ mà chúng mình đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một phòng trà mờ tối ở Saigon.

Viết những dòng chữ này vào năm đúng 22 tuổi bây giờ có lẽ tôi lạnh lùng hơn, không còn ai khócc khả dĩ làm tôi rung động như thuở 22 tuổi.

Thương xót, đau khổ với, Mitleiden, tôi phải tiêu diệt tất cả mọi đau khổ với. Sự cám dỗ cuối cùng của Zarathustra là “đau khổ với” hay nói khác đi, “lòng thương hại, thương xót, trắc ẩn”. Chữ Pháp “pitié” không thể diễn tả được ý nghĩa của chữ Đức “Mitleid”.

Hình ảnh đau buồn lặng lẽ ấy đã ám ảnh tôi suốt những đêm dài âm u ở vùng biển xanh.

Tôi vẫn không quên được một tối cùng ngồi với Huy nơi một quán rượu bên bờ sông Saigon. Đêm ấy, trời làm mưa, trời làm gió… Mưa phủ kín hết những chiếc tàu. Mưa phủ kín hết những hoài vọng triền miên của tuổi trẻ. Tôi nhìn những chiếc lá ướt mưa, tôi nhìn lên đôi mắt của Huy và tôi thấy đôi mắt đó thật xa xăm, thật y buồn… Trong đêm tối, tôt chợt nghe rõ âm vang đâu đó, giọng hát ru khuya của những nàng ca sĩ yếu gầy. Rồi tôi thấy những con đường Sài Gòn phủ đầy lá vàng. Rồi tôi thấy tuổi trẻ chạy trốn, và những con sông chảy âm thầm về biển…

Tôi đã từ bỏ sông Sài Gòn để trở về biển, tôi về đây, sống biệt lập trên một đồi cao. Những đêm khuya nằm nghe gió đìu hiu và tiếng sóng vỗ xa, tôi bỗng nhớ lại những ngày vui của chúng mình ở Sài Gòn.

Ôi! Những ngày vui ấy qua mau quá. Qua mau như khói thuốc. Qua mau như nắng quái chiều hôm. Qua mau như tuổi trẻ chúng mình. Và tất cả chỉ còn là kỷ niệm sẽ làm ta đau khổ. Nước mắt sẽ tuôn chảy và tuổi trẻ gục mặt buồn…


Tuổi trẻ gục mặt buồn như bức tượng gục đầu của Rodin. Kiên nhẫn, kiên nhẫn âm u. Tuổi trẻ Rilke gặp Rodin và hỏi: “Phải sống như thế nào?”. Rodin trả lời: “Làm việc”. Không phải làm việc như tên nô lệ, mà phải làm việc với tiếng hát của con chim hoạ mi.

Có thể người ta sẽ bảo chúng mình là những kẻ sướt mướt. Những kẻ chạy trốn, những kẻ thua cuộc và đầu hàng trước cuộc đời. Và chúng ta chỉ biết trả lời bằng nụ cười câm lặng, hay một tia nhìn chứa chan. Rồi chúng ta lạy trời cho mưa rơi thật nhiều. Ừ, mưa rơi đi, rơi nữa đi! Mưa hãy rơi thật nhiều vì trần gian này khô cạn quá rồi. Đất đã cằn, và lòng người đã biến thành sỏi đá…

Thực ra tiếng hát đã ngừng lại trong tim chúng ta, phải không Huy? Đôi mắt bất động. Tuổi trẻ đã quên hát. Tuổi trẻ đã câm. Bởi vì chúng ta đã già trước tuổi… Tôi tưởng tượng những người phu ca hát trên một bến tàu. Tôi hình dung những trẻ nhỏ nô đùa bên xóm vắng. Tôi mường tượng tiếng chim hót ban mai. Và thấy đó là những hình ảnh tốt đẹp cuối cùng của cuộc đời…

Những tối sống thê lê ở Sài Gòn, chúng mình đã đi lang thang trên những phố buồn, để rồi cuối cùng, tụ về những hộp đêm, gục đầu nghe tiếng hát bên ngoài gục đầu đón tiếng hát bên ngoài, vì chúng mình đã mất hết tiếng hát bên trong, và chim non đã thôi hót trong lòng tuổi trẻ.

Một tối, giữa tiếng hát não nùng của một nàng ca sĩ bơ vơ, Huy đã than thở cùng tôi : “Rồi đây, đời mình sẽ đi đến đâu?”

“Ai đến đâu? Đi về đâu?”. Hình như Napoléon đã nói một câu đại loại: “Kẻ đi xa nhất là kẻ không biết mình đi đâu.”

“Một ngày kia sẽ chết tàn lụi trong một xó xỉnh nào đó, không ai hay biết…” Tôi ngậm ngùi trước lời than thở của Huy và chỉ biết nắm tay Huy mỉm cười; bởi vì, đối với tôi, lúc nào tôi cũng chỉ mong mình sẽ không đi đến đâu cả, và suốt đời, tôi chỉ mong được chết trong một xó xỉnh nào đó, và chẳng cần ai hay biết hết. Cả đời tôi, tôi chỉ mong được như vậy.

Người ta sống, đều cần phải đi về một nơi nhất định. Riêng tôi, thì chẳng cần về đâu cả. Và tôi mong Huy sẽ có ý muốn như tôi.

Lúc nào tôi chết, tôi chỉ muốn được người ta vùi thây tôi xuống bùn, và tôi muốn mọi người sẽ quên tôi đi, như quên một con chó lạc đường. Chí có thế thôi… Huy ạ…

“Con chó lạc đường, con chó lạc chủ”

Khổng Tử tự nói rằng mình giống “con chó mất chủ”. Năm 22 tuổi, kẻ thù không đội trời chung của tôi là Khổng Tử. Bây giờ gần ba mươi tuổi, tôi mới thấy thấm thía rằng Khổng Tử đáng là ông cố ngoại của tôi.

Nhớ Huy, tôi nhớ đến đôi mắt xa xôi của Huy. Tôi nhớ đến những viên thuốc ngủ của Huy và tôi nhớ đến những đêm Huy ngồi nhìn mông lung xuống dòng sông. Lần sau gặp lại Huy, tôi cũng nghe Huy than thở như những lần trước.

Trước kia, tôi thường nghĩ như Huy. Nhưng bây giờ tôi không còn nghĩ thế nữa. Tôi không còn than thở. Tôi không còn đau khổ. Bây giờ tôi là kẻ sung sướng nhất trần gian. Tôi cười cả khi tôi đang ngủ. Tôi không còn tiếc thương dĩ vãng. Con người hạnh phúc nhất là con người tuyệt vọng.

Tuyệt vọng và hy vọng như hai quả cân, đi lên và đi xuống. Tất cả sự đi lên đều là “anh hùng rơm”. Dám đi xuống, xuống, xuống tận đáy. Hố thẳm.

Tôi là con người ấy. Bởi vì Huy còn hy vọng, nên Huy còn đau khổ. Trái lại, tôi hết hy vọng, nên tôi mới sung sướng. Còn hy vọng, nghĩa là còn nghĩ đến ngày mai, nghĩa là đã quên ngày hôm nay. Huy đau khổ vì Huy đã quên ngày hôm nay, vì Huy đã trông chờ ngày mai. Mà ngày mai sẽ không bao giờ đến, vì ngày mai cũng sẽ chỉ là ngày hôm nay...

“Ôi những ngày vui qua mau!’’, Huy thường nói với bạn bè như vậy. Huy đã buồn khổ vì những ngày vui trôi đi nhanh quá. Tôi lại khác Huy, tôi hoàn toàn sung sướng khi thấy những ngày vui bỏ đi quá mau. Tôi ngược hẳn Huy. Đối với tôi, những ngày vui qua càng mau thì tôi càng sung sướng. Tôi rất yêu những đoá hoa chóng tàn. Hoa càng mau tàn thì lại càng đẹp. Tôi rất ghét những bông hoa nở lâu. Lạy trời cho những ngày vui qua thật mau. Cho tuổi trẻ chóng tàn và cho những người con gái chết lúc hãy còn xuân đẹp...

Hiện nay, mỗi ngày, tôi đều sống với sự chết trên đôi mắt tôi. Tôi yêu sự chết. Tôi đã “làm ái tình’’ với cái chết. Chính sự chết đã làm cuộc đời trở nên đẹp. Đẹp như một đoá phù dung chóng tàn.

Vì tôi yêu sự chết, nên tôi yêu cuộc đời đến độ ngây ngất. Tình yêu ấy chính là Ý thức mới thoát hiện lên từ cơn tuyệt vọng cùng cực của con người. Tôi đã từng nói với Huy rằng chính Charlot là một thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại, vĩ đại hơn Shakespeare, vĩ đại hơn tất cả những văn hào, triết gia cao siêu ở thế giới. Đối với tôi, Charlot vĩ đại nhất, vì Charlot đã làm tôi cười tất mọi sự bi đát ở đời!

Khỉ có cười không? Nếu tất cả mọi người đều cười hết thì thế giới trở thành chuồng khỉ lớn rộng.

Ừ, tôi đang cười. Và tôi muốn mọi người cùng cười với tôi.

Người được tôi viết bức thư này bây giờ không còn là bạn tôi nữa. Hắn đối đãi với tôi rất tốt, rất cao thượng, rất độ lượng và bao dung. Nhưng vẫn có cái gì trong hắn đã khiến tôi cảm thấy hàon toàn xa lạ với hắn. Cách đây vài tháng, tôi và hắn được dịp gặp nhau lần cuối cùng để chia tay nhau vĩnh viễn. Hắn mong rằng tôi hiểu lòng hắn, một tấm lòng cao thượng. Nhưng tôi không chịu hiểu và không đủ khả năng để hiểu. Có thể đối với hắn, tôi là thằng mọi rợ, bạc tình, ích kỷ. Nhưng tôi có thể là gì nữa, khi chỉ còn sự lạnh lùng là ngôn ngữ cuối cùng của con đường ngược lối? Tôi chúc hắn hạnh phúc và xin bắt tay lại trong hình ảnh xưa. Vĩnh biệt.

Ừ, những ngày vui qua mau! Hãy cười đi, Huy! Hãy vui lên đi, Huy! vì những ngày vui qua mau! Cuộc đời qua mau! Và rồi đây, chúng mình sẽ chết âm thầm không cần ai hay biết...

PHẠM CÔNG THIỆN


*


Nha Trang, tháng 6 năm 1963

Hồng,

Quyển này tôi muốn viết riêng cho anh, nghĩa là tôi muốn viết riêng cho thế hệ trẻ, từ 15 đến 25 tuổi mà anh là hình ảnh tượng trưng.

Tại sao giới hạn từ 15 đến 25 tuổi? Giới hạn này chỉ có tính cách tượng trưng. Bây giờ, 29 tuổi, tôi còn nổi loạn hơn lúc 9 tuổi. Nổi loạn, ai cũng có thể nổi loạn được. Nổi loạn một cách im lặng, một cách tự nhiên, một cách vô hình mới khó. Những kẻ nổi loạn hùng hổ lúc trẻ lại là những kẻ phản động nhất lúc trưởng thành. Nổi loạn một cách vô danh, đó là bổn phận của tôi.

Tôi viết riêng cho các anh, nhưng thực ra tôi cũng viết riêng cho tôi để nhắc nhở tôi, để gây lại ý thức trong tôi; bởi vì tôi cũng đang nằm trong tuổi các anh, tôi cũng đau đớn nỗi đau đớn của các anh, chúng ta cùng nằm chung trong nỗi khủng hoảng, niềm khắc khoải quằn quại vô biên của tuổi trẻ.

Ngoài kia đang mưa, tại sao tôi không chạy ra ngoài mưa, tại sao tôi vẫn còn đây để viết lên những dòng cay đắng nầy? Khói lửa đang vây bủa đầy trời Việt Nam. Cũng như Alan Paton, tôi muốn kêu lên: “Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu…”

Chúng ta đều cùng một thế hệ; sở dĩ tôi muốn xác định giới hạn từ 15 tuổi đến 25 tuổi vì dưới 15 tuổi chúng ta hãy còn hơi ngây thơ và quá 25 tuổi thì người ta bắt đầu hơi cằn cỗi và bắt đầu đi vào thế giới người lớn, nghĩa là đầu hàng cuộc đời.

Thế giới người lớn là thế giới nghĩa địa, thế giới chết, thế giới ma quái ngu dại.

Thế giới trẻ bây giờ lại còn là nghĩa địa, chết, ma quái ngu dại, hơn là thế giới người lớn.

Chỉ có một thế giới, thế giới đã chết.

Đi sâu vào thế giới chết, và chết trọn vẹn trong tin thần trước khi cái chết cơ thể vồ chụp lấy mình.

Quyển Bardo Thodol của Tây Tạng là quyển sách đầu giường của tôi hiện nay. Tất cả đều là tưởng tượng.

Các ông tự cho là các ông khôn ngoan, chín chắn kinh nghiệm. Chúng tôi không cần những thứ ấy và chúng tôi cũng không đụng chạm gì những thứ ấy; vì thế chúng tôi lễ phép xin các ông hãy trả thế giới hồn nhiên cho chúng tôi; đừng làm điếc tai chúng tôi với những tiếng thối nát như “khôn ngoan”, “chín chắn”, “kinh nghiệm”.

Chúng tôi không cần kinh nghiệm.

Kinh nghiệm là gì, nếu không phải là những thói quen mà các ông đã bám vào đó để bảo đảm cái thân người hèn mọn nô lệ của các ông?

Tôi đã vô lễ hằn học với các ông.

Nhưng sự hằn học ấy cần thiết.

Chúng tôi, thế hệ thanh niên Việt Nam từ 15 đến 25 tuổi, muốn nói lên một sự thực đau buồn nhứt trong đời chúng tôi, sự thật bi đát ấy là: CHÚNG TÔI KHÔNG CÒN TIN TƯỞNG NƠI CÁC ÔNG NỮA.

Hơn thế nữa, sự thực bị đát trên trở thành bi tráng: Chúng tôi không cần các ông nữa.

Đối với chúng tôi, các ông đã chết, và bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải sống, phải đứng thẳng nhìn đời với nỗi niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ đi và chỉ đi một mình. Quê hương Việt Nam đang đổ vỡ; chúng tôi sẽ gánh lấy sự đổ vỡ ấy trên hai vai yếu đuối, nhưng vẫn mang niềm kiêu hãnh vô biên; chúng tôi sẽ tự tạo ra trách nhiệm cho mình; các ông đã chết;

chỉ có một trách nhiệm duy nhất là trách nhiệm trước hố thẳm

tôi phải cần lặp lại một lần nữa rằng các ông đã chết, vì thế các ông không có trách nhiệm và các ông cũng không thể bắt chúng tôi nhận trách nhiệm nào cả. Trách nhiệm là trách nhiệm riêng của mỗi anh em trong chúng tôi.

Đau buồn không phải là mái nhà đang đổ vỡ; đau buồn là chúng tôi đã ngu dại để chờ những người chết xây dựng lại; những người chết là đã chết hẳn; chỉ có chúng tôi là xây dựng lại thôi, chỉ có những người sống là thổi sức sống vào thế giới điêu tàn này.

Người sống không thể làm gì được. Chỉ có người thức dậy, bừng dậy mới có thể . Không phải làm gì mà . Chỉ có  mới khó đạt, “vô sở đắc”.

Các ông thường phàn nàn rằng chúng tôi là một thế hệ thối hoá, sống không biết ngày mai, không lý tưởng, trụy lạc, la cà rượu chè, hút thuốc, tục tằn, du côn, mất dạy, lấc xấc, ngang tàng, chỉ biết ăn chơi, non nớt, không làm gì ra hồn, đàng điếm, nhảy đầm, trác táng, hoang đàng, và một triệu hình dung từ khác.

Vâng, chúng tôi hãnh diện chấp nhận hết tất cả những hình dung từ trên. Và chúng tôi chỉ xin nở một nụ cười lễ độ và cúi đầu không biện hộ.

Cười lễ độ hay cười ngạo mạn?

Cúi đầu hay ngước đầu?

Các bạn bè thân yêu của chúng tôi đang gục chết trên cánh đồng biên giới, bên bờ sông hay giữa rừng rú hoang vu; khói lửa ngút trời, máu đỏ của tuổi trẻ đang tưới trên những giải đất khô cằn quê hương, những mái tóc xanh trở thành những bãi cỏ xanh trên những nấm mồ trận địa.

Hỡi ơi, hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu…

Nước mắt không làm gì được, không là gì được? Chỉ có quê hương duy nhất đó là sự im lặng. Tôi đã hiểu vì sao Novalis định nghĩa triết lý là lòng nhớ quê hương.

Các ông trách rằng chúng tôi sống không lý tưởng. Lý tưởng là gì? Lý tưởng là gì? Lý tưởng có phải là tranh đấu giữ gìn để cho các ông sống nốt cuộc đời tầm thường an phận của các ông? Mục đích của cuộc đời là Sống - Sống gì? Sống cuộc đời thực sự của mình. Cuộc đời thực sự không phải là cuộc đời của đám đông, của xã hội, của khuôn mòn lối cũ, của công thức tù hãm. Cuộc đời thực sự không phải là những phép tắc luân lý đạo đức. Cuộc đời thực sự không phải là những ông công an, những ông cảnh sát, những ông giáo sư trung học và đại học. Cuộc đời thực sự là chúng tôi là tuổi trẻ.

CHỈ CÓ CHÚNG TÔI LÀ ĐẶT RA NHỮNG LỀ LUẬT.

Lề luật, tôi thù ghét hai chữ này. Kể từ Socrate cho đến thế kỷ XX, văn hoá Tây phương chỉ là một cuộc tranh tụng kéo dài.

“Chỉ có chúng tôi là đặt ra những lề luật”, hồn ma của Kant ám ảnh đâu đó?

Chúng tôi không cần lý tưởng, vì lý tưởng là lý tưởng của các ông.

Lý tưởng (dù lý tưởng nào) đều là nhà tù để nhốt lại sức sống vỡ bờ của tuổi xuân; lý tưởng là ảo tưởng; sống không lý tưởng là sống trọn vẹn, là lao mình vào cuộc đời với trọn sự hồn nhiên bỡ ngỡ của mình.

Con người hồn nhiên là không có lý tưởng.

Chỉ khi nào người ta mất mát thì người ta mới tạo ra lý tưởng để tự đánh lừa mình bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng.

Lý tưởng là sản phẩm của lý trí; lý trí là ký ức; ký ức là quá khứ là kinh nghiệm; kinh nghiệm đánh mất hồn nhiên.

Sống có lý tưởng là sống có quá khứ, lấy quá khứ mà nhìn dòng đời, dòng đời luôn luôn trôi chảy mới lạ từng giây phút; lấy quá khứ nhìn dòng đời là chận đứng dòng đời lại, là bắt dòng đời phải chảy ngược lại chỗ cũ mà nó đã chảy qua từ lâu rồi, như thế là đã giết chết sức sống phong phú.

Hồn ma của Krishnamurti ám ảnh đâu đây?

Vấn đề không phải là lý luận theo kiểu Krishnamurti. Giết Krishnamurti đi thì không còn vấn đề gì nữa. Vấn đề không phải là sống không có lý tưởng mà phải hiểu lý tường thực sự có nghĩa là gì, trả lại ý nghĩa nguyên thủy cho hai chữ lý tưởng.  là gì? Logos là gì? Idéa trong nghĩa nguyên bản Hy lạp là gì?  trong ý nghĩa nguyên bản của Đông phương là gì? Rita trong nghĩa nguyên bản chữ Phạn là gì?

Sống có lý tưởng là sống không còn ngạc nhiên nữa; người ta không thể biết ngạc nhiên trước cuộc đời khi người ta sống có lý tưởng.

Sống không lý tưởng là lao mình vào đời với trọn vẹn hồn nhiên, ngạc nhiên, thao thức, bỡ ngỡ, mới la trong từng giây phút một.

Ngoài kia, trời đang vẫn còn mưa, tôi lại đứng đây để lý luận với những người chết sao?

Tiếng súng nổ bên kia núi; chắc có người đang giẫy giụa chết trong mưa.

Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu...

Hồng thân mến,

Trong bức thư Hồng gởi cho tôi, Hồng nhờ tôi xin cho Hồng đi tu, một ý định quan trọng mà Hồng đã nuôi dưỡng gần hai tháng nay, Hồng bảo rằng Hồng đã bỏ đi, và bỏ học trường văn khoa, và từ đây trở đi bỏ thi luôn.

Thư ấy có những dòng như sau: “Cái hố lại đào sâu thêm ra, Hồng đang chới với giữa những dữ kiện…”

Quyết định của Hồng không phải là xuất phát trong một lúc bốc đồng, vì chán đời. Tôi nghĩ rằng tâm hồn Hồng tiềm ẩn một nỗi bi đát thâm trầm sâu sắc xuất phát từ ý thức quằn quại, niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ.

Tuổi trẻ không cô đơn gì cả. Tuổi trẻ là nạn nhân của sự cô đơn của người lớn. Giết người lớn đi thì tuổi trẻ cũng ngu dại như người lớn. Chỉ có tuổi trẻ đúng nghĩa là “trốn học trước nhà ga và nhìn những chuyến xe lửa sắp lên đường” như Blaise Cendrars.

Năm giải pháp thực ra chỉ là một: làm một cái gì đó. Thực ra, không phải làm một cái gì đó mà không làm gì hết và đứng ngó thẳng vào bất cứ cái gì, dù là vách tường. Ngó thẳng vào vách tường và quen thuộc với mọi dấu vết trên vách tường (như Paul Valéry chẳng hạn).

Đối với tuổi trẻ, đối với sự khủng hoảng hiện nay, chỉ có những lối thoát sau đây:
  1. Lao vào đời sống và tự tạo trách nhiệm;
  2. Tự tử;
  3. Lao vào truy lạc trác táng;
  4. Điên;
  5. Đi tu.
Hồng đã chọn giải pháp cuối cùng.

Có thể người ta cho Hồng là chạy trốn.

Không sợ chạy trốn, cứ chạy trốn như nước chạy trốn suối nguồn và chạy trốn phăng ra biển.

Chọn lựa, tất cả chọn lựa đều do ảo tưởng. Đi tu không giải quyết gì cả. Làm chủ nhà điếm, như ý nguyện của Faulkner, cũng là một cách tu.

Sống bi tráng hay sống “anh hùng rơm”? Sư điên loạn cũng đã trở thành “thời trang”. Sáng suốt, bình tĩnh điềm đạm cũng chỉ là những cách “làm dáng”.

Nhưng khi nói thế thì họ không hiểu rằng sự chọn lựa đi tu cùng là một thái độ sống trước hư vô. Đi tu đâu phải là chuyện dễ; có lẽ có thể nói rằng phải có can đảm lắm và nhiều sức mạnh lắm mới đi vào con đường cô đơn ấy; nhưng dù sao, hành động không quan trọng; quan trọng chỉ là ý hướng thúc đẩy hành động ấy, ý hướng ấy lá ý hướng gì?

Ý tưởng đến một lý tưởng? Hay là ý hướng đến sự tiêu diệt tất cả mọi lý tưởng?

Đối với Hồng thế nào, tôi không biết; nhưng đối với riêng tôi, suốt đời tôi vẫn sống trên con đường tiêu diệt tất cả mọi lý tưởng.

Sống như thế có nghĩa là sống bi tráng.

Sống bi tráng là bóp sự chết trong mười ngón tay và cắn vào sự chết như ăn trái đào tươi; sống bi tráng là tỏ tình yêu với cái chết, là lao mình trần truồng vào trong mưa và nhảy múa trong mưa một cách hồn nhiên như lên cơn điên.

Trong quyền nầy, Hồng sẽ thấy tôi viết về tư tưởng của những tác giả ở thế giới; nhưng viết về họ là viết về tôi; nói đến tư tưởng người khác là nói đến tư tưởng của mình, và tư tưởng ấy cũng là tư tưởng

“Viết về tôi”, nhưng tôi là ai? Không có giải đất mới. Tất cả đều là vòng tròn, bổn phận của con người là xoáy, tự xoáy vào đường trôn ốc của vòng tròn”.

thực sự của thế hệ trẻ ngày nay; tư tưởng thực sự của thế hệ trẻ ngày nay là gì nếu không phải là lên đường đi tìm một giải đất mới cho mình?

Người được tôi viết bức thư này cũng không còn là người em của tôi như khi xưa nữa. Gặp lại hắn thì tôi chỉ muốn tự tử. Tại sao bao nhiêu khí phách say sưa của tuổi nhỏ của hắn bây giờ chỉ còn là khói và chỉ là khói?

Hắn hiện nay đã thành người lớn, đã cưới vợ, đã sinh con đẻ cái, đã đi làm nghề đứng đắn. Lần cuối cùng, tôi tìm đến thăm hắn tại một biệt thự sang trọng ở đường Phan thanh Giản. Hắn có vẻ bận rộn với bao nhiêu chuyện chính trị thời sự:

“Tại sao anh không tuyên bố về hoà bình ở Việt Nam để tuổi trẻ ngưỡng mộ anh hơn?”

Hắn hỏi tôi như thế và tôi chỉ trả lời:

“Anh cũng thích tôi tuyên bố cái này hay cái kia như mọi người thiên hạ à?”

Buổi chiều hôm ấy, sau khi từ giã, đúng hơn vĩnh biệt hắn, tôi muốn tự tử cho xong đời, vì quá buồn cho tuổi trẻ Việt Nam, vì dường như tuổi trẻ Việt Nam bây giờ chỉ sống với những tuyên bố, tuyên ngôn, khẩu hiệu. Đám đông đã đem chiến tranh đến Việt Nam và cũng lại đám đông đứng lên tuyên bố về hoà bình ở Việt Nam.

Con người đám đông đang thống trị ở Việt Nam và cả thế giới. ./.

PHẠM CÔNG THIỆN



[1]Bức thư trên đã làm lời Tựa mở đầu cho tiểu thuyết Ngày vui qua mau của Tuấn Huy (Saigon, 1964)
Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tư, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản điện tử do talawas thực hiện. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.
                                                                          ================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét