Vĩnh biệt nhà thơ Thảo Phương: "... còn năm người con và thơ"
(TT&VH) - Chỉ còn 9 ngày nữa kể từ lúc chập tối ngày 19/10 khi nhà thơ Thảo Phương trút hơi thở cuối cùng là đến sinh nhật sinh chị. 9 ngày nữa thôi, nhà thơ Thảo Phương sẽ sống trọn một đời người 60 năm. Vậy mà, cuộc sống nhiều vui buồn này đã “khép cửa” với chị bằng căn bệnh ung thư quái ác từ hơn hai năm nay. “Chiều Thu cây cầu đã gãy” tiễn đưa một linh hồn về mãi với mùa Đông vĩnh hằng.
Nhà thơ Thảo Phương chụp khoảng năm 1984. Ảnh do gia đình cung cấp. |
Nhận xét về tính cách người bạn vừa qua đời của mình, Phan Ngọc Thường Đoan nghẹn ngào: Phương sống thật gần như là “bản năng” với chính con người của mình, không bao giờ biết “lấy hoa đắp lên mặt”.
Bản năng lớn nhất của Phương là tình thương yêu con cái. Dù lận đận trong chuyện gia đình, nhưng Phương lúc nào cũng yêu quý con mình hết cỡ. Gia cảnh rất nghèo, để nuôi cùng lúc 5 người con nên hình nên vóc, Phương không ngần ngại xin tiền bạn bè để cho các cháu đi học. Nói như vậy nhưng Phương rất tự trọng, chỉ móc hết gan ruột nói ra với những ai thực sự hiểu mình. Và chỉ nhờ vả bạn bè thân, vì nhờ người lạ nhiều khi họ lại khinh mình.
2. Sáng qua (20/10), nhà thơ Lê Thị Kim điện thoại cho tôi bảo tối đến nhà tang lễ TP.HCM trực đám tang chị Thảo Phương. Thường ngày, Lê Thị Kim hay “buôn chuyện” qua điện thoại với đủ thứ chuyện dung dăng dung dẻ và cười ha hả. Vậy mà sáng qua, Lê Thị Kim như chùng hẳn, chị nói có một câu ngắn mà đứt thành từng đoạn. Ban lễ tang tiễn đưa nhà thơ Thảo Phương cũng toàn phụ nữ với các nhà văn trẻ của Sài Gòn. Trưởng ban lễ tang là nhà thơ Lê Tú Lệ, phó ban Lê Thị Kim, Tôn Nữ Thu Thủy, Phan Ngọc Thường Đoan thay phiên nhau trực đến ngày đưa nhà thơ Thảo Phương đi hỏa táng rồi mang di cốt vô chùa Vĩnh Nghiêm.
Hồ Thi Ca, Trương Nam Hương, Trần Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Đặng Nguyệt Anh, Lê Hoàng Anh, Hà Đình Nguyên, Phan Trung Thành, Ngô Liêm Khoan, Bùi Thanh Tuấn, Lê Thiếu Nhơn, Ngô Thị Hạnh… Nhìn vào danh sách tham gia tang lễ có nhiều nhà văn trẻ đủ biết giới cầm bút trẻ ở thành phố này yêu mến nhà thơ Thảo Phương như thế nào.
Nhận xét về thơ của Thảo Phương, nhà thơ Lê Tú Lệ bảo rằng chị thích thơ Thảo Phương nhất trong số các nhà thơ nữ tại TP.HCM. Tập Thơ Thảo Phương in khoảng năm 89 - 90 bày tỏ sự đau đớn của thân phận phụ nữ nhất mà chị cảm nhận được. Nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn, người hay có những bài viết về thơ kiểu “vạch lá tìm sâu” cũng tỏ ra khâm phục tài năng của nhà thơ Thảo Phương. Nhà thơ trẻ Phan Trung Thành thì thương nhớ:“Còn một ngày nữa là ngày Phụ nữ, còn hơn một tuần nữa là đến sinh nhật thứ 60 của chị, em vẫn nhớ như in lần đầu nói chuyện thơ văn cùng chị, một ly cà phê và hai cái hoa hồng, chị đã ăn từng cánh từng cánh hết hai hoa hồng trong buổi sáng ấy, em tiễn chị trong buổi sáng này, giữa cô đơn chấp chới những câu thơ…”
Thơ THẢO PHƯƠNG KHÔNG ĐỀ GỬI MÙA ĐÔNG Dường như ai đi ngang cửa, Hay là ngọn gió mải chơi? Chút nắng vàng Thu se nhẹ, Chiều nay, Cũng bỏ ta rồi. Làm sao về được mùa Đông? Chiều Thu - cây cầu... Đã gãy. Lá vàng chìm bến thời gian, Đàn cá - im lìm - không quẫy. Ừ, thôi... Mình ra khép cửa, Vờ như mùa Đông đang về! |
Có hai khung hình, chụp lúc Thảo Phương còn rất trẻ. Có lẽ một tấm chừng 25 tuổi, tấm kia ngoài 30. Nhìn hai khung hình tôi quặn lòng. Ôi chao thời gian! Một thời rực rỡ nhan sắc người con gái là thế. Thảo Phương trong hình đẹp quá. Thảo Phương trước mắt tôi nằm im lìm, gánh nặng sự khắc nghiệt của thời gian. Nhỏ thó đến nao lòng. Một thời gian dài điều trị bệnh ung thư. Sao ông trời lại cho người phụ nữ những nét đẹp như thế nhưng người lại nhẫn tâm lấy trở lại nhỉ! Tạo hóa ơi, người là ai?”.
Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh chia sẻ: “Tôi biết cũng như tôi, có những người sẽ không ngủ được, mà để cho nước mắt chảy khi biết tin này. Tôi nhớ có một lần chị Thảo Phương nắm bàn tay tôi và nói: Khi anh ấy đi, chị còn năm đứa con ...! " - Đến đó thì ngưng, một lúc, và nói tiếp: "…và thơ!". Chị đã đi qua cõi trần ai này bằng tất cả nỗi vất vả không giới hạn của một người mẹ đơn chiếc và bằng tất cả đam mê đến tận cùng của một nhà thơ sống hết mình! Chị đã lấy sự chân thật để sống với mình và đối đãi với người”.
Khi viết đến những dòng cuối cùng này, tôi chợt rùng mình nhớ đến câu thơ của chị: “Dường như ai đi ngang cửa/ Hay là ngọn gió mãi chơi?”. Có phải linh hồn của nhà thơ Thảo Phương cùng nhiều thi nhân khác của nước Việt đang mãi rong chơi cuối đất cùng trời vừa đi ngang phòng tôi đó chăng?!
Nhạc sĩ Phú Quang: “Thơ như là cơm chim, vì vậy khi lấy của bất kỳ ai một ý thơ, một câu thơ để phổ nhạc tôi cũng đều đề tên và trả nhuận bút bằng nhiều cách. Chính vì thế, tôi và Thảo Phương có rất nhiều kỷ niệm. Phương là người thẳng tính, bộc trực, mạnh mẽ giống như đàn ông, có thể ngồi uống rượu với nhau suốt buổi chiều. Cứ mỗi lần tôi ra đĩa nhạc, có hay không có bài Nỗi nhớ mùa Đông, tôi đều tìm cách gởi đến Phương một bản, vì biết Phương thích nghe nhạc phổ thơ. Có lần Phương gọi cho tôi và yêu cầu tìm giúp 10 đĩa có bài Nỗi nhớ mùa Đông để tặng mấy người quen ở nước ngoài về, lúc ấy Phương đang ở Hà Nội, cũng vào mùa Đông. Tôi cũng nhớ mình nói rằng không có đủ, Phương bảo thì đĩa nhạc khác của anh cũng được, miễn là có phổ thơ nhiều nhiều. Với thơ, với nhạc, Thảo Phương có niềm say mê đặc biệt, dù công việc mưu sinh đã chiếm nhiều thời gian của cô ấy”. (VĂN BẢY ghi vào cuối năm 2007) |
Hoàng Nhân
nguổn: báo Thể thao & Văn hoá (Tp.HCM)
============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét