Nguyễn Huy Thiệp:
viết là đứng trong sự nguy hiểm
về tình cảm, tài chính và chính trị
BÙI VĂN PHÚ
(Hoa Kỳ)
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở Đại học Berkeley ngày 1.10.1998-- (ảnh: Bùi Văn Phú) |
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời tại Hà Nội, sau một thời gian bệnh, hưởng thọ 71 tuổi (1950-2021).
Năm 1998 nhà văn có chuyến đi Mỹ lần thứ hai. Bài viết dưới đây là những ghi nhận khi ông có buổi nói chuyện và hội thảo tại Đại học U.C. Berkeley trong hai ngày 1 và 2/10/1998.
Bài này đã đăngtrên nhật báo Thời Báo (San Jose, 3/10/1998) và tạp chí Văn (Tháng Mười Một, 1998)
*
Phòng hội của Trung tâm Nghiên cứu Nam và Đông nam châu Á tại trường Đại học U.C. Berkeley là diễn đàn nói chuyện và thảo luận về các đề tài trong vùng. Nhiều người Việt trong và ngoài nước đã nói chuyện ở đây, trong đó có thi sĩ Nguyễn Chí Thiện khi ông vừa đến Hoa Kỳ định cư vài năm trước.
Lần này có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, qua Mỹ sinh hoạt văn học theo lời mời của Trung tâm Nghiên cứu Đông Dương (Indochina Studies Center), với một buổi nói chuyện và một buổi phê bình tác phẩm của ông. Chuyến đi Mỹ lần này của Nguyễn Huy Thiệp là lần thứ hai và đã tạo sôi nổi hơn chuyến trước vì cùng lúc ông có mặt tại Hoa Kỳ, một đoàn kịch nói từ Hà Nội đem vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ qua diễn tại vài đại học ở Quận Cam, thủ đô của người Việt ở Hoa Kỳ, mà ngày trình diễn đã có những người Việt biểu tình trước cửa nhà hát. Họ chống việc giao lưu văn hoá.
Ngày 1.10.1998 Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện ở Đại học U.C. Berkeley, miền Bắc California.
*
Lúc gần 4 giờ chiều, trước cửa vào tòa nhà nhiều tầng của trung tâm nghiên cứu có khoảng 30 người cầm bích chương, biểu ngữ đi qua đi lại biểu tình. Họ hô to những khẩu hiệu đả đảo cộng sản, đả đảo Nguyễn Huy Thiệp.
Lên tầng 6, phòng hội chưa mở cửa. Nhiều người Việt đã có mặt, cùng dăm bẩy người Mỹ. Cô thư ký và mấy nhân viên của trung tâm chạy tới chạy lui, vẻ mặt lo lắng hơn những lần tổ chức nói chuyện khác. Một cô dán lên cửa phòng ba tờ giấy mới in từ trong máy ra: “No Signs, No Banners, No Photography”. Cấm trương khẩu hiệu. Cấm mang biểu ngữ. Cấm chụp hình. Nhân viên nhà trường lo sợ những người biểu tình làm gì mà phải ngăn cấm thế. Hơi quá chăng ở đất Berkeley này?
Hơn 4 giờ một tí. Phòng hội mở cửa. 50 ghế ngồi hết chỗ ngay. Đa số là người Việt, khoảng 15 người Mỹ. Người đến sau đứng ngồi quanh phòng. Một nhân viên an ninh có ống nghe bên tai, mặc thường phục, đứng một góc đưa mắt qua lại chăm chú quan sát khách dự.
Tất cả chừng 60 người, khoảng một phần ba là sinh viên, còn lại nhiều người đã đi làm và có quan tâm đến Việt Nam. Già có, trẻ có, có người mới từ Việt Nam qua, có những em sinh trưởng ở đây.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mặc bộ đồ vét mầu xám đậm trông mới tinh, cà-vạt đốm hoa, ngồi ở bàn, trên có bình nước và ba cái ly. Phía sau lưng ông, trên bảng đen có những hàng chữ to viết bằng phấn: No Signs, No Photography, No Recording. Cấm trương khẩu hiệu, cấm chụp hình, cấm thu hình.
Khai mạc, giáo sư sử học Peter Zinoman, giám đốc của Indochina Studies Center, quần áo xuề xoà, giới thiệu tiểu sử nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Giọng nói của ông sang sảng, gặp chữ Việt ông phát âm nghe rõ giọng Hà Nội là nơi ông đã từng theo học và cưới một thiếu nữ thủ đô. Giáo sư Zinoman đã dịch ra tiếng Anh truyện ngắn “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp. Truyện này bị nhà nước coi là nói xấu chế độ, cùng những dòng văn chương khác như của Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đăng đàn bằng tiếng Việt, giáo sư Zinoman dịch sang tiếng Anh, đề tài: “Quan hệ giữa thời thế với văn học”. Ông nhấn mạnh là chỉ nói về thời thế và số phận người làm văn học tại Việt Nam, không nói về lịch sử.
Ông nói: “Có thời thế thì cá nhân con người có thể thay đổi lịch sử” rồi nhắc đến thiền sư Từ Đạo Hạnh qua hai câu thơ:
Có thời có tự mảy may
Không thời cả thế gian này cũng không.
Ông đọc thơ “Đánh cờ” của Hồ Chí Minh:
Lỡ bước hai xe đành bỏ cuộc
Gặp thời một tốt cũng thành công.
Theo Nguyễn Huy Thiệp anh hùng tạo thời thế là không có tính hiện thực. Thời thế tạo anh hùng mới đúng với số phận của nhà văn vì trong một nước nhược tiểu, yếu tố khách quan là chủ yếu, yếu tố chủ quan chỉ là phù trợ.
Về văn học hiện đại Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp nói bắt đầu có sau năm 1920, mà đến 90% là về đau khổ do chiến tranh tao loạn gây nên, còn lại 10% về tình yêu, hoà bình và những khao khát của con người. Những nhà văn viết về tình yêu có Nhất Linh, Thạch Lam, Nam Cao, nhà thơ Huy Cận, Tế Hanh, Xuân Diệu. Nhưng chất của văn học Việt Nam hiện đại là chất cay đắng. Nhà văn Việt Nam đi sau thời thế đến mươi, mười lăm năm. Còn nước Việt Nam đi sau thế giới có đến 50 năm. Đó là nhận định của Nguyễn Huy Thiệp.
Ông không coi truyện “Tướng về hưu” là tác phẩm xuất sắc nhất trong số 40 truyện ngắn và kịch mà ông đã viết về tình yêu, nỗi buồn, khao khát tự do và về bất lực của con người trước sự ngu dốt. Nhà văn là kẻ mơ mộng giữa thế gian phàm tục và thời thế phàm tục. Ông lập lại lời một nhà thơ: “Vấp phải đời phàm tục, chiếc thuyền tình vỡ tan”. Như trong Titanic.
Theo ông khó khăn của nhà văn là những nguy cơ thất bại. Tác phẩm ra đời, có khen chê, có người hiểu đúng, sai. Ông nhấn mạnh: “Dù sao trong thâm tâm, tôi muốn đóng góp tiếng nói hoà bình và nhân đạo với văn học thế giới. Tôi muốn bày tỏ cảm tình nhân ái của văn học Việt Nam với thế giới. Hãy đến với Việt Nam đi, hãy sống trong hoàn cảnh, thời thế của tôi thì bạn sẽ hiểu được những điều tôi viết.”
Kết luận, Nguyễn Huy Thiệp kể cho người nghe câu chuyện về Ngô Thời Nhậm, một nhà thơ ở Thế kỷ 19 bị đồng bào mình bắt giam và đánh đau quá mà chỉ nói: “Gặp thời thế, thế thời phải thế”. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không muốn bình luận về câu nói đó, ông chỉ khẳng định một điều: “Trong thâm tâm, tôi đã và đang chống lại thời thế”.
*
Nguyễn Huy Thiệp gặp gỡ khách dự buổi nói chuyện -- (ảnh: Bùi Văn Phú) |
Sau đó bước sang phần trao đổi với khán giả.
- Ông nghĩ gì về phim “Tướng về hưu”?
NHT: Tôi không thích phim đó lắm.
- Ông khuyên nên đọc những ai để hiểu hơn về văn học Việt Nam?
NHT: Trước hết phải đọc những tác phẩm của tôi. Trong nước có Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh. Hải ngoại có Lê Minh Hà ở châu Âu, Trần Vũ ở Pháp; Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng ở Mỹ. Các bạn nên đọc thơ Việt Nam.
- “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”, “Nguyễn Thị Lộ” trong đó có nhắc đến những nhân vật lịch sử như Gia Long, Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi mà theo những điều nhà văn viết ra là những tài liệu lịch sử do nhà văn sưu tầm được khi sống trên vùng thượng du Việt Bắc. Tôi không đồng ý với cách dựng nhân vật lịch sử đó. Xin hỏi nhà văn, những truyện đó là sự thật lịch sử hay hư cấu?
NHT: Đó chỉ là những cảnh giác của tôi đối với xã hội.
- Ông nói “Tướng về hưu” không phải là tác phẩm ưng ý nhất, nhưng đó là tác phẩm khiến ông nổi tiếng. Tại sao vậy?
NHT: “Tướng về hưu” chỉ là một món ăn đưa ra. Nhưng không phải là món ngon nhất. Tôi muốn viết về tình yêu như Roméo và Juliette.
- Tôi mới qua Mỹ hơn một năm. Lúc còn ở trong nước có đọc các tác phẩm của ông. Cùng thời ông có Lưu Quang Vũ soạn vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” cũng mang tính phản kháng chế độ. Tại sao Lưu Quang Vũ bị giết cả nhà, còn nhà văn vẫn ung dung. Có phải cộng sản đưa nhà văn ra để đánh bóng chế độ?
NHT: [Nguyễn Huy Thiệp chắp hai tay trước miệng, hai ngón trỏ đặt trên mũi, trầm ngâm suy nghĩ có đến 30 giây rồi trả lời]: Tôi không liên quan gì đến Lưu Quang Vũ cả. Mỗi người có một số phận. Xã hội tự nó như thế, không cần ai làm đẹp, đánh bóng.
- Ông chịu ảnh hưởng của ai? Có người cho rằng văn ông giống Ma-két.
NHT: Tôi ít được tiếp xúc với các tác phẩm văn học phương Tây. Tôi chưa đọc Ma-két. Tôi hay đọc văn cổ điển phương Đông và Việt Nam. Tôi là nhà văn của thời thế. Năm 1986 Việt Nam bắt đầu đổi mới. Tôi nghĩ đó là một thời thế lớn. Thời nào thì cũng có các nhà văn của thời đó.
- Nhà văn nói có những nguy hiểm thì đó là những nguy hiểm gì đối với một nhà văn?
NHT: Khó khăn lắm. Bạn cứ viết đi rồi biết. Đứng trong sự nguy hiểm về tình cảm, về tài chánh và nguy hiểm về chính trị nữa. Tôi sợ nhất hiểm hoạ tình cảm và tài chánh. Chỉ hai thứ đó cũng đã đủ giết một nhà văn Việt Nam rồi.
- Nếu biết nguy hiểm như thế, tại sao ông chọn làm nhà văn?
NHT: Số phận thôi.
- Chứ không phải vì danh tiếng sao?
NHT: Không. Danh tiếng là cho người trẻ thôi. Tôi già rồi. Tôi bước vào văn đàn lúc đó tôi chán đời.
- Khi anh Nguyễn Huy Thiệp qua đây ba năm trước, tôi có được gặp anh. Khi anh trở về Việt Nam tôi cứ áy náy là không biết anh có bị làm khó dễ, bị theo dõi hay bị nguy hiểm khi anh trở về không, anh có thể cho biết.
NHT: Tôi rất mừng và không ngờ được gặp lại anh Peter Trần Văn Nhơn hôm nay. Ba năm trước anh Nhơn là người bạn đường đã đưa tôi đi chơi một vòng nước Mỹ trong một tháng. Trong chuyến đi đó tôi hiểu biết nhiều về các cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha, người Do Thái, người da đen sinh sống tại Mỹ. Không có chuyện gì xảy ra cả khi tôi trở lại Việt Nam. Tôi chỉ buồn thôi. Việt Nam có thể khá hơn rất nhiều nếu không có quá nhiều nhầm lẫn. Dịp này tôi đến Mỹ cũng là dịp rất tốt đến với cá nhân tôi. Tôi và đồng bào đang tìm cách cho Việt Nam khá lên. Không có gì khó khăn đến với tôi. Nhiều khi tôi vốn là người lạc quan.
- Anh qua đây với tính cách cá nhân hay chính phủ Việt Nam đưa đi?
NHT: Cá nhân chứ.
- Ông nói chống lại thời thế. Chống như thế nào?
NHT: Chống thời thế cũng như chống lại số phận của tôi. Số phận con người như một giòng sông. Không đắp đê tìm cách chống nó thì nó cuốn phăng đi. Chúng ta chống lại nó nhưng vẫn bị nó cuốn đi.
- Ông có thể nói đến những lỗi lầm gì Việt Nam phạm phải?
NHT: Tôi không phải là nhà nghiên cứu. Nhưng chiêm nghiệm từ bản thân và những người Việt Nam khác thì thấy chúng ta luôn luôn nhầm lẫn trong mọi thứ, trong tình yêu, trong cuộc sống. Nhiều khi tưởng là tình yêu thì lại không phải tình yêu. Tưởng công việc phù hợp thì lại không phải.
- Tôi không nói đến nhầm lẫn của những cá nhân, mà muốn hỏi về những lỗi lầm mà nhà nước Việt Nam gặp phải?
NHT: Đó là một câu hỏi rất khó. Tôi không muốn đề cập đến các vấn đề chính trị hoặc xã hội. Nhiều nhà văn đồng nghiệp với tôi nhầm lẫn về quan niệm xã hội của mình. Tôi cũng vậy. Đi tìm cái thiện thì gặp cái ác. Tưởng là điều này xấu thì lại là cái hay.
- Ông muốn hậu thế nhìn ông là người thế nào?
NHT: Một người nông dân có đầu óc.
- Theo ông văn học Việt Nam sẽ đi về đâu trong văn đàn thế giới?
NHT: Mọi sự diễn ra một cách ngẫu nhiên. Mọi sự phụ thuộc vào thời thế.
- Khoảng mười năm trước đây Tạp chí Cộng sản có viết về những tra tấn trong các nhà tù ở Việt Nam. So với bây giờ tình trạng có cải tiến hơn không?
NHT: Tôi rất sợ nhà tù. Ở đâu cũng có trật tự của nó. Chuyện trong tù không phải là thị hiếu của tôi.
- Ông đang thành công, thế sao lại muốn đi ngược lại số phận của mình?
NHT: Số phận của chúng ta đều rất xấu. Cô cứ sống đi rồi cô sẽ hiểu điều đó. Cô không hiểu những thê thảm, đau đớn của một người danh tiếng. Năm hai mươi tuổi tôi có viết một câu chuyện về một chàng trai trẻ ở Hua Tát, sống cuộc đời tiếng tăm nhưng khi về già thì nói rằng: sống một cuộc đời bình thường là khó nhất.
- [Một Nam sinh viên Mỹ biết nói tiếng Việt]: Tôi có mua truyện “Con gái Thủy thần”, ông mới viết đến truyện thứ hai, vậy bao giờ mới xong?
NHT: Phần kết sẽ hoàn tất vào năm 2000.
- Ông nghĩ gì về từ ngày có chính sách đổi mới tới giờ?
NHT: Những năm đầu rất thú vị. Có nhiều cơ hội tốt. Gần đây khi có khủng hoảng kinh tế Á châu thì có những khó khăn với các nhà văn Việt Nam. Riêng tôi năm năm đầu viết nhiều. Sau đó không viết được. Gần đây lại viết nhiều. Tôi đang tìm cách vượt lên như Việt Nam đang tìm cách vượt qua khó khăn.
- Ông nói nước Việt Nam đi sau thế giới 50 năm. Vậy Việt Nam cần làm gì và cộng đồng thế giới cần làm gì?
NHT: [Trầm ngâm suy nghĩ một lát]: Có lẽ phải là văn hoá. Không phải là kinh tế. Việt Nam cần cả một cộng đồng nhân hậu, lương thiện. Nhưng đấy là một mơ mộng ảo tưởng.
- Trong “Tướng về hưu” có nhân vật Kim Chi là cô gái đẹp mà lấy anh chồng tên Tuân chẳng ra gì, như là: hoa nhài cắm bãi cứt trâu. Đó có phải là điển hình về phụ nữ Việt?
NHT: Không. Kim Chi không phải là điển hình. Có nhiều người đàn bà Việt Nam cũng lấy chồng không ra gì. Nhưng vai trò của người đàn bà Việt Nam bây giờ tốt hơn so với thời trước. Trong hai mươi năm gần đây, phụ nữ Việt Nam được đi học, có kiến thức, được chồng kính nể hơn.
- Tôi không hiểu biết nhiều về chính sách đổi mới. Tôi hỏi đơn giản và cũng muốn ông trả lời đơn giản là có tự do phát biểu ý kiến ở Việt Nam không?
NHT: Có nhiều hơn so với trước.
- Ông viết nhắm vào giới độc giả nào?
NHT: Tôi luôn viết vì ai đó. Cô cứ thử viết đi. Viết vì ai đó mới là điều khó nhất.
- Ông nói trong cái tốt có cái xấu, trong thiện có ác. Vậy làm sao chúng tôi có thể phân biệt được tốt xấu, thiện ác?
NHT: Trong cái hay có cái dở, trong thiện có ác. Điều ấy là sự thực đấy. Nếu nghiên cứu về đạo Phật, vào các ngôi chùa thì có ông Thiện một bên, ông Ác một bên, tượng Phật nằm giữa. Con người luôn luôn cổ võ cho điều thiện. Nhưng ác, xấu vẫn sờ sờ ra đó. Con người cứ tránh nó thôi. Còn làm sao để biết thiện, các sách giáo khoa, các giáo sư đại học ở đây sẽ hướng dẫn. Cô đừng lo.
Đã 90 phút trôi qua. Như thời biểu đã định nên giáo sư Zinoman chấm dứt chương trình ở đây.
Phần nêu câu hỏi đã diễn ra có đôi lúc gay gắt, ngôn từ hỏi có lúc nặng nề, nhưng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trả lời khéo, có khi pha chút vui tươi và nhiều khi rất triết lí. Trong phần này chị Nguyễn Nguyệt Cầm, tức bà Zinoman, giúp thông dịch rất hay.
*
Sau đó là phần chiêu đãi với rượu vang, phô-ma và bánh qui. Nhiều người vây quanh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, xin chữ ký trên sách và hỏi thêm nhiều câu hỏi nữa.
- “Tướng về hưu” đưa ra hình ảnh một viên tướng, sau bao nhiêu năm chiến đấu, nay trở về với xã hội phải chứng kiến bao điều xấu, bao tệ nạn xã hội và cuối cùng ông đi tìm cái chết. So với mười năm trước khi “Tướng về hưu” ra đời, tình trạng xã hội Việt Nam bây giờ xấu hơn lúc đó, giống vậy hay khá hơn?
NHT: Tệ hơn trước. Có thể là vì trước đó cũng có những tệ nạn xã hội mà đã được che dấu đi.
- Anh viết văn, Dương Thu Hương cũng là người viết văn, thế sao bà ấy bị theo dõi, rắc rối. Giữa anh và Dương Thu Hương có gì khác biệt?
NHT: Dương Thu Hương là người can đảm hơn tôi. Bà ấy có tham vọng chính trị. Tôi không can đảm bằng bà ấy nhưng có thể tôi khôn hơn bà ấy.
- Ông có được tự do sáng tác không?
NHT: Lúc trước có khó khăn. Mấy năm trước công an đã vào nhà tịch thu một số bản thảo.
- Trong “Vàng và lửa” ông viết về Gia Long và đưa ra giả thuyết để người đọc chọn, nhìn từ quan điểm nông dân, ông có muốn người ngoại quốc đến Việt Nam?
NHT: Muốn chứ. Họ mang văn minh vào Việt Nam.
*
Sang ngày 2.10 có giờ phê bình những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và thảo luận về sinh hoạt văn học trong nước với giáo sư Peter Zinoman, nhà báo Robert Templer, nhà văn Nguyễn Quí Đức và bà Mariam Beevi.
Cũng có khoảng 60 người tham dự trong một phòng học trên lầu 1 của Barrows Hall trong khuôn viên Đại học Berkeley. Bên ngoài có nhiều người biểu tình, chừng 50, đông hơn hôm qua và cũng hô nhiều khẩu hiệu. Các cửa sổ phòng học đã đóng lại, nhưng âm thanh vẫn lọt vào. Bên trong không khí trở nên nóng, ngột ngạt.
Những người biểu tình phản đối sự có mặt của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở Mỹ -- (ảnh: Bùi Văn Phú) |
Trong khi giáo sư Zinoman phân tích cách dùng nhân vật lịch sử như Quang Trung, Gia Long, như Nguyễn Thái Học và ngôn ngữ của Nguyễn Huy Thiệp để ám chỉ chế độ và đã bị cán bộ văn hoá của đảng gay gắt chỉ trích, giọng nói của giáo sư đã lớn, nhưng cùng lúc những khẩu hiệu do đoàn người biểu tình hô to, lập đi lập lại cũng ùa vào phòng: “Đả đảo tên bồi bút Nguyễn Huy Thiệp. Đả đảo tên bồi bút Nguyễn Huy Thiệp”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ngồi trên bàn cùng các diễn giả, bên cạnh có người thông dịch. Ông nghe thấy hết mọi thứ.
Trong buổi nói chuyện hôm qua, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có nói: “Tác phẩm ra đời có khen chê, có người hiểu đúng, sai”. Nhìn sự việc mới thấy cái khổ đau của người có tiếng như ông. ./.
Bùi Văn Phú
(Hoa Kỳ)
(từ: Diễn Đàn Thế Kỷ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét