Gian nan khởi kiện tranh giả
Không dễ dàng để có thể lôi được sự thật ra ánh sáng cho dù sự việc tưởng chừng như đã rành rành ra đó
Bức xúc về việc có kẻ mạo danh bố mình ký tên họa sĩ Tạ Tỵ trong bức tranh “Trừu tượng” thuộc bộ sưu tập 17 bức tranh của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, xuất hiện tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” mới diễn ra cách đây không lâu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, bà Tạ Thùy Châu - con gái cố họa sĩ Tạ Tỵ - đã gửi đơn khởi kiện đến TAND TP HCM yêu cầu xóa tên họa sĩ Tạ Tỵ trong bức tranh nói trên và được xin lỗi công khai vì sự mạo danh này. Mới đây, TAND TP HCM có Công văn 962/TB-TA cho biết đã nhận được đơn khởi kiện của bà Tạ Thùy Châu và đã xem xét hồ sơ cùng các chứng cứ liên quan. Tuy nhiên, khó khăn của người đi kiện bắt đầu phát sinh.
Đơn kiện một đằng, tòa yêu cầu một nẻo
Công văn của TAND TP HCM yêu cầu bà Tạ Thùy Châu bổ sung xác định giá trị tài sản tranh chấp; chứng cứ xác nhận bức tranh “Trừu tượng” vẽ vào năm 1951 thuộc quyền sở hữu của họa sĩ Tạ Tỵ và yêu cầu bà Tạ Thùy Châu đưa “chứng cứ chứng minh ông Vũ Xuân Chung có hành vi mạo danh tác giả, đề tên “Tạ Tỵ 52” trên bức tranh “Trừu tượng” được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Trong vòng 30 ngày, có thể gia hạn nhưng không chậm hơn 15 ngày, nếu bà Châu không cung cấp các chứng cứ, tòa có thể trả lại đơn kiện, không thụ lý vụ việc.
Bà Tạ Thùy Châu khẳng định lại: “Chúng tôi không tranh chấp tài sản mà chỉ yêu cầu quyền nhân thân, xóa tên bố tôi khỏi bức tranh giả”. Bà Châu cho biết sẽ cung cấp thêm bản gốc cuốn sách “Triển lãm Hội họa Tạ Tỵ” do Nha Thông tin Bắc Việt tổ chức, in ấn tại Hà Nội hồi tháng 12-1951. Trong cuốn sách giới thiệu rất chi tiết về toàn bộ các bức tranh của họa sĩ Tạ Tỵ đã triển lãm, trong đó có bức “Trừu tượng” ở thứ tự số 19.
Luật sư Nguyễn Hữu Đức (Chi nhánh Luật Sài Gòn 5 - Văn phòng Luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng) - người nhận ủy quyền từ bà Tạ Thùy Châu để thu thập chứng cứ, làm việc với các bên liên quan - cho biết bức tranh “Trừu tượng”, thực hiện năm 1951, đã được bán đi từ quá lâu, bây giờ đi xác nhận lại mà không có bản gốc bức tranh ấy thì quả là đánh đố. Gia đình bà Tạ Thùy Châu cũng không tranh chấp tài sản ở bức tranh “Trừu tượng” mà ông Vũ Xuân Chung đang giữ. Hai bức tranh cùng có tên “Trừu tượng” đó là 2 nội dung khác hẳn nhau nên gia đình chỉ yêu cầu xóa tên cố họa sĩ khỏi bức tranh giả (không phải của họa sĩ Tạ Tỵ) mà thôi.
Tìm chứng cứ khó như lên trời
Về chứng cứ chứng minh ông Vũ Xuân Chung có hành vi mạo danh tác giả Tạ Tỵ mà tòa yêu cầu cung cấp, bà Tạ Thùy Châu khẳng định rằng bà không thể có chứng cứ “tố” ông Vũ Xuân Chung có hành vi mạo danh họa sĩ Tạ Tỵ. Trong đơn khởi kiện, bà Châu đã ghi rõ kiện ông Vũ Xuân Chung “là nhà sưu tập đã triển lãm bức tranh tên “Trừu tượng” mạo danh chữ ký họa sĩ Tạ Tỵ”.
Ông Chung có phải đối tượng mạo danh chữ ký họa sĩ Tạ Tỵ hay không, gia đình họa sĩ không thể khẳng định được. Trong sự việc này, ít nhất còn 2 đối tượng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và ông Jean Francois Hubert - người đã chứng nhận bức tranh “Trừu tượng” có chữ ký của họa sĩ Tạ Tỵ là tranh thật.
“Nếu ông Hubert không phải là người tự ý xác nhận chữ ký mạo danh là chữ ký thật, tự ý xác nhận tranh giả là tranh thật thì ông ấy sẽ cho biết ai là người mạo danh hoặc ai đã bán cho ông ấy bức tranh mạo danh đó. Chúng tôi có sự thật, chứng cứ về việc bức tranh họ đang giữ không phải là tranh của bố tôi sáng tác” - bà Tạ Thùy Châu khẳng định.
Cho dù chứng cứ đã rành rành nhưng để mang được người khác ra trước tòa đúng là không đơn giản. “Chỉ riêng việc lưu giữ và triển lãm bức tranh giả đã khiến ông Vũ Xuân Chung trở thành đối tượng bị kiện, ngoài ra còn là trách nhiệm của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và bên liên quan thứ hai là người chứng nhận tranh - ông Jean Francois Hubert. Yêu cầu trong đơn kiện của bà Tạ Thùy Châu chỉ là xóa tên họa sĩ Tạ Tỵ khỏi bức tranh giả chứ không tranh chấp tài sản là bức tranh này” - luật sư Nguyễn Hữu Đức nhắc lại.
“Giờ không lẽ biết đó là tranh giả mạo mà cứ để họ bình chân như vại, nhởn nhơ “ngoài vòng pháp luật”? Giả sử bức tranh đó đã mang ra nước ngoài rồi thì có chứng cứ để so sánh, giám định nữa không? Giả sử tòa án cứ mời mà ông Chung không chịu ra hầu tòa, chúng tôi sẽ phải chờ đợi đến bao giờ?” - bà Tạ Thùy Châu đặt câu hỏi. Tuy thế, bà Châu cương quyết: “Kể cả nếu bức tranh mạo danh đã được mang đi khỏi Việt Nam nhưng hễ sau này chúng tôi thấy nó xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, chúng tôi sẽ lại tiếp tục kiện họ”. ./.
Khó kiện
Giới mỹ thuật Việt Nam mong muốn vụ kiện ra tòa đầu tiên trong giới có được kết quả để tạo tiền đề. Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, khẳng định: “Việc đấu tranh của gia đình họa sĩ Tạ Tỵ nhằm làm rõ trắng đen là rất cần thiết, không chỉ lấy lại công bằng cho họa sĩ Tạ Tỵ mà còn góp phần làm trong sạch đời sống văn nghệ của chúng ta”.
Thế nhưng, luật sư Trần Quốc Tuấn - Văn phòng Luật sư Quốc Tuấn (quận Tân Phú, TP HCM) - cho biết: “Có thể nhận thấy sơ bộ là khó có đủ cơ sở pháp lý căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành để khởi kiện. Luật của chúng ta hiện nay không điều chỉnh những hành vi của người nước ngoài hoặc hoạt động ở nước ngoài nên giả sử ông Vũ Xuân Chung hoặc ông Hubert đi ra nước ngoài thì tòa không thể xét xử được”.
Luật sư Tuấn cho biết thêm: “Nếu trường hợp ông Vũ Xuân Chung tự sao chép lại bức tranh đó của tác giả Thành Chương và ông Chung triển lãm nhằm mục đích bán hay là kinh doanh thì vi phạm quyền tác giả của họa sĩ Thành Chương, họa sĩ này có quyền khởi kiện ông Chung ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét