Lê Ngọc Trác: INRASARA – TAGALAU CỦA NGƯỜI CHĂM
Báo Bình Thuận cuối tuần, 27-5-2016
Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
Và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.
Những câu thơ tự sự của Inrasara trong tập thơ Tháp nắng xuất bản năm 1996 đã khái quát về cuộc đời và tư tưởng của anh. Inrasara có tên Việt là Phú Trạm. Anh sinh ngày 20 tháng 9 năm 1957 tại làng Chăm Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Thời Tiểu học và Trung học, Inrasara luôn là một học sinh xuất sắc. Năm 1977 theo học tại Đại học Sư phạm ở Sài Gòn, Inrasara bỏ học về quê làm thợ cày trên những cánh đồng Chăm đầy nắng gió ở Ninh Thuận. Và, anh tự tìm hướng đi mới cho đời mình: Bước vào con đường sáng tạo thơ ca và nghiên cứu văn hóa Chăm của dân tộc anh:
Nếu Tất Đạt Đa buổi ấy không ra đi
Cõi người ta lấy đâu đêm sáng.
…
Nếu giây phút ấy Đốt phải ra đi
Mặt đất lấy đâu chàng A-liêu-sa phiêu lãng…
(Hành hương em, “Khoảnh khắc vô cùng”)
Từ “Khoảnh khắc vô cùng” ấy đã tạo ra một Inrasara – thi sĩ. Và, thơ của anh đã rực sáng trên bầu trời thi ca. Từ khi xuất hiện vào năm 1996, Inrasara đã xuất bản 8 tập thơ, gồm: Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, Lễ Tẩy trần tháng Tư, Thơ Inrasara, The Purification Festival in April, Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức, Thơ ba anh em. Bên cạnh thơ, Inrasara còn nghiên cứu và cho ra đời nhiều tác phẩm biên khảo về văn học và văn hóa Chăm.
Inrasara kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, anh đã tạo ra phong cách riêng trong thơ. Mạch nguồn cảm hứng và sáng tạo thi ca của Inrasara khởi đầu từ hình ảnh những Đền, tháp Chăm uy nghiêm cổ kính sừng sững trên những ngọn đồi đầy nắng gió của miền cực Nam Trung bộ quê hương anh. Và, chiều sâu văn hóa cùng chiều dài lịch sử của dân tộc Chăm:
Những đêm Chàm nặng màu gạch nung
Trôi kí ức vào mù sương dĩ vãng
Dĩ vãng vỡ òa và bật sáng
Sáng ngọn lửa cháy màu gạch nung.
(Hành hương em, “Gạch nung”)
Thơ Inrasara thấm đẫm hơi thở cuộc sống của dân tộc Chăm anh em, gần gũi thân thiết với bạn đọc:
Rồi một ngày em đi
Xa cái Chạng gầy, bỏ bờ cỏ dại
Xa tiếng mõ trâu chiều, bỏ thằng Klu xóm dưới
Bốn mùa thơ anh gọi
Hụt hơi.
…
Rồi một ngày em không còn nhớ
Một dòng ariya, một điệu mamăng
Mùi mưa Katê reo đỉnh tháp Chàm
Văn thổ cẩm hay màu mây cố quận
Em bập bềnh giữa ngữ ngôn hoang đãng
Cuốn dòng chảy thị thành
Em quên mình là Chăm
Như quên mình chưa có giấy khai sinh.
(Hành hương em, “Nỗi buồn ứng trước”)
Cuộc sống đầy biến động. Nhiều làng quê đã đổi thay. Với tâm hồn nghệ sĩ, Inrasara viết những câu thơ đầy trăn trở trước những đổi thay trong cuộc sống xung quanh:
Da thịt em nở – áo quần em chật
Nhân khẩu tăng phần – khuôn nhà mãi hẹp
Thôn xóm cứ mở – ruộng đất cứ teo
Em bị nhổ khỏi plây
Bị văng vào phố.
Em không có dây chuyền – không có quần jean
Mang linh hồn ngọn đồi
Em lạc vào phố lạ.
Em giặt giũ trong căn gác lạ
Em thợ phụ trong xưởng may lạ
Em hoảng hốt trong con hẻm lạ.
Mang linh hồn ruộng đồng
Em rụng vào đêm lạ.
…
Ra đi từ linh hồn ruộng đồng
linh hồn ngọn đồi
Nàng đi về hướng phố
Bạt ngàn phố dựng
Hù dọa trái tim bị thương.
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, “Chân dung nàng”)
Cây xương rồng, cây Tagalau (cây Bằng lăng) là những loài cây mộc mạc, nhục nhằn chịu đựng trong nắng gió gần gũi với những làng Chăm ở miền cực Nam Trung bộ. Giữa cây và người đều có sự sống, có linh hồn. Cuộc sống luôn luôn gắn chặt giữa quá khứ và hiện tại. Chúng ta cảm nhận trong thơ, Inrasara luôn luôn hướng về tương lai với một niềm tin mãnh liệt:
Bài ca kết tinh từ hơi thở con đường tôi đi qua
Bài du ca hôm nay nối dòng kinh thiên cổ
Nối ariya vào ca dao, nối mai sau vào quá khứ
Nối ngụ ngôn của Đất vào vạn bước đứa con xa.
Ngày mai xương rồng lại nở hoa.
(Sinh nhật cây xương rồng, “Sinh nhật cây xương rồng”)
Miệt mài, kiên trì trong lao động và sáng tạo, Inrasara đã đạt được những thành công trên con đường sáng tác thơ cũng như những nghiên cứu về văn hóa Chăm. Năm 1997 và năm 2003, Inrasara được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về thơ. Năm 2005, với tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư Inrasara được trao Giải thưởng Văn học Đông Nam Á. Năm 1995, anh được trao giải thưởng của Trung tâm Lịch sử Văn minh Đông Dương thuộc Đại học Sorbonne của Pháp về công trình nghiên cứu văn học Chăm. Đến năm 2009, Inrasara được trao giải thưởng Phan Châu Trinh.
Inrasara giống như cây Talagau chênh vênh trên vùng đất đồi quanh năm khô hạn ở làng quê Chăm đầy nắng gió đã nở hoa rực một màu tím hoang sơ chung thủy, đẹp lạ lùng, trở thành niềm tự hào của người Chăm anh em thân yêu. ./.
La Gi, tháng 5/2016
LÊ NGỌC TRÁC
Lê Ngọc Trác: INRASARA - TAGALAU CỦA NGƯỜI CHĂM,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét