Thăm Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ
Trong Mùa Đại Dịch (*)
----------
(*) - Doãn Quốc Sỹ sinh năm 1923 - ]
(Bt)
Ngày 25 tháng Ba 2021 vừa rồi, một nhóm anh chị em quen biết lâu năm đã đến thăm nhà văn Doãn Quốc Sỹ tại nhà và dùng bữa cơm trưa do cô Liên, con gái nhà văn khoản đãi. Khách tới nhà gồm có anh Trần Huy Bích, anh chị Đỗ Quý Toàn – Hà Dương Thị Quyên, anh chị Trần Dạ Từ - Nhã Ca và cô con gái Sông Văn, và Phạm Phú Minh.
Từ trái, hàng ngồi : Trần Dạ Từ, Doãn Quốc Sỹ, Đỗ Quý Toàn Hàng đứng : Nhã Ca, Hà Dương Thị Quyên, Trần Huy Bích, Phạm Phú Minh |
Thật ra trước đó Liên đã liên lạc với anh Trần Huy Bích, thông báo một kế hoạch gặp gỡ rộng lớn hơn : khoảng vài mươi người sẽ gặp nhau trong một tiệm phở trên đường Beach để cùng ăn phở và trò chuyện với nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Lý do, sau một năm vì dịch bệnh mọi người đều “tu tại gia”, nay tình hình đã có chút khả quan “nếu bố em được gặp đông đủ bạn bè thì bố sẽ rất vui” như lời cô Liên trình bày lý do với anh Bích. Nhưng sau, có lẽ vì tình hình dịch bệnh chưa đủ lạc quan để có một buổi hội họp đông đảo như thế, gia đình nhà văn đã thu gọn buổi gặp gỡ đầu tiên bằng một bữa cơm trưa thân mật trong gia đình.
Trước 12 giờ trưa hôm ấy, chúng tôi các khách được mời lần lượt tới và trình diện nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Anh Bích và tôi đến đầu tiên, rất mừng thấy anh Doãn Quốc Sỹ thần sắc rất tươi tắn, tôi mở đầu : “Thưa anh, chắc anh nhớ vào năm 2013, trong buổi hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tại báo Người Việt, anh đã có một bài thuyết trình về nhà thơ Tú Mỡ là nhạc phụ của anh. Khán giả hôm đó đã tỏ ra rất thích thú bài nói chuyện rất vui và rất hấp dẫn của anh…” Tôi nói đến đây thì cô Liên đến bên cạnh nói với tôi : “Anh nói một câu dài như thế thì bố em không hiểu kịp đâu. Một câu chỉ gồm ba hay bốn tiếng, nói to và chậm thì bố mới nghe và hiểu được.”
Rồi các bạn khác lục tục tới, đem lại một không khí vui nhộn của một thời… xa xưa, tức là thời chưa có dịch Covid --từ đầu năm 2020 trở về trước. Đỗ Quý Toàn ngồi bên anh Sỹ, không biết cách nào đã rủ được vị nhà văn lão thành cùng hát với anh một bài dân ca, bài Trèo Lên Quán Dốc. Chữ được chữ mất nhưng anh Doãn Quốc Sỹ cũng song ca với Đỗ Quý Toàn được một đoạn, gây một không khí hào hứng cho mọi người.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ vừa hát vừa dùng tay đánh nhịp, song ca với Đỗ Quý Toàn. (hình trích từ video) |
Rồi thức ăn được dọn ra, rượu được khui và rót mời mọi người, cả nhà ngồi quanh một cái bàn rộng vui vẻ cầm đũa và nâng cốc. Nhân lúc Toàn và Hiếu (chồng cô Liên) rủ nhau ra sân hút thuốc, Trần Dạ Từ cho mọi người biết từ sau khi bị bệnh nặng anh đã bỏ hẳn hút thuốc, vì “không thể nào hút được nữa”. Nghe thế Toàn hỏi ngay : “Thế những ống pipe trước kia của ông bây giờ ở đâu ?” vì biết Từ có những ống vố rất đẹp.
Tôi ngồi cạnh Sông Văn, có dịp hỏi chuyện cô : “Đây là lần đầu tiên bác gặp cháu, bác thường đến Việt Báo của bố mẹ cháu mà chưa gặp cháu bao giờ” thì được trả lời : “Cháu lâu nay ở Houston, có một tờ báo bên ấy. Nay cháu đóng cửa báo về bên này ở gần bố mẹ.” Sông Văn là một cô gái rất hoạt bát, kể cho mọi người nghe chuyện họa sĩ Nguyễn Trung từ Việt Nam qua Mỹ ở nhà của cô tại Houston để vẽ một số tranh, cứ mỗi lần đi bộ ra phố là một lần đi lạc không biết đường về nhà, phải gọi phone kêu cứu, cô phải đem xe đi đón họa sĩ về.
Suốt từ đầu bữa ăn, anh Doãn Quốc Sỹ vẫn im lặng không nói gì. Đột nhiên anh lên tiếng, giọng nói to, rõ ràng, kể lại một chuyện xưa có liên quan đến cụ nhạc phụ Tú Mỡ :
“Trong ngày cưới của chúng tôi, trước khi tôi làm lễ gia tiên, bỗng ông nhạc của tôi, nhà thơ Tú Mỡ, hỏi tôi : ‘Có biết lễ không ?’ Tôi trả lời ‘Dạ thưa có ạ’ rồi tôi lễ trước bàn thờ lên gối xuống gối rất đàng hoàng.”
Nghe anh Sỹ kể chuyện này một cách đột ngột, tự nhiên tôi giật mình. Vì câu chuyện này giống y như một chi tiết trong bài thuyết trình của anh bảy năm trước trong cuộc hội thảo Tự Lực Văn Đoàn mà tôi vừa nhắc anh lúc mới tới, cách đây một tiếng đồng hồ. Lúc đó anh có vẻ không hiểu kịp câu nói của tôi, nhưng bây giờ đột nhiên anh lại kể câu chuyện này, là một chi tiết trong bài thuyết trình của anh năm 2013, khiến tôi băn khoăn : Có phải câu nói của tôi đã đi vào tiềm thức của anh, đến một lúc lâu sau nó mới trồi lên ý thức và khiến anh chọn và kể ngay một câu chuyện đã trình bày trong bài thuyết trình năm ấy ?
Nói xong, anh Sỹ lại yên lặng, trả lại “diễn đàn” cho những người bạn trẻ hơn nói những chuyện xưa có, nay có mà suốt hơn một năm qua chẳng có dịp gặp nhau để trao đổi.
Cảnh bàn ăn, từ trái : Trần Dạ Từ, Doãn Quốc Sỹ, Nhã Ca đang cụng ly với chủ nhân, Đỗ Quý Toàn, Trần Huy Bích, Phạm Phú Minh, Hà Dương Thị Quyên, Sông Văn, Doãn Cẩm Liên (tác giả bữa ăn dọn trên bàn). |
Nhớ lại ngày xưa, khoảng đầu thập niên 1960, cuốn sách đầu tiên của nhà văn Doãn Quốc Sỹ mà tôi đọc là Dòng Sông Định Mệnh. Thời đó, vừa bước chân vào Đại học, cả lớp Dự bị Văn Khoa của chúng tôi hầu như ai cũng bàn tán về cuốn sách đó. Năm sau, khi lên Đà Lạt học Sư Phạm cuốn sách tôi mê nhất lại của tác giả Doãn Quốc Sỹ, cuốn Ba Sinh Hương Lửa. Đặc biệt những trang viết về xung đột Quốc-Cộng ảnh hưởng đến tâm trí của tôi một cách khác thường, mà mãi mấy chục năm sau, khi đi tù cải tạo sau 1975 tôi mới hiểu những trang sách đó như là những báo hiệu trước cho tôi về một quãng đời 13 năm tù tội tương lai, giống như Đạm Tiên đã báo mộng cho Kiều biết trước quãng đời 15 năm luân lạc về sau vậy.
Nhưng duyên nợ chưa hết sau Ba Sinh Hương Lửa. Chúng tôi được đi Mỹ theo chương trình HO, từ giữa thập niên 1990 tôi phụ trách trông coi tạp chí Thế Kỷ 21, thỉnh thoảng lại nhận được bài của anh Sỹ đóng góp cho tờ tạp chí, lúc đầu thì từ Houston, về sau thì rất gần gũi ngay tại Little Saigon. Rồi tôi được hân hạnh mời anh nói chuyện trong Hội thảo Tự Lực Văn Đoàn. Rồi cùng trải qua giai đoạn rùng rợn của trận dịch của thế kỷ hiện nay, bắt mọi người phải xa cách nhau nếu không phải qua cái chết thì vẫn phải cách biệt trong lúc sống.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ tại Hội thảo TLVĐ, Little Saigon 2013 |
Cho đến ngày 25 tháng Ba vừa rồi, một số anh chị em bạn thân thiết lại có dịp quay quần quanh anh Doãn Quốc Sỹ như anh em trong một gia đình. Chúng tôi gọi anh Sỹ bằng anh, vì anh lớn hơn chúng tôi trên dưới mươi tuổi. Trong khi đó Liên con gái của anh cùng các anh chị em khác của Liên lâu nay cũng quen gọi chúng tôi bằng anh, chị, có lẽ vì thấy chúng tôi vẫn… còn trẻ. Nhưng cách gọi và cách xưng hô của người Việt dù có vào hạng rắc rối nhất thế giới, trong trường hợp này cách gọi như trên của hai, ngay cả ba thế hệ, vẫn được chấp nhận một cách tự nhiên và vui vẻ.
Tôi cho đó là nét đẹp giữa tình bạn của chúng tôi với gia đình nhà văn Doãn Quốc Sỹ. ./.
Phạm Phú Minh
Little Saigon, 27 tháng 3, 2021
(từ: DĐTK)
(từ: DĐTK)
source: Bạn Văn nghệ Blog
=========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét