Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

DIỄM CHÂU/ PHẠM VĂN RAO : Người gieo hạt chữ nghĩa trên nương, rẫy " Trình bầy"./ Du Tử Lê -- source: dutule.com>

 

DIỄM CHÂU/PHẠM VĂN RAO: Người Gieo Hạt Chữ Nghĩa Trên Nương, Rẫy Trình Bày


28 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 18802)
DIỄM CHÂU/PHẠM VĂN RAO: Người Gieo Hạt Chữ Nghĩa Trên Nương, Rẫy Trình Bày

 diem_chau-_hinh_hoang_ngoc_bien-content-content 

Tôi nghĩ, khi đề cập tới phần đóng góp của nhóm Trình Bày cho 20 năm văn học miền Nam, mà, không nhắc tới nhà thơ Diễm Châu / Phạm văn Rao, là một thiếu sót - - Nếu không muốn nói là, một bất công to lớn đối với ông.

 

Những người giữ vai trò Tổng thư ký của một số tạp chí có “tuổi thọ” đáng kể và, ít, nhiều ảnh hưởng tới chiều hướng văn học miền Nam, dường có chung một mẫu số. Tôi muốn gọi mẫu số chung đó là sự “vắng mặt,” không dương danh. Tương phản với những “phô diễn” ồn ào của một vài tổng thư ký khác.

 

Sự “vắng mặt” chẳng những đúng với Diễm Châu, trong vai trò Tổng thư ký bán nguyệt san Trình Bày; mà, còn đúng một cách “tàn bạo” - - Bởi vì, ngay văn giới, cũng ít người biết vai trò, tên tuổi ông ở tạp chí, cũng như nhà xuất bản này. Dù cho, trên thực tế, vị trí của ông, chỉ sau Thế Nguyên.

 

Một cách kín đáo, tất cả những bài vở đăng tải trên 3 tạp chí Đất Nước, Nghiên Cứu Văn Học và, Trình Bày đều có sự tham bán của Diễm Châu. Ông cũng là người có ảnh hưởng rất lớn trong hàng 100 tác phẩm được xuất bản bởi nhà Trình Bày...

 

Tôi nhớ, hơn một lần, nhà thơ Nguyên Sa từng cho rằng:

“Không có Diễm Châu, tôi nghĩ, nhóm Trình Bày đã có một bộ mặt khác. Một bộ mặt không hài hoà. Thiếu...cân đối!”

Đúng vậy. Diễm Châu không chỉ đem đến (còn giữ lại được,) cho Trình Bày, nhiều tác giả, thân hữu. Họ là những người đứng ngoài vạch phấn “dấn thân” của Thế Nguyên. Họ không lên tiếng chống đối; nhưng sự đóng góp, lui tới của những người này, vô hình chung, đã là chiếc thắng, giảm bớt độ lao tới bất cập của chiếc xe “khuynh tả” này.

 

Căn bản, Diễm Châu/ Phạm văn Rao là người yêu bạn. Họ Phạm không có nhiều lắm, bằng hữu. Nhưng, ai đó, một khi đã là bằng hữu của ông, thì ông rất thủy chung, chí tình, với người ấy. Ông trân trọng tình bạn, như trân trọng chữ, nghĩa vậy.

Ngược lại, ông cũng được bằng hữu cư xử, tương tự. Tôi nghĩ, đó là một thứ tình yêu thương mà, cả hai phía cùng nương, dưỡng vì tính dễ vỡ do hoàn cảnh “loạn lạc” của nó.

 

Cho tới ngày toàn bộ cơ sở Trình Bày bị đình chỉ mọi hoạt động, nếu tôi không lầm thì, tủ sách Trình Bày chưa từng in một thi phẩm nào, riêng cho Diễm Châu.

Có lần tôi hỏi Thế Nguyên, tại sao không in “Thơ Diễm Châu”? Thì, Thế Nguyên cho biết, ông có hỏi. Nhưng, Diễm Châu khi thì bảo:

 

“Chưa đủ thơ.”

 

Khi thì:

 

“Chưa thuận tiện.”

“Chưa phải lúc.”

“Dành ưu tiên cho anh em khác!”

 

Điều này, cho thấy, chọn lựa của Diễm Châu trong đời thường, cũng như trong văn chương, là chọn lựa quên mình. Chọn lựa, lặng lẽ. Lùi, khuất. Nhẫn nại. Cần cù... Những đức tính cần thiết của tổng thư ký một tạp chí văn học. 

Hầu hết thời gian có mặt ở 191 Lý Thái Tổ, của Diễm Châu, là thời gian ông cúi xuống những trang báo, trang bài in thử. Ông đọc lại những “bản vỗ,” trước khi ký “bông” cho máy chạy.

 

Ông cho tôi cảm tưởng, ông luôn chọn cho ông, (hay chỗ của ông) là, những góc nhỏ. Những góc nhỏ với ngọn đèn tù mù. Nhưng, sự tù mù này lại được “nâng cấp,” trở thành rực rỡ, bởi những tận tuỵ. Chân tình. Không khoanh vùng. Không định kiến. 

 

Ông cho tôi cảm nhận, với ông, đời sống (luôn cả thi ca,) cũng chỉ là những góc khuất. Ông, không bao giờ loay hoay, bận tâm tìm cách thế bước ra tiền trường. Chiếu. Rọi.

 

Dường ông an lành, ông hạnh phúc với chiếc bóng liu điu và người bạn âm thầm là, trái tim quan hoài tới dòng văn chương Việt Nam, chông chênh, trên những lộ trình thời thế, bất trắc...

 

Là người một đời đem chữ, nghĩa, đem thi ca đến cho mọi người; nhưng, ông lại cho thấy, dễ chừng, chữ, nghĩa tự thân, vốn ở đó. Thi ca tự thân, vốn ở đó. Ông chỉ là người gỡ, bỏ tấm màn che, xô, dạt sương mù, cho văn chương, hiển lộ. Xong bổn phận, ông lại lùi xa. Ông trở về chỗ của mình. Để thơ mình ên, gánh vác định mệnh nó. Dù cho bài thơ, (hay trang văn,) rõ ràng được thự, ký tên ông.

Bài thơ trích dẫn dưới đây, theo tôi, phản ảnh phần nào cá tính của Diễm Châu về tương quan giữa tác giả và, tác phẩm:

 

“Thế là tôi đã lấp đầy một hình chim

“bây giờ cánh chim không còn là của tôi nữa

“nó là của mọi chiều không gian

“của mọi màu đèn của mọi thành phố của mọi làng quê

“của những cành xanh của những cành tím của cả những cành

“không còn màu sắc

“trên trái đất

(......)

(Diễm Châu, trích “Bài Thơ,”) 

 

Là giáo sư Anh ngữ cho một số đại học Saigòn, như Kỹ Thuật Phú Thọ, Dược Khoa..., nhà thơ Diễm Châu / Phạm văn Rao, kẹt lại Saigòn, sau biến cố 30 tháng 4-1975. Tám năm sau, 1983, ông mới cùng gia đình được đi định cư tại Pháp, thành phố Strasbourg

Ở quê người, dù phải nỗ lực để vượt qua những khó khăn trong môi trường sống mới, giai đoạn đầu; nhưng bên cạnh những gập ghềnh kia, Diễm Châu vẫn cho thấy tấm lòng đau đáu, thiết tha với chữ nghiã, thi ca của ông, thể hiện qua nỗ lực dịch thuật và, hồi sinh nhà xuất bản Trình Bày.

 

Trong số những tác phẩm được ấn hành dưới bảng hiệu Trình Bày, ở quê người, may mắn thay, có hai thi phẩm của Diễm Châu. Đó là các thi phẩm nhan đề: “Việt Nam, Tổ Quốc và Em;” và, “10 Bài Thơ Ở Paris & Những Mảnh Rời!”

Nội dung của cả hai thi phẩm vừa kể, dù có là những sáng tác Diễm Châu viết, từ quê nhà, hay ở hải ngoại, tên tuổi một số bằng hữu của ông vẫn xuất hiện dòng đầu, nhiều bài thơ. Thí dụ, bài “Tự Do,” ông gửi tặng Thế Nguyên. Bài “Nói Chuyện Với Người Nói Chuyện Trên Xe Lửa,’ ông đề tặng Đỗ Quý Toàn cùng, nhiều bài khác nữa. 

Hai bài thơ đó, như sau:

 

 

TỰ DO

 nhớ Thế Nguyên.

 

Khi người nghệ sĩ bản địa múa ballet trên chiếc xe cọc cạch

kẻ thiên tài từ paris về giương ống kính

thâu hình một bóng ma

 

ôi tự do

mi đã cho anh trương chi đỏ những đồng francs yêu nước

mi đoàn kết những chuyến bay việt kiều đầy ắp

những món hàng thâu lợi gấp trăm

mi đã cho bạn bè ta mùi vị mật ong

ảo tưởng thiên đường hé mở

buổi chiều carnaval mi đeo mặt nạ

cột vào lưng ta chiếc pháo thăng thiên

từ chín tầng trời cao ngất

ta ngó nghiêng như cánh diều ác độc

nhìn quê hương quay theo vòng bánh xe

người nghệ sĩ múa ballet đầu cúi

xuống trái tim – nấm mộ

 

ôi tự do

mi cười như một con rối.

 

 

NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI NÓI CHUYỆN TRÊN XE LỬA

 gửi Đỗ Quý Toàn.

 

Không thể ném xuống sông một con mèo xinh đẹp như thế

một con mèo biết rướn đôi mày cong thả nhẹ làn khói thuốc và nghiêng đầu trên trang báo

 

không thể ném xuống sông bởi dòng nước mùa xuân

sẽ cuốn mau những mẩu thời gian băng giá nhất

 

không thể trả lời những câu hỏi đơn sơ (nhưng thật khó) như bây giờ là mấy giờ chuyến xe lửa này đã tới chưa ngoại trừ: chết rồi định làm gì

bởi câu trả lời nhất định phải là: yêu!

 

không thể sống cho lúc vừa qua và chút nữa – dù ở thiên đường xanh hay địa ngục vàng

bởi lúc này

ngôn từ đã trở thành đạo cụ với ngoại cảnh là đồng hoa – tất cả

chỉ là từ chương.

Diễm Châu,

20. 5. 1984

 

Nếu bài thơ “Nói chuyện với người nói chuyện trên xe lửa,” là ưu tư của một thi sĩ, gửi cho một thi sĩ thì; bài “Tự Do” theo tôi, là một “ai điếu” muộn, gửi cho linh hồn nhà văn Thế Nguyên! 

 

Nhưng, trên hết, trong sinh phần thơ Diễm Châu, dữ dội nhất, phẫn uất nhất, vẫn là những dòng thơ tả thực. Những ghi nhận hay, cáo trạng trợn trừng, bật máu mắt, của một người cầm bút, trước những bi kịch chưa từng diễn ra, trên đất nước mình. Những dòng thơ không cần vận dụng bất cứ một thứ kỹ thuật kỳ khu nào. Như liên tưởng. Như ẩn dụ (metaphor.) Thậm chí, hoán dụ (metonymy). Điển hình, bài “Việt Nam, Tổ Quốc và Em,” với trên 100 câu thơ thô, nhám, bầy hầy...“hiện thực xã hội”:

 

“VN, những ngày ở thành phố HCM ta là con chó

“ta chạy trên những đường ray cong queo bên những toa tàu đổ

“ta làm kế hoạch lớn cho mi bằng cách lượm nước mắt khô và gói ghém

“những nỗi niềm thương nhớ.

“VN, bạn bè ta thất tán tứ phương

“đứa bị thủ tiêu trên đường Cửa Thuận

“đứa bặt tin từ Vĩnh Phú, Sơn La

(......)

“VN, ta còn ở Rạch Giá xác một người bạn khác

VN, mẹ cha ta không mồ mả

“lũ anh em ta bây giờ xất bất xang bang

“lũ cháu ta lúc này đạp xích lô ghiền ma tuý và chết cho Heng Xomrin

“VN, hơn 100 đồ tể của mi ngồi cãi lộn với nhau về chế độ bao cấp

“Trong lúc người yêu ta bỏ xác ngoài biển khơi

“VN, mi thật là khốn nạn khi sinh ra ta đồng thời với bọn người ngựa

“những tên bán Chúa phản thầy hạng cú diều độc địa

“VN, ta không còn ai để thở than những buổi tối buồn

“VN, những ngày cúp điện những đêm xét hộ khẩu mi ở đâu?

(......)

“VN, mi còn chiếu phim con heo cho thuỷ thủ Liên Sô ở kho 5

“bọn lính tàu bay nước ngoài ở khách sạn Độc Lập Tự Do của mi mỗi ngày “dội nước dơ mấy lần xuống đám học trò trẻ nít?

“VN, mỗi ngày mi nướng bao nhiêu mạng người?

VN, mi làm cách mạng sao dám nói dối?

“VN, mồ cha những thằng công an khu vực của mi

“VN, mỗi ngày mi tra tấn bao nhiêu người vô tội ở Phạm Đăng Lưu, Đại Lợi?

“VN, chừng nào mi mở khách sạn Hilton để bỏ tù thế giới?”

......

Đó là một phần những sự thật mà, Diễm Châu đã ghi lại, viết xuống, bằng lương tri của một thi sĩ. Tôi tự thấy, không cần thiết, phải nói gì thêm, về những dòng thơ “tả chân” này.

 

Tháng 9 năm 2006, tôi nhận được điện thư của một thành viên trong nhóm chủ trương Web-site Talawas (bộ cũ,) hỏi tôi, có đồng ý để Talawas đưa địa chỉ của tôi cho nhà thơ Diễm Châu, ở Strasbourg? (Ông tìm tôi, qua trung gian Talawas.) Tôi trả lời sẵn lòng. Từ lâu, tôi những muốn liên lạc với ông mà chưa có cơ hội. Vì Talawas không cho địa chỉ Diễm Châu, tôi thúc thủ. Đành trông, ngóng thư ông.

Sự chờ đợi nơi tôi, buồn thay, kết thúc bằng một cú điện thoại bất ngờ của một người bạn ở Paris, báo tin, Diễm Châu mất! (1)

Gần hai năm, kể từ ngày “người gieo hạt chữ, nghĩa trên nương, rẫy Trình Bày” từ trần, giữa khi đang gom tài liệu, để viết về ông, tình cờ, một người bạn của tôi, nhà thơ Thành Tôn, (2) từ Việt Nam về lại Hoa Kỳ; gửi cho bản copy, chụp hai trang báo trích từ tạp chí Nhà Văn số đề tháng 1 năm 1975. (5) Đó là một bài viết ngắn của nhà thơ Nguyên Sa. Ông viết về tập thơ sau cùng của tôi, ở Saigòn. Nhưng, gần như toàn thể bài viết của tác giả “Tiễn biệt,” lại nói về bài thơ nhan đề “Buổi Tối Ngồi Nhà Diễm Châu” và, về con người, đời thường của Diễm Châu.

Nguyên văn bài viết cách đây đã trên 34 năm đó, như sau:

 

“Đọc thơ Du Tử Lê / Nguyên Sa: Buổi Tối Ngồi Nhà Diễm Châu.”

 

“Lâu ngày không gặp bạn

“có việc nhờ, nên đi

“nhà bạn xa hun hút

“trong con hẻm âm u.

 

“Lâu ngày mới gặp nhau

“ta, ngươi cười ha hả

“ngươi đi pha cà phê

“ta ngồi – nằm trên ghế

 

“ngươi quần đùi, áo lá

“mặt tối như đêm mưa

“bốn mắt ngửa lên trời

“lơ mơ trông phát nản

 

“ta gác chân lên bàn

“khoe đôi giầy vẹt gót

“sình bám ống quần loe

“giây nịt to nữa chứ

 

“mừng thê nhi về ngoại

“nhưng tiếc không có ao

“cũng chẳng có vịt, gà

“cho ta thử sức...đuổi

 

“ta nói chuyện đau lưng

“ngươi tính thôi nghề dạy

“ở nhà còn sướng hơn

“(có vợ nuôi cũng đỡ)

 

“thời thế và văn chương

“ngươi buồn đầu sớm bạc

“những sợi tóc như gươm

“chém đời tan từng mảnh

 

“ta than chuyện áo cơm

“nợ nần ngập tới mắt

“càng sống càng còi thêm

“mặt dày hơn da trống

 

“ngươi hỏi vợ con ta

“thừa cơ ta tả oán

“vợ, con mà nghe ra

“chắc chẳng buồn sống nữa

 

“lâu ngày không gặp nhau

“ngồi gần hết buổi tối

“ta về lòng lao xao

“cả đêm không ngủ được

 

“ta bắt chước người xưa

“viết dăm hàng vơ vẩn

“cũng xin gọi là thơ

“để tặng cho ngươi đọc

 

“ta mong những dòng này

“ít ra cũng giúp ngươi

“một giây, cười ha hả...

 

“Ông Du Tử Lê,

“Tôi đã nhận được tập thơ ‘Đời mãi ở phương đông’ của ông. (3) Sách in đẹp. Đúng là thơ đấy. Tôi đã đọc kỹ, lấy làm thích thú. Hai bài trội nhất theo tôi là ‘Khi ở biển với T.C.’ và ‘Buổi tối ngồi nhà Diễm Châu.’ Nhà Diễm Châu hình như ở miệt Phú Nhuận phải không ông? Bữa nào rảnh, ông ghé nhà tôi, chúng mình sẽ cùng đi tới ‘con hẻm âm u’ đó. Mà ông nhận xét tinh tế lắm. Mặt mũi cái ông Diễm Châu với ‘bốn mắt ngửa lên trời’ trông cũng ‘lơ mơ’ thật. Một bữa, tôi đi xe nhà binh đưa học trò đi uỷ lạo chiến sĩ, xe phóng như bay, ông Diễm Châu với ‘bốn mắt ngửa lên trời’, ông ấy vượt xe nhà binh kinh quá. Ông tài, thứ tài xe đua khiếp quá, đành phải nhường ông ấy. Thượng đế, nếu có, trong trường hợp Diễm Châu, quả là một đấng công bình. Ông ấy đã nhét một khối óc cực kỳ thông minh vào một khuôn mặt, đúng như Du Tử Lê nói, ‘tối như đêm mưa,’ với những sợi tóc bạc ‘như gươm’. Nhưng này, tại sao ‘thê nhi về ngoại’ ông ấy lại mừng? Ông làm ơn cắt nghĩa dùm tôi.”

(Tạp chí Nhà Văn, tháng 1 năm 1975.)

 

Có thể câu trả lời của tôi sẽ sai bét; nhưng tôi vẫn định bụng, dịp nào gặp nhà thơ Nguyên Sa, tôi sẽ trả lời ông, câu hỏi “cắc cớ” trên.

Định bụng này, tôi chưa kịp thực hiện được thì, biến cố 30 tháng - 1975, xẩy ra. Những ngày ở quê người, nhu cầu cơm, áo nhận chìm tôi trong dòng thác mưu sinh bức bách, khiến tôi bẵng quên “món nợ” nhà thơ Nguyên Sa.

Nhưng, hôm nay...

 

“Thưa anh Nguyên Sa, câu hỏi của anh ngày nào, chắc chắn đã được người bạn chung của chúng ta, Diễm Châu, trả lời. Và, thưa anh, tôi cũng tin, không ai đủ thẩm quyền hơn Phạm Văn Rao, trả lời anh, chính xác, câu hỏi ấy!” ./.


Du Tử Lê

(May 21 09)




---------------


 Chú Thích:


(1) Nhà thơ Diễm Châu / Phạm Văn Rao từ trần ngày 28 tháng 12 năm 2006. Ông sinh năm 1937, Hải Phòng. 

(2) Nhà thơ Thành Tôn hiện cư ngụ tại nam Cali. Ông còn được biết đến, như một người thiết tha sưu tầm văn chương miền Nam, 20 năm.

(3) Thi phẩm “Đời mãi ở phương đông” tuyển tập thơ Du Tử Lê, do nhà Tổng phát hành Hiện Đại, ấn hành tại Saigòn, 1974.



===========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét