Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

bài đọc thêm: " TÔ KIỀU NGÂN & MẶC KHÁCH SÀI GÒN '/ bài viết: Viên Linh ( Hoa Kỳ) -- source: www.nguoi-viet.com>

 

Tô Kiều Ngân và mặc khách Sài Gòn

VIÊN LINH

Trong thập niên 80’ thế kỷ trước, khi phụ trách một chương trình sinh hoạt văn học nghệ thuật cho đài phát thanh – lúc ấy ông Vũ Quang Ninh là giám đốc chương trình đài Việt Ngữ của cơ sở truyền thông đầu tiên của người Việt hải ngoại tại miền Nam California – tôi có làm một chương trình 15 phút gọi là Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật, ngoài phần tin tức mỗi chương trình có mục nói về một nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ tại miền Nam trong khoảng 20 năm lịch sử 1954-1975; hai người phụ trách chính, vừa viết bài vừa trình diễn, là Viên Linh và Khúc Lan. Chương trình rất giản dị: ngoài phần tiểu sử người nghệ sĩ được nói đến, ví dụ nghệ sĩ Hồ Điệp – giọng ngâm vàng trong không gian âm thanh – chúng tôi nhắc đến tiểu sử của bà, nói đến một hay hai chương trình bà đã là nhân vật chính, ví dụ Ban Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng, chúng tôi còn phát thanh lại ít nhất là một đoạn thơ do bà đã trình diễn, đã ngâm lên.

Chương trình bắt đầu và tiến triển mỗi tuần một lần, một năm khoảng 50 lần, và kéo dài khoảng hai năm, và chúng tôi đã có một bộ vừa văn bản vừa băng nhựa, đĩa nhựa, chân dung ngâm vịnh với thơ và nhạc, của gần trăm văn nghệ sĩ. Có thể gọi bộ đó là một cuốn sổ nhân văn, gồm tiểu sử và tác phẩm nhiều văn nghệ sĩ, ngày nay, khi những dòng chữ này được viết ra, có ít ra là 108 nhân vật trong giới văn học nghệ thuật Việt Nam trong và ngoài nước, phần lớn cho tới ngày nay, là những người đã quá cố.

Nhìn lại sinh hoạt văn học nghệ thuật của hơn 40 năm ở hải ngoại, và nhân đó, 20 năm ở miền Nam, thật là đồ sộ, chỉ tiếc là người Việt hải ngoại không có một hàn lâm viện, không có một hội văn nghệ sĩ có gốc nguồn lâu bền từ quá khứ, đó là một điều vô cùng đáng tiếc. Nét chính của sự thiếu sót này căn nguyên lớn là là lực phá hoại tự thân của lưu dân, và nhất là chủ trương và hoạt động được tài trợ của những kẻ gây ra cuộc lưu vong. Nhưng không vì thế mà không có những người yêu văn hóa, cộng với các thành phần xã hội ngưỡng mộ tiền nhân vì nước, không hành động hay kém đi hoạt động. Có nhiều công trình vẫn thành hình.

Hãy xét về Tháng Mười, chỉ trong Tháng Mười, nhiều tài liệu cho thấy chúng ta có thể tìm ra được và kể ra được công trình của những trí thức văn nghệ sĩ như sẽ kể ra dưới đây.

Chỉ trong Tháng Mười, chúng ta có:

Tạ Trọng Hiệp, Tháng Mười 1996
Bùi Giáng, Tháng Mười 1998
Hà Thượng Nhân, Tháng Mười 2011
Tô Kiều Ngân, Tháng Mười 2012

Xa hơn nữa chúng ta nếu đã có tuổi, có thể còn biết đến những người đã ra đi lâu hơn:

Bàng Bá Lân, Tháng Mười 1988
Quang Dũng, Tháng Mười 1988
Trần Văn Tuyên, Tháng Mười 1976
Đỗ Tốn, Tháng Mười 1973

Cứ làm như thế từng tháng một, chúng ta sẽ có việc làm cả năm. Trong tám người kể trên có 5 thi sĩ.

Mục này đã từng viết về các thi sĩ Bàng Bá Lân, Hà Thượng Nhân, lần này chúng ta nhớ đến một người song hành vừa trình diễn thơ, ngâm thơ, và cũng làm thơ nhưng không nhiều, đó là Tô Kiều Ngân.

Người ta gọi ông là thi sĩ, cũng thường gọi ông là ngâm sĩ, vì ông làm cả hai việc, mà ngâm thơ trên làn sóng đài phát thanh là việc ông làm thường xuyên mỗi tuần. Ông tên khai sinh là Lê Mộng Ngân, sinh năm 1926 tại Huế, khoảng giữa thập niên 50 nổi tiếng qua làn sóng phát thanh bằng giọng ngâm thơ và tiếng sáo của ông hơn là bằng ngòi bút. Đó là một người hoạt động thi ca hơn là sáng tác thơ văn. Những năm đó Ban Tao Ðàn là một hiện tượng sinh hoạt văn nghệ rất được hâm mộ, không riêng với một Tô Kiều Ngân mà còn với những người trong ban, ngoài Đinh Hùng còn có Thanh Nam giữ phần biên tập, còn có Quách Đàm, Hồ Điệp, Hoàng Thư, Hoàng Oanh. Ngoài tiếng sáo và giọng ngâm, Tô Kiều Ngân còn cùng nhà văn Thanh Nam chủ trương tờ tuần báo Thẩm Mỹ và cộng tác thường xuyên với tờ Tiểu Thuyết Thứ Năm hay Tiểu Thuyết tuần san. Về thơ ông xuất bản được thi phẩm “Ngàn Năm Mây Trắng.”

Sau 1975 và thật muộn màng, phải hai năm sau khi ra đi vĩnh viễn Tháng Mười, 2012,  tác phẩm “Mặc Khách Sài Gòn” của ông mới được ra đời. Đây là một ấn phẩm trang nhã do Nhã Nam xuất bản, bìa mộc mạc màu gỗ, với chân dung các nhân vật nghệ sĩ được viết đến ở bên trong, Tô Kiều Ngân may mắn thay còn để lại cho bằng hữu và người đọc người nghe, nói chung là giới thưởng ngoạn và yêu chuộng nghệ thuật còn lại, tác phẩm tâm huyết của ông nhan đề “Mặc Khách Sài Gòn.”

Ông giải thích như sau trong “Lời Nói Đầu:”

“Mặc Khách Sài Gòn” là từ chỉ các văn nhân thi sĩ cùng những người hoạt động nghệ thuật, mong muốn đem tài hoa, tim óc ra tô đẹp cho đời. Chữ “khách” hàm ý chỉ những người của đám đông, được nhiều người lưu tâm hay ngưỡng mộ. Mặc Khách Sài Gòn khá đông, mỗi người một vẻ, không chỉ một lúc mà viết hết được, nên chỉ xin giới hạn trong một số người mà tác giả may mắn quen biết, giao du hoặc cùng hoạt động chung trong một môi trường nghệ thuật.” Những người được thể hiện qua ngòi bút của Tô Kiều Ngân qua những bài viết nhan đề như sau. Nhan đề mang tính văn nghệ, nên người điểm sách sẽ ghi chú bên cạnh cho rõ hơn:

-Nhà văn An Nam khổ như chó: Viết về nhà thơ Nguyễn Vỹ (trang 7)

-Ai xuôi vạn lý: Viết về nhạc sĩ Lê Thương, tác giả ba bản Hòn Vọng Vu.

-Để ta tròn một kiếp say: Viết về Vũ Hoàng Chương.

-Trời cuối thu rồi em ở đâu: Viết về thi sĩ Đinh Hùng.

-Thương về năm cửa ô xưa: Viết về họa sĩ Tạ Tỵ, tác giả bài thơ nổi tiếng về Hà Nội.

-Tấm thân với mảnh hình hài: Viết về thi sĩ Bùi Giáng.

-Cho tôi về Ký Con: Ký Con là tên con phố ở Sài gòn, nơi Mai Thảo sống trong căn nhà phố dùng làm tòa soạn tạp chí Sáng Tạo.

-Chưa bao giờ buồn thế; Một lời nhạc của Cung Trầm Tưởng.

-Về yêu hoa cúc: Một nửa câu thơ của Nguyên Sa: Tóc nàng vàng tôi về yêu hoa cúc.

-Gối đầu trên đại bác: Hoàng Trúc Ly

-Lao vào lửa: Thụy Vũ

-Cánh đồng con ngựa chuyến tàu: Một câu thơ của Tô Thùy Yên.

Ba bài sau cùng trong tập sách viết về Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng và Phạm Thiên Thư.

Tác giả Tô Kiều Ngân tên thật là Lê Mộng Ngân, ra đời tại Huế năm 1926, mất tại Sài Gòn, Tháng Mười 2012.

Cuốn “Mặc Khách Sài Gòn” dày 270 trang, do Hồng Đức xuất bản, Nhã Nam tổng phát hành, trình bày nhã nhặn, giản dị mà phong cách rất sang. Cảm ơn cô Quỳnh Hương, con gái tác giả Tô Kiều Ngân, đã gửi cho chúng tôi cuốn sách này từ 2014, nay mới có dịp nói đến. (Viên Linh) ./.


===========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét