Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

bài đọc thêm: Nhà văn Lý Lan: " Tôi chú ý những người viết trẻ thầm lặng"/ bài viết: AT -- nguồn : tuoitre.vn>

 

Nhà văn Lý Lan: Tôi chú ý những người viết trẻ thầm lặng

12/07/2008 06:47 GMT+7

AT - Nhà văn Lý Lan sinh ngày 16-7-1957 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Quê mẹ: Bình Dương. Quê cha: Quảng Đông (Trung Quốc). Hiện nay đang sống ở Chợ Lớn và Bellingham (bang Washington, Mỹ).

W0I8MZtM.jpg
AT - Nhà văn Lý Lan sinh ngày 16-7-1957 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Quê mẹ: Bình Dương. Quê cha: Quảng Đông (Trung Quốc). Hiện nay đang sống ở Chợ Lớn và Bellingham (bang Washington, Mỹ).

- Đã xuất bản: Nơi bình yên chim hót, tập truyện ngắn (1986), Chút lãng mạn trong mưa (1987), Chiêm bao thấy núi, tập truyện ngắn (1991), Đất khách, tập truyện ngắn (1995), Lệ Mai, tiểu thuyết (1998), Là mình, thơ (2005), Người đàn bà kể chuyện, tập truyện ngắn (2006), Miên man tùy bút (2007),... Lý Lan là dịch giả của bộ truyện Harry Potter (bản tiếng Việt, NXB Trẻ).

* Thưa chị, Lý Lan là dịch giả, nhà văn, nhà giáo, nhà báo. Nhưng với nhiều bạn đọc trẻ, Lý Lan được biết đến chủ yếu là dịch giả của bộ truyện nổi tiếng Harry Potter. Chị có bao giờ thấy "tự ái" vì thông qua bộ truyện Harry Potter, thông qua bà J. K. Rowling mà mình được biết đến nhiều hơn, chứ không phải vì mình là "nhà văn Lý Lan"?

- Tôi thấy danh hiệu "dịch giả” đâu có kém cạnh gì hai tiếng "nhà văn"? Và nếu có những người chỉ biết đến dịch giả Lý Lan thì cũng có những người chỉ đọc thơ, truyện, tiểu thuyết của nhà văn Lý Lan chứ không hề đọc Harry Potter. Người ta biết đến mình ở khía cạnh nào là tùy vị trí của người ta. Điều quan trọng là mình tự biết mình.

* "Sự biết" về Lý Lan cũng đã phản ánh được phần nào "gu" đọc của bạn trẻ ngày nay, phần lớn tìm đọc các tác phẩm mang tính giải trí. Chị có nhận xét gì về điều này?

- Tôi khó có nhận xét chính xác về điều này, vì tôi chưa làm nghiên cứu nghiêm túc nào để xác quyết "gu" của bạn đọc trẻ ngày nay như thế nào. Chỉ quan sát một số hiện tượng rồi nhận định hùa theo hay chủ quan thì không đáng tin cậy. Sự thật là trong những tính năng của văn học (thông tin, lý giải, bày tỏ, chia sẻ, triết lý) có cả tính năng giải trí, nên đọc sách để giải trí không có gì sai cả. Vấn đề thuộc về bản lĩnh nhà văn: sao cho tác phẩm của mình không sa vào giải trí nhảm nhí và không chỉ để giải trí mà thôi.

* Tháng 3-2008, chị cho ra đời Tiểu thuyết đàn bà, ký tặng sách đến độc giả tại hội chợ sách, tiếp đó là tổ chức các buổi nói chuyện với sinh viên ở nhiều trường đại học. Phải chăng chị đang xây dựng thương hiệu "nhà văn Lý Lan" trong độc giả trẻ?

- Tôi không xây dựng "nhà văn Lý Lan" như một thương hiệu. Tôi muốn quyển sách tôi viết ra có người đọc, tôi quảng bá nó. Tôi muốn kiến thức mình thu thập được truyền giao cho nhiều người. Tôi nhận lời mời đến nói chuyện ở các trường đại học, trại sáng tác, câu lạc bộ... Đó đều là những hoạt động tôi vẫn làm trong suốt 17 năm dạy học và 30 năm viết văn.

* Tác phẩm Tiểu thuyết đàn bà là tiếng nói nỗi niềm, thân phận đàn bà bất hạnh của cả một dòng họ. Bên cạnh đó, trong các buổi nói chuyện với sinh viên ở nhiều trường đại học chị thảo luận về đề tài "nữ quyền luận". Chị đang chủ ý xây dựng một mảng đề tài cho riêng mình?

- Không, đề tài nữ quyền không thể của riêng ai cả. Văn chương nữ quyền là đề tài tôi nghiên cứu khi theo học cao học văn chương năm 2001, và là tựa cuốn sách tôi đang hoàn tất, hi vọng sẽ xuất bản vào cuối năm 2008. Những buổi thảo luận về chủ nghĩa nữ quyền và phê bình văn học nữ quyền là do yêu cầu của các giáo sư và sinh viên quan tâm tìm hiểu bộ phận văn học này và mảng lý luận phê bình văn học quan trọng đang phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới này. Còn Tiểu thuyết đàn bà là tiểu thuyết về chiến tranh.

* Các nhân vật của chị, dù là các nhân vật được kể lại, không hiện diện, các nhân vật phụ lướt qua nhưng đều được xây dựng rất công phu, gây ám ảnh. Có phải chị đã dụng công dựng lên họ, sắp đặt họ vào những tình huống éo le nhằm gây thêm "sức nặng" về sự bất hạnh của đàn bà, nhấn mạnh đề tài mình đang viết lên người đọc?

- Nếu đây là nhận xét của bạn thì tôi lắng nghe và sẽ suy nghĩ. Cảm ơn bạn có đọc và có nhận xét.

* Trong Tiểu thuyết đàn bà, hai nhân vật chính là Liên Thoa - nhà văn, "tự do ngang bướng muốn làm gì thì làm" và "không biết sợ" và Không Bé - người con gái lấy chồng nước ngoài, luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng lại rất dễ khóc. Trong họ, có thể tìm được nét tính cách nào ngoài đời của chị không?

- Có mà không - nhân vật tiểu thuyết do tôi tạo dựng, tức là sản phẩm của tôi, chứ không phải là tôi.

* Từng gắn bó với văn chương khá lâu, chị có nhận xét gì về các cây bút trẻ ngày nay?

- (Thành thật nhé) Trong các bạn có một số đã bộc lộ tài năng và sự sắc cạnh của tuổi trẻ. Các bạn sẽ định hình (một cách ấn tượng hay lờ mờ) tùy theo bản lĩnh của mình. Hiện nay nhiều người có hư danh hơn thực chất. Một số bạn tôi có tiếp xúc hãy còn hoang tưởng, nhưng chẳng sao cả. Tôi chú ý những người viết trẻ thầm lặng, biết quan sát cuộc sống và miệt mài sáng tạo.

* Ba mươi năm gắn bó với văn chương, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm đọc sách, kinh nghiệm viết lách với các bạn trẻ được không ạ?

- Tôi coi đọc sách là một hoạt động cần thiết trong cuộc sống của tôi hiện nay. Tôi đọc theo chuyên đề. Thí dụ, mấy năm nay tôi chú ý đến văn học nữ quyền thì tôi chọn đọc sách của các tác giả nữ, đọc có nhận xét, suy ngẫm, ghi chép. Lý do là sách trên đời nhiều lắm, không ai có thể đọc hết và cũng không cần đọc hết. Đọc cái gì mình nghiệm thu được cho mình (và chia sẻ được với người khác). Tôi không còn dư dả thì giờ để đọc sách tràn lan hay đọc sách dở, nên tuyển sách kỹ và tận hưởng cái mình đọc. Việc viết lách thì thoải mái hơn, tôi hứng gì viết nấy. 

* Xin cảm ơn chị.  ./.

nguồn: báo tuổi trẻ online ( tp. hcm

==========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét