NHÀ THƠ VÂN LONG
TIỂU SỬ
Tên khai sinh: Nguyễn Văn Long. Các bút danh Thi Nguyễn, Nguyên Phương, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1934. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. (1980).
* Vân Long đã từng chơi đàn viôlông trong dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Sau đó công tác tại Sở Văn hóa Hải Phòng, là Trưởng ban Văn nghệ báo Ðộc lập rồi làm biên tập viên thơ Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
TÁC PHẨM CHÍNH
Thơ
Ðường vào tim (in chung với Lê Tám, Giang Quân) | 1957 |
Tia nắng | 1962 |
Thành phố tôi yêu (in chung với Văn Thinh) | 1977 |
Qua những miền đất (in chung với Thi Nhị, Nguyễn Quang Tính) | 1980 |
Gió và lửa (in chung với Nguyễn Bùi Vợi) | 1983 |
Thành phố những ban mai | 1987 |
Vào thu | 1990 |
Những khối hình câm | 1993 |
Dưới lá xanh | 1999 |
Vân Long - hành trình thơ (tuyển tập) | 2002 |
Thơ, truyện viết cho các em | |
Sư tử xanh (tập truyện) | 1979 |
Trai ngọc và sứa vật vờ (tập truyện) | 1984 |
Làm ngọc (tập truyện) | 1986 |
Ngàn cây số hoa (tập thơ) | 1996 |
Rùa đá đi chơi (tập truyện) Tủ sách vàng NXB Kim Ðồng | 1997 |
Xuân Quỳnh thơ và đời (biên soạn) | 1996 |
Ngọn bút với thời gian (chân dung - tiểu luận) | 1997 |
Mùa thu quê Việt (tuyển thơ) | 1999 |
Thơ hay có lời bình (biên soạn) | 2001 |
Giải thưởng | |
Giải thưởng Văn học công nhân | 1975-1980 |
Giải thưởng thơ hội VHNT Hà Nội | 1986-1991 |
Giải thưởng thơ ủy ban toàn quốc các hội LHVHNT Việt Nam | 2000 |
TỰ BẠCH
Nếu ta dùng phương pháp so sánh: Văn xuôi là hành ngôn thường nhật có chuẩn của nó thì thơ là một hành ngôn cách điệu, "lệch chuẩn" so với văn xuôi.
Hành ngôn thơ đã "lệch chuẩn", lại qua giọng điệu riêng của mỗi nhà thơ, sẽ xuất hiện những lệch chuẩn cá nhân, mà ta thường gọi là phong cách của mỗi nhà thơ.
Một bài thơ có tứ hay, phần đóng góp trí tuệ là hàng đầu. Nhưng một câu thơ hay phải bao gồm cả sự run rẩy cảm xúc của nhà thơ, bao gồm tài năng sử dụng ngôn ngữ, bao gồm cả quan niệm về thi pháp của nhà thơ. Không ít bài thơ có ý khái quát lớn, nhưng câu thơ lại không hay, chính vì tác giả đã dùng hành ngôn quá gần với văn xuôi. Ðó là thơ giọng ngâm, giọng kể, trần thuật, tự sự... thường chỉ khác văn xuôi ở sự có vần và ngắt câu theo tiết tấu thể thơ. Một nhà thơ có độ "lệch chuẩn" cá nhân riêng biệt trong hành ngôn thường gia tăng hiệu quả thơ trong một diện tích câu nhỏ hẹp.
Các câu thơ hay, mỗi câu hay một vẻ, nhưng chúng giống nhau ở chỗ: Không có nét dư ngữ nghĩa, tức không có chữ thừa, chữ độn. Mỗi chữ lại có thể làm vài ba chức năng, và dồn nén vào nhau, chồng nghĩa lên nhau, tạo ra độ căng nhất định.
NHẬN ĐỊNH
Vân Long - hành trình thơ
NGÔ QUÂN MIỆN
Vân Long là một thanh niên tiểu tư sản, xuất thân từ một gia đinh trung lưu, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Vì gia đình quá đông anh chị em, chưa qua tuổi học trò, anh đã phải đi kiếm sống, cũng do đó mà thuộc gần hết các ngõ ngách Hà Nội. Năm 1956, anh mở cửa hàng sách ở 72 Phố Huế, nhưng chẳng bao lâu phải đóng cửa. Là một thanh niên có khiếu âm nhạc, anh được tuyển làm nhạc công violin của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam từ ngày đầu thành lập. Vân Long và Băng Sơn cùng là các tác giả trẻ có thơ in trên các báo Hà Nội từ trước 1954, nên Vân Long đã sống nhiều năm ở nhà Băng Sơn trên căn gác 66 Lê Văn Hưu mà bạn bè đều biết.
Năm 1965, Vân Long vừa cưới vợ được ít lâu thì được điều về Hải Phòng tham gia dàn nhạc của thành phố Cảng. Nhưng cuộc sống ngồn ngộn của vùng đất này đã cuốn hút ngay những cảm xúc thơ của anh, khiến cho chỉ một năm sau, anh đã cảm thấy phải từ giã cây đàn để hối hả cầm lấy cây bút, mới đủ sức giãi tỏ lòng mình và ghi lại bao nét ngổn ngang và giàu ý nghĩa của một vùng đất mới. Thế là anh trở thành một cán bộ biên tập, sáng tác của Sở Văn hoá Hải Phòng. Mười năm lăn lộn ở thành phố thợ cần lao và chiến đấu cuộc sống và con người ở nơi đây đã in dấu khá đậm trong thơ của anh. Rồi anh chuyển về Ty Văn hoá Hà Sơn Bình, sục sạo từ miền đồng trũng của khu Cháy, qua vùng bán sơn địa Ba Vì, đến vùng cao Thung Khe, Mai Châu... Mãi đến khi mái tóc đốm sương, mới quay về Hà Nội, công tác ở Báo Ðộc Lập rồi Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Trong chặng thơ đầu, Vân Long trải qua khá nhiều miền đất, dấn mình trong gió và lửa của cuộc sống, nhưng để lại những ấn tượng mạnh mẽ hơn cả vẫn là mảng thơ anh viết về Hải Phòng.
Vân Long đã đưa lên được những ký họa, khắc được những nét sắc cạnh về cuộc sống bề bộn và năng động, cái dáng vóc vạm vỡ và dầu bụi của thành phố Cảng trong khói lửa chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ:
Thành phố mang hơi thở đại dương
Những đại lộ
đạn bom còn khét nồng mặt nhựa
...Những hình khối lớn cao
Lầm lũi đi trong mùi dầu xe quyến rũ
Hải Phòng căng bầu ngực khổng lồ
Dòng sữa không ngừng chảy đi khắp ngả
(Hải Phòng - Ðêm mùa thu 67)
Chuyện kể về một vùng biển nóng là một bài thơ dài viết về cuộc vật lộn của những người hoa tiêu, những người thủy thủ, thợ máy, cả những người bốc vác nữa, chống lại hàng ngàn thủy lôi của giặc bủa vây - "thủy lôi như đàn thủy quái" - chống lại cái chết, sự huỷ diệt, để mở ra một con đường máu trên biển:
Tàu hoa tiêu đi, tìm một con đường
Len lách giữa ba nghìn núi đảo
...Những thuyền trưởng, những hoa tiêu dày dạn
Thần kinh căng ra trong đêm tối bịt bùng
Tàu hoa tiêu đi, từng chiếc cách xa nhau
Người trước ngã, có người sau
Dự trữ người cho con đường phải mở
Những chi tiết sống động và đậm đặc, nhà thơ lượm lặt không chút dễ dàng mà đã phải trả giá bằng sự lăn lộn, sự dấn thân vào nguy hiểm. Vân Long đã viết bài thơ Chuyện kể về một vùng biển nóng sau khi, với tư cách một người viết, cùng với Ðoàn văn công xung kích của thành phố đi xuồng len lách qua các bãi thủy lôi, vượt ra với các tàu ta, tàu bạn phục vụ các thủy thủ chiến đấu, có lúc còn mặc áo phao đi cùng với đội rà phá thủy lôi.
Trong cuộc sống nóng bỏng ấy, mỗi con người lúc nào cũng phải sẵn sàng đối mặt với cái chết, Vân Long đã cảm nhận được một tình cảm lớn lao, khi đi trên đường thấy một người con gái nhường hầm trú ẩn cho một người khác giữa lúc máy bay địch ném bom:
Nhường một căn hầm, cô gái ấy hy sinh
Cái chết vô danh mà bất tử...
(Tản mạn)
Nhưng Vân Long không chỉ dừng lại ở những nét hiện thực hữu hình, anh còn nắm bắt được những nét tâm tình sâu kín của những người con đất cảng. Cuộc chiến tranh căng thẳng từng giây từng phút, những con người ở đây vẫn bình tĩnh sống cuộc sống tình cảm hàng ngày của mình:
Ðèn phòng không từng mảng vàng phố xá
Ðôi trai gái nào chưa chịu chia tay
Người con gái tóc dài mang mũ sắt
Nét hài hoà thành phố hôm nay
Vân Long có bài Thành phố trong tranh nói được cái tư thế và cái tâm thế tự tin của đất Cảng ngay trong chiến tranh. Giặc ném bom, phòng triển lãm hội hoạ vẫn mở ban ngày. Tranh vẽ về bộ đội, thợ thuyền, lính hải quân, anh lái xe, cô tự vệ...Khách vào xem cũng chính là những nhân vật ấy ngoài đời, cứ như là họ bước vào tranh, người đeo súng, người đội mũ rơm, người mang cả mùi xăng vào... Chợt có tiếng còi báo động: Họ vào tranh, họ lại tự tranh ra. Bài thơ mang một cái tứ hay về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật.
Có một điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, mặc dầu sức hút mãnh liệt của hiện thực cuộc sống bên ngoài, thơ Vân Long không quên dành phần cho cái tôi trữ tình bên trong của mình. Ðó là sự gắn bó máu thịt mười năm của anh với thành phố Hải Phòng. Anh thực sự coi đất Cảng là quê hương thứ hai của mình. Anh bềnh bồng với con sóng Hải Phòng, anh thở dồn dập nhịp thở Hải Phòng.
Bến Cảng ở ngay sau nhà tôi
Tiếng còi tàu đốt lòng như lửa vậy
Ðầu giường là những con tàu ấy
Nên ban đêm giấc ngủ cứ bềnh bồng
Những suy nghĩ tưởng cạn dòng - Vụt mở.
(Ở thành phố những con tàu)
Và:
Tôi đã sống một thời gian như sóng
Chia gian lao cùng thành phố mến thương
Vai áo bạc những bờ xa muối đọng
Vết thương ai trong vệt lửa bùng.
(Với em và thành phô' lúc chia xa)
Vân Long chân thành hết mức với Hải Phòng, như với chính mình. Một sớm, anh nhìn thành phố qua màn sương mà tự nhủ:
Thành phố này với tôi thân thuộc
Tôi nhìn bằng mười năm làm lụng của mình.
(Hải Phòng một sáng sương mù)
Ðến lúc phải chia tay với Hải Phòng, Vân Long cảm thấy một sự giằng xé và da diết tự trách mình:
Hạnh phúc đó trách mình chưa hiểu hết
Môi khô khát giữa nguồn nước xiết
Ðể trừng phạt tôi những phút sống thờ ơ
Lúc rời xa thành phố đẹp không ngờ
Ðó là một loạt câu thơ trữ tình đầy nội tâm giữa cuộc sống đầy sôi động. Những câu thơ trữ tình giàu tính công dân. Nhìn chung, chặng thơ này, ta thấy ngòi bút Vân Long xông xáo, trẻ khỏe, thơ anh bộn bề chất liệu hiện thực nhưng cũng có phần còn thiên về hướng ngoại hơn là hướng nội, có chỗ còn sượng, chưa nhuần nhị, chưa lắng đọng. Cái hướng ngoại lúc đó cũng có lý do chính đáng của nó là muốn được phục vụ ngay cuộc chiến đấu. Tuy vậy, Vân Long cũng có được một số bài thơ trữ tình như vừa kể trên, những bài này sẽ mở ra một hướng phát triển cho chặng thơ sau của anh.
*
* *
Chặng thứ hai của thơ Vân Long kể từ năm 1980 đến nay với ba tập thơ khá chắc tay mà tôi xếp theo thứ tự hàm lượng là Vào thu, Dưới lá xanh và Những KHỐI HÌNH CÂM. Ở chặng này, thơ Vân Long đã được nâng lên về chất trữ tình, hướng nội nhưng không xa rời cuộc sống xã hội.
Có hai điều thấy rõ: Vân Long đã đi sâu vào những tiềm ẩn trong tâm hồn mình. Với tuổi vào thu, anh suy ngẫm, chiêm nghiệm về mình, về mình với cuộc đời, về mình với thời gian. Cùng một lúc, anh cũng dấn sâu hơn vào con đường thơ. Anh luôn trăn trở, vật vã với mình để tìm tòi, tránh con đường mòn, luôn luôn ý thức mình phải đổi mới mình trong thơ. Nếu trước đây, anh còn có những bài sôi nổi, nhưng tứ vội, thì trong chặng này thấy ít hơn. Thơ anh đã chín "Thu đến từng thi tứ chín cây"! Thu cảm là một bài tiêu biểu cho sự chín ấy:
Em như con gió thổi qua ngang
Trẻ đến làm đau cả lá vàng
Ta thấy Vân Long trẻ thật chứ không phải "cưa sừng làm nghé". Trước đây ta thấy thơ Vân Long có tứ nhưng khô. Có được một tứ thơ mới rất khó, rất quan trọng, nhưng phải có cảm xúc nữa mới thành thơ. Có thể trước đây có lúc Vân Long tìm tứ trước, hoặc là tứ đến trước trong khi cảm xúc chưa bắt kịp. Phải có sự đầu tư nung nấu, tứ và cảm xúc mới hòa quyện vào nhau và lắng sâu thêm.
Thơ trữ tình của Vân Long giàu chất liệu nội tâm, mà những chất liệu nội tâm không rời xa những chất liệu cuộc sống xã hội. Tôi dừng lại khá lâu trước bài Tự vấn. Tự vấn - tâm vấn tâm - là một nếp sống mà mỗi con người muốn thực sự tồn tại và phát triển không thể bỏ qua được. Nhưng người làm thơ có cách tự vấn rất riêng là tự vấn bằng hình tượng:
Trăm chuyện tầm phào ngày thường sao kể hết
Cuộc đời anh ngún khói từng giây
Như dây mìn cháy chậm
Mìn sẽ nổ khẽ khàng không tiếng
Kim đồng hồ dừng lại thôi quay
Nếu anh đốt đời anh như điếu thuốc
Còn lại gì? Một chút tàn bay?
"Mìn sẽ nổ khẽ khàng không tiếng", Vân Long đã tinh nhạy phát hiện ra cái nguy cơ tiềm ẩn đó trong tâm hồn một con người.
Suy ngẫm về cái chung và cái riêng, cái lớn và cái nhỏ, cái lâu dài và cái trước mắt, anh không triết lý tứ biện mà đã đưa ra một hình ảnh sinh động có sức gợi lên những hình ảnh trong một xã hội kinh tế thị trường.
Mình đã bửa cuộc đời ra bán lẻ
Những niềm riêng nhỏ bé...
   ÁM ảnh khá nhiều trong thơ Vân Long là mối quan hệ con người - thời gian. Thời gian thì trôi đi, mình làm được gì cho cuộc sống, hay cũng để trôi theo: Ðến một tuổi nào - Người ta chẳng cần hoa - Không cần quả - Chỉ cần một đọt lá xanh.
Anh khát khao một sự trẻ hóa, muốn chống lại sự cằn cỗi của mình. Anh lo không chạy kịp tốc độ thời gian, lúc quay lại nhìn, chỉ thấy dĩ vãng toàn nhưng chuyện nhỏ nhoi: Thoáng đã trưa - Giấc muộn - đã chiều/Dĩ vãng cuốn phim mốc - lốm đốm dị hình... (Thời gian)
Nhưng Vân Long tự vệ trước thời gian bằng hành động, bằng công việc sáng tạo của mình: Cây xương rồng khắc khổ - khoe loạt nụ tím hồng - Nhựa cằn mà vẫn cố (Tuần hoàn)
Rồi:
Và dòng nước - những buổi chiều vần vụ
Chớp bể xa náo động thượng nguồn
Ta vẫn soi mình trong nước ấy
Vạt hoa chiều vẫn lặng lẽ hương...
Nỗi cô đơn của người viết, nhất là lúc đã "vào thu" có lẽ không ai tránh nổi! Ngồi một mình khát khao bao nhiêu những chuyến đi đem lại những cảm xúc mới lạ :
Ngồi tương tư những chuyến đi
Nỗi buồn vô ảnh tái tê dạ người
Vân Long xưa nay ít làm thơ lục bát, đã có bài lục bát "Bia chiều" hay mà chân thực.
Một nỗi day dứt thường xuyên nữa của Vân Long là suy nghĩ về thơ. Ðó là một nỗi niềm mà, đồng thời với việc thực hiện bằng bút pháp, anh cũng nói lên một tâm sự:
Ta cũng có chuỗi hạt cườm
Gậm nhấm trong tim
Không gáy lên được
(Cu cườm ơi)
Ðó là một nỗi khổ tâm thấy mình bất lực trước trang giấy. Theo suốt hành trình của thơ anh, ta thấy anh luôn tìm tứ thơ mới và nhịp thơ mới. Những tứ ấy có nhiều lúc đạt nhưng cũng còn có lúc chưa có da có thịt, hoặc chưa phập phồng hơi thở, nhưng anh không chịu lặp lại mình. Về nhịp thơ anh cũng luôn thay đổi độ ngắn dài, tiết tấu nhanh chậm của câu, anh kiên quyết bỏ những từ độn, những từ chuyển tiếp không cần thiết; anh cũng không nệ vần hay không vần, mà chủ yếu tìm ra nhịp điệu thơ. Không phải lúc nào anh cũng thành công, nhưng rõ ràng anh luôn có ý thức phải vượt lên mình.
"Nhựa cằn mà vẫn cố". Thực ra anh không cằn nhựa mà, với tuổi tác, thơ anh đã chín hơn, đã có độ nung nấu hơn.
Anh vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình... ./.
11-2001
NGÔ QUÂN MIỆN
----------------
TÁC PHẨM VÂN LONG
Thu cảm
Mở Cửa - Ðường thơm hoa sữa gọi
Phải bùng ra phố, phải đi thôi!
Hà Nội trời xanh màu cốm mới
Tôi nhập vào thu với mọi ngườiMùa thu - Thu đến từng hơi thở
Thu đến từng thi tứ chín cây
Ai may áo mới cho Hà Nội
Vồng ngực ai căng đợi tỏ bầyEm như con gió thổi qua ngang
Trẻ đến làm đau cả lá vàng
Lá phượng vụng về rơi mái tóc
Lại thành hoa rắc em mangNhư người chưa bao giờ được trẻ
Tôi đăm chiêu với mặt hồ đầy
Bước vào khoảng không em để lại
Một lần thêm trống trải nước mâyBất giác đưa tay lên hất tóc
Bỏ quên đâu mái tóc xanh dầy
Xòe ra đôi sợi mang màu nắng
Bắt chợt mùa thu vương kẽ tay!1987
Ngõ Tràng An
Tôi thả bước lơ ngơ
Trưa vàng ngõ cũ
In một bước tình cờ
Lên dấu chân ngày nhỏChùa - Vẫn ngôi chùa cổ
Khói nhang xưa
Tôi lại gặp tôi
Luồn cột đèn đầu ngõChiếc tầu bay giấy lượn lờ
Suốt năm mươi năm
Năm mươi năm
Cô bạn nhỏ chưa khô giọt lệ
Giận tôi vì một trái bàng!Thêm dẫy nhà hai tầng
Ngõ đất thành ngõ gạch
Ngôi chùa càng chìm sâu
Bóng mít bóng cau
Chìm sâu thời thơ béHoa đại đầu thế kỷ
Rụng vào tôi - bây - giờ...
5 - 1988
Vào thu
Nắng như sánh hơn
Lá cây trong hơn
Tưởng nghe được mùa thu nhẹ bước
Lao xao trên thảm cỏ mềmMột gánh ổi thơm vào phố
Chùm nhãn đung đưa tay trẻ nhỏ
Trái thị vàng một sắc dân gianGặp mùa thu lòng mình
Nửa thế kỷ - Gánh trên vai cái tuổi
Mùa thu vầng trán trầm tưLượng trời rộng sao lòng mình hẹp
Thiên nhiên không biết cũ già
Lá biếc, nghìn năm vẫn biếc
Tàn nở nghìn năm - vẫn hoaTrận mưa thu ào qua
Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt...
Ngọn cây
Những ngọn cây
Những ngọn cây cao
Cứ sục tìm chi khoảng biếc
Nõn lá tủa ra quyết liệtRồi cũng đến tầm ấy thôi
Làm sao có thể thành mây
Bay tới những miền chưa biết!Lên đó để mà ngơ ngác
Lên đó để mà cô đơn
để mà run rẩy
Từng cơn lạnh thấu linh hồn!
Dưới lá xanh
Ðêm dài quá, nằm không ngủ
Ðời ngắn quá, yêu chưa đủ
Lặng đếm thời gian trôiLoạt soạt nghìn trang gió thổi lạnh
Tay thì đã ngắn mong chi cánh
Chữ nghĩa xạc xào thua lá xanhMà bông hoa lạ cuối trời kia
Tới được chắc chi hoa vẫn thắm!Ðu-bai
Thèm rời bỏ máy bay
Ðể cưỡi lạc đà
Nhấp nhô trên cát
Ðu-bai rung lục lạc
Vòm trời xanh mắt mèoChàng hoàng tử A - Rập
Mang đồng phục sân bay
Siêu thị đầy châu báu
Tôi thốt gọi:
Vừng ơi!Con đường tơ lụa ấy
Sau vòm cong giáo đường
Những khối nhà hiện đại
Chờm mây cao vươnBay qua Vịnh Ba Tư
Tấm thảm thần hiện đại
Dừng cánh cho một lần nhớ mãi
Ðu-bai!NGÃ BA Á - Âu - Phi
10-10-1996
Tự vấn
Bận giáp những mặt người
Mặt mình, e quên mất!
Gương đâu cho anh soi!Lơ mơ một đám khói
Mái tóc loà nhoà
Cái gì cháy vậy, em?
Trăm chuyện tầm phào ngày thường sao kể hết
Cuộc đời anh ngủn khói từng giây
Như dây mìn cháy chậm
Mìn sẽ nổ khẽ khàng không tiếng
Kim đồng hồ dừng lại thôi quayNếu anh đốt đời anh như điếu thuốc
Còn lại gì? Hay một chút tàn bay?
Người ấy
Thương một chiều để thương một đời
Vị sấu chua đọng mãi trên môi
Cho kẻ ở bồn chồn nỗi ở
Người đi chiều ấy, ngập ngừng đi...Cái Ðẹp cuối đường như không thể...
Một bước gần thêm một bước xa
Em hài hoà đến như vô lý
Ðến mức như mình tưởng tượng ra!Em đắng thơm với cà phê đắng
Hương của ly đời men rượu tăm
Mà vẫn chênh vênh loài sức bút
Câu ma chếnh choáng ngỡ câu thầnThì thôi! Em cứ là khao khát
Không cùng như tháng năm...
Kỷ niệm
Không gian chao chát gió
Trời thu riêng lá thu bay
Ai khuất nẻo như sương khói
Ai bên tôi bóng nhỏ gầy?Và em đồng hiện, em phân thân
Thời gian củ hành tôi bóc vỏ
Kỷ niệm làm trận gió
Ðụng dây đàn tiếng ngânLá thu bay những mảnh hồn thành phố
Những mảnh em xao xác sau vai
Tôi vơ vẩn làm người sầu xứ
Lượm tấm trăng non ở cuối ngày.
Triệu bông hồng
Triệu bông hồng em hát cứ như không
Con số triệu giòn tan dầu lưỡi
Một thời được yêu, một thời sôi nổi
Mặt trời mọc cho riêng em!Ðừng trách tôi là gã xẻn xo
Yêu đến xót lòng từng ly mật đọng
Ghé triệu bông hồng, cánh ong cần mẫn
Chỉ chắt ra chút mật mà thôi!Và xót xa để nhớ một thời
Tôi cần một bông tặng người buổi ấy
Hoa không có và em không chờ nổi
Tôi trở về hoang vắng cả mùa hoa!
Tư thế
Với hoạ sĩ Hoàng Ân
Sàn nhà vừa một khuôn tranh
Anh cúi xuống, choãi chân
Dập từng nhát cọ
Tư duy xoã mái đầu bốc lửa
Tư thế này hợp với anh hơn
Tư thế người cày!
Anh cày lên từng ấn tượng
Cày lên huyền thoại lửa
Cày lên cõi buồn xanh
Cày xới tâm linh
Ngất ngư ảo giác
hoang mạc
một mình
Anh đứng lên ghế
Anh nhẩy lên bàn
Lên nóc tủ
Ở góc độ thấy tranh mình dưới đáy
Tranh mình thẳm sâu địa ngục
Bất ngờ sao
Chúng lại hoá thiên đường!
Núi Ngũ Hành
Huyền Không động
Trời ở đây cực hiếm
Vệt nắng xuyên tuyệt bút của thiên nhiên
Ðá cắt trời như trẻ con cắt giấy
Ðứng bên ngoài: Núi thủy cũng thường thôi
Vào lòng núi bỗng sa mê hồn trận
Ðá ẩn hiện, đá thở và đá sống
Tự làm một cõi đời riêng.
Người ở đây nom cũng thường thôi
Mà bão đạn, bão trời mặt người không biến sắc
Sừng sững trước biển đông
Mặt người như đá tạc!
Không chiến trường
Ðất nước im súng bom
Lòng lại bày trận mạc
Tươi tắn thế chẳng lẽ em là giặc
Bất chợt mình chưa đánh đã mong thua.
Thành phố này, tôi yêu!
Thành phố này - Tôi yêu!
Từ một ô cửa sổ sơn xanh
Treo giò phong lan đuôi cáo
Thành phố với địa hình độc đáo
Biển gió ào ào sóng nước vây quanh.Thành phố này - Tôi yêu!
Nơi trú ngụ những con tàu
Như đàn cá voi khổng lồ cặp bến
Sườn tàu còn ướt nồng vị biển
Ðêm ngủ còn nghe tiếng dây xích vặn mình.Thành phố cần lao
Xăm xắn dáng đi người thợ
Ngoài sông - Từ chiếc cần cẩu nổi
Cũng mang dáng cái vạc cái cò ngày đêm lặn lội
Những tiếng động ì ầm dậy trước cả bình minh
Tôi quen nghe như tiếng tâm tình.Thành phố này - Tôi yêu!
Một tình yêu kỳ lạ
Bằng cái đau của mái trường giặc phá
Bằng nỗi vui một buổi thông cầu
Cái trăn trở của không gian vùng bom nổ chậm
Cái hào hùng trong tiếng hát trầm sâu.Thành phố của bộn bề sắt thép
Từng sơ tán cả một vùng công nghiệp
Chiếc cờ-lê cũng khăn gói đường dài
Cỗ máy khổng lồ bảy chục tấn trên vai.Thành phố này - Tôi yêu!
Nơi bài học viết bằng lửa, sắt
Bằng tư thế siết cò, không chớp mắt
Dáng anh hùng sừng sững đến mai sau.Thành phố này - Tôi yêu!
Nghe thiết tha mỗi sớm mỗi chiều
Tiếng rộn rã bước chân người thợ
Tiếng còi tàu - Tiếng trẻ con reo...
Vào tranh
Cái nhìn trầm tư của bạn
Tạo nên Tam Bạc mờ sương
Trên tranh dòng sông ẩn hiện
Trên sông xao một tâm hồn.Mái rêu loi thoi gấp khúc
Như bao vất vả lo toan
Thuyền đậu lô xô mui liếp
Bão giông chèo chống bao lần.Phố cong một vành trăng khuyết
Tháng năm mơ ước chưa đầy
Tôi trong chiêm bao lẽo đẽo
Ði về thương nhớ khôn khuây.Bạn bè của tôi ở đấy
Mỗi thằng một dạng lo toan
Lật trang sách tiếng cá quẫy
Ðêm rơi đầy chiếc gạt tàn.Một góc đời tôi ở đấy
Phố ôm da diết vòng tay
Một quán nước nghèo bên ấy
Bao nhiêu tâm sự vơi đầy.Bạn vẽ lên tranh sương khói
Con sông lam lũ dáng thuyền
Bạn vẽ lòng tôi khắc khoải
Một vùng sóng nước không yên..
VÂN LONG
nguồn: vuhuu.edu.vn>
==================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét