Trở Thành Một Nhà Phê Bình Văn Học:
Nguyễn Tà Cúc
phỏng vấn bởi Lê Thị Huệ
kỳ 4
bấm vào đây đọc kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3,
- ký họa của nhà thơ Viên Linh
Nguyễn Tà Cúc là một cây viết nữ phiêu lưu vào phê bình văn học, gây khá nhiều đấu đá giữa chị và những tên tuổi lẫy lừng khác của văn chương Miền Nam và Văn Chương Hải Ngoại. Cuộc phỏng vấn là một cuộc đối thoại giữa hai người đàn bà tham gia sinh hoạt viết ở hải ngoại, như một cách mò mẫm tìm hiểu nhau, mà đôi khi độc giả có thể thấy ẩn bên dưới những câu chữ dao búa ấy, là một giao thông hào cố gắng đả thông hay tô màu những khác biệt bất khả kháng của một sinh hoạt viết vốn đầy cá tính. (lê thị huệ 18.02.2018)
Lê Thị Huệ: Nguyên tắc chị chọn tác giả - tác phẩm như thế nào để phê bình ?
Nguyễn Tà Cúc: Vì cũng viết về Chiến tranh Việt Nam, về cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam nên tôi chỉ chú ý đến các tác giả chống Cộng sản tại Miền Nam. Trong những tác giả chống Cộng sản đó, tôi chọn vài tác giả tiêu biểu của thế hệ cầm bút đầu tiên. "Tiêu biểu" cũng đồng nghĩa với sự nổi bật của tác phẩm.
Lê Thị Huệ: Chị cũng biết từ nền “Văn Chương Mạng In Tơ Net” xuất hiện đến nay đã hơn 20 năm, mà chúng ta chưa có được một nhà nghiên cứu Việt Nam nào nghiên cứu về Văn Chương Mạng. Ngay cả những bài điểm tác phẩm có tầm "Văn Chương Mạng" cũng rất hiếm hoi và gần như lạc mất trong nền đời mạng đang chiếm cứ 40% đời sống hàng ngày của nhân loại. Được biết chị cũng là người ít có thời giờ để theo dõi Văn Chương Mạng, chị có ý kiến gì về việc này không?
Nguyễn Tà Cúc: Sao chị lại...sốt ruột thế nhỉ?! Tại hải ngoại, đã gần nửa thế kỷ, mà chúng ta đã nghiên cứu được bao nhiêu về Văn học Miền Nam chưa, huống chi Văn chương Mạng chỉ mới sơ sơ 20 năm?
Ta đã làm chi đời ta xưa?
Ta đã dùng chi đời ta chưa?
(Thơ Vũ Hoàng Chương)
Nếu tôi có ý kiến một cách "cho vừa lòng ...nhau" thì: độc giả thờ ơ vv và vv. Còn nếu tôi có ý kiến một cách Nguyễn- Tà -Cúc thì đừng nói 20 năm mà tới 40 mươi năm nữa coi chừng cũng chỉ thế thôi nếu thứ nhất, không có nhiều người chuyên về lãnh vực này và thứ hai, chính sự quá rộng lớn của Internet làm cho công việc này trở thành khó khăn hơn.
Những bài điểm sách mà tôi có đọc --dĩ nhiên là không thể đọc hết-- chưa thể mang lại niềm hy vọng nào cho chúng ta vì giản dị chúng chỉ là những bài điểm sách (lẻ tẻ) mà tác giả của chúng chưa chứng minh được đã có bản lãnh phê bình. Cho tới nay, tôi thấy rất nhiều nhà tường thuật, nhà phóng sự hay nhà phỏng vấn mà hầu như thiếu vắng người phê bình. Có khi nhà tường thuật kiêm nhà bình luận quân sự. Có khi nhà phóng sự kiêm nhà đạo diễn. Có khi nhà phỏng vấn kiêm nhà giáo dục. Có khi nhà tường thuật kiêm nhà bình luận quân sự kiêm nhà đạo diễn và kiêm nhà giáo dục Nhưng chưa có mấy nhà phê bình trong vòng các nhà này. Khi nào có nhiều nhà phê bình đủ tư cách, mới nói tới chuyện nghiên cứu được. Khi nào mới có nhiều nhà phê bình đủ tư cách? Thì phải, ơ hay, đi học trước đã chứ. Thời này rất khó vênh mặt lên khoe tự học...phê bình. Nhất là phê bình các nhà văn có học, như Mặc Đỗ-tốt nghiệp Trường Luật, Hà nội chẳng hạn. Thế nào cũng có ngày bị mắng không oan: "Anh thợ giầy đòi cao hơn cổ giầy" (hay đại khái thế). Muốn cho chắc ăn, có thể chữa lại theo kiểu An-nam ta: "Bạn mới tập đóng guốc mà lại đòi cao hơn guốc cao gót của bản cô nương à?!" Tôi không ám chỉ hay nói mỉa "làng ta" đâu. Tôi dám nói thế vì tôi không tin các nhà tường thuật, nhà phóng sự hay nhà phỏng vấn chính hiệu của chúng ta --những người yêu nghề đích thực mà không hề tưởng bở mình là nhà phê bình-- nghi ngờ tôi có ý ám chỉ họ. Chỉ có những nhà không-đích-thực mới mích lòng thôi. (Với những nhà đó, tôi có thể mạnh dạn mà xin chờ đợi những nhà phê bình xứng đáng. Và xin chị chớ sốt ruột nữa. Cho người ta yên tâm đèn sách .)
Về lý do thứ hai, tôi trình bầy theo kinh nghiệm của riêng tôi. Với một số lượng khổng lồ tác phẩm được tải đi trên Internet, một người phê bình có thể bắt đầu bằng tìm kiếm tác phẩm trong một chủ đích rõ ràng. Nhưng cũng như phê bình tác phẩm-giấy, mọi nghiên cứu nhắm đưa ra một kết luận tương đối khả tín sẽ không nhanh chóng. Điều cần nhất vẫn là những hành trang cần thiết cho cuộc hành trình không nhanh chóng này: trường học, tự học và tìm được nhân chứng.-
Lê Thị Huệ: Chị có thể nói về tờ Khởi Hành và chị? Vai trò của chị với tờ Khởi Hành ở Nam Cali như thế nào ?
Nguyễn Tà Cúc: Tạp chí Khởi Hành Bộ Mới, số 1, ra mắt độc giả tại Nam California vào tháng 11. 1996. Chúng tôi gọi là Bộ Mới vì tiền thân của Khởi Hành Bộ Mới là Khởi Hành (Sài gòn), một tạp chí của Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội do Đại tá Anh Việt Trần Văn Trọng giữ trọng trách Chủ nhiệm & Chủ bút với Thư ký Tòa soạn Viên Linh. Từ đó tới nay, chúng tôi đã phát hành được tới số đôi 247-248 vào tháng 8 & 9, năm 2017. Chúng tôi dự định sẽ sớm phát hành số kế tiếp sau gần 1 năm đình trệ khi Chủ nhiệm &Chủ bút Viên Linh phục hồi từ hai cuộc di chuyển xuyên Hoa Kỳ vì lý do sức khỏe.
Tạp chí Khởi Hành vốn là một tạp chí giấy và không xuất hiện trên mạng. Chúng tôi bán báo cho độc giả dài hạn trên khắp thế giới, kể cả Việt Nam, cùng tại các tiệm sách lớn tại địa phương. Tôi muốn mở ngoặc để nói tới một phần tế nhị nhưng quyết định sự sinh tử của một tờ báo: Vấn đề tài chính. Khi hợp tác với Viên Linh, tôi quan niệm rằng, thứ nhất, một tạp chí văn học không phải là một tuyển tập thơ văn của những người cùng nhóm. Một tạp chí nên sống được nhờ sức thu hút về đề tài và văn chương của nó mà không nên tồn tại vì lòng vị tha của khách thập phương hay bạn hữu. Thứ hai, tôi không bỏ sức làm báo để tặng không cho ai cả. Viên Linh có thể làm chứng cho điều này: Tôi không lấy báo tặng bạn bè hay gia đình suốt 21 năm nay. Viên Linh vẫn phải giục tôi lấy thêm vài tờ để giữ làm tài liệu vì có những số bán hết sạch. Ngày nay, với báo mạng, điều tôi nói ra có thể cho là kỳ quặc. Nhưng vào thời đó, tất cả các tạp chí văn học đều phải vật lộn với vấn đề nói trên. Ngày 24, tháng 8, năm 1995, tạp chí Thế Kỷ 21 gửi đi một bức thư kêu cứu. Thế Kỷ 21 vốn được Nhật báo Người Việt thành lập, xuất bản và phát hành một thời gian dài rồi được Hội Văn học Nghệ Thuật Việt Mỹ bảo trợ với một số cộng tác viên trong Ban biên tập cũng là nhân viên hay thuộc Ban Chủ trương&Điều hành của Công ty Nhật báo Người Việt. Lời kêu cứu của một tạp chí hùng hậu về nhân sự và phương tiện như vậy đủ nói lên sự trầm trọng của vấn đề thượng dẫn:
- "Hiện nay số báo gửi biếu hàng tháng tới các văn hữu và cộng tác viên lên tới khoảng một phần ba số báo gửi đi [...] Số báo biếu thuần túy là gần 400 số mỗi tháng [...] Chi phí bưu điện gần bằng tiền in và tiền giấy..." [Thế Kỷ 21-Nhóm Chủ trương Lê Đình Điểu, Đỗ Quý Toàn và Phạm Phú Minh, "Thư gửi Nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc- Kính gửi Quý Văn hữu và Cộng tác viên", Ngày 24. 8. 1995, Garden Grove, California , Hoa Kỳ]
Căn cứ trên lá thư này, số báo phát hành là 1.200 tờ. Giá bán 1 tờ là 4 mk, nghĩa là thất thoát 1.600 mk nếu tính theo giá bán, chưa kể cước phí bưu điện. Nguyễn Xuân Hoàng nói với tôi thường bán được khoảng 300- 400 tờ hoặc ít hơn. Như vậy số tiền quảng cáo và tiền báo bán có thể không cách nào bù đắp nổi, đến nỗi cuối cùng "tính sổ chi thu thì tờ báo vẫn chưa 'cân bằng' ngân sách'..." (Sđd). Ngay từ năm thứ 2, Khởi Hành đã không có báo tặng sau khi giới thiệu hết năm thứ nhất. Dĩ nhiên cũng có một số ít những độc giả chúng tôi gửi báo tới nhưng đều có lý do chính đáng để công bằng với bạn đọc đã bỏ tiền nuôi sống tờ báo. Tôi cũng phải nói ngay rằng, Khởi Hành đã được rất nhiều tác gia Miền Nam và Hải ngoại hỗ trợ cho chủ trương đó bằng cách chính họ cũng mua báo dài hạn. Còn độc giả? Một sự cực kỳ đặc biệt là nhiều phụ nữ mua dài hạn. Họ viết thư (tay) góp ý rất nhiều. Nhờ họ, tôi điều chỉnh được một số tin tức liên quan đến phụ nữ trong các bài viết. Tạp chí này đã sống được hơn 20 năm và trao được 3 giải Văn chương Toàn Sự Nghiệp vì độc giả quan tâm tới Văn học Miền Nam và sẵn sàng cho chúng tôi một phương tiện để làm một tờ báo văn học đúng nghĩa theo truyền thống Miền Nam. Cho đến bây giờ, Khởi Hành vẫn là tạp chí -giấy bán duy nhất đủ sức làm hàng trăm chủ đề, vừa lưu giữ vừa góp vào việc phê bình, san định những sai lầm liên quan đến cả Văn học Miền Nam lẫn Cộng đồng Hải ngoại.
Khởi Hành là một kết hợp giữa nội dung và hình thức. Về phương diện hình thức, Viên Linh từng lăn lộn với nghề báo và nghề in ngay từ Sài gon khi giao báo cho nhà in theo sự trình bày của ông. Hễ làm báo nào, ông kiêm luôn phần trình bày. Nhà thơ Hà Thượng Nhân khi còn sinh tiền đã thổ lộ với nhiều người, rằng khi Chủ nhiệm Hà Thượng Nhân và Chủ bút Phan Lạc Phúc đi công du 2 tuần, Viên Linh được giao nhiệm vụ Quyền Chủ nhiệm kiêm Chủ bút của nhật báo Tiền Tuyến (Cơ quan ngôn luận của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa) một phần cũng vì thông thạo trình bày, biết đoán trước 1 bài cần mấy cột và cỡ chữ nào để đốc xuất công việc với nhà in. Khi làm Khởi Hành ở Hoa Kỳ, ông quyết định in báo theo kiểu giấy báo, khổ tabloid để dễ gửi đi vì nhẹ hơn mà giá in cũng rẻ hơn. Nghĩa là Khởi Hành in bằng giấy báo (giấy cuộn) khác với các tạp chí khổ nhỏ in giấy trắng (giấy xén sẵn, in máy nhỏ từng tờ). Thế nên, chúng tôi tránh được một mối chi phí từng gây trở ngại cho các tạp chí văn học khác in theo khổ sách nhỏ: tốn phí bưu điện. Một bao thư lớn gửi theo kiểu cấp tốc (priority mail) chỉ chứa được nhiều lắm khoảng 2-4 cuốn sách khổ nhỏ trong khi có thể chứa 5-7 tờ Khởi Hành (gấp hai). Qua rất nhiều năm, trong thời cực thịnh của Khởi Hành, chúng tôi gửi đi mỗi tháng khoảng 600-700 tờ báo tới các tiệm sách và đại diện trên toàn cầu. Đó là chưa kể số báo gửi cho độc giả dài hạn. Trong 3 năm đầu, Khởi Hành được gửi với giá bưu phí hạng nhất tại thành phố nơi tôi cư ngụ. Sau đó chúng tôi mới gửi bằng bulkmail ở Westminster rồi Huntington Beach.
Vào tháng tư, 2014, Viên Linh trải qua một cuộc "open heart surgery" nên báo ra 2 tháng một số với khổ nhỏ hơn, như khổ sách nhỏ. Bù lại, độc giả sẵn sàng trả thêm bưu phí nên chúng tôi vẫn tiếp tục được. Đó là một danh dự mà Khởi Hành có được từ độc giả tới những cơ sở bạn hữu quảng cáo. Ngoài các vấn đề văn học, chúng tôi còn tổ chức diễn thuyết trong các buổi Diễn đàn Phụ nữ hay về sinh hoạt nghệ thuật Miền Nam như Ban Tao đàn vv...Hầu như mỗi số báo đều có chủ đề--từ di sản Văn học Miền Nam tới những vấn đề văn học chưa ai khám phá--nhắm lưu lại sáng tác của tác gia Miền Nam, có khi bên cạnh bài phê bình hay nhận định cũng của các tác gia xuất thân từ Miền Nam. Cho tới nay, Khởi Hành đã trao 3 giải Văn chương Toàn Sự Nghiệp cho 3 tác gia. Giải thưởng đầu tiên được trao cho nhà văn Nguyễn Thụy Long, Sài gòn vào năm 2005. Giải 2007 được trao cho nhà thơ Hữu Loan, Thanh Hóa. Giải 2009 được trao cho nhà văn Văn Quang, Sài gòn, năm 2010.
Phần tôi, tôi đảm nhận trách nhiệm Thư ký Tòa soạn kiêm người phê bình --chuyên về Văn học Miền Nam và các vấn đề Phụ nữ --duy nhất cho tạp chí này. Ngoài mục thường xuyên "Người và Việc" kèm một bài phê bình, tôi còn giữ mục Điểm Sách, Tin tức và có khi trả lời Thư tín. Sau khi báo in xong, tôi cùng Viên Linh phát hành. Tôi chỉ vắng mặt trong 3 năm sang Pennsylvania học lại (2007-2010) nhưng vẫn viết bài và thường xuyên liên lạc với Viên Linh về nội dung tờ báo. Khi trở về, tôi lại làm phần việc phát hành như cũ. (Tuy làm đủ mọi thứ nhưng tôi không liên quan đến phần ...tài chính, đồng nghĩa với việc không phải thêm việc giữ sổ sách chi thu! Điều đó chứng tỏ công việc của tôi tại Khởi Hành càng ...không giống với sự suy diễn chỉ vì là phụ nữ.]
Như vậy, Khởi Hành do Viên Linh sáng lập, do Viên Linh và tôi hợp tác rồi duy trì đến nay. Không có cả hai (Viên Linh và Nguyễn Tà Cúc), sẽ không có Khởi Hành Bộ Mới với sắc thái và hoạt động đã có, kéo dài trong hơn 20 năm, không qua một lần thay đổi chủ nhiệm, chủ bút hay thư ký tòa soạn. Thế nên, vào năm 2015, chúng tôi được danh dự giao cho in trọn Đoàn Kết! , một tác phẩm chưa từng xuất bản của nhà văn Khái Hưng, từ một bộ sưu tập trong nước. Nghĩa là tác phẩm cuối của Khái Hưng được in lại ở ngoài nước, trên một tạp chí văn học- giấy.
Điều đó cũng dẫn tôi trở lại lý do cộng tác với Viên Linh và Khởi Hành. Như đã trình bày, tôi tham dự Văn bút Việt Nam Hải ngoại ngay vào lúc sóng gió nhất của nó; nhưng đồng thời, tôi cũng nhận ra hải ngoại chưa có một tạp chí văn học nào chuyên về Văn học Miền Nam trong khi văn nghệ sĩ Miền Nam hầu hết đều bị cầm tù. Những biến động ngoài nước càng làm sự thiếu sót ấy trở nên trầm trọng như sự tăng gia liên kết giữa các nhà văn Hoa Kỳ chống lại sự tham chiến của quốc gia họ tại Miền Nam với các nhà phê bình Miền Bắc xuất thân từ chính phủ Cộng sản Việt Nam. Nhờ quen biết Thanh Lãng rồi có cơ hội lãnh hội sự quan trọng của ngành phê bình để giải mã các biến cố văn học, tôi càng nhận ra sự cần thiết của một tạp chí có thể đưa tác phẩm và tác giả Miền Nam trở lại vào cuộc vận hành từ thời thế 1954-1975 đến nay. Muốn thế, tạp chí này cần được chủ trương và hợp tác bởi những người từng tham dự nền văn học đó. Họ sẽ là nhân chứng có thể trợ giúp một người phê bình đủ kiến thức và đủ độc lập trong những nghiên cứu về cuộc vận hành ấy. Cho nên, khi Viên Linh mời, tôi đã không ngần ngại trở thành người thứ hai của tạp chí này, gánh vác một nửa công việc từ sáng tác cho tới lao động. Chúng ta đã biết công việc của một tờ báo lúc nào cũng quá nặng nề qua những chia sẻ của các tạp chí khác như Văn Học hay Hợp Lưu. Và, vâng, tôi tình nguyện cộng tác vô vị lợi, vô điều kiện, không bao giờ đòi hỏi người chủ bút bất cứ điều gì, từ tài chính cho tới bài vở, vì tôi muốn góp phần vào việc lưu giữ và tranh đấu cho di sản văn học Miền Nam ở một phương diện mà tôi thấy cần tiến bộ hơn: Phê bình. Trong khi đó, tác phẩm và báo chí Miền Nam đã được khôi phục lại dần dần với người trong nước cũng góp phần lớn lao, cộng thêm phương tiện Internet. Không lợi dụng được sự bùng nổ tài liệu này thì quả là đáng tiếc.
Chính vì sự làm việc quá nặng nhọc nhưng vô vị lợi với Khởi Hành mà vài quý bạn đã gieo tiếng dữ rằng sở dĩ tôi tham dự chỉ vì có mối liên hệ riêng với Viên Linh. Không đâu-- chưa nói đến việc biên tập và chống trả những cuộc tấn công trực tiếp vào thanh danh tờ báo-- nếu quý bạn này phải gói rồi vác, rồi chuyển lên xe, rồi ra bưu điện, rồi ra tiệm sách, rồi đứng đợi gửi đi, rồi giao báo-- không phải chỉ vài chục tờ xuân thu nhị kỳ đâu mà hàng ngàn tờ báo mỗi tháng trong rất nhiều năm-- thì quý bạn sẽ hiểu ngay là, nếu không có một thứ mục đích cao cả hơn, cái giá của tình yêu ấy quả quá đắt và quý bạn sẽ bỏ cả báo-lẫn- người-làm-báo mà chạy lấy ...mình.--
Lê Thị Huệ: Chị cũng biết tin đồn ở ngoài là chị và nhà thơ Viên Linh có một mối quan hệ tình cảm.
Nguyễn Tà Cúc: A! Có thế chứ! Tôi cứ chờ mãi xem khi nào thì chị hỏi tôi câu này để độc giả khỏi hiểu nhầm chị "nới tay" cho tôi! Tôi còn biết "ở ngoải" và "ở trỏng" còn đồn tôi với vài văn-nghệ-sĩ khác nữa. Nhưng chị chỉ hỏi tới nhà thơ Viên Linh thì sẽ xét tới "quan hệ" này đã. Tôi không ngạc nhiên hay mích lòng vì trên nguyên tắc, loại tin đồn ấy rất hữu lý khi xem ra có đủ chứng cớ kết chặt "đôi trẻ" với nhau. Nhưng giữa tôi và Viên Linh có một mối quan hệ đặc biệt khiến lý giải sự mật thiết dẫn đến tin đồn ấy: Như đã trình bày, chúng tôi hoạt động cùng nhau trong hơn 20 năm, khởi đi từ Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại rồi qua Khởi Hành. Nếu có "tình yêu" là tình yêu dành cho Văn học Miền Nam, một "tình yêu" đã giúp chúng tôi hợp tác lâu dài, vượt qua được những sóng gió mà nếu không có một thứ mục đích như thế thì chắc chắn không tình thân nào tồn tại nổi. Nhất là, tôi phải nhận ngay rằng, trong mọi tình thân, tôi là người mắc tội nếu có giận nhau vì cái tật hay "lên cơn bất tử" như Thanh Lãng nhận xét. Bản tính ít nói, hay "để bụng", nhưng quyết liệt; tôi rất dễ làm mất bạn một cách vô lý. Huống chi tôi và Viên Linh đều là những người có cá tính mạnh mẽ; mỗi người lại có nhóm bạn riêng với sinh hoạt riêng, nên chuyện bất đồng ý kiến, thậm chí một cách dữ dội, sẽ là lý do đầu tiên gây trở ngại cho một tình thân nào khác hơn tình yêu Văn học Miền Nam đó. Tiện đây, tôi cũng xin có lời bàn Mao Tôn Cương về cái sự "tin đồn" kiểu này. Tuy cho đó là một sự đương nhiên, nhưng mỗi lần nghe nhắc đến, tôi buộc phải tự hỏi nếu cả tôi và Viên Linh đều cùng là đàn ông hay đàn bà thì có thứ tin đồn như thế không? Nhiều phần trăm là không. Loại tin đồn ấy rất đáng tiếc vì hoạt động văn nghệ của người trong cuộc có khi bị phủ lên một tấm màn nghi hoặc không cần thiết.
Lê Thị Huệ: Điều này dẫn tới một tin đồn khác là Viên Linh đã nhờ “tay chị” để đánh Võ Phiến và Lê Tất Điều-Kiều Phong.
Nguyễn Tà Cúc: Tin đồn này hoàn toàn sai.
Thứ nhất, "ở ngoải" và " ở trỏng" thường suy luận rằng chị em chúng ta có cách ăn nói "chết cây gẫy cành" nên quý ông mới nhờ đến khả năng ấy. Không đâu. Chúng ta nên xét tới thời tiền và hậu 1975 để phân tích rõ ràng hơn sự sai lầm của tin đồn này. Quý ông--ít nhất là quý ông thuộc Văn Học Miền Nam mà tôi biết--không hề e ngại khi cần phát biểu cảm tưởng. Vài thí-dụ-điển- hình sau đây sẽ vô hiệu hóa huyền thoại nói trên. Trước 1975, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng--vâng, ông bạn cựu Thư ký Tòa soạn tạp chí Thế Kỷ 21 và Văn, vốn nổi tiếng hòa nhã--đã sử dụng một ẩn dụ chát chúa có liên quan đến phụ nữ để ám chỉ mối liên hệ giữa loại "tầm gửi văn nghệ" và các "đàn chị" đưa họ ra ánh sáng. Đoạn dưới đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác, rất khác với một Nguyễn Xuân Hoàng-- lịch sự như một anh công tử Tây nhưng chán đời kinh niên-- qua lời tường thuật nhiều phần không chính xác của rất nhiều bạn-văn-nghệ. Đoạn trích dẫn, từ một bài viết của Nguyễn Xuân Hoàng dưới đây, xem ra rất kỳ bí; nhưng trong giới văn nghệ, hẳn người ta đoán được ngay tên tuổi các "con chí mén" này: -" [...] Trong đời sống văn học nghệ thuật chúng ta tại đây hình như cũng có một vài người đàn bà và một vài con chí mén. Một vài con chí mén vô danh và được ca ngợi, mụ đàn bà càng thống khoái vì được nổi tiếng . Nếu chưa được nổi tiếng, mụ sẽ được nổi tiếng, nếu đã nổi tiếng, mụ càng nổi tiếng hơn. Bởi vì chính những con chí mén đó gãi cho đúng chỗ ngứa của mấy mụ đàn bà. Và một điều giống, hết sức giống giữa hai thứ chí mén này: đó là nó sẽ phải chết khi bắt đầu đủ lớn. Trên mái tóc người đàn bà, chí mén lớn sẽ trở thành chí đực và chí cái. Mà chí đực và chí cái chính là sự ngứa ngáy khó chịu nhất của da đầu. Vì thế, họ phải loại trừ nó, nó phải chết. Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, chí mén được nuôi dưỡng trong những điều kiện không thuận lợi mấy, nhưng rồi nó cũng sẽ lớn lên nếu nó kiên gan trì chí và có thực tài; cũng có thể nó chết ngay từ buổi đầu tiên được ca ngợi vì vỗ tay hoan hô quá nhiều và khi đó nó (sẽ) trở thành cái gai nhọn làm xốn mắt người đàn bà nuôi dưỡng nó. Như vậy, chiếc gai đó phải được nhổ, nó phải chết. Tội nghiệp những con chí mén! Bởi vì rốt cuộc chỉ còn những người đàn bà sống. Một người đàn bà được định nghĩa theo kiểu Schopenhauer là con vật tóc dài nhưng với những ý tưởng ngắn.” [Nguyễn Xuân Hoàng, "Chí Mén", Tuần báo Khởi Hành số 119, ngày 26.8.1971, trang 2)
Trước 1975, ba tay danh trấn giang hồ của báo chí Miền Nam thường được nhắc tới là Kha Trần Ác-Chu Tử, Thương Sinh-Duyên Anh và Hư Trúc-Nguyên Sa. Đọc "Chí mén' của Nguyễn Xuân Hoàng, tôi thấy cần phải dành cho ông một vị trí danh dự đặc biệt bên cạnh 3 tiền bối này.
Sau 1975, trong một cuộc "trà chưa dư, tửu chưa hậu", một cây bút danh tiếng Miền Nam đã cười khẩy kèm lời bình luận "Dậy đĩ vén váy" khi nghe nhắc tên nữ phê bình gia đã "phê bình" thơ ông. Kế đó, Ngô Thế Vinh, một nhà văn có tiếng nhã nhặn và rất được lòng chúng sinh như Nguyễn Xuân Hoàng, cũng tập tễnh dấn vào ngành phê phán (tôi không viết nhầm đâu, Phê phán chứ không Phê bình). Mới đây, ông bất đồ sản xuất một sản phẩm đầy giọng chì chiết nhắm phê phán chung giới phê bình hải ngoại hầu nhân thể, ca ngợi tài Võ Phiến. Tội của chúng tôi nhiều lắm, không nhớ hết nổi, chỉ mang máng rằng bài cáo trạng dài dằng dặc này không khiến ai rơi đầu, chỉ khiến tôi buồn cười: "Váy của bạn thì cứ múa đặng khoe 'Em xinh em tươi nhất ôi nơi trần gian'. Có ai cấm đâu. Trách móc nhau làm gì? Sao lại ngó sang hàng xóm chê chúng tôi đội mũ lệch?!"
Phần Viên Linh, trước 1975, ông đã đặt lại tên cho Vũ Hạnh qua tựa bài "Anh lùn cạnh Nhà Thờ Đức Bà" khi phản bác cậu văn công này về vấn đề Thơ Tự do. Bởi thế, nếu cần, ông sẽ không nhờ đến tôi. Ngoài ra, riêng việc này, ngay từ đầu, Viên Linh đã không can dự vì bài "Tạp bút không phải là phê bình văn học" --nguyên nhân của cuộc can qua với hai anh em nhà Võ Phiến-Lê Tất Điều-- đã xuất hiện trên mạng Người Mới (do một số anh em bạn hữu gây dựng cho tôi) mà không trên Khởi Hành. Tôi trưng vài thí dụ để chứng tỏ truyền thống can qua giữa-các-ông và chỉ-các-ông đã có từ mấy mươi năm rồi, không cần cầu viện tới binh đoàn chúng ta. Theo tôi, sau 1975, truyền thống này vẫn được duy trì khiến gây nhiều cuộc can qua, như với tôi. Xin tạm phân chia các môn phái sau 1975 như sau. Thứ nhất, môn phái Con nai vàng ngơ ngác. Môn phái này lấy sự ngây thơ làm tiêu chỉ (Em chả có ác ý với ai) nhưng phạm vô số tội không ngây thơ chút nào khi phê phán không dẫn chứng và ngụy tạo tài liệu hầu hướng dẫn dư luận theo ác ý của họ. Thứ hai, Môn phái "Le & La" (giống Đực và giống Cái trong tiếng Pháp). Môn phái này nhìn đâu cũng chỉ thấy "Le" , "La" nên độc giả có thể đoán biết nội dung ra sao mà chắc chắn không cần đọc bài. Đệ tử duy nhất của môn phái "Le" & "La" --- xem ra sắp thất truyền dù bí kíp không có gì bí mật-- có vẻ đã "mùa thu núi cũ ta về nằm thôi" (thơ Giả Đảo) dưỡng thương sau khi bị tẩu hỏa nhập ma, những con ma "Le" và "La". Thứ ba, môn phái Bách gia xuất hải (Trăm họ rời biển). Môn phái này đông đảo nhất. Từ khi rời bể Thái Bình sang ngụ cư tại các nước lân bang hầu lánh nạn Đại Hồng, họ thường tụ họp tại Thiên Vân đỉnh bàn chuyện thế thái nhân tình. Môn phái này không có chủ trương nhất định nên có thể kiêm nhiều món võ công ngoài môn phái. Chúng ta sẽ không lạ khi thấy hàng hàng lớp lớp [thế mới có tên Bách gia chứ lỵ] nhà phê bình kiêm sử gia, nhà phê bình kiêm bình luận gia chính trị hay nhà phê bình kiêm nhà tiên tri ("Ai sẽ thắng cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, Chế độ Cộng sản bao giờ sẽ ra nghĩa địa"] vv và vv. Dĩ nhiên, hễ "họp vào thì lời ra" nên chúng ta đã chứng kiến rất nhiều cuộc can qua bất phân thắng bại, có khi ngay giữa các đồng môn khiến giang hồ nhốn nháo thêm vì các tin đồn.
Thứ hai, tôi để đến cuối phần trả lời này mới bầy tỏ một điều quan trọng: Viên Linh không thể nào nhờ tay tôi "đánh" Võ Phiến và Lê Tất Điều Kiều Phong vì mấy lý do rất giản dị. Về Võ Phiến, Viên Linh từng có lời vắn tắt khen ngợi cuốn Văn học Miền Nam Tổng Quan (cuốn đầu trong Bộ VHMN-6 cuốn của Võ Phiến) và cuốn Võ Phiến của Nguyễn Hưng Quốc khi hai tác phẩm đó mới xuất hiện. Ngược lại, như chị đã biết, cả 2 cuốn này đều bị tôi chỉ trích nặng nề. Hơn thế nữa, trước 1975, Viên Linh luôn kéo Võ Phiến theo khi Viên Linh làm Thư Ký Tòa soạn hay Chủ bút rồi Chủ nhiệm của một số tạp chí văn học Miền Nam. Võ Phiến là tác giả được Viên Linh trả nhiều nhuận bút nhất sau Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo. Ông đã trả lời nhà thơ Phan Như Hạo như sau:
-"Khi bắt đầu làm Khởi Hành, tôi trình bày với Đại tá chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội: Không ai có thể làm một tờ báo thành công nếu làm với một bộ biên tập có sẵn. Vì thế, ngay trong phiên họp của ban chấp hành hội, tôi được cam kết là có toàn quyền về biên tập. Tôi cũng đưa ra ý kiến là tôi cần lựa chọn nhà in thích hợp, và sẽ quyết định việc trả nhuận bút cho các tác giả cộng tác theo mức độ tên tuổi và tài năng của họ, trong khuôn khổ tài chánh mà Hội đã đồng ý [...] Do đó trong những năm làm Khởi Hành, trong số hai mươi ngàn đồng nhuận bút dành cho một số báo, kể cả lương tôi, tôi sử dụng theo tiêu chuẩn trên. Điều này đã khiến nhà văn Thanh Tâm Tuyền được trả 1.500 đồng một bài và những người khác từ Cung Tích Biền (nhà văn viết hay nhưng mới xuất hiện) tới Trùng Dương, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo (bốn nhà văn sau viết thường xuyên cho Khởi Hành) được trả theo giá từ 700, 1000, và tới 1.500 một bài....(Phan Nhiên Hạo phỏng vấn Viên Linh, Viên Linh – Làm báo văn nghệ ở miền Nam trước tháng Tư 1975, Diễn đàn văn học Litviet-Phan Nhiên Hạo chủ trương, ngày 22. 8.2009)
Viên Linh lại hầu như không cộng tác với tạp chí Bách Khoa, nơi trú thân với Võ Phiến. Nghĩa là Viên Linh không có ân oán giang hồ (thật ra, ân nhiều hơn oán) để "đánh" Võ Phiến. Thêm vào đó, tin đồn này càng vô căn cứ khi chúng ta đã biết rằng Võ Phiến khen ngợi Viên Linh trong cả tập Văn học Miền Nam-Thơ và tập Văn học Miền Nam-Truyện trong khi loại Cung Trầm Tưởng, Hà Huyền Chi và Du Tử Lê (lại công tử Bắc kỳ di cư) ra khỏi Thơ. Nếu Viên Linh có chỉ trích Võ Phiến (như về vụ Vũ Khắc Khoan hay Vũ Hoàng Chương), ông cũng chỉ là một trong nhiều tác giả chỉ trích Võ Phiến, không thể lấy cớ đó mà quy cho ông cái tội kia. Ngoài Viên Linh, nhiều nhà văn Miền Nam như Mặc Đỗ từng mắng Võ Phiến bằng mấy câu rất nặng. Bình-nguyên Lộc cũng bầy tỏ một sự coi thường tương tự. [Giám đốc] Đỗ Tiến Đức từng công khai có ý kiến về vụ Võ Phiến tiếm danh Phó Giám Đốc Nha Điện Ảnh. Hà Huyền Chi nhắc tới thái độ ngụy quân tử với vụ lôi thôi "ngoài luồng" của Võ Phiến trong khi chính Võ Phiến lại lôi đời riêng của Nguyễn Thị Hoàng (và Kim Lefèvre) ra bàn tán. Thế thì tất cả những ai chỉ trích Võ Phiến đều mượn tay tôi à?! Hay từng ấy tác gia lẫy lừng của Miền Nam đều bịa đặt hết?
Về Kiều Phong Lê Tất Điều thì trong vòng văn nghệ của Viên Linh không có Lê Tất Điều. Viên Linh là nhà văn duy nhất từng giữ chức Thư ký Tòa soạn /Chủ bút hay Chủ nhiệm kiêm phần trình bày nhiều tạp chí kiệt hiệt của Miền Nam. Ông đã đặt tên cho CHÓE và đề nghị CHÓE hướng sang lối biếm họa sau này rất danh tiếng. Những người từng cộng tác thường xuyên với ông là Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Bắc Sơn, Cao Huy Khanh vv. Sang bên này, Viên Linh cũng không sinh hoạt cùng Lê Tất Điều. Thế nên, nói cho công bằng, Viên Linh không cần "đánh" cỡ nhà văn Lê Tất Điều.
Trở lại tin đồn trong câu hỏi của chị thì, lúc ấy, tôi đang còn bận đảm đương rất nhiều trận can qua. Ngay từ 1995-1996, tôi đã bị đẩy vào trận can qua thứ nhất. Một tờ báo lá cải, phóng đầy ám khí, dẫn đầu cuộc phỉ báng Trưởng Ủy ban Nhà văn Nữ và Trưởng Ủy ban Văn nghệ sĩ-Bị Cầm tù Nguyễn Tà Cúc ròng rã mấy năm. Vài năm sau, đến lượt KP Lê Tất Điều bầy trận can qua thứ hai, một trận dai dẳng trong 2 năm, cũng trên tờ báo lá cải ấy. Sau đó còn vài trận lẻ tẻ khác. Lần đầu tiên, trong lịch sử can qua, một chiếc mini-jupe rất tầm thường được lên-nhựt-trình tràn ngập đến thế. Cũng lần đầu tiên, trong lịch sử văn học Miền Nam và Văn học Hải ngoại, một nhà văn Miền Nam phải đầu quân cho ...báo chợ. Chỉ cách đây khoảng 2 năm, lại có một trận thư hùng nữa, thu hút quần hùng quần tà khắp nơi, giữa tôi và một nhà văn danh tiếng, dẫn đến hậu quả là nhan sắc của tôi lại được hân hạnh "phủ sóng" (bắt chước tiếng Việt bây giờ) trong nhiều năm nay, nhưng chắc chị và độc giả đã biết rồi với "những ải những ai". "Nhà văn này các chị nhớ, Nên (em) chả chép vào đây" (nhại thơ Nguyễn Nhược Pháp).
Tổng chi, tin đồn này càng trở nên khó hiểu hơn khi, trên thực tế, tôi không phải là người duy nhất trưng ra những sai lầm của Võ Phiến. Võ Phiến còn bị 2 người nữa chỉ trích. Đó là Hoàng Nguyên Nhuận với bài "Sư không ra sư, văn nô không ra văn nô?" vào cuối năm 1998, nghĩa là sớm hơn bài của tôi. Ông vừa phản bác về vấn đề Phạm Thiên Thư, vừa xét lại tiểu sử cũng như thành tích chống Cộng của Võ Phiến. (http://www.giaodiemonline.com/thuvien/doithoai/vophien-hnn.htm). Đó là Thụy Khuê, người từng viết mấy bài khen ngợi Võ Phiến, nhưng đã thể hiện thái độ không đồng ý với lối phê bình của ông qua một bài nhận định xuất hiện trên Hợp Lưu Số 68, Tháng 12.2002 &Tháng 1. 2003. Đoạn dưới đây được trích từ một bài khác, nhiều chi tiết hơn, sau khi đã được tác giả hoàn chỉnh vào năm 2015:
-"Võ Phiến [...] có tài kéo một nhà văn, nhà thơ hàng đầu của một nền văn học xuống ghế chót[...] những nhà văn miền Nam, có thể cạnh tranh địa vị văn đàn với Võ Phiến như Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan… đều được ông 'giới thiệu' với giọng như thế cả [...] Võ Phiến là một nhà văn lớn, nhưng là một nhà phê bình nhỏ...." (Thụy Khuê, "Võ Phiến, sự vong thân của con người khi bị bứt khỏi nguồn cội", Ngày 15. 5. 2015, http://vanviet.info/van-hoc-mien-nam/van-hoc-mien-nam-54-75-104-v-phien-su-vong-thn-cua-con-nguoi-khi-bi-but-khoi-nguon-coi/)
Thế thì ai mượn tay Hoàng Nguyên Nhuận hay Thụy Khuê để "đánh" Võ Phiến? Bà Hoàng Nguyên Nhuận hay ông...Thụy Khuê?! Li kỳ hơn, tại sao Võ Phiến tuy không lên tiếng phản bác bất cứ ai nhưng phải mượn một bài phỏng vấn trên tạp chí Văn Học để trả lời tôi? Tại sao Lê Tất Điều cố sức triệt hạ tôi như thế? Bởi thế, muốn giải thích tin đồn này, chúng ta cần nhìn vào nguyên ủy của cuộc can qua ấy, nghĩa là Võ Phiến, chứ không phải Kiều Phong Lê Tất Điều.
Lê Thị Huệ: Chị có nghĩ chị là người đàn bà hơi ngây thơ về đàn ông, nhất là đối với mấy ông văn nghệ sĩ ?
Nguyễn Tà Cúc: Ai chứ chị mà hỏi tôi câu này thì sẽ bị chê là ...ngây thơ đấy nhé. Nếu tôi không ngây thơ, tôi đã không (dám) "phiêu lưu" vào vùng- lửa- đạn phê bình như chị nhận xét ngay từ đầu. Phải, tôi là một tay ngây thơ hạng nặng. Hồi còn nhỏ, khi Bùi Giáng biết Thanh Lãng đặt cho tôi tên Nguyệt Lãng đã "phẩm đề xin một vài lời thêm hoa" (Truyện Kiều): "Đào hát này đã ngơ ngơ mà còn lang bang trên cung trăng, có ngày rớt xuống bây giờ." Bùi Giáng hay kêu tôi "đào hát" vì thích mặc nhiều mầu đỏ (tôi rất thích màu đỏ). Thiệt tình, hồi cũng còn nhỏ, tôi được "một đoàn hùng binh có nhiều anh đi hàng đầu" (mượn Biệt Kinh Kỳ của Minh Kỳ), không phải vì tôi dung nhan tuyệt vời hay tài sắc vẹn toàn đến nỗi các anh rơi vào tình cảnh Kim Trọng; mà chỉ vì anh nào cũng muốn ...bảo vệ tôi mà thôi. Nói chung, tôi không tin đàn bà chúng ta ngây thơ về đàn ông đâu. Chỉ giả vờ thôi. Các chàng tưởng bở, có ngày rơi xuống từ cung trăng không kịp đỡ.
Bây giờ, tôi vẫn còn ngây thơ vì theo tôi, đức tính đầu tiên của một nhà phê bình là ngây thơ, " nhất là đối với mấy ông văn nghệ sĩ" hay không-văn nghệ sĩ. Tôi luôn luôn tin ở sự thành tâm và bào chữa của họ cho đến khi tôi tìm ra những chứng cớ đối nghịch. Có khi tìm ra rồi, tôi vẫn...giảm khinh. Ai chê tôi, tôi vẫn ngây thơ tin rằng họ, hoặc là không có cơ hội đọc bài tôi, hoặc là họ đọc mà không đủ tài liệu bằng tôi, hoặc là họ chỉ nghe lời tường thuật thất thiệt từ những kẻ đang bị tôi phê bình và hoặc là họ dị ứng với lối viết của tôi. Đằng nào thì cũng không đáng trách cả. Tuy có tên Nguyệt Lãng, tôi không thuộc loại các nàng ...tưởng bở rằng mình sinh ra đã tài hoa hơn hẳn láng giềng hay chữ mình viết ra là một thứ Kinh Thánh, ai đọc cũng phải rạp xuống tâm phục khẩu phục.
Đằng khác, tôi không thể dấu được rằng tôi đã khám phá nhiều sự "đối nghịch" chứng minh sự không thành tâm của nhiều tác giả, đã chứng kiến nhỡn tiền tác phong không văn nghệ của vài ông bà văn nghệ sĩ nhưng chưa bao giờ họ tiêu diệt được sự ngây thơ của tôi. Sự ngây thơ giúp tôi tin tưởng vào một vĩnh cữu của sự thật hay của một bình minh sau rốt sẽ ngự trị trên bóng tối của những thủ đoạn kinh tởm mệnh danh chữ nghĩa. Nếu không có sự ngây thơ như một chiếc áo giáp vào vùng -lửa- đạn đó, hẳn tôi phải từ giã ngành phê bình từ lâu rồi. Chị có thể tưởng tượng nhiều ngày, nhiều năm phải đọc những trang sách nhầy nhụa trong man trá, lượt thượt với những bộ mặt nhuộm màu tối ám của sự ngụy quân tử? Đó là chưa kể đến lúc tôi còn bị tấn công một cách hạ tiện. Ngày này qua ngày khác. Năm này qua năm khác. Chỉ có một sự ngây thơ mới khiến tôi tiếp tục công việc ngày này qua ngày khác. Năm này qua năm khác. Không một lời than. Vì tôi yêu công việc tôi làm. Vì tôi tin vào sự bác ái và công bằng của nhân loại. Có phải vì lòng bác ái và công bằng đó mà chúng ta trở nên ngây thơ hết cả không? Để tiếp tục tin người, tiếp tục viết và tiếp tục tranh đấu. Trong khi biết thừa quang cảnh mấy từng địa ngục ngay trong đời sống này?-
Nhà Văn Viên Linh Và Nhà Văn Nguyễn Tà Cúc trong buổi
Kỷ Niệm Sinh Nhật Thứ 20 - Tạp Chí Khới Hành ở phố Bolsa, Nam Cali (2015)
(còn tiếp)
http://www.gio-o.com/NguyenTaCuc.html
© gio-o.com 2018
===================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét