tản văn Lê Văn Nghĩa: Vĩnh biệt anh Hai trưởng lớp
VHSG- Vào cuối năm 2020, dù bị bệnh nặng, anh Hai Nghĩa vẫn dự định tổ chức cuộc họp mặt học viên lớp tuyên huấn miền Nam vào ngày 6-3 này để kỷ niệm 44 năm ra trường.
Khi lớp giảng viên trường Đảng tỉnh dành cho cán bộ miền Nam khai mạc vào cuối tháng 12-1975 tại Trường Tuyên huấn trung ương (Hà Nội), chúng tôi được biết lớp trưởng là một anh cán bộ tuyên huấn của tỉnh Bến Tre tên Trương Vĩnh Trọng, bí danh Hai Nghĩa, lớp phó là một anh miền Trung tên Mai Ái Trực.
Lớp tuyên huấn B này đủ thành phần đã qua thử lửa trong chiến khu, từ trong tù về, nhiều trình độ văn hóa, tuổi tác lẫn tính khí.
Lúc ấy, nhìn tướng người của anh Hai Nghĩa (trong lớp chỉ gọi Hai Nghĩa trống trơn) chẳng thấy gì là tướng của một lãnh đạo lớp. Nhỏ và gầy, gương mặt khắc khổ với những vết thương còn trong người.
Khi anh mặc chiếc áo bông được nhà trường cấp phát, chắc không có cỡ nào nhỏ hơn nên trông anh thùng thà thùng thình. Nhìn chung thấy tướng anh là một nông dân thứ thiệt, nhất là khi anh nói chuyện và cười ha hả…
Với một thành phần gần 200 học viên cán bộ miền Nam, miền Trung vừa từ nơi thắng trận trở về, được nhiều cặp mắt học viên trường tuyên huấn ngưỡng mộ nên không khỏi lác đác có những người có tư tưởng kiêu ngạo, công thần và quậy quạ trong khung cảnh thiếu thốn của Hà Nội lúc đó.
Anh Hai Nghĩa đã nhìn thấy được những điều trên nên nhiệm vụ hết sức khó khăn của anh là đưa học viên lớp đi vào nề nếp chính quy, không công thần tự mãn.
Trong những lúc họp với 8 chi trưởng cũng như gặp mặt chung các học viên, anh Hai Nghĩa đều khai thông tư tưởng:
“Mình phải sống hòa đồng, thân thiện để bà con, học sinh, nhân viên trong trường yêu mến. Phải cố gắng học, trang bị, lý luận tư tưởng để về miền Nam phục vụ, vì cách mạng vừa thành công, miền Nam đang rất thiếu cán bộ. Chúng ta đã trưởng thành trong chiến đấu, không thể rơi rớt tại lớp này…”.
Người hòa đồng với mọi học viên trước hết là anh Hai Nghĩa. Ngoài giờ lên lớp, thảo luận chi, anh thường gặp gỡ các học viên, nhất là học viên nhỏ tuổi, xuất thân ở Sài Gòn để động viên vượt qua nỗi nhớ nhà, tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh từng đứa để có “chăm sóc” thật phù hợp.
Ăn uống thiếu thốn, kể cả rau, anh Hai Nghĩa vận động mỗi lớp cố gắng sau giờ học làm một khoảnh vườn nho nhỏ trồng rau xanh để cải thiện.
Lúc này, chúng tôi trở thành nông dân trồng rau thứ thiệt. Cứ đến mùa mưa, dưới sự “lãnh đạo” của anh, tụi tôi đi bắt cóc về nấu cháo để cải thiện cho bữa ăn hằng ngày toàn đậu hũ, thịt mỡ…
Sau này, dù thời giờ bận rộn của công việc nội chính rồi đảm nhiệm chức vụ phó thủ tướng, anh Hai Nghĩa vẫn không quên đồng chí thời ngồi ở trường tuyên huấn. Hằng năm, anh tổ chức họp lớp một lần để tìm hiểu cuộc sống bạn bè, anh không quên một gương mặt nào.
Có những người đã về hưu hay bệnh tật, lại dưới sự “chỉ đạo” của anh, đều được anh em cùng lớp đóng góp quỹ để hỗ trợ. Anh yêu cầu họp lớp bằng chính tiền đóng góp của mọi người chứ không được để tỉnh tài trợ. Tiền quỹ đóng góp sẽ hỗ trợ cho những anh em khó khăn, bệnh tật.
Có dịp thăm anh và được anh đãi cơm ở căn nhà công vụ tại khu Đội Cấn, tôi thấy chẳng khác gì cuộc sống khi anh về hưu: vô cùng đơn giản.
Vào cuối năm 2020, dù bị bệnh nặng, anh Hai Nghĩa vẫn dự định tổ chức cuộc họp mặt học viên lớp tuyên huấn miền Nam vào ngày 6-3 này để kỷ niệm 44 năm ra trường. Anh chỉ đạo người chịu trách nhiệm từng vùng, từng phần việc để cuộc họp mặt được thực hiện tốt.
Không ngờ căn bệnh đã mang anh đi trước khi các học viên lớp tuyên huấn ngày xưa còn có thể gặp anh lần cuối.
Không họp lớp được, bây giờ các bạn học ngày xưa đang cùng nhau gặp anh tại quê nhà Bến Tre.
Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa, trưởng lớp ngày xưa… ./.
LÊ VĂN NGHĨA
nguồn: vanhocaigon
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét