Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

bài đọc thêm (1) : Lê Văn Nghĩa " bật mí" về Bùi Giáng & văn học Sài Gòn / Lê Công Sơn -- trích : vanhocsaigon

 

Lê Văn Nghĩa “bật mí” về Bùi Giáng & văn học Sài Gòn

VHSG- Nổi tiếng với những tác phẩm về trào phúng và từng là một trong các nhân vật cầm trịch tờ Tuổi Trẻ Cười, bỗng dưng về già nhà văn Lê Văn Nghĩa chuyên sang viết nghiên cứu rất có nghề, khiến bạn bè trong giới phải nể phục.

Nhà thơ “nửa mê nửa tỉnh” Bùi Giáng

Chiều 31.11 tại Đường Sách TP.HCM, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã có dịp gặp lại nhiều đồng nghiệp nghiên cứu và độc giả yêu mến ông bằng một buổi ra mắt hoành tráng cuốn sách mới: Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa (sinh năm 1953), ông là dân “chính hiệu” Sài Gòn, học tiểu học trường Bình Tây (nay là Trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q.6), rồi chuyển học trung học trường Petrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong, Q.5) ở đâu ông cũng đều được “thầy yêu bạn mến”. Ông cũng từng tham gia phong trào học sinh – sinh viên yêu nước xuống đường đấu tranh trước năm 1975, bị đối phương bắt giam, đày tận nhà tù Côn Đảo.

Cùng với văn chương, tác giả Lê Văn Nghĩa sớm hoạt động báo chí, ông từng trải qua nhiều chức vụ: Phó Tổng thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ, phụ trách Chủ biên báo Tuổi Trẻ Cười, với các bút danh nổi tiếng: Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ…

Nhiều tác phẩm của ông đã được đã xuất bản: Mùa hè năm Petrus (tập truyện), NXB Trẻ 2012, Chuyện chán phèo (tập truyện trào phúng), NXB Trẻ 2013, Nếu Adam không có xương sườn (sưu tầm, bình loạn… xạ), NXB Trẻ 2015, Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (tập truyện), NXB Trẻ 2015, Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (tập truyện), NXB Trẻ 2016 và …Nỗi buồn đàn ông (tập truyện trào phúng), NXB Trẻ 2017.

Nhà văn “đẹp trai” Lê Văn Nghĩa tại buổi ra mắt cuốn sách mới. ẢNH: QUỲNH TRÂN

Tự nhận mình là người…quá rảnh, nhà văn hay tìm đọc các tờ báo, tạp chí văn học trước 1975 để tìm thêm những tư liệu về Sài Gòn, ai ngờ thấy mê luôn. Nhất là trước các khoảng trống của văn học miền Nam ông tự thấy phải dấn thân để “ ít nhiều đóng góp cho hiện ra mờ mờ một dòng văn học xưa”.

Cùng với Loanh quanh Sài Gòn, tác phẩm mới nhất Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề của ông là hai trong số 45 cuốn sách mới ra mắt phải tái bản ngay, để phục vụ Tuần lễ Sách hay diễn ra trong tuần tới do NXB Tổng hợp TPHCM tổ chức.Trong 141 câu chuyện được giới thiệu trong sách, gần như đều do tác giả Lê Văn Nghĩa đọc được từ các nguồn tư liệu sách báo xưa, hồi ký của các nhà văn. Một số ít còn lại, là chuyện bên lề do chính ông khai thác được từ nhân vật mà bản thân có sự gắn bó, thân thiết. Những câu chuyện mà nhà văn Lê Văn Nghĩa tự nhận mình là “người hệ thống lại, không làm được gì to tát”.

Trong cuốn sách, nhà văn Lê Văn Nghĩa dành một số bài viết để đề cập nhiều chuyện ít biết về thi sĩ Bùi Giáng: “Hy hữu nhất là nhà thơ Bùi tiên sinh còn viết truyện võ hiệp. Theo hồi ký của nhà văn Hoàng Hải Thủy: ‘Bùi Giáng viết bộ truyện feuilleton võ hiệp đăng nhật báo Sống năm 1970. Tôi không nhớ tên truyện của anh, chỉ nhớ anh dùng thật nhiều hai tiếng liên tồn, tồn liên trong truyện. Anh tả và cho hai nhân vật khơi khơi nói hai tiếng trên, đại khái: “Nàng có sắc đẹp tồn liên, nàng nở nụ cười liên tồn, đa tạ đại hiệp đã có dạ tồn liên…”.

Còn lý do nào khiến cho Bùi Giáng trở thành nhà thơ điên nổi tiếng Việt Nam được nhà văn Lê Văn Nghĩa bật mí: “Không ai rõ nguồn cơn nào đã khiến cho Bùi Giáng trở thành người mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên theo nhà thơ Tô Kiều Ngân thì có hai cú sốc trong cuộc đời khiến cho Bùi Giáng không còn tỉnh táo. Cú sốc thứ nhất, người vợ của Bùi Giáng tên Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp, qua đời trong cơn sinh nở cùng đứa con sơ sinh. Bùi Giáng có những câu thương nhớ vợ nơi quê nhà: ‘Có hàng cây đứng ngóng thu/Em đi mất hút như mù sa mây”. Có người còn cho rằng sở dĩ Bùi Giáng trở thành nhà thơ, làm thơ nhiều từ khi viết bài thơ về người vợ cùng đứa con chưa thấy mặt của mình”, tác giả Lê Văn Nghĩa kể.

Nhà thơ Phan Hoàng nhận xét: “Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề” của nhà văn Lê Văn Nghĩa là một trong những cuốn sách về Sài Gòn rất đáng tìm đọc và… suy ngẫm

Ngoài ra, một cú sốc khác cũng không kém phần khủng khiếp, tạo dấu ấn trong cuộc đời nhà thơ điên này là vụ cháy nhà làm thiêu rụi của ông ba ngàn quyển sách được nhà thơ như là tài sản vô giá. “Hai cú sốc lớn trong đời đã khiến ông điên điên, tỉnh tỉnh. Ông làm những bài thơ mà Nguyễn Văn Lục đã nhận xét: Thơ của Bùi Giáng chỉ là thơ của người điên làm thơ (Hai mươi năm văn học miền Nam)”, nhà văn Lê Văn Nghĩa đúc kết.

Không chỉ viết riêng cho Bùi Giáng mà vì có quá nhiều phát hiện thú vị bên lề của văn học miền Nam mà cuốn sách mới phát hành của nhà văn Lê Văn Nghĩa đã được nhà thơ Phan Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhận xét tại buổi lễ ra mắt sách: ‘Theo tôi, tác phẩm Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề của nhà văn Lê Văn Nghĩa là một trong những cuốn sách vê Sài Gòn rất đáng tìm đọc và… suy ngẫm”. ./.


LÊ CÔNG SƠN 

 nguồn: báo Thanh Niên Online.


========


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét