Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

họa sĩ Hồ Thành Đức [ 1940 - ] -- source : RFA/ Đài Á Châu Tự Do

 

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Họa sĩ Hồ Thành Đức

Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm xin giới thiệu họa sĩ Hồ Thành Đức và những hoạt động của ông từ nửa thế kỷ nay trong lĩnh vực hội họa, mời quý thính giả theo dõi...
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-12-11
Email story
Comment on this story
Share
Print story

Họa sĩ Hồ Thành Đức sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, sáng lập viên đồng thời là chủ tịch của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1968-1975), Giáo sư hội họa Viện Đại Học Vạn Hạnh (1969-1975), Khoa trưởng ngành Họa Thực Tiễn tại Đại Học Phương Nam (1974-1975). Ông đến Mỹ cùng với gia đình năm 1989 và hiện nay đang sống cùng với vợ là Họa sĩ Bé Ký và gia đình tại tiểu bang California.

Ông đã có rất nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Tranh của ông cũng có mặt tại nhiều viện bảo tàng danh tiếng trên thế giới trong đó phải kể đến Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Smithsonian tại thủ đô Washington. Tranh của ông được đánh giá cao bởi nhiều cây bút phê bình hội họa trong và ngoài nước.

Giới hoạt động mỹ thuật tại Việt Nam từ xưa đến nay không ai quên ngôi trường mỹ thuật đầu tiên tại Hà Nội do ông Victor Tardieu thành lập vào năm 1925, đó là trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Những ảnh hưởng lớn lao của ngôi trường này từ những lớp đầu tiên kéo dài nhiều thế hệ họa sĩ trong Nam lẫn ngoài Bắc. Những tên tuổi lớn như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng và Tô Ngọc Vân....Tuy non trẻ nhưng những họa sĩ của lớp tiên phong này đã tạo được sự tin tưởng của lớp trẻ vào nền mỹ thuật nước nhà lúc đó vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào các trường phái mỹ thuật lúc đó tại Pháp, mà nổi bật nhất là trường phái ấn tượng với các danh họa như Claude Monet, Pissarro, Cézanne hay Renoir...

Phải biết chê tranh trong viện bảo tàng và phải biết khen nó như thế nào, chớ không phải chúng ta cứ đinh ninh mấy ông đó là thầy ta thì ta không thể nào vượt được, vì hoàn cảnh lúc bấy giờ là như vậy.

Họa sĩ Hồ Thành Đức

Ảnh hưởng này bắt nguồn từ Victor Tardieu, hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, ông đã xây dựng chương trình học của trường trên khuôn mẫu của L'Ecole des Beaux Arts tại Paris, và mang theo ảnh hưởng của chủ nghĩa Ấn Tượng Pháp vào Việt Nam với một lòng nhiệt thành đối với sinh viên người bản xứ.

Nhiều họa sĩ Việt Nam trong thời kỳ này bị ảnh hưởng nặng nề lối tư duy cũng như đường nét mà họ lĩnh hội tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, và họ mang cách nghĩ, cách vẽ này truyền lại cho nhiều thế hệ sau này qua các lớp hội họa từ các trường cao đẳng mỹ thuật trong Nam ngoài Bắc.

Sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam

Một sự kiện đáng chú ý nhất của hội họa Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 là việc thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam tại Sài Gòn vào năm 1968. Một nhóm họa sĩ ưu tú tại Miền Nam lúc đó có người đã ra trường, có người còn theo học tại Trường Mỹ Thuật Gia Định đã tập hợp nhau lại thành lập một hội nghề nghiệp mang tên là Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam. Những khuôn mặt tài năng như: Nguyễn Trung, Rừng, Mai Chửng, Nguyên Khai, Vy Cao Uyên, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Đinh Cường đều là thành viên đầu tiên của tổ chức này. Một trong những người đứng ra thành lập là họa sĩ Hồ Thanh Đức.

Phát xuất từ những thay da đổi thịt liên tục của hội họa thế giới, những họa sĩ trẻ lúc đó cảm thấy bị vây quanh bởi những ý niệm lỗi thời cũng như những tư duy xơ cứng của các người thầy trên bục giảng. Sự thôi thúc tìm một hướng đi mới trong hội họa đã làm ra đời Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam lúc đó và ngay lập tức nhiều tên tuổi đã nổi lên góp vào sự hình thành một nền văn nghệ sáng tạo mới. Song song với chiến tranh nhưng không phải tranh của họ lúc nào cũng minh họa hay lấy nguồn hứng khởi từ cuộc chiến. Những họa sĩ này đã đa dạng hóa khuôn mặt mỹ thuật Miền Nam bằng nhiều cách khiến cho nó có tiếng nói riêng, diện mạo riêng và nhất là phong cách riêng so với trước đó.

Nhớ lại việc này, Họa sĩ Hồ Thành Đức cho rằng nguyên nhân sâu xa đi đến sự hình thành của Hội là các họa sĩ muốn thay đổi, thay đổi những gì mà họ cho là xưa cũ là lỗi thời:

“Phải biết chê tranh trong viện bảo tàng và phải biết khen nó như thế nào, chớ không phải chúng ta cứ đinh ninh mấy ông đó là thầy ta thì ta không thể nào vượt được, vì hoàn cảnh lúc bấy giờ là như vậy.”

Xuất thân từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế

Ông cũng kể lại con đường nào đã dẫn ông vào thế giới hội họa:

“Tôi ra Huế học vào khóa thứ ba, tức vào năm 1959-1960 của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Tôi là đứa trẻ mồ côi từ Quảng Nam ra Huế học chứ không phải là con nhà giàu Quảng Nam được ra Huế học, thành thử khi tôi vào Trường Mỹ Thuật Huế là đúng với lại ước mơ và năng khiếu của tôi, nhưng mà tôi thiếu rất nhiều phương tiện về sơn, về mực này khác. Và sự tưởng tượng của tôi trong tranh rất là phong phú, cho nên khi tôi vào Nam thì ngoài bao nhiêu tranh ảnh màu sắc ra tôi chợt nghĩ thấy phải làm tranh trong cảnh của nhà nghèo. Có kỳ tôi đi qua đường thấy những miếng giấy màu trong tờ báo này khác, tại sao tôi không ghép để trở thành bức tranh? Thành ra câu chuyện tôi làm tranh giấy dán (tranh “coula”, tiếng Pháp gọi là “coula”) là một sự cùng tắc biến mà thôi chớ không phải là trường phái. Nhưng mà trong việc làm của tôi với lại sự suy nghĩ của tôi có đáp ứng được lòng mơ ước của tôi và năm 1963 tôi dự bức tranh đầu tiên, tôi vẽ cảnh sau giáo đường thì tôi được giải thưởng toàn quốc huy chương đồng của Mùa Xuân. Và từ đó tôi lên từ trường phái của tôi, tức là trường phái tôi làm “coula”mà một mình tôi, tôi tiếp tục con đường đó. Nhờ một mình một chiếu như vậy cũng là điều làm cho tôi có tiếng tăm với anh em. Rồi đến hôm nay thì tôi đã làm được 327 bức tranh, và tôi làm được 104 bài thơ kèm theo, thì tất cả những cái đó là sự thật của tôi, là mỗi bức tranh của tôi là có một lý lịch của nó. Tôi vẽ tranh, bán ở chỗ nào, tôi để ở đâu, ai mua, tôi đều ghi lại hết.

Tranh của Hồ Thành Đức được người xem đồng cảm ở màu sắc là điều dễ nhận ra nhất. Hầu như ông chỉ sử dụng những gam màu sáng tươi trong những hy vọng cùng những con đường nhẹ nhàng dẫn người xem vào bên trong thế giới nội tâm của khung vải. Hồ Thành Đức thành công ở thể loại acrylic hơn là ở các chất liệu khác. Ông chạy theo sự quyến rũ xảy ra cấp thời ngay sau những nhát vẽ đầu tiên cho đến khi kết thúc. Sự nhạy cảm với màu sắc đã giúp ông phân biệt một cách tài tình giữa những khoảng tối cần nhấn mạnh để các góc sáng trở nên tinh tế hơn gây cảm giác mở ra những câu hỏi mà người xem có thể tự đặt cho chính mình.

Hồ Thành Đức cũng tỏ ra khá nhạy bén trong những đề tài mà ông khai thác. Từ mùa xuân của những sắc áo tươi trong da thịt, ông nhẹ nhàng tiến vào những thao thức thân phận ngàn năm của người nghệ sĩ và những dấu hỏi lớn không phai được ông phác thảo trên nền canvas qua hình ảnh của đá, của thiên nhiên, của ánh sáng, hoặc của khung xương cơ thể con người hay thần vật.

Rồi đến hôm nay thì tôi đã làm được 327 bức tranh, và tôi làm được 104 bài thơ kèm theo, thì tất cả những cái đó là sự thật của tôi, là mỗi bức tranh của tôi là có một lý lịch của nó. Tôi vẽ tranh, bán ở chỗ nào, tôi để ở đâu, ai mua, tôi đều ghi lại hết.

Họa sĩ Hồ Thành Đức

Hình ảnh của Phật, của Giê Su và những suy tưởng về đời sống tâm linh cũng chiếm một phần không nhỏ trong tranh Hồ Thành Đức. Ông nhìn các đấng chí tôn với đôi mắt sắc sảo của người bị hành xác trên nẻo đường tục lụy qua chính đời thực của mình. Thấu hiểu sự cô đơn cùng cực của nghèo nàn và tối tăm là chất xúc tác khiến ông thể hiện ánh mắt của Phật từ bi hơn và sự đau đớn trên năm vết thương của Chúa bén lạnh hơn những tranh tượng bình thường. Ông không khai thác hình ảnh cuộc khổ nạn với cách nhìn hời hợt nhưng bằng sự cảm nhận đặc biệt của người nghệ sĩ, ông kể lại đoạn đường thánh giá theo cách than vãn thống hối và đớn đau chung với giòng máu đỏ nay đã thẩm đen qua con tim và nét vẽ của một người ngoại đạo.

Như nhiều họa sĩ Việt Nam trong cùng thời đại với ông, niềm hứng khởi của Hồ Thành Đức cũng thường lập đi lập lại trên đối tượng người nữ mà ông và bạn bè ông như Đinh Cường, Nguyên Khai, Nguyễn Trung, hay Rừng cùng đồng cảm. Hồ Thành Đức nhìn người nữ dịu dàng và đôi khi dè dặt. Những đường viền của tóc hay của môi trên chân dung người nữ trong tranh ông thường được chăm chút cẩn thận với một dụng ý khá rõ là nhằm tăng thêm nữ tính trong từng vết cắt của màu sắc. Ít khi Hồ Thành Đức để cho người nữ của mình im lặng hay bị buộc phải im lặng. Ông đưa hơi thở của nét, của màu, của ánh sáng vào nhân vật khiến người nữ trong tranh ông chừng như muốn bước ra, tung tăng với gió ngàn hay bước ra chỉ trong một khoảnh khắc để đối thoại với người đang đối diện với mình.

Nét sống động trên khuôn mặt mà họa sĩ diễn tả không dính gì tới cách vẽ truyền thần mà nhiều người vẫn thường trầm trồ. Hồ Thành Đức đi theo con đường khác, ông dẫn người xem tranh của ông vén lá để nhìn hoa, lật đá để tìm sức sống bên dưới hay trầm tư để những minh triết nở rộ trong tư tưởng. Suy tưởng khi nhìn tranh của ông là yêu cầu đầu tiên mặc dù mới thoạt nhìn thì tranh Hồ Thành Đức rất đơn giản và hiển thị.

Họa sĩ Hồ Thành Đức đã đi qua một đoạn đường rất dài và ông cũng là chứng nhân của nhiều cuộc biến động từ chính trị, lịch sử đến thăng trầm của nền hội họa nước nhà. Ông đã có tranh trong nhiều bảo tàng viện nhằm góp tiếng nói hiếm hoi của mỹ thuật Việt Nam vào nền mỹ thuật thế giới. Tuy thế, niềm thao thức về một sức sống mới đẩy hội họa Việt Nam lên cùng nhịp điệu của thế giới vẫn luôn bên cạnh ông trong những ngày còn lại nơi xứ người. ./.


source: RFA


=========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét