Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Cay nghiệt, hận thù không có` chỗ trong văn chương Phan Lạc Tiếp [1933- ] -- source: www.nguoi-viet.com>

 


Cay nghiệt, hận thù không có chỗ trong văn chương Phan Lạc Tiếp

(Tiếp theo và hết)

Qua ghi nhận của những tác giả từng viết xuống cảm nghĩ của họ về cõi-giới văn xuôi của Phan Lạc Tiếp, dường họ gặp nhau ở một số nhận định căn bản. Những nhận định căn bản đó là: Tính chừng mực, đôn hậu, yêu thương mọi người trong mọi hoàn cảnh… Giống như bản chất đời thường của con người ông.

Mọi hằn học, cay, nghiệt đã không có chỗ trong văn chương Phan Lạc Tiếp. Tôi cảm tưởng như ông muốn tránh mang sự “đau lòng” đến cho những con chữ trong sáng của ông. Ngay cả khi ông đề cập tới kẻ thù, những người ông phải đối đầu một mất một còn, trong cuộc chiến 20 năm miền Nam mà, ông có nhiều năm tham dự, ông cũng nói bằng một giọng từ tốn và tâm lượng của một nhà văn đứng trên phân chia do hoàn cảnh bất hạnh của lịch sử, vị trí địa dư của đất nước trong bàn cờ chính trị thế giới…

Hoàng Nhất Phương, một trong những tác giả sớm có những ghi nhận về tập truyện ký tựa đề “Một Thời Oan Trái” của họ Phan, do Tủ sách Tiếng Quê Hương ở Virginia ấn hành (1) ngay tự những dòng chữ đầu tiên, cũng đã trích dẫn và, nhận định như sau:

“Mẹ tôi người bên Chàng. Làng Chàng cách làng (bố) tôi một cánh đồng nhỏ… ‘Biên giới’ hai làng, một cách cụ thể là hai con chó đá để ở hai bên cổng của hai làng. Hai con chó này cũng là nơi trẻ con hai làng tụ họp, cỡi lên mình chó để nô đùa và đánh nhau… Rồi trong một ngày Tết, làng Chàng mở hội tế Thành Hoàng, đón Xuân, có đánh cờ người ở sân đình. Mẹ tôi được chọn là quân xe, dì tôi là quân tượng. Cả hai mặc áo tứ thân, váy lụa, đội nón thúng quai thao, thắt bao hoa lý, đeo xà tích bạc ông vôi quả đào, nổi tiếng đẹp giòn rã, tươi vui. Chú Cửu tôi và thầy tôi là hai anh em con cô con cậu, cùng tuổi, ở sát nhà nhau nên thân nhau lắm… chẳng biết hai chú làm quen với hai cô thế nào, chỉ biết cô P. (tên dì tôi) lấy chồng trước, nửa năm sau là đến cô L. (tên mẹ tôi) cùng về làm dâu làng Nủa.

“Từng câu từng chữ giản dị trong ‘Quê Ngoại’ vẽ ra khung cảnh thôn làng trong ngày lễ hội, dẫn đưa người đọc trở về với trò chơi đánh cờ người độc đáo. Tác giả giới thiệu hai cô gái đẹp mặc y phục truyền thống trang điểm rực rỡ làm quân xe và quân tượng. Và càng đặc biệt hơn nữa vì cuộc đánh cờ người ấy là nhịp cầu giúp cha mẹ ông nên duyên thành gia thất. Câu chuyện cũ mở ra một phương trời viễn mộng dư đầy kỷ niệm có giá trị vĩnh cửu, đã đóng ấn trong tim nhà văn Phan Lạc Tiếp dấu tích tình yêu tuyệt vời.” (Nđd)

Bước qua truyện ngắn “Người Ðàn Bà Trên Tàu HQ-502” – – Một truyện ký khác của họ Phan, ghi lại toàn cảnh buổi lễ hạ kỳ và hát quốc ca VNCH lần cuối, Phan Lạc Tiếp cũng ghi nhận đớn đau này, như một tang chung của một nửa dân tộc, với tâm lượng của một nhà văn luôn nêu cao tinh thần nhân bản.

Từ toàn cảnh là hình ảnh, nước mắt của lễ hạ cờ, biểu tượng của sự chấm dứt một quốc gia, họ Phan đã “close up’ bằng hình ảnh người mẹ có đứa con rớt xuống giữa biển đêm của thảm kịch, bằng tinh thần chia sẻ kín đáo, như muốn xớt lấy hay, nhận về cho mình phần nào bất hạnh của định mệnh, nơi kẻ khác. Tác giả Hoàng Nhất Phương viết:

“Nếu như ‘Quê Ngoại’ là hoài niệm đẹp bình an, thì ‘Người Ðàn Bà Trên Tàu HQ-502’ là bức phù điêu tân khổ của dĩ vãng khắc họa bằng máu, bằng nước mắt, bằng nỗi đau khổ của những người di tản chứng kiến Lễ Chào và hạ Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa lần cuối được diễn ra, đơn giản nhưng vô cùng nghiêm trang và rất đớn đau. Lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ bạc màu từ từ được kéo xuống, cùng với hàng ngàn giọng hát, già, trẻ, nam, nữ cất lên, vừa hùng tráng, vừa chất chứa những nghẹn ngào. Những lời hát như trùm kín cả vùng trời biển nước mênh mông. Người di tản biết rõ chuyến đi không có ngày về, hiểu rõ họ đã là người lưu vong biệt xứ. Nỗi đau chung còn rướm máu, cả đoàn tàu và tác giả bỗng rùng mình khi nghe tiếng kêu của một người mẹ ‘Con tôi, con tôi rơi… rồi. Ơi con ơi là con ’giựt tóc, bôi dầu. Hình như không ai quan tâm gì đến số phận của đứa nhỏ vừa rời tay mẹ rơi xuống cầu tàu, mất tăm. Vô phương cứu tìm. Mà ai còn có thì giờ đâu để ngó xuống cái khe đen thẫm đó. Người càng lúc càng lên thêm, đứng đen đặc cả sàn tàu. Không ai biết, chẳng ai quan tâm đến cảnh huống bi thảm vừa mới xảy ra. Ðêm mỗi lúc mỗi sâu. Nỗi khốn khổ của người mẹ mất con như bay theo, mất hút giữa đêm đen mỗi lúc mỗi thêm kinh sợ. Chuyến tàu Thị Nại HQ 502 cùng với hơn 5,000 người làm cuộc phân ly với quê hương và cậu bé P. mới 6 tuổi. Em bị rớt xuống cái khe hun hút đen thẫm, dọc theo thân tàu dài hàng trăm thước.” (Nđd)

Chừng để những độc giả không có trong tay tập truyện ký “Một Thời Oan Trái” của Phan Lạc Tiếp, tác giả Hoàng Nhất Phương đã lùi xa, có được cái nhìn tổng thể – – Với một chi tiết cuối bài, rất đáng được ghi nhận, họ Hoàng nhấn mạnh:

“Nhà văn Phan Lạc Tiếp mang những hoài niệm từ ‘đất cũ người xưa’ làm phần mở đầu ‘Một Thời Oan Trái,’ và dùng ‘những ngày lưu lạc’ để kết thúc tác phẩm do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành năm 2011. Lá thư viết gửi các bạn thuộc gia đình Bảo Bình của ông, cho biết: Tác giả là cựu sĩ quan của Hải Quân Việt Nam, di tản trên tàu Hải Quân 502 với hơn 5,000 người. Nhìn lại quá khứ, ông nhận định: ‘Cuộc chiến thật buồn. Chúng ta chìm đắm trong sự đau buồn đó từ bao nhiêu năm qua… Ngôn ngữ chúng ta không còn hiệu lực. Người bên này và bên kia cùng nói chung một danh từ, nhưng nhiều khi hiểu khác hẳn nhau.’ Toàn tập truyện ‘Một Thời Oan Trái’ gồm 22 truyện ký, được chia thành hai phần. Phần một gồm chín bài viết về thời thế, phong tục, những người thân quen với tác giả từ thời thơ ấu. Phần hai gồm 12 bài, viết về một số nhân vật như nhà văn Võ Phiến, Nhất Linh, Nguyên Phong, Hoàng Văn Chí, Người đàn bà trên tàu 502… Và các quân nhân thì có Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh, Ðô Ðốc Chung Tấn Cang, Hải Quân Trung Tá Phan Phi Phụng, và chính tác giả. Có những chuyện đã qua và mờ nhạt được viết lại như một truyện ngắn, nhưng cũng có những sự kiện được ghi chép như một bài phóng sự. Dù viết dưới hình thức nào, nhà văn Phan Lạc Tiếp cũng chỉ muốn ghi lại nỗi buồn chiến tranh, mà ông và những người thân quen đã chứng kiến và chịu đựng.

“Chiến tranh qua đi, Tào Mạt Nguyễn Duy Thục – một người bạn thân của nhà văn Phan Lạc Tiếp và cũng là người đối đầu với ông, vì hai người ở hai chiến tuyến khác biệt – cuối cùng đã mong muốn ông trở về cố hương, ‘để anh em còn được nắm tay nhau, kẻo chần chừ thì quá muộn. Anh em ta là những người con của làng Nủa, cùng uống giếng nước Bỉm mà thành người, trước sau vẫn không thay đổi.’ Chuyện xưa sương khói phù vân không mong sum họp. Chuyện nay giấc mộng mê đường hư thực khó phân. (2) ‘Một Thời Oan Trái’ không chỉ là hồi ký ghi lại thời điểm hoảng loạn trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Bến Bạch Ðằng, mà còn là một trong số những câu chuyện bi thương thống khổ của người Việt di tản nói riêng, của người Việt Nam nói chung.” (Nđd (*)

Mong rằng những ai đã đọc Phan Lạc Tiếp, sẽ đồng tình với ghi nhận riêng, của tôi: . (*)

-Mọi hằn học, cay, nghiệt đã không có chỗ trong văn chương Phan Lạc Tiếp. Tôi cảm tưởng như ông muốn tránh mang sự “đau lòng” đến cho những con chữ trong sáng của ông.

(Calif., Tháng Hai 2017)

————–

(1) Ðịa chỉ Tủ sách Tiếng Quê Hương: P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044. Email: tiengquehuongbookclub@gmail.com. Hoặc uyenthaodc@gmail.com

(2) Nhà văn Phan Lạc Tiếp sinh năm 1933 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Di cư vào Nam năm 1954 sau Hiệp Ðịnh Genève. Sĩ quan Hải Quân VNCH. Di tản năm 1975 khi chính quyền miền Nam thất thủ.

Suốt những năm từ 1975-1985 s, khi làn sóng người Việt vượt biển lên cao độ, ông đã tích cực tiếp tay trong công tác Cứu Người Biển Ðông, cùng Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Xương lập ra “SOS Committee for Boat People.” Ông hiện định cư tại San Diego, California. Ðã xuất bản: “Bờ Sông Lá Mục” (truyện 1969, TB 1998); “Quê Nhà, Bốn Mươi Năm Trở Lại” và, “Một Thời Oan Trái.”

(*)  - Phan Lạc Tiếp ,  em ruột  nhà báo, nhà văn Phan Lạc Phúc. vai chú họ trong tộc họ  thi sĩ Phan Lạc Giang Đông (Bt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét