Nhà thơ Phương Lan: “Được chọn lại, tôi vẫn chọn Trịnh Cung”
“Tô
i
yêu từng tật xấu của anh ấy. Mọi cái thuộc về Trịnh Cung đều trở thành máu thịt của tôi. Với tôi, anh Cung hoàn toàn là một bạch mã hoàng tử lý tưởng mà khó ai so sánh kịp”, nhà thơ Phương Lan tự hào nói về người chồng hơn cô 42 tuổi.
Ngôi nhà của Trịnh Cung - Phương Lan,
====một trong những cặp vợ chồng nghệ sĩ lạ lùng nhất Việt Nam, nằm trong con hẻm rộng trên đường Cách Mạng tháng Tám (Tp.HCM).
Buổi sáng, chồng dậy lúc 6 giờ, uống cà phê, đọc báo. 7 giờ, gọi vợ và con dậy ăn sáng rồi đưa con đến trường. Sau đó, chồng đưa vợ đến lớp nhảy hiện đại hoặc hồ bơi. Rồi chồng đến công viên Tao Đàn tập thể dục, gặp gỡ nhóm bạn văn nghệ sĩ, sau đó về nhà sáng tác. Buổi tối, cả nhà cùng nhau đi ăn ngoài hoặc quây quần ở nhà.
Đừng nhìn màu tóc của họ, đừng cắc cớ với những câu hỏi chất vấn thường tình, sẽ thấy đây là một cặp vợ chồng rất bình thường, với hạnh phúc bình thường. Thế nhưng, nếu đặt mình là người trong cuộc, phải cân đo hạnh phúc trong quỹ thời gian eo hẹp biết trước, thì cảm nhận cuộc hôn nhân của họ có quá nhiều khác biệt.
Tất cả sự khác biệt trong cuộc hôn nhân của anh chị, đơn giản chỉ là xuất phát từ sự tréo ngoe giữa hai người vào năm Phương Lan sinh ra. Sự tréo ngoe ấy cụ thể như thế nào, thưa anh?
Trịnh Cung: Đó là năm 1981, tôi 42 tuổi, đang làm việc ở Sở Y tế TPHCM. Thời đó, phong trào làm tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình rất mạnh. Tôi được giao nhiệm vụ vẽ băng rôn, áp phích, pa nô để tuyên truyền. Nhờ đó, đến nay tôi vẫn rất rành về kiến thức, hình ảnh sinh đẻ và kế hoạch hoá. Lúc ấy tôi vẽ lu bu luôn. Mà pa nô tấm nào chả hoành tráng, thế là tôi cứ quần cộc, cởi trần, nằm bò ra mà vẽ. Có lần, bác sĩ Lê Thanh Hải chụp ảnh tôi đang miệt mài và trêu: “Tấm hình lịch sử về hoạ sĩ lớn đó nha”. Còn Phương Lan hả, năm đó mới khóc oe oe.
Gia đình hạnh phúc của Trịnh Cung, Phương Lan
Cho đến khi hai người gặp nhau, chắc chắn sự tréo ngoe kia vẫn giữ nguyên bản chất chứ? Khó tin có một tiếng sét ái tình giữa hai người, phải không?
Trịnh Cung: Phương Lan trước đây là phóng viên báo Sinh viên. Qua giới thiệu của một cô bạn, Lan tìm gặp tôi nhờ tư vấn những kiến thức cơ bản về hội họa để đi phỏng vấn một hoạ sĩ trẻ. Tôi tiếp xúc với Lan bình thường như bao người khác. Ấn tượng, có chăng đó là cô gái trẻ, xinh và thông minh. Cô ấy hỏi xin số điện thoại của tôi, tôi cho một cách đầy cảnh giác, sợ biết đâu cô ấy thích mình theo kiểu tình cảm tuổi mới lớn thì mệt.
Phương Lan: Tôi đã chuẩn bị tinh thần để gặp anh. Thực ra, tôi mê bài thơ Lời cuối cho tình yêu của anh từ hồi bé tí. Cho nên, tôi đi gặp anh như đi gặp thần tượng. Không ngờ, cuộc trò chuyện vượt quá sự mong đợi của tôi. Anh vừa am hiểu nhiều lĩnh vực nghệ thuật vừa trẻ trung, dí dỏm và có điều gì đó rất thân quen. Nếu gọi là “sét” thì chắc hôm đó, tôi bị đánh trúng rồi.
Nghe đồn từ sau lần gặp mặt, Phương Lan đã chủ động tấn công bằng câu nói trọng đại: “Em cần một bờ vai để khóc”? Không lẽ từ sự dửng dưng dè chừng ban đầu, anh đổ ngay chỉ vì câu nói đó?
Phương Lan: Vụ này phải kể cho có ngọn có ngành, không thì nhiều người hiểu lầm tôi. Tôi không đến nỗi yếu đuối, đường đột, táo bạo như vậy. Sau hôm gặp, tôi nhắn tin cho anh: “Đây là số của Phương Lan, anh lưu giùm em nhé”. Sau đó tôi thất tình, đau khổ nằm nhà khóc, không muốn liên lạc với ai. Anh gọi tới, tôi cũng không bắt máy. Anh để lại tin nhắn: “Em gặp chuỵên gì vậy? Anh có thể giúp gì cho em không?”. Thấy vậy, xúc động, tôi mới nhắn lại: “Em cần một bờ vai để khóc”. Vậy là thành chuyện.
Nhưng thực tế nhiều khi lại rất khác với niềm tin hay trách nhiệm vì sự tín nhiệm. Anh chị đã rút ngắn khoảng cách tuổi tác giữa hai vợ chồng như thế nào?
Trịnh Cung: Tình yêu của Lan tiếp cho tôi thêm nguồn sinh khí mới. Tâm hồn tôi trẻ lại, sáng tác của tôi trẻ lại. Cũng may sao, Lan đến kịp lúc, bạn bè tôi đã qua đời gần hết. Cô ấy đến từ một thế hệ trong tương lai, năng động, nồng nhiệt, trẻ trung và táo bạo. Gặp Lan, tôi sống bằng hiện tại nối tiếp tương lai. Tôi không cố ý, mà từ vô thức, tình yêu của Lan đã đưa tôi đến gần Lan.
Phương Lan: Sự trải nghiệm và lạc quan của anh làm tôi cảm thấy cuộc sống của mình ở bên cạnh anh bình yên, thoải mái vô cùng, Tuổi trẻ chúng tôi có thừa mọi thứ trừ kinh nghiệm. Tuổi trẻ cũng hay lầm tưởng ở những giá trị ảo của cuộc sống, Còn sống với anh, tôi học được bài học đơn giản hoá mọi thứ và trách nhiệm dám làm dám chịu.
Ở trong hạnh phúc có lúc nào anh chị ngờ vực về một sự trả giá nào đó cho cái bất thường, như người ngoài vẫn suy đoán?
Phương Lan: Tại sao mọi người cứ cố tình xăm xoi hạnh phúc của chúng tôi, trong khi tôi thấy chúng tôi cũng bình thường như bao nhiêu cặp vợ chồng khác. Chúng tôi đang tận hưởng hạnh phúc từng ngày trong hiện tại nên không quan tâm đến sự trả giá vô lý nào đó.
Trịnh Cung: Tôi khẳng định không có sự trả giá nào cả. Nếu có, đó là lòng tự trọng của chúng tôi trước miệng lưỡi người đời. Quan trọng là thời điểm ban đầu chúng tôi đã cùng nhau vượt qua được, bây giờ không còn gì phải bận tâm. Sự bàn tán của dư luận thậm chí còn là động lực giúp tôi sống đàng hoàng tử tế trong nề nếp gia đình, để lo lắng chu toàn cho vợ con, chứ không như trước đây, tôi thích sống lang bạc. Phải nói từ khi quyết định sống với Lan, tôi đã thay đổi cách sống một trăm tám mươi độ.
Còn ngờ vực hả? Ờ, tôi không làm tin được cuộc sống của tôi bây giờ là thực. Sau nhiều năm cô đơn lang bạt, 70 tuổi, tôi lại được sống tri âm đầm ấm với vợ đẹp, con ngoan. Rõ ràng đây là một giấc mơ.
Về phía anh đã đành, nhưng công chúng vẫn có cái lý khi hoài nghi cùng với tình yêu mà Phương Lan dành cho anh, còn có sự hài lòng của cô ấy về ngôi nhà đẹp ở Trung tâm Sài Gòn và gia tài mấy chục bức hoạ của chồng. Anh nghĩ sao?
Con anh chị giống hệt bố và hiếu động như thế có chút nào ảnh hưởng tài năng và cá tính nghệ sĩ từ bố mẹ không?
Phương Lan: Tôi chỉ thấy con mình giống bố kinh khủng, từ những tật xấu, mắt mũi, bàn tay, bàn chân, nhất là dáng đi . Cả cái tính tếu táo cũng giống bố luôn.
Trịnh Cung: Thằng bé đã có những dấu hiệu “bất thường”. Chẳng hạn, bé có khiếu hài hước, có thể bắt chước y hệt điệu bộ, cử chỉ của người khác. Và bé có trí nhớ tốt, ngôn ngữ nói phong phú, trôi chảy và đã biết phản biện. Thằng bé cảm thụ âm nhạc cũng tốt như mẹ.
Thế nhưng, niềm vui con khôn có lấn át được nỗi lo “cha già con cọc” hẳn phải có của hai vợ chồng?
Trịnh Cung: Đó cũng là băn khoăn lớn nhất của tôi khi Lan muốn có con. Tôi hiểu sự trông chờ và niềm hạnh phúc được làm mẹ của cô ấy. Và tôi chỉ còn cách chiều theo nguyện vọng chính đáng để chứng tỏ tình yêu của mình với Lan. Tôi đã lo liệu cho tương lai của con sau này. Những đứa trẻ trưởng thành không có bố kề cận thường có bản lĩnh riêng. Tôi tin những gì tôi để lại cho con, bằng tinh thần, nhân cách, thanh danh và vật chất đủ để toả bóng mát cho con suốt đời.
Phương Lan: Hiện tại, tôi đang sống hết công suất hạnh phúc từng ngày, không còn thời gian để lo nghĩ xa xôi đâu.
Gia đình riêng của anh đón nhận bé Bách như thế nào?
Hỏi riêng chị Lan, nếu được chọn một người đàn ông để sống trọn đời, chị vẫn chọn hoạ sĩ Trịnh Cung hay chị chọn tâm hồn anh Cung nhưng thể xác của một chàng trai trẻ trung, phong độ?
Tôi vẫn chọn anh ấy, chắc chắn là thế. Cho đên giờ, hơn 5 năm sống với nhau, anh ấy chẳng có gì chê trách được. Tôi yêu từng ngón tay chai, từng tật xấu của anh ấy. Yêu cả dáng người xì trum nhưng cực duyên dáng và đáng yêu của anh ấy. Mọi cái thuộc về anh ấy đều trở thành máu thịt của tôi. Người đẹp ai chả thích. Tuy nhiên, còn tuỳ khái niệm đẹp với mỗi người. Với tôi, anh Cung hoàn toàn là một bạch mã hoàng tử lý tưởng mà khó ai so sánh kịp (cười lớn)
Nếu được khóc, chị sẽ khóc trước mặt ai?
Trên bờ vai của anh ấy, trước mặt bóng tối. Tôi thích những giọt nước mắt của mình chảy vào đúng chỗ dành cho nó và tiếng nấc được anh ấy lắng nghe. ./.
Theo Mốt và Cuộc sống
===============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét