Thứ Tư, 3 tháng 2, 2021

bài đọc thêm (4) : Họa sĩ Đinh Cường từ trần / bải của báo VIỆT BÁO (Hoa Kỳ)

 

Họa Sĩ Đinh Cường Từ Trần

09/01/2016
FAIRFAX, Va. (VB) -- Họa sĩ Đinh Cường đã từ trần vào đêm Thứ Năm ngày 7 tháng 1-2016 tại một bệnh viện ở tiểu bang Virginia.

Bản Cáo Phó của gia đình phổ biến cho biết họa sĩ Đinh Cường có pháp danh Quảng Thái, đã từ trần ngày 7 tháng 1 năm 2016 tại Fairfax, Virginia, hưởng thọ 76 tuổi.

Hiện thời linh cữu họa sĩ được quàng tại Fairfax Memorial Funeral Home

9902 Braddock Road, Fairfax, VA 22032 - Phone (703) 425-9702.

Họa sĩ Đinh Cường nhiều năm vừa vẽ tranh minh họa, vừa có trang thơ trong Báo Xuân Việt Báo.

Họa sĩ họ Đinh nổi tiếng là người say mê sáng tạo -- làm thơ, viết tranh, yêu thương vợ con và chân tình với bằng hữu.

blank
Họa sĩ Đinh Cường và nhà thơ Bùi Giáng.

Chinh Dinh, thứ nam của họa sĩ Đinh Cường, kể qua email gửi tới Việt Bao về ngày cuối tỉnh táo của họa sĩ, trích (Từ là Trần Dạ Từ, ĐC là Đinh Cường):

“Vâng, lúc bác Từ nhắn ĐC vẽ minh họa. Bố mình mệt quá quên mất đến khi bác Từ email lần hai - "Báo sắp lên khuôn. Đưa cái nào in cái đó", thì bố ĐC gọi ngay: "Chinh ơi, con đổ màu cho Ba vẽ chồng lên, để minh họa cho Việt Báo Xuân. Gấp. Ngày mai đem đến”. Bố mình chỉ cần mình đổ màu lên giấy để ông làm background vì đã quá mệt không pha màu được. Rồi ông vẽ nét và hình lên background đó...”

Báo Xuân Việt Báo Bính Thân 2016 một tuần nữa sẽ phát hành, trong đó sẽ đăng những minh họa cuối cùng và những bài thơ cuối đời của Đinh Cường.

blank
Chân dung họa sĩ Đinh Cường (photo by Lưu Na).

Họa sĩ Đinh Cường thường tự nói ngắn gọn là sinh năm 1939 ở Thủ Dầu Một, VN. Sống ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn cho tới 1989. Nơi cư ngụ thị trấn Burke, Virginia, USA.

Nhưng thực sự, cuộc đời Đinh Cường gắn liền với các phong trào nghệ thuật Việt Nam từ thập niên 1960s và đã có ảnh hưởng tới toàn cảnh hội họa cho tới bây giờ. Trọn đời Đinh Cường là những chuỗi tìm tòi, khám phá, và thả hồn lên sắc màu hội họa và ngôn ngữ thi ca.

Sau đây là trích lược bài viết năm 2007 vê cuộc đời Họa sĩ Đinh Cường tựa đề “Tranh Đinh Cường & Những Chân Trời Sáng Tạo” của Phan Tấn Hải, như sau.

blank
Họa sĩ Đinh Cường và nhà văn Nhã Ca.

Để nói ngắn gọn về Đinh Cường, có thể viết rằng ông là một họa sĩ lớn, nổi tiếng, với các bút pháp độc đáo thay đổi qua nhiều thời kỳ biến động trong đời ông. Để nói một cách chi tiết hơn về tiểu sử Đinh Cường, chúng ta có thể mượn vài dòng tóm lược trên trang web của nhà thơ Luân Hóan (đã mất link)

- Đinh Cường Sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một. Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, 1963. Tốt nghiệp sư phạm hội họa quốc gia, 1964. Tổng thư ký hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, 1969-1971. Giáo sư hội họa Đồng Khánh, Huế. Sống cùng gia đình tại Hoa Kỳ.

- Tranh được bày ở Musee D'Art Moderne Paris và triển lãm trên nhiều thành phố tại quốc nội cùng nhiều quốc gia

- Thơ và bài viết vế hội họa đang trên các tạp chí Văn Học Nghệ Thuật: Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21..."

blank
Họa sĩ Đinh Cường và nhà báo Hòa Bình.

Nhưng để hiểu hết các chuyển biến trong Đinh Cường, thật khó thể nào ghi cho trọn. Vì gần nửa thế kỷ vẽ tranh của ông, tuy thuần túy sống với nghệ thuật, nhưng cuộc đời Đinh Cường cũng gắn liền với lịch sử nghệ thuật Miền Nam Việt Nam thời trứơc 1975, và rồi qua những ngày thống nhất, và rồi di dân sang Hoa Kỳ - trong đó, đi từ khám phá này sang khám phá kia, với những chân trời sáng tạo liên tục thôi thúc Đinh Cường. Quanh Đinh Cường, chúng ta nhìn thấy những nhân vật của nghệ thuật Miền Nam. Họa sĩ Đinh Cường đã vẽ gần 30 tấm tranh sơn dầu về nhà thơ Bùi Giáng, người đã đứng che khuất gần trọn bầu trời thi ca quê nhà nhiều thập niên.

Cũng chính Đinh Cường đã chia sẻ nhiều ngày thơ mộng, và rồi gian nan, từ các góc phố Huế, rồi Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn….. với người bạn rất thân là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và cũng ngược lại như thế, luôn luôn quanh các nốt nhạc Trịnh Công Sơn là có hình ảnh Đinh Cường, người hiểu tận tường các mối tình thơ mộng và bí ẩn của họ Trịnh. Quanh Đinh Cường, còn có một thời các họa sĩ trẻ VN, những Nguyên Khai, Rừng, Nguyễn Quỳnh, Hồ Hữu Thủ, Mai Chững, Nguyễn Đình Thuần, Trịnh Cung, Bửu Chỉ, và vân vân... Đinh Cường đã trưởng thành từ một thời Trung Học Petrus Ký, Sài Gòn, những năm 1951-1957, rồi ra Huế học hội họa, và rồi về lại Sài Gòn học mỹ thuật, giữa nhừng thầy, những bạn, những không khí văn học mỹ thuật thơ mộng một thời. Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA ngày 29-8-2005 đã ghi nhận về một buổi triển lãm tranh Đinh Cường tại Houston, Texas:


blank
Họa sĩ Đinh Cường (đứng) và nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

"…... Đinh Cường là họa sĩ nổi tiếng tại Việt Nam từ những năm đầu thập niên 60. Tranh của ông, theo đánh giá của nhiều người thì, đó là những bài thơ được viết bằng mầu sắc và đường nét. Lãng mạn, thơ mộng là đặc tính trỗi bật nhất của thế giới hội họa mang tên Đinh Cường. Những game mầu của ông dù lạnh hay nóng, vẫn ấm áp, ngân vang niềm niềm hạnh phúc liu điu những chân trời hiu quạnh. Họa sĩ Đinh Cường hiện cư ngụ tại thành phố Falls Church, thuộc ngoại ô thủ đô Washington."

Những chân trời hiu quạnh" Hiu quạnh có lẽ là bản chất của dòng đời mang mang bất tuyệt. Tuy có những nét vẽ được Đài VOA mô tả như thế, nhưng thực sự, cuộc đời Đinh Cường có rất nhiều bạn, và lòng ông lúc nào cũng trân trọng bằng hữu. Tình cảm đó thể hiện qua các bài tùy bút và thơ của Đinh Cường. Như những dòng chữ nồng ấm khi Đinh Cường nhắc tới Phạm Công Thiện, Đỗ Long Vân, Thanh Tâm Tuyền, Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, Nguyễn Đình Thuần, Thân Trọng Minh, vân vân. Đó là chưa kể tới màu sắc yêu thương trong gần 30 tấm tranh vẽ chân dung nhà thơ Bùi Giáng. Trân trọng bạn hữu tới như Đinh Cường thật là hiếm....

blank
Từ trái: họa sĩ Duy Thanh, họa sĩ Đinh Cường, nhà văn Nhã Ca.

Nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy trong bài “Vẻ Ẩn Mật Trong Hội Họa Đinh Cường” viết năm 1996, và in vào tuyển tập “Mấy Nẻo Đường Của Nghệ Thuật Và Chữ Nghĩa” năm 1999, đã ghi nhận:

“...Về mặt kỹ thuật, có thể nói Đinh Cường là một trong những họa sĩ mới đã vận dụng đến cao độ những tình cờ bắt chợt được của các khối màu và hình thể. Giấc mơ và sự tình cờ của màu sắc và đường nét đã chập chồng lên trên hội họa của Đinh Cường. Ở đây chúng ta có thể nói là Cường rất tài hoa, phóng túng thả mình trôi nổi giữa nhịp điệu chuyển động của vô thức, nhưng rồi anh cũng dừng lại đúng lúc và mang tặng cho cuộc đời những bảng màu thực đẹp đẽ, phong phú, ảo hoặc đến độ kỳ diệu.

blank
Đinh Cường vẽ văn nghệ sĩ.

Tôi nhớ đến nhiều bức tranh rất đẹp của Đinh Cường, những bức tranh ấy hầu như đã mất tích hoặc bị hủy phá vì cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn ác trước đây, nhưng chắc là những người yêu mến và quan tâm đến hội họa Việt Nam và sự đóng góp của Đinh Cường cũng còn nhớ đến, những Cầu Say, Đồng Nhập, Verdure, Con Chim Mỏ Đỏ, Nghĩa Địa Voi, Trăng Qua Vùng Đất Lạ.

Tranh của Đinh Cường, dù vô thể hay có hình tượng, thì cũng luôn là những phát biểu riêng biệt của anh: hình nét riêng, màu sắc riêng, rất đặc biệt là màu xanh lạnh vô cùng thơ mộng của anh. Tôi chưa hiểu vì sao Đinh Cường lại có vẻ bị ám ảnh bởi màu xanh ấy, nhưng nhìn chung có thể nói đó là một màu sắc đặc biệt của cả một thời kỳ hội họa Việt Nam, cái màu xanh pha trộn của ánh trăng, lá cây xanh, biển xanh, màu xanh nơi biên giới của sự sống và cái chết cùng tiếng ì ầm buồn thảm đến độ hung bạo của một cuộc nội chiến triền miên. Cái màu xanh ấy cũng có thể gặp ở một số họa sĩ tài năng đồng thời với Đinh Cường, như những Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Hồ Hữu Thủ, không phải là toàn thể, nhưng nơi một phần sắc màu của Cao Bá Minh và Nguyễn Phước. Cái màu xanh thăm thẳm ấy đến với Đinh Cường 30 năm trước, và cho đến nay dường như vẫn còn là một ám ảnh đầy bí mật không dứt ra được.

dinh-cuong-tranh-1
dinh-cuong-tranh-2
dinh-cuong-tranh-3
Tranh Đinh Cường.

Đinh Cường chọn lọc và yêu mến một số hình ảnh quen thuộc và gần gũi, những con chim nhỏ, những bông hoa nhỏ, thiếu nữ gầy như một cành lau sậy phất phơ bên bờ núi, những chóp đỉnh nhà thờ giữa bầu trời xám, anh đã biến những hình ảnh ấy thành ký hiệu của mình....

...Đinh Cường đã sống một thời tuổi trẻ thực đầy thi vị và phong phú, và đã làm việc thực hết sức dữ dội. Số lượng tranh anh để lại rải rác khắp nơi rất là lớn, lên đến cả hàng ngàn tấm. Họa sĩ Việt Nam, dường như chỉ có Bùi Xuân Phái và Đinh Cường là có sức làm việc như thế mà thôi...”

Họa sĩ Đinh Cường ra đi, nền nghệ thuật Việt Nam đã mất đi một tài năng lớn.

Việt Báo thành kính chia buồn cùng tang gia, và góp lời cầu nguyện họa sĩ an nghỉ nơi một cõi màu sắc rực  rỡ và bình an  ./.

source:  bài viết của báo VIỆT BÁO (Hoa Kỳ)


==========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét