Nhà văn Lê Minh Khuê: Đau đáu với đề tài chiến tranh
Kinhtedothi - Là người phụ nữ có nhiều năm tháng tuổi trẻ trải qua những cuộc chiến, chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh, nhà văn Lê Minh Khuê đã chọn cho mình mảng đề tài gai góc này làm tiền đề cho sự nghiệp văn chương của mình.
Hội Nhà văn Hà Nội vừa tôn vinh trao giải Thành tựu trọn đời cho nữ văn sĩ vì những thành tựu, đóng góp tích cực cho văn học Thủ đô và đất nước.
Viết về chiến tranh
Nhà văn Lê Minh Khuê (SN 1949, tại Nông Cống, Thanh Hóa). Năm 1965, khi vừa tuổi trăng tròn, Lê Minh Khuê tham gia lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ. 2 năm sau, bà bắt đầu viết những bài báo đầu tiên.
Nhà văn Lê Minh Khuê chia sẻ: “Tôi đi theo các anh bộ đội để ghi chép lại những câu chuyện, hình ảnh chân thực. Ngày đó, máy bay B52 bay trên đầu, bút thiếu, giấy cũng không có, điều kiện ăn ở khó khăn nhưng mọi người đều vượt qua cả. Mỗi tác phẩm, bài báo viết sau khi hoàn thành, tôi đều nhờ bộ đội vận chuyển về để xuất bản nhưng có lần tác phẩm được in ra phát hành, có lần thì không...!”.
Năm 1969, chặng đường sáng tác của Lê Minh Khuê mới thực sự bắt đầu. Vào thời điểm trước và sau cuộc chiến, truyện ngắn của Lê Minh Khuê đều bị tác động bởi chiến tranh. Các tác phẩm thường khai thác đề tài tình yêu và sự đói nghèo, lòng tham và sự ngờ vực, cùng hậu quả của cuộc chiến tranh để lại cho những ai may mắn còn sống. Điều đó được thể hiện rõ qua nhiều tác phẩm như “Những ngôi sao xa xôi”, “Cao điểm mùa hạ”.
Nhận định về con người và những tác phẩm của nữ văn sĩ Lê Minh Khuê, nhà phê bình văn học Cao Thị Hồng từng chia sẻ: “Nhà văn không hề ảo tưởng về cuộc sống, vì thế chị không quay lưng lại với những nỗi đau nhân thế. Với ý thức viết về cái ác cũng là sự thức tỉnh nhân tính, Lê Minh Khuê đã dám dấn thân, hòa nhập với những thân phận đang chìm dưới đáy sâu của xã hội...”.
Giọng văn giản dị, ấm áp
Đọc truyện ngắn của Lê Minh Khuê, dù khốc liệt, gai góc đến đâu nhưng nhiều nhà văn, bạn đọc vẫn nhận thấy sự nữ tính, nhẹ nhàng, đầy chất thơ như chính con người tác giả. Các tác phẩm của nhà văn Lê Minh Khuê bất kể ở đề tài chiến tranh hay thời kỳ hậu chiến vẫn luôn được đánh giá cao về nội dung, hình thức thể hiện.
Tìm lại nét đẹp của Hà Nội đầu những năm 70, nhà văn Lê Minh Khuê có viết: “Chợ Đồng Xuân có món bún ốc hàng ngồi ở dãy nhà nối với chợ Bắc Qua. Bà hàng bún là dân làm hàng từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, giờ vẫn tuổi đang khêu ốc. Bát bún cũng đầy. Ốc để lên trên bún cùng hành, rau thơm rồi rưới một lượt nước siêu đỏ cà chua tạo cảm giác có mỡ. Mỡ chỉ cần nhìn cũng được tiếp thêm nhiên liệu. Người lính đi qua Hà Nội ăn tới 3, 4 bát là chuyện thường. Bà hàng niềm nở hỏi han lính chuyện tuyến lửa rồi thuận tay gắp thêm vài con ốc, chan thêm vài muỗng canh. Thời đó, ai cũng rộng lòng với màu quân phục”.
Qua giọng văn của Lê Minh Khuê có thể thấy một trái tim, sự mẫn cảm của phụ nữ không nhìn nhận chiến tranh một cách thô ráp và nguyên vẹn mà trong các tác phẩm của bà có một giọng kể nhẹ nhàng, day dứt, xa xôi và đầy khắc khoải.
Những câu chuyện nhà văn Lê Minh Khuê kể, viết ra trong năm tháng chiến tranh, hay kể về một con người, khoảnh khắc bình dị vẫn chứa đựng một vẻ đẹp, giá trị bình dị nhất. Văn chương của nhà văn xứ Thanh mang một đặc trưng riêng, giọng kể như một người mẹ, người chị, sau này như một người bà ngồi kể chuyện cho cháu đều giản dị, đẹp đẽ, mơ hồ và ấm áp. ./.
LẠI TẤN
Nhà văn Lê Minh Khuê từng là phóng viên báo Tiền phong, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng. Bà bắt đầu sáng tác văn học từ năm 1969 và đến nay đã xuất bản gần 20 cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn ở trong và ngoài nước. Bà nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2012; Giải thưởng Văn học ASEAN 2019; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho các tập truyện ngắn “Một chiều xa thành phố” (1978), “Trong làn gió heo may” (2001), “Làn gió chảy qua” (2017). nguồn: Kinh tế Đô thị =============== |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét