Chân dung 5 nhà văn nữ qua góc nhìn họa sĩ CHÓE
ĐINH QUANG TÍNH
sưu tầm
Họa sỹ Chóe – Nguyễn Hải Chí (1944 – 2003) (trái) &tạp chí Văn ( phải)
Họa sĩ Chóe – tên thật là Nguyễn Hải Chí. Nguyên quán tại tỉnh An Giang. Định quán tại tỉnh Đồng Nai. Sinh ngày 11-11-1944 và mất ngày 12-3-2003 tại bệnh viện Virginia- Hoa Kỳ. Di quan an táng tại đất Thánh Mẫu.
Ông đến với nghệ thuật từ những sáng tác truyện ngắn, thơ gửi đăng báo trước khi vẽ tranh. Với tài năng bẩm sinh, nhìn sự kiện qua lăng kính hài hước, trào lộng, ông đã trở thành một họa sĩ biếm nổi tiến của Việt Nam. Năm 1973, nhà báo Mỹ Barry Hilton đã thu thập một số sáng tác của ông để in thành sách, phát hành tại Mỹ với tên gọi The world of Choe và gọi ông là Cây biếm họa số 1 của VN. Sau giải phóng, tranh của ông lại tiếp tục xuất hiện trên rất nhiều tờ báo và tạo được phong cách riêng trong việc phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu cực, hủ bại, góp phần vào công cuộc lành mạnh hóa xã hội.
Chúng tôi xin giới thiệu chân dung của 5 nữ sỹ Việt Nam đã từng nổi tiếng một thời, qua nét vẽ tài hoa của họa sỹ Chóe – năm 1973
(Chân dung nhà văn Túy Hồng)
Nhà văn Nguyễn Thị Tuý Hồng. Bút danh: Tuý Hồng. Sinh ngày 12-10-1938 tại Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế. Bà viết văn từ năm 1962.
Tác phẩm: Thở dài, nhà xuất bản Đời Mới 1965, Kim Anh tái bản 1966; Vết thương dậy thì, nhà xuất bản Kim Anh 1966; Trong móc mưa hạt huyền, nhà xuất bản Đồng Nai 1969; Tôi nhìn tôi trên vách, nhà xuất bản Đồng Nai 1970; Mùa hạ huyền, Văn Khoa 1971; Những sợi sắc không (Giải nhất Văn chương toàn quốc 1970), nhà xuất bản Khai Trí 1971; Biển điên, nhà xuất bản Văn Khoa 1971 ; Bướm khuya, nhà xuất bản Đồng Nai 1971…
Đã cộng tác với: Văn Hữu, Bách Khoa, Lập Trường, Văn, Văn Học, Tin Sách, Nghệ Thuật, Kịch Ảnh, Con Ong, Diều Hâu, Tia Sáng, Độc Lập, Tin Sáng, Thần Phong, Thời Nay, Đời Nay, Khởi Hành, Tiền Tuyến, Vấn Đề…
(Chân dung nhà văn Trùng Dương)
Nhà văn Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, Hà Nội. Bà nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Sài Gòn, 1971-75), và là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các con tôi đã về (1978) ghi lại những ngày cuối cùng ở Sài Gòn vào mùa xuân 1975. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1975, bà trở lại trường học và tốt nghiệp ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế tại Đại học Tiểu bang California, Sacramento. Từ 1991-1993, bà làm phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif, từ cuối 1993 tới khi về hưu giữa năm 2006.
(Chân dung nhà văn Nhã Ca)
Nhà văn Nhã Ca – Sinh năm 1936. tại Huế, khởi viết ngay từ thuở còn là nữ sinh Trung Học trường Đồng Khánh, những bài thơ, truyện ngắn đầu tay của Nhã Ca đã xuất hiện trên các tuần báo ở Saigon từ năm 1957, với tên thật Trần thị Thu Vân. Tuy nhiên, phải ba năm sau đó, bút hiệu Nhã Ca mới chính thức xuất hiện.
Nhã Ca là nhà văn nữ Việt Nam đương thời, có số tác quyền cao nhất. Nhã Ca là một nhà văn nữ nổi bật của Sài Gòn trước 1975, bà đã 2 lần đoạt giải thưởng lớn về Thơ và Văn. Nhã Ca là tác giả của hơn 30 cuốn sách đã xuất bản. Nhã Ca là một trong số ít nữ tác giả được đọc và biết đến nhiều tại Việt Nam.
(Chân dung nhà văn Nguyễn Thị Hoàng)
Nguyễn Thị Hoàng là một nhà văn nữ ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bà sinh năm 1938 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Văn khoa, Viện đại học Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, bà dạy học tại Đà Lạt. Năm 1966 bà nghỉ dạy, chuyển sang viết văn.
Tác phẩm đầu tay là Vòng tay học trò xuất bản năm 1966 đã tạo được sự quan tâm của dư luận đương thời. Nhiều ý kiến phê phán tác phẩm này có nội dung vô luân do viết về quan hệ tình cảm giữa một cô giáo trẻ và cậu học trò phổ thông học cùng trường cô giáo dạy.
Các tác phẩm khác bao gồm: Trên thiên đường ký ức (1967), Về trong sương mù (1970), Bây giờ và mãi mãi (1974).
Chân dung nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ
Nguyễn Thị Thuỵ Vũ. Sinh ngày 19-8-1937 tại Vĩnh Long. Viết văn từ năm 1965.
Tác phẩm: Mèo đêm, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1966, Hiện Đại tái bản 1968; Lao vào lửa, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1967; Chiều mênh mông, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1968; Ngọn pháo bông, truyện dài, nhà xuất bản Hiện Đại 1968; Thú hoang, truyện dài, nhà xuất bản Hồng Đức 1968; Khung rêu, truyện dài, nhà xuất bản Kẻ Sĩ 1969 (Giải nhì Văn chương toàn quốc 1970). Đã cộng tác với: Bách Khoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Vấn Đề, Khởi Hành, Hoa Tình Thương, Tin Sáng, Tiếng Nói Dân Chủ, Đời, Lập Trường, Dân Chủ Mới, Dân Ý, Ánh Sáng, Tin Mật, Tiến Bộ…
Đinh Quang Tỉnh
sưu tầm
nguồn: www.nguoitinhhuvo%wordpress.com>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét