Lệ Thu: Tiếng hát vàng ròng cho đến cuối đời
TTO - Danh xưng 'Tiếng hát vàng ròng', 'tiếng hát vàng mười' được giới nghệ sĩ trân trọng đặt cho danh ca Lệ Thu vì bà có giọng ca tuyệt đẹp như vàng, gắn với những ca khúc buồn và mỹ lệ về mùa thu.
Danh ca Lệ Thu sinh ngày 16-7-1943, tên thật là Bùi Thị Oanh. Nghệ danh Lệ Thu được lấy ngẫu hứng. Bà từng giải thích lấy tên này vì giấu gia đình đi hát, cái tên bật ra một cách tự nhiên và không có ý nghĩa cụ thể.
Nhưng trong 62 năm sự nghiệp (từ năm 16 tuổi đến khi qua đời ở tuổi 78), cái tên Lệ Thu được khán giả hiểu theo hai nghĩa: một là mùa thu mỹ lệ, hai là giọt lệ mùa thu.
Cả hai cách hiểu này đều đẹp, đều ý nghĩa, đều đúng với giọng ca và sự nghiệp lẫy lừng của Lệ Thu.
Giọng đẹp như vàng, cátsê cao hơn vàng
Nếu trên thế giới có bộ ba danh ca (diva trinity) gồm Celine Dion, Whitney Houston và Mariah Carey thì Việt Nam có bộ ba danh ca Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly. Thái Thanh là người chị cả, đệ nhất danh ca.
Lệ Thu vào nghề một cách ngẫu nhiên khi hát nhạc phẩm Tà áo xanh (Đoàn Chuẩn - Từ Linh) ở phòng trà Bồng Lai vào năm 1959, khi bà mới 16 tuổi và đang học trung học. Ngay lập tức, chủ phòng trà nhìn ra tố chất của một danh ca, nhiệt tình thuyết phục bà theo nghề hát với số tiền cátsê cao "không thể tưởng tượng nổi đối với một cô học trò".
Giọng của bà là giọng nữ trung trầm (mezzo-alto), có một chút khào, lạnh và đanh. Bà hát vang và hào sảng tuyệt vời. Ngày xưa, giới nghệ sĩ đặt biệt danh "giọng ca vàng mười, giọng ca vàng ròng" vì quá rõ ràng, giọng hát đẹp như vàng nguyên chất.
Thứ nữa là vì cátsê của bà được trả bằng vàng hoặc bằng số tiền đắt hơn vàng. Lệ Thu từng kể là được trả 1 triệu đồng trong một tháng, trong khi vàng khi đó có giá 1.000 hoặc 500 đồng một lượng.
Tên tuổi Lệ Thu gắn với những bài hát buồn về mùa thu của các nhạc sĩ tài danh (Lam Phương, Phạm Duy, Vũ Đức Sao Biển...): Thu sầu, Giọt mưa thu, Mùa thu chết, Nước mắt mùa thu, Thu, hát cho người. Bên cạnh đó, bà còn nổi tiếng với các bài nhạc Pháp.
Về nhạc Trịnh, từng có người nhận xét: "Nhất Khánh Ly thì nhì phải là Lệ Thu”. Dù Lệ Thu không phải nàng thơ chính danh của Trịnh Công Sơn, bà vẫn là một trong những giọng ca hát nhạc Trịnh hay nhất mọi thời đại, đặc biệt với Rơi lệ ru người, Hạ trắng.
Về phép mầu của ca hát, Lệ Thu từng bày tỏ quan điểm ca sĩ là người thay nhạc sĩ truyền tải vẻ đẹp của âm nhạc đến khán giả. Bà nói: "Những bài hát vốn có ca từ hay biết mấy. Giản dị, đơn giản nhưng chất chứa bao nhiêu cảm xúc nhạc sĩ muốn truyền tải tới khán giả.
Chúng tôi, những người ca sĩ, rất may có giọng hát trời cho để truyền đạt cho khán giả. Điều đó tự dưng đi sâu vào lòng người, thấm vào tâm hồn họ, ở mãi mãi trong tâm hồn họ. Đơn giản có thế thôi".
Giọng hát mỹ lệ đến cuối đời
Giới nghệ sĩ Việt ở Mỹ thán phục vì ít ai trên 70 tuổi mà còn vẫn còn hát cực kỳ tốt và khỏe như Lệ Thu. Lệ Thu rất nghị lực và chuyên nghiệp trong giữ giọng. Ca sĩ Quang Thành kể bà tập thể dục rất chăm chỉ và đều đặn để giữ sức khỏe, giữ được trí tuệ minh mẫn khi xử lý bài hát.
Sinh thời mỗi sáng, sau khi ngủ dậy bà đều xoa tai, xoa bụng để tránh điếc tai và to bụng. Sau đó, bà tập thể dục từ nhẹ đến nặng. Bà nâng tạ để bắp thịt không bị nhão.
Mỗi ngày bà đều tập hát vì "văn ôn võ luyện". Bà luyện để không quên ca từ và giọng luôn trơn tru. Bà có khả năng tập luyện rất nhanh cho một bài hát, có khi chỉ cần một đêm là đã có thể trình diễn.
Lệ Thu là ca sĩ hát hết mình, có thể nói là hát đến tận cuối đời. Ở tuổi 60-70, cột hơi của bà còn khỏe hơn nhiều người tuổi 20. Càng có tuổi, giọng Lệ Thu càng lạnh, đanh lại, tối hơn ngày xưa nhưng vẫn rất tuyệt vời vì yếu tố cảm xúc, trải nghiệm sâu sắc trong giọng hát khiến người nghe thấy nổi da gà.
Năm 2013, khi được truyền thông hỏi vì sao về già vẫn miệt mài đi hát, Lệ Thu nói: "Âm nhạc không phải là một sinh kế, đó là cái nghiệp của tôi. Cái nghiệp nặng quá, chưa cho phép tôi ngưng. Khi nào khán giả bảo thôi bà dừng lại đi, như đã nói với nhiều người khác, tôi sẽ ngưng.
Nhưng khán giả vẫn chào đón tôi với tất cả sự nồng nhiệt và chân thành, tôi vẫn hát. Chỉ khi nào tôi thấy giọng hát của tôi không còn được nữa, sẽ tự tôi đào thải".
Trước đây, Lệ Thu thường ngại ngần trước việc về Việt Nam ca hát vì không biết lớp khán giả của mình ngày xưa có còn không, hay thế hệ trẻ ngày nay có biết đến âm nhạc của bà không. Nhưng một lần đi du lịch, một thanh niên tầm 30 tuổi đã nhận ra Lệ Thu và bày tỏ sự yêu mến. Sau lần đó, bà có động lực trở về Việt Nam và được khán giả cả trẻ lẫn già đón nhận.
Khi hát bài Mười năm tình cũ trên sân khấu ở TP.HCM năm 2014 (live show đầu tiên của bà ở Việt Nam sau rất nhiều năm), Lệ Thu xúc động vì thấy "những giọt nước mắt rơi xuống trên gương mặt khán giả".
Điều đặc biệt ở Lệ Thu là khi ở tuổi 60-70, bà vẫn là ngôi sao hạng A trong bất cứ show ca nhạc nào, tên tuổi không hề đi xuống. Bà luôn được xếp ở vị thế cao nhất và được chăm sóc đặc biệt. Mặc dù vậy, bà vẫn giữ được phong thái bình dị và niềm say mê với âm nhạc.
Bây giờ Lệ Thu ra đi, nhưng tiếng hát vàng ròng của danh ca vẫn ở lại trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
Lệ Thu hát 'Nước mắt mùa thu' của Phạm Duy - Video: Thư viện nhạc vàng bolero
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét