Ban Mai, cô là ai? - Đỗ Xuân Tê
Ban Mai, cô là ai ?
ĐỖ XUÂN TÊ
Nhà phê bình văn học Ban Mai
Ban Mai cách đây 7 năm người ta chưa biết cô là ai. Nhưng năm năm trở lại đây, cây viết này đã làm người ta chú ý đến đất Quy Nhơn, khơi dậy một địa danh chừng như đã ngủ quên sau chiến tranh, mà di sản phong phú về mặt lịch sử, địa hình và tiềm năng kinh tế lẽ ra phải trở thành môt thành phố ngang tầm với Đà Nẵng, ngang ngửa với Nha Trang, một điểm tựa huyết mạch của miền trung Trung bộ như đã có từ trước 75.
Quy Nhơn cũng được nhắc nhớ nhiều vì nơi đây đã sản sinh ra anh em nhà Tây Sơn, cung cấp cho Đại Việt một anh hùng Quang Trung đại đế, và cũng là nơi an nghỉ ngàn đời của người thi sĩ tài hoa mà mới đây người ta vừa kỳ niệm 100 năm ngày sanh (Hàn Mặc Tử).
Cũng do tình cờ của số phận, người nhạc sĩ huyền thoại Trịnh Công Sơn đã có những tháng năm gần gũi với mảnh đất này khi anh có thời là cựu giáo sinh trường Sư Phạm Qui Nhơn, bất đắc dĩ trở thành nhà giáo và nhiều bức thư tình, ca khúc đầu đời được viết và thai nghén từ đây.
Có thể vì những sự nối kết như vậy mà tác giả có tên Ban Mai, một cô gái đã có những ký ức khó quên trên đường di tản vào Nam hồi 75, đã trở lại thành phố, trưởng thành và được đào tạo trở thành một cán bộ giảng dạy với học vị thạc sĩ, mà luận án tốt nghiệp Cao học của cô đã gợi hứng từ dòng nhạc và tác giả Diễm Xưa, sau được in ấn trở thành tác phẩm Trịnh Công Sơn - Vết Chân Dã Tràng, một công trình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật có giá trị, gây xôn xao một thời và mặc nhiên đất Quy Nhơn lại được quần chúng yêu nhạc yêu thơ trong và ngoài nước quan tâm theo dõi.
Quan tâm ở đây đáng tiếc lại không theo hướng tích cực mà dư luận lên án việc làm của các giới chức văn hóa tư tưởng của thành phố đã có quyết định phản văn hóa, phi hành chánh, kiểu phép vua thua lệ làng khi hành xử bằng cách cho thu hồi và cấm lưu hành tác phẩm khảo cứu của Ban Mai trên địa bàn địa phương với lý do, ‘phỉ báng xương máu của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống tô thắm nền hòa bình của đất Việt’ !!!
Chuyện này đã được bàn và đăng tải nhiều, dư luận nói chung bênh vực Ban Mai và không đồng thuận với một tác giả cũng là cán bộ Văn hóa Thông tin của một tỉnh miền Trung đã có phê bình săm soi ác ý, lại phát tán trên các báo đảng, đòi trung ương rút giấy phép xuất bản và thu hồi tác phẩm đã phát hành. Cuối cùng Cục Xuất bản đã vào cuộc và việc lưu hành trở lại bình thường ngoại trừ cái quyết định quái đản của chánh quyền địa phương.
Nhưng như vậy cũng là may cho Ban Mai vì lẽ, ở Việt Nam tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược xưa nay không phải là hiếm, tập quán phép vua thua lệ làng không phải là lạ trong cách quản lý văn hóa và thẩm quyền in ấn. Nhiều tác giả phái nam đã chịu cảnh ê chề, nhưng phái nữ phải kể Nguyễn Ngọc Tư với Cánh Đồng Bất Tận và sau Ban Mai, một cây viết nữ cũng thạc sĩ, cùng họ với tôi, do tham luận dị biệt với cách nhìn của đảng đã bị thu hồi cả công trình nghiên cứu lẫn…bằng tốt nghiệp.
Trở lại chuyện tác phẩm, do tò mò và vốn yêu nhạc Trịnh tôi đã có cuốn sách trong tay. Tò mò vì Ban Mai nhiều hơn, do các con gái tôi đã sở hữu một collection khá phong phú về Trịnh Công Sơn, do chính tác giả in và phát hành. Bản thân tôi có thời làm công tác văn nghệ, nên cũng biết đôi điều về họ Trịnh lúc anh còn sống và thường mỗi năm hay viết một tùy bút nhân ngày 1-4.
Vậy Ban Mai, cô là ai? Làm sao mà một nhà giáo tình cờ bị đưa đẩy trở thành cây viết nữ - đành rằng vô can - nhưng đã làm đau đầu những người làm công tác tư tưởng từ trung ương đến địa phương khiến cấp ủy của thành phố phải ra lệnh thu hồi và cấm phát hành cuốn sách của cô trên địa bàn sở tại.
Tìm hiểu điều này tôi đã có dịp xem lại tác phẩm, đọc mấy bài phỏng vấn tác giả (đáng chú ý là của Trần Vũ), tìm đọc các tản văn của Ban Mai viết sau khi ra mắt Vết Chân Dã Tràng, tình cờ gõ Google ghé đọc cả mấy bài của tác giả NH đăng trên báo đảng (xem họ ‘đánh’ cô thế nào).
Nhờ vậy với tư cách người đọc lại thấy thích thú và đồng cảm nhiều điều với một tác giả trẻ (dù có con gái lớn) qua cuốn sách bị cấm (nhưng không cấm hẳn), cùng phát hiện nhiều khía cạnh khá độc đáo thể hiện qua cách nhìn và văn phong của người đẹp Quy Nhơn trong các tản văn.
Cảm nhận đầu tiên về Ban Mai, tôi xem cô là một phụ nữ có bản lãnh, bản lãnh hiểu theo nghĩa khiêm tốn nhất. Chỉ là một sinh viên bậc cao học dám chọn cho mình một đề tài hóc búa, một phạm trù văn hóa nghệ thuật khá nhạy cảm, một khuôn mặt nghệ sĩ lớn còn nhiều tranh cãi, một bề dày tác phẩm vừa đồ sộ về số lượng vừa sâu sắc về ca từ, vừa ẩn khuất nhiều ẩn dụ tùy góc nhìn và diễn nghĩa của thập phương, một đề tài trước đó đã được nghiên cứu, sưu tầm, phê bình của nhiều cây viết uy tín trong ngoài nước, trong khi bản thân cô sinh viên còn non nớt chưa có trải nghiệm giao lưu gì với tác giả, bề dày chữ nghĩa chưa được nhìn nhận như cây bút thành danh.
Nếu công trình chỉ phổ biến trong phạm vi campus thì điều này có thể thông cảm, nhưng đề tài luận án lại nâng lên thành tác phẩm đem in ấn và phát hành cả trong lẫn ngoài nước thì quả là một việc làm chấn động, một hiện tượng văn hóa dễ gây ngộ nhận, dễ bị săm soi ghen tỵ, dễ bị ‘đánh’ hội đồng & quy chụp không thương tiếc.
Chuyện nghĩ phòng xa thì như vậy nhưng thực tế kịch bản xảy ra đúng như dự báo. Họ đánh cô vào hai huyệt chính là ‘cách sao chép’ các sách đã dẫn và ‘chương 4’ của cuốn sách bày tỏ quan điểm của tác giả về dòng nhạc ‘phản chiến’ của nhạc sĩ họ Trịnh. Người đánh cô trong chừng mực nào đó cũng có một số hiểu biết khá sâu về tác giả và tác phẩm của Trịnh Công Sơn, chỉ khác là trong văn chương chỉ điểm, anh ta tận dụng phương thức chụp mũ, quyết hạ gục một cây viết nữ chỉ là nhà giáo khiêm tốn, chưa có chỗ đứng trong làng văn làng báo.
Bài viết này không có ý khơi lại một chuyện đã qua và lập lại những tranh cãi phản biện phi văn hóa vì lẽ kết cuộc đã có ngã rẽ an toàn và hiệu ứng ngược chỉ quảng bá thêm cho tác phẩm và bản thân tác giả vô hình chung được công luận trong ngoài nước đánh giá và chú ý nhiều hơn.
Có thể vì sự chú mục như vậy mà Ban Mai quay sang viết tản văn, một thể lọai khó viết và viết hay nhưng cô tự thử nghiệm. Không ngờ từ đây Ban Mai trở thành một tác giả được nhìn nhận qua nhiều bài viết sâu sắc thực sự mang tính văn học.
Đáng chú ý là những bài điểm sách, phê bình văn học và tản mạn đời thường qua nhiều góc cạnh. Về những tác phẩm cô có dịp tiếp cận, tôi ghi nhận ngoài thái độ trân trọng người viết, cô có cái nhìn khá sắc sảo về chân dung từng tác giả, làm bật lên những điểm sáng trong quá trình sáng tác và khai quật những mảng tối trong tâm tư đời thường của họ để độc giả hiểu thêm vài khía cạnh bên lề nhưng hữu ích cho việc đánh giá tác phẩm. Mang Viên Long, một thế hệ buồn… cô viết về người tác giả cùng quê là một bài viết hay, theo ý tôi.
Là một nhà nghiên cứu văn hóa, cô có duyên với công việc này & nếu ‘mài kiếm cho sắc’ biết đâu có thể trở thành một cây bút lý luận phê bình đủ sức kế thừa thế-hệ-Thụy-Khuê.
Cô cũng có lợi điểm là phái nữ, dí dỏm, bộc trực, vì vậy trong mối giao lưu văn nghệ cô là mẫu người nối kết được cả hai thế hệ cũ và mới, dễ thu phục được cảm tình của nhiều nghệ sĩ có tên tuổi, hải ngoại cũng như quê nhà, mà tản văn Dã quỳ trầm lặng bộc bạch khá rõ con người của cô.
Tôi khá tâm đắc khi cô nhận xét về một nhà văn thuộc thế hệ giao thời giữa hai chế độ - Cung Tích Biền - một tác giả tuy có vài vướng mắc hiểu lầm với chính quyền mới nhưng ông là nhà văn vị nghệ thuật, viết rất đều và viết hay, tôi là một trong những người ái mộ ông từ trước 75. Đọc Cung Tích Biền và xứ động vật màu huyết dụ của Ban Mai làm tôi càng yêu ông hơn, một người đã có một Tổng tập phát hành cả ngàn trang và có nhận xét đáng suy nghĩ về thiên chức của ngòi bút, ‘Văn chương có thể huyền ảo, nhưng trách nhiệm của Nhà văn không thể là một hư ảo’.
Ban Mai cũng không do dự khi chọn Uyên Lê là nhà văn nữ tiêu biểu của thế hệ sanh ra và lớn lên khi quê hương ngừng tiếng súng. Tôi chỉ đọc vài truyện ngắn của cây bút này nên không tiện bàn về sự chọn lựa của cô.
Có một điều tôi chưa đồng thuận với Ban Mai khi cô bày tỏ sự thất vọng khi trong nước còn thiếu những cây bút tài năng, những tác phẩm thật hay lẽ ra phải có. Cô cũng phàn nàn sự thiếu hụt trầm trọng những nhà phê bình văn học trung thực, uyên bác. Phàn nàn thì đúng, nhưng thất vọng thì thiết tưởng chưa nên.
Bên lãnh vực khoa học Việt Nam đã có Ngô Bảo Châu (tất nhiên nhờ đào tạo ớ Pháp), tôi vẫn kỳ vọng qua lãnh vực văn học nếu tìm được những tài năng trẻ, có năng khiếu xuất thần về văn thơ, được kế thừa kinh nghiệm của các cây viết lớn thời Đổi Mới, không bị nhồi sọ kiểu văn chương minh họa, được bồi dưỡng cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất, một đất nước có dân số gần trăm triệu, có truyền thống ngàn năm văn hiến phải sản sinh được
những nhà văn / nhà thơ có tác phẩm lớn. Tôi cũng không bỏ qua tiềm năng này kể cả lớp trẻ ở hải ngoại và sự tiếp tay của giới văn bút đang sống xa quê hương. Tôi đã đi hơi xa, lạm bàn vô vị chuyện này khi còn tồn tại cái chế độ văn chương hù dọa, lại dị ứng với những người tâm huyết tập hợp trong Văn đoàn độc lập có chủ trương trong sáng,”Vì một nền văn học tự do, nhân bản”.
Quay lại bài viết, quả thật tìm hiểu và viết về một cây bút tôi chưa quen, lại ở tuổi cách nhau cả gần thế hệ, tất nhiên cũng có mặt hạn chế trong cách nhìn và tỏ bày quan điểm. Nhưng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật những năm gần đây ta không thể làm ngơ về hiện tượng xuất hiện một cây bút nữ với cách nhìn cách viết đã gây tiếng vang trong giới văn đàn và khi chọn đề tài ‘Ban Mai, cô là ai’, người viết chỉ muốn gây thêm sự tò mò của độc giả và để người đọc tự tìm hiểu về cô theo cách nhìn riêng. ./.
Santa Ana, tháng Năm – 2015
Đỗ Xuân Tê
(tác giả gởi)
-
source: www.banvannghe.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét