thanhthuonghoang@thanhthuonghoang.com
Dòng Suối Chưa Cạn
Bài viết của Lâm Văn Sang
Dòng Suối là tên một tập truyện ngắn của nhà văn, nhà báo Thanh Thương Hoàng do nhà Ngọc Huyên & Quốc Oai xuất bản trong năm nay. Người viết, sinh sống ở San Jose, đặt bút theo lời khuyên của Nietzsche "lấy máu mình mà viết." Và như thế, ít nhất, ông đã viết trong tư thế đó từ nhiều năm nay kể từ khi đến Mỹ năm 1999: Tiến Sĩ Lê Mai (1999), Người Mỹ Cô Đơn (2000), Những Nỗi Đau Đời (2001), Ông Tướng Tỵ Nạn (2005). Và bây giờ Dòng Suối một tác phẩm gồm 17 truyện ngắn và một "kịch bản phim" (viết ở Sài Gòn năm 1987 vừa tìm được, theo lời của tác giả).
Có một điều gì đó rất bình thường trong toàn bộ tác phẩm, trong mọi câu chuyện được kể. Chúng nằm trong toàn bộ những sáng tác khác của tác giả. Chúng cũng nằm trong toàn bộ sách của nhiều người cầm bút ở hải ngoại. Tất cả có cùng một điểm nhìn, một khuynh hướng sáng tác, một nhịp sống chung thể hiện trong toàn bộ truyện dài và ngắn, tạp ghi, bút ký, tham khảo, hồi ký… ở hải ngoại, nơi có tự do để lên tiếng. Nói chung, với Thanh Thương Hoàng tất cả được trình bày qua hình thức hư cấu nhưng điều này không đồng nghĩa với ngụy tạo. Đó chỉ là một cách nói, một cách viết cốt gần nhưng không xa với sự thật, cốt xa nhưng không gần với hư cấu. Điều bình thường, dễ thấy, tôi muốn nói ở đây là sự xung đột kéo dài trong và sau chiến tranh giữa người Việt (dân tộc) với người Việt (cộng sản). Dường như đó là đề tài (chủ đề) của rất nhiều sách vở ở ngoài nước. Sau súng đạn điều còn lại là bút mực. Và trận chiến này xem ra không đơn giản hơn trận chiến trước, cũng không dễ dàng chấm dứt như trận chiến trước, trừ phi… Nói như thế có quá đơn giản? Dòng Suối của Thanh Thương Hoàng không ngừng ở đó. Là một người làm báo kỳ cựu ở miền Nam, ông có nhiều thực tế để viết hơn người khác. Ông sống nhiều hơn những người cầm bút khác. Ông nhìn thấy (biết) nhiều hơn những gì đã viết xuống. Dòng Suối và những tác phẩm khác của ông chỉ mới là một phần của đời sống đó. Bên dưới xung đột nói trên còn là cái nhìn phê phán đối với chính trị và xã hội miền Nam, cuộc chạm trán giữa người Việt với nhau. Hai truyện ngắn (Nỗi cô đơn của ngài tổng thống và Chân dung của một đại tá tỉnh trưởng) là điển hình của phê phán này.
Dòng Suối của Thanh Thương Hoàng còn trình bày một thực tế xung đột lớn khác giữa người Việt và người Mỹ. Kịch bản phim "Nỗi đau còn đó" trong Dòng Suối và truyện dài "Người Mỹ cô đơn" trước kia đi sâu vào phân tích, mổ xẻ khía cạnh tăm tối của xung đột này. "Chính sắc đẹp của mẹ tôi đã hại bà, đã trở thành kẻ thù của bà. Bà bị một ngoại nhân hãm hiếp ngay sau bụi tre nhà." (Dòng Suối, tr. 302). Mẹ tôi là một cách nói khác về Việt Nam? Nam hay Bắc đều trải qua một vụ hãm hiếp? Việt Nam là kẻ thù của chính mình, là nạn nhân của chính mình? Xung đột đó kéo dài hơn khi một phần của Việt Nam đó, như chính tác giả, phải ra khỏi nước, định cư ở Mỹ. Nước Mỹ đó là "địa ngục của người già." (DS, tr. 151). Mỗi truyện ngắn trong Dòng Suối đều có giới hạn (số chữ, số trang, cốt truyện) của nó. Nhưng câu chuyện kể qua những xung đột nói trên dường như không thể dứt. Những nhân vật đó trong truyện và ngoài đời vẫn còn hiện hữu. Người viết như tác giả của Dòng Suối vẫn còn sống, vẫn còn làm chứng nhân cho một thời vẫn chưa qua, cho trái tim vẫn còn tiếp tục đập trong lồng ngực Việt Nam, muôn đời. Họ là "những ông bạn già viết văn làm thơ của tôi. Người nào cũng bẩy, tám mươi tuổi rồi mà vẫn quên tuổi già, quên sự tàn phá phũ phàng của thời gian, quanh năm vẫn 'đánh vật' với thơ văn!" (DS, tr. 135). Tác giả, ông Thanh Thương Hoàng, sinh năm 1930 ở Hải Ninh, Bắc Việt, năm nay 79 tuổi. Kẻ "vẫn quên tuổi già" là chân dung tự họa của chính tác giả. Dòng suối của ông vẫn chưa cạn.
Dòng Suối
Ông nhà báo già khi tù cải tạo về mới biết một cách chính xác thực trạng gia đình mình. Vợ ông đem theo đứa con gái út vượt biên. Sau nửa năm định cư tại Hoa Kỳ bà lấy một người Mỹ trước đây là bạn thân của gia đình ông. Cô con gái tốt nghiệp đại học, một buổi theo bạn bè lên thăm ngôi chùa trên núi cao nơi chốn rừng sâu cô bỗng quyết định ở lại xuống tóc đi tu, mặc cho bạn bè hết lời can ngăn. Cô cũng không chịu nói cho mọi người biết nguyên do. Còn mấy đứa con ở lại nước thì lấy cán bộ, lấy cựu sĩ quan cộng hòa tù về và được đi theo chương trình HO định cư tại Mỹ. Thế là gia đình ông nhà báo già bỗng nhiên trở thành một điển hình cho cái mà người ta vẫn mệnh danh là "hòa giải hòa hợp dân tộc"! Có cộng, có quốc và có cả "đế quốc Mỹ" nữa! Một "đại gia đình" tự hợp chẳng cần phải bỏ công sức, xương máu tranh đấu bao năm trời mà "thiên hạ" vẫn chưa đạt được. Chỉ có riêng ông là bơ vơ và cô đơn. Nước mất ông đi tù, tất nhiên mình ông gánh chịu. Ra tù ông mất tất cả vợ con, bạn bè, thân quyến. Ông không oán giận đời. Ông chỉ buồn cho số phận mình. Tới ngày trí cùn lực kiệt, mỏi gối chồn chân lại sa vào cảnh vô gia đình vô tổ quốc. Ông bị đối phương bắt tù với tội danh vu vơ "văn nghệ sĩ báo chí phản động". Ông được tha tù với lý do cũng vu vơ "cải tạo tốt". Họ có "cải" được gì và cũng chẳng "tạo" được gì có thể gọi là tốt cho ông đâu! Ông vẫn là ông trước sau có gì thay đổi.Thời cộng hòa ông viết những bài báo kết án nặng nề những kẻ cầm quyền tệ hại đầy lòng tham, chỉ biết địa vị hối lộ tham nhũng. Yêu tiền bạc hơn yêu nước thương dân. Ông bị kết án cộng sản nằm vùng phá hoại, bị bắt tù đôi ba lần nhưng không lần nào quá một năm. Khi cộng sản xâm chiếm miền Nam, ông lại bị bắt tù về tội "văn nghệ sĩ báo chí phản động, tay sai Mỹ ngụy", chống cộng trên "thượng từng kiến trúc". Thế là thời nào ông cũng là kẻ có tội. Người ta đã nhân danh tổ quốc, nhân danh dân tộc, nhân danh chính nghĩa bắt bỏ tù ông. Bây giờ tù về ông mất tất cả, kể cả sự sống mà ông đang đứng trên mặt đất hít thở khí trời đây. Ông không buồn cũng không vui, không khổ không hận. Sau nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy ngẫm sự đời nơi căn lều nát sau nhà của một người bạn cũ, ông nhà báo già đi đến quyết định mà trước đây khi còn trong trại tù ông chưa bao giờ nghĩ đến! Đó là để tiêu hết khoảng thời gian còn lại của cái tuổi "tà tà bóng ngả về tây", ông quyết làm một chuyến "giang hồ không bờ không bến" trên mảnh đất quê hương này cho tới ngày nào đó gục ngã tại một nơi hoang vu không người qua lại. Một nơi không lấm láp vướng mắc chút bụi trần. Một nơi không có vết tích của sự đời hỉ nộ ái ố. Thân xác ông sẽ hội nhập cùng cỏ cây hoa lá, cùng khí trời thanh khiết tinh khôi. Và linh hồn ông thanh thoát bay bổng trên cõi xanh thẳm bao la bát ngát. Ông viết thư cho mấy người bạn thân thiết nhất và các con ông ở nước ngoài giúp cho ông hàng tháng một số tiền để sống theo ý mình. Tất nhiên mọi người sẵn sàng giúp ông, mặc dầu họ không mấy tán thành cái công việc ông đang hăm hở thực hành.
Với túi lương khô, với bình nước uống, vài ba cái áo quần xếp gọn trong cái ba lô đeo vai, ông nhà báo già thủng thỉnh thênh thang cất bước, ngày đi đêm nghỉ. Chỗ nào thuộc loại danh lam thắng cảnh ông dừng chân nghỉ dăm ngày để "tham quan". Khởi đi từ miền Nam. Từ những vùng đồng bằng bao la bát ngát tới những cánh rừng rậm âm u không vết chân người của vùng U Minh, Thất Sơn huyền bí. Ông đã gặp những con người gần như người tiền sử. Họ sống tự nhiên như cỏ cây, như núi đồi, như trăng sao. Ông cũng tiếp xúc với những ông đạo trong những hang hốc núi đá nói toàn chuyện thần tiên ở một cõi khác. Gặp bất cứ ai ông nhà báo già cũng làm một màn "phỏng vấn". Ông hỏi ông đạo: "Ông tu để làm gì?". Ông đạo râu rậm rì bạc phơ dài tới rún, tóc dầy trắng xóa phủ kín cả hai vai trông rất tiên phong đạo cốt, đáp: "Tu để mà tu". "Cho ông hay cho đời?". "Cho tất cả!". Ông nhà báo già muốn hỏi thêm nhưng ông đạo đã nhắm nghiền đôi mắt lại. Ông nhà báo già lại cất bước. Lúc ấy trời đã về chiều, ánh nắng vàng nhạt trải xuống khu rừng thưa như một tấm lụa huyền ảo. Ông nhà báo già bâng khuâng nhìn cảnh vật, chợt một làn gió nhẹ lướt tới.Trong hơi gió ông nghe có tiếng suối róc rách tuôn nước văng vẳng đâu đây, ông lần bước về phiá ấy. Một con suối hiện ra trước mặt. Hai bên bờ suối là những tảng đá xám đen lớn nhỏ tạo đủ hình thù đẹp xấu gai góc xen lẫn bên đám cây cỏ hoang. Dòng suối có lẽ đang mùa nắng nên mực nước không sâu lắm và trong vắt có thể nhìn thấy những tảng mây trắng bồng bềnh trôi trong lòng suối. Ông nhà báo già đưa mắt tìm một tảng đá bằng phẳng để ngồi nghỉ chốc lát rồi lội xuống suối tắm mát thì bất chợt nhìn thấy phía chéo bên kia bờ suối, chỗ nước hơi chẩy siết, có một người khoác chiếc áo dài đen cũ kỹ, ngồi bất động trên một tảng đá nhăn nheo sù sì khá lớn mầu xám xịt mốc meo lởm chởm sống trâu với những khe nhỏ nứt nẻ. Một nửa tảng đá nằm dưới suối rêu xanh bám đầy. Lạ nhỉ, giữa chốn thâm u cùng cốc này lại có một người ngồi bên bờ suối có vẻ như một hiệp khách hay một đạo sĩ đang ngồi tu hay luyện chưởng trong truyện kiếm hiệp của nhà văn Trung quốc nổi tiếng Kim Dung. Ông nhà báo già bỏ ý định tắm suối, bước men theo bờ suối về phía người lạ. Con suối bề ngang khoảng gần hai mươi mét. Khi gần tới ngang tầm bờ suối bên kia, ông nhà báo già nhìn thấy người mặc áo dài đen vóc người nhỏ nhắn nhưng có vẻ rắn rỏi. Ông nhà báo già đằng hắng liền mấy tiếng, người bên kia suối mới ngửng mặt nhìn ông. Đây là một người già cũng cỡ tuổi ông, mặt có vẻ phong trần khắc khổ với bộ râu ba chòm muối tiêu lưa thưa. Nhưng ông ta chỉ ngước nhìn ông nhà báo già vỏn vẹn một giây rồi lại cúi đầu nhìn xuống dòng suối chẩy, coi như không có việc gì xẩy ra. Ông nhà báo già sinh tò mò. Tò mò vốn dĩ là thói quen nghề nghiệp của người làm báo. Ông cởi quần áo lội xuống suối vờ vẫy vùng một chút rồi bơi tới sát bờ bên kia - chỗ người lạ ngồi - với ý định bắt chuyện làm quen nhưng người này vẫn thản nhiên như không biết. Ông nhà báo già đành lên tiếng: "Chào ông bạn!". Người lạ không nhúc nhích. Ông nhắc lại lời chào lần nữa. Vẫn im lặng. Chẳng lẽ lão này câm điếc? Trước tượng đá lạnh lùng, ông nhà báo già đành lội nước trở về chỗ cũ. Trí tò mò kích thích, hôm sau ông trở lại bên dòng suối và tắm và lội và mon men lại gần như hôm trước. Rồi hôm sau nữa. Lần này nếu tượng đá vẫn im lặng lạnh lùng nhìn dòng suối chẩy thì ông sẽ dứt khoát bỏ đi luôn. Ông nhà báo già nói lớn như la: "Này lão quái nhân kia! Câm điếc thật sao?" Khi ông vừa dứt lời thì tượng đá lần này lên tiếng, giọng khàn và hơi nặng như giọng người miền Trung, không đáp câu hỏi mà hỏi lại: "Ông có nhìn thấy gì dưới dòng suối không?". Ông nhà báo già ngạc nhiên nhìn lại dòng suối, quan sát vài phút từ gần tới xa. Ông không thấy gì lạ cả. "Tôi chẳng thấy gì ngoài nước chẩy". "Ông không nhìn thấy máu à?". "Máu?". "Phải!". Ông nhà báo già dụi mắt nhìn. Và trong đầu ông chợt lóe lên ý nghĩ: chắc lão này điên. Người lạ có lẽ đoán được ý nghĩ của ông nói: "Mấy trăm người chết xác trôi đầy suối mà không nhìn thấy máu à?". Ông nhà báo già bắt đầu hoảng, ông lùi ra giữa dòng suối. Lão ta điên thật rồi. Ta phải rút lẹ thôi! Người lạ bỗng cất tiếng cười: "Đừng sợ, ông bạn. Mời ông lên ngồi tảng đá này nói chuyện đời chơi!". Dường như để trấn an ông nhà báo già, người lạ nói tiếp: "Trông ông khỏe mạnh hơn tôi nhiều đừng sợ tôi ăn thịt!". Ngẫm nghĩ một chút và sau khi quan sát người lạ lần nữa, ông nhà báo già rời khỏi suối bước lên tảng đá ngồi đối diện người lạ. "Ông hút thuốc không? Thuốc rê này êm và dịu lắm, bây giờ ít người hút vì người ta hút toàn thuốc lá Anh, thuốc lá Mỹ". Ông nhà báo già vấn một điếu thuốc rê, mồi lửa hít một hơi nhả khói. Ông hơi nhăn mặt vì khói thuốc đắng, nặng khiến ông bị sặc ho. Ông nói: "Lâu lắm tôi mới hút lại thứ thuốc này". "Lâu lắm là bao lâu?". "Có lẽ cũng trên 3 năm". "Hút ở đâu?". Ông nhà báo già cố ghìm sự khó chịu vì lời lẽ có vẻ cật vấn của người lạ. Ông đáp nhát gừng: "Trong trại tù!". "Cũng bị tù à? Tù quốc gia hay tù cộng sản?". "Cả hai, nhưng tù cộng sản lâu hơn và khổ hơn. Vì nghèo không tiền nên phải hút thuốc rê loại nặng lắm, đặc quánh ni cô tin như thuốc Quảng Ngãi, Gò Vấp". Người lạ bỗng cất tiếng cười ha hả. Ông nhà báo gìa tự nhủ: thằng cha này nhất định không thuộc típ người bình thường. Ta tán nhảm với hắn vài câu rồi rút êm cho xong việc. Trong lúc ông nhà báo già nhấp nhổm định đứng lên thì người lạ giữ lại: "Ô hay, chúng ta đã nói được chuyện gì đâu mà ông bạn vội chuồn. Ông cứ ngồi đây hút hết điếu thuốc đi rồi tôi nói cho ông biết về dòng suối đầy máu chẩy này". "Nhưng... nhưng tôi có thấy gì đâu". "Tại vì ông nhìn bằng mắt thường nên không thấy". "Thế có nghĩa là...". Người lạ vẫn thản nhiên nói: "Có nghĩa là tôi nhìn với con mắt của người chết. Của cả mấy trăm người chết". Nghe nói thế ông nhà báo già thốt lên một tiếng "ối" rồi đứng vội lên muốn nhẩy xuống suối lội về bên kia bờ. Người lạ giữ tay ông lại: "Ông bạn ơi, có gì đâu mà ông sợ hãi đến thế. Hãy ngồi lại đây, mặt trời còn cao mà. Nếu cần tôi mời ông tới túp lều tranh của tôi uống vài chén rượu. Ở nơi rừng rú hoang dã này có được người trò chuyện quả là một điều vui". "Nhưng thú thật tôi ớn ông quá. Ông là ai?". Người lạ lại phá lên cười: "Tôi là người mà trước đây ông và các người thuộc về phe ông vẫn coi là kẻ thù, kẻ thù không đội trời chung". "Kẻ thù của tôi, của chúng tôi?". "Đúng vậy! Chúng ta mỗi người ở một chiến tuyến, cầm súng bắn giết nhau mấy chục năm trời liền". "Thì ra ông là cộng sản!". "Phải!". Ông nhà báo già bất giác nói như than: "Đánh giết nhau thật chẳng ra làm sao cả! Nhưng khi nhìn ra, nhìn thấy, nhận biết thì tất cả đều đã chẳng ra làm sao mất rồi!". "Đúng vậy, thật chẳng ra làm sao cả!". Ngưng chút người lạ nói tiếp, giọng trầm hẳn xuống: "Chắc ông tưởng tôi là người điên hay ít ra cũng là kẻ mê sảng phải không?. Phải nói với ông rằng tôi là người rất tỉnh, phải, rất tỉnh nên lâu nay mới tới ngồi bên bờ suối này. Chớ nếu tôi mê, tôi sảng, tôi lên đồng, tôi say men chiến thắng thì tôi phải đang ngồi ở Hà Nội hay Sài Gòn và ngồi ngất ngưởng trên ghế cao trong căn phòng lớn hiện đại, ông bạn ạ. Ông có muốn nghe chuyện tôi không?". Tất nhiên ông nhà báo già muốn nghe. Sự tò mò của nghề nghiệp lại trỗi dậy trong ông. Ông ngồi xuống chỗ cũ quan sát người lạ một lần nữa. Khuôn mặt dài khắc khổ, bộ râu ba chòm lưa thưa muối tiêu, nước da ngăm đen, đôi mắt nhỏ dài hơi đỏ. Chẳng có gì đặc biệt hết - ông nhà báo già nghĩ thầm. Ông hỏi: "Ngày trước ông có đi B?". "Đi". "Đánh những trận nào?". "Nhiều lắm không nhớ hết". Ông ta phanh ngực áo cho ông nhà báo già coi: "Ông xem đây này!". Ông nhà báo già suýt kêu lên sửng sốt. Sẹo chi chít dọc ngang khắp ngực. "Tài thật, thế mà chưa chết!". "Tôi cũng lấy làm lạ về việc này". "Chắc ông bạn có nhiều huy chương lắm?". "Thì ngang với số sẹo". Lưỡng lự chút ông nhà báo già hỏi: "Những cái sẹo này có liên quan gì tới dòng suối này không?". "Liên quan chớ. Tôi tưởng mình đã trôi thây trên dòng suối này". "Tôi rất muốn nghe ông kể". Người lạ cười cười: "Vội thế ông bạn. Hết sợ rồi sao?". Ông nhà báo già khẽ gật: "Chưa hết hẳn nhưng vì tò mò". Người lạ đứng lên vươn vai: "Thế này nhé, căn nhà tranh của tôi cũng gần đây thôi. Tôi muốn mời ông ghé uống ly rượu. Rượu đậu nành do chính tay tôi ủ rồi nấu. Sống ở đây nhàn rỗi quá nên tôi phải bầy ra việc để làm. Với lại uống rượu quên đi được nhiều thứ lắm, nhất là quên được mình!". "Ông sống thế này khác gì nhà tu". "Cũng gần như thế?". "Tu mà uống rượu là phạm giới đấy?". Ông nhà báo già nói đùa. "Ai cấm được tôi. Hơn nữa tôi không tu mà còn hơn cả tu nữa kìa, vì tôi ở mức thượng thừa rồi, uống rượu coi như uống nước lã thôi". Cả hai cùng cất tiếng cười sảng khoái. Họ cùng cảm thấy thân mật hơn. Ông nhà báo già lội sang bên kia bờ suối lấy quần áo và vật dụng rồi lội trở lại mặc quần áo và bước theo người lạ. Đi được khoảng vài trăm mét, người lạ chỉ tay vào một cây cao lớn cành lá xum xuê: "Nhà tôi đó!". Dưới gốc cây là một căn nhà tranh nhỏ, chung quanh có hàng rào le. "Ông cũng sợ thú sao mà phải làm hàng rào bao quanh? Tôi tưởng thú phải sợ ông chứ!". Người lạ chăm chăm nhìn ông nhà báo già: "Đến giờ này đã mấy chục năm trôi qua rồi mà ông vẫn còn có cái nhìn đó à?". Biết mình hơi nói quá ông nhà báo già cười trừ: "Tôi nói đùa". Hai người bước vào trong nhà. Nhà chỉ có một gian độc nhất với một cái bàn, hai cái ghế nhỏ và cái giường cá nhân làm bằng tre. "Ông ở một mình?". Ông nhà báo già hỏi để cho có câu hỏi. Chủ nhà khẽ nhún vai không trả lời. Ông ta lấy hũ rượu nhỏ bằng sành và hai cái chén đặt lên bàn tre. Rượu thơm cay nồng. Sau khi cụng ly lần thứ hai chủ nhà mới hỏi: "Nãy giờ ông đã biết tôi là ai rồi. Thế còn ông? Quan hay lính cộng hòa?." "Tôi chẳng phải quan cũng chẳng phải lính, chỉ là công dân bình thường" "Vậy hà cớ gì bị bắt tù?". "Thế đấy! Tôi bị các ông bắt về tội nợ máu nhân dân, chống cộng ở "thượng từng kiến trúc" đấy!". Bốc hứng, sau khi uống ly rượu thứ ba, ông nhà báo già hết dè dặt kể luôn một mạch về cuộc đời, về gia đình, về tình trạng hiện tại của mình cho chủ nhà nghe. Ông chỉ dấu việc đang trên bước đường "tiếu ngạo giang hồ" hiện nay. Chủ nhà nghe xong cất tiếng cười lớn: "Thì ra hai thằng mình cùng mắc chung một chứng bệnh - mà người đời gọi một cách văn hoa là chứng bệnh thời đại - hôm nay trời đất run rủi xui khiến gặp nhau ở xó rừng già này". "Mình già thì gặp ở xó rừng già là phải rồi! Nhưng ông bạn nói mắc cùng chứng bệnh thời đại với tôi?". "Thì khi hết đánh nhau (đánh nhau với đi tù có khác gì, cũng khổ như trâu như chó, mạng người khác gì mạng kiến) tôi về nhà chứng kiến cảnh người vợ yêu qúy lấy thằng bạn thân của mình. Tôi có hai con trai, hai con gái. Thằng thứ nhất thuộc loại du côn du kề phá phường phá phố, theo bạn bè rủ rê vượt biển mất tích. Thằng thứ hai bị bắt đi bộ đội đánh nhau bên Căm pu chia đạp phải mìn nổ què cụt chân tay đang nguyền rủa đời và nguyền rủa cả bố nó là tôi. Còn hai đứa con gái, một lấy anh Liên Xô theo chồng về nước, một lấy chàng sĩ quan chế độ cũ tù cải tạo về đi HO sang Mỹ. Cả hai biệt tăm biệt tích luôn, không thèm thư từ thăm hỏi. Như vậy tôi có khác gì ông bạn, cũng hòa giải hòa hợp cỡ quốc tế ấy chứ!". Ông nhà báo già thở dài: "Buồn nhỉ". Chủ nhà xua tay lắc đầu: "Chưa đâu, còn cái buồn hơn đau hơn nữa kia. Tôi hỏi ông nhé! Ông và các bạn ông và tất cả những người bên hàng ngũ của ông chiến đấu để nhằm mục đích gì?" Ơ, cái nhà anh cộng sản già này lại định giở trò tuyên truyền tuyên trá gì với mình đây. Nghĩ vậy nhưng ông nhà báo già vẫn trả lời: "Chúng tôi chiến đấu cho tổ quốc, cho dân tộc, cho tự do, cho dân chủ". "Hà hà, thằng con bộ đội què quặt phế nhân của tôi cũng hỏi tôi như thế và tôi cũng trả lời như thế. Ông biết nó nói sao không? Nó bảo: Bố cả đời hy sinh chịu đựng gian lao khốn khổ vào sinh ra tử và cả triệu người chết vì bom đạn nơi trận mạc để được gì? Có phải là để được người đời trong những buổi tụ họp công cộng dành một phút cúi đầu mặc niệm chiến sĩ vô danh? Có phải là để cho một bọn người tự xưng lãnh tụ nhân danh tổ quốc, nhân danh dân tộc lấy máu của mọi người viết thật lớn tên tuổi họ vào lịch sử? Rồi họ và con cháu họ sống phè phỡn trong hưởng thụ giầu sang phú quý. Còn những kẻ hy sinh cho họ, may mắn sống sót trở về như bố và con, được gì ngoài cái thân thể tàn phế sống dở chết dở?". "Rồi ông trả lời nó sao?". "Tôi chửi nó một trận là đồ phá hoại, đồ phản động, đồ hư hỏng, đồ thế nọ thế kia và đuổi nó ra khỏi nhà". "Nó đi không?". "Nó đi chớ. Trước khi đi nó nói: mai này bố sẽ thấy những lời con nói là đúng và bố sẽ ăn năn hối hận suốt đời vì cái trò đem cả đời mình cầm c. cho chúng nó đái!". Im lặng một lúc lâu ông nhà báo già mới lên tiếng: "Rồi ông " thấm" lời nó nói và lặn lội đến nơi này để ăn năn, để sám hối?". "Còn hơn thế nữa ông bạn mới quen biết ạ. À mà lạ thật, mới gặp ông tôi có cảm tưởng như đã quen thân lâu lắm, dám đem cả tâm sự chôn kín trong đáy lòng bao năm ra kể lể… " Ông nhà báo già cười: "Cùng một lứa bên trời lận đận nên "đồng bệnh tương lân" mà! Ông có thể cho tôi biết thêm về việc "còn hơn thế nữa" được không?" "Thôi giờ này cũng đã tối rồi nếu ông không chê nhà tranh vách gỗ ở lại với tôi đêm nay chúng ta uống rượu cho say khướt, sáng ngày mai ra bờ suối, chỗ chúng ta ngồi buổi chiều, tôi sẽ nói hết với ông nguyên do mà ngày ngày tôi ra ngồi đó nói chuyện...với ma".
"Năm đó trung đoàn do tôi chỉ huy trên đường vào B, đi tới con suối này thì bị B 52 của Mỹ dội bom chùm. Cả đơn vị mấy trăm người chỉ còn sống sót vài người, trong số có tôi. Tôi bị thương ngất đi, không ngờ khi bị dòng suối cuốn trôi - lúc ấy đang mùa lũ - nước lạnh làm tôi hồi tỉnh. Thân tôi tấp vào bờ suối và tôi đã bò lên được tảng đá này nằm chờ người tới cứu trong sự vô vọng. Đúng là số tôi chưa tới ngày tận cùng như các bạn đồng đội. Tôi được một ông già cứu - hình như là thầy tu - đem về nhà lo chữa chạy khỏi rồi đuổi tôi đi. Lúc ấy tôi không hiểu nguyên do việc làm này. (Mấy năm sau tôi đến đây tìm nhưng không gặp lại người ân nữa). Chiến tranh chấm dứt tôi trở về và người ta trả công xương máu của tôi bằng một chức vụ khá cao nơi chốn cung đình. Tuy là tướng nhưng tôi lại làm công việc của quan văn. Thời bình chia nhau phần xôi thịt mà! Tôi mất vợ (từ lâu rồi) và sau đó là những đứa con. Chúng nó thấy các ông bà lớn khắp nước thi nhau vơ vét tiền bạc của dân của nước để hưởng thụ giầu sang phú quý, nên đã kêu gào áp lực bắt tôi phải làm những việc trái với lương tâm, trái với lý tưởng một đời tôi đã hy sinh phụng sự, tôi không chịu. Thế là chúng nó oán giận tôi và sinh bất mãn. Hai thằng con trai, đứa thì vượt biển chết, thằng thì trận mạc về tàn phế không được đãi ngộ, phá phách chửi rủa. Còn hai đứa con gái, đứa lấy chồng ngoại quốc, đứa lấy kẻ cựu thù, ruồng bỏ quê hương nhằm đổi đời. Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng sau khi chịu đựng bao hy sinh gian khổ, chiến thắng trở về trong vinh quang lại mất tất cả".
Người kể chuyện ngưng lại ở đây. Ông nhà báo già nhìn đăm đăm người đối diện. Lão sám hối thật hay lại diễn tấn trò mới qua vai bi thảm hoặc là đau thật nhưng đau vì bị "bọn nó" đểu cáng trở mặt gạt ra ngoài mất phần? Mấy bố này khó mà tin được lắm!. Tuy nhiên ông nhà báo già vẫn giữ im lặng. Kinh nghiệm đời cho ông biết rằng muốn tồn tại không bao giờ tỏ lộ thái độ. Ông tướng già cầm một hòn đá liệng xuống suối, nói: "Không một tiếng vang!". Và ông ta cất tiếng như than sau khi nhìn hòn đá chìm lỉm dưới nước: "Đó, sự phản đối của tôi với bọn cầm quyền ngày nay như vậy đó!". "Và rồi ông tỏ thái độ bất bình bằng cách rũ áo từ quan lên chốn rừng núi này sống?". Ông tướng già thở dài: "Chỉ đúng một phần. Như tôi đã nói với ông, những lời rỉa rói trách móc và oán hận của thằng con thương binh tàn tật của tôi bắt đầu ám ảnh dầy vò hành hạ tôi. Thế rồi ông biết không, sau đó những đêm dài liên tiếp tôi không tài nào ngủ được, mà hễ cứ nhắm mắt tôi thấy một bọn người mặt mũi xanh xao tóc tai rũ rượi áo quần rách rưới thảm não nối tay nhau dài như bất tận diễu hành qua trước mặt tôi. Nhìn chúng, tôi nhận ra ngay đó là đám binh sĩ dưới quyền đã bị chết ở dòng suối này! Chúng đồng thanh kêu gào hò hét những khẩu hiệu oán hờn và đòi thường mạng sống!" Nghe tới đây ông nhà báo già rùng mình nổi da gà. Ông hết nhìn người tướng già tới dòng suối. Nước vẫn êm đềm trôi xuôi. Cây cối hai bên bờ vẫn xanh tươi dưới nắng vàng rực rỡ. Ông tướng già nói tiếp: "Tôi bị bọn "âm binh" hành hạ như thế hết ngày này qua tháng khác, tôi hỏi ông như vậy làm sao sống nổi? Thế là tôi quyết định". "Ông quyết định từ bỏ tất cả để lên đây sống với những hồn ma, để ăn năn sám hối, để chuộc tội giết người?". "Phải, sự giết người dù nhân danh bất cứ gì, cũng đều là tội lỗi khó tha thứ!". "Ông nghĩ sao về tổ quốc về đồng bào mà nói vậy?". Ông tướng già chần chừ: "Tôi muốn biết quan điểm của ông trước. Vì đối với tôi mấy chữ tổ quốc đồng bào không có trong bộ nhớ của tôi từ lâu lắm rồi". Ông nhà báo già cười nói ngay: "Tốt thôi, trong thời đại chúng ta đang sống đây trên đất nước này rõ ràng có hai tổ quốc.Tổ quốc của chúng tôi và tổ quốc của các ông. Vì cái sự nhân danh tổ quốc này mà người ta bắn giết nhau mấy chục năm trời. Tổ quốc của chúng tôi là lưỡi gươm đã gẫy từ lâu, gẫy từ khi bọn thực dân Pháp đến cướp nước. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, lấy xương máu bao thế hệ rèn đúc lại lưỡi gươm nhưng cho tới ngày nay vẫn còn là lưỡi gươm gẫy! Còn tổ quốc của ông, tổ quốc xã hội chủ nghĩa của các ông, chính là tảng đá sù sì lởm chởm mốc rêu mà ông đang ngồi lên đó!". Ông tướng già đứng bật dậy trừng mắt rựng râu nhìn "đối phương". Mấy phút sau, ông bất thần để nguyên quần áo nhẩy ùm xuống suối, hai tay liên tục đập mạnh xuống nước làm nước bắn tung tóe. Rồi ông ta cười lên sằng sặc từng hồi: "Ha ha! Tổ quốc của ông, tổ quốc xã hội chủ nghĩa của các ông chính là tảng đá sù sì lởm chởm mốc rêu mà ông đang ngồi lên đó! Hỡi những hồn ma chiến hữu còn vất vưởng chất ngất nơi dòng suối này! Các người có nghe rõ không? Tổ quốc mà các ngươi phục vụ và hy sinh là vậy đó! Ha ha!". Ông nhà báo già thản nhiên nhìn ông tướng già múa may quay cuồng la lối vẫy vùng như điên như cuồng trong dòng nước tung bọt trắng xóa. Lát sau ông nhà báo già mới lên tiếng: "Thôi ông bạn ạ, nước có tội tình gì đâu mà ông hành hạ nó như vậy. Lên đây, chúng ta vẫn chưa xong câu chuyện kể của ông mà!". Ông tướng già bước lên bờ để nguyên bộ quần áo ướt sũng nước ngồi xuống tảng đá, nét mặt trở nên thẫn thờ. Cứ thế hai người già ngồi im lặng hết nhìn nhau lại nhìn đất nhìn trời, nhìn cây cỏ, nhìn dòng nước chẩy xuôi và hút thuốc. Bỗng ông tướng già lên tiếng với sự hậm hực tức tối: "Ông có biết tôi đang nghĩ gì trong đầu không?". "Chắc lại đang nói chuyện với những xác chết trôi dưới dòng suối?". Ông tướng già gằn giọng: "Không, không! Tôi muốn đấm vào mặt ông!". Ông nhà báo già phá lên cười, có lẽ đây là lần đầu tiên sau khi đi tù về ông mới có cái cười lớn và sảng khoái như vậy, rồi nói: "Hết đánh nước bây giờ đòi đánh người, đúng là giận cá chém thớt. Ông đã đánh nước đánh người cả đời rồi, giờ đánh làm chi nữa thêm mệt. Này ông bạn ơi, hãy mở mắt thật to nhìn xem. Dòng suối nước trong veo và lặng lẽ êm đềm trôi thật là tuyệt vời phải không?. Ông trông kìa, hai bên bờ suối có những bông hoa rừng tươi thắm rực rỡ đẹp biết bao. Nào có thấy gì đâu những máu và xác chết của ông lềnh bềnh trôi với những bom đạn tàn phá xơ xác tan hoang! Ông bạn ạ, chắc chẳng bao giờ dòng suối kia chẩy nước ngược trở lại. Vậy ông bạn có bằng lòng đi với tôi xuôi theo dòng suối xem nó đưa nước ra sông rồi nhập vào biển cả không?.Thiên hạ nhân danh tổ quốc lấy xương máu đồng loại để lập sự nghiệp, để viết tên mình vào lịch sử. Còn chúng ta lấy nước dòng suối này tắm rửa cho thân thể sạch sẽ rũ hết bụi trần rồi thảnh thơi cất bước viễn du. Chắc nhiều thú vị lắm!". Ông tướng già đứng lên tần ngần đưa mắt nhìn quanh quất rồi sau đó chăm chăm nhìn tảng đá nói: "Thế còn tảng đá này? Tôi đã "sống" với nó bao tháng năm". Ông nhà báo già hình như cố nén một tiếng thở dài, đáp: "Nó sẽ ở lại mãi bên bờ suối này, cho tới khi suối cạn đá mòn, tất cả tan biến theo thời gian, ông bạn ạ. Và cây hoang cỏ dại lau lách, hoặc cũng có thể là kỳ hoa dị thảo, sẽ mọc lên che lấp tất cả! Mai này những việc làm của chúng ta hôm nay sẽ trở thành huyền thoại. Tất nhiên là một huyền thoại buồn và hậu thế sẽ chẳng bao giờ được nghe đúng sự thật những việc xẩy ra ngày hôm nay vì nó bị vo tròn bóp méo, cả xuyên tạc nữa, theo ý của kẻ thắng thế. Còn những kẻ bị coi là thất thế thì cố thanh minh thanh nga, cố chống chế biện minh hay đổ lỗi tại thế này thế nọ, tại thằng này thằng kia, tại bọn tư bản Mỹ, tại lũ cộng sản Nga, Tầu. Nghĩa là lịch sử của chúng ta, của những người làm lịch sử hay của những nạn nhân chỉ là câu chuyện trải qua mỗi thời đại đều được thay mầu đổi áo. Nó khác gì cục đất sét nặn thành những pho tượng khác nhau. Hôm trước vừa mới được dựng tượng tuyên xưng anh hùng dân tộc, hôm sau đã bị đập phá tan tành về tội buôn dân hại nước.Tấn trò đời là vậy. Ô, ông tướng, ông chẩy nước mắt, ông khóc đấy à? Ừ cứ khóc đi, "tuổi già hạt lệ như sương" cụ Nguyễn Khuyến đã nói thế, hơn nữa suốt đời ông có bao giờ biết rơi lệ đâu! Nhưng ông cứ khóc đi, khóc sao cho nước mắt tràn đầy dòng suối này! Rồi nó theo chân chúng ta cùng đi ra biển cả! ./.
LÂM VĂN SANG
==============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét