NHỮNG HỘI VĂN THI SĨ SÀI GÒN
Lê Văn Nghĩa
Theo ta biết vào năm 1957, Trung tâm Văn Bút đã được thành lập và chưa bao giờ bị "dẹp tiệm" thế mà lại có 3 Hội của giới cầm bút khác ra đời. Tạp chí Phổ thông số 244 (năm 1970) cho biết một Hội Văn thi sĩ đã được thành lập với 9 mục tiêu sinh hoạt. Trong đó có một mục tiêu đáng chú ý là "Soạn thảo bộ Tự điển Việt Nam, một bộ Văn học sử Việt Nam và một bộ Dân tộc sử Việt Nam:.
Ban Sáng lập Hội văn thi sĩ gồm 11 nhà văn, thơ, nghiên cứu tên tuổi rất đÁng nể trọng là Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Trần Tuấn Kiệt, Sơn nam , Hà Huy Hà, Vũ Hoàng Chương, Viên Linh, Lê Tràng Kiều, Hoàng Trúc Ly, Võ Phiến, Nguyễn Vỹ. Và sau 2 buổi sinh hoạt, các thành viên trong Ban Sáng lập đồng ý bầu nhà văn Nguyễn Vỹ làm Chủ tịch Ban Sáng lập và Viên Linh làm tổng thư ký.
Chắc điều kiện gia nhập Hội văn thi sĩ dễ dàng nên ban Sáng lập đã đăng thông báo mời gọi các "Bạn văn thơ muốn biết điều kiện gia nhập Hội xin liên lạc tại trụ sở của Hội là tòa soạn báo Phổ thông và báo Khởi hành".
Không biết Hội văn thi sĩ của ông Nguyễn Vỹ 'mần ăn' ra sao mà năm 1971 lại có một hội nhà văn khác ra đời. Nhật báo Tiền tuyến số 175 (9/3/1971) có loan một bản tin như sau: "Ban chấp hành Hội nhà văn niên khóa 1971- 1972 được bầu ra trong một bữa tiệc tổ chức ngày 2 tháng 3 tại khách sạn Hoàn Mỹ Sài Gòn. Sau đây là danh sách tân Ban chấp hành Trung ương; Chủ tịch ông Phạm Văn Giang bút hiệu Trần Đồng Vọng, thi sĩ - Chủ nhiệm nhật báo Nói thẳng, đệ nhất Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Liên sứ thần Việt Nam tại Đại Hàn, Đệ nhị Phó Chủ tịch ông Nguyễn Văn Ba giáo sư đại học, Tổng thư ký ông Lê Văn Duyện bút hiệu Người Thăng Long, Chủ nhiệm nhật báo Sống mạnh. Theo lời người ta không thấy nhà văn nào trong hội Nhà văn này. Được biết tháng qua một hội nhà văn do các nhà văn Nguyễn Vỹ, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc ... đứng tên xin thành lập đã bị nội vụ bác đơn. Đọc bản tin trên anh chị em không khỏi phì cười. Ai đời hội nhà văn thật ra được thành lập từ dưới thời đệ nhất Cộng hòa. Từ ngày ra đời đến nay hội đó chưa làm được bất cứ một việc gì ngoại trừ việc lâu lâu phải bầu cử một lần".
Ấy, chưa hết. Trước đó vào năm 1967, có lẽ để mấy cây viết tới tuổi đi lính, không vào hội nào sẽ viết"ba lăng nhăng "có hại cho chính quyền chăng nên một Hội Văn nghệ sĩ Quân đội ra đời. Chủ tịch là nhạc sĩ Anh Việt (đại tá Trần Văn Trọng). Tổng thư ký là nhà thơ Tô Kiều Ngân (đại úy Lê Mộng Ngân), Phó Tổng thư ký là nhà văn Dương Nghiễm Mậu (Phí Ích Nghiễm). Ủy viên báo chí là nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh (đại úy, Ủy viên nhà văn Nhật Tiến (binh nhì) , Ủy viên thơ, nhà thơ Tường Linh ( trung sĩ 1 Nguyễn Linh), Ủy viên sân khấu nhà văn Viên linh(binh nhì Nguyễn Nam).
Ghê nhất là Chủ tịch danh dự; Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương) và 3 cố vấn là 2 chuẩn tướng và một đại tá.
Đây là một hội văn nghệ sĩ mà nghe thấy đủ mùi thuốc súng đì đùng, phi cơ bay ầm ầm. Ai dám đụng vào là từ chết tới bị thương. Chẳng biết có phải như vậy chăng mà tuần báo Khởi hành của Hội Văn nghệ sĩ quân đội đã góp mặt trên văn đàn sài Gòn cũng hoành tráng tráng ...
Lê Văn Nghĩa
(tr. 271 - 272 Văn học Sài Gòn/ Những chuyện bên lề)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét