Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

 Huy Phương với hai tác phẩm mới: ‘Nước Non Nghìn Dặm’ và ‘Quê Hương Khuất Bóng’


VĂN LAN/Người Việt



WESTMINSTER, California (NV) – “Nước Non Nghìn Dặm” và “Quê Hương Khuất Bóng” là hai tác phẩm mới của nhà văn Huy Phương vừa ra mắt độc giả lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 9 Tháng Bảy tại phòng hội nhật báo Người Việt.


Đây là hai tuyển tập tạp ghi thứ 9 và thứ 10 của nhà văn Huy Phương, được xuất bản tại Hoa Kỳ, trong vòng 15 năm, kể từ năm 2002 đến nay.



Buổi ra mắt sách có sự hiện diện của đông đảo thân hữu, bạn học, bạn tù, và đồng hương, những người yêu mến văn của Huy Phương.


Hai nhà báo Phan Tấn Hải và Đinh Quang Anh Thái được mời làm diễn giả giới thiệu về “Nước Non Nghìn Dặm” và “Quê Hương Khuất Bóng” của tác giả Huy Phương.


MC Đinh Sinh Long nhận xét “cây bút Huy Phương sâu sắc, tinh tế, dễ yêu, can đảm, bền bỉ, hiếm hoi,” và kết luận: “Ông là người viết tạp ghi hay nhất trong làng báo hải ngoại, có nhiều độc giả yêu thích.”


Buổi ra mắt sách được tô điểm thêm màu sắc bằng chương trình ca nhạc với sự góp mặt của nhóm văn nghệ thân hữu gồm các ca sĩ Kim Cúc, Quỳnh Hương, Tường Vân, Minh Châu, Ngọc Diệp, và Bác Sĩ Trần Việt Cường, bằng những ca khúc rung động lòng người với tình yêu quê hương non nước.


Nhà báo Phan Tấn Hải nhận xét: “Huy Phương là một người mà tất cả chúng ta đều thấy có một phần của mình trong văn của ông, bởi vì bản thân ông có một cuộc đời rất điển hình cho lịch sử của quê nhà nhiều thập niên qua. Là một nhà giáo, nhà binh, nhà thơ, nhà văn, người tù và là một người lưu vong viễn xứ, những gì ông viết lên đều nằm trong bối cảnh đó qua những lăng kính, những kỷ niệm, suy nghĩ từ hải ngoại nhìn về quê nhà.”


“Do vậy chúng ta mỗi người đều có một phần đời, không ở trang này thì cũng ở trang kia trong những tác phẩm của Huy Phương. Đặc biệt là trong hai tác phẩm ra mắt ngày hôm nay, đó là phận đời của cả một dân tộc.”


“Nước Non Ngàn Dặm cũng là nỗi buồn bất tận, từng trang một đều là những trang giấy rất buồn, là sự thật trần trụi ở quê nhà, nhưng được diễn lại trong một dòng văn rất đẹp, viết từ một người đã trải qua những chặng đường cực kỳ gian nan lịch sử nơi quê nhà, trong đó vẫn nồng thắm tình yêu thương con người và quê hương đầy sức mạnh, thu hút sự chú ý của người đọc.”


Cũng theo nhà báo Phan Tấn Hải: “Huy Phương đã ẩn mình sau trang giấy để kể về quê hương thời hậu chiến, văn chương của Huy Phương hay và quyến rũ khiến cho tôi có cảm giác khi rời cuốn sách ra, nước mắt chảy ràn rụa mà mình không ý thức được. Trong hai tác phẩm này, ta có thể nhìn thấy có một con số không rời nổi tâm hồn của Huy Phương, con số 1975.”


Bác Sĩ Trần Việt Cường nói: “Dù nước non nghìn dặm, dù quê hương khuất bóng nhưng không hề xa cách tình người, dù xa rời quê hương nhưng vẫn mãi thật gần trong tình tự dân tộc trong tác phẩm của Huy Phương.”


“Chuyện khó quên nhất là chuyện quê hương đất nước. Có tắt TV, không vào internet, không mở radio cũng nghe chuyện bên nhà. Có câu chuyện đọc một lần, có những bản tin mới nghe qua, đã hằn sâu trong tâm khảm, như vết chém xuống, không tài nào trở thành sẹo trong chốc lát. Có những hình ảnh in đậm trong trí nhớ, mỗi đêm trở giấc, không tài nào ngủ lại được.” (Trích chuyện “Nhớ Nhớ Quên Quên” trong tác phẩm “Quê Hương Khuất Bóng”)



Nhà văn Huy Phương ký tặng sách độc giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái nêu cảm nghĩ: “Ở hải ngoại nhiều người cầm bút viết về quê nhà, hiếm có người như Huy Phương. Chúng ta đọc những bài viết của ông, trong những tựa đề đều thấy những chữ quê nhà, lạnh lùng, quê người, xót xa, ngậm ngùi, Tháng Tư,… Ông sống mà vẫn khắc khoải nhớ về quê nhà, quê hương luôn canh cánh bên lòng!”


“Ông viết để chống cái ác ở Việt Nam hiện nay, nhưng cũng ngòi bút ấy ông viết để tìm cái thiện trong lòng người, như khi nói về người bán vé số rất nghèo khổ đã trả lại cái iphone 6 khi nhặt được. Điều đó chứng tỏ cái thiện là mầm mống đang nẩy nở trên đất nước. Ông chống cái ác hôm nay nhưng vẫn cổ súy cái thiện để hy vọng cái thiện sẽ tiếp tục nảy nở trong những thế hệ sắp tới, để có một ngày chúng ta được khôi phục.”


Nhận xét về cung cách ứng xử và ý tưởng của Huy Phương, nhà báo Đinh Quang Anh Thái cũng chân tình khi cho rằng: “Đọc văn ông, sẽ thấy cung cách của một nhà giáo, chọn chữ nghĩa khi viết rất cẩn thận, khiến chữ nghĩa trở nên ‘tử tế’ hơn. Ai đã từng gặp một ông già tóc bạc, đi đứng chững chạc, ăn mặc hơi đỏm dáng, đó là cung cách của một nhà giáo, lúc nào cũng tỏ lòng tôn trọng người đối diện.”


Trong lời tâm tình, nhà văn Huy Phương ngậm ngùi tưởng nhớ hai người bạn thân đã ra đi, đó là nhà văn Bùi Bảo Trúc và bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn. Ông nói “đã qua tuổi 80 nên còn sống được thì phải làm hối hả đi, để khỏi phải hối hận khi nằm xuống.”


Ông nói, “Được đón tiếp mọi người đến đây trong không khí ấm áp tình thân của những bạn tù, bạn học, bạn văn chương là điều an ủi lớn. Không biết ngày mai sẽ ra sao, những gì san sẻ trong những cuốn sách, nay được hai diễn giả nói hết rồi, và Đinh Sinh Long đã hòa điệu hai tác phẩm ra mắt hôm nay với chương trình văn nghệ.”


“Trong chiều hôm nay, chúng ta đã trải qua những nỗi ám ảnh về quê hương, về những gì đã mất, xin cảm ơn mọi người đã đến chia sẻ, thật là niềm an ủi. Trong hai tác phẩm này chính là tâm trạng của một người đã bỏ quê hương, tạp ghi là những mãnh vụn được ráp lại để thấy cái toàn cảnh của quê hương, đó là tấm lòng của chúng ta nghĩ về quê nhà,” nhà văn Huy Phương chia sẻ.


Trong phần tâm tình của mình, Giáo Sư Dương Ngọc Sum cho biết ông là bạn học với nhà văn Huy Phương ở trường Sư Phạm từ năm 1955. Hai người có hai khuynh hướng khác biệt nhau, ông thích thể thao, thành lập những đội bóng chuyền, bóng bàn, hàng ngày cứ đổ mồ hôi trên sân bóng. Còn Huy Phương lại chạy theo văn nghệ, với cây đàn guitar.


“Với những khuynh hướng đầu tiên đó, từ trường học đã đưa hai người theo hai ngã rẽ cuộc đời, một là ngành giáo dục mà ông theo đuổi cho tới ngày mất nước. Còn Huy Phương lại phát triển theo hướng văn học nghệ thuật, mà khi tỉnh ngộ tôi muốn bắt chước mà không được,” Giáo Sư Sum cho biết.


Ông Lê Tất Giao, cựu đại úy giải phẫu quân y thuộc Tổng Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng trước 1975, cho biết ông đọc những bài viết của nhà văn Huy Phương trên báo Người Việt hàng ngày.


“Hai tác phẩm ra mắt này là viên ngọc quý cho người Việt chúng ta, đọc để không quên tổ quốc, cho con cháu chúng ta sau này hiểu được quê hương ta yêu quý như thế nào, nhất là nhớ bài học lịch sử dù có bị đô hộ bao nhiêu năm vẫn dành lại được độc lập,” ông Giao nói.


Nhà văn Huy Phương xuất thân là nhà giáo, dạy học tại trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, động viên khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông từng tốt nghiệp khóa sĩ quan báo chí tại Hoa Kỳ, là biên tập viên báo chí và phát thanh, phụ trách tòa soạn báo Chiến Sĩ Cộng Hòa và Tiên Phong của Quân Lực VNCH. Ông cũng từng giữ chức vụ Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến và Chính Huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sau 1975, ông bị 7 năm lao tù cộng sản. Ông đến Hoa Kỳ năm 1990. Nhà văn Huy Phương hiện sống cùng gia đình tại Irvine, Nam California.


VĂN LAN


source: nguoi-viet.com>


lời bàn: 

-   Huy Phương [Lê Nghiêm Kính 1938 -     ]  ra mắt cuốn sách cuối cùng , nghỉ hưu ở tuổi 83.  Bài thơ đầu tiên đăng vào năm 1952, tác giả 15 tuổi.  Sau năm 1975,  học tập cải tạo về, chờ xuất cảnh, ông bán báo lẻ ở trước cổng Bệnh viện  Chợ Rẫy ( cổng phụ) .   Đó là lần duy nhất sau 1975, tôi gặp lại Huy Phương.

Thế Phong/ Sài Gòn, Dec., 6/ 2020

                        

                                              ============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét