THẾ NGUYÊN & VĂN CHƯƠNG DẤN THÂN
Lê Văn Nghĩa
Thế Nguyên - Trần Gia Thoại (còn ký bút hiệu là Tràn Trọng Phủ), theo Thế Phong, là con một của một gia đình "phú gia địch quốc Nam Định". Khi vào Nam, bố mẹ ông đã mua căn nhà số 291 Lý Thái Tổ, một địa chỉ mà sau này trở thành nhà in, tòa soạn của tạp chí Đất nước, của Trình bầy. Địa chỉ của một nền văn chương dấn thân, khuynh tả.
Quyển sách nổi tiếng và làm ông bị lên án thời đó là Hồi chuông tắt lửa. Nhà văn Thế Phong viết về hoàn cảnh ra đời của quyển sách đó như sau:
"Khi Trần Gia Thoại trở thành công chức làm ở Khu Tạo tác Trại Đào Duy Từ (Phú Thọ) - cùng tôi xúc tiến sách ronéo với tư cách tổng thư ký Đại Nam Văn Hiến xuất bản cục, tôi nhớ mang máng, khoảng đầu năm 1963, đi làm về, anh ghé tôi, mang theo những trang bản thảo Hồi chuông tắt lửa đã viết được trong ngày đưa đọc để góp ý. Đâu đó vài tháng sau, anh đưa tập đánh máy stencil bản thảo để tội đọc và tìm một nhà in ronéo tin cậy ở Hai Bà Trưng Tân Định in vào ban đêm cho an toàn ...
Thế Nguyên gửi tôi Hồi chuông tắt lửa, nhắc đưa tặng Uyên Thao - Trưởng phòng Kiến thức phổ thông Đài Phát thanh Sài Gòn - thì đâu đó, chỉ một hai ngày - trên Đài Phát thanh điểm sách Hồi chuông tắt lửa - Uyên Thao khen cuốn tiểu thuyết hay với cách viết độc đáo của tác giả. Thế là các "cha xứ nhà thờ" thân chế độ họ Ngô, đùng đùng phẫn nộ, phản ứng quyết liệt ... Sao Đài phát thanh quốc gia lại đọc bài viết khen cuốn tiểu thuyết của tên phản động nội ứng Việt Cộng nào đó, dám vu cáo linh mục có con riêng ?!."
Như vậy, quyển Hồi chuông tắt lửa xuất bản lần đầu tiên bằng bản ronéo đến năm 1964 mới được Nhà xuất bản Nam Sơn in typo.
Với Hồi chuông tắt lửa, Gs Huỳnh Như Phương cho rằng:" Đây là là một trong những tác phẩm văn xuôi đặc sắc ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, nhưng chưa được giới nghiên cứu, phê bình quan tâm thích đáng".
Gs Phương, từ quan điểm hiện tượng luận để soi chiếu tác phẩm này đã nhận định: " Có thể nói Hồi chuông tắt lửa là một tác phẩm hòa quyện chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện sinh và kỹ thuật miêu tả hiện tượng luận ..." ... Ông bài bác thứ "văn chương hiện sinh" theo đuôi, làm dáng, đồng thời đề cao văn chương hiện sinh dấn thân, trong đó con người phản tỉnh về thân phận của mình, thông qua những kinh nghiệm sống trong một hoàn cảnh cực đoan của đất nước: (Giấc mơ và cảnh tượng cái nhìn, Nxb Hội Nhà văn 2019, tr. 95).
Thế Nguyên tiếp tục con đường văn chương dấn thân thiên tả khi làm tờ Kỷ nguyên mới, chủ nhiệm văn chương Văn mới, thư ký tòa soạn các tạp chí Đất nước, Nghiên cứu văn học, chủ nhiệm tạp chí Trình bầy, nhật báo Làm dân.
Nhà thơ Nguyên Sa, sau này chơi thân với nhóm Trình bầy khi từ bỏ "nền văn chương trú ẩn" (chữ của Nguyên Sa khi nói về văn chương của nhóm Sáng tạo), đã viết về Thế Nguyên như sau: " Tôi biết thật rõ Tòa soạn Trình bầy có biết thật rõ chủ nhiệm Trình bầy là bạn Thế Nguyên, tác giả của truyện tôi rất thích là cuốn Hồi chuông tắt lửa. Buổi chiều phía trước Tòa soạn Trình bầy mát, nhà hướng đông, chúng tôi uống lade. Thế Nguyên chiều nào cũng có lade và đậu phộng hay thịt bò khô cho tôi. Tôi tới là Thế Nguyên mang đồ nhậu ra. Tôi uống vui vẻ, Thế Nguyên nhìn tôi cười hồn nhiên . Tôi nói thôi, nói rồi mới uống, Thế Nguyên cũng mở chai, đẩy đĩa đậu phộng tới. Tôi vẫn cảm thấy quý mến những người cho tôi đồ ăn. Tôi cảm thấy như giữa chúng tôi được thiết lập vô hình một liên hệ thịt da. Buổi sáng ngôi nhà ở đường Lý Thái Tổ này nắng chói chang, phòng ngoài hầm hập, chúng tôi rút vào căn phòng trong, ngay kế bên thợ in sắp chữ làm việc ngồi trò chuyện. Thế Nguyên vẫn đẩy chai bia và món nhậu. Thế Nguyên là nhà văn đứng về phía tả, nhưng tôi vẫn thấy anh đứng về phía hữu. Tôi không thấy tác giả Hồi chuông tắt lửa là chính ủy, tôi thấy là tu sĩ. Tôi thấy Thế Nguyên là một gã giang hồ. Tôi thấy anh muốn thế thiên hành đạo. Tóc cắt ngắn, gầy cao, răng hơi hô, đều hai hàm, mắt hiền hòa những khi đối đầu bật ra những tia quyết liệt của người chọn lựa đứng yên tại chỗ, dù bị quật ngã, không lùi. Tôi nhìn thấy Thế Nguyên đầu ngửng cao, người đứng thẳng, những tia mắt quyết liệt khi đối đầu, nhưng cho tôi, bao giờ cũng chỉ một Thế Nguyên hiền hòa, thân tình ân cần và rộng lượng". (Nguyên Sa hồi ký, tr. 167).
(trang 38- 40)
Lê Văn Nghĩa
===========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét